Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Nợ công lên đến hơn 2 triệu tỷ đồng, tương đương 61% GDP; Thủ tướng đề nghị WB tìm nguồn tài trợ không hoàn lại cho VN

21/09/2017  10:44 GMT+7

Nợ công năm 2015 tương đương 61% GDP. Trong khi đó nợ công năm 2011 mới chỉ là 54,9% GDP. Nợ chính phủ bảo lãnh cũng rất lớn.
Bộ Tài chính vừa chính thức ban hành Bản tin nợ công số 5. Bản tin này được phát hành chậm hơn so với quy định và cách thời điểm phát hành bản tin nợ công số 4 hơn 1 năm.
Theo đó, nợ công năm 2015 chiếm 61% GDP (trần Quốc hội cho phép là 65% GDP). Trong khi đó, nợ công năm 2011 mới chỉ chiếm 54,9% GDP.
Trong đó, nợ nước ngoài chiếm 42% GDP. Nợ Chính phủ so với GDP năm 2015 là 49,2%.
Nợ công Việt Nam lớn, trong đó nợ được Chính phủ bảo lãnh liên tục tăng.
Năm 2015 nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách là 14,9% GDP, trong khi năm 2011 là 15,6% GDP.
Cụ thể hơn về số liệu, Bản tin nợ công cho thấy, năm 2015 dư nợ của Chính phủ là hơn 94 tỷ USD, tương đương hơn 2 triệu tỷ đồng. Trong đó nợ nước ngoài là 39,6 tỷ USD, nợ trong nước là hơn 54 tỷ USD.
Con số nợ vay năm 2015 cao hơn nhiều năm 2011. Năm 2011, dư nợ vay Chính phủ là hơn 52 tỷ USD (tương đương hơn 1 triệu tỷ đồng).
Cũng trong năm 2015, Chính phủ đã trả được hơn 13,3 tỷ USD, tương đương hơn 288 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là trả nợ vay trong nước.
Dư nợ Chính phủ tăng nhanh những năm gần đây.
Số liệu từ Bản tin nợ công cho thấy khuynh hướng tăng cường vay nợ trong nước những năm gần đây, hạn chế vay nước ngoài. Từ năm 2013 trở về trước, vay nợ nước ngoài luôn cao hơn vay nợ trong nước. Nhưng từ 2014 đến nay có sự thay đổi rõ rệt, nợ vay trong nước tăng lên nhanh chóng. Từ mức chỉ vay trong nước 20 tỷ USD vào năm 2011 thì con số này đã tăng lên gấp gàn 3  lần, với hơn 54 tỷ USD nợ được vay trong nước.
Tỷ lệ nợ vay nước ngoài theo đó cũng giảm dần dù số lượng tuyệt đối vẫn tăng nhẹ. Nếu như nợ vay trong nước năm 2015 tăng gấp gần 3 lần năm 2011, thì nợ vay nước ngoài chỉ tăng từ con số 32 tỷ USD của năm 2011 lên hơn 39 tỷ USD của năm 2015.
Bản tin nợ công cũng đề cập đến số liệu liên quan đến vay và trả nợ được Chính phủ bảo lãnh trong giai đoạn 2011-2015.
Theo đó, năm 2015 nợ được Chính phủ bảo lãnh là gần 21 tỷ USD, tương đương trên 455 nghìn tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2011 (năm 2011 con số này mới chỉ là 13 tỷ USD). Nợ được Chính phủ bảo lãnh phần lớn là vay nước ngoài với hơn 11,3 tỷ USD, còn lại là vay trong nước.
Nợ được Chính phủ bảo lãnh tăng gần gấp đôi từ 2011-2015.
Năm 2015 cũng đã thanh toán hơn 5,4 tỷ USD để trả nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Liên quan đến số nợ được Chính phủ bảo lãnh, giữa năm 2016 Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng bày tỏ quan ngại về khoản nợ này.
Tính đến hết 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC). Con số bảo lãnh này chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP. Đáng chú ý, riêng trong giai đoạn 2011-2015 đã có sự “bùng nổ” về bảo lãnh các khoản vay.
Giai đoạn này, Bộ Tài chính đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình, dự án với tổng số vốn cam kết tương đương 15,6 tỷ USD. Hầu hết là vay nước ngoài với 14 tỷ USD.
Bộ Tài chính cho hay, tổng số tiền Chính phủ cam kết cấp bảo lãnh giai đoạn này đã gấp gần 3 lần giai đoạn 2007-2010. Trong đó, năm 2012 là đỉnh của huy động vốn thông qua bảo lãnh chính phủ (4,35 tỷ USD).
“Các nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh chính phủ là một trong những áp lực lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong tương lai”, Bộ Tài chính đánh giá.
Lương Bằng

Thủ tướng đề nghị WB tìm nguồn tài trợ không hoàn lại cho VN

20/09/2017 22:35 GMT+7

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị như vậy tại buổi tiếp Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione chiều 20-9 tại trụ sở Chính phủ.

Thủ tướng đề nghị WB tìm nguồn tài trợ không hoàn lại cho VN - Ảnh 1.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione tại Hà Nội chiều 20-9 - Ảnh: VGP
Theo Văn phòng Chính phủ, tại cuộc gặp, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của WB cho Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển đổi tốt nghiệp nguồn vốn IDA phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. 
Theo đó, WB đã xây dựng Khung đối tác quốc gia Việt Nam - WB (CPF) để làm cơ sở cho hợp tác hai bên giai đoạn tới, trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp IDA của WB từ ngày 1-7-2017.
Thủ tướng khẳng định thời gian qua, ODA và vốn vay ưu đãi của WB đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ Việt Nam đặc biệt chú trọng tới việc sử dụng hiệu quả vốn vay. 
Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi thường xuyên họp cùng các bộ, ngành, địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tập trung các giải pháp để quản lý và sử dụng hiệu quả các dự án.
Trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp IDA và sẽ tốt nghiệp ADF của ADB (dự kiến vào năm 2019), vốn ODA đang giảm dần và sắp tới chỉ còn vốn vay ưu đãi như nguồn IBRD của WB, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch - đầu tư chủ trì cùng các bộ cập nhật, điều chỉnh định hướng sử dụng vốn vay từ các nhà tài trợ để trình Thủ tướng ban hành trong quý 4-2017, theo hướng thu hẹp lĩnh vực ưu tiên và không dùng nguồn vốn này để đầu tư những lĩnh vực mà tư nhân có thể đầu tư.
Thủ tướng đề nghị WB hỗ trợ Bộ Kế hoạch - đầu tư trong vấn đề này để sớm đưa ra định hướng phù hợp bối cảnh hiện nay, góp phần giúp Việt Nam giải quyết được các nút thắt về thách thức phát triển mà hai bên đã nhìn nhận trong Báo cáo Việt Nam 2035 và phù hợp định hướng, mục tiêu của Đảng và Chính phủ đã đề ra; bảo đảm an toàn nợ công; bảo đảm tận dụng tối đa kinh nghiệm và kiến thức toàn cầu của WB để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển.
Để hỗ trợ các cơ quan, địa phương có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong thời gian vừa tốt nghiệp vốn IDA, Thủ tướng đề nghị WB tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay.
Về các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn vay, Thủ tướng đề nghị giám đốc quốc gia WB thảo luận thêm với Bộ Kế hoạch - đầu tư và các bộ của Việt Nam; đồng thời gợi ý một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu, hạ tầng liên vùng, nguồn nước, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao… 
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "Những gì tư nhân làm được thì chúng tôi đề nghị để tư nhân làm".
Về huy động vốn cho các công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn và liên vùng, Thủ tướng đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ GTVT và các bộ liên quan xây dựng khuôn khổ pháp lý để huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Giám đốc quốc gia WB cho biết hiện WB cũng đang tính toán các biện pháp để huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam. 
Ông Ousmane Dione mong muốn đẩy mạnh hợp tác giữa WB với Việt Nam ngày càng hiệu quả hơn nữa, nhất là trong triển khai các dự án ODA, vốn vay ưu đãi; nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo, nâng cao vị thế các thương hiệu sản phẩm, qua đó nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.
Giám đốc quốc gia WB cho biết thêm WB đã xây dựng báo cáo về an toàn thực phẩm Việt Nam, báo cáo về mâu thuẫn lợi ích ở Việt Nam, báo cáo hiện đại hóa ngành nông nghiệp của Việt Nam. 
Tại cuộc tiếp, giám đốc Quốc gia WB đã gửi Thủ tướng những báo cáo này. 
"Bất cứ điều gì tốt cho Việt Nam cũng tốt cho WB" - ông Ousmane Dione bày tỏ.
Cảm ơn tình cảm mà lãnh đạo WB dành cho Việt Nam, Thủ tướng cam kết Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ODA. 
"Bất cứ đề xuất nào của ngài, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe. Chính phủ hành động cũng là Chính phủ lắng nghe" - Thủ tướng nói.

D. AN

Không có nhận xét nào: