Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Sau TP Hồ Chí Minh, đến Hà Nội cũng kêu thiếu tiền

Ông Hoàng Trung Hải: Hà Nội đang rất đau đầu về vốn

28/10/2016 11:49 GMT+7
TTO - Theo Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, với Hà Nội, mức đầu tư từ ngân sách chỉ còn 20%, còn lại 80% phải kêu gọi đầu tư xã hội. Hà Nội đang rất đau đầu về vốn.
Ông Hoàng Trung Hải: Hà Nội đang rất đau đầu về vốn
Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải - Ảnh: ĐỨC BÌNH
Trao đổi với báo chí trong giờ giải lao của Quốc hội, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết ngân sách cho Hà Nội cũng như TP.HCM sẽ giảm. Với Hà Nội, mức đầu tư từ ngân sách chỉ còn 20%, còn lại 80% phải kêu gọi đầu tư xã hội.
* Ông có ý kiến gì khi Hà Nội bị cắt giảm ngân sách. Hà Nội đã có kế hoạch gì?
- TP.HCM cũng đã có ý kiến rồi. Thực tế, Hà Nội và TP.HCM là những đầu tàu kinh tế lớn, có trách nhiệm đóng ngân sách lớn cho trung ương để trung ương còn lo cho rất nhiều địa phương khác. Đó là trách nhiệm của Hà Nội, TP.HCM và nhiều năm qua vẫn phải thực hiện trách nhiệm đó.
Mình có lợi thế về kinh tế thì hỗ trợ các địa phương. Hiện nay thách thức rất lớn cho cả hai thành phố là vấn đề về đô thị. Với chủ trương cắt giảm thì Hà Nội và TP.HCM sẽ gặp phải thách thức rất lớn về đô thị.
Việc điều tiết theo tỷ lệ nào đó cho hợp lý để hai thành phố vẫn đáp ứng được nhu cầu, và quan trọng nữa là tiếp tục tạo ra nguồn thu tốt để đóng góp cho trung ương là hết sức thách thức.
Cả hai thành phố đang bàn với các bộ, ngành, trung ương để trình ra Quốc hội quyết định về tỷ lệ này.
Ai cũng mong muốn, nhưng nguồn vốn thì khó khăn nên thành phố ngay từ đầu đã tính đến khả năng tối đa là kêu gọi đầu tư xã hội, nhưng kêu gọi đầu tư xã hội không hề dễ.
Mọi người nói về vấn đề rác chẳng hạn. Nếu mình kêu gọi không khéo thì mình gọi là xã hội hóa thôi nhưng cuối cùng họ xử lý không ra gì, không đảm bảo công nghệ, không bảo vệ môi trường thì mình bị tai tiếng. Phải quản lý tốt thì mới tạo nên thế các bên cùng có lợi.
* Ngân sách giảm nhiều nên Hà Nội sẽ phải điều tiết trong đầu tư các dự án. Vậy những dự án nào sẽ bị giảm, giảm bao nhiêu?
- Vô cùng giảm. Tổng đầu tư của Hà Nội trong những năm tới, đến 2020 sẽ chỉ còn 20% vốn ngân sách, còn lại 80% phải kêu gọi xã hội. Nếu kêu gọi đầu tư xã hội không được thì ta sẽ thiếu nước, thiếu điện, thiếu xử lý nước thải, các hồ nước ô nhiễm. Những vấn đó rất nan giải.
Thành phố sẽ phải tăng cường quản lý, sẽ xử lý nghiêm việc đầu tư không hiệu quả, tăng cường giám sát. Tỉ lệ 80-20 thì sẽ tăng kêu gọi đầu tư xã hội, khi đó tư nhân bên ngoài vào chính họ sẽ phải tăng cường quản lý đầu tư. Tuy vậy, vẫn phải có quản lý đầu tư của nhà nước.
Đến lúc nào đó xe biển chẵn sẽ đi ngày chẵn
Bí thư thành ủy Hà Nội cũng cho biết Hà Nội sẽ mở thêm không gian giao thông công cộng. Hiện thủ đô có 96 tuyến xe buýt, với 1.500 đầu xe, nhưng đến 2020 sẽ phải tăng thêm tuyến lên 150 và tăng đầu xe lên trên 2.000 chiếc.
Ngay trong năm 2016, kế hoạch là tăng thêm tám tuyến xe buýt, nhưng đến cuối năm sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch, mở mới thêm 11 tuyến xe buýt.
Cũng theo ông Hải, thành phố Hà Nội đã có đề án quản lý để hạn chế xe cá nhân, tăng tốc phương tiện công cộng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục bàn thảo, hoàn thiện đề án này. Theo đề án này, đến một lúc nào đó xe biển chẵn sẽ phải đi ngày chẵn, xe biển lẻ đi ngày lẻ. Và cũng đến lúc nào đó, chúng ta phải cấm xe máy.
Rất nhiều quốc gia đã áp dụng phương án này, kể cả các nước họ có nguồn lực đầu tư lớn hơn mình rất nhiều. Không phải năm 2025, nhưng có thể đến năm 2030 các quận nội đô sẽ không lưu thông xe máy.
Chúng tôi để khoảng cách xa như vậy thì người dân sẽ có thời gian để chuẩn bị, thành phố cũng có thời gian để đầu tư hạ tầng, mở rộng các phương tiện giao thông công cộng”.
ĐỨC BÌNH

BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào: