Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Bí mật rợn người trong hầm mộ của Võ Tắc Thiên

Trần Quỳnh | 

Bí mật rợn người trong hầm mộ của Võ Tắc Thiên

Trải qua hơn nghìn năm, Càn Lăng của Nữ hoàng Võ Tắc Thiên vẫn xứng đáng với danh hiệu "vạn năm thọ vực" và là một trong những ngôi mộ vững chãi, bí ẩn nhất Trung Quốc.

Kỳ bí lăng mộ sở hữu địa thế "có lợi cho Nữ hoàng"
Lịch sử Trung Hoa từng có tới 231 vị Hoàng đế, nhưng lại chỉ ghi nhận một Nữ hoàng duy nhất. Đó chính là Võ Tắc Thiên.
Không chỉ là mỹ nhân từng làm khuynh đảo Đường triều, Võ Tắc Thiên còn xây dựng cho mình nơi an nghỉ được hậu thế ca tụng là "kỳ quan thứ chín" và cũng là một trong những lăng mộ đế vương nguyên vẹn nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Bí mật rợn người trong hầm mộ của Võ Tắc Thiên - Ảnh 1.
Võ Tắc Thiên - Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. (Tranh: nguồn Wiki).
Bà và Hoàng đế Đường Cao Tông cùng được song táng trong Càn Lăng, nay thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây, phía Tây Bắc Trung Quốc.
Tương truyền rằng, lăng mộ của Võ Tắc Thiên từng bị đao kiếm phá phách, pháo súng oanh tạc, thậm chí còn bị 17 mộ tắc khét tiếng nhiều thời  ghé thăm.
Nhưng hơn một thiên niên kỷ qua, Mậu lăng của Hán Vũ Đế đã thành đất trống, Chiêu lăng của Đường Thái Tông bị quét sạch, thậm chí Khang Hi Hoàng đế bị trộm, xương cốt cũng không còn, Càn Lăng của Nữ hoàng họ Võ vẫn nguyên vẹn còn đó như một thách thức đối với thời gian.
Kỳ tích của lăng mộ này dựa trên phương thức xây dựng hết sức đặc biệt.
Càn Lăng nằm trong huyện Can (tỉnh Hàm Dương), ở vào vị thế đắc địa trên núi Lương Sơn, cách thành cổ Tây An 76km. Đây vốn là một dãy núi nham thạch đá vôi, có độ cao 1.047m so với mặt nước biển.
Dãy núi đặc biệt này có tới ba đỉnh, bắt đầu nổi lên từ cao nguyên Hoằng Sĩ bằng phẳng. Trong đó, đỉnh phía Bắc là cao nhất, tức là Lăng Càn. Hai đỉnh phía Nam thấp hơn, Đông Tây đối đầu, được ví như cánh cửa thiên nhiên của khu lăng mộ.
Bí mật rợn người trong hầm mộ của Võ Tắc Thiên - Ảnh 2.
Từ xa nhìn lại, Lương Sơn giống như đỉnh "nhũ hoa" của người đẹp, nên còn được gọi với cái tên dân dã là "núi đầu nhũ". (Ảnh: nguồn internet).
Nhờ sở hữu địa thế đặc biệt, lại "cõng" trên mình lăng mộ kỳ vĩ, Lương Sơn mang dáng hình giống như một người phụ nữ đang nằm ngủ.
Một bậc thầy phong thủy đời nhà Đường từng khẳng định: Lương Sơn ở huyện Càn rất có lợi cho nữ hoàng. Bởi vậy mà Võ Tắc Thiên liền chọn nơi đây làm nơi an giấc ngàn thu cho mình và chồng là Đường Cao tông Lý Trị sau khi qua đời.
Càn lăng là khu lăng mộ lộ thiên, được khởi công vào năm 684 và xây dựng ròng rã 23 năm mới hoàn thành.
Xây dựng vào thời kỳ đỉnh cao thịnh trị, triều đình sở hữu quốc lực dồi dào, nên lăng mộ có quy mô to lớn, kiến trúc hùng vĩ, thường được ví như "lịch đại chư hoàng lăng chi quan" (lăng mộ giữ vị trí "quán quân" trong các lăng của Hoàng đế mọi thời đại).
Những bí ẩn chưa có lời giải bên trong Càn Lăng
Theo các tài liệu khảo cứu, Càn Lăng được phát triển và hoàn thiện theo phong cách xây dựng của Chiêu Lăng – nơi an tán Đường Thái Tông Lý Thế Dân.
Kết cấu của Càn Lăng mô phỏng theo thành Tràng An (kinh đô nhà Đường), bao gồm hoàng thành, cung thành và ngoại quách.
Đường trục chính Nam – Bắc của lăng mộ này dài tới 4,9km. Nội thành chiếm 240m2. Chu vi cung thành dài 12 dặm. Chu vi ngoại thành là hơn 80 dặm. Sân trong của lăng gồm 308 phòng.
Ngày nay, bên trong Càn Lăng còn được bố trí 103 tượng đá, trong đó có 61 tượng đại diện cho các dân tộc Trung Hoa.
Điều bí ẩn là cả 61 bức tượng này đều mất đầu bởi nhiều nhát chém. Cho tới ngày nay, nguyên nhân những pho tượng đó bị "chặt đầu" vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi trong giới sử học Trung Quốc.
Bí mật rợn người trong hầm mộ của Võ Tắc Thiên - Ảnh 3.
Những ngôi mộ bị "chặt đầu" trong lăng mộ của Võ Tắc Thiên cho đến nay vẫn là bí ẩn lịch sử. (Ảnh: nguồn internet).
Sâu bên trong lăng mộ có tấm "vô tự bia" (bia không chữ) khổng lồ với chiều dài lên tới 7,5m, nặng hơn 100 tấn, được chạm khắc 8 đầu rồng cùng với những hình tuấn mã, sư tử.
Lý giải về tấm bia không chữ này, một số nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng công đức của Võ Tắc Thiên quá lớn, không một tấm bia hay văn tự nào có thể diễn tả hết.
Tuy nhiên, một số khác lại khẳng định, tuy là một người tài năng, nhưng Võ Tắc Thiên lại mang thân nữ nhi và sở hữu không ít "tật xấu". Bởi không thể luận rõ công và tội của bà, nên bia mộ mới không đề chữ.
Bí mật rợn người trong hầm mộ của Võ Tắc Thiên - Ảnh 4.
Hơn một thiên niên kỷ qua,bí mật về vô tự bia trong Càn Lăng vẫn luôn là chủ đề tranh cãi của hậu thế. (Ảnh: nguồn internet).
Theo ước tính của giới nghiên cứu, với quy mô và tầm vóc của Càn Lăng, rất có thể số châu báu trong mộ sẽ lên tới con số… 500 tấn. Thậm chí, nhiều khả năng tập Lan Đình Tự nổi tiếng của "thánh thủ" Vương Hy Chi cũng được cất giấu bên trong lăng mộ này.
Trường tồn cũng bởi mang trong mình lời nguyền chết chóc?
Xuất phát từ những giai thoại về kho báu khổng lồ bên trong Càn Lăng, nên lăng mộ này đã từng bị mộ tặc ghé thăm tới… 17 lần.
Cuối thời nhà Đường, Hoàng Sào – lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa nông dân – đã huy động tới 40 vạn dân binh đào bới liên tục tại Càn Lăng với hy vọng lấy được của cải. Nhưng ngay cả khi đã đào tới hố sâu 40m vào lòng núi, nhóm người này vẫn phải tay trắng ra về.
Bí mật rợn người trong hầm mộ của Võ Tắc Thiên - Ảnh 5.
Trải qua ngàn năm, ngôi mộ của Võ Tắc Thiên vẫn còn nguyên vẹn bất chấp sự tàn phá của thời gian, thiên nhiên hay đao kiếm, thuốc nổ của mộ tặc. (Ảnh: nguồn internet).
Tương truyền rằng, ngôi mộ của Võ Tắc Thiên hợp táng cùng Cao Tông Lý Trị còn sở hữu lời nguyền chết chóc cho kẻ nào tới phá đám giấc ngủ ngàn thu của hai vị Hoàng đế.
Theo đó, vào thời Ngũ Đại, thứ sử Diệu Châu là Ôn Đạo là một mộ tặc khét tiếng. Họ Ôn này từng có "thành tích" đào xới hơn 10 lăng mộ Đường triều, thu về cả kho tài châu báu.
Ôn Đạo từng huy động tới 2 vạn người để khai quật Càn Lăng. Nhưng trong quá trình đào bới, thời tiết thường xuyên xảy ra mưa bão, sấm sét dữ dội. Đội nhân công cũng liên tục có người chết vì tai nạn, bệnh tật.
Quá sợ hãi trước những điềm báo này, Ôn Đạo đã phải dừng ngay hành động xâm phạm khu lăng mộ của Nữ hoàng họ Võ.
Dưới thời Quốc Dân Đảng, tướng Tôn Liên Trọng cũng từng huy động một binh đoàn với một lượng lớn thuốc nổ để phá 3 tầng nham thạch vào trong núi. Nhưng những vũ khí tân tiến, hiện đại vẫn không giúp những kẻ hậu thế chạm tới Càn Lăng.
Trải qua nhiều biến động của lịch sử, Càn Lăng vẫn sừng sững tọa lạc trên đỉnh Lương Sơn. Cho đến ngày nay, kỳ quan "thi gan cùng tuế nguyệt" tới cả ngàn năm ấy vẫn là một trong những lăng mộ bí ẩn nhất trong lịch sử Trung Quốc.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: