Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

QUỐC PHONG: Kỳ 2- Danh dự của con người và câu chuyện văn hoá từ chức hôm nay.

Quoc Phong đã thêm 6 ảnh mới.
8 giờ
Chuyện bây giờ mới kể
CHUYỆN TÔI BỊ CÁCH CHỨC,NGHĨ VỀ DANH DỰ CỦA CON NGƯỜI
Kỳ 2- Danh dự của con người và câu chuyện văn hoá từ chức hôm nay.
Từ bên trụ sở Trung ương Đoàn ở Bà Triệu, tôi phóng xe máy sang Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch( phố Ngô Quyền) để ghé vào Cục Báo chí( Bộ Thông tin Truyền thông) khi đó vẫn tạm tá túc nhờ vì chưa có trụ sở ,phải ngồi nhờ bộ cũ.
Tôi vào phòng Báo Trung ương , nơi có chị Sông Lam ( trưởng phòng) và anh Thái Thiên, (phó trưởng phòng) ngồi chung . Do lúc đó, anh Thái Thiên ( bây giờ là Phó Cục trưởng Cục Báo chí ) còn kiêm nhiệm theo dõi khối báo đoàn thể Trung ương nên tôi kéo ghế ngồi sát cùng anh ,thì thầm hỏi chuyện họp hành lúc sáng thế nào ?
Anh Thiên cũng ngại có Hồ Sông Lam ngồi gần nên cũng chỉ hé môi rằng ý cấp trên là như vậy thật, nhưng chưa triển khai. Chắc phải một hai bữa nữa mới có quyết định thu hồi thẻ của 4 anh em chúng tôi. Của Tôi, của Hoàng Hải Vân( TN) của Bùi Thanh và Đà Trang ( Tuổi trẻ).
Tôi mở chiếc ví trong túi áo ngực rồi rút ra tấm thẻ hành nghề của mình, một thứ cần thiết đối vói người làm báo và đưa luôn cho anh Thái Thiên. Anh ấy tỏ vẻ ngỡ ngàng trước hành động này của tôi và rỉ tai bảo tôi cất đi Anh ấy không chịu cầm vì đã có quyết định yêu cầu thu gì đâu !
Tôi bảo : Thôi thế này, để mai mốt tôi khỏi phải lên nộp, xem như anh bí mật cho tôi chuyện hôm nay tôi lên nộp. Bao giờ anh thảo văn bản thì coi như chỉ là hình thức rồi chuyển giúp tôi sang chỗ cần chuyển. Được chưa ? Thông cảm giúp cho để tôi đỡ phải lên lần nữa ...
Anh Thái Thiên vẫn không chịu nhận tấm thẻ Nhà báo này của tôi và hình như trong mắt người đàn ông ấy cũng thấy ngân ngấn giọt nước mắt.
Tôi cười và bảo anh : "Anh em mình hiểu nhau mà, có gì mà anh phải ngại !"
Tôi chào mọi người trong phòng ra về . Họ cũng hiểu tôi đang trong hoàn cảnh nào nhưng chắc chỉ mình anh Thiên hiểu hơn người khác : Tôi lên đây trả thẻ cho Cục Báo chí. Tôi làm cái điều trước cả lúc có quyết định của Bộ ký.
Vào một buổi chiều , anh Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam có gọi điện cho tôi nói nhỏ : Trong bản tin thời sự tối nay của VTV1 sẽ có chuyện đọc quyết định thu thẻ nhà báo của chúng tôi . Anh muốn chia sẻ trước như việc bất khả kháng , mong được chia sẻ với một người bạn đồng hương thân quý nhau. Anh Trần Đăng Tuấn là tác giả nhiều bài viết mà lâu nay tôi vẫn nhờ anh viết bài cho chuyên mục Chào buổi sáng của Thanh niên.
Tối hôm đó( 1/8/2008) , trên sân Vận động Quốc gia Mỹ Đình có trận bóng đá giao hữu giữa Đội tuyển Việt Nam với đội Tuyển bóng đá Olimpic Brazil. Tôi biết rằng nếu mang điện thoại đi theo hôm nay sẽ mất tập trung coi bóng và sẽ thêm buồn ra. Mà đằng nào thì cái gì đến cũng vẫn sẽ đến. Tôi quyết định bỏ máy điện thoại ở nhà để khỏi nghe .
Đến lúc về nhà, tôi mở máy ra thì có đến vài chục gọi nhỡ và cả trăm tin nhắn chia sẻ với tôi trước tai nạn nghề nghiệp này.
Việc Nhà đài đưa tin theo chỉ đạo của trên cũng là lẽ thường. Cái đau với tôi không phải là chuyện bị bêu tên hay không bị bêu tên trước khán giả cả nước. Điều chua xót là khoảng mươi hôm sau gì đó, do có một ai có chức sắc có ý kiến, tại sao VTV đọc lại không tách bạch ra, trong số nhà báo bị thu thẻ hôm trước, ai là nhà báo bị thu do liên quan đến đăng bài vụ bắt 2 nhà báo vụ PMU 18 và ai là nhà báo bị thu do khuyết điểm sai phạm khác. Chuyện này, đối với tôi cũng là điều hay, nhưng ở góc độ khác, nó thêm một lần đau buồn.
Thế là trái tim tôi lại thêm một lần bị tứa máu. Nó chẳng khác gì vết thương mới hơi liền vết mổ, nay lại bị người ta đè nghiến rồi dẫm lên nó, chà thêm cả muối lẫn ớt vào vết thương mới liền .
Thế là VTV lại thêm một lần" Nói lại cho rõ: Trong số 7 nhà báo bị thu thẻ ngày X. thì có 4 nhà báo bị vì vụ PMU18 và 3 nhà báo liên quan đến các sai phạm kinh tế khác."
Tình hình hồi tháng 8 /2008 với tôi xem ra vô cùng căng thẳng. Sau cái lần Trung ương Đoàn bảo vệ tôi không được( đã ký kỷ luật Khiển trách nhưng không được chấp nhận) . Trên đã có ý yêu cầu kiểm điểm lại để áp vào mức Cách chức. Trong bối cảnh lúc đó,tôi rất mệt mỏi và cũng rất hiểu Trung ương Đoàn các anh chị cũng mệt mỏi không kém.
Tôi suy nghĩ nhiều và chủ động viết lá thư riêng gửi anh Võ Văn Thưởng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS HCM, là người thủ trưởng tôi mà tôi rất quý mến từ lâu, không chỉ lúc về Trung ương Đoàn mà từ khi anh còn công tác trong thành phố HCM. Tôi xin được anh ra quyết định cách chức thật sớm cho tôi vì càng để lâu tôi càng thấy mệt mỏi. Hơn nữa, ít nhiều cũng sẽ làm khó xử cho Tổ chức Đoàn nói chung.
Tôi viết xong , đưa cho anh Võ Ba, Trưởng ban Thanh niên Giáo dục của báo tôi nhờ cầm giúp lên Trung ương Đoàn để chuyển tận tay cho anh Thưởng. Tiếc rằng, do Võ Ba thương tôi nên không đành chuyển lá thư đó tới người có trách nhiệm mà sau đó anh tự huỷ nó đi.
Tôi dù đã biết Võ Ba đã xé đi mà không chịu gửi hộ.Song tôi cũng tự thấy rất hoang mang không biết có nên viết tiếp lá thư khác cho anh vì cũng lại có nhiều người gàn. Mọi người khuyên tôi rằng nếu tôi làm như thế cũng đồng nghĩa mình đã thừa nhận sai phạm !
Ngày ấy, khái niệm" từ chức" không mấy người nhắc đến trong đời sống xã hội. Có lẽ cần phải hiểu nó ở nhiều cấp độ thì mới khách quan. Khi nào thì dùng từ " buộc phải", khi nào thì “phải”, khi nào thì “cho” và khi nào thì “nên” từ chức ? Khi nào dù có muốn từ chức cũng không được phải là cách chức ? Tất cả những ý này, chúng ta rất nên nghiên cứu và cần được sử dụng cẩn thận trong thuật ngữ pháp luật và sau này cứ thế mà làm. Với những ai như tôi, chắc sẽ tự vận cho mình cách tự xử và tổ chức cũng nên cân nhắc cái gì phù hợp nhất để " trảm" một ai đó.
Bất giác, tôi nhớ đến chuyện cũ của các bậc tiên tổ thuộc dòng tộc nhà tôi ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định mà thấy ngượng cho chính mình. Tại sao các cụ mình ngày xưa không màng danh vị, sống thư thái, thanh thản và đáng nể đến vậy ? Nay, sao con người như mình lại tự thấy tầm thường làm sao ! (tuy truyền thống học hành thi cử ở làng chúng tôi không đến mức bị nhiễm thứ bệnh học hành quấy quá, rồi mua quan bán chức như ngoài xã hội)
Chuyện được lưu truyền trong gia tộc chúng tôi như một nhân cách sống đáng tự hào. Đó là có cụ Tiến sĩ đệ tam giáp Nguyễn Ngọc Liên (1852-1937) được bổ Tri phủ Nam Sách, Hải Dương năm 1890. Cụ là vị quan liêm khiết, siêng năng và công minh trong công việc.
Vào năm 1892,khi viên Toàn quyền Đông Dương De Lanessan đi kinh lý Hải Dương. Không theo nghi lễ cùng mọi người cụ Nghè Liên đã bước vào Dinh nhưng lại không chịu cúi lạy chào viên Toàn quyền. Điều đó khiến cho vị quan nọ bực tức và đòi kỷ luật cụ, đòi phải cho cụ "huyền chức" 1 năm không lương ( dạng tạm đình chỉ công tác như bây giờ) vì can tội " bất bái Toàn quyền". Thực ra, cụ cũng đã có tiếng xấu với thượng cấp là cụ vốn rất ghét Pháp và bọn tay sai xu nịnh.
Sau đó, Nha Kinh lược Bắc kỳ có nhắc cụ làm đơn xin tái bổ nhiệm Tri phủ, cụ lấy cớ ở nhà chịu tang cha mẹ và không chịu làm đơn rồi xin từ chức luôn. Nha Kinh lược lại gợi ý bổ làm Quan Đốc học tỉnh Nam Định ( ngang giám đốc sở bây giờ), cụ cũng thoái thác mà về nhà dạy học và làm thuốc chữa bệnh cứu người , rất thanh thản, nhẹ nhàng ... Vậy mà bây giờ, chúng tôi tự thấy mình thật kém xa các cụ nhiều quá !
Quốc Phong
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

Không có nhận xét nào: