Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Vụ đào tẩu chấn động khiến Mỹ và Liên Xô phải cách mạng hóa máy bay chiến đấu

LĐ - 290 HƯƠNG GIANG
MiG-25 đã từng là nỗi khiếp sợ của Mỹ và phương Tây.
Khi phi công quân sự Viktor Belenko đào tẩu cách nay 40 năm, anh ta đã bay trên một máy bay chiến đấu bí ẩn của Liên Xô mà Mỹ cùng phương Tây khao khát muốn biết rõ về nó: Chiếc MiG-25.
Hai phát súng từ chiếc máy bay bí ẩn
Trong ngày 6.9.1976, một chiếc máy bay đã lượn ra khỏi mây ở gần thành phố Hakodate của Nhật Bản, nằm tại phía Bắc đảo Hokkaido. Đó là một chiếc máy bay phản lực 2 động cơ, nhưng không phải dạng máy bay chở khách tầm ngắn mà dân Hakodate thường nhìn thấy. Chiếc máy bay này có thân hình to lớn, kềnh càng, với một ngôi sao đỏ - biểu tượng của Liên Xô - được sơn nổi bật trên đó. Chưa ai ở phương Tây từng nhìn thấy chiếc máy bay này trước kia.
Máy bay từ từ hạ cánh xuống đường băng duy nhất ở Hakodate nhưng hóa ra nó không đủ dài. Kết quả là máy bay đã chạy khỏi đường băng thêm cả trăm mét nữa trước khi có thể dừng lại. Từ khoang lái máy bay, một viên phi công nhô ra và rút súng ngắn nổ liền hai phát đạn chỉ thiên. Phải mất vài phút, các lực lượng từ sân bay Hakodate mới có thể tiếp cận với anh.
Chỉ khi đó, viên phi công 29 tuổi, Trung úy phi công Viktor Ivanovich Belenko của Lực lượng phòng không Liên Xô, mới tuyên bố rằng anh ta muốn đào tẩu. Quan trọng hơn, chiếc máy bay mà Belenko điều khiển là mẫu MiG-25. Đây là chiếc máy bay bí mật nhất mà Liên Xô từng chế tạo. Có lẽ là như thế cho tới khi Belenko mang theo một chiếc khi đào tẩu.
Phương Tây lần đầu biết tới MiG-25 vào khoảng năm 1970. Vệ tinh gián điệp dò la quanh các sân bay của Liên Xô phát hiện một chiếc máy bay đang được bí mật thử nghiệm. Chiếc máy bay này rất to, với một đôi cánh cực lớn.
Một đôi cánh lớn thường mang tới nhiều lợi ích cho chiếc máy bay chiến đấu. Nó giúp làm tăng lực nâng, khiến máy bay trở nên nhanh nhẹn, dễ xoay vòng hơn. Chiếc máy bay bí mật dường như kết hợp những đặc điểm trên với một cặp động cơ cực lớn. Nó có thể bay nhanh tới đâu? Liệu Không lực Mỹ có thứ gì đủ sức bắt kịp và đối phó với nó?
Dần dần phương Tây đã được nếm mùi MiG-25, đầu tiên là tại khu vực Trung Đông. Đó là tháng 3.1971, Israel đã phát hiện một chiếc máy bay mới trông rất lạ mắt, với tốc độ bay nhanh gấp 3,2 lần tốc độ âm thanh (Mach 3,2) và bay ở trần cao gần 20km. Người Israel và các cố vấn tình báo Mỹ, chưa từng thấy thứ gì như vậy.
Chuyến bay thứ hai diễn ra chỉ sau đó vài ngày và người Israel điều máy bay chiến đấu lên ngăn chặn. Nhưng các máy bay này đã không thể tới gần máy bay của Liên Xô.
Tháng 11.1971, người Israel tìm cách phục kích một trong những chiếc máy bay bí ẩn này. Họ bắn nhiều quả tên lửa chặn đầu từ độ cao 10km ở phía dưới. Đó là một nỗ lực vô ích. Mục tiêu bí ẩn kia lao như tên bắn trên bầu trời, với tốc độ nhanh gấp 3 lần âm thanh. Nó bay quá nhanh, tới mức đã rời hoàn toàn khỏi khu vực nguy hiểm vào thời điểm tên lửa bắn chặn phát nổ.
Lầu Năm Góc, sau khi tổng hợp các sự kiện, tin rằng họ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự trong Chiến tranh Lạnh. Họ đánh giá chiếc máy bay bí ẩn mà Israel phát hiện cũng chính là những chiếc đã được vệ tinh do thám ghi hình. Họ đột nhiên phải đối diện với khả năng Liên Xô có một chiếc máy bay chiến đấu có thể bay nhanh hơn, xoay vòng nhanh hơn bất kỳ loại máy bay nào khác có trong trang bị của Mỹ.
Phương tiện vượt rào cản về tốc độ bay
Quả thực, những hình ảnh vệ tinh do thám Mỹ đã thấy và radar của Israel đã bám theo được chỉ là các phiên bản khác nhau của cùng một chiếc máy bay MiG-25. Nó được chế tạo như một phản ứng trước việc Mỹ chuẩn bị đưa một loạt máy bay mới vào hoạt động trong những năm 190, từ các chiến đấu cơ F-108 cho tới máy bay do thám SR-71 Blackbird và máy bay ném bom cỡ lớn B-70. Những máy bay này đều có một điểm giống nhau duy nhất: Chúng có thể bay nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh.
Trong những năm 1950, Liên Xô đã bắt kịp với phương Tây thông qua những tiến bộ nhảy vọt trong công nghệ hàng không. Họ có những chiếc máy bay ném bom có thể bay nhanh và cao như mẫu B-52 của Mỹ. Các chiến đấu cơ của họ, với nhiều chiếc do đội thiết kế MiG tạo ra, hoàn toàn có thể sánh với những đối thủ tới từ Mỹ, dù hệ thống radar và điện tử không hiện đại bằng.
Nhưng khoảng trống công nghệ cần phải vượt qua để đưa máy bay từ tốc độ Mach 2 lên Mach 3 là một thách thức khổng lồ. Và các nhà thiết kế Liên Xô phải khỏa lấp khoảng trống này nhanh nhất có thể, để bắt kịp với Mỹ.
Nằm dưới sự lãnh đạo của nhà thiết kế tài năng Rostislav Belyakov, đội thiết kế của MiG đã vào cuộc. Để bay với tốc độ cao, chiếc máy bay sẽ cần tới các động cơ mới, có khả năng tạo ra lực đẩy khổng lồ. Động cơ được xem xét là mẫu R-15 do Tumansky, nhà thiết kế động cơ hàng đầu của Liên Xô, chế tạo ra. Động cơ này ban đầu được thiết kế để phục vụ một dự án tên lửa hành trình hoạt động ở độ cao lớn. Nhưng người ta đã lắp nó lên MiG-25 và máy bay cần tới 2 động cơ này, với mỗi chiếc đủ sức tạo ra 11 tấn lực đẩy.
Một thách thức nữa khi bay quá nhanh là nhiệt cực lớn sẽ xuất hiện, do máy bay ma sát với các phân tử khí. Khi Lockheed chế tạo chiếc SR-71 Blackbird, họ đã dùng vật liệu titanium, vốn có thể chịu được nhiệt độ cực cao. Nhưng titanium rất đắt đỏ và là vật liệu khó làm việc cùng. Vậy là thay vì dùng titanium, MiG dùng thép - rất nhiều thép. Vỏ chiếc MiG-25 đã được người ta hàn lại từ nhiều mảnh thép, một cách thủ công.
Sản phẩm cuối cùng là một chiếc máy bay vô cùng to lớn. Với chiều dài lên tới 19,5 mét, nó chỉ ngắn hơn một chút so với chiếc máy bay ném bom Lancaster nổi tiếng có từ thời Thế chiến thứ 2. Khung máy bay phải lớn như vậy để chứa các động cơ và lượng nhiên liệu khổng lồ nuôi động cơ. Được biết mỗi lần bay, MiG-25 có thể mang theo tới 13.600kg nhiên liệu. Thân máy bay to lớn cũng là lý do để MiG-25 có đôi cánh to ngoại cỡ. Đôi cánh này không dùng để giúp MiG-25 không chiến quần vòng tốt hơn, mà chỉ để giữ nó bay trên trời.
MiG-25 được thiết kế để cất cánh và tăng tốc lên Mach 2.5. Nó được các trạm radar cỡ lớn dưới mặt đất dẫn đường đi tới mục tiêu. Khi ở cách mục tiêu 80km, máy bay mới bật hệ thống radar gắn trên nó. Do có kích cỡ khổng lồ nên máy bay cũng bắn đi những quả tên lửa có chiều dài tới 6 mét.
Để có vũ khí sánh ngang với chiếc Blackbird, MiG cũng chế tạo một phiên bản trinh sát của chiếc MiG-25. Mẫu này không có vũ khí nhưng lại mang nhiều máy ghi hình và các cảm biến khác. Do không phải mang theo những quả tên lửa nặng nề cùng radar xác định mục tiêu, phiên bản này nhẹ hơn và có thể bay tới tốc độ Mach 3,2. Đây cũng chính là phiên bản mà Israel phát hiện được vào năm 1971.
Đầu những năm 1970, các lãnh đạo quân sự Mỹ không biết gì về khả năng của MiG-25. Trừ phi có thể đặt tay vào một chiếc MiG-25, người Mỹ vẫn sẽ xem đây như một mối đe dọa bí ẩn. Và vận may đã tới với họ nhờ một phi công nổi loạn.
Sự thay đổi của một “công dân kiểu mẫu”
Viktor Belenko đã là một công dân Liên Xô kiểu mẫu, sinh ngay sau Thế chiến thứ hai, đi nghĩa vụ quân sự và đạt tiêu chuẩn là một phi công chiến đấu. Dù được hưởng nhiều lợi ích hơn người nhưng Belenko quyết định đào tẩu.
Belenko đóng quân ở Căn cứ không quân Chuguyevka, gần thành phố Vladivostok. Nhật Bản chỉ cách đó có 644km. Ngày 6.9.1976, Belenko cất cánh cùng các đồng đội để tham gia nhiệm vụ huấn luyện và không một chiếc MiG nào được vũ trang. Trong lúc huấn luyện, Belenko phá đội hình và chỉ mất có vài phút đã bay trên các con sóng, hướng về phía Nhật Bản. Để tránh khỏi sự phát hiện của radar Liên Xô và Nhật Bản, ban đầu Belenko phải bay thấp, chỉ cách khoảng 30m so với mực nước biển.
Khi cảm thấy đã bay đủ sâu vào trong không phận Nhật Bản, anh ta mới nâng độ cao của chiếc MiG lên 6.000 mét, để phía Nhật phát hiện. Trong suốt thời gian này, Belenko đã bay bằng cách đoán mò, dựa trên trí nhớ về các bản đồ mà anh ta đã nghiên cứu rất kỹ trước khi cất cánh. Belenko có ý định bay tới căn cứ không quân Chitose. Nhưng do nhiên liệu cạn dần, anh ta đành phải hạ cánh xuống nơi gần nhất có thể và sân bay đó là Hakdodate.
Nhật Bản chỉ biết rằng mình đang phải xử lý vấn đề nào khi chiếc MiG hạ cánh và CIA thì không thể tin nổi vận may vừa tới với họ. Chiếc MiG đã được kéo tới một căn cứ không quân gần đó và mổ xẻ kỹ càng. Thông qua việc tháo gỡ MiG-25 và kiểm tra từng mảnh của máy bay trong vài tuần, người ta cuối cùng đã hiểu ra nó có những khả năng gì.
Người Liên Xô không chế tạo một siêu máy bay mà Lầu Năm Góc đã lo sợ. Thay vì thế, đó chỉ là một chiếc máy bay không hề cơ động, nhưng có khả năng làm một nhiệm vụ hết sức đặc biệt là bay nhanh nhất có thể.
MiG-25 là sản phẩm không hoàn thiện. Bay ở tốc độ Mach 3 trở lên gây áp lực khủng khiếp cho các động cơ. Chiếc SR-71 của Lockheed xử lý vấn đề này bằng cách đặt các mũ hình chóp trước động cơ và qua đó giảm tốc độ dòng chảy không khí để không ảnh hưởng tới linh kiện của động cơ. Không khí sau đó tiếp tục bị ép ra phía sau động cơ để giúp tạo thêm lực đẩy.
Trong khi đó, các động cơ phản lực của MiG tạo lực đẩy thông qua việc hút không khí vào để đốt nhiên liệu. Tuy nhiên ở tốc độ 3.200 km/h, lực tác động khổng lồ từ không khí đã khiến các bơm xăng quá tải và càng lúc chúng càng xả nhiều nhiên liệu vào động cơ, khiến tốc độ tăng thêm và vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Các máy nén khí của động cơ dần tạo ra lực tác động lớn tới mức nó bắt đầu “nuốt chửng” những linh kiện khác trong động cơ. Nói một cách khác thì chiếc MiG đã bắt đầu tự ăn thịt chính nó trong khi bay.
Các phi công MiG-25 được cảnh báo không bao giờ bay quá tốc độ Mach 2.8. Chiếc MiG bị Israel theo dõi được khi bay với tốc độ Mach 3.2 vào năm 1971 về cơ bản đã tự hủy hoại các động cơ của nó trong quá trình bay và chỉ nhờ may mắn mới có thể trở lại căn cứ.
Động lực thúc đẩy cho thế hệ máy bay mới
Chỉ khi nhìn tận mắt, chiếc MiG từng khiến phương Tây rất đỗi lo lắng hóa ra chỉ là một con hổ giấy. Hệ thống radar khổng lồ của nó rất lạc hậu so với các máy bay Mỹ, bởi thay vì dùng các mạch bán dẫn, nó lại dùng các ống chân không cổ lỗ. Hai động cơ cỡ lớn cần quá nhiều nhiên liệu tới mức chiếc MiG chỉ có tầm bay ngắn tới mức đáng kinh ngạc. Nó có thể cất cánh rất nhanh và bay thẳng đủ nhanh để bắn tên lửa, hoặc phục vụ hoạt động chụp ảnh khoe thành tích. Nhưng chiếc máy bay cũng chỉ làm được có thế mà thôi.
Chiếc MiG-25 mà Liên Xô giữ bí mật với thế giới trong vài năm sau đó đã được lắp ráp lại một phần và đưa trở lại Liên Xô. Chỉ khi có được chiếc MiG này, phương Tây mới nhận ra rằng nó không thể ngăn chặn được chiếc máy bay do thám SR-71 của Mỹ.
Những hạn chế này không ngăn cản Liên Xô chế tạo hơn 1.200 chiếc MiG-25. Nó trở thành một công cụ tuyên truyền đáng gờm của Liên Xô, trong vai trò chiếc máy bay nhanh thứ hai trên Trái đất. Có tin nói Algeria và Syria vẫn dùng MiG-25 cho tới tận giờ. Ấn Độ thì sử dụng mẫu MiG-25 do thám và thu được rất nhiều thành công trong 25 năm trời. Họ mới chỉ cho nó nghỉ hưu vào năm 2006 vì thiếu phụ tùng thay thế.
Vụ đào tẩu chấn động khiến Mỹ và Liên Xô phải cách mạng hóa máy bay chiến đấu ảnh 1
Viktor Belenko, viên phi công đã mang MiG-25 tới cho Mỹ và phương Tây.
Dù MiG-25 không hoàn hảo nhưng nó vẫn mang tới nhiều lợi ích cho Liên Xô, trong đó việc khiến phương Tây khiếp sợ là tác động ấn tượng nhất. Cho tới năm 1976, Mỹ không biết rằng MiG-25 không có khả năng ngăn chặn SR-71 nên đã giữ các máy bay do thám của mình ở ngoài không phận Liên Xô suốt thời gian đó.
Nỗi ám ánh từ MiG-25 đã khiến Mỹ phải triển khai một dự án máy bay mới, giúp tạo ra F-15 Eagle, chiếc chiến đấu cơ được thiết kế để vừa bay nhanh vừa cực kỳ cơ động, giống như người Mỹ đã tưởng tượng về MiG-25.
Những hạn chế của MiG-25 và sự ra đời của F-15 cũng mang tới tác động thúc đẩy tích cực cho người Liên Xô. Các nhà thiết kế máy bay ở đây đã sáng tạo ra một loạt mẫu mới, trong đó thành công nhất là loạt máy bay Su-27 của Sukhoi. Đây chính là mẫu máy bay mà người Mỹ từng lo ngại vào thời kỳ đầu những năm 1070 - bay nhanh và cực kỳ cơ động. Với việc Su-27 liên tục được cải tiến, các mẫu máy bay mới nhất của dòng này được giới chuyên gia đánh giá là thuộc hàng tốt nhất thế giới hiện nay.
Câu chuyện của MiG-25 không dừng hoàn toàn ở đây. Thiết kế máy bay này đã được thay đổi rất nhiều để tạo ra MiG-31, một chiếc chiến đấu cơ trang bị các cảm biến hiện đại, radar cực mạnh và các động cơ tốt hơn nhiều. “MiG-31 và sự hiện thực hóa những mục tiêu mà MiG-25 lẽ ra phải làm”, Stephen Trimble, Tổng Biên tập tờ Flightglobal, cho biết.
Chiếc MiG-31 đi vào phục vụ chỉ vài năm trước khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và hàng trăm chiếc hiện vẫn tuần tra biên giới rộng lớn của Nga. Các nhà quan sát phương Tây đã có hàng trăm cơ hội ngắm MiG-31 tại các triển lãm hàng không, nhưng chỉ có thể đoán mò về những gì có trong nó.
Sau rốt thì không giống vụ MiG-25, chẳng phi công Nga nào muốn chạy trốn khỏi đất nước rộng lớn này bằng cách lái chiếc MiG-31 hạ cánh xuống một sân bay nước ngoài.
[QC] Đăng tin tuyển dụng, tìm việc làm nhanh, uy tín tại trang Việc Làm Báo Lao Động.

Không có nhận xét nào: