Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Tham vọng 'tiến vào trung tâm thế giới' của Trung Quốc; Đại hội đảng 19 - cơ hội để ông Tập thúc đẩy 'giấc mơ Trung Hoa'; 5 điểm nhấn trong bài phát biểu 'mở ra kỷ nguyên mới' của ông Tập

Bài phát biểu của ông Tập tại Đại hội đảng cho thấy Trung Quốc đòi hỏi một vị thế lớn hơn trên trường quốc tế.



tham-vong-tien-vao-trung-tam-the-gioi-cua-trung-quoc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Trong bài phát biểu tại đại hội đảng thứ 19 ngày 18/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng nước này đã bước vào một kỷ nguyên mới của chính sách đối ngoại, tham gia vào "ngoại giao nước lớn với đặc trưng Trung Quốc".
"Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi sự phát triển ảnh hưởng đến lợi ích của người khác, nhưng Trung Quốc cũng sẽ không từ bỏ quyền và lợi ích hợp pháp của mình", ông Tập nói. "Đừng ai nghĩ rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận bất cứ thứ gì làm suy yếu lợi ích của mình".
Các nhà quan sát ngoại giao cho rằng bản báo cáo chính trị này cho thấy Trung Quốc muốn tham gia vào việc đề ra các quy tắc và thông lệ quốc tế, vốn do các cường quốc phương Tây chi phối, theo SCMP.
Steve Tsang, giám đốc của Viện SOAS Trung Quốc ở London, nói rằng những tuyên bố như vậy chỉ ra rằng Trung Quốc dưới thời ông Tập đòi hỏi phần còn lại của thế giới tôn trọng họ.
"Tham vọng của Trung Quốc là thế giới phải cân nhắc quan điểm của họ trong các vấn đề lớn và Bắc Kinh sẽ không chấp nhận các quy tắc được đưa ra bởi nước khác, họ sẽ là một phần của quá trình ra quyết định", ông Tsang nói.
Xue Li, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông Tập muốn chính sách ngoại giao không chỉ tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Trung Quốc mà còn có tác động lâu dài lên thế giới.
"Ông ấy muốn đạt được điều gì đó và sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc sẽ cho ông ấy điều kiện để thực hiện", Xue nói. "Ông ấy lặp đi lặp lại rằng Trung Quốc sẽ duy trì thay vì đảo lộn trật tự quốc tế hiện nay, nhưng với hệ thống hiện giờ, Trung Quốc đòi hỏi một vị thế xứng đáng với sức mạnh và quyền lực của họ".
tham-vong-tien-vao-trung-tam-the-gioi-cua-trung-quoc-1
Tấm áp phích trên đường phố ở Bắc Kinh có hình ông Tập và khẩu hiệu "Giấc mơ Trung Hoa, giấc mơ của nhân dân". Ảnh: AFP.
Trung Quốc đã cố gắng có tiếng nói lớn hơn trong các quy tắc toàn cầu bằng cách thúc đẩy Quỹ Tiền tệ Quốc tế trao nhiều quyền biểu quyết hơn cho các nước đang phát triển trong tổ chức. Nước này cũng sử dụng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng với châu Á và nhiều khu vực khác thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.
"Tập Cận Bình có tầm nhìn về vai trò của Trung Quốc trên trường thế giới tham vọng hơn bất cứ điều gì chúng ta từng thấy. Ông ấy nói về việc Trung Quốc tiến tới trung tâm của thế giới và có nhiều  ảnh hưởng hơn trước đây", Susan Shirk, chuyên gia tại Đại học California, San Diego nhận xét.
Trong khi tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, ông Tập nói rằng Trung Quốc sẽ không đe dọa bất cứ nước nào.
"Dù đến giai đoạn phát triển nào, Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ muốn theo đuổi chủ nghĩa bá quyền", ông nói. Xue cho rằng Trung Quốc tỏ ý muốn hợp tác với các cường quốc và hỗ trợ các nước nhỏ hơn.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc lại khiến các quan chức Mỹ lo ngại. "Dù trỗi dậy cùng Ấn Độ, Trung Quốc đã hành động một cách thiếu trách nhiệm hơn nhiều, có lúc phá vỡ trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế", Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 18/10 phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) về quan hệ Mỹ - Ấn.
Ông Tillerson cho rằng hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông thách thức trực diện luật quốc tế và các quy chuẩn mà Mỹ ủng hộ.
Dù Mỹ muốn có quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, "chúng tôi sẽ không chùn bước trước những thách thức của Trung Quốc với trật tự dựa trên các quy định, khi Trung Quốc phá hoại chủ quyền của các nước láng giềng và gây bất lợi cho Mỹ cùng những người bạn của chúng tôi", ông Tillerson khẳng định.
Phương Vũ


5 điểm nhấn trong bài phát biểu 'mở ra kỷ nguyên mới' của ông Tập

Vị thế của Trung Quốc và tầm nhìn về một xã hội tươi đẹp là những nét chính trong bài phát biểu khai mạc Đại hội đảng của ông Tập.



5-diem-nhan-trong-bai-phat-bieu-mo-ra-ky-nguyen-moi-cua-ong-tap
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18/10. Ảnh: AFP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay khai mạc Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 19 ở Bắc Kinh với bài diễn văn dài 3 giờ 23 phút để tuyên bố về một "kỷ nguyên mới" trong nền chính trị Trung Quốc. Dưới đây là 5 điểm chính đáng chú ý trong bài phát biểu dài gần 30.000 chữ của ông, theo Guardian.
Vị thế Trung Quốc
Ông Tập đã gián tiếp ​​chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump khi lên án chủ nghĩa biệt lập và nhấn mạnh việc hợp tác giữa các quốc gia.
"Không quốc gia nào có thể khép kín trong ốc đảo của họ, chúng ta sống trong một thế giới chia sẻ và đối mặt với một số phận chung", ông nói. Cây bút Benjamin Haas của Guardian cho rằng tuyên bố này của ông Tập ngầm ám chỉ việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris.
Ông Tập cũng vạch ra tương lai lâu dài cho sự phát triển của Trung Quốc trên trường quốc tế. Ông dự đoán rằng đến năm 2050, đất nước sẽ "trở thành một cường quốc hàng đầu". Một phần của kế hoạch đó bao gồm xây dựng lực lượng quân đội "đẳng cấp thế giới".
"Vị thế quốc tế của Trung Quốc đã gia tăng ở mức chưa từng có", ông Tập nói. "Quyền lực mềm của Trung Quốc và ảnh hưởng quốc tế của văn hoá Trung Quốc đã tăng lên rất nhiều".
Ảnh hưởng của đảng
Ông Tập cảnh báo đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nạn tham nhũng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ sao chép hệ thống chính trị của các nước khác. Tuyên bố của ông là một dấu hiệu rõ ràng rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc không quan tâm đến những quan niệm về chế độ dân chủ của phương Tây.
Trong 5 năm qua, ông Tập nổi tiếng là nhà lãnh đạo có phong cách mạnh mẽ. Phong cách này của ông được thể hiện ở tuyên bố rằng đảng có ảnh hưởng đến mọi khía cạnh đời sống ở Trung Quốc, từ luật pháp cho đến đổi mới công nghệ. Bài phát biểu của ông cũng gần như không bỏ sót bất cứ một lĩnh vực nào trong đời sống xã hội Trung Quốc.
Ông cũng nói về đóng góp về mặt lý thuyết của mình cho tư tưởng của đảng khi nhấn mạnh "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước sang thời đại mới". Về cuộc chiến chống tham nhũng, ông nhìn nhận đây là mối đe dọa lớn đối với quyền lực của đảng, cam kết sẽ có những điều luật mới để giải quyết vấn đề này.
Chủ quyền
Ông Tập đã nhận được tràng pháo tay dài nhất với phát biểu cứng rắn liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và quan hệ với các khu vực như Đài Loan, Hong Kong. Theo Guardian, ông Tập chủ yếu nhắm vào Đài Loan, nhưng đây cũng có thể là lời cảnh báo với Hong Kong. 
"Chúng ta sẽ không dung thứ cho bất cứ ai, bằng cách nào, vào thời điểm nào, muốn tách một tấc đất ra khỏi Trung Quốc", ông nhấn mạnh.
Trong bối cảnh giới trẻ ở Đài Loan và Hong Kong ngày càng có nhiều nghi ngờ về chính quyền ở Trung Quốc đại lục, ông Tập tuyên bố sẽ thúc đẩy tuyên truyền ở các khu vực này để "tăng cường đội ngũ người yêu nước".
Kinh tế
Ông Tập cố gắng trấn an nỗi lo về giá nhà tăng cao gây ảnh hưởng đến dân thường ở Trung Quốc, nơi bất động sản là vốn là ngành đầu tư được nhiều người ưa thích.
"Nhà là để ở, không phải để đầu cơ", ông khẳng định. Tuyên bố này của ông được cho là sẽ có tác động mạnh đến thị trường bất động sản Trung Quốc, nơi có nhiều nhà đầu cơ đang tìm cách lũng đoạn thị trường.
Ông cũng cam kết biến Trung Quốc thành "quốc gia của các nhà đổi mới", tập trung vào không gian vũ trụ, không gian mạng, giao thông. Ông hứa sẽ tăng cường khả năng tiếp cận thị trường của các công ty nước ngoài và tăng cường vai trò của thị trường trong hệ thống tài chính và tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên vẫn chưa rõ những điều này sẽ chuyển thành các chính sách cụ thể như thế nào.
Trung Quốc tươi đẹp
Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh mục tiêu đạt được "xã hội khá giả" vào năm 2020 và đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng để biến Trung Quốc thành "quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại hùng mạnh" trong 30 năm tới - một phần của điều mà ông gọi là "giấc mơ Trung Hoa".
Ông nói rằng đến năm 2050, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu xây dựng "Trung Quốc tươi đẹp" dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, có nhiều công ty sáng tạo, môi trường sạch sẽ, tầng lớp trung lưu mở rộng, giao thông công cộng đầy đủ và giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Ông cho rằng đem đến hạnh phúc chính là chìa khóa để thu phục lòng dân. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng đảng sẽ khắc phục vấn đề ô nhiễm không khí, nước và đất đã đeo bám Trung Quốc trong nhiều năm.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cần "đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân về một môi trường sạch đẹp", ông Tập nói. "Người dân Trung Quốc sẽ sung túc và hạnh phúc hơn".
Phương Vũ

Đại hội đảng 19 - cơ hội để ông Tập thúc đẩy 'giấc mơ Trung Hoa'

Đại hội 19 có thể sẽ vạch đường hướng để Trung Quốc đạt được các mục tiêu trong khái niệm "giấc mơ Trung Hoa" do Tập Cận Bình đề xướng. 


dai-hoi-dang-19-co-hoi-de-ong-tap-thuc-dy-giac-mo-trung-hoa
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt tầm quan trọng của Đại hội đảng lần thứ 19 ngang hàng với sự kiện Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 và Đặng Tiểu Bình phát động chính sách cải cách và mở cửa kinh tế vào cuối thập niên 1970.
Điều này nhiều khả năng dẫn đến sự công nhận Chủ tịch Tập Cận Bình là lãnh đạo tối cao thứ ba của Trung Quốc sau Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, tạo điều kiện để Tập tiếp tục thúc đẩy khái niệm "Giấc mơ Trung Hoa" do ông khởi xướng, theo Asia Times.
Giấc mơ Trung Hoa
Tại một cuộc họp báo cung cấp thông tin về đại hội đảng sắp tới, ông Tưởng Kiến Quốc, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nói rằng Đại hội đảng lần thứ 19 "sẽ không chỉ đặt ra nhiệm vụ cho 5 năm tới mà cả hai đến ba thập niên tới". Nói cách khác, Đại hội đảng lần này sẽ đặt ra chương trình nghị sự cho đảng Cộng sản và quốc gia trong một thời gian dài. Con số 20-30 năm này cũng trùng khớp với khung thời gian thực hiện "Giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập.
Năm 2012, khi lên nắm quyền lãnh đạo sau đại hội thứ 18, ông Tập đưa ra khái niệm về "cuộc phục hưng vĩ đại cho dân tộc Trung Hoa". Để thực hiện giấc mơ này, ông Tập đã đặt ra hai mục tiêu là xây dựng Trung Quốc trở thành một xã hội khá thịnh vượng về mọi mặt vào năm 2021 khi đảng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập và đạt mục tiêu phục hưng Trung Hoa vào năm 2049 khi nước này kỷ niệm 100 năm ngày ra đời. Trung Quốc còn 32 năm phía trước để thực hiện các mục tiêu đó.
Giấc mơ Trung Hoa của ông Tập dường như gồm ba giai đoạn: dân tộc Trung Hoa trỗi dậy, giàu có và hùng mạnh. Như ông đã nói trong một bài phát biểu vào cuối tháng 7: "Dân tộc Trung Hoa, đã trải qua những bất hạnh và gian khổ kể từ thời kỳ đương đại, đã có bước nhảy vọt lịch sử để vươn lên thịnh vượng và mạnh mẽ hơn. Quyết tâm đứng lên và trở nên giàu có rồi mạnh mẽ hơn giờ đây trở thành một thách thức mới đối với Trung Quốc. Chúng ta phải chuẩn bị về mặt tinh thần, học thuyết và hệ thống".
Cột mốc thứ ba trong lịch sử
Tại Trung Quốc, người dân thường nói rằng Mao Trạch Đông dẫn dắt dân tộc Trung Hoa đứng lên, Đặng Tiểu Bình đưa dân tộc trở nên giàu có và Tập Cận Bình được trao nhiệm vụ mở đường cho dân tộc trở nên hùng mạnh hơn vào thế kỷ 21.
dai-hoi-dang-19-co-hoi-de-ong-tap-thuc-dy-giac-mo-trung-hoa-1
Mao Trạch Đông (trái) và Đặng Tiểu Bình được xem là hai nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Nếu thực hiện nhiệm vụ này thành công, ông Tập chắc chắn trở thành nhà lãnh đạo làm nên lịch sử sau Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Vì đại hội 19 sẽ tập trung vào các phương sách đưa giai đoạn cuối cùng của "Giấc mơ Trung Hoa" trở thành hiện thực, sự kiện này được ca ngợi như là cột mốc thứ ba trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc và đất nước Trung Quốc.
Nhà bình luận Wu Zhong của Asia Times nhận định không có gì ngạc nhiên nếu đại hội 19 sẽ sửa đổi điều lệ đảng để đưa tư tưởng của ông Tập vào, trở thành ý thức hệ dẫn đường của CPC.
Điều lệ hiện tại của CPC quy định rằng đảng tuân thủ Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Thuyết Ba đại diện (CPC đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc) và Tầm nhìn khoa học về phát triển như là kim chỉ nam cho mọi hành động. Thuyết Ba đại diện được cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân khởi xướng, còn Tầm nhìn khoa học về phát triển do Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập, đề xuất.
Tuy nhiên, tên của hai nhà lãnh đạo này không được nhắc đến trong điều lệ đảng. Wu Zhong cho rằng nếu tư tưởng của ông Tập được viết vào điều lệ đảng như một phần của ý thức hệ dẫn đường với tên của ông Tập cũng được nêu, điều này có nghĩa là ông được xem như là lãnh đạo tối cao sáng ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Thực tế, với quyền kiểm soát chặt chẽ quân đội, chỉ có ông Tập mới được xem là lãnh đạo mạnh như ông Mao và ông Đặng. Ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào không có kinh nghiệm quân sự và phải dựa vào các tướng lĩnh cấp cao, nhiều người trong số đó đã "ngã ngựa" vì bị cáo buộc tham nhũng.
Trên mặt trận kinh tế, vì mục tiêu của CPC là đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hùng mạnh trong hai thập niên tới nên có thể khẳng định chắc chắn rằng CPC sẽ tự đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua cải cách và mở cửa. Điều này được thể hiện rõ trong các phát biểu của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông trong chuyến thăm Mỹ vào cuối tháng 9. Trong chuyến thăm đó, bà đã nói với cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger rằng Trung Quốc sẽ mở cửa nền kinh tế hơn nữa sau Đại hội đảng lần thứ 19.
Có thể đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ hiện tại hoặc nhanh hơn trong những năm sắp tới, dù đại hội lần này có thể không đặt ra các mục tiêu tăng trưởng cụ thể, Wu Zhong đánh giá.
4 tự tin
Thông báo sau cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 31/8 nói rằng"toàn đảng và toàn đất nước phải giữ vững và nâng cao tự tin vào con đường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, tự tin về lý luận, tự tin về hệ thống và tự tin văn hóa".
4 sự tự tin này, do chính ông Tập đúc kết, rõ ràng chứng tỏ rằng Trung Quốc không chấp nhận bị "Tây hóa".
Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew vào năm ngoái cho thấy hơn 80% người Trung Quốc hài lòng về hướng đi của đất nước. 3/4 số người Trung Quốc nhìn nhận nước họ đang đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu so với 10 năm trước đây và 60% đánh giá sự tham gia của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu là tích cực.
Hồi tháng 7, một bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal với nhan đề "Thách thức mới đối với sức mạnh Mỹ: Chủ nghĩa biệt lệ Trung Quốc" có đoạn viết rằng: "Chủ tịch Tập Cận Bình đang giữ vững Trung Quốc với tư cách là cường quốc toàn cầu đầy tự tin, vào thời điểm vai trò lãnh đạo của Mỹ dường như không chắc chắn".
Tuy nhiên, theo Economist, trong thập kỷ tiếp theo, một loạt vấn đề âm ỉ của Trung Quốc sẽ càng hiển hiện rõ hơn và có thể là những chướng ngại cản trở các tham vọng của nước này. Cùng với quá trình tăng trưởng nóng của nền kinh tế, không khí và đất sẽ bị ô nhiễm nhiều hơn. Sự mất cân bằng giới tính, thừa nam thiếu nữ trong dân số cũng thể hiện rõ khi thế hệ sinh ra trong giai đoạn Trung Quốc áp đặt chính sách một con đến tuổi kết hôn. Nước này cũng sẽ phải xử lý các khoản nợ lớn của các chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước.
Tham vọng trở thành cường quốc có vai trò lãnh đạo khu vực của Trung Quốc cũng gặp trở ngại đến từ đồng minh ở Đông Bắc Á. Việc Bắc Kinh chưa kiên quyết kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khiến Mỹ tham gia vào châu Á nhiều hơn, đồng thời khiến cho Nhật Bản và Hàn Quốc tính đến khả năng tự triển khai các biện pháp phòng thủ hạt nhân, điều Trung Quốc cho là ảnh hưởng đến lợi ích của họ.
"Một câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ là liệu những mục tiêu ông Tập đề ra có phải là hướng đi đúng cho nước ông hay không", bài bình luận trên Economist có đoạn.
Hồng Vân

Không có nhận xét nào: