Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Dân Sài Gòn lội nước “gánh nợ” 24.000 tỷ đồng cho các dự án thoát ngập

13/07/2015 - 13:50

Suốt 10 năm qua, TP.HCM đã đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng cho các dự án chống ngập của thành phố. Nhưng cho đến nay, bình quân mỗi năm người dân và thành phố vẫn đang vừa lội nước, vừa phải “gánh nợ” khoảng 4.250 tỷ đồng để chi trả nợ gốc và lãi vay cho các dự án trên.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, chỉ trong 10 năm qua (từ năm 2005 đến nay), thành phố đã chi 24.300 tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập như nạo vét, cải tạo kênh rạch, xây dựng hệ thống thoát nước. Trong đó vốn ngân sách khoảng 9.000 tỷ đồng, vốn ODA khoảng 15.000 tỷ đồng. Thế nhưng, cho đến nay cứ khi nào gặp mưa là thành phố lại “ngập chân” trong nước, nhiều tuyến đường bị nước “tấn công” cao tới nửa mét, gây ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống người dân. Theo trung tâm điều hành Chương trình chống ngập cho biết, TP.HCM hiện còn 68 điểm ngập úng do mưa. Các điểm ngập úng giống như chiếc “túi bục”, cứ bịt chỗ nọ lại “tức nước” bung ra chỗ khác.
 
 
Trong khi đó, chính UBND TP cũng đánh giá là các dự án chống ngập trên cũng chỉ mới thực hiện được khoảng 1,2% khối lượng công việc theo quy hoạch nên hiệu quả chưa như mong muốn. Như vậy, tính đến hết năm 2014, tổng dư nợ vay của TP. HCM đã hơn 25.100 tỷ đồng. Dự kiến trong 5 năm tới, bình quân mỗi năm thành phố phải có khoảng 4.250 tỷ đồng để chi trả nợ gốc và lãi vay các dự án trên địa bàn.
 
Để thực hiện các dự án chống ngập cho khu vực rộng 550 km2 (gồm lưu vực trung tâm TP, phía Bắc, phía Tây, một phần Đông Bắc và Đông Nam), trong giai đoạn 2016-2020, dự tính TP.HCM cần huy động khoảng 66.820 tỉ đồng. Để có vốn thực hiện các dự án này, TP.HCM đưa ra phương án sẽ đầu tư 7.500 tỷ đồng từ ngân sách; vốn xã hội hóa là 15.885 tỷ đồng. Số còn lại, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ bằng nguồn vốn ODA và vay từ NHNN.
 
Tuy UBND TP cũng đã nêu ra những lý do về thời tiết, biến đổi khí hậu, rồi dân số tăng quá nhanh lên 10 triệu người, trong khi cơ sở hạ tầng chỉ đáp ứng cho khoảng… 2 triệu người, thì với số tiền đã bỏ ra cùng thời gian suốt 10 năm qua, mọi vấn đề ngập úng vẫn đang “dậm chân” dưới nước. Vậy hàng chục nghìn tỷ đã đi đâu, chẳng nhẽ chỉ “xuôi theo dòng” nước ngập rồi nhận trách nhiệm quản lý yếu kém là xong?
 
 
 

Không có nhận xét nào: