Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông nói về chuyện " đi đêm" giữa đại biểu QH và quan chức Chính phủ ?



Phần 1

Những "áp lực vô hình" đè lên một vị ĐBQH

“Có bộ phận cán bộ, nhân dân không đồng tình và cho rằng trong thời buổi “xin – cho” như thế này, mình là đại biểu địa phương chất vấn Thủ tướng, Phó Thủ tướng gay gắt như thế sẽ ảnh hưởng đến "xin – cho" của tỉnh”, ĐBQH Lê Văn Cuông nói.
Đầu tháng 1 vừa qua, Quốc hội đã long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Nhân dịp năm mới và chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra, phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông – Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI, XII, đoàn ĐBQH Thanh Hóa về những năm tháng gắn bó của ông với nghị trường và những vấn đề cần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới. Do bài phỏng vấn quá dài nên chúng tôi tách ra làm 3 phần để bạn đọc dễ theo dõi.
Thưa ĐBQH Lê Văn Cuông, dù ông không còn tham gia nghị trường nhưng nhiều người vẫn nhắc tới ông như là một trong những người hay chất vấn đến cùng với các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, thậm chí là Thủ tướng về các vấn đề cử tri quan tâm. Ông có thể chia sẻ về những điều ông thường hay chất vấn không?
Tôi là ĐBQH hai khóa XI, XII. Chuyện tôi hay phát biểu là do qua quá trình tiếp xúc cử tri thấy họ phản ánh và nêu lên với QH những vấn đề bức xúc, nỗi khổ trong cuộc sống.
Ví dụ như, người ta thấy một bộ phận cán bộ ngày càng xuống cấp về đạo đức. Những người tiêu biểu phải gìn giữ để đảm bảo uy tín cho Đảng, Nhà nước nhưng lại có những động thái xuống cấp đạo đức cho nên người dân rất bức xúc. 

Thứ hai, vấn đề chạy chức chạy quyền ngày càng xảy ra phổ biến. Tôi đã từng phát biểu có những chức rất bé như trưởng thôn nhưng ở nhiều nơi cử tri cũng thấy có biểu hiện chạy chọt. Còn chức to lại càng chạy nhiều. 
Đặc biệt là vấn đề tham nhũng tiêu cực xảy ra tràn lan, có luật rồi nhưng vẫn không ngăn chặn được. Các loại chạy khác như: chạy tuổi, huân huy chương, chạy án cũng có. Có thể nói những cái gì có lợi người ta đều chạy, kể cả vấn đề thương binh giả người ta cũng chạy. 
Gần đây, có chế độ cho người tâm thần người ta cũng chạy vì lấy được trợ cấp… Những loại chạy này không những không ngăn cản được mà ngày càng phát triển. 
Việc ngày càng phát triển là do những nhà lãnh đạo, đứng đầu cơ quan tổ chức “bật đèn xanh” để trục lợi. Thường cán bộ đứng đầu là Đảng viên nhưng người ta nói những người đó là những người không gương mẫu nên tiêu cực phát sinh… 
Trong những ngày tôi làm ĐBQH, người dân người ta gửi gắm, yêu cầu mình phải có tiếng nói lên trên để Đảng, Nhà nước có biện pháp ngăn chặn, để đảm bảo công bằng xã hội. Chính vì thế, những vấn đề này đã được tôi nêu ra khi thảo luận tại các buổi truyền hình trực tiếp, nhưng thấy tình hình không có chuyển biến nên tôi đã phải chất vấn đến các Bộ trưởng rồi Phó Thủ tướng, thậm chí cả Thủ tướng về nhiều vấn đề.
ĐBQH khóa XI, XII Lê Văn Cuông
- Vậy thường thì các phần trả lời chất vấn có khiến ông hài lòng?

Nhìn chung không hài lòng vì đa phần các câu trả lời là né tránh. Ví dụ như, tôi chất vấn về vấn đề chạy chức, chạy quyền, chạy việc với Bộ trưởng Nội vụ cả hai khóa XI, XII, đều chất vấn 3 lần nhưng Bộ trưởng không những trả lời không thẳng vấn đề mà còn chất vấn lại “Nếu đại biểu thấy chỗ nào có việc chạy chức chạy quyền nói với Bộ trưởng để biết và cùng địa phương xử lý việc đó”.
Tuy nhiên, đến lúc tôi đưa ra một số thông tin và một số trường hợp người dân tố cáo chạy chức, chạy quyền thì Bộ trưởng lại né tránh, không xuống để xem xét xử lý mà lại đề nghị địa phương báo cáo lên. 
Thực ra, người dân không tin người ta mới lên trung ương nhưng trung ương lại làm cái bài chuyển xuống địa phương báo cáo lên để lấy kết quả gửi ĐBQH nên tôi cũng không hài lòng. 
Hay một số trường hợp chất vấn Phó Thủ tướng về chất lượng giáo dục cho thành lập tràn lan các trường ĐH nhưng chất lượng không đảm bảo, sinh viên ra trường không xin được việc làm nhưng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục khi đó lấy số liệu sinh viên có việc làm báo cáo trước QH. Qua khảo sát đến 70-80% có việc làm, tôi thấy quân số báo cáo nó không sát với thực tế.  
Hay vấn đề giáo dục mầm non, một ngành học rất quan trọng nhưng không được Bộ quan tâm để cho chị em không được biên chế nên thu nhập rất thấp và không có chế độ chính sách thỏa đáng cho nên chị em người ta "khóc", phản ánh với ĐBQH… Khi chất vấn thì Bộ trưởng cũng chỉ trả lời loanh quanh.  
Hay tôi chất vấn Thủ tướng về việc Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng hoạt động không quyết liệt bằng thời gian đầu, hoạt động ở các tỉnh còn mờ nhạt có phải do trưởng ban chỉ đạo là chủ tịch tỉnh vừa đá bóng vừa thổi còi hay không... Khi đó Thủ tướng cũng bực, nói: “Thế nào là đá bóng, thế nào là thổi còi?”. 
Tuy nhiên, sau này, Ban Chấp hành Trung ương thay đổi không để Ban chỉ đạo Trung ương do Thủ tướng đứng đầu nữa mà chuyển sang cho Tổng Bí thư. Ở các tỉnh, các ban cũng giải thể và không để cho chủ tịch tỉnh đứng đầu nữa. 
- Hay chất vấn thẳng thắn và truy đến cùng như thế, sau các buổi họp ông có chịu áp lực nào không?
Tôi bị áp lực nhiều chứ. Có thể nói trong những năm làm ĐBQH ngoài ý kiến được cử tri đồng tình, ghi nhận cho đến bây giờ về hưu nhưng người ta vẫn rất ca ngợi, là người mạnh dạn, nêu thẳng thắn vấn đề cử tri quan tâm.
Tuy nhiên, cũng có một bộ phận cán bộ, nhân dân người ta không đồng tình, người ta cho rằng trong thời buổi cơ chế xin cho như thế này, mình là đại biểu địa phương chất vấn Thủ tướng, các Phó Thủ tướng gay gắt như thế, hay phát biểu đến vấn đề nóng như thế sẽ ảnh hưởng đến cơ chế "xin – cho" của tỉnh, làm cho Trung ương không thiện cảm với địa phương cho nên người ta không đồng tình.  
Hay ý kiến tôi chất vấn Thủ tướng Chính phủ về việc "trên nói dưới không nghe", có chủ tịch tỉnh 5 lần Thủ tướng chỉ đạo nhưng vẫn không chấp hành mà không bị xử lý.
Ban đầu tôi không biết là ai nhưng sau đó được biết là Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô, sau đó tôi bị Chủ tịch tỉnh này dọa sẽ đề nghị với Tỉnh ủy Thanh Hóa kỷ luật. 
Tôi bị Bí thư, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Giang Hoàng Minh Nhất có văn bản kiến nghị dài 4 trang gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, 63 đoàn ĐBQH chất vấn: Đại biểu lấy căn cứ ở đâu khẳng định việc Chủ tịch tỉnh Hà Giang 5 lần không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Thứ hai, nếu không có chứng cứ đại biểu có trách nhiệm gì với nhân dân tỉnh Hà Giang?.
Vì gửi rộng rãi như vậy nên tôi buộc lòng phải làm rõ phát ngôn của mình.
Có trường hợp, tôi phát biểu, chất vấn gay gắt Thủ tướng Chính phủ về oan sai của một phó hiệu trưởng Trường dự bị ĐH Sầm Sơn do quyết định trái pháp luật của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo gây ra… nên đã bị Hiệu trưởng Trường dự bị ĐH Sầm Sơn gửi công văn kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH kỷ luật tôi về việc tại sao tôi nhận được đơn thư, được nhà trường yêu cầu xuống đó để kết thúc giải trình về đơn khiếu nại của phó hiệu trưởng mà không xuống nhưng lại chất vấn Thủ tướng về việc đó.
Việc này xảy ra khi tôi nhận được đơn khiếu nại của Phó hiệu trưởng bị Bộ trưởng ra quyết định miễn nhiệm không đúng quy định của pháp luật cho nên Bộ thông tin cho trường, trường làm công văn báo cáo lý do miễn nhiệm nhưng tôi không xuống, tôi làm đơn gửi Bộ, Bộ không giải quyết nên lại gửi cho Thủ tướng để thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ oan sai này. Tôi chất vấn Thủ tướng về sự chậm trễ nên các ông ấy cũng làm công văn đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét tư cách trách nhiệm của tôi về vấn đề nhà trường đề nghị xuống làm việc nhưng tôi không xuống mà cho văn phòng gửi công văn từ chối.
 - Vậy còn những Bộ trưởng hay lãnh đạo cấp trên, ông có bị sức ép nào?
Cái đó không gặp. Chỉ có khi chất vấn các vị thì một bộ phận cán bộ nhất là ở tỉnh người ta thấy không có lợi cho người ta về công việc và lo ngại đại biểu Thanh Hóa chất vấn như thế thì người ta không giúp đỡ cơ chế "xin – cho".  
Ngoài ra, có một số cá nhân người ta làm công văn đề nghị xem xét tư cách đại biểu QH của tôi.
Còn nữa...
Xuân Tùng (thực hiện)

Phần 2

Ông Lê Văn Cuông: "Nếu thu mình trong vỏ lợi ích thì làm ĐBQH sao được!"

“Nếu thu mình trong vỏ lợi ích thì làm sao làm ĐBQH được, làm sao đại diện cho dân được. Đại diện cho dân là anh sẵn sàng vì quyền lợi của đất nước, vì nhân dân chứ không phải chỉ chăm chăm vì lợi ích bản thân”, ông Lê Văn Cuông nói.
Đầu tháng 1 vừa qua, Quốc hội đã long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Nhân dịp năm mới và chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra, phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông – Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI, XII, đoàn ĐBQH Thanh Hóa về những năm tháng gắn bó của ông với nghị trường và những vấn đề cần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới. 
Do bài phỏng vấn  bao gồm nhiều nội dung nên chúng tôi tách ra làm 3 phần để bạn đọc dễ theo dõi.
- Thưa ông, tại một số kỳ họp QH gần đây, chủ tọa điều hành phiên họp thường cho nghỉ sớm vì không có ý kiến đại biểu nào phát biểu. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Thực ra vấn đề hoạt động của QH càng ngày càng phức tạp. Bây giờ nhiều khi người ta "vận động hành lang" hay “đi đêm”, hay gặp gỡ các Bộ trưởng bên ngoài giải quyết theo kiểu “lợi ích” chứ rất ít đại biểu nói trực diện, nói thẳng trên diễn đàn.


Có vấn đề gì người ta thường gặp gỡ nhau, hay các Bộ trưởng mời các đoàn đại biểu QH giao lưu ngày càng nhiều để có những chia sẻ, thông cảm. Đại biểu thấy có khi phát biểu thẳng thắn chẳng được cái gì nên tốt nhất là tìm cách để thế nào cho “hiệu quả” cho nên bây giờ người ta không hăng hái, nhiệt huyết, trách nhiệm. 
Bây giờ anh phát biểu đúng, trúng thì phải nghiên cứu rất công phu hay tìm hiểu rất kỹ thì mới chuẩn và chất lượng được. Thế nhưng bây giờ làm việc đó thì được cái gì? Cho nên người ta ngại va chạm, né tránh. Tuy nhiên, nếu phát biểu chung chung, hô hào khẩu hiệu thì mất uy tín cho nên tốt nhất không phát biểu.
Đó là số lượng phát biểu tại nghị trường mặc dù bố trí thời gian nhiều nhưng rất ít đại biểu phát biểu vì người ta ngại đọc, nghiên cứu, thể hiện trách nhiệm của mình… cho nên chỉ còn một số ý kiến đại biểu chuyên trách nêu một cách chung chung.
Bây giờ suy nghĩ của ĐBQH cũng phân hóa luồng tư tưởng nên qua mấy khóa vừa qua người ta cũng rút ra một số kinh nghiệm và tranh thủ tận dụng những năm tháng làm ĐBQH như thế nào cho hài hòa chứ không mang bầu nhiệt huyết vì dân vì nước nữa. Nhiều đại biểu QH người ta hoạt động mang tính chất tính toán có lợi cho cá nhân.  
ĐBQH Lê Văn Cuông phát biểu tại nghị trường QH.
- Vậy theo ông phải làm thế để khắc phục những nhược điểm trên trong hoạt động của Quốc hội?
Bây giờ tốt nhất là làm thế nào để có thiết chế bầu cử chuẩn xác, giới thiệu được  những con người thật sự vì nước, vì dân và phải có dũng khí, bản lĩnh, tinh thần, trí tuệ để đứng vào đội ngũ QH để bảo vệ lợi ích của đất nước. Còn bây giờ theo kiểu Đảng cử dân bầu và cách thức như lâu nay thì bầu theo kiểu này sẽ trở thành mảnh đất, cơ hội chạy chọt.
Bây giờ chạy vào QH là bình thường, có tiền là chạy được, có quan hệ thân là chạy được. Chạy vào đó để hưởng lợi, để đánh bóng thương hiệu thôi chứ không phải chạy vào đó là vì nước vì dân. 
Chưa nói đến một số vị bị bắt, bị truy tố, bị bãi miễn mà nhiều người cũng nằm ở vị trí thiếu tác dụng, thiếu gương mẫu trong phát ngôn lung tung mang tính chất tùy tiện, ngẫu hứng chứ không phải vì nước vì dân….  sẽ khiến QH yếu thế và giảm lòng tin của người dân. 
-  Ông vừa nói phải có thiết chế bầu cử chuẩn xác nhưng vấn đề là phải xây dựng thiết chế này thế nào?
Vấn đề là phải đổi mới sự giới thiệu các nhân sự ra ứng cử. Phải thực sự dân chủ, minh bạch, công tâm và phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân thực chất chứ không phải là hình thức, nhất là mặt trận nhân dân trong vấn đề hiệp thương giới thiệu.
Phải để cho người dân giới thiệu đại biểu ra ứng cử không thể để một bộ phận lãnh đạo “chỉ điểm” người này người kia ra, hoặc có biểu hiện "quân xanh quân đỏ", không có sự cạnh tranh, không có số dư…  
Lâu nay việc này mình làm rất hình thức. Tức là trong vấn đề bầu cử chưa bầu đã biết ai trúng rồi. Việc này chỉ làm mồi cho vấn đề chạy chức chạy quyền phát triển. 
Do mang tính chất áp đặt nên không bao giờ có đại biểu có chất lượng. Đại biểu có chất lượng là phải dân chủ từ nhân dân giới thiệu và phải có tranh cử (tranh cử người ngang sức ngang tài. Không thể một người chức cao lại tranh cử với một người nông dân. Như thế ai cũng biết ai sẽ trúng). Ví dụ, hai ông giám đốc sở thì chọn một ông chẳng hạn, hay hai ông chủ tịch huyện chọn một ông… 
Muốn có một đại biểu có chất lượng thì phải đổi mới bầu cử. Muốn đổi mới bầu cử phải thật sự dân chủ, khách quan, công tâm chứ không hình thức. 
-  Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp sau khi được dân cử lên vì “sức ép” nào đó, sau một thời gian vị đại diện cho dân cũng sẽ thu mình lại?
Cái cơ bản nếu chọn đúng những người có bản lĩnh thì có mất chức người ta cũng không sợ. Ví dụ, nếu chọn một đối tượng ở ngành giáo dục chẳng hạn thì phải toàn bộ ngành đó họ bầu trong hệ thống của họ từ cơ sở đến tỉnh để chọn ra đối tượng đó. Chứ nếu cơ cấu một giáo viên giáo dục thế là chọn ngay ở một trường A nào đó xong lại chỉ điểm vào đối tượng nào đó để cho các cơ quan tập trung vào để kéo ra được tên người đó thì nó không đại diện cho toàn tỉnh, thậm chí không đại diện cho toàn trường đó vì đó là kiểu “úp nơm” chỉ đạo.
Trước đây có trường hợp Nguyễn Viết Xuân đứng trước quân thù vẫn vẫy cờ "nhằm thẳng quân thù mà bắn". Thế nên bây giờ, một ĐBQH sợ mất quyền lợi hay thế này thế kia mà không dám nói lên thì không xứng đáng là đại biểu QH.
Nếu thu mình trong vỏ lợi ích thì làm sao làm ĐBQH được, làm sao đại diện cho dân được. Đại diện cho dân là anh sẵn sàng vì quyền lợi của đất nước, vì nhân dân chứ không phải chỉ chăm chăm vì lợi ích bản thân. 
Nếu anh phát biểu đúng, trúng vì nước vì dân, anh có thể bị thế này thế kia thì người dân người ta vẫn nghĩ tốt về anh, anh vẫn là người của nhân dân bầu ra. Nếu anh không phát huy được gì người ta chẳng biết anh là đại biểu QH.
Còn nữa...

Phần cuối

ĐBQH phải dám lên tiếng để "một đốm lửa đốt cháy cả cánh rừng"


"Là đại biểu mình phải phản ánh trung thực nhất ý kiến của người dân... Tôi bảo với họ rằng, một cánh én có thể không làm nên mùa xuân nhưng một đốm lửa có thể đốt cháy cả cánh rừng" - ĐBQH Lê Văn Cuông chia sẻ.
Đầu tháng 1 vừa qua, Quốc hội đã long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Nhân dịp năm mới và chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra, phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông – Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI, XII, đoàn ĐBQH Thanh Hóa về những năm tháng gắn bó của ông với nghị trường và những vấn đề cần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới. Do bài phỏng vấn quá dài nên chúng tôi tách ra làm 3 phần để bạn đọc dễ theo dõi.
-  Thưa ông, ngoài các hiện tượng như ông đã đề cập, hiện nay có tình trạng, tại các kỳ họp QH cuối khóa, một số ĐBQH sắp hết nhiệm kỳ thường phát biểu rất mạnh bạo. Ông nói sao về điều này?
Đây cũng có hai lý do. Thứ nhất là cơ hội. Anh chuẩn bị về hưu không còn cái gì để mất nữa, chuẩn bị hạ cánh. Còn nếu từ đầu nhiệm kỳ, sợ còn một số năm công tác ảnh hưởng đến công việc, lợi ích cho nên không phát biểu nhưng đến cuối nhiệm kỳ không còn gì để mất anh phát biểu để thể hiện mình là con người thế này thế kia… Người ta cũng biết ngay đó là động cơ không tốt, là cơ hội. 
Tuy nhiên, cũng có trường hợp do càng về cuối nhiệm kỳ kinh nghiệm người ta được đúc kết và sự mạnh bạo tăng lên và lúc đó có những cái bức xúc cả nhiệm kỳ dồn nén, thấy không chuyển biến và không tác dụng cũng làm cho người ta không chịu được nữa và phải thốt lên.

Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông
- Ông từng là một đại biểu QH phát biểu nhiều và truy đến cùng những vấn đề được nêu ra. Vậy các đại biểu cùng khóa nói thế nào về những vấn đề ông nêu ra? Có ai nói với ông rằng “ông Cuông ơi phát biểu vừa cho tôi nhờ”?
Cũng có người góp ý, họ bảo vấn đề này, tiêu cực thì cả xã hội, nêu lên giải quyết được vấn đề gì hay một số ĐBQH cũng nói nhiều nhưng có biến chuyển đâu, hay khổ lắm biết rồi nói mãi…
Tuy nhiên, tôi bảo trách nhiệm của ĐBQH thì hãy phản ánh ý kiến của lòng dân, còn mình không nói lên tiếng nói của người dân người ta sẽ băn khoăn nghi ngờ. Tại sao người ta phản ánh với đại biểu như thế mà đại biểu lại ngậm miệng ăn tiền. Lại không có ý kiến gì? Vậy đi tiếp xúc cử tri kêu gọi người dân phản ảnh làm gì?
Là đại biểu mình phải phản ánh trung thực nhất ý kiến của người dân còn người ta có tiếp thu không, có xem xét giải quyết không lại là vấn đề khác. Tôi bảo với họ rằng, một cánh én có thể không làm nên mùa xuân nhưng một đốm lửa có thể đốt cháy cả cánh rừng. Một vài tiếng nói của tôi có thể lạc lõng, không tạo nên áp lực mạnh nhưng vấn đề đó đụng chạm vào ai cũng sẽ lôi thôi.  
Ví dụ đụng chạm vào ông Nguyễn Trường Tô ở Hà Giang, sau bị cách chức, miễn nhiệm hết chức vụ như thế nhiều người cũng thấy sợ vì anh có tật giật mình, cũng nhắc nhở cảnh báo họ. Nếu không có ai nhắc nhở họ, họ càng lấn tới ngày càng vi phạm nhiều nhưng còn một vài người người ta vẫn dám nói thế thì cũng nhụt chí.
 - Quốc hội sắp bước sang nhiệm kỳ mới, ông kỳ vọng gì về QH khóa mới?
QH là một dòng chảy liên tục, mỗi khóa đều có cái thành tích riêng, đổi mới riêng. Khóa XI, XII chúng tôi tham gia cũng có đổi mới, kết quả riêng. Khóa XIII cũng để lại dấu ấn tốt.
Mỗi khóa đều để lại dấu ấn thành quả riêng, để lạ kinh nghiệm hay sự đổi mới riêng của từng khóa. Nhưng các khóa nó tạo ra dòng chảy liên tục, khóa sau kế thừa thành quả khóa trước nên tôi vẫn tin tưởng mặc dù vẫn còn hạn chế và biểu hiện này kia nhưng quy luật phát triển của xã hội và cuộc sống sẽ tác động đến suy nghĩ của ĐBQH. ĐBQH được Đảng cử dân bầu thì bản thân đại biểu phải đủ lực để đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và ý nguyện của người dân.
Tôi tin khóa Quốc hội mới, người dân sẽ sáng suốt chọn lựa được nhiều đại biểu tiêu biểu, các đại biểu phát huy được truyền thống, kinh nghiệm hoạt động của các khóa trước sẽ hoạt động tốt hơn.
Trước đây rất ít những đại biểu phát biểu thẳng thắn, quyết liệt do người ta cũng sợ sẽ bị ảnh hưởng đến vai trò nhưng qua các khóa QH thấy nhiều đại biểu QH phát biểu thẳng thắn, quyết liệt nhưng không bị ảnh hưởng gì lớn mà còn sống tốt trong lòng dân. Mặc dù nghỉ hưu nhưng người dân vẫn nhắc cho nên các đại biểu cũng không sợ, nên người ta vững tin để phát biểu thẳng thắn, có chất lượng.
Tôi vẫn tin mặc dù có đại biểu thế này thế kia nhưng số đông vẫn có dũng khí, bản lĩnh, tinh thần trí tuệ, tinh thần trách nhiệm để chuyển tải ý kiến của lòng dân lên diễn đàn QH, theo dõi giám sát để cho các ý kiến của dân vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Chúc ông và gia đình năm mới an khang, hạnh phúc!
Xuân Tùng (thực hiện)
Tuấn Minh (Thực hiện)

“Chạy vào Quốc hội là... bình thường"!?




(Dân trí) - Đến ĐB Quốc hội mà còn “chạy là bình thường” thì đúng là “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền” đang hiện hữu. Một khi Đại biểu Quốc hội mà “có tiền là chạy được”, đến khi đạt được mục đích, tránh sao khỏi tâm lý ít nhất là “hoàn vốn”?!



(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Chỉ đầu năm 2016, chúng ta đã và sẽ thực hiện 2 sự kiện trọng đại, có tính quyết định vận mệnh của đất nước không chỉ trong vòng 5 năm tới mà còn cả những năm sau này.
Đó là Đại hội Đảng XII (vừa kết thúc) và cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới.
Nếu Đại hội là chiến lược về sự lãnh đạo của Đảng thì Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Do đó, nhân sự của Ban chấp hành Trung ương Đảng quan trọng bao nhiêu thì nhân sự của Quốc hội cũng quan trọng không kém.
Về nhân sự Đảng, có thể còn có những ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản, Đại hội đã bầu được một Ban chấp hành Trung ương tốt nhất, với những đòi hỏi rất khắt khe. Đặc biệt, 19 gương mặt trong Bộ Chính trị là những đại biểu ưu tú nhất hiện nay của Đảng.
Đối với Quốc hội, việc đặt chất lượng đại biểu lên hàng đầu không chỉ là để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng XII mà còn là nguyện vọng của cử tri cả nước.
Nhìn thẳng vào sự thật mà nói, dù chất lượng Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua về cơ bản là tốt, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, làm tốt trách nhiệm của mình, có tới 3 đại diện (đều là nữ) thuộc Quốc hội được Đại hội tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị thì cũng còn có một số đại biểu chưa đạt chất lượng là đại diện của cử tri, chưa xứng đáng với vai trò thành viên của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Thậm chí, có những trường hợp gian dối trong kê khai lý lịch, tham ô, tham nhũng, vi phạm pháp luật và cả những phát ngôn hồ đồ, thiếu thận trọng, thiếu suy nghĩ, thiếu cả văn hóa tối thiểu.
Không phải vô cớ mà trong cuộc thảo luận tại tổ ngày 5/11/2014 về Luật Bầu cử, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề xuất Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nên cụ thể hoá tiêu chuẩn đã được ghi trong Hiến pháp. Ứng viên phải có đầy đủ hồ sơ khi tham gia ứng cử và lý lịch tư pháp. Đặc biệt trong giấy khám sức khoẻ cần có cả trắc nghiệm về thần kinh, tâm lý.
Còn ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) thốt lên đầy chua chát: “Ai cũng làm đơn ứng cử được, thậm chí một người mới từ bệnh viện tâm thần xuất viện cũng ứng cử được” - (Báo Dân trí, bài “Ứng viên đại biểu Quốc hội phải được khám sức khỏe... tâm thần?”).
Song, một điều còn đáng lo ngại hơn cả bệnh “tâm thần”, đó là “chạy” vào Quốc hội.
Trả lời phỏng vấn báo Infonet của Bộ Thông tin & Truyền thông ngày 9/2 vừa qua, bài “Ông Lê Văn Cuông: "Nếu thu mình trong vỏ lợi ích thì làm ĐBQH sao được!", vị ĐB Quốc hội hai nhiệm kỳ XI, XII, đoàn ĐBQH Thanh Hóa đã thẳng thắn: “Bây giờ chạy vào Quốc hội là bình thường, có tiền là chạy được, có quan hệ thân là chạy được. Chạy vào đó để hưởng lợi, để đánh bóng thương hiệu thôi chứ không phải chạy vào đó là vì nước, vì dân”.
Đến ĐB Quốc hội mà còn “chạy là bình thường” thì đúng là “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền” đang hiện hữu.
Một khi Đại biểu Quốc hội mà “có tiền là chạy được” thì khi đạt được mục đích, tránh sao khỏi tâm lý ít nhất là “hoàn vốn”?!
Bùi Hoàng Tám

Không có nhận xét nào: