Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Người đưa tin: Vụ phóng viên bị công an 'gạt tay trúng má': Phải cảm tạ ông giời


Người phóng viên nên cảm tạ trời đất, nhờ phúc lớn mạng lớn nên mới chỉ bị gạt nhẹ một cái mất mấy giọt máu mồm mà thôi. Chứ người ta mà ra tay hành hung thật thì giờ này chắc anh đang làm bạn với dế.

Tôi biết nhiều người sẽ không hài lòng với kết luận điều tra ban đầu mà công an Hà Nội công bố liên quan tới vụ một phóng viên bị một số cán bộ công an huyện Đông Anh (Hà Nội) hành hung. Bởi theo giải thích của ông Nguyễn Duy Ngọc, Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT công an TP. Hà Nội thì cú đấm như búa bổ của người chiến sỹ công an nhân dân Ngô Quang Hưng vào mặt phóng viên Quang Thế chỉ là cú gạt tay trúng má. Còn cú đá giống như của võ sỹ MMA thì chỉ dừng ở mức hành vi vì chưa trúng người.
Thiết nghĩ phóng viên Quang Thế cũng nên cảm tạ trời đất, nhờ phúc lớn mạng lớn nên mới chỉ bị gạt nhẹ một cái, mất mấy giọt máu mồm mà thôi. Chứ người ta mà ra tay hành hung thật thì giờ này chắc anh đang làm bạn với dế rồi, chứ đâu còn thời gian để ngồi thanh minh, bày tỏ?
Có thể nhiều người sẽ cười khẩy khi biết được cách xử lý rốt ráo của công Hà Nội thì ra là vậy. Nhưng tôi cho rằng chẳng có gì phải bực mình hay phẫn uất vì đôi khi chúng ta phải chấp nhận sự vô lý như những điều hiển nhiên trong cuộc sống này. Năm 2011, một nữ sinh lớp 12 phải nhận 9 tháng tù vì tát cảnh sát giao thông. Năm 2014, một thanh niên ở Thanh Hóa cũng phải nhận mức án 15 tháng tù vì hành hung cảnh sát giao thông.
Trở lại vụ việc đang bàn ở trên, người chiến sỹ công an nhân dân Ngô Quang Hưng nhận mức kỉ luật là khiển trách. Một đồng chí khác vì gạt tay vào máy quay nên phải kiểm điểm rút kinh nghiệm. Trong khi phóng viên Quang Thế bị phạt hành chính gần 15 triệu đồng vì đủ các lỗi. Nào là chụp ảnh tại khu vực cấm, lăng mạ người thi hành công vụ, lợi dụng tư cách phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng phát luật của tổ chức cá nhân …

Hành vi này được cho là hành vi "gạt tay trúng má" phóng viên
Dân gian thường truyền nhau câu nói “miệng nhà quan có gang có thép” để ám chỉ người có quyền thế thì muốn nói gì, muốn làm gì cũng được. Nhưng đó là chuyện thời phong kiến, cũ nát lắm rồi. Ngày nay, người chiến sỹ công an nhân dân phải vì nước quên thân, vì dân phục vụ theo đúng tiêu chuẩn mà Bác Hồ đã dạy. Đành rằng đâu đó vẫn có những người vượt ra ngoài khuôn khổ, nhưng chúng ta hãy thống nhất với nhau đó là trường hợp hi hữu đi. Như thế cho dễ sống mọi người ạ!
Tất nhiên câu chuyện lần này cũng nằm trong trường hợp hi hữu đó dù những kết luận thiếu tính thuyết phục được đưa ra bởi cả một hệ thống. Tôi không dám nói công an Hà Nội đưa ra những kết luận thiên vị và mang tính trả đũa nhưng rõ ràng, nó có thể tạo thành những tiền lệ rất xấu sau này. Tất cả mọi người đều cần phải thượng tôn pháp luật bất kể anh là người thực thi công vụ hay dân thường áo vải.
Và dẫu cho người phóng viên có thể sai sót trong tác nghiệp làm ảnh hưởng tới công việc của công an nhưng không phải thế mà xông vào hành hung rồi sau đó nói rằng đó chỉ là cú gạt tay trúng má hay hành vi đạp nhưng không trúng người được?
Lịch sử xã hội chỉ ra rằng, con người ta càng có nhiều quyền lực thì dã tính càng có xu hướng bộc lộ rõ hơn và nhiều hơn. Vì thế các thể chế hiện nay cân bằng nó dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Chúng ta có thể chấp nhận những ngoại lệ nhưng ngoại lệ đó phải được thực hiện như thế nào đó để người dân thấu hiểu và thông cảm.
Theo quan điểm của người viết, vụ việc lùm xùm của công an Đông Anh và cách xử lý vấn đề của công Hà Nội cũng là một ngoại lệ. Nhưng ngoại lệ đó có được dư luận thông cảm hay không, xin hãy để người dân tự trả lời.
Phạm Văn
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết

Không có nhận xét nào: