Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Ý kiến trái chiều của các chuyên gia về kết quả công bố thủ phạm gây cá chết; Nhà thơ Hoàng Hưng, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lên tiếng về lời xin lỗi của Formosa...; PGS, TS. Bùi Thị An: Formosa sẽ phải chi ra số tiền lớn hơn 500 triệu USD?; Có tên trong " hồ sơ đen" phá hoại môi trường: Vì sao Hà Tĩnh vẫn chào đón Formosa?; GS Mai Trọng Nhuận- nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: Vụ Formosa: “Chất ô nhiễm vẫn tồn lưu trong trầm tích mặt đáy biển”; Thịt ghẹ siêu rẻ: Dân buôn hải sản giật mình lo sợ

Các chuyên gia lên tiếng về kết quả công bố thủ phạm gây cá chết
Ba câu hỏi sau việc Formosa nhận trách nhiệm làm biển Việt Nam nhiễm độc 

                                                         Hoàng Hưng 



















Thế là sau gần ba tháng xảy ra sự cố cá chết trên biển miền Trung, cuối cùng, thủ phạm Formosa đã gập người hai lần (theo tường thuật của các báo chính thống) trong cuộc họp báo chiều 30/6/2016 để nhận trách nhiệm và xin lỗi Nhà nước và nhân dân Việt Nam. 



Tất nhiên việc xin lỗi của thủ phạm đã thành khẩn chưa, số tiền hứa hẹn đền bù (500 triệu USD) đã thoả đáng chưa, các biện pháp bảo đảm môi trường trong tương lai có đạt yêu cầu không, còn cần được bàn luận và giám sát công khai chặt chẽ của cả hệ thống Nhà nước và nhân dân, không thể phó mặc cho thủ phạm “tự nguyện tự giác” với sự giám sát của một bộ phận chức năng lâu nay quá yếu kém và rất dễ bị thao túng. Tuy nhiên, qua sự việc trên, cùng với những ý kiến đáng ghi nhận của tân Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường về ưu tiên hàng đầu cho Môi sinh trong việc xét duyệt và giám sát các dự án kinh tế tới đây, cuộc đấu tranh vì Môi sinh của chúng ta đã có thể coi là thành công bước đầu. 



Người dân công tâm ghi nhận sự tích cực, quyết tâm của Chính phủ mới trong việc tìm ra thủ phạm vụ cá chết và buộc họ phải nhận trách nhiệm, tuy đòi hỏi của người dân về sự nhanh chóng chưa được đáp ứng tốt. Dĩ nhiên, với một bộ máy yếu kém và hệ thống xử lý xộc xệch được thừa kế, điều này có thể châm chước. Ngược lại, Nhà nước cũng phải công tâm ghi nhận tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân rất cao của hàng trăm ngàn trí thức, văn nghệ sĩ, người dân, cả trong và ngoài nước, đã phân tích, góp ý, thúc đẩy, gây áp lực để chính quyền quyết tâm làm tròn chức trách, qua nhiều hình thức phong phú như viết bài trên báo chí chính thống và báo mạng “lề dân”, sáng tác và biểu diễn, ký tên vào các kiến nghị và tuyên bố, xuống đường biểu thị tình cảm, nguyện vọng và ý chí của mình… Họ đã góp phần xứng đáng vào thành công bước đầu của cuộc đấu tranh. Khẩu hiệu: “Cá cần nước sạch, Nước cần minh bạch” chắc chắn sẽ đi vào lịch sử của công cuộc Dân chủ hoá đất nước. 



Câu hỏi phải đặt ra ngay lúc này là: 



1/ Formosa đã gập người xin lỗi vì làm biển Việt Nam nhiễm độc; nhưng người dân Việt Nam không thể hài lòng với việc nhận lỗi dễ dàng như thế. Kẻ gây ra thảm hoạ môi sinh nghiêm trọng phải bị truy tố tại các Toà án Việt Nam và quốc tế. Nhà nước có sẵn sàng đứng ra truy tố, hay để cho các tổ chức dân sự khởi kiện? 



2/ Thủ phạm đã gập người xin lỗi. Còn những kẻ đã ưu đãi quá mức cho Formosa, tạo những kẽ hở to lớn cho công ty này xâm phạm an ninh môi trường nghiêm trọng đến thế? Có tiêu cực trong việc này không và đến mức nào? Bao giờ Chính phủ mới kết luận? Sẽ trừng phạt thế nào? Một vụ án Môi sinh phải được khởi tố trong đó thủ phạm và những đồng loã sẽ cùng là bị can? 


3/ Thủ phạm đã gập người xin lỗi. Vậy ai sẽ cúi đầu xin lỗi vì đã vu cáo láo xược và đàn áp dã man trí thức và người dân lên tiếng đòi nhanh chóng tìm ra và trừng phạt thủ phạm, ngăn chặn việc bao che cho thủ phạm có thể xảy ra? 

Chưa trả lời thoả đáng ba câu hỏi trên, thì chưa thể đảm bảo không tái diễn những vụ Formosa khác trong tương lai. 

Công cuộc bảo vệ Môi sinh là lẽ sống còn của cả dân tộc trong thời đại công nghiệp hoá. Trong cuộc đấu tranh này, Nhà nước phải dựa hẳn vào Dân. Mọi việc làm đẩy người dân vào thế đối đầu như trong vụ Formosa vừa qua rõ ràng là phản động (phản lại tiến trình vận động của cuộc sống). 

30/6/2016



Hoàng Hưng: BA CÂU HỎI SAU VIỆC FORMOSA NHẬN TỘI


H.H 
--------------
Nguyễn Trọng Tạo 
XIN LỖI, HỨA HẸN, RỒI LÀM GÌ CỨU DÂN CỨU BIỂN?

Dân mình oánh nhau thì ác liệt, nhưng đôi khi vì một lời xin lỗi, một cú thăm viếng bên giường bệnh, một món quà thơm thơm là có thể xí xóa cả khuyết điểm, tội ác của tội phạm. Vì thế mà cứ bị hết cú lừa này đến cú lừa khác. Rồi ức lên, rồi biểu tình, rồi chửi bới, rồi căm thù. Rồi lại nghe xin lỗi, đền bù...

Đôi khi chúng ta quên cả pháp luật, xí xóa cả pháp luât.

Câu chuyện tội ác của Formosa làm chết cá, chết biển, chết người, gây hậu họa cho hàng triệu người dân mất việc làm kiếm sống, môi trường bị hủy hoại lâu dài, thiệt hại nền kinh tế đồng bộ sản xuất - du lịch - dịch vụ, lại chỉ xin lỗi, hứa hẹn... như là họ tự xử họ mức này mức kia. Vậy chả lẽ họ thay mặt chính phú ta, dân ta để xử họ hay sao?

Nửa tỷ USD có đủ để rửa sạch biển Việt Nam 50 năm hay không? Nếu chỉ đủ để rửa 1 phần biển ngộ độc thì còn 9 phần nữa thì ai chịu trách nhiêm?

Những cán bộ ký cho phép FMS xả thải vào biển?

Những cơ quan kiểm tra xả thải?

FMS gian dối với các quy định của luật pháp VN?

Những người đàn áp biểu tình của dân phản đối FMS hủy hoại môi trường?

Nhiều. Rất nhiều người liên quan, FMS và những nhà quản lý VN.

Ai sẽ kiện và ai sẽ xử vụ này?

Và sau đó sẽ khắc phục thế nào? Hết bao nhiêu tiền thì khắc phục được hậu quả nghiêm trọng và to lớn này?

Một tiếng thở dài không biết đến bao giờ...











Formosa sẽ phải chi ra số tiền lớn hơn 500 triệu USD?

Tuệ Minh | 
Formosa sẽ phải chi ra số tiền lớn hơn 500 triệu USD?
Lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam (Ảnh cắt từ clip)

Trước cam kết của Formosa, theo PGS, TS. Bùi Thị An, việc phục hồi môi trường biển không đơn giản, phải tốn rất nhiều tiền. Số tiền 500 triệu USD mới chỉ là đền bù cho người dân.










Phải có lộ trình cụ thể về việc phục hồi môi trường
Sáng nay (1/7), trao đổi với chúng tôi, PGS, TS. Bùi Thị An - Ủy viên Uỷ ban KH, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá việc Formosa phải xin lỗi công khai Việt Nam và bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân 500 triệu USD là một kết thúc có hậu.
Bà An cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc Formosa thực thi những cam kết của mình như thế nào.
"Việc đầu tiên là khôi phục hệ sinh thái biển. Đó là việc vô cùng quan trọng với đất nước. Làm thế nào để khôi phục chứ không thể nói chung chung. Phải có lộ trình, thời điểm cụ thể, bao gồm những nội dung gì, mục tiêu khôi phục như thế nào?
Việc này liên quan đến cuộc sống của người dân, liên quan đến rất nhiều người: Ngư dân của 4 tỉnh ven biển miền Trung, người tiêu dùng hải sản, du khách... Vì thế, bà An bày tỏ mong muốn, trong việc khắc phục hệ sinh thái biển, người dân sẽ được giám sát.
Trong lời xin lỗi của mình, bên cạnh việc bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, Formosa còn cam kết bồi thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Formosa sẽ phải chi ra số tiền lớn hơn 500 triệu USD? - Ảnh 1.
PGS, TS.Bùi Thị An (Ảnh: Xuân Hải)
"Việc phục hồi môi trường biển không đơn giản, phải tốn rất nhiều tiền. Số tiền 500 triệu USD mới chỉ là đền bù thiệt hại kinh tế cho người dân", bà An nói.
Cũng theo vị ĐBQH, sau sự việc này Formosa phải khắc phục đến tận cùng, không bao giờ được tái diễn những vụ tương tự. Trong việc này, vấn đề quản lý nhà nước rất quan trọng.
Chúng ta kêu gọi đầu tư nhưng không bằng bất kỳ giá nào. Cơ quan tiếp nhận các dự án phải vô cùng thận trọng, trụ cột "môi trường" - một trong 3 trụ cột phát triển bền vững Việt Nam luôn phải được cảnh tỉnh.
Sau khi tiếp nhận đầu tư xong thì các khâu tiếp theo trong đó có việc đánh giá tác động môi trường phải được xử lý cẩn thận, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao. Có như vậy thì mới đạt được mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường.
Bà An nói thêm: "Muốn làm tốt những việc này, chúng ta phải phân trách nhiệm rõ về mặt quản lý và về kỹ thuật. Nhà nước ta cũng nên có những trạm quan trắc độc lập về mặt môi trường, không phụ thuộc vào ai. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể phát hiện kịp thời các sự cố môi trường.
Qua việc này, tôi cũng đề nghị rà soát lại tất cả các dự án ven biển, ven sông đang xả thải ra môi trường, nếu phát hiện phải xử lý nghiêm và công khai. Chúng ta phải chủ động rà soát chứ không thể để báo chí thông tin thì mới vào cuộc".
Trong vụ Formosa, Việt Nam cũng có thiếu sót
Trong một cuộc trao đổi khác với chúng tôi về mức Formosa bồi thường thiệt hại của người dân, GS Nguyễn Lân Dũng nói: "11.500 tỉ đồng - đó là con số rất lớn. Tôi không ngờ họ đồng ý mức tiền đó".
Về những cam kết của Formosa, ông Nguyễn Lân Dũng bày tỏ kỳ vọng: "Formosa sẽ tiếp nhận sự kiểm soát của mình".
Theo vị GS này, trước đây Formosa có thiếu sót và phía Việt Nam cũng có thiếu sót. Họ thiếu sót ở chỗ là ngăn cản chúng ta vào kiểm tra, bây giờ hi vọng họ chấp nhận việc kiểm tra của mình.
Cũng qua việc này, phía Việt Nam cũng phải thấy được thiết sót của mình khi để cho họ tự do, không có sự kiểm soát về mặt môi trường.
GS Dũng nói thêm: "Nhân dân đòi hỏi việc chúng ta cho phép họ xây dựng và hoạt động như vậy nhưng phải có cơ chế kiểm soát thường xuyên. Và mình phải là người kiểm soát được trước khi họ xả thải vào ống dẫn nước thải ngầm".
So sánh sự cố môi trường này với các sự cố môi trường trước đây từng được dư luận quan tâm đặc biệt, ông Dũng đánh giá vụ Formosa xả thải là rất nghiêm trọng.
Sự cố môi trường này ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của người dân đối với sự an toàn của cuộc sống. Và đương nhiên, mức bồi thường thiệt hại của người dân cũng là lớn nhất từ trước đến nay.
"Đây là thắng lợi lớn của Chính phủ, chính ông Võ là người cho điểm 10. Tôi thấy cho điểm 10 là đúng rồi", ông Nguyễn Lân Dũng nói.
theo Trí Thức Trẻ







Vì sao Hà Tĩnh vẫn chào đón Formosa?

Bảo Phương | 
Vì sao Hà Tĩnh vẫn chào đón Formosa?

Hồ sơ phá hủy môi trường của Formosa đã vào sách giáo khoa Luật Môi trường tại Mỹ như một ví dụ minh họa sống động. Tại sao Hà Tĩnh vẫn chào đón doanh nghiệp này?









"Không đánh đổi môi trường đề thu hút đầu tư nước ngoài"
Do những thành tích phá hủy môi trường tai tiếng trên thế giới, Tập đoàn Formosa Plastics (tập đoàn mẹ của Formosa Việt Nam) từng bị trao giải "hành tinh đen" năm 2009 - giải thưởng dành cho những tổ chức/cá nhân vì phá hủy môi trường thế giới. Doanh nghiệp (DN) này cũng từng chịu phạt nhiều lần tại các nước mà họ đầu tư.
Hồ sơ phá hủy môi trường của Formosa thậm chí đã vào sách giáo khoa Luật Môi trường tại Mỹ như một ví dụ minh họa sống động. 
Trên chính quê hương Đài Loan, tập đoàn Formosa đã gây ra nhiều vi phạm về môi trường khiến cho người dân bức xúc và phản đối việc xả nước gây ô nhiễm.
Formosa từng có nhiều vi phạm trong đầu tư, vì sao Hà Tĩnh vẫn chào đón? Đây là câu hỏi của giới báo chí đặt ra trong buổi họp báo Chính phủ công bố kết quả điều tra nguyên nhân và thủ phạm gây ra cá chết hàng loạt ở miền Trung chiều ngày 30/6.
Vì sao Hà Tĩnh vẫn chào đón Formosa? - Ảnh 1.
Đại diện công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm và xin lỗi nhân dân Việt Nam. Ảnh cắt từ clip.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Đặng Huy Đông cho biết: Về quá trình tham gia thẩm định dự án Formosa năm 2008, thời điểm đó việc thẩm định các dự án đầu tư của nước ngoài thực hiện theo Nghị định 108 hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật Đầu tư năm 2005.
"Tại thời điểm đó đều phân cấp cho UBND tỉnh, Bộ ngành chỉ đóng vai trò thẩm định. Chúng tôi nhận ý kiến UBND Hà Tĩnh hỏi thẩm định dự án này và có văn bản như sau:
Phần đánh giá tác động môi trường của dự án sơ sài, chưa đề cập đến các yếu tố như phần gây tác động, đối tượng, quy mô gây tác động, biện pháp khắc phục tác động xấu, phòng ngừa rủi ro về sự cố môi trường. Đề nghị nhà đầu tư lập đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phế duyệt.
Chúng tôi khẳng định chính sách thu hút đầu tư của VN là nhất quán. Một sự kiện xảy ra là điều đáng tiếc và các cơ quan Chính phủ rút kinh nghiệm. Qua đây là bài học để rà soát, đảm bảo việc thu hút FDI theo đúng các quy định pháp luật.
Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của VN gần nhất đưa ra một số định hướng chọn lọc dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, đây là là định hướng quan trọng.
Chúng tôi khẳng định định hướng của Chính phủ là không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường đề thu hút đầu tư nước ngoài", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Đặng Huy Đông thông tin.
"Xử lý những sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm"
Cũng trong buổi họp báo chiều ngày 30/6, báo giới đặt câu hỏi: "Khi Formosa vận hành đã kiểm tra xả thải như thế nào? Hà Tĩnh đã kiến nghị gì? Giờ Chính phủ đã xác định lỗi của Formosa, trách nhiệm của địa phương để xảy ra ô nhiễm như thế nào?".
Ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Thời gian qua, nhân dân Hà Tĩnh đã kiên trì chờ đợi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân.
Hôm nay, Chính phủ tổ chức họp báo công bố nguyên nhân, Formosa đã xin lỗi, phần nào giải tỏa được sự chờ đợi của người dân.
Dự án của Formosa rất lớn, nhiều việc vượt ra ngoài Hà Tĩnh. Mặc dù vậy, tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong việc kiểm tra, giám sát.
Tỉnh đã giao việc giám sát cho các sở, ngành liên quan. Sự cố xảy ra, Hà Tĩnh đã chỉ đạo các nhà khoa học sớm tìm ra nguyên nhân và công bố rộng rãi. Quá trình vừa qua do khả năng có hạn, việc kiểm tra giám sát chưa làm được thường xuyên và còn nhiều bất cập. Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc và xử lý những sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm của mình".
Tại Đài Loan: Tập đoàn Formosa đã gây ra nhiều vi phạm về môi trường khiến cho người dân bức xúc và phản đối việc xả nước gây ô nhiễm. Formosa cũng đã phải chi ra nhiều triệu USD để xử lý các sự cố về môi trường mà tập đoàn này gây ra.
Cụ thể, năm 2010, Cơ quan bảo vệ môi trường đã phạt nhà máy hóa dầu Formosa Plastics tại Nhân Vũ, thành phố Cao Hùng, với số tiền là 150 triệu đài tệ (4,7 triệu USD) do hành vi gây ô nhiễm đất và môi trường.
Năm 2011, Formosa Plastics Corp cũng đã bị phạt 1 triệu đài tệ (34.662 USD) do ô nhiễm vượt mức cho phép tại nhà máy sản xuất VCM ở Mạch Liêu. 
Cũng năm 2011, EPA đã phạt tập đoàn Formosa Plastics 2,8 triệu USD, do đã không kiểm soát ô nhiễm nước ngầm. 
Năm 2015, người dân ở xã Đài Tây, huyện Vân Lâm (phía tây Đài Loan) đã đâm đơn kiện Formosa, yêu cầu đền bù 70 triệu tân đài tệ (khoảng 2,16 triệu USD), với cáo buộc khu phức hợp sản xuất hóa dầu của tập đoàn này tại xã Mạch Liêu gây ra các mối đe dọa đối với sức khỏe. 
Tại Campuchia: Vào cuối tháng 11/1998, Formosa đã sử dụng hơn 140 container chứa khoảng 5.000 tấn chất thải, trong đó có thủy ngân, đưa tới thị trấn ven biển Sihanoukville, Campuchia. Sau đó, những container độc hại trên bị bỏ lại tại một khu vực không có rào chắn và biển khuyến cáo.
Đỉnh điểm là một nhân viên tại cảng Sihanoukville làm công việc dọn dẹp các tàu chở chất thải của Formosa từ Đài Loan đến Campuchia chết.
Trước những cuộc biểu tình của người dân, cuối cùng, Formosa phải thu hồi khoảng 3.000 tấn chất độc để chuyển sang bãi xử lý ở Westmoreland, California, Mỹ và xin lỗi người dân Campuchia.
Tại Mỹ: Có mặt ở Mỹ từ năm 1978 tại các bang Delaware, Illinois, Baton Rouge, Louisiana và Texas, Tập đoàn Formosa đã để lại nhiều tai tiếng về việc gây ô nhiễm môi trường, và cũng đã có nhiều vụ vi phạm các quy định về môi trường của nước này dẫn đến việc phải nộp phạt hàng chục triệu USD.
Tại Point Comfort, Texas, Formosa đã bị phạt hai lần với số tiền phạt về môi trường lớn nhất trong lịch sử bang vào năm 1990. Ủy ban về Nước của Texas đã phạt Formosa 247.000 USD cho 17 hành vi vi phạm trong thời gian 3 năm, bao gồm lưu trữ dầu và các chất thải khác không đúng cách, nứt ao giữ nước thải và xả nước thải với nồng độ axit cực kỳ cao vào mặt nước.
Năm 1991, Formosa đã bị EPA phạt mức 3,7 triệu USD, do vi phạm về chất thải nguy hại khi nguồn nước ngầm bên dưới nhà máy của họ bị phát hiện ô nhiễm nghiêm trọng. 
Vào năm 2009, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã phạt Formosa Plastics 13 triệu USD đối với nhiều vi phạm của họ tại các nhà máy ở Louisiana và Texas. 
Năm 2013, Formosa Plastics cũng đã bị EPA phạt số tiền gần 1,5 triệu USD, do đã không lắp đạt hơn 8.000 thiết bị phát hiện và sửa chữa rò rỉ tại nhà máy nhựa và hóa chất ở Point Comfort. 
Tháng 4/2014, theo nhật báo Victoria Advocate của Texas, Formosa đã bị Ủy ban Chất lượng Môi trường Texas phạt 615.000 USD cho 14 vi phạm trong suốt 15 năm qua.
Năm 2014, Formosa Plastics Corp tại Point Comfort đã bị Ủy ban Chất lượng Môi trường của Texas phạt 15.775 USD về việc xả độc tố vào không khí trong năm 2011. 
theo Trí Thức Trẻ

Vụ Formosa: “Chất ô nhiễm vẫn tồn lưu trong trầm tích mặt đáy biển”

Dân trí Trao đổi với PV Dân trí, GS Mai Trọng Nhuận- nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng chất ô nhiễm mà Formosa thải ra tồn lưu trong trầm tích mặt đáy biển nên việc lựa chọn công nghệ xử lý cần dựa vào các kết quả đánh giá mức độ và phạm vi ô nhiễm.



GS Mai Trọng Nhuận (Ảnh nhân vật cung cấp)
GS Mai Trọng Nhuận (Ảnh nhân vật cung cấp)
Phóng viênÔng đánh giá thế nào về nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên-Môi trường và các bộ, ngành liên quan trong việc tìm ra nguyên nhân dẫn tới hiện tượng hải sản chết hàng loạt, cũng như chỉ rõ thủ phạm gây ra việc đó là Formosa?
Giáo sư Mai Trọng Nhuận: Đây là một sự cố môi trường biển lớn nhất và nghiêm trọng nhất, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Phạm vi xảy ra sự cố môi trường biển rất rộng kéo dài trên 4 tỉnh có đặc điểm địa hình, hải văn, khí tượng phức tạp.
Từ khi xảy ra sự cố môi trường, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ban ngành liên quan để tiến hành khẩn trương, bài bản, khách quan, khoa học, chặt chẽ, đúng pháp luật, kết hợp đồng bộ nhiều phương pháp với sự huy động tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước để đánh giá toàn diện nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và đạt được kết quả như hôm nay. Kết quả này là thành công thể hiện bản lĩnh và cam kết của Chính phủ với nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Sau khi kết luận được Chính phủ công bố, theo ông, những công việc cần phải làm ngay để khắc phục sự cố môi trường này là gì?
Thứ nhất, theo tôi là phải tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng; tiếp tục thực hiện giám sát quy trình sản xuất và xả thải của nhà máy để đảm bảo không xảy ra sự cố tương tự.
Thứ hai, xác định mức độ ô nhiễm và khoanh vùng ô nhiễm môi trường biển để công bố thông tin cho nhân dân được biết, đánh giá mức độ suy thoái của hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật, đồng thời khẩn trương đánh giá tổng thể thiệt hại kinh tế - xã hội, tài nguyên, môi trường do sự cố và triển khai công tác bồi thường cho người dân ven biển bốn tỉnh miền Trung.
Thứ ba là tiến hành các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường biển, hồi phục các hệ sinh thái quan trọng và các giải pháp đảm bảo môi trường biển an toàn lâu dài, áp dụng công nghệ giám sát môi trường tại các khu vực trọng điểm nhằm ngăn ngừa những sự cố môi trường tương tự xảy ra trong tương lai; xây dựng giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống để ứng phó tốt hơn các sự cố môi trường tương tự nếu chúng xảy ra trong tương lai.
Về lâu dài, cần xây dựng và thực hiện kế hoạch quốc gia ứng phó các sự cố/thảm hoạ môi trường; thành lập Ủy ban Quốc gia ứng phó với tình huống khẩn cấp, trong đó có những tình huống khẩn cấp quốc gia liên quan đến môi trường, thiên tai...
Với công nghệ hiện nay, chúng ta có thể xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm do Formosa gây ra hay không và phải mất thời gian khoảng bao lâu?
Theo kết quả quan trắc môi trường biển hàng ngày được công bố trên báo đài trong những tháng vừa qua đã cho thấy các thông số ô nhiễm môi trường nước biển đã trở về trong ngưỡng cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.
Nhưng chất ô nhiễm do sự cố môi trường này vẫn tồn lưu trong trầm tích mặt đáy biển. Việc lựa chọn công nghệ xử lý trầm tích biển bị ô nhiễm cần dựa vào các kết quả đánh giá mức độ và phạm vi ô nhiễm đang được tiến hành. Kinh nghiệm xử lý sự cố môi trường của các nước trên thế giới cho thấy việc này đòi hỏi nguồn lực, kinh phí và thời gian dài.
Vấn đề cần đặc biệt lưu ý là phải nghiên cứu và áp dụng các giải pháp hồi phục các hệ sinh thái (như san hô, cỏ biển,...), tài nguyên sinh vật bị tổn thương do sự cố môi trường này. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc phục hồi rạn san hô qua các dự án trồng mới tại Phú Quốc và Cù Lao Chàm. Việc tổ chức thực hiện, chăm sóc phục hồi để san hô có thể sống khoẻ cần khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm. Nhưng có thể cần tới khoảng 50 năm để hồi phục hoàn toàn hệ sinh thái san hô....
Trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường công tác quản lý để không xảy ra sự cố môi trường thông qua giám sát, kiểm soát quy trình vận hành hệ thống xử lý chất thải, việc thực hiện các yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và tài nguyên cũng như chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường.
Đến nay chưa có thống kê thiệt hại thực tế mà người dân 4 tỉnh miền Trung phải gánh chịu từ sự việc Formosa gây ô nhiễm là bao nhiêu
Đến nay chưa có thống kê thiệt hại thực tế mà người dân 4 tỉnh miền Trung phải gánh chịu từ sự việc Formosa gây ô nhiễm là bao nhiêu
Ông có cho rằng đồng thời với việc xử lý ô nhiễm trên biển thì Việt Nam cần tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ nhà máy, công nghệ mà Formosa đang sử dụng, xử lý nước thải ra biển như thế nào hay không? Thậm chí mời cả các tổ chức uy tín quốc tế vào đánh giá việc này?
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kết hợp với các ban ngành, các nhà khoa học để thực hiện nhiệm vụ này. Kết quả các nhà khoa học đã đánh giá công nghệ sản xuất, xử lý chất thải, phòng ngừa sự cố và xây dựng các kế hoạch, yêu cầu cụ thể để khắc phục tồn tại, đảm bảo không xảy ra sự cố môi trường tương tự trong tương lai.
Cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải vào vùng ven biển để đảm bảo nước thải được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường, dựa vào cả nồng độ chất ô nhiễm và tổng tải lượng nước thải; ngăn chặn kịp thời các nguồn thải vượt tiêu chuẩn/quy chuẩn môi trường vào môi trường biển.
Các cơ quan quản lý về môi trường cần thanh tra, kiểm tra, quan trắc và giám sát chất lượng môi trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường để đảm bảo không xảy ra sự cố môi trường như vừa qua.
Theo ông có nên thành lập một uỷ ban hoặc tổ chức giám sát toàn bộ quá trình xử lý ô nhiễm, khắc phục sự cố và trách nhiệm của Formosa trong việc này?
Từ kinh nghiệm điều tra nguyên nhân của sự cố môi trường, Chính phủ và Nhà nước cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quản quản lý nhà nước về quản lý, giám sát các sự cố môi trường; cần thành lập một uỷ ban hoặc tổ chức giám sát toàn bộ quá trình xử lý ô nhiễm, khắc phục sự cố và trách nhiệm của Formosa trong việc này. Mặt khác cần xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia về ứng phó sự cố môi trường đến năm 2030 và Thành lập Ủy ban Quốc gia ứng phó với tình trạng khẩn cấp để tổ chức triển khai việc quản lý các sự cố môi trường tương tự.
Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (thực hiện)


Thịt ghẹ siêu rẻ: Dân buôn hải sản giật mình lo sợ


Ghẹ tươi sống nguyên con được bán với giá từ 300.000-450.000 đồng/kg tuỳ loại. Thế nhưng, thịt ghẹ, tức ghẹ đã bóc vỏ lại được rao bán với giá siêu rẻ, chỉ từ 250.000-300.000 đồng/kg. Theo tỷ lệ thông thường, một cân ghẹ sống tách vỏ chỉ lấy được 3-4 lạng thịt. Nếu như thế, đây là mức giá rẻ giật mình đáng ngờ.



Liều mình thử ăn thịt ghẹ siêu rẻ
Vừa mới đặt mua 1kg thịt ghẹ với giá 260.000 đồng, chị Nguyễn Phương Nhung ở Nguyễn Biểu (Ba Đình, Hà Nội) khoe, giá thịt ghẹ chị vừa mới đặt mua được tại một cửa hàng hải sản sạch còn rẻ hơn giá ghẹ tươi nguyên con chị mua ngoài chợ.
Chị Nhung chia sẻ, nhà chị có con nhỏ, hay dùng thịt cua ghẹ để nấu cháo cho con. Ngoài ra, chị cũng thường xuyên dùng thịt ghẹ để xào nấu các món ăn khác. Tuy nhiên, mua ghẹ về luộc lên rồi bóc gỡ lấy thịt rất mất thời gian, thịt ghẹ gỡ ra cũng không được nhiều.
"Thời gian gần đây, tôi thấy một số cửa hàng hải sản online có quảng cáo bán thịt ghẹ với giá siêu rẻ, thậm chí còn rẻ hơn cả giá ghẹ bán ngoài chợ nên tôi mua về nhà ăn thử xem như thế nào", chị Nhung nói.
thịt ghẹ, thịt ghẹ giá siêu rẻ, dân buôn hải sản, hà nội, thịt ghẹ hà nội
Thịt ghẹ giá siêu rẻ có giá từ 250.000-300.000 đồng được bán khá nhiều trên thị trường
Chị Đới Thị Hoài ở Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, chị đặt mua thịt ghẹ giá rẻ đã được 3 lần. Song, chị vẫn thắc mắc là thịt ghẹ mà chị mua tại sao lại rẻ đến vậy.
"Thịt ghẹ được bóc gỡ sạch sẽ, đóng khay gọn gàng mà giá mua vào chưa đến 300.000 đồng/kg. Trong đó ghẹ tôi mua ngoài chợ rẻ cũng 300.000 đồng/kg, loại ghẹ 3-4 con/kg giá còn lên tới 450.000 đồng/kg. Vậy, tại sao giá thịt ghẹ bán lại còn rẻ hơn cả ghẹ nguyên con", chị Hoài tự đặt câu hỏi.
Dù vẫn còn đặt nhiều ghi vấn cho món thịt ghẹ siêu rẻ đang được rao bán trên chợ mạng, thế nhưng chị Hoài thừa nhận, vì giá quá rẻ, hàng nhìn ngon mắt, lại thấy rất nhiều người đặt mua nên chị cũng liều mình mua về ăn.
Nhiều bà nội trợ cũng đang tỏ ra hiếu kỳ với loại thịt ghẹ siêu rẻ. Tuy nhiên, vì chúng được bán với mức giá siêu hấp dẫn nên không ít người quyết định mua về ăn thử xem chất lượng của chúng có giống như những gì được quảng cáo.
Giá 260 ngàn/kg: Bao nhiêu cũng có
Thực tế, trên các gian hàng online trên mạng xã hội, rất nhiều nơi rao bán các loại thịt cua ghẹ với giá siêu rẻ, số lượng thì lên đến hàng tấn. Tất cả các loại thịt ghẹ đều được quảng cáo hàng tươi sạch, đóng vào từng khay một với trọng lượng 500g/khay.
Một hàng online chuyên thịt ghẹ tên T. có rao bán thịt ghẹ tươi ngon bóc sẵn giá 260.000 đồng/kg (mỗi khay 500g), thịt càng ghẹ giá 300.000 đồng/kg, thịt bề bề giá 300.000 đồng/kg cùng lời đảm bảo rằng thịt ghẹ, bề bề đều là hàng tươi sống, khi cửa hàng nhập về phải luộc lên rồi mới bóc gỡ lấy thịt.
thịt ghẹ, thịt ghẹ giá siêu rẻ, dân buôn hải sản, hà nội, thịt ghẹ hà nội
Theo dân buôn hải sản, 1kg ghẹ khi gỡ thịt chỉ được khoảng 3-4 lạng thịt
Ngoài ra, cửa hàng này còn khẳng định với khách hàng rằng, thịt ghẹ cửa hàng không có ghẹ chết, nếu khách phát hiện sẽ chịu phạt gấp 10 lần đơn hàng.
Trong vai một người muốn mua một lượng thịt ghẹ lớn cho một nhà hàng, PV đã liên hệ với một chủ hàng bán thịt ghẹ tại Cầu Giấy (Hà Nội) và được chủ cửa hàng quảng cáo: "Thịt ghẹ của bọn chị bán là hàng chuẩn, được chuyển từ trong Vũng Tàu ra Hà Nội bằng đường máy bay".
Chủ hàng này cũng cho biết, giá thịt ghẹ hiện là 250.000 đồng, thịt càng ghẹ giá 300.000 đồng. Đây là giá bán lẻ, nếu lấy với số lượng lớn sẽ được tính theo mức giá đổ buôn.
"Em yên tâm về chất lượng ghẹ nhé. Bọn chị bóc lấy thịt ghẹ cũng phải chọn ghẹ tươi ngon, ghẹ chết thì không có thịt, bóc loại đó ra bán thịt thì lỗ to. Cửa hàng của chị đây toàn bán cho khách ở Hà Nội, mỗi tháng số lượng thịt ghẹ bán ra cũng lên đến hàng tấn chứ không ít nên em muốn lấy bao nhiêu cũng có", chủ hàng thịt ghẹ ở Cầu Giấy cho hay.
Thực tế, ghi nhận của PV trên thị trường, rất nhiều nơi rao bán thịt ghẹ với giá chỉ từ 250.000-300.000 đồng/kg tuỳ loại. Trong khi đó, giá ghẹ nguyên con tươi sống bán tại chợ đã lên tới 300.000-450.000 đồng/kg, đắt hơn cả thịt ghẹ bóc sẵn.
Trao đổi về vấn đề thịt ghẹ được bán với giá siêu rẻ ở Hà Nội, chị Lê Thị Thu, chủ một cửa hàng hải sản tại Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị đã có 10 năm trong nghề buôn bán hải sản, nhất là mặt hàng cua ghẹ.
Tại cửa hàng của chị, khách mua ghẹ tươi sống là chủ yếu. Song, thỉnh thoảng cũng có vài khách muốn mua nguyên thịt cua ghẹ nên nhờ chị bóc thịt hộ.
"1kg ghẹ loại ngon, tươi sống vừa mới đánh bắt được từ biển về luộc lên bóc gỡ lấy thịt luôn cũng chỉ được tầm dưới 400g thịt (4 lạng), còn bình thường chỉ được từ 2-3 lạng. Từ đó có thể thấy việc bán thịt ghẹ với giá chỉ từ 250.000-300.000 đồng/kg là chuyện bất thường", chị Thu cho hay.
Theo chị Thu tiết lộ, với mặt hàng cua ghẹ, chủ hàng sẽ không bao giờ lấy cua ghẹ chết để bóc lấy thịt bán, bởi cua ghẹ có đặc điểm, càng để lâu thịt cua ghẹ càng teo đi nên cua ghẹ chết khi bóc sẽ có rất ít thịt. Hơn nữa, ghẹ chết sẽ có mùi hôi, khách hàng sẽ phát hiện ra ngay.
Tuy nhiên, chị Thu nghi ngờ để có thịt ghẹ bán với giá rẻ, dân buôn hay dùng thịt cá luộc lên và tách nhỏ, trộn với lượng thịt ghẹ rồi quảng cáo thịt ghẹ bóc sẵn bán với giá siêu rẻ.
"Thịt cá nếu luộc lên bóc ra nhìn giống hệt với thịt ghẹ, khi mua khách không tinh ý sẽ khó phát hiện ra. Thế nên, mọi người nên cảnh giác với những loại thịt ghẹ giá siêu rẻ vì 1kg thịt ghẹ chuẩn bây giờ có giá lên đến cả triệu đồng", chị Thu nói.
Như Băng

Cuộc họp báo hôm 30/6/2016 công bố nguyên nhân gây cá chết ở miền Trung.
Cuộc họp báo hôm 30/6/2016 công bố nguyên nhân gây cá chết ở miền Trung. Ảnh FB Mai Tú Ân

 “Đây là bài học cho các công ty khác” ông Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng kết luận như vậy nhưng ông quên nói rằng đây là một “bài học cho chính quyền Việt Nam.”

Chính quyền cần phải thừa nhận sự yếu kém của mình bằng việc cách chức một số ông bộ trưởng, thứ trưởng vô cảm và vô trách nhiệm nêu trên.
– Mai Tú Ân

Trong cuộc họp báo đã không đưa ra một lời thừa nhận khả dĩ nào về việc chính quyền Việt Nam đã có lỗi trong vụ án cá chết này. Toàn là những lời ngợi ca là chính quyền đã quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời. v.v…

Thật ra thì lỗi của chính quyền có rất nhiều, thậm chí còn lớn hơn lỗi của Formosa khi để dây dưa kéo dài, khi bao che cho công ty này và cuối cùng thì chính quyền đã làm thất thoát cho ngân khố số tiền lớn hơn nhiều so với số tiền đền bù 500 triệu đô la của Formosa.

Chính những lỗi không minh bạch đó của chính quyền khiến lòng dân không yên, khiến biểu tình phát sinh và phải huy động hàng vạn lượt CA, TNXP… đàn áp dữ dội người biểu tình gây căm phẫn khắp nơi.

Chưa kể những ông thần trong bộ máy công chức họp báo nói luyên thuyên bát sách như ông thứ trưởng Võ Bá Nhân nói rằng nguyên nhân do tảo biển, do thủy triều đỏ chứ Formosa không dính dáng gì.

Chính quyền cần phải thừa nhận sự yếu kém của mình bằng việc cách chức một số ông bộ trưởng, thứ trưởng vô cảm và vô trách nhiệm nêu trên.

Trở lại cuộc họp báo thì mới hay là đây không phải là thời điểm hoàn thành báo cáo về vụ cá chết hàng loạt mà là thời điểm hoàn thành cuộc thương lượng giữa chính quyền với công ty Fomosa về viêc công ty này nhận lỗi.

Để tập dượt và ra được chương trình này thì thậm chí ngoài số tiền đền 500 triệu đô la, phía Formosa còn ghi sẵn những lời xin lỗi, cùng 5 điều thỏa thuận để phát hành ngay tại buổi họp báo của chính quyền.

Có nghĩa là không phải thời gian ta phát giác thủ phạm và đưa ra công luận, mà là thời gian “phản biện” của Formosa kéo dài đến 3 tuần sau đó. Chớ nếu Formosa cương không nhận thì vụ cá chết này sẽ kéo dài đến muôn năm.

Còn nữa, chính quyền căn cứ trên cái gì để chấp nhận đề nghị của Fosmosa về việc đền bù 500 triệu đô la, khi chưa có báo cáo tổng hợp về sự thiệt hại mà người dân Việt Nam phải gánh chịu trong suốt nhiều năm nữa. Có thể là 500 triệu đô la mà có thể là 5 tỷ đô la. Cần phải có sự điều tra cặn kẽ, rõ ràng của Quốc Tế thì mới biết được để chấp nhận đền bù của Formosa hay không.

Cũng như không chấp nhận việc ông bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói trong cuộc họp báo là nước ta vốn khoan hồng và độ luợng, đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Ô, hô…Formosa có chạy lại bao giờ đâu. Công ty này im lặng suốt từ đầu đến cuối vụ khủng hoảng. Trong một vài lần hiếm hoi lên tiếng thì công ty này khẳng định là không dính dáng gì đến vụ cá chết.

Hãy đưa vụ việc ra tòa, bởi đó là nơi đến của những tội ác mà Formosa đã gây ra cho người dân Việt Nam.

MTA


Ý kiến trái chiều về kết quả công bố thủ phạm gây cá chết

Việc Formosa nhận lỗi và đền bù được giáo sư Đặng Hùng Võ đánh giá là thắng lợi lớn của Chính phủ, trong khi giáo sư Chu Hảo bày tỏ "bất ngờ và thất vọng" vì những thông tin chưa minh bạch.  

Ghi nhận Chính phủ đã rất cố gắng bằng luận cứ khoa học đích đáng để tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung thời gian qua, nhưng giáo sư Đặng Hùng Võ bày tỏ ông không quá bất ngờ.
Việc Formosa thừa nhận hành vi, theo giáo sư Võ, là thắng lợi lớn của Việt Nam, bởi giới chức đã tìm ra bản chất vấn đề, tạo niềm tin trong người dân. "Đưa ra kết luận chắc chắn và khách quan sẽ giúp nhân dân không bị mất phương hướng và lấy lại lòng tin của họ trước nghi ngờ Chính phủ ém thông tin", ông Võ nhận định.
y-kien-trai-chieu-ve-ket-qua-cong-bo-thu-pham-gay-ca-chet
Ông Đặng Hùng Võ. Ảnh: Vneconomy.

Ông Võ cũng đánh giá cao khả năng xử lý của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Từ chỗ bỡ ngỡ vì sự cố môi trường quá lớn, lần đầu xảy ra ở Việt Nam, Bộ trưởng đã bình tĩnh, đưa ra các giải pháp đúng đắn.
Ông Võ đồng tình khi Việt Nam lấy hai trụ cột quan trọng là cơ sở khoa học và tính pháp lý cùng sáng kiến đưa nhà khoa học quốc tế vào. "Việt Nam đã tận dụng cao nhất năng lực của nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới, giúp "buộc tội" Formosa", ông Võ nói.
Ngược lại, giáo sư Chu Hảo bày tỏ sự "bất ngờ và thất vọng". Ông cho rằng, cuộc họp báo chưa phù hợp với tuyên bố của Thủ tướng khi dự họp với các tỉnh miền Trung hôm 1/5 - rằng đây là sự cố hết sức nghiêm trọng. Nếu như vậy Chính phủ cần thông báo bằng văn bản, chứ không thể nói miệng.
Nhân dân gần 3 tháng chờ mong thông báo của Chính phủ với ba vấn đề lớn. Một là nguyên nhân và thủ phạm gây cá chết. Thứ hai là tác hại trước mắt và lâu dài cũng như phương án khắc phục. Thứ ba, Chính phủ cần minh bạch vì sao chậm chễ và lúng túng trong công bố.
y-kien-trai-chieu-ve-ket-qua-cong-bo-thu-pham-gay-ca-chet-1
Giáo sư Chu Hảo chưa thỏa mãn với cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết của Chính phủ. Ảnh: Nhật Minh.
"Chính phủ mới nói về vấn đề thứ nhất là nguyên nhân là thủ phạm - điều mà nhân dân và thế giới khẳng định từ lâu, còn hai vấn đề sau tôi không thấy nói đến cụ thể và minh bạch", giáo sư Hảo cho hay.
500 triệu USD bồi thường là ít hay nhiều thì nên có thêm đánh giá. Nhưng tác hại của vụ việc không chỉ làm mất nguồn sống của đồng bào miền Trung theo nghề đánh cá, du lịch mà quan trọng hơn nó gây ra khủng khoảng truyền thông và niềm tin. "Vì vậy, tất cả thông báo và trả lời của thành viên Chính phủ làm tôi thất vọng", ông Hảo nói.
Khi biết Formosa là thủ phạm khiến cá chết, ông Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Biển và hải đảo  "vừa mừng, vừa lo". Mừng vì điều ông và nhân dân chờ đợi đã có và dựa trên cơ sở căn cứ khoa học vững chắc. Còn ông lo không biết Formosa có thực hiện đúng cam kết hay không, Việt Nam giám sát như thế nào trong thời gian tới. 
Ứng xử của Việt Nam với Formosa
Nhận định Formosa có khuyết điểm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng không nên tiếp cận theo kiểu cực đoan. Formosa đã có chủ trương đầu tư xây dựng và không có ý định rút nên ông tin đơn vị này sẽ tránh những chuyện tương tự. Quan trọng hơn là phía Việt Nam cần có hệ thống quản lý, giám sát môi trường, đầu tư chặt chẽ.
Dẫn câu nói "Đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại", ông Chu Hồi bày tỏ, Formosa cần thay đổi nhận thức và hành động thực tế để nhanh chóng nghiêm túc giải quyết hậu quả đáng tiếc.
Theo ông Hồi, Formosa phải đưa ống xả thải lên trên đất liền, không được chôn ngầm xả trực tiếp ra biển. Đồng thời Việt Nam cần xây dựng cơ chế thuận lợi nhất cho việc quản lý và giám sát môi trường trong hoạt động của dự án Formosa. Công ty này cũng cần chuẩn bị phương án khi vận hành sản xuất thật chứ không phải thử. "Người Việt sẽ không đánh đổi cá lấy thép", ông Hồi khẳng định.
Trong số rất nhiều việc phải làm, theo giáo sư Chu Hảo, Việt Nam cần tập trung làm rõ tác hại trước mắt và lâu dài, biện pháp khắc phục cụ thể thế nào. "Môi trường biển nguy hiểm bao năm nữa, khi nào mới phục hồi được và phương án khắc phục ra sao, chứ không chỉ dừng lại ở việc Chính phủ hỗ trợ hay Formosa đền bù", ông Hảo nói.
Ông cũng đề nghị Chính phủ rà soát quá trình thẩm định, phê duyệt dự án và hoạt động của Formosa Hà Tĩnh, từ đó xem xét trách nhiệm và đưa ra hình thức xử lý phù hợp, trong đó có truy cứu trách nhiệm hình sự. Giới chức Việt Nam cần xem xét văn bản quy phạm pháp luật trong đầu tư, môi trường cho phù hợp.
Không chỉ chủ động giám sát xả thải công nghiệp, ông Tô Văn Trường, nguyên viện trưởng viện quy hoạch thủy lợi Việt Nam lưu ý nên giám sát cả chất thải rắn và không khí mà Formosa thải ra môi trường. 
Số tiền 500 triệu USD đền bù cần được công khai, minh bạch và phải đến tận tay những người thụ hưởng. Về lâu dài, Formosa còn phải tiếp tục xem xét đóng góp vào việc khôi phục hệ sinh thái biển, nhất là rạn san hô, ngôi nhà chung của sinh vật biển.
Nước xả thải của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.
Nước xả thải của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.
Bài học sau thảm họa
Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng, sự cố vừa qua cho thấy lỗ hổng về ứng phó với thảm họa môi trường nói riêng và thiên tai nói chung. Cụ thể, hiện tượng cá chết diễn ra từ đầu tháng 4 nhưng cơ quan chức năng chậm phản ứng và khi vào cuộc thì lại đưa ra thông tin mơ hồ, gây nghi ngờ trong dân.
"Các nước trên thế giới thường có Ủy ban hoặc Bộ phụ trách những vụ việc mang tính nghiêm trọng và khẩn cấp do con người gây ra. Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của họ hoặc đưa ra những việc cần làm khi có sự cố nghiêm trọng", ông Thuyết gợi ý.
Bài học tiếp theo, giáo sư Thuyết nêu ra là phát triển kinh tế gắn với môi trường bền vững, không nên chạy theo mục đích kinh tế mà đưa công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
Đồng quan điểm, giáo sư Chu Hảo nói: "Việt Nam nên chấp nhận đầu tư không đánh giá cao về kinh tế mà quan trọng hơn phải là đánh giá tác động môi trường, nhất là khâu giám sát kiểm tra. Phải giám sát chất thải ra khỏi nhà máy có đạt tiêu chuẩn hay không chứ không tiếp tục phạt để tồn tại".
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến môi trường cần được xem xét lại, nhất là quy chuẩn về xả thải công nghiệp, về thẩm định và giám sát môi trường
Phạm Hương

(FB Mai Tú Ân)

Không có nhận xét nào: