Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Tiểu ban an ninh: Tổ chức phản động đứng sau một số người ứng cử Quốc hội

Trong 47 trường hợp tự ứng cử khu vực Hà Nội, Tiểu ban an ninh Hội đồng bầu cử Quốc gia cho rằng có tổ chức phản động cung cấp tài chính để vận động bầu cử cho một số người.
Tại buổi làm việc của đoàn giám sát công tác bầu cử do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu với thành phố Hà Nội sáng 15/3, một số đại biểu đã nêu ý kiến về các trường hợp tự ứng cử đại biểu Quốc hội.
tieu-ban-an-ninh-to-chuc-phan-dong-dung-sau-mot-so-nguoi-ung-cu-quoc-hoi
Sau gần một tháng nhận hồ sơ, Hà Nội tiếp nhận 47 hồ sơ tự ứng cử. Ảnh:HH.
Theo một thành viên đoàn giám sát, Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia nhận định kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn, đã hình thành phong trào tự ứng cử.

Trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, "một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động", ông cho hay, tuy nhiên ông không nêu cụ thể trường hợp nào.
Từ đây, ông cho biết sẽ có một số trường hợp tự ứng cử phải đưa khỏi danh sách sau các vòng hiệp thương. "Lúc đó chắc chắn một số trường hợp bị loại sẽ cho là không dân chủ. Họ sẽ vận động, lôi kéo cử tri không tham gia bầu cử hoặc đi bầu cử nhưng không bầu cho ai cả", ông nói.
Theo Trưởng tiểu ban tuyên truyền bầu cử thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong, ngoài một số trường hợp "tự ứng cử với mục đích khác", hồ sơ tự ứng cử tăng là điều đáng mừng vì nó thể hiện tinh thần dân chủ được đề cao thời gian gần đây và một số người mong muốn đóng góp cho xã hội, đất nước nên ứng cử. "Việc gia tăng số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn đã được thành phố dự báo trước", ông Phong nói. 
Kỳ bầu cử trước Hà Nội có 40 hồ sơ tự ứng cử, vì vậy con số 47 người lần này theo Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc "không phải quá cao", trong đó rất nhiều nhân sĩ trí thức tham gia vì muốn cống hiến cho đất nước.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc ứng cử, đề cử là mở rộng dân chủ tuy nhiên phải đảm bảo chất lượng, số lượng, cơ cấu theo quy định của pháp luật. "Hà Nội cũng cần giải quyết dứt điểm các khiếu kiện đông người, không để họ kéo đến trụ sở cơ quan trung ương; đảm bảo không để xảy ra tình huống bất ngờ, cháy nổ, tội phạm nghiêm trọng dịp bầu cử", Phó thủ tướng đề nghị.
Ông cũng lưu ý thành phố đảm bảo quyền lợi cho cử tri, nhất là các đối tượng được đi bầu theo quy định mới như: người trong trại tạm giam; người Việt Nam ở nước ngoài về.
Thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 87 hồ sơ ứng cử, trong đó 40 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu và 47 người tự ứng cử.
Trong 40 người được giới thiệu có 17 nữ, 3 người ngoài đảng, 3 người dưới 35 tuổi, 2 người dân tộc thiểu số, một thành viên ban đối ngoại Hội thánh tin lành, 6 đại biểu Quốc hội các khóa trước, 7 đại biểu HĐND thành phố, 2 đại biểu HĐND cấp huyện, 3 đại biểu HĐND cấp xã.
Ủy ban bầu cử thành phố nhận được 2 đơn tố cáo của công dân với cán bộ chủ chốt cấp huyện và đã xử lý theo quy định.

Võ Hải

Không có nhận xét nào: