Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

SCIC có bán được vốn nhà nước tại 137 doanh nghiệp để cứu ngân sách?

Trong “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam, người ta vẫn tìm đủ mọi cách để chơi chữ cho dù tình thế đã ở vào thời kỳ cùng đường.


Từ “thoái vốn” đến “bán vốn” là một cách chơi chữ như thế. Nhưng cuối cùng thì mọi thứ cũng “lộ hàng” theo nghĩa đen nhất. 

Sau chủ trương thoái vốn nhà nước khỏi một số doanh nghiệp, nhu cầu bán vốn chưa bao giờ bị thúc giục cuống quýt như hiện thời.

Tháng 4/2017, quan chức Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) một lần nữa báo cáo: “SCIC xác định có 137 doanh nghiệp chúng tôi sẽ bán hết đến từ nay đến năm 2020, trong đó có 100 doanh nghiệp không bán được – gọi là doanh nghiệp hạng C- từ các địa phương có doanh nghiệp đến lần thứ 3 không bán được”.  Nhưng ông Chi nói cho hay “đơn vị này vẫn quyết tâm cố gắng bán”. 

Vào cuối năm 2015 – giai đoạn mà thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng sắp “rớt đài” tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền, Chính phủ đã phải đôn đáo thúc đẩy việc thoái vốn ở 10 doanh nghiệp, kể cả “con bò sữa” Vinamilk, để thu về khoảng 7 tỷ USD cho ngân sách. Đó cũng là khoảng thời gian mà ngân sách phải trả nợ nước ngoài cao chưa từng thấy: 20 tỷ USD trong năm 2015.

Tuy thế, 7 tỷ USD vẫn chưa là cái gì so với một nền ngân sách mà mức bội chi đã vọt lên đến 6,6% GDP trong năm 2013 và luôn cận kề mức kỷ lục ấy cho đến gần đây (trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế, bội chi trên 5% GDP đã là nguy hiểm).

Với tình trạng bội chi bất chấp như thế, một số chuyên gia độc lập đã dự liệu rằng ngân sách trung ương sẽ không thể “kéo” qua được hết năm 2018.

Nghĩa là Việt Nam rất có thể rơi vào tình trạng của quốc gia Argentine trong hai lần vỡ nợ vào năm 2001 và năm 2014.

Cũng từ cuối năm 2015, một số thông tin cho biết Chính phủ Việt Nam đã phải trù tính đến việc bán vốn tại hàng trăm doanh nghiệp nhà nước để có thể thu về hơn 400 tỷ USD – theo một dự tính lạc quan.

Con số hơn 400 tỷ USD trên bằng 2 lần GDP hàng năm của Việt Nam và sẽ giúp “ổn định kinh tế - xã hội”, qua đó kéo dài tuổi thọ của chế độ cầm quền ở Việt nam thêm ít năm nữa, trong khung cảnh hầu như toàn bộ các nguồn “ngoại viện” – từ các chủ nợ lớn nhất như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu, cho đến nguồn kiều hối của hơn 4 triệu “kiều bào ta” ở hải ngoại – đều hoặc ngưng trệ hẳn, hoặc giảm sút thê thảm.

Nhưng trong thực tế, SCIC có bán được vốn nhà nước để cứu vãn ngân sách đang có nhiều dấu hiệu cạn kiệt trong lúc vẫn có ít nhất 30% viên chức công chức “không làm gì cả mà vẫn hưởng lương”?

Ngay trước mắt, SCIC chỉ có thể bán được 37 trong tổng số 137 doanh nghiệp muốn tống táng.

Cần chú ý rằng kế hoạch thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước khỏi các thị trường bất động sản, chứng khoán đã được Chính phủ phát động từ năm 2013 và dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2015. Nhưng cho đến nay, các doanh nghiệp nhà nước mới chỉ thoái dược hơn 50% số cần thoái. Mà như vậy, làm sao các doanh nghiệp này thu đủ tiền để chuyển trả lại ngân sách Bộ Tài chính một khi SCIC muốn bán sạch vốn nhà nước?

Bài toán bán vốn và kéo theo chân đứng ngân sách - tồn tại cính trị vẫn hoàn toàn bế tắc. 

Minh Quân

(VNTB) 

Không có nhận xét nào: