Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Điệp khúc “rút kinh nghiệm” trong báo cáo giải trình thanh tra của TKV; Nghịch lý: Doanh nghiệp nợ hơn 100.000 tỷ đồng, ngàn người mất việc, lãnh đạo lương nửa tỷ, thưởng lớn

TKV khẳng định sẽ rút kinh nghiệm trong hàng loạt các sai phạm đã được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra trước đó...

Điệp khúc “rút kinh nghiệm” trong báo cáo giải trình thanh tra của TKV
Báo cáo của thanh tra Bộ Tài chính công bố mới đây cho thấy, tình hình tài chính của TKV năm 2015 khá bết bát, trong đó đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 478 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả lên tới 100.343 tỷ đồng.
BẠCH DƯƠNG
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có báo cáo gửi Bộ Tài chính về việc thực hiện kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính.

Theo đó, TKV cho biết đã thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện rà soát lại toàn bộ các khoản đầu tư tài chính dài hạn, tái cơ cấu các khoản đầu tư trên nguyên tắc đảm bảo an toàn vốn và hiệu quả.

Sau kết luận thanh tra về loạt các vấn đề mà VnEconomy đưa tin trước đó, TKV cho biết đã mở tài khoản riêng tại ngân hàng để theo dõi, hạch toán các quỹ tập trung.

Đặc biệt, bản báo cáo thực hiện kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính cụm từ “rút kinh nghiệm” được dùng nhiều lần. TKV khẳng định sẽ rút kinh nghiệm trong loạt các dự án.

TKV thực hiện rút kinh nghiệm trong quá trình lập, thẩm định phê duyệt dự toán công trình chưa đúng dự toán (Công ty Than Quang Hanh, Công ty Than Khe Chàm, Công ty Than Mạo Khê).

Rút kinh nghiệm trong quá trình nghiệm thu quyết toán không đúng giá trị công trình (Công ty Than Quang Hanh, Than Khe Chàm, Tổng công ty Khoáng sản).

Rút kinh nghiệm trong quá trình trích khấu hao tài sản cố định chưa đúng quy định do xác định thời gian trích khấu hao không đúng (Tổng công ty Khoáng sản, Công ty Cổ phần Địa chất Việt Bắc).

Rút kinh nghiệm trong công tác đối chiếu công nợ, nợ quá hạn.

Rút kinh nghiệm
 trong công tác hạch toán kế toán, rà soát và tính toán các khoản doanh thu, chi phí, lợi nhuận, các khoản thuế phải nộp (Tập đoàn, Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả, Công ty Kho vận Đá Bạc, Tổng công ty Công nghiệp Hoá chất mỏ, Tổng công ty Khoáng sản, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Công ty Cổ phần Địa chất mỏ, Công ty Cổ phần Địa chất Việt Bắc).

Ngoài ra, TKV cũng khẳng định sẽ rút kinh nghiệm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự toán công trình chưa đúng dự toán và đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối một số dự án như gói thầu số 6 san gạt mặt bằng của dự án đầu tư khai thác xuống sâu dưới 50m, gói thầu số 5 Dự án than Lép Mỹ, gói thầu số 120 dự án san nền mặt bằng kho than của mỏ Khe Chàm, dự án khai thác hầm lò của Than Mạo Khê.

Theo đó, TKV đã thực hiện giảm trừ thanh quyết toán với hàng loạt khoản tiền được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra. Chẳng hạn, dự án khu liên hợp Gang thép Cao Bằng đã giảm trừ 6,9 tỷ đồng, dự án Khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm 3 giảm trừ 595 triệu đồng, dự án nhà máy tuyển than Lép Mỹ giảm trừ số tiền 346 triệu đồng.

Đồng thời, TKV cũng điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính theo kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính, trong đó tăng doanh thu và thu nhập lên 8,028 tỷ đồng, hạch toán giảm chi phí 2,87 tỷ đồng, hạch toán lợi nhuận thực hiện 10,9 tỷ, nộp thêm vào ngân sách nhà nước 41,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giữa Công ty Than Uông Bí với Công ty PT. Vietmindo Energitama đã chưa được thực hiện do hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung...

Về công tác đầu tư, TKV cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị thành viên đánh giá các dự án đầu tư đang triển khai, đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn trong ngành, theo đề án tái cơ cấu Tập đoàn TKV, tập đoàn sẽ nắm giữ từ 65%-75% vốn điều lệ đối với 9 công ty cổ phần sản xuất than, TKV đã thực hiện tăng cổ phần nắm giữ tại Công ty Sản xuất than hầm lò, có dự án đầu tư và nhu cầu sử dụng vốn lớn thông qua việc tăng vốn điều lệ.

Với đầu tư ngoài ngành, TKV dự kiến thoái toàn bộ vốn. Tính đến 27/2/207, TKV đã thoái được 86% tổng số vốn đầu tư và dự kiến đến 31/12/2017 sẽ thoái toàn bộ.

Ngoài ra, TKV đã xử lý dứt điểm khoản đầu tư tài chính tại Công ty liên doanh Southern Mining (Campuchia) và dự kiến trong quý 1/2017 cũng sẽ xử lý xong khoản đầu tư và Công ty liên doanh khoáng sản Steung Treng (Campuchia).

Trước đó, báo cáo của thanh tra Bộ Tài chính công bố mới đây cho thấy, tình hình tài chính của TKV năm 2015 khá bết bát, trong đó đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 478 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả lên tới 100.343 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 37.609 tỷ đồng, nợ dài hạn lên tới 62.734 tỷ đồng.

Trong khi đó, sau gần 10 năm đầu tư vào 2 dự án bauxite và alumin tại Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư hơn 32.000 tỷ đồng, thì TKV đã lỗ gần 3.700 tỷ. Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính còn chỉ ra loạt vấn đề về công tác đầu tư, dự án chậm tiến độ, quyết toán, thuế...

Mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng có chỉ đạo TKV tiếp thu, xây dựng báo cáo tổng thể, đầy đủ và hoàn chỉnh về tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính, đầu tư, dòng tiền, cơ chế quản lý tập đoàn và các công ty con, quản trị; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đến thời điểm 31/12/2016; đánh giá kết quả, tồn tại, nguyên nhân, thực trạng tình hình của TKV và những giải pháp cơ bản nhất về quan điểm, định hướng tái cơ cấu; kiến nghị, đề xuất.

Báo cáo hoàn thành và gửi Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trước ngày 25/3/2017 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, Phó thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường giám sát hoạt động của TKV; nghiên cứu, xử lý kịp thời các kiến nghị của TKV và Tổng công ty Đông Bắc.

Nghịch lý đang xảy ra tại Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam khi mà ngàn người lao động mất việc nhưng lãnh đạo vẫn trong tình trạng lương cao “đè” thưởng lớn.
Báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính tiết lộ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) nợ hơn 100.000 tỷ đồng. Theo tìm hiểu của PV VTC News, nợ lớn không phải vấn đề duy nhất tại TKV. Trong vài năm trở lại đây, TKV phải chứng kiến lợi nhuận giảm sâu.
Trong bối cảnh đó, hàng ngàn lao động tại TKV có thể đã mất việc. Thế nhưng, lãnh đạo Tập đoàn vẫn trong tình trạng lương cao “đè” thưởng lớn.
Ngàn lao động mất việc
Đầu năm 2016, lãnh đạo TKV thông tin trong năm 2015, TKV đã giảm tổng cộng 5.057 lao động. Số lượng lao động toàn Tập đoàn ở thời điểm đầu năm 2016 là 116.934 người. Tới cuối quý 2/2016, số lượng lao động của TKV chỉ còn 115.006 người. TKV cho biết trong kỳ, lao động không vượt và chỉ bằng 96,2% so với kế hoạch giao đầu năm.
Chưa dừng lại ở đó, sang cuối năm 2016, TKV “hứa hẹn” có thêm một đợt cắt giảm nhân sự. Tại hội nghị sơ kết công tác 9 tháng đầu năm 2016 được tổ chức trong ngày 11/10/2016, TKV cho biết TKV tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tinh giản lao động. Có thể 4.000 người lao động tại TKV sẽ mất việc.

Ngàn người mất việc, lãnh đạo TKV vẫn trong tình trạng lương cao ‘đè’ thưởng lớn.
Kết hợp với cắt giảm nhân sự, TKV thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong tuyển dụng.
“Đặc biệt do giảm sản lượng nên TKV đã tạm thời dừng tuyển dụng lao động từ 1/7/2016 cho đến hết năm 2016, trừ những trường hợp thợ lò, cơ điện lò học theo chỉ tiêu đào tạo được tiếp nhận từ các trường Cao đẳng nghề Than, khoáng sản Việt Nam và một số trường hợp đặc biệt khác”, TKV cho hay.
Nguyên nhân là do TKV gặp nhiều khó khăn khi triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm cho thấy. Báo cáo cho thấy trong khoảng thời gian này, TKV gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ than do phải cạnh tranh với than nhập khẩu có giá thành thấp, cùng với đó, giá khoáng sản alumin, hydrat giảm sâu, còn thuế phí lại tăng.
Do đó, TKV đã phải giảm sản lượng nên các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều giảm so với cùng kỳ. Như vậy, tại TKV, các yếu tố quan trọng như doanh thu, lợi nhuận và nhân sự đều giảm mạnh trong khi nợ lại có xu hướng đi lên.
Không chỉ cắt giảm nhân sự, năm 2015, TKV còn giảm lương của người lao động.
Năm 2014, tiền lương bình quân toàn tập đoàn là 8,7 triệu đồng/người/tháng. Đối tượng lao động sản xuất than có mức lương bình quân cao hơn, đạt 9,2 triệu đồng/người/tháng.
Đến năm 2015, TKV cho biết thêm thu nhập bình quân của người lao động toàn TKV chỉ còn 8,4 triệu đồng/người/tháng, trong đó thu nhập bình quân khối sản xuất than đạt 9,092 triệu đồng/người/tháng.
Lãnh đạo thu nhập lớn
Trong khi hoạt động kinh doanh đi xuống, người lao động bị sa thải nhiều, rất nhiều sếp lớn TKV vẫn được trả lương, cao ngót nghét nửa tỷ đồng. Không chỉ có vậy, họ còn nhận thêm thưởng lớn.
Cụ thể, trong năm 2015, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên được trả lương 626,4 triệu đồng, tương ứng 52,2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương dành cho ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV là 609 triệu đồng/năm, tương đương 50,75 triệu đồng/tháng.
Năm 2015, các thành viên Hội đồng quản trị khác nhận mức thu nhập “đồng hạng” 556,8 triệu đồng/người/năm, tương ứng 46,4 triệu đồng/người/tháng. 556,8 triệu đồng/người/năm cũng là mức thu nhập của 4 Phó Tổng giám đốc TKV.
Điều đáng nói, TKV khá rộng tay cho công đoàn. Ông Đỗ Đình Hiền, Chủ tịch công đoàn TKV được trả 556,8 triệu đồng, tương ứng 46,4 triệu đồng/tháng. TKV cho biết đây là thu nhập đã trừ phần tiền lương lĩnh nguồn công đoàn.
Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của TKV chỉ đạt 472 tỷ đồng, giảm 1.646 tỷ đồng, tương ứng 78% so với năm 2014. Lợi nhuận “rơi tự do” nhưng dàn lãnh đạo TKV vẫn nhận thưởng nửa tỷ đồng.
Cụ thể, chỉ tính riêng công ty mẹ, năm 2015, TKV đã chi 555 triệu đồng cho thưởng lãnh đạo. Trong đó, ông Lê Minh Chuẩn được thưởng nhiều nhất khi nhận gần 47 triệu đồng. Các thành viên Hội đồng quản trị còn lại nhận thưởng gần 42 triệu đồng mỗi người.
Ôm cục nợ hơn 100.000 tỷ đồng, cứ mỗi ngày mở mắt ra, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải trả lãi 12 tỷ đồng nên lợi nhuận lao dốc.
Báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính tiết lộ, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) nợ hơn 100.000 tỷ đồng. Như vậy, cứ mỗi ngày, TKV phải trả 12 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng.
Không chỉ vậy, đoàn thanh tra của Bộ Tài chính còn xác nhận công ty mẹ tập đoàn chưa mở tài khoản riêng tại các ngân hàng thương mại để theo dõi, hạch toán các quỹ tập trung nói trên theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
“TKV có trách nhiệm mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại để theo dõi, hạch toán rõ ràng, đầy đủ thu chi, kết dư các quỹ tập trung, các khoản lãi phát sinh từ việc gửi tiền từ tài khoản này được hạch toán tăng nguồn các quỹ tương ứng”, Bộ Tài chính yêu cầu.
Trả lãi 12 tỷ đồng mỗi ngày
Cụ thể, theo Thanh tra Bộ Tài chính, tại thời điểm cuối năm 2015, tổng nợ phải trả của TKV lên tới 100.343 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 37.609 tỷ đồng, nợ dài hạn lên tới 62.734 tỷ đồng.
Sau mỗi đêm, TKV phải trả 12 tỷ đồng tiền lãi.
Số liệu này cũng khớp với số liệu tài chính mà TKV đã công bố. Theo bảng cân đối kế toán hợp nhất 2015 của TKV, tổng nợ phải trả của TKV tại ngày 31/12/2015 tăng 3.898 tỷ đồng, tương ứng 4,2% so với số đầu năm.
Năm 2015, TKV tập trung cho các khoản vay dài hạn. Tổng nợ dài hạn tăng từ con số 55.532 tỷ đồng năm 2014 lên 62.734 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn giảm từ con số 40.913 tỷ đồng năm 2014 xuống 37.609 tỷ đồng.
Trong đó, tiền vay ngân hàng của TKV là con số cao ngất ngưởng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tại TKV đạt 16.412 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn đạt 61.675 tỷ đồng. Như vậy, số nợ chịu lãi suất tại TKV lên tới 78.078 tỷ đồng. Chính vì vậy, năm 2015, TKV “còng lưng” trả lãi ngân hàng. Năm 2015, TKV phải trả 3.831 tỷ đồng tiền lãi vay. Bình quân, mỗi ngày mở mắt ra, Tập đoàn này phải trả tới 10,5 tỷ đồng tiền lãi.
Tới năm 2016, TKV chưa công bố báo cáo tài chính cả năm nhưng số liệu nửa năm cho thấy, TKV vẫn chưa cải thiện được nợ nần. Tổng nợ phải trả tại tập đoàn này đã tăng 3.670 tỷ đồng lên 104.013 tỷ đồng.
Không chỉ tổng nợ phải trả tăng cao, tổng nợ vay cũng đi lên. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016, tại thời điểm cuối quý 2, tổng nợ vay tại TKV đạt 82.135 tỷ đồng, tăng 4.057 tỷ đồng so với năm 2015.
Nợ vay tăng nên TKV tiếp tục è cổ trả lãi. Chi phí lãi vay nửa đầu năm 2016 của TKV là 2.188 tỷ đồng. Như vậy, sau 1 đêm, tập đoàn này phải trả tới 12 tỷ đồng tiền lãi.
Lợi nhuận lao dốc
Cũng như nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác, TKV đang trong tình trạng lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 của TKV, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của Tập đoàn chỉ đạt 197 tỷ đồng, giảm 669 tỷ đồng, tương ứng 77,25% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là đà giảm rất mạnh.
Có thể thấy, mức lãi 197 tỷ đồng trong nửa năm 2016 của TKV chỉ bằng 9% lãi vay. Tức là, làm được bao nhiêu, TKV phải “nuôi” ngân hàng gần hết.
Đây không phải lần đầu tiên TKV chứng kiến lợi nhuận giảm sút và lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của TKV chỉ đạt 472 tỷ đồng, giảm 1.646 tỷ đồng, tương ứng 78% so với năm 2014.
Bên cạnh doanh thu giảm sâu, chi phí lãi vay cũng là cản lực của TKV. Năm 2015, TKV phải trả 3.831 tỷ đồng tiền lãi vay. Như vậy, lợi nhuận của TKV chỉ bằng 12% so với chi phí lãi vay.
Những năm trước đó, TKV cũng rơi vào cảnh ngộ lợi nhuận đi lùi, dù tốc độ khiêm tốn hơn rất nhiều so với năm 2015 và 2016.
Cụ thể, năm 2014, lợi nhuận sau thuế tại TKV đạt 2.118 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 2.321 tỷ đồng năm 2013. Trước đó, năm 2012, lợi nhuận sau thuế tại TKV là con số lớn hơn, lên tới 2.588 tỷ đồng.
Điều đáng nói, trong khi các tập đoàn khác đã công bố báo cáo tài chính theo đúng quy định thì TKV không những chưa công bố báo cáo tài chính 2016 mà còn công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 với thông tin chưa đầy đủ.
Trong nhiều năm qua, TKV chỉ công bố bảng cân đối kế toán mà không công bố thuyết minh báo cáo tài chính.
Nguồn: Bảo Linh / VTC

Không có nhận xét nào: