Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Ông Cự có thể ngồi tù 20 năm; Formosa Hà Tĩnh: 'Sinh tử phù' của VN?; Điều kiện tha tù trước thời hạn áp dụng từ năm 2016

Nguyễn An Dân

  • 5 giờ trước

Image copyrightAFP
Image captionLãnh đạo Formosa Hà Tĩnh đã nhận lỗi về vụ cá chết, và cam kết bồi thường cho Việt Nam 500 triệu đô la

Trong tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung có một công cụ được dùng để khống chế sức mạnh của các nhân vật võ hiệp. Đó là “sinh tử phù”, được cấy vào cơ thể người luyện võ nhằm suy yếu, triệt tiêu sức đối kháng và chi phối tư duy, hành động của họ.
Có vẻ như đến nay, sau diễn biến tại Quốc hội và những thông tin có được xung quanh, dường như Formosa cũng có vẻ là một “sinh tử phù” trên cơ thể Việt Nam và đang phát huy giá trị như thế.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đánh giá toàn diện về “thảm họa cá chết” tuy có nhiều thông tin nhưng chưa đủ, và theo tôi chưa vạch ra vấn đề trách nhiệm của từng cá nhân, ban bệ trong chính quyền.

Những nét quan trọng mà tôi viết dưới đây chưa thấy trong báo cáo đánh giá của Chính phủ nên xin phép bổ sung.

Mượn đầu heo nấu cháo?

Theo thông tin chính thức, vì Formosa Hà Tĩnh là dự án đầu tư lớn nhất hiện nay, quy mô vốn đăng ký 10 tỷ USD, có thể là mũi đột phá của ngành sản xuất thép, là yếu tố quan trọng giúp phát triển công nghiệp Việt Nam…, đủ thứ lời có cánh ca tụng khi cấp phép dự án.
Thế nhưng dường như mọi việc không có vẻ như thế.
Theo thuyết minh dự án được Formosa Hà Tĩnh công bố với Chính phủ Việt Nam, vốn đầu tư từ các cổ đông rót vào Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Formosa Hà Tĩnh là khoảng 3,5 tỷ USD. Còn lại 7 tỷ USD thì Formosa Hà Tĩnh sẽ vay ngân hàng trong và ngoài nước Việt Nam.
Tức là 70% tổng vốn đầu tư vào dự án Formosa cũng là không phải của họ.
Hóa ra họ không mang tiền vào Việt Nam nhiều như ta nghe họ nói.
Nếu vậy thì thực vốn đầu tư của Formosa Hà Tĩnh cũng chỉ ngang tầm với một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam, vì sao phải ưu đãi đủ thứ biệt lệ cho họ hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam?

Image copyrightDOISONGPHAPLUAT.COM
Image captionDự án Formosa Hà Tĩnh nhận được nhiều ưu đãi

Nếu vay ngoài Việt Nam, với thuyết minh kinh tế sơ sài về yếu tố gìn giữ môi trường và tỉ suất sinh lời thấp (có khi còn lỗ) như Formosa Hà Tĩnh, khả năng họ tự vay được là rất khó nếu không có Chính phủ Việt Nam đứng ra bảo lãnh.
Đừng đánh giá thấp kinh nghiệm của các ngân hàng tư bản nước ngoài có trong tay tỷ tỷ USD. Mong là Chính phủ Việt Nam lưu ý vấn đề này nếu có.
Nếu vay vốn trong nước, thì cũng là tiền chung của nhân dân, nghĩa là nhân dân phải bỏ tiền của mình ra cho người vay để họ… góp phần gây thảm họa môi trường của Việt Nam.
Dư luận rất lấy làm khó hiểu khi tại Thông báo số 219/TB-VPCP ngày 2/6/2014 của Văn phòng Chính phủ có nội dung đồng ý nâng hạn mức cho Formosa Hà Tĩnh được vay tiền tại các ngân hàng thương mại Việt Nam gấp bốn lần vốn đăng ký của họ.
Nghĩa là Formosa Hà Tĩnh chỉ thực sự đầu tư vào Việt Nam 3,5 tỷ USD, nhưng được vay… 40 tỷ USD tiền của nhân dân Việt Nam.
Nói theo kiểu dân gian là có vẻ như “tay không bắt cướp”.


Ngân hàng cho vay thì cái đầu tiên của họ quan tâm là thu hồi vốn trên tài sản đảm bảo để phòng ngừa rủi ro.
Về pháp lý, do là công ty trách nhiệm hữu hạn, chỉ chịu trách nhiệm trên vốn đăng ký, hóa ra họ được vay 40 tỷ USD trong nước nhưng trách nhiệm tài chính chỉ phải chịu 10 tỷ US như vốn đăng ký.
Các ngân hàng Việt Nam, nếu họ cũng vì “tâm huyết” với ý tưởng “giúp sức” cho Formosa Hà Tĩnh trở thành “mũi nhọn công nghiệp” của Việt Nam, thì e rằng một khi dự án không hiệu quả thì khả năng thu hồi vốn cũng trở nên rủi ro rất lớn.
Formosa Hà Tĩnh không có gì để thế chấp ngoài nhà máy hình thành từ... vốn vay, còn đất đai dự án là thuê của Việt Nam.
Viễn cảnh các ngân hàng chia nhau đống sắt vụn để vớt vát vốn cho vay là cái rất có thể xảy ra, và thế là nhân dân Việt Nam mất tiền. Tiền lệ này đã có từ dự án nhà máy thép Vạn Lợi với khoản… 1.700 tỷ đồng.
Ai chịu trách nhiệm cho Formosa Hà Tĩnh, ngay từ đầu, với kế hoạch mượn đầu heo nấu cháo vào Việt Nam hoạt động rồi được bơm thổi thành… nhà đầu tư chiến lược có thể… giúp đỡ Việt Nam phát triển?
Đến nay ngoài gần 4 tỷ USD vốn bỏ ra ban đầu với một dự án đang hình thành, có vẻ như Formosa hết tiền nếu vay vốn trong và ngoài nước không được.
Chưa nói các khoản khác, khoản đền bù 500 triệu USD cho “vụ cá chết” mà họ hứa đền bù cho Việt Nam chưa biết bao giờ mới lấy được.
Nếu Formosa mang đủ 10 tỷ USD vào Việt Nam như các nhà đầu tư nước ngoài khác khi đăng ký vốn, không có ưu đãi quá mức và qua thẩm định - quản lý đầu tư kỹ lưỡng, liệu rằng họ dám coi thường pháp luật Việt Nam như thế không?

Image copyrightAFP

Kinh nghiệm nắm kẻ có tóc không nắm kẻ trọc đầu của ông bà ta đã bị các cấp quản lý nhà nước bỏ quên.
Một cán bộ quản lý chủ chốt khi xưa ”có công” rất lớn để hình thành nên dự án Formosa Hà Tĩnh hôm nay đã được bầu vào Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Đây cũng là nơi ghi nhận và đề xuất phân bổ vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam, liệu rằng vị này vì có quá ưu ái Formosa Hà Tĩnh năm xưa mà tiếp tục “giúp đỡ” cho Formosa Hà Tĩnh được vay tiền thêm vài tỷ USD để hoàn tất dự án hay không là điều mà dư luận hoài nghi.

Đến khiêu khích chính trị?

Thông thường một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam luôn cố gắng xây dựng hình ảnh thân thiện với quốc gia sở tại.
Với tầm vóc của Formosa Đài Loan, tôi tin là họ không thể không biết điều này.
Nhưng biết và làm là hai chuyện khác nhau, có vẻ như Formosa Hà Tĩnh muốn “thử thách lòng kiên nhẫn” của chính quyền và nhân dân Việt Nam qua các va chạm chính trị.
Việc Formosa Hà Tĩnh tái phạm nhiều lần về vấn đề sử dụng lao động nước ngoài không phép, nhiều lúc lên đến vài ngàn người, là điều khó hiểu.
Ai cũng biết nếu sử dụng lao động bản xứ Việt Nam-Hà Tĩnh cho dự án là tiện lợi hành chính, tiết kiệm về chi phí, hạn chế rủi ro khác, thế nhưng họ không làm mà lại cho đem từ ngoài vào để gây phản cảm cho chính quyền, nhân dân Việt Nam.

Image copyrightTHANH NIEN
Image caption14 thanh niên Việt Nam đã phải ra hầu tòa liên quan tới vụ bạo loạn phản đối Trung Quốc tại khu công nghiệp Vũng Áng hồi tháng 5/2014
Image copyrightTUOITRE.VN

Vì sao như thế?
Vấn đề “thấy nhỏ mà không nhỏ” khác là miếu thờ tại dự án cũng thế.
Dù đã bị kiểm tra, đình chỉ, buộc tháo dỡ nhiều lần như Formosa Hà Tĩnh cũng không chấp hành, và đến nay miếu thờ vẫn tồn tại.
Đến vấn đề xin quy chế “đặc khu Vũng Áng” cũng thế, có vẻ như trước sự ưu ái quá mức của chính quyền Việt Nam, Formosa Hà Tĩnh được một tấc lại lấn thêm một thước, trong khi đến giờ số tiền mà Việt Nam phải chi ra để tạo cơ chế, hạ tầng cơ sở phục vụ việc đầu tư của họ chắc cũng gần bằng 3,5 tỷ USD của họ mang vào Việt Nam.
Tại sao những doanh nghiệp nước ngoài khác như Honda, Samsung... khi vào Việt Nam đều rất yên tĩnh làm ăn, cố gắng thân thiện với nhân dân, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và để kiếm tiền cho họ thì Formosa Hà Tĩnh rất hay “kiếm chuyện” để khiêu khích chúng ta như thế, hay động cơ của họ không chỉ là kiếm tiền khi quyết định đặt chân đến Hà Tĩnh?

Ai sẽ hóa giải?


Image copyrightSAM YEH AFP GETTY
Image captionVụ cá chết bất thường đã làm nổ ra nhiều cuộc biểu tình trên cả nước

Qua những nét tổng quan như thế cùng các thông tin khác mà chúng ta đã biết, cho thấy đến nay vấn đề Formosa Hà Tĩnh tồn tại và gây rối Việt Nam không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn có ý định “lợi dụng kinh tế” và khiêu khích chính trị
Nó có khả năng trở thành một "sinh tử phù" cấy trên cơ thể đất nước chúng ta.
Nó tác động không chỉ mô trường, mà còn có nguy cơ gây ra vỡ nợ kinh tế nếu vay được hơn vài tỷ USD nữa theo chủ trương thông báo của chính phủ, ảnh hưởng xấu đến nội bộ đảng cầm quyền, làm nhân dân hoang mang rối loạn.
Lấy nó ra thì đau đớn, vì đã để nó thấm vào sâu, mà để nó lại thì ăn ngủ không yên, sợ “thế lực thù địch” từ đủ các phương trời “lợi dụng”.
Trong tiểu thuyết, có hòa thượng Hư Trúc đứng ra hóa giải sinh tử phù cho quần hùng, còn sinh tử phù Formosa Hà Tĩnh hôm nay, ai sẽ hóa giải cho nhân dân Việt Nam?
Và những ai phải chịu trách nhiệm vì để "sinh tử phù" này cấy lên trên lãnh thổ Việt Nam?
Dư luận rất lấy làm lo ngại trước “quyết tâm” tiếp tục dự án và quan điểm “không đánh kẻ chạy lại” của một bộ phận trong chính quyền hiện nay.
Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của người viết, một độc giả từ Việt Nam.


vo-kim-cu-622.jpg
Ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Hà Tĩnh, người đưa Dự án Formosa vào Vũng Áng. File photo
Quan chức Việt khó xóa vết chàm Formosa

Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe


Trận bão số 1 của năm 2016 thổi vào miền Bắc gây nhiều thiệt hại, cũng là lúc dư luận Việt Nam đang có một trận bão khác với mắt bão là ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Hà Tĩnh, người đưa Dự án Formosa vào Vũng Áng.
Trách nhiệm của toàn hệ thống 

Trong những ngày qua ông Võ Kim Cự đã bị truyền thông báo chí nhà nước vùi dập tàn tệ, dù cha đẻ của dự án Formosa rõ ràng không thể là người đơn thương độc mã trao cho Formosa 3.000 ha đất và mặt nước ở Vũng Áng trong thời hạn 70 năm, để thành lập Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương với vốn đầu tư 10 tỷ USD.

Báo Tuồi Trẻ Online ngày 27/7 dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nói rằng, vụ Formosa, trách nhiệm không chỉ cá nhân ông Võ Kim Cự, ông Cự không phải là người quyết định và một mình ông cũng không thể quyết định cho cả tổ chức, hệ thống, các bộ ngành.

Trước đó vào sáng 25/7 Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đại diện cho cử tri Saigon, từ hành lang Quốc hội đã đề nghị Ủy ban kiểm tra Trung ương xem xét trách nhiệm cụ thể của ông Võ Kim Cự vì những sai phạm ở Formosa. Theo VTC News, LS Trương Trọng Nghĩa nói rằng cơ quan nắm cây roi kỷ luật của Đảng có thể mở điều tra ông Võ Kim Cự giống như cách làm với ông Trịnh Xuân Thanh nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa và VTC News, sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng không nên chậm trễ vì có thể gây ra những dư luận bất lợi. Cần làm rõ ông Võ Kim Cự có sai phạm hay không, mức độ sai phạm như thế nào và có ảnh hưởng đến các cương vị hiện tại của ông Võ Kim Cự hay không.
Đây là về công tác quản lý nhà nước, những cán bộ nào liên quan đến quản lý lãnh vực này và quản lý trực tiếp Formosa thì chắc chắn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn Formosa là chủ thể trực tiếp thôi. - LS Lê Văn Luân
Ông Võ Kim Cự thôi chức Bí thư, chủ tịch Hà Tĩnh trước thềm Đại hội Đảng 12. Ngày 16/10/2015 Bộ Chính trị đã điều động ông Cự về làm Bí thư Đảng đoàn Liên minh hợp tác xã Việt Nam, sau đó ông Cự tiếp tục trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 và được đưa vào Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Như vậy ông Võ Kim Cự vẫn là lãnh đạo cao nhất ở Hà Tĩnh cho tới giữa tháng 10/2015, ông không thể không biết việc Formosa thiết lập đường ống xả thải ngầm dài 1,5 km dưới đáy biển, cũng như việc Formosa chuẩn bị sản xuất thử. Những sự kiện này giải thích qui kết của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quảng Bình, khi ông cho rằng, ông Võ Kim Cự không thể chối bỏ trách nhiệm cá nhân của mình.

Trao đổi với chúng tôi vào tối ngày 28/7/2016,  Luật sư Lê Văn Luân thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội nói rằng, cần phân biệt hành vi Formosa xả thải chất độc chưa qua xử lý qua đường ống đặt ngầm không thể kiểm soát và trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, người ký giấy phép cho Formosa. LS Lê Văn Luân tiếp lời:

“… Không thể qui được cho ông Võ Kim Cự về hành vi nếu có xả thải độc. Đối với ông Cự là việc thẩm quyền cấp phép giấy đầu tư thôi, về Luật Đầu tư thôi. Còn việc xúc xả là hành vi trực tiếp, truy tố, khởi tố người trực tiếp gây ra những hậu quả nghiêm trọng đó. Và thứ hai là truy tố cả người có liên quan, ở đây là đầu tư và giám sát quản lý vì anh chịu trách nhiệm nên đã xảy ra việc đó. Đây là về công tác quản lý nhà nước, những cán bộ nào liên quan đến quản lý lãnh vực này và quản lý trực tiếp Formosa thì chắc chắn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn Formosa là chủ thể trực tiếp thôi.”

Báo Người Lao Động, bản tin trên mạng ngày 26/7 dẫn lời LS Trương Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nói rằng, hiện nay vẫn chưa có quy trình nào được khởi động xem xét trách nhiệm của ông Cự liên quan đến Formosa Hà Tĩnh.  Về trách nhiệm của các bộ ngành có liên quan trong vụ Formosa, LS Trương Trọng Nghĩa dẫn lời ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo kiến nghị của cử tri và nhân dân với Quốc hội tân nhiệm. Theo đó, cần phải xem xét trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong việc cấp phép, quản lý và giám sát Formosa vừa qua.

000_9Y4WA-400.jpg
Một phần nhà máy thép Formosa của Đài Loan tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hôm 4/12/2015. AFP PHOTO.
Như vậy về phía Chính quyền, ngoài ông Võ Kim Cự là người vận động cho dự án, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải còn có 14 Bộ trưởng và thuộc cấp cần phải xem xét trách nhiệm, khi cấp tốc phê duyệt để chỉ trong vòng 6 tháng, mà Formosa đã nhận được giấy phép đầu tư 70 năm ngược qui trình. Đó là nói về mặt chính quyền, về mặt Đảng sẽ dính líu tới nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tất cả các Ủy viên Bộ Chính Trị khóa 11.

Nhận định về vấn đề những ai phải chịu trách nhiệm và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất, khi chấp thuận cho Formosa đầu tư vào Vũng Áng với những ưu đãi ngoài sức tưởng tượng, TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động dân quyền nguyên Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội phát biểu với RFA:

“Toàn bộ việc cho Formosa vào…quá trình hoạt động ấy hoàn toàn là trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam và người đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng …Ông ấy thực sự phải là một người chịu trách nhiệm cao nhất về cái thảm họa môi trường này, bất luận kể cả việc ông Cự ký sai lẫn ông Nguyễn Tấn Dũng hay ông Hoàng Trung Hải vi phạm pháp luật khi đã làm ngược với pháp luật. Tất cả các quan chức này đều là cán bộ cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm pháp luật như thế thì người chịu trách nhiệm chính là ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng… Nếu ông ấy tỉnh ra… lệnh là phải xử thì cũng giống hệt như ông ấy chỉ thị xử ông Thanh ở Hậu Giang, ông Cự cũng thế, nếu ông ấy quyết thì sẽ xử… khả năng này là ít…”

Theo dõi sát báo chí Việt Nam, có thể thấy rằng nhờ Quốc hội tân nhiệm khởi sự các phiên họp, nên báo chí mới có dịp cạy miệng ông Võ Kim Cự, sau khi Chủ tịch Quốc hội lên tiếng chê trách thái độ trốn chạy báo chí của đương sự. Cũng khá ngạc nhiên khi báo chí nhà nước được kiểm soát chặt bởi Bộ Thông tin Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian trước nhiều thông tin hậu thảm họa cá chết bị gỡ bỏ, nhưng nay lại hợp đồng tác chiến tấn công trực diện ông Võ Kim Cự và báo chí cũng tha hồ để các vị đại biểu Quốc hội thẳng thừng về sự dính líu của toàn hệ thống Chính trị, trong việc cấp phép cho Formosa vào Vũng Áng.
Ông Cự có thể ngồi tù 20 năm 

Giả dụ ông Võ Kim Cự bị làm dê tế thần thì ông và các cấp lãnh đạo có lien quan có thể bị truy tố về tội gì. LS Lê Văn Luân trả lời câu hỏi này:
Ông Cự đã làm ngược, nói qui trình thì quan trọng nhất không phải là qui trinh nào mà vấn đề trình tự thủ tục theo luật định. Nếu ông ấy làm sai, sai ở đây là đảo ngược qui trình 50 năm và vượt quá thẩm quyền, ông ấy phê duyệt 70 năm trước khi chính phủ chấp thuận là hoàn toàn sai. -LS Lê Văn Luân
“Trách nhiệm đến đâu xử lý đến đó, theo thông tin cung cấp thì ông Cự đã làm ngược, nói qui trình thì quan trọng nhất không phải là qui trinh nào mà vấn đề trình tự thủ tục theo luật định. Nếu ông ấy làm sai, sai ở đây là đảo ngược qui trình 50 năm và vượt quá thẩm quyền, ông ấy phê duyệt 70 năm trước khi chính phủ chấp thuận là hoàn toàn sai. Sau đó được chấp thuận khi xin ngược lại thì đó hoàn toàn là một chuyện khác. Bây giờ gây ra hậu quả thì đó là hậu quả của hành vi sai. Hành vi hợp thức hóa hoàn toàn khác với việc đúng luật, cái đấy ông Cự phải chịu trách nhiệm. Còn quy trình ở đây là mơ hồ chung chung, quy trình là người ta tự đặt ra. Giới luật sư gọi là trình tự thủ tục theo luật định trong đó vấn đề thẩm quyền rất quan trọng, nếu mà đã sai, sai ở đây có thể hiểu là ngược, hoặc đứt đoạn, không chấp hành đúng thì đều là hành đông vi phạm nghiêm trọng. Tất cả những cái đó đều phải bị xét xử  trước pháp luật về tội cố ý làm trái qui định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.” 

Theo Luật hình sự về tội cố ý làm trái qui định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, điều 165 khoản 3 qui định phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên, hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. Khoản 4 ghi rõ, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ  một năm đến năm năm.

Như vậy ông Võ Kim Cự và các cấp thẩm quyền cao hơn ở Trung Ương bị chi phối bởi điều luật vừa nêu. Bởi vì phần trách nhiệm về thẩm quyền quản lý nhà nước trong vụ Formosa gây thiệt hại tới mức độ không thể tính được thành tiền.

LS Lê Văn Luân tiếp lời:

“Như ông Trần Hồng Hà nói, dự án này không đơn giản là một dự án kinh tế mà liên quan ảnh hưởng cả an ninh quốc phòng. Thế thì chuyện này là vội vàng xảy ra từ thời điểm trước, chính phủ trước, bắt đầu từ năm 2008 thời ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó có một loạt dự án khác đưa về chứ không chỉ có Formosa. Cái này là vội vàng mà bây giờ gây ra hậu quả tiền lệ chưa từng có. Đúng là nó ảnh hưởng đến cả an ninh quốc gia.”

Luật sư Lê Văn Luân nói với chúng tôi, qua vụ Formosa để lấy lại niềm tin của nhân dân thì chính quyền Việt Nam phải thượng tôn pháp luật, đây là mục tiêu của bất cứ quốc gia nào kể cả nhà nước Việt Nam. Đương nhiên phải sử dụng pháp luật để điều chỉnh xã hội và không nhân nhượng với bất kỳ ai, đặc biệt là quan chức, bởi vì quan chức mới là người có cơ hội, có quyền lực có khả năng để tham nhũng, để lạm dụng những kẽ hở.

Cho tới ngày 28/7/2016, chính quyền Việt Nam chưa truy tố Formosa ra tòa, cũng chưa có quy trình xem xét trách nhiệm quản lý của ông Võ Kim Cự và các giới chức có lien quan ở Trung uơng cũng như địa phương.

Nam Nguyên

(RFA)


Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1461/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Đề án được thực hiện từ năm 2016 (sau khi các quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện tại Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 và Nghị quyết số 144/2016/QH13 có hiệu lực thi hành).

Hàng năm tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, năn 2020 tiến hành tổng kết việc thực hiện đề án.

Quyết định nêu rõ, đối tượng, điều kiện xét đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định tại Điều 66, Điều 106 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Điều 106 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 quy định, người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 66 của Bộ luật này có thể được tha tù trước hạn khi có đủ các điều kiện sau:

Phạm tội lần đầu; có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù; có nơi cư trú rõ ràng.

Ý thức cải tạo tốt là một trong những yếu tố được xem xét tha tù trước thời hạn. ảnh: Thái Sơn.
Bộ Công an phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện thường xuyên theo quý.Việc tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 66 của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng Thẩm định hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có văn bản đề nghị và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu để thực hiện chức năng kiểm sát.

Đồng thời chuyển hồ sơ đến Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù để xem xét trước khi mở phiên họp xét tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Căn cứ kết quả xét, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện của Hội đồng xét, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có văn bản đề nghị và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để thực hiện chức năng kiểm sát, đồng thời chuyển hồ sơ đến Toà án nhân dân cấp tỉnh để xem xét trước khi mở phiên họp xét tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Căn cứ điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện và số lượng phạm nhân hiện đang quản lý thì dự kiến số người sẽ được tha tù trước thời hạn có điều kiện chấp hành tại địa phương, sau 2 năm thực hiện là khoảng gần 20.000 người.

Với số lượng người được tha tù trước thời hạn có điều kiện dự kiến như trên, thì trung bình mỗi đơn vị hành chính cấp xã quản lý từ 02 - 03 người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Ngọc Quang

(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào: