Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Bài báo đã bị gỡ trên báo Lao Động: Thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng tại PVC: Sau ông Trịnh Xuân Thanh, còn ai phải chịu trách nhiệm?

 30/08/2016
Đôi lời: Bài báo này của tác giả Hồng Quân, đăng trên báo Lao Động sáng nay lúc 6:29 ngày 30-08-2016, nhưng hiện đã bị gỡ bỏ khỏi trang mạng. Xin được đăng lại từ bản Google cache để hầu bà con.
_______
Lao Động
30-8-2016
Ông Trịnh Xuân Thanh (trái) và Vũ Đức Thuận (phải).
Ông Trịnh Xuân Thanh (trái) và Vũ Đức Thuận (phải).
“Khi tôi tiếp nhận cơ ngơi của PVC, nguồn tiền khả dụng chỉ còn vẻn vẹn 2,7 tỉ đồng. Một doanh nghiệp lớn với vốn điều lệ hàng nghìn tỉ đồng, mà kiệt quệ chỉ sau vài năm. Trách nhiệm này trước hết thuộc về người đứng đầu Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) là ông Trịnh Xuân Thanh (ảnh trái), khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Vũ Đức Thuận (ảnh phải), khi đó là Tổng giám đốc. Ông Trần Minh Ngọc – nguyên Tổng giám đốc PVC sau thời ông Vũ Đức Thuận – đã nói với Lao Động.
Càng làm càng ra… lỗ to
Theo ông Trần Minh Ngọc thì vào thời điểm năm 2012, nhận thấy những dấu hiệu bất bình thường do thua lỗ dẫn đến nguy cơ mất vốn nhà nước tại TCty PVC, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã cử 2 đoàn thanh-kiểm tra tại TCty này. Kết luận của các đoàn kiểm tra cho thấy con số thua lỗ khi đó khoảng 1.000 tỉ đồng, chủ yếu do việc đầu tư ồ ạt vào 11 dự án bất động sản và trích lập dự phòng rủi ro với các khoản nợ xấu. 
Sau khi tập đoàn có quyết định điều chuyển cả 2 lãnh đạo PVC là ông Trịnh Xuân Thanh – Chủ tịch và ông Vũ Đức Thuận – Tổng giám đốc, thôi không điều hành hoạt động tại PVC, cử ông Trần Minh Ngọc, khi đó là Trưởng ban Quản lý dự án đóng mới giàn khoan dầu khí thay thế chức vụ làm Tổng giám đốc thay ông Vũ Đức Thuận thì số tiền thua lỗ của PVC càng lúc, càng lớn. 
Ông Ngọc nói, trên sổ sách thì khoảng 1.000 tỉ, nhưng khi soát xét, đối chiếu số nợ phải thu, phải trả thì ngay năm đầu tiên tiếp quản PVC, số tiền thua lỗ được xác định lên tới 1.800 tỉ đồng. Và chưa dừng lại bởi khi đó, nhiều dự án bất động sản được PVC quản lý tiếp tục “lao dốc” theo sự lao dốc của thị trường. Số lỗ đóng băng lên tới 3.200 tỉ đồng được xác định một phần là do khả năng quản lý, điều hành yếu kém của các lãnh đạo PVC, một phần là do thị trường bất động sản 
đóng băng.
“Sau khi xác định số lỗ lên tới 3.200 tỉ đồng, tôi có báo cáo lãnh đạo tập đoàn để xin ý kiến chỉ đạo. Một mặt tìm cách xử lý các khoản công nợ, tiếp tục thi công các dự án dang dở như Nhiệt điện Vũng Áng 1, Quảng Trạch 1, Thái Bình 1… Có thời điểm số vốn khả dụng của PVC chỉ còn vẻn vẹn có 2,7 tỉ đồng” – ông Trần Minh Ngọc khẳng định.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thì trong thời gian từ 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCty PVC, dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế; đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Những vi phạm, thua lỗ này là nghiêm trọng. Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm này. Bên cạnh đó, người trực tiếp điều hành hoạt động đầu tư, kinh doanh của PVC là ông Vũ Đức Thuận với cương vị Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc PVC, ông Vũ Đức Thuận không thể đứng ngoài vô can về khoản thua lỗ nêu trên.
Lỗi do đầu tư ngoài ngành gây hậu quả nghiêm trọng
Báo cáo của Ban kiểm soát tại Đại hội cổ đông thường niên PVC năm 2013 cũng cho thấy, khoản thua lỗ của PVC chủ yếu do các khoản trích lập dự phòng. Các công trình có hiệu quả kinh tế thấp, gây lỗ do chưa có kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ đề xuất, đánh giá toàn diện khối lượng và dự toán các gói thầu nên dẫn đến nhiều khối lượng phát sinh. Công tác quản lý và sử dụng vốn của Tổng công ty và các đơn vị thành viên đạt hiệu quả chưa cao…
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 vừa tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, Chủ tịch PVC – ông Bùi Ngọc Thắng – cho biết, khoản 3.200 tỉ đồng của TCty này vẫn “đóng băng” tại các khoản đầu tư tài chính, không tạo ra lợi nhuận, chưa kể còn nhiều khoản phải trích lập dự phòng do giá cổ phiếu giảm, thu hồi công nợ không thu được. Doanh thu của PVX (mã chứng khoán của PVC) bao gồm Cty mẹ và 9 đơn vị thành viên đạt 11.966 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt 22,69 tỉ đồng, đạt 41% kế hoạch năm và bằng 22% so với năm 2014. Nhưng trong 9 Cty con mà PVX đang chi phối, chỉ có 3 đơn vị có lãi sau thuế là PVC-MS (lợi nhuận sau thuế đạt 109,72 tỉ đồng), PVC-IC (lợi nhuận sau thuế đạt 35,57 tỉ đồng), PVC-PT (lợi nhuận sau thuế đạt 33,68 tỉ đồng). Các đơn vị còn lại tiếp tục thua lỗ, trong đó tập trung tại các đơn vị có hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn, kinh doanh bất động sản như PVC Land lỗ 28,22 tỉ đồng, PVC-Thái Bình lỗ 19,68 tỉ đồng, PVC-Đông Đô lỗ 18,23 tỉ đồng…
Ông Bùi Ngọc Thắng thừa nhận khối lượng công việc liên quan đến tái cơ cấu, thoái vốn, thu hồi công nợ của PVX còn nhiều khó khăn. Nếu làm được, hiệu quả sản xuất PVX sẽ rất tốt, còn không thì hoạt động kinh doanh chính sẽ không gánh được. Hiện tại, PVX đang quyết toán các dự án của PVN như Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, PVTex, Ethanol Phú Thọ… Đây là những dự án tại thời điểm năm 2013 PVC được giao làm tổng thầu EPC nhưng gây thua lỗ, đội vốn, do đó, công trình gần như không thể quyết toán được.
[Infographic] Con đường thăng tiến của 2 cựu quan chức PVC:

H1Đồ họa: Văn Thắng

Không có nhận xét nào: