Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Sẽ công bố cá biển ‘Formosa’ ăn được hay chưa vào tháng 9; Biển miền trung qna toàn kiểu gì ?; TP - Gần 2.000 tấn cá tồn kho ở Quảng Bình ; NGƯỜI NHẬT MẤT BAO NHIÊU NĂM ĐỂ “TẨY ĐỘC” BIỂN?; Sẽ làm sạch biển bằng công nghệ Nhật Bản?

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP: Hiện chưa thể khẳng định tất cả mẫu cá an toàn, đã' ăn được', vì chỉ còn 1/2 mẫu bị ô nhiễm, chưa đạt yêu cầu thì cũng vẫn còn nguy cơ cho sức khỏe.

Người dân vẫn chưa rõ cá 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường Formosa đã ăn được hay chưa
Người dân vẫn chưa rõ cá 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường Formosa đã ăn được hay chưa
Chiều 23.8, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP, Bộ Y tế) cho biết đã có 435 mẫu cá được lấy trong các tháng qua để kiểm nghiệm, sau khi có sự cố Formosa gây chết cá hàng loại tại vùng biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Theo bà Nga, trong các tháng 5, 6.2016, ghi nhận nhiều mẫu không đạt, tất cả đều đã được thông báo đến Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT để làm cơ sở cho việc phân luồng khai thác, kế hoạch quan trắc môi trường nước. Các xét nghiệm mẫu cá xác định mức độ ô nhiễm vi sinh đặc biệt chú trọng nồng độ kim loại nặng như: chì, cadimi, phenol…

Tuy nhiên, số mẫu cá được xét nghiệm không đạt đã giảm trong 2 tháng gần đây. Cụ thể: tháng 7 ghi nhận 7/27 mẫu không đạt (25%), trong 2 tuần đầu tháng 8 còn 1/18 mẫu được xét nghiệm mẫu không đạt (là mẫu lấy tại cảng cá ở Hà Tĩnh). “Vừa qua, sau khi Bộ TN-MT công bố những địa điểm có thể nuôi được cá lồng bè trở lại, đó cũng là khu vực đã có thể ăn cá trở lại nhưng Bộ Y tế vẫn tiếp tục giám sát để đảm bảo có được kết quả chính xác”, theo bà Nga.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, cho rằng: “Văn hoa không qua được sự thật”, sự việc này liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân nên hiện chưa thể khẳng định tất cả mẫu cá an toàn, đã “ăn được”, vì chỉ còn 1/2 mẫu bị ô nhiễm, chưa đạt yêu cầu thì cũng vẫn còn nguy cơ cho sức khỏe. Bộ Y tế vẫn tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm trong tháng này, và dự kiến hết tháng 8, sang tháng 9 mới có thể công bố các mẫu cá an toàn hay không.

Mọi việc phải được thông tin chính xác nhất vì thực phẩm ô nhiễm vi sinh, đặc biệt là ô nhiễm kim loại cao vượt ngưỡng an toàn có nguy cơ lớn cho sức khỏe người dân. Để chính thức công bố, Bộ Y tế đã thành lập hội đồng khoa học để các nhà khoa học cùng xem xét, thống nhất ý kiến trên cơ sở kết quả đã xét nghiệm để đưa ra kết luận, công bố chính thức “cá ăn được”.

Về việc mỗi lúc một kết quả, hồi tháng 4 - 5 Cục ATTP từng cho biết kết quả kiểm tra một số mẫu cá an toàn, bà Nga cho rằng, mỗi lô mỗi kết quả khác nhau là bình thường, Bộ TN-MT cũng công bố có chuyện đào thải tự nhiên, từ đó cũng giảm chất độc trong cá.

Trong một diễn biến khác, ngày 23.8, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với Formosa Hà Tĩnh về công tác bảo vệ môi trường. Theo báo cáo của Formosa, qua kiểm tra, Bộ TN-MT phát hiện 58 hạng mục bảo vệ môi trường của Formosa có thiếu sót. Hiện doanh nghiệp này đã hoàn thành 32 hạng mục, dự kiến đến cuối tháng 12.2016 sẽ hoàn thành tiếp 22 hạng mục; đến cuối 2017 hoàn thiện 2 mục kết nối giám sát ống khói; tháng 6.2018 hoàn thành 2 hạng mục lắp đặt thêm bể xử lý sự cố nước thải của xưởng xử lý nước thải. Formosa cam kết sẽ lắp đặt thêm thiết bị quan trắc tự động chất lượng nước, 3 hạng mục cải thiện đối với xưởng xử lý nước thải...

Hiện công ty đang lên phương án thay đổi công nghệ từ dập cốc ướt sang dập cốc khô và đã được Bộ TN-MT chấp thuận với thời gian hoàn thiện là 3 năm, dự kiến tháng 3.2019, hệ thống này mới đi vào hoạt động.

Tại buổi làm việc, ông Phan Lam Sơn, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh, Tổ trưởng Tổ giám sát môi trường Formosa, cho rằng qua kiểm tra nước thải, khí thải, chất thải rắn và việc sử dụng hóa chất của Formosa vẫn còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu.

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu Formosa phải thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường, hoàn thiện công nghệ, hệ thống xả thải và không được để tái diễn sự cố như thời gian qua. Ông Sơn cũng yêu cầu Formosa phải khẩn trương xử lý công nghệ luyện cốc từ ướt sang khô, điều chỉnh đường ống xả thải phải kịp thời; báo cáo hằng ngày cho Ban Quản lý khu kinh tế và UBND tỉnh về hoạt động của nhà máy, nhất là việc xả thải.

Liên Châu - N.Dũng

(Thanh Niên)

Xuân Sơn Võ với Võ Xuân Sơn.
18 giờ · 
NƯỚC BIỂN 4 TỈNH MIỀN TRUNG CƠ BẢN AN TOÀN
"Về bơi lội, tắm biển và nuôi trồng thủy sản, dưới góc độ khoa học, tôi thấy an toàn tuyệt đối, trừ các vũng xoáy ở bắc đèo Ngang, cửa biển Nhật Lệ - Quảng Bình, mũi biển từ Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị và Chân Mây - Thừa Thiên Huế".
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) kết luận như vậy tại hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, sau sự cố xả thải hủy diệt sinh vật biển của Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, ông nhắc lại, với vấn đề an toàn thực phẩm thì cần chờ thêm nghiên cứu từ Bộ Y tế. Tức là, nuôi trồng thủy sản thì được, nhưng mà ăn thì chưa biết được hay không. Lỡ nuôi trồng đến ngày thu hoạch, Bộ Y tế bảo không ăn được thì sao? Hay là lúc đó Bộ Y tế bắt buộc phải công bố là ăn được? Hay là Bộ TN&MT đã biết trước kết quả?
Tại sao Bộ Y tế vẫn chưa công bố cá có ăn được hay không? Do Bộ Y tế làm việc tắc trách, không quan tâm đến đời sống của bà con, không chịu làm nghiên cứu, để kéo dài thời gian? Hay Bộ Y tế chưa thể kết luận được? Hay đã có kết luận rồi mà không thể công bố ra?
Có khi nào các vũng xoáy ở bắc đèo Ngang, cửa biển Nhật Lệ, Quảng Bình, mũi biển từ Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị và Chân Mây, Thừa Thiên Huế, nơi vẫn còn độc tố, lại trở thành những điểm đen phát tán chất độc ra các vùng nuôi trồng thủy sản không?
Tại sao Bộ TN&MT không thể chờ kết luận của Bộ Y tế mà lại phải vội vàng tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển, trong khi vẫn chưa có đầy đủ các kết quả đánh giá? Có điều gì thúc bách Bộ TN&MT hay sao?
Sau hơn 4 tháng, lần đầu tiên Bộ TN&MT công bố biển có thể tắm được, và các bác trình diễn màn tắm biển lần thứ hai. Như vậy thì lần các bác tắm cách đây vài tháng là tắm trong thuốc độc hay sao? Rồi cái ông Phó Chủ tịch Hà tĩnh hồi nào bảo "ăn đi, tắm đi" là dựa trên cái gì? Lại còn màn biểu diễn ăn cá biển nữa chứ.

Phải ghi nhận là gần đây Chính phủ đã có những cố gắng nhất định, nhưng với cách làm việc tùy tiện như thế này thì khó mà làm cho dân yên tâm được.


NGƯỜI NHẬT MẤT BAO NHIÊU NĂM ĐỂ “TẨY ĐỘC” BIỂN?

23/08/2016
23-8-2016
Sau khi khảo sát quần thể sinh vật ở 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (được giao nhiệm vụ tìm nguyên nhân cá chết) kết luận, 50% diện tích san hô (trên tổng số 800 ha) khu vực biển 4 tỉnh này đã bị phá hủy. Các nhà khoa học nói rằng, Việt Nam cần đến 50 năm, hệ sinh thái biển ở Miền Trung mới có thể phục hồi hoàn toàn.
Khi biển bị nhiễm độc, các nước trên thế giới làm gì ?
Một giải pháp khả thi làm sạch môi trường là dùng tàu hút trầm tích đáy biển, lấy chất độc xyanua & phenol ra khỏi biển.
Đó chính là phương pháp mà người Nhật sử dụng trong quá trình làm sạch vịnh Minamata, nơi xảy ra thảm họa môi trường Minamata vào năm 1950.
Tại sao người ta phải vét đáy biển?
Vì rằng, mỗi khi có sóng ngầm, lớp trầm tích độc hại đang lắng đọng, nằm yên dưới đáy sẽ trỗi dậy, cuộn lên trên bề mặt mà khi “trời trong, biển lặng”, chúng ta cứ tưởng là biển sạch.
Lúc bấy giờ, với sự lao động miệt mài, chăm chỉ & đầy ý chí, họ đã MẤT 23 NĂM ĐỂ ĐÁNH BẮT, TIÊU HỦY HẾT SỐ CÁ ĐÃ NHIỄM ĐỘC, ĐỒNG THỜI MẤT 14 NĂM RÒNG RÃ ĐỂ NẠO VÉT, XỬ LÝ SỐ BÙN NHIỄM ĐỘC dưới lòng vịnh Minamata với kinh phí lên tới 48,5 tỉ yên.
Thế nhưng, ngày ấy, với sự thận trọng trong cách xử lý chất độc, đất nước Nhật đã không ngăn cản được bệnh Minamata, một căn bệnh khủng khiếp nhất của mọi thời đại.
Máu của những người tắm biển, ăn cá & các sinh vật vỏ cứng từ vịnh Minamata đã bị nhiễm xyanua & phenol nhưng họ không hề hay biết.
Và một thời gian không lâu, người dân của thành phố Minamata thơ mộng, xinh đẹp thuộc tỉnh Kumamoto (Nhật Bản) bỗng phát bệnh, tay, chân bị liệt, run lẩy bẩy, tai điếc, mắt mờ, nói lắp bắp, rú lên đau đớn vì co thắt. Những đứa trẻ sơ sinh bắt đầu bị liệt não, điếc, mù, đầu nhỏ, sống thoi thóp trong què quặt & dị dạng.
Kinh hoàng vì số người mắc bệnh Minamata do nhiễm hóa chất từ Công ty Chisso thải ra đã lên tới 17.000 người !

Thảm họa biển nhiễm độc tại vịnh Minamata đã đi vào lịch sử như một vết hằn đau đớn & khủng khiếp nhất của nhân loại.

Quảng Bình tồn kho hàng nghìn tấn cá

TP - “Trong lúc dầu sôi lửa bỏng thì lãnh đạo tỉnh kêu gọi chúng tôi mua cá giúp ngư dân. Giờ dân không ăn, cá không bán được, doanh nghiệp điêu đứng, muốn gặp lãnh đạo tỉnh để trình bày, tìm cách tháo gỡ thì họ né tránh.Chúng tôi đã 5 lần xin gặp ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhưng không thể gặp” - một giám đốc doanh nghiệp thu mua cá nói.
Các kho lạnh đang chất đống cá, không bán được.Các kho lạnh đang chất đống cá, không bán được.
Theo thống kê của các doanh nghiệp thu mua cá, Quảng Bình hiện có 7 kho đông lạnh, chủ yếu nằm ở hai cảng cá Sông Gianh (Bố Trạch) và Nhật Lệ (TP Đồng Hới). Họ là đầu mối thu mua hầu hết sản phẩm của ngư dân và tàu dịch vụ nghề cá cập ở hai cảng này, sau đó phân phối đi các thị trường trong cả nước. Hằng năm các kho đông lạnh này thu mua và xuất bán ra thị trường hàng chục nghìn tấn cá, doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Gần 2.000 tấn cá tồn kho
Cuối tháng 4 vừa qua, trước tình trạng cá chết chưa rõ nguyên nhân, các thị trường từ chối cá biển, các kho đông lạnh tạm dừng thu mua cá đánh bắt của ngư dân khiến tình hình rối loạn. Nhằm ổn định tình hình, Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi các doanh nghiệp thu mua cá giúp ngư dân, kèm theo các ưu đãi như: Hỗ trợ 20% giá thu mua, miễn 6 tháng lãi suất ngân hàng đối với các doanh nghiệp vay thu mua.
Nhờ những ưu đãi nói trên, cộng với sự tích cực vận động của các cấp chính quyền mà lượng cá đánh bắt xa bờ của ngư dân đều được thu mua hết. Tình hình ổn định, ngư dân tự tin bám biển, vươn khơi. Tuy nhiên không chỉ người dân các tỉnh trong vùng cá chết mà hầu hết các tỉnh thành trong cả nước cũng giảm ăn cá biển vì sợ nhiễm độc. Lượng cá các doanh nghiệp thu mua của ngư dân chỉ xuất bán được một ít, đa số tồn đọng ở các kho lạnh.
Theo bà Trương Thị Mười, Phó GĐ Công ty TNHH Đức Hiếu, có kho lạnh ở Cảng cá Nhật Lệ, cho biết: Trước thời điểm cá chết hàng loạt, để chuẩn bị cho dịp lễ 30/4, công ty bà đã mua vào 260 tấn cá các loại, trị giá 6,6 tỷ đồng. Bỗng dưng cá chết hàng loạt, người dân sợ nhiễm độc không ăn cá, chừng ấy tấn cá nằm lại trong kho. Thị trường đổi chiều, doanh nghiệp bà quyết định dừng thu mua cá, tuy nhiên trước sự vận động của chính quyền, bà đã vay 18 tỷ đồng của ngân hàng nông nghiệp để thu mua cá. Mặc dù đã cậy nhờ hết các mối làm ăn xưa nay, nhưng lượng cá bán ra nhỏ lẻ so với số lượng mua vào.
Hiện lượng cá mua mới tồn kho của bà Mười là 400 tấn, thêm 260 tấn trước thời điểm cá chết, tổng cộng 640 tấn, tương đương 30 tỷ đồng. Doanh nghiệp bà Mười đang phải gửi gần 300 tấn cá ở các kho lạnh của TPHCM, Nghệ An, Hải Phòng… vì các đầu mối trả lại hàng. Cứ mỗi tháng, bà Mười phải trả cho các kho lạnh này phí gửi 1.000 đồng/kg cá, tương đương 300 triệu đồng/tháng. “Để bảo quản 640 tấn cá tồn kho, ngoài 300 triệu trả cho các kho lạnh mình gửi hàng, tiền điện duy trì kho lạnh của mình, rồi tiền lãi ngân hàng, tiền nhân công… mỗi tháng doanh nghiệp tôi phải bỏ ra gần 500 triệu đồng. Sẽ không trụ nổi nếu Nhà nước không sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn giúp chúng tôi” - bà Mười nói.
Theo các doanh nghiệp thu mua cá trên địa bàn Quảng Bình, hiện họ đang tồn đọng gần 2.000 tấn cá, tương đương 100 tỷ đồng. Theo tiên lượng của các doanh nghiệp, nếu giỏi xoay trở thì họ chỉ có thể bán được 50% lượng cá nói trên, chủ yếu các loại như: ngừ, thu, bạc má, nục… số còn lại cho cũng không ai lấy.
“Hỏa tốc” thành “tốc hỏa”
Theo các doanh nghiệp thu mua cá, cho đến nay họ chỉ nhận được ưu đãi 20% giá mua cá của ngư dân, còn ưu đãi lãi suất ngân hàng thì chưa một doanh nghiệp nào được hưởng. Bà Nguyễn Thị Ninh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dũng Đức Tài, TP Đồng Hới cho biết: Đến công văn của Ngân hàng Nhà nước, thông báo ưu tiên vay và miễn lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua cá, khi về đến địa phương không ai phổ biến để doanh nghiệp biết.
Liên quan đến công văn số 3438, cho vay thu mua, tạm trữ hải sản của Ngân hàng Nhà nước, theo chỉ thị của Chính phủ mà bà Ninh nói, ngay cả PV báo chí cũng chỉ được Sở TTTT Quảng Bình yêu cầu tuyên truyền để các doanh nghiệp được biết vào ngày 31/6, có nghĩa là còn 5 ngày nữa là hết hạn cho vay.
Bà Nguyễn Thị Ninh nói: “Khi nước sôi lửa bỏng chúng tôi thường xuyên nhận được các công văn đóng dấu hỏa tốc chỉ đạo, vận động mua cá. Thực hiện theo “hỏa tốc” nay chúng tôi đang bị “tốc hỏa” nhưng chẳng ai ngó ngàng đến. Cá thì tồn đọng chất đống, còn lãi ngân hàng thì đến tháng phải nộp”.
Bà Nguyễn Thị Lê, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Bình, đóng tại xã Thanh Trạch (Bố Trạch) đặt câu hỏi: Số cá tồn đọng trong các kho hàng hiện nay là cá sạch, nhưng không bán được, nếu tiêu hủy thì có được hỗ trợ như cá bị nhiễm độc vừa qua không? Hoặc đợi Formosa đền bù thì cũng trả lời cho các doanh nghiệp biết.
Theo bà Lê, xử lí được số cá tồn đọng, các kho hàng mới có chỗ trống để tiếp tục thu mua cá cho ngư dân. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn vì ngư dân không bán được cá.
Trả lời về sự chậm trễ trong ưu đãi vay vốn theo chỉ thị của Chính phủ, ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Bình cho biết: Do thủ tục vay vốn liên quan đến nhiều mảng, nhiều ngành  nên có sự chậm trễ. Đặc biệt nguồn để cho vay ưu đãi chưa về nên các ngân hàng chưa triển khai. Ngày 22/8, ông đã có công văn hướng dẫn các ngân hàng thương mại.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng: Quảng Bình là địa phương làm tốt nhất công tác hỗ trợ ngư dân và các doanh nghiệp thu mua cá. Vừa rồi ông đã “trị” một số ngân hàng gây khó dễ với doanh nghiệp. Trước câu hỏi, đến nay các doanh nghiệp bị tồn đọng quá nhiều cá do không bán được, tỉnh có chủ trương gì để giải quyết cho các doanh nghiệp không? Ông Hoài nói: “Vấn đề này đã giao cho anh Dũng (Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng - PV) rồi”.
PV liên lạc với Phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng, ông Dũng nói, trước đây ông có phụ trách, nhưng nay đã giao cho người khác. “Anh Hoài nói thế, chứ đó là trước đây, giờ anh Ngân (Phó chủ tịch tỉnh Lê Minh Ngân) mới lên phụ trách. Vừa rồi đi họp Quảng Trị (công bố môi trường biển) anh Ngân cũng đi mà” - ông Dũng nói.  


Sẽ làm sạch biển bằng công nghệ Nhật Bản?

TP - GS.TS Mai Trọng Nhuận, Trưởng nhóm Điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra tại 4 tỉnh ven biển miền Trung (công bố hôm 22/8) cho biết, bên cạnh khả năng tự làm sạch của biển, thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất phương án làm sạch biển bằng công nghệ.
Biển đã an toàn sao phải dùng công nghệ làm sạch biển là câu hỏi được nhiều người đặt ra với các nhà khoa học. Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, phần lớn môi trường biển miền Trung đã an toàn nhưng không được như trước khi xảy ra sự cố.
Biển an toàn nhưng không sạch như trước
Kết quả phân tích các mẫu nước tầng mặt, tầng đáy, tầng giữa cũng như trầm tích đáy biển của dự án cho thấy, chất lượng nước biển, trầm tích nằm trong quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, tại 3 khu vực cách bờ 1,5 km gồm khu vực Sơn Dương - Hà Tĩnh (khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (khoảng 160 km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, cần tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên.
Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, hàm lượng phenol và xyanua (hai độc tố gây ra sự cố cá chết) đã giảm 90% nên biển đã an toàn, cá con bắt đầu xuất hiện và các thông số khác nói chung đều giảm theo thời gian. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá mới khẳng định được chính xác thời điểm biển khôi phục như xưa. 
Ngoài ra, theo các nhà khoa học, mặc dù môi trường biển đã tương đối an toàn (ngoại trừ ba vùng xoáy trên) nhưng hệ sinh thái biển của miền Trung đã bị tàn phá nặng nề và mất nhiều thời gian để khôi phục. Kết quả phân tích 3.156 mẫu vật được thu thập thuộc các nhóm sinh vật phù du, động vật đáy, san hô, cá biển, thực vật ngập mặn và rong cỏ biển cùng với hình ảnh và video quay dưới nước cho thấy, trong tháng 4 và 5/2016, 100% các rạn san hô trong khu vực khảo sát đều có dấu hiệu bị tẩy trắng, nhóm san hô cành hầu hết bị chết hàng loạt. 
Điển hình là khu vực rạn Hòn Sơn Dương - Hà Tĩnh (điểm đầu), tỷ lệ san hô chết cao nhất khoảng 90%, Hòn Nồm (Quảng Bình) và Hải Vân, Sơn Chà - Thừa Thiên Huế (điểm cuối), tỷ lệ san hô bị suy giảm là 66,7%. Sinh vật trên rạn san hô còn rất nghèo nàn, mật độ cá rất thấp, thấp nhất là Hòn Sơn Dương, Hòn Nồm.
Đến giai đoạn tháng 6 và 7/2016, hiện tượng san hô bị tẩy trắng mới dừng, hiện tượng san hô phục hồi tự nhiên mới bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, san hô phát triển rất chậm nên để rạn san hô khôi phục như trước khi xảy ra sự cố sẽ mất nhiều thời gian, có thể vài chục năm.
Vì vậy, theo GS Mai Trọng Nhuận, trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo các nhà khoa học sẽ đề xuất phương án làm sạch biển bằng công nghệ bên cạnh khả năng  tự làm sạch của biển. Ở giai đoạn này, trên cơ sở kết quả giai đoạn 1, các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi khả năng tự làm sạch của tự nhiên và những khả năng can thiệp của con người để tìm giải pháp công nghệ tối ưu cho việc làm sạch môi trường và khôi phục hệ  sinh thái.
Có thể áp dụng công nghệ của Nhật
Về công nghệ làm sạch biển, GS Nhuận cho biết, giải pháp quan trọng đầu tiên mà Bộ TN&MT đang làm là giám sát chặt chẽ nguồn thải từ nhà máy Formosa. Ngoài ra còn đánh giá định lượng khả năng làm sạch tự nhiên đồng thời phải có can thiệp của giải pháp công nghệ.
Theo GS Nhuận, Việt Nam chưa  bao giờ triển khai việc này nên chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm quốc tế, có thể nghiên cứu áp dụng hệ thống công nghệ xử lý bùn biển của Nhật Bản. Họ có công nghệ hút bùn nhưng không phát tán độc tố, không hủy diệt hệ sinh thái. Bùn hút lên sẽ được xử lý sạch độc tố, đảm bảo hết ô nhiễm rồi bồi hoàn trở lại đáy biển. Giá tại Nhật Bản là 500 USD/m3. Tuy nhiên, các nhà khoa học hy vọng, công nghệ này khi áp dụng ở ở Việt Nam sẽ rẻ hơn.
Công Bố hiện trạng môi trường biển miền Trung: 
Cần chỉ rõ tọa độ an toàn để ngư dân khai thác
Chiều 23/8, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, cùng với việc Bộ TN&MT công bố hiện trạng môi trường 4 tỉnh miền Trung, các cơ quan chuyên môn Tổng cục đang khẩn trương đưa ra các phương án để chỉ đạo sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Trung, các thông tin Bộ TN&MT công bố vẫn chưa rõ các toạ độ an toàn, đồng thời vẫn còn lưu ý một số khu vực, tiếp tục quan trắc. “Do vậy, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị Bộ TN&MT cung cấp thông tin cụ thể toạ độ và mức độ an toàn đến đâu để chỉ đạo sản xuất”.
Ông Trung cho biết, trước mắt, các cơ quan chuyên môn của Tổng cục đã đề xuất một số phương án với vùng biển 4 tỉnh bị thảm hoạ môi trường biển do xả thải của Formosa. Theo đó, có thể cho ngư dân đánh nghề cá nổi, không đánh nghề cá đáy; hai là không cấm khai thác và ba là cấm khai thác.    
 Nam Khánh

Không có nhận xét nào: