Một thử thách lớn đang chờ Tổng thống Philippines ở dạ yến ASEAN
Thi Anh |
0
Đây sẽ là lần đầu tiên ông Duterte tiếp xúc với Tổng thống Mỹ ở cự ly gần.
Hai nhân vật quyền lực mà Tổng thống Philippines từng buông lời "xúc phạm" trong vài tháng qua - Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon - sẽ ngồi cạnh ông Duterte trong buổi dạ yến vào tối nay, 7/9.
Rappler dẫn nguồn thông cáo từ Văn phòng Tổng thống Philippines cho hay:
"Tổng thống Duterte và Tổng thống Obama sẽ ngồi cạnh nhau. Nhiều khả năng các máy quay đều sẽ tập trung ghi hình họ khi 2 người chạm mặt. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng sẽ ngồi cạnh ông Duterte, ở phía bên kia".
Do Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith chủ trì, buổi dạ yến sẽ diễn ra từ 8-10 giờ tối, theo giờ địa phương.
Trả lời phóng viên về những việc có thể xảy ra giữa 2 nhà lãnh đạo, Thư ký Truyền thông của Tổng thống Philippines, Martin Andanar nhận định: "Chuyện này rất khó đoán nhưng chắc chắn họ sẽ cùng nhau dùng bữa".
Trong khi đó, Phát ngôn viên Tổng thống Ernesto Abella lại đánh giá: "Trong một cuộc gặp như thế này, luôn có cơ hội để thể hiện sự nồng ấm và lịch sự".
Như vậy, buổi dạ yến tối nay sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Philippines tiếp xúc với Tổng thống Mỹ và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ở phạm vi gần.
Trước đó, ông Duterte đã có những phát ngôn "gay gắt" về Tổng thống Obama sau khi biết phía Mỹ muốn đưa cuộc chiến chống ma túy đẫm máu ra bàn thảo trong cuộc gặp song phương giữa 2 bên.
Thậm chí, ông Duterte còn dùng những từ khiếm nhã như "đồ chó đẻ".
Mặc dù, Tổng thống Philippines đã ra thông cáo xin lỗi Tổng thống Obama, nhưng Nhà Trắng vẫn quyết định hủy bỏ cuộc gặp song phương giữa 2 bên.
Tổng thống Philippines cũng từng làm Tổng thư ký LHQ mất mặt khi thẳng thừng từ chối gặp ông Ban Ki-moon với lý do rằng ông "không có thời gian". Trước đó, ông Duterte còn gọi LHQ là "ngu ngốc" khi muốn can thiệp vào cuộc chiến chống ma túy của nước này.
Một tập đoàn ở Việt Nam lên kế hoạch tiến hành xây dựng một khu liên hợp luyện cán thép có công suất 16 triệu tấn/năm với tổng giá trị đầu tư lên tới 10 tỷ USD ở duyên hải Nam Trung Bộ của nước này, trong khi có ý kiến chuyên gia đặt dấu hỏi về tính khả thi.
Hôm 06/9/2016, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của Việt Nam, ông Lê Phước Vũ, được truyền thông Việt Nam dẫn lời cho hay tập đoàn này sẽ tiến hành một dự án công nghiệp với quy mô lớn về sản xuất thép ở Cà Ná, thuộc tỉnh Ninh Thuận mà trong giai đoạn đầu "sẽ không trực tiếp luyện cốc mà sẽ nhập cốc để đảm bảo các vấn đề về môi trường".
Về công nghệ, nhà lãnh đạo HGS nói khu liên hợp Cà Ná sẽ 'không sử dụng công nghệ luyện cốc thu hồi hóa chất như Formosa mà sẽ tiến hành thu hồi nhiệt để phát điện," Dân Việt online hôm thứ Ba dẫn lời ông Lê Phước Vũ, cho hay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia công nghệ đúc và luyện kim của Việt Nam đã lên tiếng và đặt dấu hỏi về một số yếu tố khả thi của dự án.
"Có nhiều vấn đề người ta quan tâm về việc thép đang dư thừa và phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc. Mặt khác, vấn đề đáng quan tâm nữa là về môi trường sau câu chuyện của Formosa, trong khi dự án được xây dựng ven biển và bên cạnh khu du lịch," ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam đượctruyền thông Việt Nam dẫn lời nêu quan điểm.
"Hoa Sen có hứa sẽ sử dụng công nghệ mới, mới như thế nào, ai duyệt cái mới đó. Có đúng mới không vì Hoa Sen không thể có chuyên môn như chúng tôi được. Thậm chí, chuyên gia trong nước có đủ đánh giá tác động môi trường khi một nhà máy lớn vào đầu tư tại ven biển hay không? Có phải thuê tư vấn nước ngoài không? Dự án có đặc thù về môi trường nên tôi đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ xem xét thận trọng."
Bình luận về việc dự án có thể sẽ được chính quyền địa phương mà trong trường hợp này là Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đảm bảo hỗ trợ cung cấp lượng nước phục vụ sản xuất lên tới 2.500-3.000 mét khối/ngày đêm ở một vùng được cho là thường xuyên gặp hạn hán nặng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam được dẫn lời nói thêm:
"Tôi đã hỏi trực tiếp ông Chủ tịch Hoa Sen vấn đề này rằng: “Vùng đó hạn hán khủng khiếp, nhìn con cừu người gầy xác xơ đi ăn cỏ khô như trên sa mạc, lấy nước ở đâu để sản xuất thép”? Ông Chủ tịch Hoa Sen nói sẽ lấy nước biển để sản xuất. Tuy nhiên, nước biển là nước muối phải lọc như thế nào, xét về “bài toán” kinh tế có hiệu quả hay không thì phải trình ra. Còn UBND tỉnh Ninh Thuận hứa như vậy có khả thi không thì Nhà nước phải xem xét. Bởi vùng Ninh Thuận rất khô hạn, đào bao nhiêu giếng lên cũng khô cạn không đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp thì lấy đâu ra nước. Mặt khác, nước mà có muối thì không thể dùng cho công nghệ được, vẫn phải có nước ngọt để tuần hoàn nước biển thì lấy đâu ra nước ngọt.
"Hiện nay, công nghệ nước biển là dấu hỏi lớn cho nhà khoa học. Anh có thể làm được nhưng giá thành như thế nào và thực tế trên thế giới hiện nay chưa có một nước nào lọc nước biển để sản xuất luyện kim. Cái này đúng là khoa học viễn tưởng cho một khu công nghiệp và bài toán kinh tế lọc nước biển để làm luyện kim thì rất không khả thi," ông Phạm Chí Cường được Dân Việt trích lời nói.
Lấy quặng ở đâu?
Hôm 07/9, cũng bình luận về tính khả thi của dự án Hoa Sen - Cà Ná nói trên, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Viết Ngư, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học - Kỹ thuật Đúc luyện kim Việt Nam, nói với BBC:
"Bây giờ cơ bản sản xuất sắt thép thì phải có quặng, mà quặng lấy ở đâu? Quặng lấy của Việt Nam hay là lấy của nước ngoài? Và nếu lấy của nước ngoài là lấy của nước nào, mua của nước nào và đắt rẻ ra sao? Có giải quyết được không?
"Nếu không, không có quặng làm sao sản xuất được? Mà quặng theo tôi hiện nay có mỏ quặng ở Hà Tĩnh tương đối là lớn đối với Việt Nam, nhưng mỏ ấy khai thác được không dễ dàng, rất khó khăn.
"Cho nên có thể phải nhập khẩu và nhập của nước nào, nhập của ai và tỷ lệ nhập ra sao với giả cả nào? Nếu không, chúng ta (Việt Nam) cứ làm phương án mà không có một nguyên liệu cụ thể nào đấy thì khó.
"Bây giờ anh nói là làm cốc, nhưng cốc chỉ là nhiên liệu thôi, nên bây giờ muốn lấy nhiên liệu thì nhiên liệu lấy ở đâu? Hiện tại Việt Nam không có nhiều quặng sắt, chỉ có một ít ở Hà Tĩnh, còn những nơi khác rất khó khăn.
"Ngay cả Formosa ở Hà Tĩnh, công suất là 5 triệu tấn/năm cũng không hiểu là họ lấy quặng ở đâu hay quặng khai thác ở đâu?
"Có thể Formosa nhập ở nước ngoài, quặng là yếu tố chủ yếu, nếu bây giờ không có quặng thì sản xuất thế nào và nhập có hợp lý hay không, rồi theo phương pháp nào?" Giáo sư Phùng Viết Ngư đặt các câu hỏi về siêu dự án Hoa Sen - Cà Ná với BBC.
Hôm thứ Ba, kỹ sư Phạm Chí Cường cũng bình luận với truyền thông Việt Nam về mặt thời điểm của dự án của Tập đoàn Hoa Sen:
"Đúng là ở thời điểm này thì tôi rất băn khoăn vì tất cả hiện nay đều dư thừa. Theo tổng kết của Hiệp hội Thép hiện trong nước mới sản xuất 60% công suất, giờ đầu tư thêm của HSG là tới 2030 nhưng đến thời điểm đó đã dùng hết những cái đang có chưa? Hiện nay, Việt Nam có nhiều loại thép như thép xây dựng có công suất trên 10 triệu tấn; thép cán nguội trên 3 triệu tấn; thép tôn tráng kẽm 4 triệu tấn; thép ống 2 triệu tấn…tất cả khoảng 20 triệu tấn nhưng nếu Formosa vào hoạt động là có thêm hơn 20 triệu tấn nữa, tức là gấp đôi sản lượng hiện có. Chưa kể Nghi Sơn đang tiếp tục đầu tư khu liên hợp khoảng 7 triệu tấn nữa….
"Tôi nghĩ rằng, các Bộ chủ quản phải có quy hoạch tổng thể, quản lý giám sát chặt chẽ các dự án sản xuất thép," nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói với truyền thông Việt Nam.
Thông tin ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang xin ra khỏi Đảng gây chú ý đặc biệt cho dư luận, nhất là khi ông Thanh đang bị xem xét trách nhiệm liên quan tới việc thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh viết đơn xin ra khỏi Đảng trong lúc này là không phải đơn giản, khi các cơ quan chức năng đang tiến hành xem xét trách nhiệm đối với ông. Nếu kết luận ông Thanh có sai phạm nghiêm trọng, về mặt Đảng ông có thể bị khai trừ, chứ không phải cứ viết đơn tự nguyện xin ra là được. Có thể nói, việc ông Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi Đảng lúc này chẳng khác gì trốn tránh trách nhiệm.
"Có thể khi tiếp nhận đơn của ông Thanh, tổ chức Đảng sẽ trả lời trường hợp của ông đang trong quá trình xem xét nên đơn xin ra khỏi Đảng cũng sẽ xem xét sau. Hiện giờ những việc liên quan đến ông Thanh đã lùm xùm, các cơ quan chức năng đang xem xét trách nhiệm mà ông ấy lại xin ra khỏi Đảng khác gì trốn tránh trách nhiệm" - ông Khiển nói.
Trong khi đó, theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng: Việc ông Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi Đảng lúc này có thể vẫn sẽ được tổ chức xem xét. Theo điều lệ Đảng, nếu đảng viên không muốn ở trong Đảng nữa thì họ làm đơn xin ra khỏi Đảng để được xem xét.
"Việc ông Thanh viết đơn xin ra khỏi Đảng cũng đúng điều lệ Đảng. Còn quyết định cho ông Thanh ra khỏi Đảng hay không là thuộc quyền của tổ chức Đảng, trước hết là từ Chi bộ nơi ông Thanh đang sinh hoạt. Ông Thanh là Tỉnh ủy viên, cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý nên bước tiếp theo là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang quyết định, nếu cần thì xin ý kiến của Ban Bí thư" - ông Hùng giải thích.
Ông Hùng cho biết thêm, đối với trường hợp một người là cán bộ, Đảng viên, nếu vi phạm pháp luật đến mức bị khởi tố điều tra thì người đó sẽ bị tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng. Khi người đó bị Tòa án kết tội, bản án có hiệu lực pháp luật thì người đó sẽ bị khai trừ khỏi Đảng.
Vẫn theo ông Hùng, khi ông Trịnh Xuân Thanh nộp đơn xin ra khỏi Đảng, có ý kiến nhận định đó là sự chạy trốn trách nhiệm, để sau này trong trường hợp cơ quan chức năng kết luận ông Thanh có sai phạm nghiêm trọng thì sẽ không bị khai trừ ra khỏi Đảng. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân ông Hùng, cũng có thể đánh giá điều đó xuất phát từ lòng tự trọng của cá nhân ông Thanh, khi ông thấy mình không còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Trước đó, trả lời trên một tờ báo, ông Trịnh Xuân Thanh cho biết, giữa tháng 7.2016 ông đã ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang xin ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 do bản thân không còn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh nữa, nên giữ chức vụ Tỉnh ủy viên là không cần thiết”. Đến ngày 29.8 ông cũng đã ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang xin ra khỏi Đảng.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho biết đến nay nhận được bất cứ thông tin gì liên quan đến việc ông Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi Đảng.
Liên quan đến sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, ngày 11.7.2016, Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng đã có kết luận bước đầu. Sau kết luận này ông Thanh đã bị Hội đồng bầu cử quốc gia bác tư cách đại biểu Quốc hội (ông Thanh được giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội ở Hậu Giang), tiếp đến ông Thanh xin không tái cử Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng, Tổng Bí thư đã yêu cầu vụ việc cần tiếp tục được làm rõ. Trong 4 nội dung công việc được Tổng Bí thư yêu cầu làm rõ, có nội dung đáng chú lý là: Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TƯ chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành công an điều tra làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013) ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo)...
Trong chuyến viếng thăm chính thức lần này, tổng thống Pháp François Hollande đã đề nghị chính quyền Việt Nam trả tự do cho bốn nhà hoạt động nhân quyền. Hãng tin AFP hôm nay 07/09/2016 dẫn nguồn tin thân cận với điện Elysée cho biết như trên.
Tổng thống Pháp François Hollande gặp chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, trụ sở Quốc Hội, 06/09/2016. REUTERS/Minh Hoang
Nguồn tin này nói rằng đó là một nhà ly khai Công Giáo, một sáng lập viên một đảng chính trị trong đất nước độc đảng, một nhà đấu tranh chống trưng thu đất đai và một blogger. Cả bốn người này đều bị lãnh những bản án nhiều năm tù, nhưng nguồn tin không muốn tiết lộ danh tính.
Theo yêu cầu của tổng thống François Hollande, danh sách đã được quốc vụ khanh phụ trách Phát triển và Pháp ngữ, ông André Vallini, trao cho thứ trưởng Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn.
Trước chuyến thăm Việt Nam, ba tổ chức phi chính phủ trong đó có Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) đã gởi thư ngỏ đến tổng thống Pháp, đòi hỏi « dành quan tâm lớn nhất cho các vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng » tại Việt Nam, kêu gọi ông Hollande « nêu ra vấn đề này ». Còn bà Camille Blanc, chủ tịch Amnesty International France tuyên bố : « Nhân quyền không thể bị hy sinh cho các hợp đồng thương mại và khiến vấn đề an ninh bị khỏa lấp ».
Về mặt công khai, tổng thống Pháp cũng đã nói vài điều về nhân quyền trong chuyến viếng thăm, cho biết ông « rất quan tâm đến Nhà nước pháp quyền ».
Tổng thống Pháp Francois Hollande trong chuyến thăm chính thức đã yêu cầu Việt Nam trả tự do cho bốn nhân vật bất đồng chính kiến.
Hãng tin AFP dẫn nguồn quan chức Pháp đi tháp tùng nói ông Hollande đã ủy nhiệm cho các thành viên trong đoàn của mình chuyển danh sách bốn người nói trên lãnh đạo nước chủ nhà.
Tuy nhiên trên các phương tiện truyền thông, ông tổng thống chỉ ca ngợi quan hệ kinh tế giữa hai bên mà không đả động tới lĩnh vực nhân quyền, bị cho là còn tồn tại khác biệt giữa hai bên này.
Các nhân vật đấu tranh dân chủ mà tổng thống Pháp mong muốn Việt Nam trả tự do bao gồm một nhà hoạt động theo Công giáo, một blogger, một người vận động quyền đất đai và một nhà đấu tranh để thành lập phong trào đối lập, theo AFP.
Nguồn tin của hãng Pháp không đưa chi tiết tên tuổi các vị này nhưng được biết hai trong số đó là doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và blogger Nguyễn Hữu Vinh, hay Anh Ba Sàm.
Ông Thức đang thi hành án tù 16 năm tội lật đổ, trong khi ông Vinh chịu án 5 năm vì tuyên truyền chống nhà nước.
Trong chuyến thăm hai ngày của ông Hollande, Pháp và Việt Nam vừa ký kết một số hợp đồng làm ăn, trong đó có hợp đồng cung cấp 40 máy bay Airbus cho ba hãng bay của Việt Nam với tổng trị giá 6,5 tỷ đôla.
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 6/9 kêu gọi ông Hollande không vì kinh tế mà quên đi lĩnh vực nhân quyền.
Tổ chức này ra thông cáo viết: "Không thể hy sinh nhân quyền cho các hợp đồng thương mại và an ninh. Tổng thống Hollande cần dùng chuyến thăm của mình để kêu gọi nhà chức trách Việt Nam thực hiện các bổn phận về nhân quyền của mình theo đúng luật pháp quốc tế".
Pháp là một trong các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu và là nước cấp viện cho Việt Nam đứng thứ hai chỉ sau Nhật Bản.
Các nhà khoa họa Australia vừa khám phá ra rằng Trái Đất hiện đang trong giai đoạn hoạt động đứt gãy địa tầng có chu kỳ, theo đó lẽ ra đã xảy ra rất nhiều trận động đất mạnh hơn 6 độ richter gây thiệt hại nghiêm trọng, nhưng vì “nguyên nhân không rõ” mà chúng đã được trì hoãn.
Nhiều trận động đất mạnh có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đã được trì hoãn.
Theo trang tin Australia, tiến sĩ Behzad Fatahi – nhà địa lý học của trường Đại học Kỹ thuật Sydney (UTS) dựa trên những tư liệu lịch sử về mức độ phá hoại bởi các trận động đất cho biết, bất kỳ ai cũng không thể tránh khỏi tai nạn thảm khốc này.
Tại Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, rất nhiều trận động đất trên 6 độ richter có thể đã phát sinh từ lâu, nhưng không biết vì lý do gì chúng đã được trì hoãn.
Tiến sĩ Fatahi cho hay, các chuyên gia địa chất học và chuyên gia động đất từ lâu đã quan trắc được sự đứt gãy địa chất vẫn âm ỉ diễn ra, nhưng đến nay chưa bùng phát và tạo thành các trận động đất mạnh hoặc siêu động đất. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến điều này.
“Tầng đứt gãy đã rất lâu không phóng thích năng lượng (xảy ra động đất). Ít nhất có 5 đến 10 trận động đất mạnh vốn dĩ đã xảy ra nhưng lại được trì hoãn“, Tiến sĩ Fatahi nói.
Động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và nhất định sẽ xảy ra. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Vấn đề hiện nay không phải là động đất có thể xảy ra hay không, mà là sẽ xảy ra khi nào“.
Phó giáo sư Julian Lozos – chuyên gia vật lý học của trường đại học California ở Mỹ cũng khẳng định, trước mắt vẫn không có cách nào dự đoán được tai nạn này sẽ xảy ra khi nào.
Tuy nhiên, nhà địa lý học Fatahi nhận định, một khi những tầng đứt gãy đó phóng thích năng lượng, dẫn đến động đất, sẽ gây ra hậu quả không thể tưởng tượng được.
Ông đưa ra ví dụ về trận động đất 7,8 độ richter ở Nepal vào tháng 4/2015 đã khiến ít nhất 8.000 người tử vong.
Hàng ngàn người đã thiệt mạng trọng trận động đất kinh hoàng ở Nepal năm 2015.
Trong tháng 3 vừa qua, chuyên gia Lozos đã chỉ ra trong nghiên cứu của ông rằng, tại những khu vực dọc theo đường đứt gãy San Jacinto ở California nhiều khả năng cũng xảy ra động đất.
Một khi xảy ra, những thành phố đông dân như Los Angeles sẽ không may mắn thoát nạn, có lẽ hàng triệu người sẽ mất đi mạng sống hoặc nhà cửa, mức độ thiệt hại được quyết định bởi hoạt động của các tầng đứt đoạn San Andreas.
(GDVN) - Theo Bộ Công Thương, dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná” của Tập đoàn Hoa Sen sẽ trải qua nhiều bước sau đó trình Thủ tướng quyết định.
Liên quan đến Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” với công suất 16 triệu tấn/năm do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư, trả lời báo chí ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, theo Luật Đầu tư mà Quốc hội ban hành năm 2014 dự án này sẽ trải qua nhiều bước.
Cụ thể theo Điều 32, với các dự án trên 5.000 tỷ đồng sẽ trải qua nhiều bước, trong đó đầu tiên là phải có quy hoạch, trên cơ sở có quy hoạch chủ đầu tư mới lập dự án trình Bộ Kế hoạch đầu tư phối hợp với các bộ, ban ngành thẩm định về khả năng thực hiện từng giai đoạn của dự án.
Sau đó trình Chính phủ để ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Phối cảnh dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.
"Khi Chính phủ ra quyết định đầu tư, lúc đó các bộ ngành mới tiến hành các bước tiếp theo như: Đánh giá tác động môi trường, sau đó lập thiết kế cơ sở và dự án đầu tư", ông Hoài cho hay.
Cũng theo ông Hoài, ở giai đoạn lập thiết kế cơ sở và dự án đầu tư đối với Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná-Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen cũng khác với giai đoạn mà Formosa thực hiện đầu tư.
Cụ thể, thay vì chỉ góp ý thiết kế cơ sở thì theo quy định mới, với các dự án lớn, các bộ chủ quản sẽ trực tiếp thẩm định thiết kế cơ sở và yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ việc thẩm định đó.
Điều này nhằm khắc phục tình trạng trước đây các bộ chủ quản chỉ dừng ở mức góp ý thiết kế cơ sở còn việc chủ đầu tư tự điều chỉnh và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thì các bộ ngành lại khó kiểm soát được.
Theo ông Trương Thanh Hoài, hiện Bộ Công Thương đã bổ sung quy hoạch Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận.
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Tuy nhiên, về nguyên tắc, việc quy hoạch chỉ mang tính chất định hướng, dự kiến kế hoạch đầu tư của tập đoàn Tôn Hoa Sen rất dài (phân kỳ đầu tư kéo dài 15 năm), nên việc quy mô lớn hay bé của dự án sẽ phải xem xét trong từng giai đoạn khác nhau.
Trước đó, ngày 25/8/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3516/QĐ-BCT về việc bổ sung Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025.
Quyết định nêu rõ bổ sung Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận công suất 16 triệu tấn/năm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025.
Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến vào dự án này khoảng hơn 10 tỷ USD.
Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của Dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019.
Ngay sau khi dự án nhà máy thép Cà Ná – Ninh Thuận được công bố nhiều ý kiến lo ngại khả năng thành công của dự án cũng như những tác động về môi trường.
Theo đó trên thế giới, ngành thép đang dư thừa công suất, đáng chú ý là khu vực châu Á với sự khủng hoảng thừa công suất của Trung Quốc. Do đó các nước của khu vực này, nhất là các nước Đông Nam Á như Việt Nam, không nên tính đến chuyện đầu tư vào ngành thép nữa.
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cả nhà đầu tư và Chính phủ cần xem xét kỹ khả năng thành công cũng như sự cần thiết của dự án thép này.
Theo bà Lan, hiện nay một số nước đầu tư cho ngành thép thường tập trung phát triển những sản phẩm cao cấp, không thuộc những dòng sản phẩm đang dư thừa công suất mà Trung Quốc đưa ra thị trường.
Ngoài ra, bà Lan cũng đặt câu hỏi liệu các nhà máy thép trong nước hiện tại đã chạy hết công suất thiết kế chưa? Mặt khác, những tính toán về tăng trưởng kinh tế sử dụng nguyên liệu thép liệu có chính xác để phải mở rộng đầu tư?
Đó là chưa kể liệu thép trong nước làm ra có cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc hay không. Không riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền công nghiệp luyện cán thép rất phát triển như Mỹ, Anh, Ấn Độ... vẫn đang lo ngại về tình trạng thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bên cạnh lo lắng thị trường khó cạnh tranh, sau bài học sự cố môi trường do nhà máy thép Formosa mới đây, nhiếu chuyên gia cũng lo lắng dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen xử lý nước thải và chất thải như thế nào, lấy nguồn nước nào để phục vụ sản xuất thép.