Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Tập Cận Bình đặt chỉ tiêu xưng bá cho Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Ngày 18/10/2017, trong bài phát biểu khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc dài ba tiếng rưỡi đồng hồ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu bật tham vọng của ông là biến Trung Quốc thành « cường quốc hàng đầu thế giới » từ nay cho đến năm 2050. Để đạt mục tiêu có thể gọi là xưng hùng, xưng bá đó, lãnh đạo Trung Quốc đã phác họa nhiều hướng đi, trong đó đặc biệt có kế hoạch cho quân đội Trung Quốc là hoàn tất tiến trình hiện đại hóa vào năm 2035, để chuyển mình thành đạo quân hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2050.
Đối với giới phân tích, nguyện vọng thúc đẩy đất nước đi lên là một điều rất chính đáng, ước muốn nâng cao sức mạnh quốc phòng để bảo vệ các thành quả phát triển của nước mình cũng vậy, có điều là tuyên bố nâng cao sức mạnh quân sự của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh, từ lúc ông Tập Cận Bình lên cầm quyền cách nay 5 năm, đã không ngừng có những hành động bành trướng, đòi hỏi chủ quyền trên các vùng lãnh thổ và biển đảo của hầu hết các láng giềng, mà rõ rệt nhất là tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Hành động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông như bồi đắp các rạn san hô hay bãi ngầm trong tay họ thành đảo nhân tạo và quân sự hóa các thực thể này đã được ông Tập Cận Bình ca ngợi là một « thành tựu », khi ông nhắc tới việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trong diễn văn ngày hôm qua, ông đã tiếp tục cảnh cáo rằng Trung Quốc « sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai, bất kỳ tổ chức nào, hoặc bất cứ đảng phái chính trị nào, vào bất cứ lúc nào hoặc dưới bất kỳ hình thức nào, chia tách bất kỳ lãnh thổ nào của Trung Quốc khỏi Trung Quốc », một thông điệp được cho là nhắm vào tất cả các nước đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền.
Nhận định chung về tham vọng quốc tế của Trung Quốc, ông Jean-Philippe Béja, chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp CNRS và Trung Tâm Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế CERI, đã nhận xét rằng người đứng đầu chế độ Bắc Kinh hiện nay đã khéo tranh thủ thời cơ thuận lợi để thúc đẩy các tham vọng của mình, và qua đó mặc nhiên khai tử chủ trương có thể gọi là « ẩn nhẫn chờ thời » của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.
Trả lời ban tiếng Pháp RFI, giáo sư Béja phân tích :
Jean-Philippe Béja: Phải nói rằng ông Tập Cận Bình đã thừa hưởng được một bối cảnh quốc tế hết sức thuận lợi. Việc ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, với hệ quả là Hoa Kỳ lùi bước trên sân khấu quốc tế, việc nước Anh rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, tất cả những sự kiện này làm suy yếu phía phương Tây.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình đã dẹp bỏ chủ trương của Đặng Tiểu Bình, theo đó Trung Quốc phải nép mình chờ đến lúc đủ mạnh rồi mới can thiệp vào chính trường thế giới. Đối với ông Tập Cận Bình, hiện nay Trung Quốc đã đủ mạnh, và điều đó được thể hiện qua việc Trung Quốc hiện diện mạnh mẽ trong khu vực bao quanh nước họ, nhất là tại Biển Đông.
Ngoài ra còn có kế hoạch đình đám là xây dựng những con đường tơ lụa mới, dù chưa rõ ràng lắm, nhưng cũng là phương cách để Trung Quốc cho thấy sự hiện diện của họ trên trường quốc tế. Người ta cũng thấy là Trung Quốc đầu tư khắp nơi, kể cả vào châu Âu, nhất là tại Hy Lạp, nơi họ đã mua cảng Pirée.
Tóm lại, ngày nay Trung Quốc ngày càng có cung cách hành xử như là một siêu cường khác, và vào lúc siêu cường kia là Mỹ rút ra khỏi các định chế quốc tế, Bắc Kinh đã thể hiện một số lập trường rất được các lãnh đạo phương Tây ưa thích, ví dụ như là họ đã tái khẳng định quan điểm thiết tha với Hiệp Định Khí Hậu Paris, trong lúc ông Tập Cận Bình thì cho thấy rằng ông là một người nhiệt tình ủng hộ toàn cầu hóa.
Theo tôi, ông Tập Cận Bình đã biết lợi dụng thế yếu của các đối thủ của ông để lấn tới, và đó là một điều đáng quan ngại trong tương lai, vì lẽ Trung Quốc là một chế độ hết sức độc tài mà chúng ta cần phải dè chừng.
Tham vọng quốc tế và ý đồ xưng bá trên thế giới mà ông Tập Cận Bình không che giấu nhân Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang diễn ra cũng đã được giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Trung Quốc và Biển Đông tại trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) ghi nhận.
Trả lời phỏng vấn của ban tiếng Việt RFI, giáo sư Long cho rằng từ khi bắt đầu thâu tóm được quyền hành cách nay 5 năm, nhân vật số một của Trung Quốc đã cai trị đúng theo phương châm « Nội loạn, ngoại hoạn », nghĩa là tiêu diệt mầm mống có thể gây ra nội loạn để tránh ngoại hoạn, tức là tránh bị các nước bên ngoài đe doạ hay xâm chiếm.
Ngô Vĩnh LongTrong bài diễn văn dài hơn 3 tiếng đồng hồ, Tập Cận Bình nhấn mạnh là đã đến lúc Trung Quốc chuyển mình thành một thế lực mạnh để dẫn đầu toàn cầu trên các lãnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và môi trường. Họ Tập nói rằng nước Trung Quốc đã trỗi dậy, đã trở thành giàu có và hùng cường. Giờ đây Trung Quốc phải xông vào giữa sân khấu để đóng góp to lớn hơn cho nhân loại.
Lẽ dĩ nhiên là 4 lãnh vực Tập Cận Bình nêu ra có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng tôi cho rằng hai vấn về chính cần lưu ý là vấn đề chính trị và quân sự.
Về mặt chính trị trong nước thì trong 5 năm qua Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực bằng cách đàn áp và thanh trừng nội bộ dưới chiêu bài bài trừ tham nhũng và củng cố an ninh. Vấn đề an ninh, tức là giữ vững chính quyền trung ương, là vấn đề cốt lõi của các triều đại trong lịch sử Trung Quốc chứ không phải mới đây.
Trung Quốc có câu “nội loạn, ngoại hoạn.” Cho nên cần phải triệt tiêu các mầm móng có thể gây ra nội loạn để tránh ngoại hoạn, tức là tránh bị các nước bên ngoài đe doạ hay xâm chiếm. Đối với Tập Cận Bình và đa số người Trung Quốc hiện nay thì nội loạn dưới triều đình nhà Thanh đã khiến cho Trung Quốc bị xâm chiếm, từ thời gọi là Chiến Tranh Nha Phiến năm 1840.
Đối với Tập Cận Bình, để xoá tan nỗi quốc nhục này thì song song với dẹp loạn trong nước Trung Quốc giờ đây phải có đủ sức mạnh quân sự để, theo chữ ông dùng, “thắng mọi cuộc chiến.” Do đó, ngay sau khi lên nắm quyền Tập Cận Bình đã lập tức hiện đại hoá quân đội bằng cách tổ chức lại các vùng quân sự cũng như tăng ngân sách cho quân đội hàng năm. Gần đây, trước thềm đại hội đảng, họ Tập đã cách chức nhiều tướng lãnh và đưa người của mình vào các vị trí chủ chốt để kiểm soát quân đội chặt chẽ hơn.
Về Biển Đông, giáo sư Ngô Vĩnh Long đặc biệt ghi nhận sự kiện ông Tập Cận Bình ca ngợi thành tựu của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, và tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.
Ngô Vĩnh LongTrong những thành tựu to lớn mà Tập Cận Bình kể ra trong bài diễn văn, ông ta có đề cập đến Biển Đông. Liên quan đến vấn đề này là việc ông ta nhấn mạnh vấn đề chủ quyền.
Các nhà bình luận cho rằng ông ta đề cập đến vấn đề chủ quyền là đối với Đài Loan và Hồng Kông. Nhưng tôi nghĩ ông ta gồm Biển Đông vào đó vì ông ta đã nhấn mạnh nhiều lần, kể cả trước mặt nguyên tổng thống Mỹ Obama, rằng Biển Đông là của Trung Quốc từ thời cổ đại, và vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông là “không thể tranh cãi”.
Về tình hình Biển Đông trong thời gian sắp tới đây với việc ông Tập Cận Bình tại vị dài lâu, giáo sư Ngô Vĩnh Long không mấy lạc quan.
Ngô Vĩnh LongTrung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực trên Biển Đông qua đường lối quân sự cũng như qua những đòn bẩy chính trị và kinh tế, ví dụ như mua chuộc một số nước trong khu vực để các nước này ủng hộ những đòi hỏi của Trung Quốc. Người ta đã thấy rõ điều này đối với Kampuchia, Philippines, Lào, và gần đây là Malaysia.
Đối với Việt Nam thì Trung Quốc đã làm áp lực trên nhiều lãnh vực. Do đó, trung tuần tháng Giêng vừa qua tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải sang Trung Quốc gặp Tập Cận Bình để cầu an.
Nhưng đối với Trung Quốc thì “mềm nắn, rắn buông.” Việc này rất rõ vì trong những tháng vừa qua Trung Quốc đã đe doạ Việt Nam nhiều lần, nhưng phía Việt Nam không những đã phải nhường nhịn mà còn chẳng dám ho he. Có lẽ vì Việt Nam hiện nay cảm thấy mình đơn thương độc mã trước Trung Quốc, đặc biệt trong lúc Hoa Kỳ đang bị chi phối bởi chính quyền Donald Trump.
Tóm lại, Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến lược “tằm ăn dâu” đối với Biển Đông nếu Việt Nam không có chính sách rõ ràng và hiệu quả để vận động nhân dân trong nước và sự ủng hộ của thế giới.

Theo hầu hết các nhà quan sát, tình hình Biển Đông tương đối yên ắng vì Trung Quốc không muốn tạo ra xáo trộn, ảnh hưởng không hay đến Đại Hội Đảng Cộng Sản. Tuy nhiên, rất có thể là sau khi Đại Hội kết thúc, với việc quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố thêm, Bắc Kinh sẽ trở lại chính sách hung hăng tại Biển Đông.

Không có nhận xét nào: