Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Vai trò của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: đã xứng tầm nguyên thủ chưa?

Thủ tướng là thủ tịch của các tướng, chứ thủ tướng không nên làm các việc của "thiếu tướng, trung tướng" để rồi thành "bại tướng"!

Hôm nay đọc BBC thấy có bài "Thủ tướng Phúc có thể tạo nên sự khác biệt? của PGS-TS Phạm Quý Thọ. (BBC Việt Ngữ ngày 4/12/2016)

Ông khen thủ tướng là người "quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính, phục vụ, kiến tạo, đã tạo được ấn tượng mạnh về sự mạnh mẽ và khác biệt trong điều hành, những 'chỉ đạo' của thủ tướng đã và đang gây ấn tượng và thu hút được sự chú ý của công luận và người dân".

Cơ sở để bài viết ( và nhiều người khác) khen ngợi va đánh giá cao thủ tướng Phúc là các chỉ đạo "kịp thời, quyết liệt" trong vụ quán cà phê Xin Chào, vụ quận chúa và quan viên Hà Nội đánh nhau ở sân bay Nội Bài, vụ kiểm tra tiêu cực ở tập đoàn TKV, biếu xén quà tết..."

Có đôi điều cần nói không phải góp ý bài viết hay nói ai sai ai đúng, mà nói để chúng ta hiểu rõ hơn vai trò của thủ tướng

Trước tiên, ghi nhận những quyết tâm này của thủ tướng Phúc, nhưng theo tôi ông đã làm sai cách. Trong vai trò thủ tướng, nghĩa là "cầm nắm và điều động các tướng" chứ không phải mình hạ giá xuống đi làm ông tướng

Trong các sự việc vừa qua được dẫn chứng ra, lẽ ra không ở vai trò của thủ tướng tham gia, mà là các "tướng" ở UBND Sài Gòn, Hà Nội và Văn Phòng Chính Phủ. Nếu thủ tướng cần, âm thầm nhắc nhở các ông tướng đứng đầu các nơi này là đủ. Nếu họ không xử lý tốt và đúng pháp luật, thì ở tầm thủ tướng cứ công khai phê bình và có hình thức xử lý các ông tướng lãnh đạo cái nơi đó, xử 1 quan răn trăm quan, đó mới đúng là cái thâm trầm và uy vọng của thủ tướng

Nhắc nhở âm thầm để hạ cấp làm tốt lại, sau đó công khai khen thưởng để thi ân, còn nếu đã vậy mà làm không tốt thì công khai phê bình xử lý, gọi là giáng uy. Ân uy kiêm đủ thì mới là lãnh đạo giỏi và xứng tầm nguyên thủ

Đó là nói về xử lý thường vụ quốc gia, còn trên phương diện quốc gia, thủ tướng phải là người dung hòa lợi ích của nhân dân và lợi ích của đảng cầm quyền trên cơ sở lấy pháp trị làm nền tảng ra quyết định, vì không phải hai cái này luôn gặp nhau mà là phải có mâu thuẫn lợi ích một lúc nào đó, đây là quy luật

Với đặc trưng đảng lãnh đạo và chính phủ thực thi, dựa vào tiêu chí thủ tướng phương Tây để đánh giá thủ tướng VN thì cũng không công bằng cho nhau, nên tôi chỉ có đánh giá như trên trên cơ sở nghĩ đi và nghĩ lại

Vấn đề khác là thủ tướng phải hoạch định ra 1 đường lối của chính mình để khắc họa bản thân vào đường lối đổi mới chính trị của quốc gia chứ không phải nói những cái chung chung trong nghị quyết "liêm chính, phục vụ, kiến tạo"...cái này nghị quyết đảng nhiều nhiệm kỳ đã nói.


Các đời thủ tướng VN từ 1975 đến nay, có các thủ tướng sau khi rời nhiệm kỳ đều để lại dấu ấn. Ví dụ thủ tướng Võ Văn Kiệt là tác giả và đạo diễn của đổi mới 1( đổi mới về đường lối kinh tế). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đổi mới về "thoát Trung, thân Mỹ hơn" và đặt nền móng cho hòa giải dân tộc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn "sống mãi trong sự nghiệp" thì cần phải khắc họa hình ảnh vào đổi mới 2 ( đổi mới về chính trị) là cái mà đất nước và dân tộc cần nhất lúc này

Thủ tướng là thủ tịch của các tướng, chứ thủ tướng không nên làm các việc của "thiếu tướng, trung tướng" để rồi thành "bại tướng"

Nguyễn An Dân 05/12/2016

*Bài do tác giả gửi đến Tiến Bộ

(Tiến Bộ)

Không có nhận xét nào: