Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

G20 hay Cuộc tình Một đêm

 07/09/2016
Nguyễn Quang Dy
6-9-2016
Xung đột Biển Đông có thể trải nghiệm một khái niệm chiến tranh mới “không theo quy ước”. Không phải “chiến tranh lạnh”, cũng không phải “chiến tranh nóng”. Không có tuyên chiến, cũng không có chiến tuyến vì không rõ đâu là ranh giới địch hay ta. Đó là một kiểu “trận đồ bát quái”, tuy hư mà thực, tuy thực mà hư. Liệu có quá muộn để người Mỹ tìm hiểu “Binh pháp Tôn tử”, và học cách đánh “cờ vây”?
http://media.doanhnghiepvn.vn/Images/thuphuong/2016/09/01/Participants_at_the_2015_G20_Summit_in_Turkey.jpg
G20 Summit (Hàng Châu, 4-5/9/2016) là điểm hẹn của các cường quốc. Nhưng mỗi nước đến với lợi ích quốc gia của mình và tâm trạng riêng, như “đồng sàng dị mộng”. Tổng thống Mỹ Obama sắp hết nhiệm kỳ, muốn để lại dấu ấn lịch sử, trước cuộc bầu cử tổng thống tai tiếng chưa từng có. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đang ở đỉnh cao quyền lực, muốn tăng cường uy thế để kéo dài thêm một nhiệm kỳ, nhằm thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Tổng thống Nga Putin đang đau đầu tìm giải pháp cho khó khăn kinh tế trong nước và phiêu lưu quân sự tại Syria và Ukraine. Thủ tướng Nhât Abe có cơ hội lịch sử để thay đổi vai trò của Nhật tại Đông Á với sửa đổi hiến pháp. Thủ tướng Anh Theresa May vừa “gặp may” làm thủ tướng sau sự kiện Brexit, đang lo cho tương lai đất nước và vai trò của mình…  
Có thể nói G20 còn quan trọng hơn cả G8, vì thế giới đại loạn (“Eurasia’s Coming Arnarchy”, Robert Kaplan, Foreign Affairs, February16, 2016) và quyền lực đang chuyển dịch từ Tây sang Đông. Đặc biệt là Trung Quốc đang có những vấn đề nội bộ nan giải phải đối phó, cũng như tham vọng tranh giành ảnh hưởng với Mỹ, để bá chủ Đông Á. Có lẽ thể diện quốc gia và vị thế siêu cường là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Bắc Kinh. Suốt mấy tháng qua, họ đã đầu tư lớn (hàng tỷ USD) và nhiều công sức (không thể tính được) để chuẩn bị cho G20 Hàng Châu 2016, không thua kém so với Olympic Bắc Kinh 2008.
Nhưng các sự kiện đó chỉ như “cuộc tình một đêm” (one night stand), không thể đưa Trung Quốc “lên đỉnh” như một siêu cường, ngang ngửa với Mỹ. Tập Cận Bình khó đạt được “Giấc mộng Trung Hoa” và “Ngoại giao Nước lớn” (Great power Diplomacy) chỉ sau một đêm. Bắc Kinh tuy có ý thức về “sức mạnh mềm”, nên đã chi hàng tỷ USD cho chiến dịch tuyên truyền “Charm Offensive”, nhưng họ không hiểu “sức mạnh mềm” không thể mua bằng tiền và vật chất, như dự án làm đường sắt cao tốc (David Shambaugh)
Cái giá của G20 Hàng Châu
Theo tin báo chí, để chuẩn bị cho G20 Hàng Châu, 225 nhà máy đã bị đóng cửa (vì sợ làm ô nhiễm); Một nửa phương tiện giao thông thành phố bị cấm sử dụng từ 28/9 (sợ tắc đường); Tất cả các cửa hàng bách hóa và quán ăn trên đường phố cách trung tâm trong vòng 30 km cũng bị đóng cửa; Hàng ngàn cư dân tại các chung cư cao tầng gần trung tâm hội nghị phải “sơ tán” và niêm phong căn hộ của họ (sợ khủng bố đột nhập có thể bắn tỉa từ các ô cửa sổ trên cao); Mọi khách sạn ở Hàng Châu được yêu cầu phải khai báo với cảnh sát nếu có người Uyghur (Tân Cương) đăng ký thuê phòng (đề phòng khủng bố); Nhiều nhà dân chưa có hố xí tự hoại trong nhà được nhà nước lắp đặt hố xí miễn phí (để tránh tè bậy ngoài đường); Và toàn dân phải tiêu diệt sạch bốn kẻ thù là ruồi, muỗi, gián, chuột (để giữ vệ sinh)…
Dường như Bắc Kinh sẵn sàng làm mọi thứ, bằng mọi giá, chấp nhận tốn kém và bất tiện để đánh đổi lấy thể diện quốc gia, với tinh thần dân tộc “nước lớn”. Tất cả các cơ quan truyền thông được lệnh kiểm soát chặt chẽ thông tin báo chí và có biện pháp xử lý nếu có bất kỳ “tin xấu” nào liên quan đến G20 trên các trang mang xã hội. Một bầu không khí ngột ngạt như “thiết quân luật”, để phục vụ cho một sự kiện đối ngoại như “triển lãm chính trị”, mà không đếm xỉa đến cuộc sống bình thường của người dân. Nó chỉ nhằm khẳng định bộ mặt “nước lớn” (nhưng chưa trưởng thành) và giàu có (nhưng đầy giả tạo). 
Như hệ quả không định trước, G20 đã bộc lộ khiếm khuyết của mô hình phát triển Trung Quốc, với một xã hội mà không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, một nền chính trị không được lòng dân, và một nền kinh tế chụp giật đầy bất ổn. Nó cũng bộc lộ bộ mặt thật của văn hóa ứng xử kiểu Trung Hoa, với bề ngoài cao ngạo, nhưng bên trong lại nhỏ nhen, thủ đoạn (không “quân tử”). Nhà nước đầu tư lớn và chỉ đạo chặt chẽ đến thế, nhưng tại sao lại thiếu thảm đỏ và xe thang để phục vụ chuyên cơ “Air Force One” của Tổng thống Mỹ?  
Tại sao lại xẩy ra xích mích, cãi nhau ngay trên đường băng sân bay? Tại sao một quan chức Trung Quốc lại to tiếng quát “Đây Là đất nước chúng tôi, đây là sân bay của chúng tôi!” Nếu không phải là một người bị tâm thần, thì đó là một cách ứng xử thiếu văn hóa. Nếu Bắc Kinh muốn chứng tỏ Trung quốc có một nền văn minh lớn, thì cách ứng xử của họ đã phản tác dụng, bộc lộ văn hóa thấp .Theo cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc “đó không phải là một thiếu sót, mà là một hành động coi thường…Những thứ này không xảy ra một cách vô tình. Không phải với người Trung Quốc”. Cách ứng xử của họ không theo quy tắc lễ tân thông thường (khi đón nguyên thủ quốc gia), mà bộc lộ sự ngạo mạn của một nước lớn mới trỗi dậy, đầy hằn học với Mỹ, như muốn kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Hệ quả không mong muốn
Sau khi Tòa Trọng tài (PCA) phán quyết về Biển Đông (12/7), Trung Quốc bị cô lập và mất thể diện quốc tế. Họ tuy phản ứng mạnh (bằng tuyên bố), nhưng chưa dám hành động liều lĩnh tại Biển Đông, như bồi đắp để quân sự hóa bãi cạn Scarborough, và/hoặc tuyên bố khu vực nhận diện phòng không (ADIZ). Một trong những lý do Trung Quốc phải kiềm chế và nhịn nhục vì không muốn làm ảnh hưởng đến Hội nghị Thượng đỉnh G20 Hàng Châu, là một sự kiện quốc tế rất quan trọng để Trung Quốc lấy lại thể diện quốc gia.   
Theo AFP (1/9/2016), Bắc Kinh rất cần tô điểm lại hình ảnh quốc tế của mình, đã bị sứt mẻ trong thời gian qua vì nhiều vấn đề, đặc biệt là tại Biển Đông. Tập Cận Bình “muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc có vị trí trung tâm trong hệ thống điều hành toàn cầu”. Tập muốn Trung Quốc được Mỹ đối xử bằng “Ngoại giao Nước lớn” giữa hai siêu cường (hay “G2”) để chia sẻ lợi ích toàn cầu theo “trật tự mới”. Vì vậy Bắc Kinh không tiếc tiền bạc và công sức để tô điểm cho Hàng Châu như một biểu tượng “nước lớn”.
Tuy thách thức Mỹ về chủ quyền Biển Đông như một vấn đề cốt lõi, Tập Cận Bình vẫn ưu tiên quan hệ với Mỹ, và muốn thỏa thuận với Obama về một số vấn đề “không cốt lõi”. Tập biết rõ Obama là “tổng thống vịt què” sắp rời Nhà Trắng sau bầu cử tháng 11, nên tại G20 Hàng Châu, Tập  muốn “bám chặt chủ đề kinh tế toàn cầu”, tránh các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông. Tập muốn sử dụng diễn đàn G20 này để phô diễn một “mặt trận đoàn kết” chống lại trật tự quốc tế mà họ cho là do Mỹ và Phương Tây định đoạt. Nhưng các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng sau G20, tương lai Biển Đông đầy rủi ro và bấp bênh.
Tổng thống Nga Putin đồng ý với quan điểm của Tập Cận Bình về Biển Đông, cho rằng “không thích hợp cho một bên thứ ba can thiệp vào vấn đề giữa hai quốc gia khác” (tức song phương). Tuy nhiên, triển vọng liên minh chiến lược Trung-Nga để đối trọng với Mỹ trong bàn cờ quốc tế có lẽ dựa trên tính toán thực dụng nhất thời (pragmatic calculus) chứ không trên khuôn khổ lòng tin chiến lược lâu dài (long-term strategic confidence). Đơn giản vì người Nga không tin người Trung Quốc, qua kinh nghiệm lịch sử. Ngay việc Nga tập trận với Trung Quốc tại Biển Đông cũng là miễn cưỡng vì tình thế, chứ Nga không muốn đánh mất quan hệ với Việt Nam, một đồng minh chiến lược và một khách hàng lớn mua vũ khí.  
Vấn đề Biển Đông là một trong ba chủ đề chính mà Mỹ đề cập tại Hàng Châu, nhưng Obama cố tình “giảm nhẹ áp lực trên vấn đề Biển Đông”. Có lẽ Obama không muốn gây rắc rối cho nước chủ nhà (đang muốn giữ thể diện), nên Mỹ và Trung Quốc đã (ngầm) giảm bớt lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông. Phải chăng Mỹ chọn đối đầu với Trung Quốc về Biển Đông tại diễn đàn ASEAN Summit ở Lào (Vientiane, 6-8/9/2016). Đây là chuyến thăm chính thức cuối cùng của Obama đến Châu Á, với tư cách Tổng thống Mỹ.
Ngay cả vụ xích mích tại sân bay, Obama cũng cố tình làm giảm nhẹ tính chất vấn đề , “Tôi không quan trọng hóa vấn đề này…” Tuy nhấn mạnh sự khác biệt về văn hóa, nhưng Obama cũng lưu ý là Chính quyền Mỹ luôn giữ vững những giá trị và tiêu chuẩn của mình (về truyền thông) trong các chuyến công du nước ngoài. Như để giữ thể diện cho nước chủ nhà, Mỹ đã thỏa thuận với Trung Quốc phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, như một màn diễn thành công để che đậy những bất đồng lớn giữa hai nước.
Trong khi đó, thủ tướng Nhật Abe tuy không bỏ lỡ cơ hội chỉ trích chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như ở Biển Hoa Đông, nhưng ông cũng tránh không muốn làm to chuyện về chủ đề Biển Đông, vì Nhật hy vọng có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật vào thời gian sắp tới. Các nước G20 khác cũng tránh đụng chạm căng thẳng với Bắc Kinh, để tranh thủ hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề khác…
Thay lời kết
Khác với G8 (7 nước phương Tây + Nga), G20 là câu lạc bộ “đồng sàng dị mộng”, tại đó Trung Quốc muốn lôi kéo Nga và một số nước khác cần vốn và thị trường Trung Quốc, để tạo ra một mặt trận đối trọng với Mỹ. Nếu ai muốn đạt được một thỏa thuận bền vững tại G20 thì sẽ là ảo tưởng, vì G20 Hàng Châu chỉ là “cuộc tình một đêm”.
Sau G20 lần này, Biển Đông có thể lại dậy sóng. Nếu Mỹ và đồng minh không chuẩn bị đối phó, thì tình thế của họ có thể trở thành “quá muộn” (too little too late). Tuy Trung Quốc có thể sẽ suy tàn như “end game” (David Shambaugh) nhưng họ vẫn có thể làm thế giới đảo điên. Thời điểm cuối năm nay khi Washington bận chuyển giao chính quyền và ASEAN càng bị phân hóa, là lúc Trung Quốc có thể manh động. Liệu Washington có sẵn sàng chiến đấu để ngăn chặn Trung Quốc vượt “lằn ranh đỏ” (red line) tại Biển Đông? và bằng cách nào? Làm thế nào để tàu sân bay Mỹ đấu được với “hạm đội dân quân” Trung Quốc?
Xung đột Biển Đông có thể trải nghiệm một khái niệm chiến tranh mới “không theo quy ước” (unconventional warfare). Không phải “chiến tranh lạnh”, cũng không phải “chiến tranh nóng”. Không có tuyên chiến, cũng không có chiến tuyến vì không rõ đâu là ranh giới địch hay ta. Đó là một kiểu “trận đồ bát quái”, tuy hư mà thực, tuy thực mà hư. Liệu có quá muộn để người Mỹ tìm hiểu “Binh pháp Tôn tử”, và học cách đánh “cờ vây”?
NQD. 6/9/2016

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 6-9-16

THÁI SƠN:* Bà Châu Thị Thu Nga khai chi 30 tỉ đồng để ứng cử ĐBQH

Bà Châu Thị Thu Nga
* Bà Châu Thị Thu Nga khai chi 30 tỉ đồng để ứng cử ĐBQH
Trả lời Thanh Niên ngày 6.9, thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an cho biết đang tiếp tục điều tra giai đoạn 2 vụ án Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng nhà đất (Housing Group) và dự án B5 Cầu Diễn, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội.
Trước đó vào cuối tháng 4.2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 7 bị can trong vụ án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong số này bị can Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, Chủ tịch HĐQT Housing Group được xác định là chủ mưu.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2008 đến nay, dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn, Hà Nội chưa được UBND TP.Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp giấy phép xây dựng, nhưng bà Nga đã cấu kết với một số cán bộ trong công ty tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để ký 752 hợp đồng góp vốn và thu 377 tỉ đồng của nhà đầu tư, đến nay không có khả năng chi trả.
Sau khi có kết luận điều tra trên, Viện KSND tối cao đã có văn bản yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ 6 nội dung trong vụ án. Đến ngày 25.8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất các nội dung điều tra bổ sung, đồng thời vẫn bảo lưu quan điểm đề nghị truy tố 7 bị can đã nêu trong kết luận lần trước. Một trong những nội dung đáng chú ý là khoản tiền hơn 157 tỉ đồng mà bà Nga khai dùng để “chạy” dự án, chi tiền mặt cho các cá nhân và đối tác nhưng không có tài liệu gì chứng minh, không ký nhận chứng từ, những người nhận tiền theo lời khai của bà Nga đã phủ nhận. Cơ quan cảnh sát điều tra đã cho đối chất nhưng chưa đủ cơ sở làm rõ.
Theo kết luận điều tra, trong khoản tiền 377 tỉ đồng đã thu của nhà đầu tư, bà Nga và đồng phạm đã dùng hơn 28 tỉ đồng trả lại cho một số nhà đầu tư rút vốn, số còn lại là gần 349 tỉ đồng. Bà Nga khai nhận đã sử dụng 85 tỉ đồng trả cho các đơn vị ký hợp đồng một số hạng mục tại dự án B5 Cầu Diễn như thuê đo đạc bản đồ hiện trạng, thuê thiết kế bản vẽ, khoan khảo sát địa chất công trình...; Chi 54 tỉ đồng cho ông Nguyễn Xuân Quý (đã chết), chi 12 tỉ đồng cho Lê Hồng Cương, là 2 nguyên phó tổng giám đốc của Housing Group; chi 30 tỉ đồng cho ông Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Giám đốc Công ty HAIC; chi 300.000 USD (tương đương hơn 6 tỉ đồng) cho một doanh nghiệp bất động sản nhằm mục đích xin được điều chỉnh quy hoạch tại khu đất B5 Cầu Diễn...
Đáng chú ý, bà Nga còn khai nhận đã chi khoảng 1,5 triệu USD (tương đương 30 tỉ đồng) cho một doanh nghiệp về vàng bạc tại TP.Hà Nội để nhờ lo các thủ tục cho bà Nga được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13 nhưng vị doanh nghiệp này cũng phủ nhận.
Thái Sơn

Ngu gì không làm thép ?

Tin khó tin: Giá nói phét cũng bị đánh thuế LĐO ĐÀO TUẤN (TỔNG HỢP)


Ông Lê Phước Vũ: Không để một giọt nước thải nào chảy ra biển (PLO)
Những gì dư luận thể hiện trong thời gian qua là chỉ muốn “ném đá, thọc bánh xe, đố kỵ” với Hoa Sen. Còn Hoa Sen: Ngu gì không làm thép, ngu gì không đầu tư - lời Chủ tịch Hoa Sen, phật tử chay trường, đại gia Lê Phước Vũ, người nổi như cồn xung quanh dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận.
    Khi "Phật tử chay trường" nói: Ngu gì...
     Thành phần đoàn Hoa Sen khảo sát dự án thép tại Ninh Thuận.
     Thành phần đoàn Hoa Sen khảo sát dự án thép tại Ninh Thuận.
    Hôm qua, đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn Hoa Sen đã diễn ra với khán phòng không còn một chỗ trống khi nội dung chính của nó là Dự án thép Cà Ná, Ninh Thuận.
    Ngoài 2 phát ngôn đình đám mà TKT đã dẫn, Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ còn nói về thiết bị, công nghệ, đại ý: Đừng thấy Formosa mà sợ. Hoa Sen sử dụng công nghệ luyện cốc nhưng không thu hồi hóa chất mà thu hồi nhiệt để làm phát điện thì chắc chắn không xảy ra như Formosa.
    Còn thiết bị, câu thứ nhất của ông Vũ là xin “trả lời sau”.
    Còn câu thứ 2, ngay sau đó: “Trung Quốc hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị. 90% dự án thép thế giới đều dùng của Trung Quốc chế tạo. Còn nếu nhập từ Châu Âu thì làm gì có lời”(!?).
    Còn nước! Lời ông Vũ: “Lấy nước biển làm chứ đâu, dù chi phí để đầu tư sẽ cao hơn. Nhưng khi nào thiếu nước thì mới dùng nước biển”, vì “dự án hiện đã được tỉnh kéo đường nước xuống tận nơi rồi”.
    Thưa những người chọc gậy bánh xe, ném đá, đố kỵ, ông Vũ đã nói hết sức rõ ràng rồi đấy. Ngu chi mà không làm thép.
    Huống chi mọi sự có vẻ đã the end: Bộ Công chấp nhận. Ninh Thuận công kênh. Ngay cả nước, quý như vàng ở vùng đất ngày mưa đếm trên đầu ngón tay, từng phải huy động quân đội chở xe téc cung cấp nước ăn cho dân - giờ cũng đã kéo đến tận chân. KKK
    Tôi tin ông Vũ nói thật, bởi ngay trong cái logo 10 chữ của Hoa Sen thì 2 chữ đầu là “trung thực”. Xem tại đây
    Anh thề, anh hứa, anh đảm bảo
    24 tiếng trươc đó, ông Vũ cũng trung thực thế này: “Tôi đã cam kết nếu dự án để xảy ra ô nhiễm môi trường, tôi sẽ trả lại tài sản cho Nhà nước và đóng cửa nhà máy. Báo chí, Chính phủ cứ ghi âm, ghi hình lại lời hứa này để nếu sau này tôi không giữ lời sẽ đem tôi ra tòa xử”. Rồi thì không xả dù chỉ một giọt nước thải xuống biển.
    Đúng là “đanh như thép”!
    Bạn sẽ hỏi vậy nước thải sẽ đi đâu: Không xuống biển thì xuống sông, không xuống sông thì xuống đất chứ hẳn nhiên nó không thể bay ngược trở lại trời.
    Nhưng chưa nói đến nước thải, nước ở đâu khi ở vùng khát cháy Ninh Thuận, nước không chỉ là vàng mà còn là nguồn sống.
    Dự án của ông Vũ, với tối đa 16 triệu tấn/năm, bằng 80% dự án Formosa. Để có chừng ấy thép, mỗi ngày cần có 180.000 m3 nước ngọt, tức hơn 60 triệu m3/năm. Ngay cả lập đàn cầu mưa nhé, Ninh Thuận cũng chẳng nói đâu ra chừng đó nước, trừ phi họ xin được một dự án... tỉ đô lọc nước mặn cho Hoa Sen có nước sản xuất.
    Tôi nhớ đến anh Mạnh quặp trong cái phim gì có cô Cá sấu chúa đó đó: Anh hứa, anh thề, anh đảm bảo.
    Thề mà môi trường sống không ô nhiễm chắc Formosa chẳng cần phải di sang Hà Tĩnh.
    Còn hứa ư? Giá mà đánh thuế được nói phét chắc chúng ta khỏi cần những dự án thép. Xem tại đây và tại đây
    Chuyện những ông chủ tịch, bí thư
    Nói đến dự án thép Cà Ná, không thể không nhắc đến sự sốt sắng của Ninh Thuận.
    Bản thỏa thuận hợp tác chiến lược Hoa Sen và Ninh Thuận ký ngày 24.10.2015 thì Ninh Thuận sẽ dành mọi “ưu ái”:
    Được cấp 1.400 ha để đầu tư siêu dự án với thời gian thực hiện 69 năm. Toàn bộ là đất sạch, hoàn tất việc giải phóng mặt bằng và tái định cư,
    Rồi tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Bộ GTVT để xây dựng tuyến đường sắt nối dự án đến ga Cà Ná sớm nhất để phục vụ cho dự án.
    Rồi có những “hành động cần thiết” để đạt được sự chấp thuận hoặc cấp phép từ Bộ Công Thương và EVN đáp ứng việc cung cấp đủ điện.
    Đáng chú ý, dù liên tục phải công bố tình trạng hạn hán khẩn cấp do thiếu nước nhưng Ninh Thuận cũng... cam kết sẽ cung cấp đủ 250.000 -300.000 m3 nước/ngày đêm cho Hoa Sen bảo sản xuất từ 6 -12 triệu tấn thép.
    Rồi thì xin ưu đãi thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt 69 năm...
    Đúng là một tấm thảm đỏ bự chảng.
    Không hiểu sao cũng là những ông chủ tịch, bí thư, cũng là những dự án tiềm năng hủy hoại môi trường khủng khiếp tôi lại nhớ ngay đến ông Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng), ông Phạm Văn Chi (Khánh Hòa).
    Cũng dự án thép tỉ đô, nhưng từ hồi 2007, ông Nguyễn Bá Thanh từng quyết định từ chối ít nhất 2 dự án FDI có tổng vốn đầu tư lên đến gần 4 tỉ USD. Trong đó có dự án xây dựng nhà máy thép của liên doanh China Steel Corporation (Đài Loan) - Sumitomo Metal Industries Corp (Nhật).
    Còn ông Chi, xin được bày tỏ sự ngưỡng mộ với phát ngôn tuyệt vời: “Từ chối dự án thép tỉ đô tôi nghĩ mình đã làm một việc để sau này không bị con cháu oán hận”.
    Có lẽ sự khác biệt là ở tư duy nhiệm kỳ.
    Và bỏ tư duy nhiệm kỳ phải là biết cả cách lắc đầu trách nhiệm trước con cháu, trước môi trường sống của chính mình, thưa một vị chủ tịch, bí thư khác là ông Võ Kim Cự! Xem tại đâytại đâytại đây và tại đây
    Không một học sinh nào phải bỏ học
     Một trường học ở QUảng trị (danviet).
    Có lẽ, chúng ta nên chuyển qua một tin tốt lành. Sẽ không một học sinh nào phải bỏ học vì thiếu học phí - tôi cảm nhận được điều đó trong chỉ thị mới tinh của Bộ Giáo dục.
    Theo đó, Bộ đề nghị các địa phương quan tâm tới việc miễn, giảm, hỗ trợ học phí “Để đảm bảo tất cả học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học sinh, sinh viên vùng bị ảnh hưởng thiên tai, ô nhiễm môi trường được đến trường nhân dịp năm học mới, không có học sinh, sinh viên phải bỏ học”.
    Xin cảm ơn thầy Bộ trưởng về sự quan tâm kịp thời.
    Nhân đây, tôi muốn thưa riêng với thầy Giám đốc Sở Giáo dục Quảng trị, một học sinh phải bỏ học đã là không bình thường, chứ không phải 1.058 học sinh phải bỏ học vẫn là bình thường, vẫn cứ yên tâm. Xem tại đây và tại đây
    Thu tiền bảo kê để “tránh bảo kê”
    Máy gặt cũng phải đóng tiền bảo kê để tránh bảo kê (dantri). 
    Tôi nhìn rất rõ mấy chữ “tránh bảo kê” trong văn bản dấu đỏ của Công an xã Bắc Thành, Nghệ An khi họ thu 2 triệu trên mỗi đầu máy gặt.
    Chúng ta có gì? Công an thu tiền bảo kê để “tránh bảo kê”. Và việc này được xác nhận một cách hồn nhiên chưa từng thấy.
    Tôi thấy ở đây sự tận tụy khi các chiến sĩ không quản nắng gió ra tận ruộng để thu.
    Tôi thấy ở đây những cái phẩy tay rất chi là đáng yêu: Cứ thu, không cần hóa đơn hóa điếc gì cả.
    Và tôi thấy có cả một hướng đi khả quan nhằm tăng thu. Thu phí gà vịt để bảo kê cho môi trường đi, bọn này chuyên làm bậy mà không xin phép. Thu phí chó sủa đi. Chúng cắn càn cắn bậy lắm. Và cả trâu bò nữa. Nó ăn không từ thứ gì, rơm rác cũng ăn.
    Chỉ lạ là mấy ông nông dân được bảo kê tận tụy thế mà vẫn kêu khổ: “Khổ lắm chú ơi! Năm trước thì bị bọn giang hồ thu tiền, năm ni thì bị công an xã bắt ký cam kết, thu tiền, chúng tôi mua máy đi gặt kiếm tiền chứ phải đi ăn cướp mô!”. Xem tại đây
    Hình ảnh hôm nay: Đôi giày của GS Ngô Bảo Châu
    GS Ngô Bảo Châu từng dép tổ ong lên lớp
    Trường Lũng Luông tháng 8.2014
    GS Ngô Bảo Châu ở Lũng Luông trong ngày khai giảng 5.9.2016
    Trường mới Lũng Luông do Chương trình Cơm Có thịt và quỹ Phượng Hoàng xây dựng (Ảnh Trần Đăng Tuấn + TNV CCT)
    2 năm trước, GS Ngô Bảo Châu, chân đi dép tổ ong huyền thoại đứng lớp ở Lũng Luông - Thái Nguyên đã gây sốt cộng đồng mạng.
    Lễ khai giảng 2016, ông đã có thể đứng lớp với giày mang chân trong một ngôi trường mới tuyệt đẹp.
    Năm ấy, trở về từ khu vực khó khăn nhất của huyện Võ Nhai, nơi mà tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 90%, và những đứa trò nhỏ toàn diện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, GS Châu cùng với Quỹ trò nghèo vùng cao - Chương trình Cơm có thịt và một số nhà hào tâm đã quyết định xây dựng ở đây một ngôi trường - Một ngôi trường trên núi tuyệt đẹp dưới bàn tay của KTS tài danh Hoàng Thúc Hào.
    [QC] Đăng tin tuyển dụng, tìm việc làm nhanh, uy tín tại trang Việc Làm Báo Lao Động.

    Làng của nghệ sĩ Hán Văn Tình: Cả làng biết kể chuyện cười

    (VTC News) - Có thể nói Văn Lang cả đất, cả người đều vui tính, hòa nhã. Cái hài hiển hiện trên từng vóc dáng, con người Văn Lang.

    Ông Hán Văn Sinh được người dân bầu là “cao thủ” nói khoác nổi tiếng nhất Văn Lang (Tam Nông, Phú Thọ). Ông cũng là người sáng tác được nhiều chuyện hài nhất.
    Ông Sinh cho hay, tính hài hước của người Văn Lang bắt nguồn từ quá trình lao động vất vả, cực nhọc. Nỗi cực nhọc này còn đi cả vào thơ ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Váy ngắn quá gối là người Văn Lang”, hay: “Ăn cơm với chồng mới được nửa bữa/ Ngủ với chồng chỉ được nửa đêm”.
    Xưa kia, nơi đây còn là rừng rú, cha ông tổ tiên đến khai hoang vất vả cực nhọc nên phải mượn tiếng cười, sự hài hước để xua tan mệt nhọc, để yêu đời, yêu cuộc sống hơn. Tiếng cười của người Văn Lang mộc mạc, dễ hiểu, hồn nhiên trước những thành quả lao động, trước những cảnh ngộ éo le, tật xấu, có cả sự thông minh, láu lỉnh mà chỉ ở người nông dân mới có.

    Cười để bộc lộ tâm tính lạc quan của người nông dân trước cuộc sống vất vả thường nhật. Tiếng cười còn thể hiện sự đấu tranh chống lại thói hư, tật xấu trong nội bộ nhân dân bằng thái độ đả kích nhẹ nhàng, độ lượng, khoan dung.
    vanlang

    Người Văn Lang kể chuyện vui. Ảnh:  Lâm Đào An  

    Tiếng cười Văn Lang bồi bổ thêm tinh thần lạc quan từ thời mở nước, dựng nước và nó làm mềm dẻo, bền dai hơn cho cuộc sinh tồn của nhân dân vùng mở nước, luôn luôn phải vượt lên đầu mọi cái khó.
    Tác giả của những câu chuyện cười Văn Lang đều là người nông dân chân chất và đề tài hài hước của họ đều xoay quanh những cái ăn được: “Củ sắn to, dài đâm xuyên quốc lộ 24A, gốc ở Văn Lang, củ dài tới tận làng Cổ Tuyết”; “Quả nhãn to, cùi dày đến nỗi bổ ngập dao phay”; “Con ếch cốm buộc vào cối xay để nó xay lúa”; “Quả cau to bằng quả dừa”; “Bưởi rụng làm chết trâu”; “Vỏ quả đu đủ làm xuồng chạy lũ”; “Tôm đầm to như con chó vàng, chặt đầu, chặt đuôi cho vào nồi mười luộc mà vẫn nhảy ra ngoài được”; “Con ong mập đến nỗi cột dây vào chân nó, nó bay kéo cả người về tổ lấy mật”; “Văn Lang bắt được con lươn/ Thịt mang nướng chả, còn xương đẽo cày”...
    Chó còn mừng nữa là tao
    Một anh chàng nhác nên giả ốm, kêu mệt rồi nằm nhà. Nhưng chị vợ vừa đi làm, anh ta đã vùng dậy rang ngô chén. Ngô vừa chín đã thấy tiếng vợ nheo nhéo gọi ngoài cổng. Thì ra vì chị vợ bỏ quên cái nón nên quay về lấy. Bí quá, anh chồng đổ tất ngô đang nóng vào túi quần. Bỏng quá, anh chàng vừa chạy ra mở cổng vừa nhảy tâng tâng. Chị vợ thấy lạ bèn hỏi: “Phải gió hay sao mà cứ nhảy cẫng lên thế?”. Anh chàng nhăn nhở cười: “Hay chửa, thấy mẹ mày về, chó còn mừng nữa là tao”.
    Cụ Trần Văn Thuộc kể
    Có thể nói Văn Lang cả đất, cả người đều vui tính, hòa nhã. Cái hài hiển hiện trên từng vóc dáng, con người Văn Lang. Nhìn những đứa trẻ, nhìn ông già bà lão, ai ai cũng thấy chất hài.
    Khuôn mặt người Văn Lang cứ quắt lại, hàm răng thì vẩu ra, đàn bà ánh mắt lúc nào cũng lúng la lúng liếng, rồi cái miệng xinh xinh lúc nào cũng chực nở nụ cười. Nhìn ai cũng có thể cười chứ chưa cần nói chuyện hay tiếp xúc với họ.
    Những mẩu chuyện cười được sáng tác dựa trên những tính cách, những việc làm, những sự việc xảy ra hàng ngày trong làng. Với mỗi nhân vật vui tính trong làng đều có cả chùm chuyện cười nhân dân truyền miệng về họ.
    Chẳng hạn như chùm chuyện cười về bà trẻ Nghệ (tên thật là Nguyễn Thị Nghĩ), ông Cù Đình Nghễ, ông Tình Thực, cụ Khoác... Những nhân vật này nói chuyện rất có duyên và dễ gây cười.
    Chẳng hạn như bà trẻ Nghệ có tính tham ăn lại hay giả vờ. Một hôm bà trẻ Nghệ đến nhà cháu nội chơi, đứa cháu hỏi:
    - Bà trẻ khỏe không?
    - Tao ốm lắm, hôm qua ho 500 lần, đứa quạt, đứa thổi than.
    - Sao lại vừa sưởi ấm, vừa quạt mát thế?
    - Thì nó nóng trong bụng, rét ngoài da!
    Hễ bà trẻ Nghệ sai con cháu đi hầm gà là bà luôn dặn: “Chớ có chọc đũa vào, đắng lắm, tao không ăn được...”. Có vô vàn những câu chuyện cười vỡ bụng quanh chuyện bà dặn con cháu hầm gà.
    Câu chuyện nổi tiếng nhất, ai cũng thuộc, về ông Cù Đình Nghễ và bà Nghệ, như sau: Ông Cù Đình Nghễ đi thả diều. Diều đứt dây, dây rớt xuống mương, ông Nghễ cởi quần áo nhảy xuống thì diều lại bay mất.
    Cứ thế ông Nghễ trần truồng đuổi theo diều mà quên mất rằng mình không mặc quần áo. Khi bọn trẻ cười rũ rượi thì ông mới sực nhớ.
    Gặp mấy mà đi chợ, ông nhảy đại xuống mương, dầm mình không dám lên.
    Lúc đó, bà trẻ Nghệ đi chợ qua. Chả là bà có con lợn nuôi mấy tháng không lớn, bà quyết định đem bán.
    Khi qua chỗ ông Nghễ đang dầm mình thì cái sọt thủng, con lợn nhảy xuống mương. Ông Nghễ bắt hộ rồi cầm lên cho bà mà quên rằng mình đang cởi truồng.
    Bà trẻ Nghệ xấu hổ quay đi, chỉ dám quờ tay để nhận lại lợn. Không ngờ bắt ngay phải của quý của ông Nghễ, thế là bà la lên: “Ối giời, con lợn nhà em độ này chóng lớn quá! Thôi, em chả đem bán nữa”.
    Cụ Sinh kể rằng, cách đây mấy năm, trong một hội thảo quốc tế về văn hóa dân gian được tổ chức tại Phú Thọ, cụ Sinh là người thay mặt hơn 5 ngàn dân xã Văn Lương đi dự.
    han-van-tinh-nguoi-ra-di-nu-cuoi-o-lai-101123-copy-1238

    Nghệ sĩ Hán Văn Tình là người con của làng Văn Lang. Ông được thừa hưởng tinh hoa của ngôi làng này. Những ngày cuối đời trên giường bệnh, ông vẫn luôn giữ được nụ cười trên môi. 

    Bác mua đi, nỏ lắm!
    - Bác ơi! Bác mua gánh củi này cho cháu đi!
    - Củi của cô còn tươi nguyên thế này mua làm gì? Tôi cần củi đun ngay nên phải mua củi khô.
    - Nhưng củi khô thì bác đem về thế nào được ạ?
    - Tôi đèo xe đạp chứ!
    - Thế thì cháy xe đạp mất!
    - Sao cơ?
    - Bác ở xa nên không biết rồi! Củi làng cháu nỏ lắm bác ạ. Hễ củi khô là nó tự cháy, đặt đâu cháy đấy, không kịp châm lửa đâu, nên chỉ đun củi tươi thôi. Thật đấy, bác mua đi. Nỏ lắm!
    Quỳnh Hoa kể
    Hôm ấy, có cả đại biểu của xứ Gabrôvô. Các đại biểu đã có hơn một tiếng đồng hồ cười xả láng khi cụ Sinh đăng đàn kể chuyện. Trong giờ nghỉ, đại biểu vùng Gabrôvô đến gặp cụ Sinh và nói rằng: “Truyện cười Gabrôvô và truyện cười Văn Lang đều có nét đặc sắc riêng. Nét đặc sắc của các bạn là đề tài vừa phong phú lại vừa sát thực với đời sống nông thôn”.
    Cụ Sinh bảo, có thể đó là lời khen tặng xã giao song cũng không phải không cái có cái đúng. Tuy nhiên, người dân vùng Gabrôvô được hưởng lợi rất nhiều từ du khách bốn phương muốn tò mò tìm hiểu xứ sở hài hước nổi tiếng.
    Đấy là cụ Sinh chân thành kể vậy. Còn có đại biểu của xứ Gabrôvô sang Phú Thọ hay không thì tôi chưa chứng thực.
    Truyện cười là đặc sản văn hóa lâu đời của người dân Văn Lang, vô cùng đặc sắc, song lại đang có nguy cơ bị lãng quên dần.
    Ớt Văn Lang
    - Bác mua ớt hử, mua đi, ớt Văn Lang chúng em đấy, cay rõ là cay.
    Người bán hang mời chào. Người mua hàng nhặt quả ớt lên định nếm. Người bán hàng vội ngăn lại:
    - Chọn ớt chớ có ngửi. Ớt làng em cay lắm. Bác ngửi một ít cũng cay sộc lên tận óc. Hít hai tý là hắt hơi suốt ba ngày, mà ăn một chút xíu cũng cay đến rụt đầu lưỡi. Mà có khi lại cấm khẩu nữa chứ.
    - Gớm, ớt Văn Lang cay thế thì bố ai dám mua.
    Phan Thị Định kể
    Chủ tịch xã Hán Văn Tuấn buồn bã: “Chúng tôi cũng muốn mỗi năm tổ chức thi kể truyện cười, dàn dựng tiểu phẩm, quay video để giữ lại chút tinh túy của cha ông và truyền chất văn nghệ cho lớp trẻ song khó tìm kinh phí quá.
    Trước kia, cũng vì cái nghèo mà cha ông đã tạo nên chất hài Văn Lang thì giờ đây, vẫn cái nghèo đã khiến chúng tôi đánh mất dần di sản quý báu đó”.
    Người dân ở Văn Lang còn nghèo. Họ không biết tổ tiên từ đâu đến đây. Cuộc sống biệt lập, gắn bó với thiên nhiên nên tính tình phần nhiều chân chất. Họ sống gắn bó, yêu thương nhau và cực kỳ hiếu khách. Nói quá ở Văn Lang không hại ai mà chỉ để làm cuộc sống thêm vui nhộn.
    Phong Bình

    BÌNH LUẬN

    Dụng ý của ông Tập trong cuộc trà đêm với Obama

    Trung Quốc có thể muốn sử dụng hình ảnh hai nhà lãnh đạo ngồi cạnh nhau thưởng trà như một thông điệp về sức ảnh hưởng đang gia tăng của mình.

    dung-y-cua-ong-tap-trong-cuoc-tra-dem-voi-obama
    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama thưởng trà sau cuộc gặp song phương trước thềm hội nghị G20 ở Hàng Châu. Ảnh: Reuters
    Đêm 4/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời Tổng thống Mỹ Obama đi tản bộ sau cuộc họp song phương bên lề hội nghị G20. Hai ông sau đó dừng lại và cùng ngồi uống trà. 
    William Wan, cây bút của Washington Post, cho rằng đây là cơ hội chụp ảnh mà phía Trung Quốc đã lên kế hoạch cẩn thận từ trước, phản ánh một chiến lược quan hệ công chúng mà Bắc Kinh đã theo đuổi kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, đồng thời nói lên tham vọng mạnh mẽ của họ khi đất nước tiến lên phía trước.
    Trong 4 năm qua, khi Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng toàn cầu, các quan chức nước này đã cố gắng xóa bỏ hình ảnh mà nhiều người thường nghĩ về các lãnh đạo khuôn mẫu - quá thận trọng, lo lắng, quan liêu, thường chỉ đọc từ các văn bản đã chuẩn bị sẵn khi họp với nguyên thủ nước ngoài.
    Nhưng kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, ông đã sử dụng các cơ hội chụp ảnh để thể hiện hình ảnh trái ngược - một nhà lãnh đạo giản dị, đời thường và tự tin, không ngại đối diện với thế giới bên ngoài.
    Theo Wan, chính phủ Trung Quốc từng cẩn thận sắp xếp hình ảnh ông Tập ăn bánh tại một nhà hàng ở Bắc Kinh và xắn quần, che ô đi mưa, giống như bất cứ người dân thường nào khác.
    Tuy nhiên, bữa trà đêm giữa ông Tập và ông Obama còn nhằm truyền đi một thông điệp quan trọng khác.
    Sau nhiều thập kỷ là một quốc gia đang phát triển, Trung Quốc giờ đây đang háo hức thể hiện sức mạnh và họ muốn được tôn trọng. Vì vậy, việc nhà lãnh đạo Trung Quốc cùng những người đồng cấp thế giới đi bên nhau, vai kề vai, cả hai đều thoải mái và tự tin, là hình ảnh mà nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn thể hiện.
    Video được quay bởi Nhà Trắng cho thấy ông Tập và ông Obama tán gẫu khi thưởng trà. Ông Tập hỏi ông Obama có thường xuyên tập thể dục không và nói về thời tiết. "Tôi nghĩ rằng ngày mai trời sẽ không đẹp như hôm nay", ông Tập nói.
    Ông Tập cũng giới thiệu với ông Obama về loại trà hai ông thưởng thức. "Đây là trà Long Tỉnh", ông Tập nói và cho biết thêm về lịch sử, xuất xứ của loại trà.
    "Trà rất ngon", ông Obama trả lời.
    Tuy nhiên, ông Wan cho rằng điều quan trọng nhất đối với ông Tập trong bữa trà đêm này không phải là hương vị trà hay cuộc tán gẫu. 
    "Đó là tiếng chụp ảnh vang lên lia lịa xung quanh hai nhà lãnh đạo, để nắm bắt hình ảnh lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc - cường quốc của thế kỷ qua và sức mạnh đang lên của thế kỷ này, ngồi bên cạnh nhau", Wan viết.
    Phương Vũ