Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Không thể truy cứu hình sự người "làm lộ” hồ sơ Chủ tịch Đà Nẵng; Bản kê khai tài sản lãnh đạo là tài liệu mật: Dân không biết thì kiểm tra, giám sát thế nào?


authorĐình Thiên Thứ Ba, ngày 28/03/2017 15:51 PM (GMT+7)

(Dân Việt) Hồ sơ gồm lý lịch, kê khai tài sản... của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã bị tuồn ra ngoài khiến dư luận xôn xao thời gian qua. UBND TP.Đà Nẵng trong cuộc họp báo chiều qua (27.3), cho biết đang kiểm tra cá nhân nào làm việc này.


   

Tuy nhiên, căn cứ theo các quy định hiện hành của pháp luật, khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi trên.
Trao đổi với Dân Việt, luật gia Lê Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Luật hợp danh FDVN cho biết, theo quy định hiện hành, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một trong hai hình thức sau: Niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc công bố tại cuộc họp.
 khong the truy cuu hinh su nguoi "lam lo” ho so chu tich da nang hinh anh 1
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng tài sản của ông đã công khai minh bạch, có gì sai sót các cơ quan Trung ương sẽ kiểm tra. Ảnh: Đình Thiên.
Trong trường hợp của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng-Huỳnh Đức Thơ, theo quy định tại Nghị định 78/2013 và Thông tư 08/2013 thì phạm vi công khai là: Công khai trước đối tượng ghi phiếu tín nhiệm để lấy phiếu tín nhiệm hàng năm, gồm lãnh đạo UBND, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc sở, ngành, trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Hội đồng dân nhân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
"Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 78/2013 thì Bản kê khai của  Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng được lưu cùng hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Bản kê khai được sử dụng trong các trường hợp sau: Phục vụ cho việc bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; Phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền trong việc công khai, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; Điều tra, xác minh, kết luận, xử lý về hành vi tham nhũng; Phục vụ yêu cầu khác liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ", luật gia Lê Hồng Sơn cho biết.
Cũng theo vị luật gia này, tại điều Điều 11 Nghị định 78/2013 nêu rõ: Khi cần khai thác, sử dụng Bản kê khai đã lưu cùng hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, người thực hiện việc khai thác, sử dụng phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu khai thác, sử dụng, trong đó ghi rõ họ, tên, chức vụ của người đến khai thác, sử dụng và mục đích của việc khai thác, sử dụng.
Việc khai thác, sử dụng Bản kê khai được tiến hành tại cơ quan quản lý Bản kê khai; nếu cần thiết phải khai thác, sử dụng tại nơi khác thì phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai và phải có biên bản giao nhận Bản kê khai. 
Bên cạnh đó, theo Thông tư 11/2012/TT-BNV quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức do bộ trưởng bộ nội vụ ban hành quy định rõ: “Việc quản lý hồ sơ công chức là trách nhiệm của cơ quan quản lý công chức. Nghiêm cấm việc phát tán thông tin trong hồ sơ công chức”.
Luật gia Lê Hồng Sơn phân tích, nếu Đà Nẵng kiểm tra được người cung cấp hồ sơ của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng ra ngoài, có thể xử lý theo Khoản 3, Điều 30 Nghị định 78/2013, Luật an toàn thông tin mạng 2015 quy định xử lý trách nhiệm trong xác minh tài sản, thu nhập.
Theo đó, quy định này nghiêm cấm “Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân. Người tiết lộ thông tin hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập khi chưa được người có thẩm quyền cho phép thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Về trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy tố về các tội danh liên quan đến hành vi làm lộ bí mật nhà nước theo quy định tại các Điều 263, 264 Bộ luật Hình sự. 
"Tuy nhiên, với những trường hợp này, rất khó để truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh trên. Bởi lẽ, bản kê khai tài sản của các cán bộ công chức không phải là bí mật nhà nước mà nó được xem là thông tin của cá nhân người kê khai", luật gia Lê Hồng Sơn khẳng định.
Cũng theo ông Sơn, trước đây, bản kê khai tài sản là một thành tố của hồ sơ cán bộ, thuộc về tài liệu mật, nhưng hiện nay theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng, Nghị định 78 thì bản kê khai này được lưu cùng với hồ sơ cán bộ, nó không phải là một thành tố của hồ sơ cán bộ, được công khai ở phạm vi nhất định, được các chủ thể, cá nhân nhất định khai thác sử dụng trong công tác phòng chống tham nhũng.
"Quan điểm lập pháp của chúng ta cũng cần thay đổi. Mặc dù đây là thông tin của cá nhân người có trách nhiệm kê khai, nhưng do họ là người có chức vụ, quyền hạn nên để bảo đảm các quy định về phòng chống tham nhũng, những thông tin về tài sản của họ cần được công khai. Không chỉ công khai trong phạm vi Luật định hiện nay, mà công khai rộng rãi, để nhân dân giám sát, hạn chế tối đa nguy cơ tham nhũng", luật gia Lê Hồng Sơn chốt lại.

Bản kê khai tài sản lãnh đạo là tài liệu mật: Dân không biết thì kiểm tra, giám sát thế nào?

Nhà nước do dân, của dân và vì dân. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát là những mỹ từ ngọt ngào nhất mọi thời đại mà người ta nói nhiều, nhắc nhiều ở đất nước này.
Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát thế nào khi mà ngay cả biên bản kê khai tài sản của cán bộ “đầy tớ của dân” là tài liệu tối mật ? – Theo lời ông Trần Đình Quỳnh, Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, sau khi lãnh đạo kê khai, hồ sơ được nộp cho các cơ quan chức năng thuộc Thành ủy Đà Nẵng và Trung ương. Do bản kê khai tài sản này là tài liệu tối mật nên nó được bảo vệ nghiêm ngặt.
Biên bản kê khai tài sản của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ không ai biết, không ai được tiếp cận. Nay có thông tin, thay vì xác minh xem đúng hay không thì lại điều tra ai tiết lộ để trừng phạt vì tội tiết lộ bí mật nhà nước. Còn Chủ tịch Thơ cứ nói rằng, kê khai trung thực, đúng quy trình, các thông tin về khối tài sản khủng là bịa đặt, vu khống. Người dân hoang mang quá, mất lòng tin quá.
Thật là cay đắng và chua chát. Bây lâu cứ tưởng việc kê khai tài sản cán bộ, lãnh đạo là để người dân được biết, ai dè kê khai chỉ để nội bộ biết với nhau. Rồi xem đó là tài liệu bí mật. Vậy mà lúc nào cũng lem lẽm “công khai, minh bạch”. Hèn gì hơn 1 triệu bản kê khai tài sản mà không phát hiện bất thường, tham nhũng. Đến vị Chủ tịch xã lương tháng vài triệu mà cũng có biệt thự thì chẳng dám tin cấp cao hơn thanh liêm. Chỉ là các vị chưa bị lộ mà thôi. Còn những vị bị lộ thì dối trá quanh co, nào là do tích góp, mồ hôi nước mắt lao động, cha mẹ để lại, đứa em nó cho…
Các vị coi thường dân, cứ nghĩ họ không biết gì nên thích nói sao cũng được, làm gì cũng mờ ám. Nhưng thực ra cán bộ, lãnh đạo ông nào giàu có ra sao người dân biết cả. Cán bộ lãnh đạo đa phần xuất thân từ thành phần bần cố nông, lương nhà nước chỉ đủ chi tiêu nhưng nhiều người có “tài sản khủng”. Từ đâu mà có nếu không tham nhũng?
Đáng đáng lẽ ra việc kê khai tài sản của cán bộ, lãnh đạo phải công khai trên phương tiện truyền thông, báo chí cho người dân được biết để họ giám sát, kiểm tra. Chẳng có gì phải giấu, trừ khi có khuất tất. Mà càng giấu người ta càng nghi ngờ. Một ông Chủ tịch tỉnh, trước khi nhậm chức ở nhà cấp bốn, thu nhập đủ chi tiêu. Sau nhiệm kỳ 5 năm, xây biệt thự, đi xe hơi, đất đai vài ba lô, tiền gửi ngân hàng hỏi sao dân không té ngửa cho được. Khi dân thắc mắc hỏi thì nói “thuộc diện trung ương quản lý” tỉnh không nắm, không biết. Nhiều khi người dân thấy cán bộ giàu có bất thường thắc mắc giải đáp, tố cáo không được giải quyết. Có khi lại bị quy vào tội vu khống, bịa đặt.
Ở các nước dân chủ họ kê khai tài sản của lãnh đạo để cho người dân được biết còn ở xứ ta thì giấu, cấp trung ương là bí mật quốc gia, tỉnh bí mật tỉnh, huyện xã cũng bí mật luôn. Dân không biết thì dân giám sát, kiểm tra cái gì?
Cứ hô hào chống tham nhũng, nhưng ngay cái việc đơn giản nhất là kê khai tài sản của cán bộ cũng chỉ hình thức thì chống cái gì ? Nói thẳng ra, chính việc này tiếp tay cho tham nhũng hơn là ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng.
Tại hội nghị Tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015, Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc công an TP. HCM đã nói thẳng: “Trong báo cáo của công an TP có hơn 1/3 biên chế của công an TP kê khai tài sản. Nhưng kê khai xong rồi tổ chức bộ phận đút vô ngăn cất. Kê khai đúng hay không, có hợp lý hay không thì không ai biết”.
Đừng nói đến dân, mà ngay cả Công an họ cũng không được tiếp cận bản kê khai tài sản cán bộ, lãnh đạo. Tướng Minh tiết lộ thêm: “Có một số vụ án được Thường trực Thành ủy cho ý kiến để Công an TP tiếp cận bản kê khai tài sản của một số cán bộ nhưng cho đến nay Công an TP không tiếp cận được. Thế thì bản kê khai tài sản đó đi đâu?
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng – TTCP nói rất hùng hồn: “Tài sản thì phải công khai, trừ bí mật của nhà nước. Quan chức phải công khai tài sản, nếu không thì đừng làm quan chức nữa”. Nhưng rồi sao? không công khai họ vẫn tại vị đó thôi. Từ chức à, còn lâu có ai từ chức đâu mà tôi từ.
Cho nên, giờ chẳng thể tin được những gì quan chức nói. Sự việc sờ sờ trước mắt còn chối bay chối biến huống gì những việc khác. Đừng đổ lỗi cho các thế lực thù địch bịa đặt chống phá này nọ mà chính vì sự không minh bạch, cứ mù mờ, hứa nhăng hứa cuội, nói không làm của chính quyền nên dần dần người dân mất lòng tin.
Đất nước này còn nhiều bí mật, mỗi lần bí mật được tiết lộ người dân luôn bị sốc, sốc nặng.

Thiên Luân

Không có nhận xét nào: