Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

SÁCH LỊCH SỬ MỚI ĐỀ CẬP CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC THÁNG 2/1979; KHÔNG ĐỀ CẬP CUỘC CHIẾN VỊ XUYÊN-HÀ GIANG ( 1980-1990) LÀ THIẾU SÓT LỚN ?

Chiến tranh xâm lược của Trung Quốc được đưa trong sách Lịch sử Việt Nam

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc được nói đến nhiều hơn trong bộ sử đồ sộ mới công bố với tên gọi chiến tranh xâm lược.

Ngày 18/8, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giới thiệu, phát hành các bộ sách trọng tâm về lịch sử, văn hoá, biển đảo. Đồ sộ và gây chú ý nhất là bộ Lịch sử Việt Nam bao quát nền lịch sử nước ta từ khởi thuỷ đến năm 2000 do Viện Sử học Việt Nam biên soạn, trên cơ sở Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ.
chien-tranh-xam-luoc-cua-trung-quoc-duoc-dua-trong-sach-lich-su-viet-nam
PGS.TS Trần Đức Cường, tổng chủ biên bộ Lịch sử Việt Nam. Ảnh: H.P.
Chia sẻ với báo giới bên lề buổi giới thiệu, PGS TS Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, tổng chủ biên bộ sách chia sẻ đây là tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ sử học. Hơn 30 nhà nghiên cứu sử học mất 9 năm để biên soạn bộ sử 15 tập, dày gần 10.000 trang này.
"Đây là bộ thông sử quy mô chưa từng có từ trước đến nay ở Việt Nam", ông Cường khẳng định và cho biết bộ sách tiếp cận đa diện hơn các nhân vật, đưa vào nhiều nội dung mới như đánh giá khách quan công trạng của nhà Mạc, nhà Nguyễn, nói về chiến tranh biên giới Việt - Trung...
Đưa chiến tranh biên giới phía Bắc vào bộ sử mới
Theo PGS Cường, bộ sách đã nói rõ nhiều vấn đề lịch sử còn "khoảng trống". Trong tập 14, từ trang 351 đến 359 viết rõ về "quan hệ với Trung Quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc".
Nội dung tóm lược từ mối quan hệ Việt - Trung sau năm 1975, những căng thẳng dẫn đến cuộc chiến nổ ra sáng 17/2/1979. Bộ sử đã gọi đích danh đó là "một cuộc chiến tranh xâm lược" trên toàn tuyến biên giới từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Số liệu được đề cập rõ ràng gồm số quân Trung Quốc, số xe tăng, đại bác bị dân quân Việt Nam tiêu diệt...
"Chúng tôi gọi rõ đó là một cuộc chiến tranh xâm lược, cho quân tiến vào sâu trong lãnh thổ nước khác 30 km, 50 km đánh phá, không phải xâm lược thì gọi là gì?", ông nói.
Có một điều nữa, cuộc chiến tranh ấy không chỉ gói gọn trong khoảng tháng 2/1979 mà kéo dài. Cán bộ chiến sĩ Việt Nam còn phải hy sinh nhiều xương máu để đến đầu thập niên 90 mới có hòa bình tương đối ở biên giới phía Bắc.
chien-tranh-xam-luoc-cua-trung-quoc-duoc-dua-trong-sach-lich-su-viet-nam-1
Nhấn vào các mũi tên trên bản đồ để xem chi tiết diễn biến cuộc chiến năm 1979. Đồ hoạ: Tiến Thành.
Về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, ông Cường cho biết nội dung đề cập đến sau năm 1975, khi Việt Nam thống nhất đất nước thì tập đoàn Pol Pot đánh sang. Quân đội Việt Nam đã chiến đấu bảo vệ biên giới đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế, cử quân tình nguyện sang giúp Campuchia đánh tan quân diệt chủng, giải phóng đất nước chùa tháp và sau đó lại bàn giao lại cho họ. Điều đó rất rõ ràng.
Không gọi là "nguỵ quân, nguỵ quyền"
PGS Cường cho rằng, vấn đề Việt Nam Cộng hoà trong các bộ sử tới sẽ phải nêu rõ hơn, khi đây là một thực thể tồn tại ở miền Nam Việt Nam gần 21 năm. Có một sự gối nhau khi năm 1954 có thể chế nữa gọi là Quốc gia Việt Nam. Đến năm 1955, Ngô Đình Diệm truất Bảo Đại để làm quốc trưởng, rồi trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống...
Thời gian trước, nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà, nhiều người vẫn quen gọi là nguỵ quân, nguỵ quyền. Nhưng trong bộ sách gọi trung tính hơn là "quân đội Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn". Theo ông Cường, lịch sử cần phải khách quan, viết thế nào để cho mọi người chấp nhận.
Nhìn nhận công trạng nhà Mạc, chúa Nguyễn
Vị tổng chủ biên cho hay, bộ sử đã đánh giá đầy đủ, khách quan trung thực hơn một số triều đại phong kiến Việt Nam, nhìn nhận đúng công lao của nhà Mạc, nhà Nguyễn. Ông khẳng định "Dù tồn tại không dài nhưng nhà Mạc là một trong những vương triều có đóng góp cho lịch sử Việt Nam".
PGS Cường lý giải khi Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê thì chính quyền này đã không còn trong thời kỳ hưng thịnh như buổi ban đầu nữa. Khủng hoảng kinh tế xã hội rất rõ ràng, để giải quyết vấn đề đó thì Mạc Đăng Dung đã làm cuộc chính biến giành ngôi.
Sự thật là các triều đại ra đời, phát triển rồi suy tàn là quy luật lịch sử. Từ thời Đinh, Lý, Trần đã vậy. Ngoài ổn định kinh tế, nhà Mạc còn phát triển về văn hóa, giáo dục, mở nhiều khoa thi, tìm nhân tài cho đất nước.
Câu chuyện của chúa Nguyễn, nhà Nguyễn cũng cần nhìn nhận khách quan hơn. Công lao được ghi nhận trên các khía cạnh: cho người Việt khai phá vùng đất Nam Bộ; hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước nhà Tây Sơn mở ra nhưng chưa hoàn thiện được; củng cố bộ máy chính quyền từ Bắc đến Nam; đặc biệt là xác định chủ quyền đất nước với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thời đó, mỗi năm triều đình đều cử đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải đi tuần thú ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bây giờ.
chien-tranh-xam-luoc-cua-trung-quoc-duoc-dua-trong-sach-lich-su-viet-nam-2
Bộ sử 15 tập bao quát lịch sử Việt Nam từ khởi thuỷ đến năm 2000 do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành. Ảnh: H.P.
Dưới thời Nguyễn, văn hoá Việt Nam phát triển, nhiều công trình nay được thế giới công nhận di sản UNESCO như cung đình Huế. Trong khu vực Đông Nam Á bấy giờ thì Việt Nam là vương quốc hùng mạnh.
Bên cạnh đó, triều đại này cũng có những sai lầm mà lịch sử lên án. Như việc Nguyễn Ánh cầu cứu 5 vạn quân Xiêm sang xâm lược là một sai lầm hết sức nghiêm trọng. Hay ký với Pháp những hiệp ước bất lợi, dựa dẫm vào Pháp, không chịu canh tân dù thời bấy giờ có nhiều nhân sĩ, trí thức có tư tưởng đổi mới như Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện… khiến đất nước bị lạc hậu đi, để rồi rơi vào tay ngoại bang gần một thế kỷ.
"Giới sử học đã đánh giá các triều đại này rõ ràng, khách quan, không phiến diện như trước đây", ông khẳng định.
Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, sử học là ghi chép trung thực về những chuyện đã qua, tổng kết những gì là giá trị, đúc kết ưu khuyết điểm để đi tới cái đúng và điều tốt đẹp hơn. Bộ sách ra đời cho người đọc có nhiều so sánh, đối chiếu đâu là sự thật lịch sử, đâu chỉ là dân gian.
Ông cũng chia sẻ thêm, điều đáng tiếc là hầu hết các tư liệu nằm rải rác trên đất nước gây khó khăn cho quá trình biên soạn. Chưa kể, Việt Nam chưa có quy định pháp luật về việc giải mật, công bố các tư liệu lịch sử. Trong khi, các nước có quy định loại tư liệu nào trong 20 năm, 30 năm, 50 năm thì được bạch hoá.
"5h sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400 km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực; 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lai Châu 10 – 15km, vào Cao Bằng 40 - 50km.
Quân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam".
Trích Lịch sử Việt Nam, tập 14, trang 355.
Hoàng Phương

Chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam, không gọi ngụy quân, ngụy quyền!


18-8-2017
TTO – Nhìn nhận công lao nhà Mạc cùng chúa Nguyễn và các vương triều nhà Nguyễn, không gọi chính quyền Việt Nam cộng hoà là ngụy quân, ngụy quyền như trước, chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam… Đó là những điểm mới của bộ sách Lịch sử VN.
Bộ Lịch sử VN tái bản lần thứ nhất gồm 15 tập với nhiều điểm mới – Ảnh: V.V.TUÂN
Sáng 18-8, nhiều đơn vị xuất bản (công ty sách VN, NXB Thanh Niên, NXB Công an nhân dân, NXB Khoa học xã hội) tổ chức giới thiệu các bộ sách trọng tâm bao gồm:
– Bộ Lịch sử VN (15 tập)
– Văn hoá biển đảo VN.
– Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (60 tác phẩm).
– 400 chữ quốc ngữ – sự hình thành, phát triển và đóng góp vào văn hoá VN.
– Lược sử Việt ngữ học, Hiên ngang Trường Sa…
Trong đó, bộ sách Lịch sử VN tái bản lần thứ nhất, có chỉnh sửa, bổ sung, do Viện Sử học VN biên soạn thu hút nhiều sự quan tâm của báo chí.
Bên lề buổi giới thiệu sách, PGS. TS Trần Đức Cường, nguyên viện trưởng Viện sử học, chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN, tổng chủ biên bộ sách Lịch sử VN, đã có cuộc chia sẻ cởi mở với báo chí về những điểm mới của bộ sách này.
* Lịch sử khởi thủy của VN trong bộ sử này có những điểm gì mới, thưa ông?
– Chúng tôi khẳng định nhà nước ở VN hình thành sớm, dân tộc VN hình thành sớm.
Đất nước VN chúng ta hình thành trên cơ sở sự phát triển của ba nền văn hoá tương ứng với ba vương quốc cổ đại là: văn hoá Đông Sơn với vương quốc Âu Lạc, văn hóa Sa Huỳnh với nhà nước Chăm Pa, văn hóa Óc Eo với vương quốc Phù Nam.
Chúng tôi đã tránh được điều mà nhiều nhà sử học trước đây mắc phải là viết lịch sử VN nhưng chủ yếu là lịch sử của người Việt gắn với vương quốc Âu Lạc.
* Thời kỳ các triều đại quân chủ chuyên chế ở VN cũng có nhiều tranh cãi sẽ được nhìn nhận ra sao trong bộ sách này?
– Việc đánh giá một số vương triều phong kiến VN được chúng tôi tiếp cận với nhiều điểm mới.
Với vương triều nhà Mạc, rõ ràng chúng ta cần đi đến kết luận nhà Mạc là một trong những vương triều có đóng góp trong lịch sử VN.
Dù chỉ tồn tại khoảng thời gian không dài nhưng đã giải quyết được một số khủng hoảng về kinh tế, xã hội cuối thời Lê. Chúng tôi đã bước đầu, đánh giá đầy đủ, khách quan, trung thực về vấn đề này.
Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, là lúc nhà Lê đã rơi vào khủng hoảng kinh tế, xã hội rất rõ chứ không còn như thời kỳ Lê Lợi, Lê Thánh Tông nữa. Để giải quyết vấn đề này, Mạc Đăng Dung mới làm cuộc chính biến, giành lấy chính quyền.
Không chỉ ổn định kinh tế, xã hội mà nhà Mạc còn phát triển văn hoá, giáo dục với nhiều khoa thi được mở, tìm được nhiều nhân tài cho đất nước.
Câu chuyện về các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn cũng phải đánh giá cho đúng. Chúng ta phải ghi nhận các chúa Nguyễn đã có công tổ chức cho người Việt khai phá vùng đất Nam Bộ bây giờ.
Sau khi lên ngôi, thành lập vương triều Nguyễn năm 1802, nhà Nguyễn đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước – sự nghiệp mà nhà Tây Sơn và người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã mở ra nhưng chưa hoàn thiện.
Vua Gia Long lên ngôi đã góp phần hoàn thiện vào sự nghiệp thống nhất đất nước.
Thứ hai, nhà Nguyễn củng cố bộ máy cai trị toàn quốc, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.
Cùng với đó, phải ghi nhận công lao của các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn trong việc xác định chủ quyền của đất nước với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thời đó, hàng năm triều đình đã cử những đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải đi tuần thú ở các đảo vùng Hoàng Sa, Trường Sa bây giờ.
Thứ ba, nhà Nguyễn đã làm được nhiều việc phát triển văn hoá. Nhiều công trình được xây dựng dưới thời Nguyễn sau này được UNESCO công nhận là di sản thế giới như cung đình Huế. Lúc bấy giờ nước ta là vương quốc khá mạnh trong khu vực Đông Nam Á.
Nhưng bên cạnh điểm tích cực, các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn cũng có những sai lầm bị lịch sử lên án. Việc Nguyễn Ánh cầu cứu 5 vạn quân Xiêm sang xâm lược nước ta là sai lầm hết sức nghiêm trọng. Chính người anh hùng Nguyễn Huệ đã đánh tan đạo quân ấy.
Sai lầm thứ hai là họ ký hiệp ước với người Pháp, dựa vào người Pháp, dù lúc đó nước Pháp còn khó khăn nên chưa thể giúp đỡ.
Nhà Nguyễn không chịu canh tân đất ước dù có nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà nho yêu nước có tư tưởng đổi mới đề xuất canh tân, đổi mới đất nước về nhiều mặt như Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ…
Nhưng các vua nhà Nguyễn đã không chấp nhận những cải cách này khiến đất nước bị lạc hậu. Có lẽ do lợi ích của dòng họ quá lớn. Vậy nên khi đất nước phải đối diện với sự xâm lược của các nước tư bản phương Tây thì nhà Nguyễn để đất nước rơi vào tay ngoại bang.
Chúng tôi đã đánh giá nhà Nguyễn rõ ràng, khách quan, không phiến diện như trước đây.
PGS. TS Trần Đức Cường trả lời báo chí. Ảnh: V.V.TUÂN
* Lịch sử hiện đại VN cũng có rất nhiều câu chuyện gây tranh cãi. Tiêu biểu là cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc đến nay vẫn ít được nhắc đến trong sách sử?
– Cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc nước ta do Trung Quốc gây nên. Chúng ta phải chiến đấu bảo vệ toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Cuộc chiến đấu ấy rất quyết liệt để bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.
* Một vấn đề khác được tranh cãi lâu nay là sự tồn tại của chính quyền Việt Nam Cộng hoà được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?
– Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Nó tồn tại trong gần 21 năm. Năm 1954 còn có một thể chế nữa gọi là Quốc gia VN. Sau đó đến năm 1955 thì Ngô Đình Diệm mới phế Bảo Đại để làm quốc trưởng, sau đó trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống.
Việt Nam Cộng hoà là nối tiếp của Quốc gia VN. Nhưng vấn đề phải nghiên cứu cho rõ nguyên tắc vận hành của chính quyền này là gì? Đó là một thực thể trên lãnh thổ quốc gia VN.
Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà, mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn.
Lịch sử phải khách quan, phải viết thế nào để mọi người chấp nhận.
* Vậy còn những quan lại người Việt làm việc với chính quyền bảo hộ như Hoàng Cao Khải, Hoàng Trọng Phu. Vì sao trong bộ sử lại đánh giá họ rất nặng nề là “tay sai của thực dân Pháp”?
– Tôi xác nhận Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu chính là tay sai của thực dân Pháp. Điều này không có gì thay đổi cả, bởi họ thực hiện mưu đồ của chính quyền bảo hộ.
Có những viên quan lại của Nam Triều có tinh thần yêu nước và chính quyền cách mạng vẫn mời họ ra cộng tác như cụ Phan Kế Toại, cụ Phạm Khắc Hòe…
Nhưng hai nhân vật Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu, qua những chứng cứ lịch sử thì không đánh giá khác được.
* Trong quá trình thực hiện bộ sách đồ sộ này, có những khó khăn gì, thưa ông?
– Khó khăn đầu tiên là chúng tôi chưa có điều kiện tập hợp tất cả giới sử học.
Khó khăn thứ hai là về tư liệu vì hầu hết hiện nằm rải rác ở khắp nơi ngay trên đất nước chúng ta. Đó là chưa kể chúng ta chưa có quy định pháp luật về việc giải mật và công bố các tư liệu lịch sử.
Ở các nước có quy định rõ ràng loại tư liệu nào trong 20 năm, hoặc 30 năm, 50 năm… thì được bạch hoá. Nhưng chúng ta chưa có những quy định đó nên có những tư liệu chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận.
Hơn nữa, có các tư liệu ở Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Nga, Nhật và nhiều nước khác nữa, vì điều kiện chúng tôi cũng chưa tiếp cận được.

Không có nhận xét nào: