Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Cựu lãnh đạo Đà Nẵng gửi “tâm thư" lên cấp cao nêu đích danh ông Huỳnh Đức Thơ; Từ bao giờ ở Đà Nẵng bỗng có cán bộ "không nắm, không biết, chờ báo cáo"?; Du khách Trung Quốc làm gì ở Đà Nẵng?



VĨNH SƠN

(GDVN) - Người gửi tâm thư công khai xuất hiện và cam kết chịu trách nhiệm trước Nhân dân, trước Đảng và Pháp luật về các nội dung được nêu ra và mong được làm rõ.

Ông Nguyễn Đăng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (tiền thân của Đà Nẵng ngày nay) vừa có bức “tâm thư” dài 05 trang với tiêu đề:“Đề nghị xem xét những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng – Huỳnh Đức Thơ”.
Đã kê khai sao cơ quan của Đảng không kiểm tra?
Hôm 22/3, xác nhận với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng mình là chủ nhân của bức tâm thư nêu trên, ông Nguyễn Đăng Lâm chia sẻ: Sau khi học nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng - ngăn chặn - đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, bản thân ông thấy có nhiều vấn đề thành phố Đà Nẵng cần phải xem xét, chấn chỉnh.
Ông Nguyễn Đăng Lâm, nguyên Phó chủ tịch Quảng Nam - Đà Nẵng kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ số tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ. Ảnh: VS
“Mấy hôm nay rộ lên việc báo chí nói về tài sản của ông Thơ (Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ) thì tôi rất bức xúc.
Tâm thư của tôi là mong lãnh đạo thấy được, đã ra nghị quyết phải làm đến nơi đến chốn, còn làm nửa vời thì lòng tin của người dân khó mà đạt được theo ý nguyện của Đảng.
Tôi không nhằm đánh vào một cá nhân nào hết. Nhưng tôi thấy đã là Chủ tịch, Phó bí thư của một thành phố thì phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống…” ông Lâm nói.
Trang cuối cùng trong bức tâm thư của ông Nguyễn Đăng Lâm. Ảnh nhân vật cung cấp cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Theo ông Lâm, dù tài sản anh đã kê khai nhưng tại sao cơ quan của Đảng không kiểm tra? Tài sản đó ở đâu ra mà nhiều thế? Quá trình từ lúc kê khai đến nay có phát sinh thì có bổ sung không?
Nếu không làm rõ thì sẽ  làm mất uy tín của Đảng.
“Tâm tư, tình cảm của tôi, một cán bộ nghỉ hưu, nhưng với hơn 40 năm tuổi Đảng, cũng đã đóng góp công sức cho sự nghiệp cách mạng, thấy như thế là không được.
Tôi có gửi bức thư đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ để cho Đảng viên và quần chúng họ tin tưởng.
Tôi không quy chụp ai mà chỉ là tâm thư khẩn, nói lên nguyện vọng của một Đảng viên trước thực tại để cán bộ Đảng viên yên tâm” ông Lâm cho biết thêm.
Ông Lâm cho rằng, trong sự việc này (kê khai khối tài sản của ông Thơ) thì trắng ra trắng, đen ra đen. Cái gì sai thì phải nói sai, không được lấp lửng.
“Tự nhiên, một đồng chí Chủ tịch có tài sản lớn như vậy thì đâu có thể chấp nhận được. Ngay như tôi là một sinh viên tốt nghiệp ở Hà Nội, năm 1971, tình nguyện về quê hương chiến đấu.
Và từ đó đến nay, tôi chỉ có một cái nhà này thôi (ở quận Hải Châu, Đà Nẵng), còn không có tài sản nào khác.
Đây là hạnh phúc được nhân dân, Đảng và nhà nước ưu ái, xã hội cũng chấp nhận. Hai vợ chồng suốt 40 năm cách mạng (vợ ông cũng 40 năm tuổi Đảng) có cái nhà thì không ai nói gì.
Nhưng ở đây (tài sản kê khai của ông Huỳnh Đức Thơ-PV), nào là nhà cửa, đất đai, vốn liếng, liên doanh, góp vốn, rồi đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản… thì lớn quá. Một cán bộ lãnh đạo thì không nên có những tài sản quá lớn như vậy” ông Lâm nói.
Phải minh bạch để dân tin tưởng
Ông Lâm cho rằng, các cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ nguồn gốc số tài sản trên của ông Thơ.
“Số tài sản như vậy đối với một người làm công ăn lương thì cũng đã là quá lớn. Ngày xưa, ông Thơ chỉ là một giám đốc doanh nghiệp nhỏ về nuôi trồng thủy sản, khi đó tôi là Phó Chủ tịch nên biết mà.
Hồi đó, tài sản ông không bao nhiêu. Vậy tại sao giờ lại có tài sản lớn như vậy? Tôi đọc báo cũng thấy ngỡ ngàng” ông Lâm chia sẻ.

“Không kiểm soát được quyền lực, còn nhiều cán bộ hư hỏng”

(GDVN) - Ông Vũ Mão nhấn mạnh, cần phải có chương trình hành động về kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự tha 
Dù anh có kê khai minh bạch nhưng tại sao cơ quan kiểm tra Đảng và nhà nước không làm rõ để dân yên tâm?
Nếu làm rõ là anh minh bạch, chân chính thì người ta cũng không nghi ngại gì. Tôi gửi tâm thư cũng chỉ với mong muốn đó – ông Lâm cho hay.
“Số tài sản liệt kê trong tâm thư của tôi giống như báo chí đã nói và ông Thơ cũng đã thừa nhận thì một cán bộ bình thường không thể có tài sản như thế được. Cần phải làm rõ. Nếu chứng minh được của cha mẹ, của gia đình hay từ một nguồn nào đó thì cũng đỡ trong dư luận”.
Thông qua tâm thư này, tôi không phải đánh vào cá nhân ai mà mong muốn đã là lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng thì phải sống trong sạch.
Tất nhiên người ta nói trong sạch thì không phải là không có tài sản gì hết nhưng số tài sản đó vừa với đồng lương và cống hiến của mình.
Ông Thơ là một cán bộ trưởng thành sau giải phóng chứ không phải là những người kỳ cựu ở đây.
“Mong muốn của tôi thì chắc chắn có người nói này khác. Nhưng sau khi học nghị quyết Trung ương 4 thì mình có trách nhiệm phản ánh” ông Lâm nói thêm.
“Tôi mong muốn những cán bộ trẻ họ tiếp bước lên làm được những gì kế bước anh em. Truyền thống của anh em Quảng Nam – Đà Nẵng xưa kia và Đà Nẵng ngày nay, mảnh đất trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ.
Tốn biết bao xương máu mới có ngày hôm nay thì cán bộ bây giờ họ có thể có tài sản, có nhà ở, có xe ô tô đi… nhưng nó phải đồng nghĩa với túi tiền, mức lương, công sức lao động. Những cái này tôi không kết luận tham ô mà có nhưng phải minh bạch ra” ông Lâm khuyến nghị.
“Như mình làm cán bộ nghỉ hưu, có được cái nhà là mừng rồi. Như thế là mình được ưu ái chứ còn những người bạn chiến đấu đang nằm dưới đáy mồ, có được hưởng gì đâu.
Một đơn vị ngày xưa, cả 1.200 người vào mở đường giải phóng, có biết bao nhiêu người ngã xuống trên đường vì sốt rét, bom đạn… Họ có được hưởng gì đâu. Bây giờ mình còn lại là quá hạnh phúc” ông Lâm bày tỏ.
Cũng theo ông Lâm, việc công khai tài sản không chỉ đối với ông Thơ mà đã lãnh đạo có chức có quyền thì cần phải công khai rõ ràng, minh bạch. Không để tình trạng về hưu rồi được xem như “hạ cánh an toàn”.
“Những anh nào có chức có quyền thì phải mình bạch, công khai tài sản. Trong chi bộ hay kể cả trong tổ dân phố sinh hoạt thì họ cũng cần phải biết số tài sản này. Cái này của mình còn yếu lắm, chỉ là kê khai hình thức”.
Từ đó, ông Lâm kiến nghị, tất cả phải công khai, minh bạch để người dân giám sát.
Ông Nguyễn Đăng Lâm cho biết, tâm thư của mình được gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các ban ngành có trách nhiệm khác.
Nội dung gồm có 3 điều chính mà ông mong muốn được làm rõ là: Thứ nhất là quá trình được bổ nhiệm, cất nhắc công Huỳnh Đức Thơ từ thời điểm còn là Giám đốc Công ty cung ứng và phát triển kỹ thuật Đà Nẵng (cũ) lên nhiều vị trí qua trọng của thành phố.
Đặc biệt, chỉ trong vòng 8 tháng (từ tháng 4/2014 đến tháng 1/2015), ông Thơ bất ngờ có "đại nhảy vọt" qua 4 chức vụ lớn, cao nhất là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Thứ 2, có dấu hiệu suy thoái đạo đức, lối sống; khai báo bổ sung lý lịch không chuẩn xác, không đầy đủ. Từ khi làm Chủ tịch thành phố, có biểu hiện bổ nhiệm vây cánh, thân hữu bất thường.
Thứ 3, sở hữu khối tài sản lớn; trong đó đặc biệt đáng chú ý là việc ông góp vốn đầu tư ở 5 doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, là điểm nóng gây bức xúc dư luận nhiều năm nay. 
Ông mong muốn tất cả các vấn đề trên cần được làm rõ, điều đó không chỉ tốt cho cá nhân ông Huỳnh Đức Thơ mà còn mang lại niềm tin cho người dân Đà Nẵng, cho sự hòa thuận, đoàn kết và phát triển của thành phố này.

Từ bao giờ ở Đà Nẵng bỗng có cán bộ "không nắm, không biết, chờ báo cáo"?

NGUYỄN DUY XUÂN

(GDVN) - Làm cán bộ lãnh đạo mà việc gì cũng "không nắm, không biết, chờ báo cáo" thì thử hỏi loại cán bộ như thế phỏng còn giúp ích gì cho dân cho nước?

Hai vụ việc "động trời" gần đây đều xảy ra tại Thành phố Đà Nẵng.

Vụ thứ nhất, phát hiện một công trình xây dựng đồ sộ theo kiểu dáng nhà cổ Trung Quốc, được che đậy bởi một bức tường bê tông cao 10 mét, chạy dài hàng trăm mét bao bọc bên ngoài.

Khi kiểm tra đột xuất, cơ quan chức năng phát hiện thấy 5 người Trung Quốc (trong đó có người sử dụng hộ chiếu in hình lưỡi bò đã bị chính phủ Việt Nam nghiêm cấm nhập cảnh) đang chỉ đạo thi công.
Những ngôi nhà cổ kiểu giống như nhà của người Hoa được xây dựng lén lút sau bức tường bê-tông che chắn kín đáo. Ảnh: TT/ Giaoduc.net.vn.
Vụ thứ hai đang gây sốt dư luận mấy ngày nay. Đó là cả một khu vực rộng lớn rừng Sơn Trà bị cày xới để xây dựng tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng với hơn 100 phòng do Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư.
Công trình có qui mô đồ sộ này nằm sát ngay phía sau khu vực quân sự thuộc Hải quân Vùng 3.

Điều đáng nói ở đây là cả hai vụ việc đều do người dân hoặc là phát hiện báo cho chính quyền, hoặc là đăng tải thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội, rồi báo chí lên tiếng, chính quyền mới hay biết.

Hãy nghe các vị có trách nhiệm ở địa phương biện bạch cho sự "không biết, không thấy" này.
Về “khu phố” không phép, nghi có người Trung Quốc đứng sau, ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư phường Hòa Xuân nói:

Thanh tra Chính phủ nói gì về việc xác minh tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng?

Thông tin về công trình xây dựng không phép thì phường đã nắm lâu rồi nhưng không biết rõ nó xây dựng ở vị trí nào. Sau khi họ đập bức tường bao bọc bên ngoài thì mới lộ ra”.[1]
Cả một "khu phố" chình ình suốt mấy tháng trời xây dựng, vậy mà ông lãnh đạo phường bảo "không biết rõ nó xây dựng ở vị trí nào" thì ai tin điều ông nói?.

Còn vụ cày xới rừng Sơn Trà để xây dựng tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân quận Sơn Trà, cho hay:
"Hiện chúng tôi cũng chưa nắm rõ công trình này có những gì, có giấy phép hay không".

"Chúng tôi đang giao cho Đội quy tắc đô thị ra văn bản yêu cầu phía Công ty Biển Tiên Sa cung cấp rồi sau đó thông tin cho báo chí",[2] ông Huỳnh Văn Hùng nói.
Toàn cảnh dự án bạt núi Sơn Trà để làm khu nghỉ dưỡng. Ảnh: TT/Giaoduc.net.vn.
Trả lời của ông Chánh Văn phòng quận lặp lại cái điệp khúc nghe đã nhàm tai: "không nắm, không biết, chờ báo cáo", trong khi đó cả một vạt rừng rộng lớn bị xới tung đất đỏ, đứng xa hàng cây số vẫn thấy rõ mồn một, rồi thì rầm rộ xe máy thi công đã 3 tháng nay.

Dư luận ồn ào lo lắng cho vùng đất đặc biệt của Đà Nẵng có nguy cơ bị phá nát nên đang mong ngóng một sự vào cuộc xử lý nghiêm minh từ chính quyền thì ngày 19/3, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đà Nẵng đã đến hiện trường làm việc.

Cận cảnh 40 móng biệt thư xây dựng không phép trên bán đảo Sơn Trà

Tại đây, tuy ông có phê bình cấp dưới thiếu sâu sát, nhưng những thông tin và quan điểm mà ông đưa ra thì nhiều người lo lắm.
Rồi sau đó, 40 cái móng biệt thự xây trái phép, Chủ đầu tư chỉ bị phạt 40 triệu đồng.
Dư luận biết tin này chẳng những không hết lo lắng mà còn thêm bất bình.
Họ còn không khỏi liên hệ đến việc dư luận về khối tài sản lớn của ông Chủ tịch thành phố thời gian qua, hiện nhân dân vẫn mong được làm rõ, minh bạch.
Có người trầm lặng hơn thì liên hệ với quá khứ không xa, ngày ấy, Đà Nẵng làm gì có chuyện "không nắm, không biết, chờ báo cáo", mà ở đó chỉ có một sự quyết liệt, minh bạch để xây dựng được hình ảnh thành phố đáng sống.
Giờ đây, những vụ động trời như thế vẫn "lặng lẽ qua mắt" chính quyền cấp cơ sở với đầy đủ ban bệ cùng lực lượng chức năng hùng hậu thì quả thật không thể hiểu nổi cung cách quản lí địa bàn kiểu gì?

Xem ra chuyện "con voi chui lọt lỗ kim" đã xưa lắm rồi. Bây giờ thì không chỉ con voi mà cả một khu phố, một cánh rừng cũng có thể chui lọt lỗ kim.

Làm cán bộ lãnh đạo mà việc gì cũng "không nắm, không biết, chờ báo cáo" thì phỏng còn giúp ích gì cho dân, cho nước?
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Duy Xuân

Du khách Trung Quốc làm gì ở Đà Nẵng?


22/03/2017 22:04

Nhập cảnh bằng hộ chiếu “đường lưỡi bò”; lợi dụng đi du lịch để làm việc “chui”, xuyên tạc chủ quyền và lịch sử Việt Nam… là những hành vi của du khách Trung Quốc tại Đà Nẵng

Người Trung Quốc đến TP Đà Nẵng ngày càng đông, hình thành nên những “phố Trung Quốc” giữa lòng một thành phố đáng sống. Vấn đề là họ đến Đà Nẵng để thăm thú hay làm những việc không được luật pháp Việt Nam cho phép?
Ngang nhiên vi phạm
Trên các tuyến đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Thoại (quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng)… có rất nhiều nhà hàng, quán ăn, khách sạn trưng biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc. Những tuyến đường này được cho là “phố Trung Quốc” bởi phần đông hàng quán, khách sạn phục vụ chủ yếu cho du khách Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn An, ngụ quận Ngũ Hành Sơn, cho biết nhà ông ở gần một nhà hàng trên đường Võ Nguyên Giáp, hằng ngày chỉ thấy toàn người Trung Quốc vào đấy. “Mấy nhà hàng này chủ yếu đón tiếp khách Trung Quốc thôi, thi thoảng mới có khách du lịch trong nước. Có lẽ thấy tên nhà hàng ghi chữ Trung Quốc nên dân mình ngại vào” - ông An nói.
Vấn đề nghiêm trọng nhất mà người dân Đà Nẵng đang rất lo ngại là người Trung Quốc lợi dụng đi du lịch để… mang “đường lưỡi bò” vào Việt Nam. Trên thực tế, người Trung Quốc khi đến Việt Nam du lịch thường xuyên sử dụng các poster, ấn phẩm, bản đồ… có in “đường lưỡi bò”. Trên các ấn phẩm này in phần lãnh thổ Việt Nam không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Du khách Trung Quốc tham quan bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng
Du khách Trung Quốc tham quan bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng
Mới nhất, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng thu hồi hàng ngàn poster của Công ty Jeep Tour (số 38 An Thượng 5, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Trên những poster này giới thiệu các tour du lịch của Công ty Jeep Tour, ghi biển Đông thành “China Beach”. Đó là chưa nói trên poster quảng cáo các điểm tham quan, du lịch tại Đà Nẵng bằng xe jeep của Công ty Jeep Tour (được viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt), tên biển Đông thay thành biển của Trung Quốc. Khi làm việc với cơ quan chức năng, đại diện Công ty Jeep Tour vô tư nói các poster này do một người đàn ông nước ngoài cung cấp khi đến đặt tour. Bà này nói mình không hề biết tấm poster có nội dung không chính xác (!?).
Đáng chú ý là không chỉ có poster, bản đồ sai sự thật, thời gian qua, cơ quan chức năng ở Đà Nẵng còn phát hiện khá nhiều người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam bằng hộ chiếu “đường lưỡi bò”. Điển hình vào tháng 7-2016, 2 nữ du khách người Trung Quốc mang theo hộ chiếu in “đường 9 đoạn” phi pháp này. Khi làm thủ tục đăng ký lưu trú, một chủ khách sạn ở Đà Nẵng phát hiện nên cương quyết từ chối cho thuê phòng.
Trong vụ việc phát hiện 5 người Trung Quốc tại một công trình xây dựng không phép ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ vào ngày 9-3, qua kiểm tra, Công an quận Cẩm Lệ xác định có 1 người sử dụng hộ chiếu in “đường lưỡi bò”, được đóng dấu nhập cảnh trên thị thực rời. Các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng xác nhận khá nhiều người Trung Quốc sử dụng hộ chiếu này khi nhập cảnh Việt Nam.
Được tiếp tay...
Thời gian gần đây, nhiều người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam với thị thực du lịch rồi đến Đà Nẵng hoạt động hướng dẫn du lịch “chui”, làm việc trái phép. Đó là chưa nói tình trạng người Trung Quốc núp bóng người Việt để mua đất, mở cơ sở kinh doanh mà các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đang xác minh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phổ biến nhất hiện nay là người Trung Quốc vào Đà Nẵng để làm hướng dẫn viên (HDV) du lịch “chui”. Họ thường được một số công ty du lịch, lữ hành tiếp tay để tham gia dẫn các tour có đoàn Trung Quốc. Để qua mặt cơ quan chức năng, các công ty lữ hành bố trí 1 HDV người Việt đi kèm. Khi bị kiểm tra, HDV người Việt đứng ra nhận thay để không bị xử phạt. Anh Nguyễn Biển, một HDV du lịch tiếng Trung, tiết lộ: “Những người Trung Quốc này sõi tiếng Việt, hiểu được những gì người Việt nói để truyền đạt lại cho khách nước họ. Cũng vì biết tiếng Việt nên khi cơ quan chức năng xuất hiện, họ giả vờ như một khách tham quan bình thường. Nếu không có người đứng ra tố cáo thì rất khó phát hiện”. Theo anh Biển, cũng vì chiêu qua mặt này mà HDV “chui” người Trung Quốc không cần thẻ hành nghề, không quan tâm đến việc có giấy phép lao động hay không. “Họ hoạt động “chui” như vậy khiến những HDV tiếng Trung mất công việc làm ăn” - anh Biển bức xúc.
Đáng chú ý, không chỉ được tạo điều kiện vào Việt Nam làm HDV trái phép, các nhóm người Trung Quốc còn được một số công ty du lịch lo cả nơi ăn chốn ở. Cụ thể, người Trung Quốc được thuê nhà và bố trí ở chung một nơi. Khi có khách, họ sẽ theo thứ tự đi dẫn đoàn. Vào cao điểm, số lượng người Trung Quốc làm HDV du lịch “chui” có thể lên đến gần 60 người.
Tình trạng người Trung Quốc làm HDV du lịch “chui” còn kéo theo những phức tạp xã hội khác, trong đó có việc lợi dụng hoạt động du lịch để xuyên tạc, thông tin sai lệch về kiến thức địa lý, lịch sử Việt Nam với du khách. Trước đó, tháng 6-2016, Sở Du lịch TP Đà Nẵng nhận được video tố cáo từ các HDV du lịch người Việt về 1 người Trung Quốc trình bày sai lệch về lịch sử Việt Nam. Sau đó, người này bị xử phạt và trục xuất khỏi Việt Nam.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, thừa nhận sở dĩ có tình trạng người Trung Quốc làm HDV du lịch “chui” là do sự tiếp tay của người Việt. Cụ thể, nhiều công ty lữ hành vì lợi nhuận nên đã bố trí người Trung Quốc hoạt động “chui”. Ngoài ra, nhiều HDV du lịch người Việt cũng vô tình tiếp tay cho họ khi chấp nhận làm “bù nhìn” trong các tour có khách Trung Quốc.
Báo cáo ngược với thực tế
Bà Hồ Thị Thanh Thúy, Chánh Văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho biết trong năm 2016, có 25.467 lượt khách Trung Quốc vào quận. Trong đó, 56 người Trung Quốc làm việc tại các dự án trên địa bàn, chủ yếu là lao động trình độ cao, có giấy phép lao động. Khi được hỏi về tình hình người Trung Quốc làm việc trái phép, bà Thúy nói chung chung: “Nếu có sẽ xử lý nghiêm”.
Còn theo ông Võ Văn Tiến, Phó trưởng Phòng Việc làm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, toàn TP có khoảng 167 lao động Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại 57 đơn vị. Số lao động này chủ yếu là chuyên gia, trí thức, kỹ sư… đã được đơn vị sử dụng lao động đăng ký và được cấp giấy phép lao động. Khi chúng tôi đặt vấn đề về lao động “chui” thì ông Tiến cho rằng việc này do công an quản lý chứ sở không biết (?).
Những con số báo cáo này là khá đẹp, trái ngược với thời gian qua, báo chí phát hiện nhiều vụ việc lao động phổ thông Trung Quốc làm việc “chui” trong các công trình; tình trạng người Trung Quốc thâu tóm các dự án rồi đưa lao động nước sở tại đến làm việc.
Hộ chiếu “đường lưỡi bò” vẫn cho nhập cảnh
Trước tình hình khách du lịch Trung Quốc sử dụng ấn phẩm, bản đồ chỉ dẫn tham quan du lịch Đà Nẵng thể hiện “đường lưỡi bò”, đại diện Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết sở đã ban hành các quy tắc ứng xử du lịch dành riêng cho khách Trung Quốc và các đơn vị lữ hành chuyên phục vụ đối tượng này. Trong số các quy tắc ứng xử, Sở Du lịch TP Đà Nẵng khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn nên báo cáo với công an địa phương khi phát hiện khách Trung Quốc sử dụng hộ chiếu in “đường lưỡi bò”.
Đối với việc người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam bằng hộ chiếu in “đường lưỡi bò”, đại tá Trần Hữu Do, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Đà Nẵng, cho rằng việc du khách Trung Quốc sử dụng hộ chiếu có “đường lưỡi bò” phi pháp là sai. Tuy nhiên, họ vẫn được nhập cảnh Việt Nam. Vì sao vẫn được nhập cảnh? Ông Do nói: “Mình không công nhận, không cấp giấy tờ gì trên cuốn hộ chiếu đó. Mình cấp thị thực rời, không dán vào hộ chiếu. Khi họ xuất cảnh sẽ thu lại tờ thị thực đó. Hộ chiếu của họ sẽ là hộ chiếu trắng, coi như chưa đến Việt Nam”.
Theo luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, “đường lưỡi bò” in trên hộ chiếu của du khách Trung Quốc không có giá trị về mặt pháp lý, Tòa án Trọng tài quốc tế cũng không công nhận. Tuy nhiên, hộ chiếu ở mỗi quốc gia có quy định khác nhau, nước khác không thể can thiệp. “Việc đóng dấu vào tờ thị thực rời như cách làm của Đà Nẵng là đúng nhưng cần làm nghiêm túc, kỹ càng để tránh đóng dấu nhầm lên những tấm hộ chiếu phi pháp” - luật sư Cao nói.
Bài và ảnh: BÍCH VÂN
Vĩnh Sơn

Không có nhận xét nào: