Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Huy Đức - Ông Đoàn Ngọc Hải vi phạm pháp luật

Huy Đức: Không phải tự nhiên, quyền lực công (cho dù hành chính hay tư pháp) đều phải được tiến hành theo đúng tố tụng. Một bản án, một phán quyết hành chánh mà vi phạm thủ tục tố tụng là có thể bị hủy ngay cho dù nó có đúng về nội dung.

Cái bậc thềm này là tài sản của dân (có thể bây giờ nó thuộc về một pháp nhân, Nhà hát Kịch TP). Vỉa hè giờ đây có thể đã được mở rộng ra nhiều so với cách đây 80 năm khi rạp được xây. Nhưng, không vì thế mà có thể coi những bậc tam cấp đó đã lấn chiếm vỉa hè thay vì phải thừa nhận là nó đã "bị vỉa hè lấn chiếm". Để phục vụ "lợi ích của 90 triệu người"(như ông Hải hay ngoa ngôn) Nhà nước chỉ có thể trưng mua phần bậc tam cấp đó để mở rộng vỉa hè chứ không thể mang búa tới đập như cách làm của ông Hải.

Tôi chưa đọc hồ sơ của rạp Công Nhân để biết tình trạng sở hữu hiện nay ra sao. Nhưng, nếu đúng như những thông tin trong bài báo này thì tôi rất ngỡ ngàng. Không lẽ một người đã làm đến phó chủ tịch quận như ông Hải mà không biết những kiến thức sơ đẳng nhất về giới hạn của quyền lực công và quyền bất khả xâm phạm của dân về tài sản.

Nếu nhà nước chưa trưng mua các bậc thềm này của rạp Công Nhân thì hành vi của ông Hải và "đồng bọn" đã vi phạm Điều 178 Bộ luật hình sự, "Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác". Nếu ông được UBND quận I cử đi làm điều đó thì UBND quận I phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu ông tự ý làm thì ông phải chịu trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra ông có thể bị truy cứu thêm tội "Lạm quyền khi thi hành công vụ"(Điều 282, BLHS).

...

Quận 1: Tháo dỡ bậc thềm lấn chiếm vỉa hè của rạp hát gần trăm tuổi

Quang cảnh tháo dỡ các bậc thềm lấn chiếm vỉa hè trước rạp Công Nhân vào tối qua
Đêm qua, 22.3, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch quận 1 đã dừng chân trước rạp Công Nhân (Nhà hát kịch thành phố) nằm trên đường Trần Hưng Đạo (thuộc phường Nguyễn Cư Trinh), ra lệnh phá dỡ toàn bộ 5 bậc thềm có chiều ngang hơn 20 mét vì lấn chiếm vỉa hè. Ít ai biết rạp hát có tuổi đời gần 1 thế kỷ này từng là tài sản của một vị đại gia lẫy lừng Sài Gòn.

Ông Lê Quan Ba, một nhân viên kỳ cựu của Nhà hát kịch thành phố nói trong tiếng ồn của máy khoan: "Tôi năm nay đã được 83 tuổi thì 5 bậc thềm lên xuống rạp này đã có khoảng 80 năm". Ông Ba cho biết khi nghe tin lực lượng chức năng tháo dỡ bậc thềm, ông chạy từ trên lầu nhà hát xuống để nhìn nó lần cuối, vì bậc thềm này gắn bó nhiều kỷ niệm với ông từ khi còn nhỏ. Trong khi bậc thềm lần lượt bị phá dỡ thành đống gạch vụn thì ông Ba ngồi trên ghế nhìn chăm chú. 

Ông Lê Quan Ba buồn bã nhìn đoàn kiểm tra quận 1 tháo dỡ các bậc thềm gắn bó nhiều kỷ niệm
Ông Ba cũng giới thiệu mình chính là cháu ruột của thương gia giàu có số 1 Sài Gòn thời xưa Nguyễn Văn Hảo (xem tiểu sử ông Nguyễn Văn Hảo ở cuối bài). Ông Hảo là người đã mua đất, bỏ tiền xây rạp hát này chỉ để phục vụ nhu cầu đam mê cải lương của mình.

Ông Ba rất buồn khi thấy các bậc thềm bị tháo dỡ. Theo lời ông Ba kể, thời thơ ấu ông từng nghịch ngợm tại bậc thềm này cùng bạn bè, từng nhìn thấy những nghệ sĩ tài danh như Phùng Há, Năm Phỉ... bước lên những bậc thềm này để vào trong nhà hát biểu diễn.

Từ đầu tuần đến nay, ngày nào ông Hải cũng trực tiếp xuống đường, chấn chỉnh trật tự vỉa hè tại quận 1
Tấm ảnh nghệ sĩ treo trước rạp để quảng cáo cho vở diễn mới cũng được nhân viên mang vào trong. Một người đàn ông khác cũng là nhân viên bán vé của nhà hát, nói: "Cũng may là hôm nay không có suất diễn. Rạp đang ế mà bị dọn dẹp như vầy là chết luôn".

Đứng dưới tấm biển quảng cáo bán vé vở hài kịch vui nhộn nhưng nhân viên rạp hát không thể cười nổi
Trước đây, rạp Công Nhân có tên là rạp Nguyễn Văn Hảo, được đại gia Nguyễn Văn Hảo xây dựng vào năm 1940. Thời đó đây là rạp hát hiện đại nhất Sài Gòn, được mệnh danh là "thiên đường cải lương" và được ví như "hàng không mẫu hạm" vì mức độ đồ sộ. 5 bậc thềm đi vào rạp cũng được xây dựng cùng lúc đó, có nghĩa là có tuổi đời đã 77 năm. 

Dù cho các bậc thềm có lịch sử gần 1 thế kỷ, chứng kiến bao nhiêu sự đổi thay, phát triển của thành phố nhưng vì nếp sống văn minh đô thị, ông Đoàn Ngọc Hải phải ra lệnh tháo dỡ, trả lại vỉa hè cho quận trung tâm thành phố.

Một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận được: 

Ông Đoàn Ngọc Hải đứng trước rạp Công Nhân chỉ đạo tháo dỡ 5 bậc thềm có tuổi đời gần 1 thế kỷ
Chiếc xe chở đồ lấn chiếm bị cưỡng chế tịch thu
Pano quảng cáo có hình ảnh nghệ sĩ được dẹp vào trong
Nhân viên rạp đang xem lực lượng chức năng tháo dỡ 5 bậc thềm dài
Mồ hôi ướt lưng áo các công nhân
Nguyễn Văn Hảo sinh năm 1890 tại ấp Long Thuận, xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Ông Hảo xuất thân trong một gia đình làm nông. Cha của ông có ba người vợ, ông Hảo là con thứ ba của người vợ thứ ba. Khi người anh cùng cha khác mẹ của ông Hảo, chủ một cửa tiệm buôn bán phụ tùng ô tô ở đường Nguyễn An Ninh, cần người phụ giúp công việc, ông đã xin phép cha đưa em trai, là ông Hảo, lên Sài Gòn phụ buôn bán phụ tùng xe hơi. 

Thời gian đầu lúc vừa lên Sài Gòn, ông Hảo phụ anh trai buôn bán phụ tùng. Do thông minh, ông Hảo đã học được nhiều điều từ người anh và trở thành thợ chính tại tiệm. Ông Hảo rành kỹ thuật như thợ chính và giỏi việc buôn bán.

Năm 1929, ông Hảo đưa vợ lên làm chung và sinh người con trai đầu. Ông Hảo xin phép anh trai ra lập nghiệp riêng. Được anh trai đồng ý, ông Hảo mở tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi ở số 21 - 23 đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo, quận 1). Cùng với buôn bán phụ tùng xe hơi, ông Hảo mở một cây xăng bơm tay để kinh doanh thêm xăng, dầu nhớt.

Theo nhà văn Hứa Hoành, trong bối cảnh Nam Kỳ khoảng thập niên đầu thế kỷ 20, ở lĩnh vực kinh tế có những thương nhân kinh doanh tài ba, gầy dựng nên được cơ nghiệp khổng lồ. Họ gồm nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như: Trương Văn Bền, Lê Phát An, Nguyễn Hữu Hào, Lê Thanh Liêm, Trần Trinh Trạch và trong đó có ông Nguyễn Văn Hảo. Ông Hảo lúc bấy giờ làm đại diện vỏ ruột xe hơi cho hãng Michelin của Pháp ở Sài Gòn.

Bài, ảnh: Lê Ngọc Dương Cầm

(Một Thế Giới)

Không có nhận xét nào: