Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Còn độc quyền, chống tham nhũng chỉ là giấc mơ; ĐBQH Công An Nguyễn Chiến: ‘Lò chống tham nhũng’ của Việt Nam chưa cháy...đều; Vì sao khó thu hồi 'tài sản quan tham'?

Người dân cả nước thời gian qua đã chứng kiến những “lời nói thật” của những người làm công tác chống tham nhũng. Qua đó cũng lý giải tại sao, công tác phòng chống tham nhũng được Đảng, nhà nước Việt Nam hô hào, quán triệt, đẩy mạnh như thế lại không hiệu quả nếu không muốn nói là thất bại.

Hình minh họa
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh nói thẳng giữa hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 ngày 8/3 rằng: “Tôi cũng xin lý giải thêm vì Ban Nội chính yêu cầu Công an TP giải trình là tại sao án tham nhũng được phát hiện do trinh sát là ít, tôi đã nói thẳng không phải là ít mà là không có. Lý do là vì Công an thành phố cũng phải chấp hành Chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên”.

Qua những câu nói thật lòng của những người làm công tác chống tham nhũng thì rõ ràng công tác phòng chống tham nhũng bấy lâu chỉ là hô hào, là khẩu hiệu, là hình thức. Có chăng, nó chỉ là công cụ để các nhóm lợi ích đấu đá tranh giành quyền lợi chứ không phải để loại trừ những kẻ hại nước, hại dân.

Chính Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã thừa nhận, “tham nhũng trở thành quốc nạn, là nội xâm, là thách thức, nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ…” Ngay ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng than vãn rằng: “Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có…”. Ngay trước thềm đại hội 12 cụ thể ngày 28/12, tại Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Năm tới, sau Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa, có bước tiến mạnh hơn nữa, hiệu quả rõ ràng hơn”.

Còn các vị lãnh đạo khác nói như thế nào về chống tham nhũng. Xin dẫn chứng vài người.

Cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng từng tuyên bố rằng: “Đảng ta kiên quyết chống tham nhũng đến cùng để làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước”. Nhưng với một tư gia như cung vua phủ chúa, không biết ông lấy tiền đâu để xây dựng nếu không tham nhũng?.

Còn Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nhận chức Thủ tướng Chính phủ vào ngày 27/6/2006 cũng đã hùng hồn tuyên thuệ: “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay”. Nhưng sau hai nhiệm kỳ của ông tham nhũng trở nên trầm trọng hơn, với các vụ tham nhũng lớn như VINASIN, VINALINE, Sông Đà…

Ngay cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ ngày 23/6/2012, cho rằng, “dứt khoát phải tiến hành thành công nhiệm vụ chống tham nhũng. Ðó là mệnh lệnh của nhân dân…”

Không biết những lời nói, lời hứa của các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước chỉ là nói xuông hay chính các vị cũng bất lực trước nạn tham nhũng?

Chống tham nhũng, theo tôi không phải là việc khó, cái khó là có muốn chống hay không, có làm triệt để hay không. Muốn diệt chuột đôi khi phải chấp nhận vỡ bình, cần thiết cũng phải thay máu. Chứ còn thái độ thiếu dứt khoát thì chẳng làm được gì cả, giống như diệt cỏ dại nếu không nhổ tận gốc sẽ mọc lại như nấm sau mưa.

Ai tham nhũng? 

Chỉ có những người có chức có quyền mới có điều kiện tham nhũng, mà những người có chức có quyền điều là đảng viên. Vậy nên nếu chống tham nhũng mà gặp “lệnh bài miễn tử” như cái chỉ thị 15, không cho phép đụng đến đảng viên tham nhũng thì sao chống? chống cái gì nữa?

Chính vì vậy vô hình chung Chỉ thị 15-CT/TW ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị (nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng) lại bảo kê cho tham nhũng?

Từ thực tế xã hội Việt Nam hiện tại, tham nhũng đã là một căn bệnh khó chữa, nó sẽ dẫn đến suy vong đất nước trong tương lai. Với cơ chế độc tài, độc đảng thì việc chống tham nhũng chỉ là giấc mơ xa vời.

(VietFact)


Một đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng vấn đề chống tham nhũng chưa bao giờ “nóng” như giai đoạn hiện nay. Trong buổi thảo luận về dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi hôm 21/11 tại Hà Nội, đại biểu Nguyễn Chiến của Hà Nội được truyền thông trong nước trích lời nói “10 năm qua thi hành luật, giống như xây ‘lò’ nhưng ‘củi to, củi ướt’ chưa cháy được.”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng với phát ngôn nổi tiếng "lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy."
"Vấn đề ai là người nhóm lò cho lửa hồng lên để củi cháy? Người nhóm lò là quan trọng. Đối tượng tham nhũng là ai? Đối tượng tham nhũng không phải là dân lành.

Đinh Đình Phú, nguyên đại tá an ninh và tác giả hồi ký chống tham nhũng "Cuộc chiến thầm lặng"

Phát biểu trong buổi thảo luận đóng góp ý kiến, đại biểu này nói “vậy sửa luật lần này phải gia cố để đảm bảo ‘củi to, củi nhỏ, củi ướt, củi khô’ đều phải cháy,” theo trích dẫn của VietNamNet.

Việc ví von chiến dịch xử lý tham nhũng với chiếc lò đốt củi được bắt đầu từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông phát biểu tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng hồi cuối tháng 7 vừa qua. Câu nói nổi tiếng của ông “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” đã được lan truyền trên truyền thông và mạng xã hội như một lời tuyên bố cho một chiến dịch chống tham nhũng do ông phát động.

Nhận định về hiệu quả của ‘lò xử lý tham nhũng’ này, cựu đại tá an ninh Đinh Đình Phú – một người mạnh mẽ lên tiếng chống tham nhũng ở Hải Phòng – nói điều quan trọng là phải xác định “ai là người nhóm lò.”

"Vấn đề ai là người nhóm lò cho lửa hồng lên để củi cháy?", theo ông Phú. "Người nhóm lò là quan trọng. Đối tượng tham nhũng là ai? Đối tượng tham nhũng không phải là dân lành. (Người) đề ra chính sách và pháp luật cũng không phải dân lành. Ai xử được những người có chức có quyền tham nhũng? Phải là Đảng."

Nhưng ông Phú, người từng đứng ra đại diện nhân dân tố cáo các quan chức thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng, tự ý chia chác đất đai vô nguyên tắc, cho rằng đối tượng “tham nhũng là những người có chức có quyền chứ không phải dân lành.” Ông nhận định cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến trong nội bộ Đảng.

Đặt ra câu hỏi trong buổi hội thảo của Quốc hội hôm 21/11 rằng “phải xác định ai có thể lấy được tiền bạc của Nhà nước?” đại biểu Nguyễn Chiến tự trả lời “Đó là người có chức vụ, quyền hạn, được trực tiếp giao trách nhiệm quản lý tài sản, đó là những chủ thể đặc biệt.”

Để cuộc chiến chống tham nhũng có hiệu quả, theo ông Phú – tác giả hồi ký “Cuộc chiến thầm lặng” – cần phải “kết hợp 3 mũi giác công.” Đó là sự kết hợp của nhân dân, báo chí và đảng viên, theo người từng làm trong ngành an ninh quân đội Việt Nam.

Ông Phú đề xuất luật sửa đổi phải có những điều khoản xử lý những người bao che cho các hành vi tham nhũng đồng thời bảo vệ những người đứng ra chống tham nhũng cũng như khen thưởng cho những người này. "Phải bổ sung vào luật nếu không thì không ổn. Sẽ không ai giám làm, không ai giám chống (tham nhũng) cả."

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, các vụ tham nhũng năm nay gây thiệt hại trên 1.350 tỷ đồng. Số tiền này chưa bằng 1 nửa so với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng mà cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc đã làm thất thoát. Vụ ‘bắt cóc’ ông Thanh của mật vụ Việt Nam, theo cáo buộc của chính phủ Đức, được cho là nằm trong chiến dịch chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Trước đó ông Trọng từng nói sẽ bằng mọi giá mang ông Thanh về Việt Nam để xử lý.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ 27 biểu hiện tự diễn biến tự chuyển hóa trong tham nhũng và theo ông Phú, “cả xã hội biết đối tượng tham nhũng là ai” cho nên chỉ cần pháp luật có nghiêm không thì sẽ giải quyết được vấn nạn này.

(VOA)

Việc thu hồi tài sản quan chức tham nhũng đang làm nóng nghị trường Việt Nam trong lúc một luật sư bình luận với BBC rằng "quan chức thường chuẩn bị từ trước, không bao giờ đứng tên các tài sản giá trị lớn nên về mặt pháp lý thì họ 'vô sản' khi ra tòa.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia bị khai trừ Đảng và bị kết án tử hình
Truyền thông Việt Nam cho hay, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 có nhiều quy định thay đổi với tội phạm tham nhũng. Theo Điều 40, sẽ không thi hành án tử hình đối với những người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng. Hình phạt tử hình khi đó được chuyển thành chung thân.

Báo VnEconomy hôm 21/11 dẫn lời đại biểu Nguyễn Thanh Hồng của tình Bình Dương nói: "Nên áp dụng suy đoán có tội với tài sản bất minh. Tức là nếu tài sản không chứng minh được nguồn gốc, thì có nghĩa là bất minh." Nhưng đại biểu Nguyễn Văn Chiến của Hà Nội cho biết: "Nếu suy đoán có tội để xử lý cả tài sản không xác định được do tham nhũng hay không tham nhũng, chỉ cần không minh bạch, không giải trình được là tịch thu, thì e rằng không phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền tài sản của người dân."

'Chuẩn bị từ trước'

Trả lời BBC hôm 22/11, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói: "Theo tôi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi cần có quy định không nên xem xét đặc xá, ân xá đối với các tội danh liên quan đến tham nhũng. Và cần có những quy định khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội mạnh dạn tố cáo hành vi tham nhũng. Ví dụ như: miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và được hoàn trả lại tiền đưa hối lộ nếu người đưa hối lộ chủ động tố cáo hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn; thưởng gấp đôi số tiền tang vật cho người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng... Nếu luật hóa vấn đề này thì tôi tin chắc người có chức vụ quyền hạn muốn tham nhũng cũng không dám vì khi đó họ không biết sẽ bị người đưa hối lộ tố cáo lúc nào.

Một khi chưa xác định được bản chất của hành vi tham nhũng thì rất khó có thể đưa ra được giải pháp để triệt tiêu tham nhũng.

BBC: Theo luật sư, đối với những vụ thất thoát lớn như của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) thì cơ chế thu hồi sẽ là thế nào?

Luật sư Phùng Thanh Sơn: Trước hết là phải phân biệt nguyên nhân thất thoát. Không phải mọi khoản thất thoát nào cũng có thể thu hồi được. Nếu thất thoát do quản lý yếu kém hay kinh doanh thua lỗ thì chúng ta chỉ có thể xử lý kỷ luật, miễn nhiệm, cách chức những cá nhân liên quan chứ không thể bắt họ bồi thường được. Nếu tiền thất thoát đó là tiền dùng để đưa hối lộ thì chính những người nhận hối lộ phải hoàn trả lại chứ không phải là người đưa hối lội tại PetroVietnam.

Trong trường hợp này, người nhận hối lộ có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Nếu thất thoát xuất phát từ nguyên nhân chủ quan như cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế thì nhà nước sẽ tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội.

Việc thu hồi tiền tham nhũng hiện nay còn khiêm tốn theo tôi do xuất phát từ các nguyên nhân sau:
  1. Cơ quan tiến hành tố tụng không chủ động áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa tài sản, tài khoản của quan chức tham nhũng dẫn đến khi án có hiệu lực pháp luật thì quan chức "không còn tài sản" để thi hành án
  2. Các quan chức tham nhũng thường đã chuẩn bị từ trước. Họ không bao giờ đứng tên các tài sản giá trị lớn. Họ thường để người thân trong gia đình đứng tên. Do đó, mặc dù bản án tuyên buộc quan chức tham nhũng phải bồi thường nhưng về mặt pháp lý thì họ "vô sản" nên cơ quan thi hành án cũng không thể làm gì được
  3. Tòa án không mạnh dạn tuyên tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của quan chức tham nhũng
Do đó, theo tôi, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng khắc phục được các nguyên nhân nói trên trong quá trình giải quyết vụ án thì việc thu hồi tiền thất thoát tại PetroVietnam sẽ hiệu quả hơn.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được truyền thông ghi nhận có những phi vụ 'gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng'
BBC: Ông nghĩ gì về ý kiến của một đại biểu Quốc hội nói một khi quan chức không giải trình được tài sản tức là tài sản đó có được do tham nhũng?

Luật sư Phùng Thanh Sơn: Dù đứng ở góc độ của người dân thì tôi cũng rất muốn đề xuất này được ghi nhận trong việc sửa Luật Phòng chống tham nhũng lần này. Tuy nhiên, dưới góc độ của một luật sư, tôi không đồng tình lắm.

Nếu xét về nguồn gốc hình thành một tài sản thì nó chỉ có xuất phát từ hai khả năng: hoặc là hợp pháp hoặc là bất hợp pháp. Trong khi đó, biểu hiện của hành vi bất hợp pháp thì trên thực tế có rất nhiều như trộm cắp, lừa đảo, chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật.... chứ không đơn thuần đến từ hành vi tham nhũng. Do đó, chỉ nên quy định người có chức vụ quyền phạn có nghĩa vụ kê khai tất cả tài sản mà mình đang sở hữu, quản lý, sử dụng và chứng minh tính hợp pháp của tài sản đó. Nếu những tài sản nào không được kê khai hoặc không chứng minh được tính hợp pháp của nó thì được xem là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu sung công quỹ.

BBC: Luật Phòng chống tham nhũng có những lỗ hổng hoặc khoảng mờ nào và khi sửa thì cần chú trọng vào điều khoản nào để có hiệu quả?

Luật sư Phùng Thanh Sơn: Dự luật chỉ mới định nghĩa một cách đơn giản tại Khoản 2 Điều 1 "Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi" và liệt kê 12 hành vi tham nhũng tại Điều 3 mà chưa nêu lên được bản chất của hành vi tham nhũng. Một khi chưa xác định được bản chất của hành vi tham nhũng thì rất khó có thể đưa ra được giải pháp để triệt tiêu tham nhũng.

Theo tôi, tham nhũng là hành vi có chủ đích của người có chức vụ, quyền hạn để cung cấp một số lợi thế không phù hợp với nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn và quyền lợi của người khác; sử dụng vị thế của người có chức vụ quyền hạn để thu lợi cho cá nhân hoặc người khác mà việc làm đó trái với quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Điều kiện cần và đủ để một hành vi tham nhũng xảy ra là: (I) Phải có người có chức vụ quyền hạn; và (II) Hành vi cố ý; và (III) Mục đích vụ lợi; và (IV) Hành vi đó không phù hợp với nhiệm vụ, trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn hoặc trái với quyền và lợi ích chính đáng của người khác.

Do đó, để triệt được tham nhũng trong điều kiện hiện nay thì phải có cơ chế để người có chức vụ không thể vụ lợi. Muốn làm được điều này thì dự luật cần quy định rõ người có chức vụ quyền hạn và những người thân trong gia đình (cha mẹ, vợ chồng, con cái): (i) có nghĩa vụ phải công khai minh bạch tài sản và giải trình về nguồn gốc của tài sản.

Những tài sản nào không được công khai hoặc không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì được xem là tài sản bất hợp pháp và bị sung công quỹ; (ii) giới hạn lượng tiền mặt người có chức vụ quyền hạn được phép cất giữ vào một thời điểm, tùy khu vực sẽ có mức giới hạn khác nhau và chỉ đủ mức để giải quyết nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Nếu tại một thời điểm mà lượng tiền mặt vượt quá mức cho phép thì xem như tiền bất hợp pháp và bị tịch thu; (iii) Mỗi người chỉ có một tài khoản ngân hàng. Mọi giao dịch đều phải thông qua tài khoản này (trừ các giao dịch giá trị nhỏ và phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày thì đươc phép giao dịch bằng tiền mặt). Những giao dịch vi phạm đều bị xem là bất hợp pháp và số tiền giao dịch sẽ bị tịch thu sung công.

(BBC)


Nghiệp vụ công an Việt Nam qua vụ Trịnh Xuân Thanh

Linh Quang (Tổng hợp)
22-1-2017
Sau gần 4 tháng giam giữ công an vẫn chưa điều tra ra ai đã giúp Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài và vẫn chưa thu hồi được tài sản tham nhũng
Trong khi những tác hại do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ra ngày càng nghiêm trọng, từ khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt cho đến nguy cơ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có thể bị phá vỡ, thì những kết quả mong đợi đạt được nhờ vào việc bắt giữ Trinh Xuân Thanh ngày càng xa vời.
Mới đây, sáng 18.11.2017 tại Quốc hội, chất vấn về công tác xét xử các vụ án tham nhũng lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga nêu ra 4 hạn chế lớn, đặc biệt trong đó là 2 vấn đề:
– Thứ nhất, có những trường hợp đối tượng tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài ngay tại thời điểm chưa khởi tố như Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy.
– Thứ hai là về việc thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng. Tỷ lệ tài sản thu hồi rất là thấp.
Việc này xuất phát từ những nguyên nhân gì và giải pháp ra sao?”- Bà Lê Thị Nga đặt vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 18.11.2017. Ảnh: internet
Được yêu cầu trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải thích, Luật Tố tụng hình sự quy định chỉ được áp dụng các biện pháp ngăn chặn với các bị can, bị cáo. Thời gian qua, một số đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra đưa ra quyết định khởi tố bị can nên không được áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Sau khi có một số đối tượng bỏ trốn, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung truy bắt bằng được các đối tượng phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay cho đối tượng bỏ trốn sẽ kiên quyết xử lý”- Ông Tô Lâm khẳng định trước Quốc hội.
Tranh luận thêm về phần trả lời này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, vừa qua có nghịch lý những người chưa bị ngăn chặn xuất nhập cảnh đi trót lọt, sau đó mới biết họ có tội. Nhưng có những trường hợp doanh nhân bị cấm xuất nhập cảnh 1 năm mà không có tội danh gì. Có doanh nhân nước ngoài cũng bị cấm xuất cảnh 2 năm, về nước đi bầu cử cũng không được, trong khi không có tội danh.
Hành xử không khéo người có tội lại lọt, người không có tội bị ngăn lại”, ông Nghĩa nêu.
Được biết trước đây, khi phát hiện Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đã có phân tích rất đáng chú ý, trích nguyên văn:
Tại khoản 1, Điều 21 nghị định 136/2007 của Chính phủ quy định về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam đã nêu rõ: Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc “có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
Có thể thấy từ chỉ đạo của Tổng Bí thư và kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ, kết luận của Thanh tra Chính phủ thì ông Thanh là người đang ‘có liên quan đến công tác điều tra tội phạm’. Tại sao trong bối cảnh như vậy ông Thanh lại ‘mất tích’ cách khó hiểu như vậy?
Để xảy ra việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn trong bối cảnh sắp bị khởi tố, bắt tạm giam, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, phải chăng có sự tiếp tay cho Trịnh Xuân Thanh?
Một trong những mục đích “phải bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh” là để điều tra ra “nhân vật cấp cao nào đứng đằng sau đã giúp Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài”.
Với câu trả lời nêu trên “Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay cho đối tượng bỏ trốn sẽ kiên quyết xử lý” của ông Tô Lâm trước Quốc hội đã chứng tỏ rằng, sau gần 4 tháng bắt cóc và áp tải Trịnh Xuân Thanh về nước công an vẫn chưa phát hiện được ai đã giúp ông tẩu thoát.
Nói cách khác, hoặc là các chuyên viên thẩm cung của Bộ trưởng Công an Tô Lâm vẫn chưa thành công ép được Trịnh Xuân Thanh khai ra bí mật này; hoặc là Trịnh Xuân Thanh đã khai ra, nhưng cuối cùng không thể “đưa vào lò đốt” xử lý được nhân vật cấp cao bí ẩn này.
Thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp
Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 18.11 vừa qua, Bộ trưởng Tô Lâm cũng thú nhận, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn thấp. Năm 2017 tài sản thu hồi chiếm 29% về số lượng tiền, 50% về đất đai tài sản. Nguyên nhân cơ bản là vụ án tham nhũng thường do nhiều đối tượng có tổ chức thực hiện trong thời gian khá lâu mới bị phát hiện.
Một số vụ án tham nhũng thường được phát hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong một thời gian dài, đối tượng biết trước hành vi phạm tội bị xử lý nên tìm cách tẩu tán tài sản. Một số tài sản chuyển trái phép ra nước ngoài, quá trình thu hồi cũng cần có sự phối hợp với các nước, nhưng chênh lệch về pháp lý nên còn khó khăn.
Kể từ khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt đem về nước cho đến nay, không có tin tức nào cho thấy một tài sản nào của Trịnh Xuân Thanh đã bị thu hồi, kể cả biệt thự 3 tầng trị giá 30 tỷ đồng ở khu đô thị nhà giàu Ciputra, Tây Hồ- Hà Nội, nơi Trịnh Xuân Thanh ở trước khi bỏ trốn ra nước ngoài, và căn biệt thự trị giá vài triệu USD ngự ở đỉnh Tam Đảo. Đó chỉ là vài trong số những tài sản “nổi” của ông Thanh, dĩ nhiên là ông không đứng tên trên giấy tờ những bất động sản này.

Không có nhận xét nào: