Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Nước uống nhiễm chì là do... doanh nghiệp

Tuệ Minh | 

Nước uống nhiễm chì là do... doanh nghiệp
Có nhiều sản phẩm nước uống Rồng Đỏ bị nhiễm chì chưa thể thu hồi được (Ảnh: Tuổi trẻ)

Theo Cục trưởng Cục ATTP, trong vụ nước uống nhiễm chì, lỗi thuộc về doanh nghiệp bởi lô nguyên liệu khi được kiểm nghiệm thì đảm bảo nhưng sản xuất thì sản phẩm lại vượt ngưỡng.

Là một trong 8 vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Y tế cần lưu ý ngoài những nhiệm vụ được Thủ tướng giao, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thêm một lần nữa Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đến.
Cụ thể, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng cho biết nhắc đến việc dư luận vẫn bức xúc với việc sử dụng chất cấm, chất bảo quản trong chế biến thực phẩm.
Nước uống nhiễm chì là do... doanh nghiệp - Ảnh 1.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đến Bộ Y tế (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Ông Mai Tiến Dũng đề cập trách nhiệm của Cục Quản lý dược – cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép nhập khẩu Salbutamol đã sở hở để 6/9 tấn chất này nhập về bị lưu hành trôi nổi trên thị trường, bị sử dụng cho mục đích chăn nuôi nhằm tạo nạc cho gia súc.
Ngoài ra, vụ lô hàng nước C2 và Rồng Đỏ của Công ty URC nhiễm chì khiến dư luận bức xúc vừa qua cũng là một việc Thủ tướng yêu cầu đoàn kiểm tra nhắc nhở Bộ Y tế. Cho đến giờ, lượng lớn số nước nhiễm chì đó vẫn chưa được thu hồi hết.
Hôm nay, 19/10, trao đổi với với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết ngày hôm qua ông đã có trình bày về vấn đề nước giải khát nhiễm chì này.
Theo đó, ông Nguyễn Thanh Phong đã giải thích thêm việc Viện kiểm nghiệm cho doanh nghiệp nhập nguyên liệu làm phát sinh hiện tượng nước giải khát URC nhiễm chì.
Theo vị Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm này, "lỗi" trong sự việc này nằm ở phía doanh nghiệp. Cụ thể, khi mang lô sản phẩm đi kiểm nghiệm, chất lượng đảm bảo nhưng khi đưa vào sản xuất thì lô nước C2, Rồng Đỏ lại để vượt quá hàm lượng cho phép.
Liên quan đến việc này, Bộ Y tế cũng đã từng phạt URC 5,8 tỷ đồng - số tiền lớn nhất từ trước tới nay cho một vụ việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, cho đến thời điểm này, một phương án đền bù cho những người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng những chai nước C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì (không thể thu hồi được) vẫn chưa được quyết định.
Trước đó, ngày 18/10, tại buổi làm việc giữa Tổ Công tác của Thủ tướng với Bộ Y tế, bên cạnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về 7 vấn đề khác.
Cụ thể, đó là vấn đề báo chí và người dân rất quan ngại tình trạng bệnh viện và người bệnh câu kết để trục lợi từ chính sách bảo hiểm y tế, dẫn tới mất công bằng, thiếu minh bạch, bất bình đẳng trong thụ hưởng chính sách, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Thứ hai là vấn đề chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép. Thứ ba, là tiến độ giải ngân vốn ODA, vốn ngân sách chậm, nhất là trong việc xây dựng 5 bệnh viện lớn đã có khoản kinh phí 20.000 tỷ đồng.
Thứ tư là chất lượng hệ thống y tế tuyến xã, phường vẫn có nhiều bất cập. Thứ năm là vấn đề đấu thầu thuốc.
Thứ sáu, có những vụ việc người nhà bệnh nhân, bệnh nhân có thái độ không tốt, thậm chí đe dọa, hành hung cán bộ, vì thế Bộ Y tế cần được quan tâm, chấn chỉnh, tăng cường an ninh tại các bệnh viện.
Cuối cùng là một số vấn đề liên quan tới công tác cán bộ ngành y, như thông tin liên quan tới Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã được báo chí phản ánh.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: