Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Trump nhượng bộ lớn đối với Trung Quốc?; Tổng thống Donald Trump sẽ ra điều kiện gì với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Mỹ?

Ngày 25/5/2017, trong tham luận đọc tại diễn đàn tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, giáo sư David Shambaugh thuộc Đại học George Washington, cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi nhậm chức đã xoay 180 độ chính sách đối với Trung Quốc, đơn phương nhượng bộ nhiều khiến Trung Quốc thu lợi lớn trong thời gian qua.


GS Shambaugh nói: Những nhượng bộ của Trump đối với Trung Quốc trong tám tuần qua là cả một “bản danh sách khiến người ta ngạc nhiên”, Trump đã từ bỏ tất cả những lời dọa dẫm Chính phủ Trung Quốc ông từng đưa ra trong thời gian tranh cử, toàn diện chấp nhận tiếp xúc với Trung Quốc, khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh rất phấn khởi.

Các nhượng bộ của Mỹ gồm:

- Trong cuộc gặp “Trump-Tập Cận Bình” lần đầu hồi tháng 4 năm nay, Trump đã dành cho Tập Cận Bình nghi thức đón tiếp ở cấp cao nhất và sự tuyên truyền theo hướng tích cực.

- Sau cuộc gặp đó Trump nhiều lần ca ngợi Trung Quốc và Tập Cận Bình.

- Trump cam kết sẽ thực thi “chính sách một Trung Quốc”.

- Trump cử “bạn cũ lâu năm” của Tập Cận Bình là Blin Stader, Thống đốc bang Iowa, làm tân Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh.

- Bộ Quốc phòng Mỹ không duyệt đề nghị cho phép Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương tiến hành chiến dịch “tự do hàng hải” ở Biển Đông.

- Trump không dán mác “Thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc.

Ngoài ra Chính phủ Trump cũng chưa đưa ra lời phê bình vấn đề hiện đại hóa quân sự và vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, mà còn sớm tặng Trung Quốc một “món quà lớn” là chủ động từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gây thiệt hại cho Mỹ trên các mặt kinh tế, chiến lược, sức mạnh mềm và làm xấu bộ mặt nước Mỹ.

Sự nhượng bộ của Mỹ chỉ đổi lại được ba thứ là:

- Hai loại thẻ tín dụng Visa và MasterCard được sử dụng tại Trung Quốc;

- Trung Quốc hủy bỏ lệnh cấm nhập thịt bò của Mỹ đã kéo dài 14 năm nay;

- Trung Quốc sẽ giúp Mỹ trên vấn đề Triều Tiên, nhưng giúp thế nào thì chưa cụ thể.

Shambaugh cho rằng về những thứ Trung Quốc muốn kiếm được từ phía Mỹ thì Trump đã “không thể cho nhiều hơn được nữa”. Ông còn pha trò nói nếu Trump trước đây giao dịch với mọi người theo cách ấy thì ông đã rất muốn làm ăn với Trump.

Nhưng Shambaugh nói, tin tốt là mối quan hệ Trump-Tập Cận Bình được khởi động, không khí tích cực, giải tỏa được tình thế bế tắc lâu nay trong mối quan hệ Mỹ-Trung.

Ông cũng khẳng định biểu hiện của các ông Dương Khiết Trì Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc và Thôi Thiên Khải Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, nói họ đã áp dụng “sách lược cực kỳ tinh vi”, qua đó đã thành công trong việc làm cho Trump sau khi nhậm chức đã thay đổi lập trường cứng rắn trước đây của mình đối với Trung Quốc.

Học giả Trung Quốc nói Tập Cận Bình có tính kiên nhẫn phi phàm

Cũng trong diễn đàn nói trên, GS Thời Ân Hoằng ở Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc phát biểu cho rằng ông Trump trước khi nhậm chức từng có nhiều lời đe dọa Trung Quốc, thực sự đã gây ra tâm trạng lo sợ ở Trung Quốc; Tập Cận Bình phát hiện thấy mình bỗng dưng phải đối mặt với một đối thủ mạnh mẽ thẳng thắn hơn mình, ông đã thể hiện tính kiên nhẫn phi phàm, chưa hề công khai nói những lời ác khẩu với Trump.

GS Thời nói, về sau Trung Quốc đã tìm ra biện pháp có thể gây ảnh hưởng hữu hiệu tới thái độ đối với Trung Quốc của Trump – đó là qua Jared Kushner con rể và Ivanka con gái Trump. Sau đó niềm tin của Tập Cận Bình tăng lên; trong đối xử với Trump, ông coi Trump là “hổ giấy”, nhưng vẫn phối hợp tốt trên vấn đề Triều Tiên.

GS Thời cho rằng trong thời kỳ đầu, Trump hầu như chẳng làm nên công chuyện gì, ông ta không gánh nổi cái hậu quả của việc mối quan hệ Mỹ-Trung vừa mới có chiều hướng tốt lên thì lại xấu đi.

Mặt khác, GS Thời nói, Trump hiện chưa có sách lược đối với Đông Á và Đông Nam Á, điều đó đã tạo cơ hội cho Trung Quốc lấp khoảng trống quyền lực vừa xuất hiện ở các vùng ấy; châu Á, nhất là Đông Nam Á, đang từng bước bị hút về phía Trung Quốc, xa rời Mỹ. Nhưng ông cho rằng Trung Quốc còn chưa hiểu các nguồn nhạy cảm tồn tại trong khu vực, cũng mắc chứng bệnh thường thấy là “bệnh tự kỷ nước lớn”, không giỏi lắng nghe người ta mà trước tiên ép các nước khác theo quan điểm của mình.

Ông kêu gọi Tổng thống Trump xây dựng và thực thi một sách lược đối với Trung Quốc “chặt chẽ, hoàn chỉnh, tích cực” có thể phản ánh được mối quan hệ Mỹ-Trung và hoàn cảnh châu Á.

Tại diễn đàn kể trên, trong phần trả lời câu hỏi, GS Shambaugh nói Trung Quốc đang xuất khẩu “chế độ kiểm duyệt của mình”, đang gây sức ép với một số nước, giới truyền thông, giới học giả và các tổ chức phi chính phủ nhằm làm họ thay đổi cách trình bày của quốc tế về Trung Quốc. Ông cho rằng Mỹ nên lợi dụng sức mạnh của mình để xoay lại xu thế đó trong dư luận quốc tế.

Nguồn: 沈大伟: 特朗普上台后大让步 让中国如同“过圣诞”

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

(Nghiên Cứu Quốc Tế)


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lên đường sang thăm Mỹ từ ngày 29 tới 31/5/2017, trong đó dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ tại Washington ngày 31/5.

Tổng thống Donald Trump sẽ ra điều kiện gì với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Mỹ?
Hai người đứng đầu Chính phủ thuộc hai thể chế chính trị khác nhau sẽ có nhiều việc phải bàn để có thể hợp tác.
Theo dõi chuyến thăm châu Âu vừa qua, cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Donald Trump trên cương vị Tổng thống, trong đó được Giáo hoàng Francis tiếp kiến, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brüssel, Bỉ và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm nước công nghiệp G7 tại Taormina, Ý, người ta có thể hình dung những thách thức đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi gặp gỡ, hội đàm với Tổng thống Trump như sau:

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO, người ta thấy Tổng thống Trump sỗ sàng xô Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic [1] sang một bên để bước lên hàng đầu cạnh Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, thể hiện rõ quan điểm „America First!“. Ông Phúc sẽ không gặp cảnh ngộ như ông Markovic, vì ông là người Việt Nam, vốn khiêm nhường và tôn trọng nước lớn.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO, ông Trump thẳng thừng phê phán 23 nước đồng minh NATO ở châu Âu đối xử bất công với người đóng thuế Mỹ, khi không chịu nâng ngân sách quốc phòng lên 2% như thỏa thuận, mà bắt Mỹ chịu phần lớn ngân sách NATO để bảo vệ an ninh cho họ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, ông Trump lên án Đức là „rất độc ác“ (sehr böse) [2], khi xuất siêu rất nhiều sang Mỹ…

Khi sang Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dĩ nhiên sẽ trao đổi với Tổng thống Donald Trump nhiều vấn đề liên quan tới chính trị, ngoại giao, quân sự khu vực và song phương, có lẽ cũng đề cập tới việc duy trì và bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi có một lượng lớn hàng hóa của thế giới được vận chuyển qua lại.

Nhưng chắc chắn hai ông cũng thảo luận về vấn đề kinh tế song phương. Trong những năm gần đây, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức 20%, ước đạt 53 tỉ USD năm 2016, trong đó Việt Nam xuất siêu 30,9 tỉ USD. Về đầu tư, Mỹ xếp thứ 8/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài) tại Việt Nam với 815 dự án, tổng số vốn đăng ký 10,07 tỉ USD. Mỹ xếp thứ 9/68 quốc gia tiếp nhận FDI của Việt Nam với 147 dự án, tổng số vốn đăng ký 571,38 triệu USD.

Với bản chất của một người kinh doanh, chắc chắn Tổng thống Donald Trump sẽ mặc cả, thẳng thừng yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải làm sao để Việt Nam tăng nhập khẩu của Mỹ nhằm giảm xuất siêu trong cán cân thương mại.

Trong khi đó, năm 2016, Việt Nam vẫn nhập siêu từ thị trường Trung Quốc khoảng 28 tỉ USD. Đã từ lâu, người Việt Nam và nhiều nước trên thế giới rất sợ hàng hóa độc hại từ Trung Quốc, đặc biệt là thực phẩm không an toàn, mất vệ sinh. Phải chăng nhân dịp này, Việt Nam nên tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ vốn được người Việt Nam ưa chuộng và giảm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vốn bị ghét và sợ, qua đó cân bằng được cả cán cân thương mại với Mỹ và Trung Quốc?

Trung Khoa 


(Thoibao.de) 

Không có nhận xét nào: