Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Kính gửi Cụ Nguyễn Du

“Formosa, cùng nhiều dự án khủng lẫn các công trình lớn nhỏ có bàn tay Trung Quốc thọc vào đã và đang gây nên biết bao xáo trộn, đổ vỡ, nguy cơ rình rập trên khắp Đất nước ta ở các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị, an ninh, quân sự… Đằng sau đó là âm mưu độc địa, là tham vọng dữ dằn của một chủ nghĩa căn tính sói chỉ hòng lăm le xé nát rồi ăn tươi nuốt sống thiên hạ mà Đất nước ta là miếng mồi ngon, vật hiến tế đầu tiên”.

Tượng cụ Nguyễn Du tại Khu lưu niệm làng Tiên Điền, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nguồn: Internet
Nhân dịp về Hà Tĩnh vào ngày Giỗ lần thứ 196 của đại thi hào (10.8 ÂL)

Thưa Thanh Hiên Nguyễn tiên sinh!

Con xin được gọi Cụ bằng danh xưng mà lúc sinh thời của Cụ, mọi người vẫn gọi một cách thương quý và kính trọng.

Trong ngày Huý kỵ lần thứ 196 của Tiên sinh, con xin được thắp nén tâm nhang, rót chén rượu nhạt rưới trên mộ Cụ (theo ý tứ của Cụ trong thơ)(1), và nhỏ giọt lệ máu để trình báo với Cụ chuyện dương thế đau buồn vừa qua, về những kiếp người của thập loại chúng sinh Cụ từng thương khóc.

Dòng sông Lam ngày đêm soi bóng núi Hồng Lĩnh như còn văng vẳng nỗi u hoài của Cụ: “Bách niên đa thiểu thương tâm sự” (Cuộc đời trăm năm biết bao chuyện thương tâm). Nhưng nỗi thương tâm lớn vừa đổ ập xuống quê hương Cụ, xuống dân tộc này, con chắc Cụ khó hình dung nổi… Cụ luôn luôn tự hào về dòng họ, về gia đình, như lời con cháu dòng họ Nguyễn Tiên Điền khắc trên bia đá tưởng niệm Cụ Nguyễn Quỳnh: “Khi tưởng nhớ đến cứ dõi trông vầng nhật nguyệt/ Những lời truyền dạy sống mãi với núi sông này” (Cảm thời tuy nhật nguyệt /Truyền ngữ thử giang sơn); và bởi vậy Cụ lại càng xa xót quặn đau trước sự suy đồi của phong hóa, đạo lý từ trong tế bào gia đình tới thượng tầng xã hội – suốt trong thời của Cụ cho đến tận thời nay!

Chuyện mua bán chức vụ, bằng cấp trắng trợn; chuyện không ít kẻ có quyền thế lẽ ra phải biết xót thương dân thì lại nhẫn tâm cưỡng bức dân lành, tận thu đến xương tủy kẻ nghèo rớt, đổi trắng thay đen; chuyện mua thần bán thánh, tranh cướp lộc ngay trong đình, chùa; rồi chuyện mẹ hành hạ con như kẻ thù, con giết cha, anh giết em, thầy hãm hiếp trò…; và mới đây nhất, chỉ sau bốn tháng Đại lễ kỷ niệm 250 năm sinh của Cụ được tổ chức long trọng tại thành phố Hà Tĩnh, cả một vùng duyên hải rộng lớn từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên – Huế bị đầu độc thê thảm, khiến những cánh bướm chết khô muốn vĩnh viễn yên thân cũng phải rùng mình vụt bay khỏi trang sách của Cụ, và Cụ thì chắc phải viết “Phản chiêu hồn” cho chính mình khi muốn đội mồ vùng dậy kêu trời! Không phải mất công đi tìm “Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này”, kẻ gây ra đại thảm họa trên, “Đích danh thủ phạm tên là… Formosa”! Khắp vùng quê Cụ và các vùng quê lân cận giờ đây chắc chẳng có ai còn đủ sức lực lẫn tâm trí nào để Bói Kiều, Vịnh Kiều, Đố Kiều, hát Trò Kiều như hai trăm năm qua, khi nỗi lo lắng cho sự sinh tồn hàng ngày và tương lai đương đè nặng lên bao số phận vốn đã bấp bênh nay càng khốn khó, hiểm nguy!

Nhưng thưa Cụ, “Trong trường dạ tối tăm trời đất” ấy, biết bao ngư dân và nông dân nghèo khổ đến cùng đường đã chợt thức tỉnh Quyền sống, Quyền làm người của mình, không phải nhờ một chiến dịch tuyên truyền giáo dục nào mà chính là nhờ vào “bài học” cay đắng do bọn bá quyền đại Hán khát máu núp lưng mượn bóng Formosa vừa giáng xuống Biển – Trời – Đất Việt “một đòn chết bảy”! (Tên một bộ phim thần thoại Đức). Formosa, cùng nhiều dự án khủng lẫn các công trình lớn nhỏ có bàn tay Trung Quốc thọc vào đã và đang gây nên biết bao xáo trộn, đổ vỡ, nguy cơ rình rập trên khắp Đất nước ta ở các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị, an ninh, quân sự… Đằng sau đó là âm mưu độc địa, là tham vọng dữ dằn của một chủ nghĩa căn tính sói chỉ hòng lăm le xé nát rồi ăn tươi nuốt sống thiên hạ mà Đất nước ta là miếng mồi ngon, vật hiến tế đầu tiên.

Trong “một cuộc đi về phía Bắc” (Bắc hành), ở cương vị một ông quan sứ, bằng “tấc lòng” đau đớn của mình, Cụ đã giúp người đương thời và người hôm nay phát hiện ra cái thực tại tang thương khốn khổ ở đất nước Trung Hoa, và có thể nói chính Cụ là một trong những người Việt đầu tiên quyết liệt giương ngọn cờ thoát Trung bằng sự giải ảo, giải thiêng chế độ phong kiến mạt kỳ và giải thiêng giải ảo Trung Hoa vô cùng đáng sợ được đại diện bởi những kẻ mà Cụ đã lột mặt nạ: “không để lộ nanh vuốt nọc độc nhưng ăn thịt người ngọt xớt như đường” (“Bắc hành tạp lục”). Vâng thưa Cụ, hậu duệ của bọn “ăn thịt người” ấy đang hiện diện tràn lan ở nhiều nơi hiểm yếu của nước ta, cùng với những hành động ngang ngược ở biển Đông, chúng bắt đầu lộ mặt là những kẻ tội phạm hủy diệt Môi trường đe doạ sự sống của 300 triệu dân thuộc 9 quốc gia, và quả bom Môi trường-Sinh thái có sức hủy hoại ngót 300 km biển và cuộc sống của hàng triệu người đã phát nổ kinh hoàng ngay tại quê hương của Cụ!

Vâng, chưa xa Ngày Đại dương Thế giới 2016, trên bãi biển chết hiện giờ, khi đêm xuống, con quái vật Formosa vẫn đang nhâng nháo thách thức bằng một lâu đài huyền thoại dát vàng, sáng nhức mắt một góc trời biển Đông, nó từng lừa bịp lấy mất cả hồn vía của những bậc “phụ mẫu chi dân” cao nhất địa phương này. (Và cũng có cả người tình nguyện được lừa nữa!). Trong Hội thảo quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh của Cụ(2), đương kim Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Võ Kim Cự lúc đó, với lời phát biểu gần như mở đầu cho 127 bản tham luận của Việt Nam và các nước đã hồ hởi: “…trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực bứt phá, vươn lên đạt nhiều thành tựu vượt bậc… Thu hút đầu tư nước ngoài đứng ở hàng thứ 6 cả nước. Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 5 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia… Tại đây, đang hình thành một trung tâm công nghiệp nặng lớn nhất của cả nước với khu Liên hợp luyện thép 22 triệu tấn/năm, trung tâm nhiệt điện công suất 7.200 MW và cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương (59 cầu cảng, cho phép tàu từ 5 vạn đến 30 vạn tấn cập bến)…” (Kỷ yếu Hội thảo trên).

Chỉ hơn nửa năm sau, người từng hân hoan tới độ “Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai” trước con quỷ dữ đội lốt người đã phải bẽ bàng, ú ớ trước báo chí chính thống: “Formosa đầu tư lớn, có ai ngờ…” (Tuổi trẻ Tp.HCM ngày 25.7.2016). Mọi người có thể tin rằng: quả thực ông ta không ngờ Formosa lại gây ra tội ác hủy diệt không gian sống của con người khủng khiếp đến thế (nhà văn Hoàng Quốc Hải đã khẳng định “là một vụ đầu độc khổng lồ có dự mưu chứ không phải vô tình. Một thảm họa môi trường do con người gây ra với quy mô lớn như thế này chưa từng một lần xảy ra trên trái đất!” – Văn nghệ số 32 ngày 6.8.2016). Nhưng mọi người hồ nghi việc ông ta và các quân sư đã không “dò cho tới ngọn nguồn lạch sông” để nhận ra lý lịch bất hảo của cái tập đoàn từng được trao giải “Hành tinh đen”, từng bị tẩy chay, nguyền rủa ở nhiều nơi trên thế giới và ở ngay chính quê hương của nó. Và chắc họ phải thừa biết, chống lưng đằng sau cái C.ty mang tên Đài Loan kia chẳng phải là “kẻ lạ” nào! Nhưng ông Võ Kim Cự và những người có trách nhiệm của tỉnh khi đó đã “cố đấm ăn xôi”, bằng mọi giá trải thảm đỏ rước “của nợ” khốn nạn tột cùng lưu manh đó vào Sơn Dương – Vũng Áng nhà mình, vốn là một trong bốn yếu huyệt bảo vệ an ninh lãnh thổ Việt Nam từ hướng biển, mau chóng tạo những ưu đãi tốt nhất cho nó, bất chấp “quy luật phát triển bền vững, quyền lợi của dân, sự phát triển kinh tế mà không ảnh hưởng tới môi trường, xã hội” – như những lời cửa miệng của họ!

Nhưng trong bao điều chê trách, đàm tiếu, phê phán “những kẻ mũ cao áo rộng”- như chữ dùng của Cụ, thực ra cũng có phần oan ức cho họ, bởi xét tận cùng, “sự cố Formosa”- theo cách nói giảm khinh của những nhà chính trị- chỉ là giọt nước làm tràn đầy cốc nước của thảm họa Môi trường-Sinh thái nhiều tập ở nước ta. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường ngày 24.8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ hiện giờ cũng phải khẳng định: tình trạng ô nhiễm môi trường bùng phát gần đây là do tích tụ từ lâu trong quá trình phát triển, giờ bắt đầu bộc lộ.

Thưa Thanh Hiên Nguyễn tiên sinh, con buộc phải nói ra cái sự thật này: Giữa lúc cả xã hội loài người đang xao xác, tơi tả bởi những vấn đề Môi trường cùng các hệ lụy đau lòng bởi Môi trường bị tàn phá, Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, giữa khi con người trên khắp hành tinh đang bị Thiên nhiên trả thù đích đáng bởi sự thiển cận, độc ác, tham lam của chính mình, trong khi Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh sinh thái và thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, thì những người có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên & Môi trường nước ta (cùng các Bộ-Vụ-Viện có liên quan) – nói như một nhà khoa học Môi trường Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Đắc Hy – trong nhiều năm qua “đã làm Môi trường mà không hiểu nội dung thực sự của Môi trường… Người ta mới chỉ làm chính trị về Môi trường chứ chưa làm Môi trường.”(3). (Cái tối kiến: “biển tự làm sạch”, cũng như hành động biểu diễn xuống biển chưa hết độc để tắm rồi ăn hải sản… cũng là những biến thái của lối “làm chính trị về môi trường”! Thậm chí, một vị quản lý cấp Bộ chắc cũng phải có bằng tiến sĩ khoa học đã trâng tráo bênh vực Formosa bằng sự bịp bợm chính trị: cá chết hàng loạt là bởi thủy triều đỏ, tảo nở hoa!).

Suốt một thời gian dài (từ 1983 tới nay), nhiều lần nhà khoa học Môi trường giàu lương tâm nói trên đã kiến nghị với những người có trách nhiệm: vấn đề không chỉ là bảo vệ Môi trường, mà còn phải bảo vệ Tài nguyên và rất nhiều vấn đề khác quan trọng không kém của Môi trường, vì thế cần phải có Luật Môi trường! Nhưng tiếng nói của ông bị chết yểu, cho đến nay vẫn chỉ là Luật Bảo vệ Môi trường! (Hiện giờ mới đang có đề nghị đổi thành Luật Môi trường). Mọi hậu quả trước nay vẫn quy lại là do “Bất cập đánh giá tác động môi trường”, mà thực chất chỉ là “những báo cáo ĐTM chung chung và hình thức”- như chính ông Bộ trưởng TN&MT đã phải thú nhận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của bộ này tổ chức vào ngày 18.7.2016. (Tuổi trẻ Tp.HCM ngày 19.7.2016). Những lần buộc phải thú nhận như vậy sau bao sự cố Môi trường cùng những lời hứa hẹn thề thốt nhiều như lá đa khiến mọi người liên tưởng tới một nhân vật của Cụ lúc “Quá lời nguyện hết thành hoàng thổ công”…

Sự trì trệ, bảo thủ, tầm nhìn hẹp, yếu kém về chuyên môn, cộng với tình trạng tham nhũng khoa học, quyền lợi nhóm đã khiến Sự nghiệp Môi trường của nước ta trở nên lạc hậu so với thế giới hàng thập kỷ, và là căn nguyên của cả một hệ thống chính sách sai lầm, kém cỏi (và, xin lỗi, ngu xuẩn) về các vấn đề Môi trường. Điều đó dẫn tới hệ quả là Môi trường ô nhiễm tràn lan, Thiên nhiên bị tàn phá không thương tiếc, Tài nguyên (tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người) bị khai thác bừa bãi, phung phí, khiến những ai có lương tri và hiểu biết đều phải đau xót đến đứt ruột.

Thưa Cụ, người ta đã tàn phá bãi biển miền Trung tuyệt đẹp vì khai thác ti-tan ồ ạt, những quả bom bùn đỏ treo lơ lửng ở Tây nguyên sẵn sàng đổ ụp xuống bất cứ lúc nào để dìm trọn cư dân vùng đồng bằng Nam Trung bộ, rác thải độc hại hàng ngàn tấn chôn lấp khắp nơi (nhức nhối nhất là rác độc Formosa ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh), việc xả nước đầu nguồn để phi tang ô nhiễm nhân danh thủy điện cuốn theo các chất độc hại về hạ nguồn, đầu độc tất cả nguồn nước sinh hoạt & sản xuất, hàng trăm ngàn ha rừng kể cả rừng bảo hộ lẫn rừng đầu nguồn khắp ba miền bị bán và bị xẻ thịt vô tội vạ, những “nạn nhân Thị Vải” tương lai đang thót tim chờ đợi số phận mình, những dòng sông từ Bắc vào Nam vốn ứ tràn phù sa bị bức tử nhiều lần, nay đang hấp hối, v.v. Còn biết bao minh chứng hùng hồn nữa mà con chưa kể đến!

Nhà khoa học Nguyễn Đắc Hy, trong công trình đồ sộ “Môi trường và con đường phát triển” đã phân tích khá kỹ lưỡng hai nội dung khái niệm: “Tài nguyên Thiên nhiên” và “Tài nguyên Con người” (“Tài nguyên con người” là một khái niệm đang được các nước tiên tiến coi là nhân tố hàng đầu của phát triển), cùng khái niệm “Lượng giá trị của tài nguyên” trong mối quan hệ khăng khít với Môi trường và những vấn đề kinh tế học của Môi trường… Đặc biệt, tác giả đã chỉ ra rằng: vấn đề tranh chấp Tài nguyên là điều vượt ra ngoài các hệ thống chính trị! Sau khi nói đến tình trạng khai thác bừa bãi vốn Thiên nhiên, vốn Con người suốt những năm qua, tác giả thốt lên: “vốn Tài nguyên đó của Đất nước nếu không biết quý trọng, không biết khai thác, quản lý một cách khoa học và có lương tâm thì sẽ có tội lớn với Dân tộc!” Ông đã bị lãnh đạo các cơ quan nhìn bằng con mắt ghẻ lạnh, thù ghét vì dám nói tới sự bất cập, phi lý trong chuyện khai thác các khu công nghiệp, sân golf… dẫn tới mất bao bờ xôi ruộng mật dành cho nông nghiệp, trong việc đầu tư, xuất khẩu lao động bừa bãi…

Ông bảo: ở nước ta, người nghiên cứu kinh tế thường chỉ quan tâm đến đồng tiền nhảy múa mà bỏ quên vấn đề Tài nguyên (Thiên nhiên và Con người). Từ nguyên lý kinh điển của Adam Smith cách đây 3 thế kỷ (một học thuyết kinh tế cho rằng của cải một quốc gia gồm đất đai + vốn sản xuất + vốn con người, và đã chỉ ra mối liên hệ giữa những thay đổi của cải và tính bền vững của sự phát triển), tác giả “Môi trường và con đường phát triển” đã cảnh báo: “nếu một nước mà tài nguyên bị khai thác cạn kiệt hay dùng vào các mục tiêu công nghiệp, thương mại không cân đối với phát triển con người trong tương lai thì điều đó đồng nghĩa với suy thoái và nghèo đói.” Và ông khẳng định: “Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, nơi nào mà các chỉ số bền vững về kinh tế – xã hội như: mức sống, sức khoẻ, văn hoá, dân số, tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường ngày một gia tăng nơi ấy sẽ tồn tại và phát triển. Chỉ có áp dụng đầy đủ các nguyên lý sinh thái học chúng ta mới có thể xây dựng được nền kinh tế xã hội bền vững”. (4)

Trong cuốn sách “Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI” của hai tác giả Aurelio Peccei (Italia) và Daisaku Ikeda (Nhật) viết những năm cuối thế kỷ XX có những dòng trước hết “cảnh tỉnh” cho những nhà cầm quyền nước ta hiện tại: “Thật vô lý nếu chúng ta xao lãng những cơ hội to lớn mà nhân loại có được do kết quả của tri thức cùng những phương tiện khoa học; và cũng thật vô lý nếu chúng ta từ chối trách nhiệm cải thiện số phận của chính chúng ta.” Trong khi cố gắng “thức tỉnh con người”, thực hiện “cuộc cách mạng con người”, hai tác giả đó đã nhấn mạnh yếu tố “con người” như một dạng năng lượng đặc biệt có sức mạnh kỳ diệu: “Chúng tôi cho rằng, rất nhiều vấn đề chủ yếu hiện nay là thuộc về tư tưởng và đạo đức, và không có một sức mạnh khoa học kỹ thuật nào hoặc biện pháp kinh tế nào có thể giải quyết được những vấn đề đó… Khi chúng ta tự hoàn thiện mình từ bên trong, chắc chắn chúng ta không bao giờ bị sụp đổ…” (5)

Thưa Cụ, điều này hẳn Cụ cũng biết rõ hơn kẻ hậu sinh: cái suy tưởng về giá trị vô song của năng lượng đạo đức – tinh thần – tư tưởng sẽ cứu rỗi thế giới đó, từ hơn hai nghìn năm trước, Đức Phật đã đề cập tới. Và trong kỷ nguyên năng lượng – khí hậu, nhất là trong thế kỷ XXI này, những vấn đề môi trường và phát triển trong mối quan hệ với tư tưởng & đạo đức lại được đặt ra một cách gay gắt hơn bao giờ hết. Martin Luther King, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi, người đoạt giải Hòa Bình năm 1964 đã từng nói: “Trong đống ngổn ngang hài cốt và tàn dư của nhiều nền văn minh, nổi lên một dòng chữ đầy nuối tiếc: Quá muộn rồi. Sau đây, chúng ta sẽ đi về đâu, sự hỗn loạn hay một cuộc sống cộng đồng?” (6)

Thưa Thanh Hiên Nguyễn tiên sinh, trong ngày Giỗ Cụ, con đã quấy quả Anh hồn Cụ quá nhiều, cũng bởi sự thôi thúc, kêu cứu từ hàng triệu đồng bào của Cụ và của con đang choáng váng, mệt mỏi, tuyệt vọng và hỗn loạn trước một đại thảm họa Môi trường-Sinh thái chưa từng thấy đã được báo trước liên quan tới sự tồn vong của giống nòi; và những người đã chết vì ngộ độc cùng các sinh vật Biển yểu mệnh đang trong cảnh ngộ vật vờ “Mà cô hồn biết bao giờ cho tan” như Cụ từng đồng cảm… Chắc chắn phải mất nhiều thập niên nữa, hệ sinh thái quý giá của thềm lục địa miền Trung may ra mới có thể khôi phục được ít nhiều!

Trước giọt nước mắt đang lặng lẽ chảy của người phụ nữ ngư dân Kỳ Anh chưa biết mai đây sống ra sao khi biển chết không có thời hạn và trước đôi mắt ngơ ngác của bé gái bị thất học đang chờ bố suốt mấy tháng nay đưa anh trai đi phiêu bạt làm thuê, con lại nhớ đến nỗi xót thương vô bờ của Cụ đối với Thập lọai chúng sinh cùng những câu thơ Kiều rớm máu, những câu thơ như thầm nhắc nhở cháu con điều đơn giản song hệ trọng: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”, cũng có ý nghĩa tựa lời nhắn gửi của hai học giả hiện đại nước ngoài nọ: “Khi chúng ta tự hoàn thiện mình từ bên trong, chắc chắn chúng ta không bao giờ bị sụp đổ…”. Mà để làm được điều này, người Dân lại cần đến rất nhiều sự hỗ trợ công tâm, chính trực của một Chính quyền trong sạch, biết thương Dân thực sự.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích nhiều và khẳng định chắc chắn về những giá trị văn chương bất hủ của Cụ; nhưng về phẩm cách Con người Cụ trên cương vị một quan chức trong hệ thống công quyền nhà Nguyễn còn ít được đề cập tới. Mà gốc rễ của phẩm cách đó, chính là tình thương Dân nghèo- kể cả người dân nghèo nước khác, và sự khảng khái của Cụ trước mọi nỗi bất công ở đời- xuất phát từ Sự thật và Lòng xót thương vốn là một căn cốt của đạo Phật, cùng một lương tâm không núi bạc núi vàng nào có thể mua được! Cụ được các thế hệ muôn đời sau ngưỡng vọng không chỉ bởi những áng văn “thiên thu tuyệt diệu từ”, mà còn bởi nhân cách đáng trọng như thế của một bậc “chăn dân” dù ở phẩm Tri phủ hay lên tới chức Cần chánh điện học sĩ, khiến không ít quan chức còn biết xấu hổ thời nay phải ngượng ngùng khi soi vào tấm gương đời Cụ. Đòi hỏi của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đối với người cầm quyền trong ngày Quốc khánh: “Cần lấy lại niềm tin trước sự rộng lượng của nhân dân”, cũng là nguyện vọng của hàng chục triệu người Việt hôm nay. Niềm tin ấy, như một tâm thế thiêng liêng của Dân tộc Việt Nam, chính Cụ cũng đã kêu gọi từ hơn hai thế kỷ trước: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi…”

Xin bái lạy Cụ và xin được hóa mấy vần thơ vụng tức cảnh trên mộ Cụ khi con về Hà Tĩnh, coi như lời truy điệu của cá nhân con trước Anh linh đại thi hào:

NGHI XUÂN

Bến sông ngợp gió Tiên Điền
Chòng trành đôi mảnh ngư thuyền dòng Rum
Đâu rồi đỉnh Hống xanh um
Chỉ còn giọt lệ bay trùm Hoan Châu
Cúi nhìn mặt nước trôi mau
Làm thơ chi nữa, thêm sầu Tố Như !…


KỲ ANH

Con đi qua huyện Kỳ Anh
Chợt nhớ Cụ, xót dân lành bơ vơ
Con thuyền chết lặng trên bờ
Rêu đen đang phủ xóa mờ đại dương
Bóng Người quanh quất đêm trường
Khóc cùng Dân, hóa chữ Thương ngàn đời…

Nguyễn Anh Tuấn
1. Sinh tiền bất tận tôn trung tửu/ Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi ( Sống mà uống chẳng bao nhiêu/ Chết rồi ai xách rượu theo rưới mồ)

2. Hội thảo quốc tế: “Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại”, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng UBND tĩnh Hà Tĩnh tổ chức vào ngày 08. 8. 2015 tại Hà Nội.

3,4. Nguyễn Đắc Hy- Môi trường và con đường phát triển– Nxb CAND, HN 2013

5. Aurelio Peccei và Daisaku Ikeda – Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI – Trương Chính dịch, Nxb Chính trị Quốc gia, HN 2011

6. Dẫn theo: Phát triển bền vững trong tầm nhìn của thời đại – Viện Sinh thái và Môi trường- HN 2003

Hà Nội – Hà Tĩnh tháng 9/2016

Mai An Nguyễn Anh Tuấn (làm phim, viết văn, viết báo)

Vì sao Trung Quốc lại cố tổ chức G20 một cách chu đáo?

RFI

mediaChủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đọc diễn văn bế mạc thượng đỉnh G20 Hàng Châu, Chiết Giang, ngày 05/09/2016.REUTERS/Damir Sagolj
Thượng đỉnh G20 Hàng Châu, Trung Quốc kết thúc hôm thứ Hai 05/09/2016. Lần đầu tiên là nước chủ nhà tổ chức cuộc họp thượng đỉnh quy tụ 20 quốc gia giầu có nhất hành tinh, Bắc Kinh đã lộ rõ tham vọng cường quốc của mình. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, Trung Quốc cũng đang trả giá đắt cho chính những tham vọng này của mình. Báo Le Monde số ra ngày 06/09/2016 có bài phân tích đề tựa « Trung Quốc, nước chủ nhà G20 quá hoàn hảo ! »
Mở đầu bài viết, Brice Pedroletti, phóng viên thường trú của Le Monde tại Bắc Kinh nhận định trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, Trung Quốc đã phòng ngừa, không để cho xẩy ra bất kỳ chuyện gì ngoài ý muốn : cảnh sát tràn ngập khắp nơi, chỉnh trang đô thị, xây trung tâm triển lãm mới toanh và tuyệt đối không có khói ô nhiễm vì các nhà máy bị đóng cửa. Nỗ lực này tương xứng với những tham vọng của Trung Quốc lần đầu tiên chủ trì thượng đỉnh G20.
Một sự phô trương sức mạnh mà thế giới đã quen nhìn thấy ở Trung Quốc : đó là một sự dàn cảnh, trong thời gian có cuộc họp thượng đỉnh, cho thế giới cũng như người dân trong nước thấy được « giấc mơ một nước Trung Hoa phục sinh », một ý tưởng mà chủ tịch Tập Cận Bình rất tâm đắc. Nhưng việc dàn cảnh đó cũng xác nhận rõ sự tồn tại của một hậu trường mênh mông và tăm tối, mà ở đó cơ chế toàn trị thúc giục toàn bộ hoặc gần như toàn bộ người dân các thành phố phải đi nghỉ, làm biến mất các tiếng nói đối lập và chỉ trích hoặc quy định việc tiếp cận internet tùy theo tình hình.
Chắc hẳn Trung Quốc bây giờ không phải là « anh chàng khổng lồ kinh tế và là chú lùn chính trị» như trường hợp của Nhật Bản ở thời kỳ trước khi Trung Quốc trỗi dậy. Thượng đỉnh G20 là thời điểm tôn vinh một loạt các sáng kiến mà Trung Quốc đưa ra từ năm 2013 để nước này có trọng lượng hơn trong trật tự thế giới – theo như chính mong muốn của phương Tây, vốn gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trong số các « sáng kiến mang tính định chế » đó – theo như cách gọi của nhà nghiên cứu Françoise Nicolas trong số mới nhất của tạo chí nghiên cứu Triển Vọng Trung Quốc (Trung Quốc muốn trật tự quốc tế nào)- có việc thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Á Châu AIIB, vào năm 2015.
Về sáng kiến này của Bắc Kinh, bà Franҫoise Nicolas, giám đốc Trung Tâm Châu Á, Học viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, nhận xét, đây « là một bước ngoặt thật sự trong việc phản đối trật tự đã được thiết lập ». Tại Trung Quốc, việc Canada, ngay trước khi khai mạc G20, thông báo tham gia BAII, được đánh giá như là một thành công trong việc « lôi kéo được một đồng minh mới của Hoa Kỳ ».
Gậy ông đập lưng ông
Theo phóng viên nhật báo, trong vòng ba năm gần đây, Bắc Kinh đang bị một loạt cú « gậy ông đập lưng ông » do chính những chính sách ngoại giao của mình. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn thản nhiên tự khẳng định mình.  Việc Trung Quốc chiếm các đảo ở Biển Đông đã làm cho Tòa Trọng Tài La Haye ra phán quyết hồi tháng 07/2016, bất lợi cho nước này. Tuy Trung Quốc sẽ không bị hất ra khỏi các đảo này, nhưng cái giá phải trả rất là cao.
Theo bà Valerie Niquet, phụ trách mảng châu Á, thuộc quỹ nghiên cứu chiến lược FRS, « Hầu như toàn bộ các nước châu Á – ngoại trừ Lào, trong một chừng mực nào đó là Cam Bốt và Bắc Triều Tiên - đều trông đợi cường quốc Mỹ trở lại khu vực nhằm làm đối trọng với sức mạnh đáng lo ngại của Trung Quốc. Phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye là một đòn giáng vào Trung Quốc. Nước này giờ đây mới nhận ra rằng khả năng chiêu dụ - từ lâu được dựa trên sức tăng trưởng kinh tế hấp dẫn – không giúp họ tránh được các phán xét của cộng đồng quốc tế. »
Đối với hồ sơ Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh đã tỏ thái độ kỳ thị lạnh nhạt với Bình Nhưỡng để ve vãn Seoul, để rồi sau đó chỉ trích nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye kể từ khi bà muốn tăng cường hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Trong quan hệ với Nhật Bản, sự nghi kỵ lẫn nhau cực kỳ cao. Hình ảnh Trung Quốc tại xứ sở Hoa Anh Đào chưa bao giờ tệ như lúc này kể từ khi Bắc Kinh tiến hành mở cửa và cải cách.
Tại Hồng Kông, một hồ sơ hiểu theo nghĩa hẹp là chính trị nội bộ, nhưng lại có rất nhiều hệ lụy trên phạm vi quốc tế, sự chống đối kém tinh tế của Bắc Kinh đối với các dự án, cải cách chính trị đã đẩy một bộ phận giới trẻ xuống đường năm 2014. Hai năm sau « phong trào dù vàng », Hồng Kông đang vang vọng những lời kêu gọi đòi độc lập. 
Cuối cùng là Đài Loan. Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu (Quốc Dân đảng) với lập trường theo chân Bắc Kinh, hồi năm 2015, đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ, có lợi cho phe đối lập trong cuộc bầu cử hồi tháng Giêng 2016. Quan hệ Bắc Kinh - Đài Bắc đang ở mức tồi tệ nhất kể từ thời tổng thống Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian 2000-2008), cho dù lần này, bà Thái Anh Vănv(Tsai Ing-wen), tân tổng thống, không làm gì để làm cho Bắc Kinh nổi giận.
Chuyên gia chính trị Lâm Hòa Lập (Willy Lam), tại Hồng Kông, tác giả một cuốn sách được xuất bản gần đây, về chủ tịch Tập Cận Bình, thì cho rằng : « Trung Quốc không có quốc gia bằng hữu – mà chỉ toàn là các quốc gia khách hàng lệ thuộc vào sự hào phóng của Trung Quốc, như Lào, Cam Bốt hay Pakistan ». Ông Tập Cận Bình đang sử dụng « ngoại giao đao kiếm theo kiểu Putin », bởi vì « chủ nghĩa dân tộc là trụ cột sống còn duy nhất cho tính chính đáng của đảng Cộng sản trong bối cảnh kinh tế bị suy giảm ».
Để kết thúc bài viết, tác giả dẫn lời bà Valérie Niquet nhận định là Trung Quốc đang làm «dấy lên nhiều nỗi lo lắng trong lúc cánh cửa cơ hội – cách diễn đạt của các lý thuyết gia Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng 2009 –đang khép lại. Do đó, chiến lược khẳng định sức mạnh, đi kèm với những lời kêu gọi liên tục phát triển khả năng quân sự, đã không chú ý tới những nhu cầu thực tại của nền kinh tế và xã hội Trung Quốc. Chiến lược này tạo ra một tình trạng chối bỏ, kể cả tại Trung Quốc, nơi mà hiện tượng chuyển vốn ra bên ngoài, nhiều trí thức hoặc những người thuộc tầng lớp trung lưu bỏ nước ra đi cho thấy là có một sự khó chịu nào đó hoặc mất lòng tin vào khả năng tiến triển của chế độ ».

Biển Đông: Tổng thống Pháp « đi dây » giữa Bắc Kinh và Hà Nội

Thụy My

mediaTổng thống Pháp François Hollande và chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Hà Nội ngày 06/09/2016.REUTERS/Luong Thai Linh/Pool
Viết về chuyến công du Việt Nam của nguyên thủ Pháp vừa kết thúc hôm 07/09/2016, đặc phái viên Le Monde tại Hà Nội nhận định « Giữa Bắc Kinh và Hà Nội, ông Hollande duy trì một thế thăng bằng nhạy cảm ». Tổng thống Pháp ủng hộ một Việt Nam đang lo lắng trước tham vọng lãnh thổ trên biển của Bắc Kinh, nhưng thận trọng không muốn làm mích lòng người khổng lồ Trung Quốc.





Đến Hà Nội sau khi tham dự thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc, tổng thống François Hollande hôm thứ Ba 06/09/2016 đã biết chọn lựa ngôn từ để làm hài lòng cử tọa Việt Nam đang lo ngại trước sức mạnh đang lên của Bắc Kinh tại Biển Đông. « Chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam trong việc giữ an ninh không gian hàng hải quân sự » - tổng thống Pháp đã tuyên bố như trên trước các giảng viên và sinh viên trường đại học Hà Nội.
Báo chí Việt Nam đã đưa lời tuyên bố này làm một trong những tựa chính trên trang nhất tối hôm đó. Đối với Hà Nội, tất cả ủng hộ từ những quốc gia có trọng lượng đều quý giá, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.
Sau khi hội đàm với chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, ông François Hollande, nguyên thủ Pháp đầu tiên thăm Việt Nam từ 12 năm qua, cũng nhắc lại rằng Pháp muốn « tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trong lãnh vực quốc phòng để đảm bảo tự do hàng hải (tại Biển Đông) và tôn trọng Luật Biển ».
Trung Quốc vốn tiếp tục bồi đắp tại các đảo chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với nhiều nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, đã bị lãnh trọn một cái tát hồi tháng Bảy. Xem xét đơn kiện của Philippines, Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye đã nhận định việc xây lên các đảo nhân tạo trong vùng này là vi phạm Luật Biển, và yêu sách chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc là bất hợp pháp.
Dù vậy ê-kíp của ông François Hollande muốn giảm nhẹ các phát biểu của nguyên thủ Pháp, nói rằng cần đặt vào bối cảnh bao quát hơn của quan hệ Pháp-Việt, kể cả trong lãnh vực hợp tác quân sự thường kỳ, nhất là việc huấn luyện các quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Hồi tháng Sáu, bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhân Đối thoại Shangri-La ở Singapore đã không ngần ngại đề nghị các nước châu Âu tham gia tuần tra Biển Đông. Ông nói : « Tình hình Biển Đông có quan hệ trực tiếp với Liên hiệp Châu Âu (EU), tự do hàng hải phải được tôn trọng, không chỉ vì lợi ích kinh tế. Ngay từ lúc này, tại sao lại không nghĩ đến việc phối hợp các lực lượng Hải quân châu Âu để bảo đảm một sự hiện diện thường xuyên và công nhiên trên vùng biển châu Á ? »
Nhưng đối với Bruxelles, có những hồ sơ khác có vẻ khẩn cấp hơn, mà hàng đầu là « Brexit ».Và không nên làm mích lòng Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại chính của châu Âu.
Những người thân cận với tổng thống Pháp khẳng định Việt Nam không đòi hỏi gì hơn, so với những ủng hộ về ngoại giao lâu nay của Paris. Nguồn tin này nói thêm, Hà Nội không hề có ảo tưởng là Pháp sẽ có quan điểm cứng rắn hơn trước Bắc Kinh.
Ý kiến này không được phía Việt Nam hoàn toàn đồng tình. Theo ông Nguyễn Quý Bình, cựu đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và phó khoa Quan hệ Quốc tế của trường đại học Hà Nội, thì Việt Nam vẫn hy vọng được Paris hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Ông nói : « Tất nhiên chúng tôi biết rằng Pháp không thể để mất mối quan hệ với Trung Quốc. Nhưng nếu cho rằng Việt Nam không hề chờ đợi gì ở nước Pháp, thì đó là sai lầm. Pháp có tiếng nói trong châu Âu. Nếu Paris tỏ ra kiên quyết hơn trong việc bảo vệ các nguyên tắc an ninh tại Biển Đông, tôi nghĩ các nước châu Âu khác sẽ theo chân. Việt Nam cần đến các bạn ». Theo ông Nguyễn Quý Bình, « Paris và Hà Nội cần phải vượt lên trên giai đoạn hợp tác văn hóa đơn thuần 

Nhà nước có nên bán hết những "mỏ vàng" ngàn tỷ?

“Nhà nước cần chấm dứt việc góp phần vào tình trạng gia tăng bệnh ung thư và trò chơi may rủi với nhân dân thông qua việc nắm giữ cổ phần tại hai lĩnh vực này,” PGS-TS. Võ Trí Hảo nói.
Trao đổi với Infonet, PGS-TS. Võ Trí Hảo - Phó Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh – cho rằng gần đây Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc bán vốn nhà nước cũng như thúc ép các “ông lớn” nhà nước như Habeco và Sabeco lên sàn. Tuy nhiên, hai lĩnh vực mặc dù đem lại nguồn thu khổng lồ nhưng lại gây tác hại đến xã hội là thuốc lá và xổ số, nhà nước cần thoái vốn toàn bộ khỏi hai lĩnh vực này.
Nhà nước có cần tham gia vào thuốc lá và xổ số?
Tại phiên họp của Thường trưc Chính phủ ngày 29/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “tinh thần bán vốn nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch, đưa lên sàn chứng khoán, đấu giá quốc tế trong nước, công khai cả nhà đầu tư để chống tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước”.
Tại Habeco, cổ đông nhà nước nắm giữ 81,79% vốn điều lệ, còn tại Sabeco, cổ phần do Nhà nước hiện nắm giữ là 89,59% vốn điều lệ. Thủ tướng giao Bộ Công Thương xây dựng phương án bán tiếp cổ phần tại Habeco và Sabeco, bảo đảm hiệu quả cao nhất, từ đó rút bài học kinh nghiệm cho việc bán vốn tại các doanh nghiệp khác..

PGS-TS. Võ Trí Hảo cho rằng chính sách đẩy mạnh bán vốn nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước của Chính phủ là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Đây không phải là chủ trương hoàn toàn mới, mà đã có từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải, nhưng cái mới ở đây là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tỏ rõ  quyết tâm thực sự và chỉ rõ phương thức thực hiện.
“Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chủ trương thúc ép các doanh nghiệp nhà nước phải tiến hành IPO, phải lên sàn trước rồi mới bán phần vốn còn lại do nhà nước nắm giữ, ví dụ đối với Sabeco và Habeco đã được Thủ tướng chỉ đạo đích danh. Nếu làm được điều này sẽ tránh được tình trạng định giá tài sản DNNN quá rẻ; các nhóm lợi ích cấu kết mua rẻ DNNN như đã từng xảy ra trong 2 thập niên vừa qua,” PGS-TS. Võ Trí Hảo nhận định.
Tuy nhiên, theo quan điểm của PGS-TS. Võ Trí Hảo, sau rượu bia, nhà nước cũng nên thoái vốn ra khỏi hai ngành nhạy cảm là thuốc lá và xổ số. Đây là hai lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước nhưng mặt trái của hai ngành này đối với sức khỏe và đời sống xã hội là điều không cần phải bàn cãi.
“Nhà nước cần chấm dứt việc góp phần vào tình trạng gia tăng bệnh ung thư và trò chơi may rủi với nhân dân thông qua việc nắm giữ cổ phần tại hai lĩnh vực này,” PGS-TS. Võ Trí Hảo nói.
Cần tránh cổ phần hóa nửa vời
Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, 7 tháng đầu năm 2016 đã có 58 DNNN được cổ phần hóa, thu về cho nhà nước 5.291 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số đợt IPO gần đây cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư như IPO đối với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Dược Việt Nam, Tổng Công ty Viglacera, và Tổng Công ty Chăn nuôi… 
Giá trị cổ phần bán được trong 8 tháng đầu năm 2016 cũng tăng hơn 60% so với thực hiện của cả năm 2015 nhờ vào giá trị lớn của các Tổng công ty này. 
Mặc dù vậy, tiến trình tái cơ cấu DNNN chưa đáp ứng kỳ vọng của NĐT ở 3 yếu tố: Tốc độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ở những doanh nghiệp lớn và có vị thế trong ngành kinh doanh; Sự minh bạch và cải tiến của doanh nghiệp sau cổ phần hóa; Sở hữu nhà nước không thực sự thu hẹp.
Điểm nổi bật nhất trong thời gian qua là việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk, bước đầu cho việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp số 1 trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không thay đổi phương thức tiến hành và tốc độ hiện tại, việc bán vốn nhà nước tại Vinamilk được các chuyên gia cho rằng có thể sẽ mất thêm một vài năm nữa.
Cuối cùng, PGS-TS. Võ Trí Hảo cho rằng để thực hiện thành công lộ trình thoái vốn nhà nước, Thủ tướng Chính phủ cần phải vượt qua được lực cản của các nhóm lợi ích liên quan.
Nguyễn Tuân

Hậu Giang phát công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh

09/09/2016 08:05 GMT+7

TTO - Vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh đã có thêm những thông tin chính thức và rõ ràng hơn.
Hậu Giang phát công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh
Ông Trần Quốc Vượng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương - chủ trì kỳ họp từ ngày 6 đến 8-9 - Ảnh: Trang thông tin điện tử Ủy ban Kiểm tra trung ương
Thông tin chính thức và mới nhất phát ra từ Ủy ban Kiểm tra trung ương sau cuộc họp 3 ngày (6 đến 8-9) của cơ quan này tại Hà Nội.
Đề nghị khai trừ Đảng đối với ông Thanh
Sau khi xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh (tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016), Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận thấy những khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông Thanh.
Trong quá trình kiểm điểm, ông Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực; chưa thành khẩn, tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm. Do đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Trong khi đó, theo thông báo của văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang, ngày 8-9 văn phòng Tỉnh ủy đã nhận được văn bản của ông Trịnh Xuân Thanh gửi cho thường trực Tỉnh ủy (bản photo, được gửi qua đường bưu điện).
Trong văn bản này, ông Trịnh Xuân Thanh giải trình một số vấn đề liên quan đến bản thân ông do đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương đặt ra, đồng thời có nguyện vọng xin ra 
khỏi Đảng.
Như vậy đến thời điểm hiện tại (8-9-2016), thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang đã nhận được đơn xin ra khỏi Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và xin ra khỏi Đảng của ông Trịnh Xuân Thanh.
Đồng thời, thường trực Tỉnh ủy đã có công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh để báo cáo những vấn đề nêu trên.
Ông Lê Công Lý - chánh văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang - xác nhận văn bản mà Tỉnh ủy Hậu Giang nhận được có chữ ký của ông Trịnh Xuân Thanh giống với văn bản đang được lan truyền trên mạng xã hội trong mấy ngày qua.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã đến trụ sở Tỉnh ủy Hậu Giang liên hệ đăng ký xin gặp làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy để tìm hiểu xung quanh vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh nhưng các cán bộ văn phòng Tỉnh ủy cho biết bí thư Tỉnh ủy, phó bí thư Tỉnh ủy và chánh văn phòng Tỉnh ủy đều đi công tác.
Hậu Giang phát công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh thời kỳ làm bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
Bắt đầu từ chiếc Lexus biển số xanh
Tháng 6-2016, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh bị dư luận phản ứng vì sử dụng chiếc xe biển số xanh hiệu Lexus. Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc xác minh.
Kết quả cho thấy chiếc Lexus mà ông Thanh sử dụng thực chất là xe thuộc sở hữu tư nhân đã được “hóa kiếp”, gắn biển xanh xe công của UBND tỉnh Hậu Giang để cho ông Thanh sử dụng.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, xác định thêm: Trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là phó bí thư Đảng ủy, tổng giám đốc, bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban thường vụ Đảng ủy, HĐQT, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013).
Vụ việc này đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân trong tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự. Tuy nhiên, ông Thanh lại được thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác.
Với cương vị là tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Trịnh Xuân Thanh đã dùng biển số xe công gắn vào xe tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ngày 15-6, Ban Tổ chức trung ương yêu cầu Hậu Giang tạm dừng bầu cử chức danh phó chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 16-6, ông Thanh có đơn xin vắng mặt tại phiên họp đầu tiên HĐND tỉnh khóa mới và nộp đơn xin không tái cử phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Tháng 7-2016, Hội đồng bầu cử quốc gia đã xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của 496 người trúng cử (ông Thanh trúng cử đại biểu Quốc hội tháng 5-2016). Kết quả, ông Trịnh Xuân Thanh không đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội.
Ngày 13-7, đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đã vào Hậu Giang công bố kết luận sai phạm của 
ông Thanh.
Khoảng đầu tháng 8-2016, ông Trịnh Xuân Thanh có đơn xin thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang nghỉ phép 1 tháng để trị bệnh gout. Tuy nhiên đến nay, theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, đã hết thời gian nghỉ phép (vào ngày 3-9) nhưng ông Thanh vẫn chưa trở lại Hậu Giang 
công tác.
Cảnh cáo nguyên bí thư Thành ủy Hải Phòng Dương Anh Điền
Cũng tại kỳ họp thứ VI, Ủy ban Kiểm tra trung ương sau khi xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với các ông Dương Anh Điền (nguyên bí thư Thành ủy, nguyên bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên chủ tịch UBND TP Hải Phòng), Lê Khắc Nam (ủy viên Ban thường vụ, phó bí thư Ban cán sự Đảng, phó chủ tịch thường trực UBND TP), Đoàn Duy Linh (giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP), đã quyết định thi hành kỷ luật ông Dương Anh Điền, ông Lê Khắc Nam bằng hình thức cảnh cáo, ông Đoàn Duy Linh bằng hình thức 
khiển trách.
Theo thông tin trước đó, ông Dương Anh Điền, ông Lê Khắc Nam và ông Đoàn Duy Linh có nhiều vi phạm liên quan đến việc quản lý, đầu tư dự án nhạc nước với mức đầu tư hơn 200 tỉ đồng.
Theo đó, ba ông này đã vi phạm các quy định của Ban Bí thư khóa X, quy chế làm việc của Thành ủy, quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng ủy UBND TP Hải Phòng trong việc quyết định phê duyệt đầu tư dự án nhạc nước; thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện và vi phạm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chi phí, quản lý hợp đồng, lựa chọn 
nhà thầu.
Những khuyết điểm, vi phạm của tập thể, cá nhân các lãnh đạo TP Hải Phòng dẫn đến dự án nhạc nước còn dang dở, đến nay chưa thể nghiệm thu, thanh quyết toán, bàn giao, đưa vào sử dụng theo đúng mục tiêu, yêu cầu đã được phê duyệt, làm thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương.
Đối với tập thể Ban cán sự Đảng UBND TP: Ban cán sự Đảng UBND TP nhiệm kỳ 2010-2015 đã thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo UBND thực hiện kết luận của thường trực Thành ủy về chủ trương nghiên cứu phương án triển khai dự án nhạc nước, thực hiện không đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng đối với dự án.
Các sai phạm của dự án này đã được dự báo từ năm 2012, khi dàn nhạc nước đưa ra đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của cán bộ lão thành, lãnh đạo TP và nhân dân.
Điều đáng nói, thay vì tổ chức mời thầu để chọn đơn vị thi công có năng lực thì lãnh đạo Hải Phòng khi đó lại chỉ định một nhà thầu.
Dự án khi đưa vào sử dụng trong tình trạng nhếch nhác, các thiết bị để ngổn ngang phơi mưa phơi nắng với hình thức xấu khiến dư luận 
bức xúc.
THÂN HOÀNG
10 năm 
thăng tiến của ông Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh sinh năm 1966, quê quán tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành quy hoạch đô thị tại Đại học Kiến trúc. Ông từng giữ nhiều chức vụ khác nhau tại Tổng công ty Sông Hồng.
Năm 2007, ông Thanh được điều về làm phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí VN (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN).
Năm 2009 được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT PVC (thuộc PVN).
Tháng 9-2013, khi PVC rơi vào tình cảnh thua lỗ trầm trọng và có nguy cơ mất vốn, ông Thanh được bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm làm phó chánh văn phòng Bộ Công thương kiêm trưởng đại diện văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng.
Tháng 2-2014, ông Thanh được bộ trưởng Bộ Công thương bổ nhiệm lên chức vụ trưởng - trưởng ban đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương.
Tháng 5-2015, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được luân chuyển làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngày 9-6-2016, ông Trịnh Xuân Thanh đã trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang với tỉ lệ 75,28% phiếu tán thành.
H.T.DŨNG - L.DÂN - TTXVN

Tin khó tin: Bộ trưởng Trần Hồng Hà tái xuất phát ngôn “cá sống” nức lòng dư luận

ĐÀO TUẤN (TỔNG HỢP) | 

Tin khó tin: Bộ trưởng Trần Hồng Hà tái xuất phát ngôn “cá sống” nức lòng dư luận

Nhà máy thép 4.500 tỉ đang đắp chiếu, để suốt 4 năm qua, chúng ta đang còng lưng trả lãi ngót 1.200 tỉ tiền “chậm tiến độ”. Và nguy cơ Formosa vesion 2 mang tên Cà Ná. 3 tỉ đồng thất thoát nước mỗi ngày, những chiếc xe biển xanh vứt đồng nát, trong khi ngót 7.000 đồng tiền thuế trong mỗi lít xăng. Chữ chúng ta ở đây chính là... chúng ta thưa những người bật cái điện thoại lên đọc TKT cũng đã là đóng thuế.

Formosa version Hoa Sen
Bộ trưởng Trần Hồng Hà hôm qua đã thị sát, kiểm tra việc xả thải của Formosa. Và ông yêu cầu thế này: “Chất thải trước khi xả ra biển phải được xử lý tại bể sinh học, trong bể sinh học nuôi các loại cá sống khỏe mạnh”.
Vỗ tay khẩn trương chứ còn gì nữa.
Cảm ơn Bộ trưởng. Giờ đúng là không cần nói nhiều. Hứa, thề, cam kết... gì gì nữa cũng kệ đi. Muốn xả một giọt nước thải thì cứ hẵng nuôi cá sống, cả khỏe, cá có thể ăn được đi đã.
Tôi tin là chỉ cần với cách rất đơn giản, rất dễ kiểm chứng như này Formosa version 1 hay 2 hay n hết đường đầu độc.
Con cá nó không nói dối. Nó không thề thốt chém gió như người đâu.
Trong khi đó, một bài rất đáng chú ý liên quan đến Formosa version Hoa Sen chơi chữ tuyệt vời, rằng “Chọn thép hay chọn cừu”.
Đó là câu hỏi từ thực tế những hồ chứa nước trơ đáy. 6.000 người dân Ninh Thuận thiếu nước sinh hoạt... Và 3 tháng qua, hơn 2.000 con cừu bị chết đói, chết khát.
Câu hỏi ấy, dành cho mỗi người chúng ta chứ không chỉ riêng người dân Ninh Thuận.
Thép, version thứ n
Tin khó tin: Bộ trưởng Trần Hồng Hà tái xuất phát ngôn “cá sống” nức lòng dư luận - Ảnh 1.
Nhà máy thép 8.000 tỉ đắp chiếu 4 năm ngốn của dân thêm 1.200 tỉ tiền lãi chậm tiến độ (TNO).
Lại là thép, vẫn là thép, đến chết vì thép! Không thể không nhắc rằng ở Thái Nguyên, dự án thép 8.000 tỉ đang đắp chiếu suốt 4 năm nay do “bế tắc trong đàm phán với tổng thầu”.
Không nói các bạn cũng có thể đoán ra tổng thầu: Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc.
Không nói các bạn cũng thừa biết: Tổng mức đầu tư từ 3.843 tỉ đã được xin lên thành 8.104 tỉ.
Nhưng 2 điều có thể các bạn chưa biết: Trong 4 năm thực hiện, riêng tiền lãi cho chậm tiến độ đã ngốn 1.200 tỉ. Đương nhiên, nó không từ tiền túi của bất cứ lãnh đạo ngành thép nào.
Và 4 năm, có lẽ nên cộng thêm không biết bao nhiêu chừng ấy nữa, vì - xin cảm ơn sự quyết đoán này - chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp rất mạnh mẽ rằng “Chính phủ không ném thêm tiền vào dự án này”.
Xe biển xanh bỏ hoang
Có thể, con số to 1.200 tỉ từ một dự án không nhỏ khiến chúng ta bức xúc. Nhưng chết nỗi nó lại không hề cá biệt.
Quốc nạn lãng phí ấy đang diễn ra ở khắp nơi mà ngay cả con mắt của một thường dân cũng có thể nhìn thấy.
Xin gắn kèm link câu chuyện về những chiếc xe biển xanh đang bị vứt như vứt rác khắp nơi.
Vứt dưới gốc cây, bỏ hoang trên phố... Ngay cả xe hồng thập tự cũng lăn lóc trong bệnh viện.
Xin gắn ở đây cái link về 556.000 m3 nước, về 3 tỉ đồng chỉ từ việc thất thoát nước ở TPHCM. Vâng 3 tỉ mỗi ngày mà vẫn là trong lộ trình! 90 tỉ mỗi tháng mà vẫn là đã tiết kiệm, chống thất thoát “vượt mức yêu cầu”.
Và mỗi năm... có ai đó nhân hộ với 365, có ai đó bình tĩnh tỉnh táo để viết giùm ra kết quả.
Cái xe, nhà máy, và vân vân giống nhau ở điểm nào? Ở chỗ tất cả đều là từ tiền thuế của dân. Ở chữ công! Một cái chữ xác nhận sở hữu của tất cả nhưng cũng chẳng của ai cả. Xem tại đây và tại đây
Anh thiếu tá và cô con gái phạm nhân
Nhà báo Lê Đức Dục vừa kể lại câu chuyện thiếu tá Hồ Quyết Thắng xin học bổng cho một tân sinh viên - con gái của một phạm nhân mà anh đã từng thụ lý!
Cha cô gái, phạm nhân Nguyễn Quốc Minh, kéo xe thuê ở chợ Đông Hà - bị án 5 năm tù - khi lên xe vào trại cải tạo đã quay ra nói với Thiếu tá Thắng: “Tôi có đứa con gái đang học trường chuyên của tỉnh, cán bộ có cách gì để cháu không bỏ học không? Nhất là hai năm nữa nó thi đại học!”.
2 năm sau, đúng vào thời điểm cô gái thi đại học, Thiếu tá Thắng đã cầm hồ sơ của cô gái để xin học bổng.
Còn có một chi tiết đắt kinh khủng. Ban đầu, thiếu tá Thắng từ chối đưa câu chuyện này lên báo. Và khi đồng ý, anh yêu cầu viết sao đó để cô bé không mặc cảm mình là con của một người tù!.
Hôm qua, một người lái xe dũng cảm cứu người chỉ với suy nghĩ giản dị: Phải cứu người! Thế thôi chứ có gì đâu.
Hôm nay một cán bộ công an đi xin học bổng cho con phạm nhân.
Thưa các bạn, tình người, tình đồng loại có ở trong mỗi chúng ta. Chỉ ở chỗ chúng ta sẽ thể hiện điều đó như thế nào mà thôi.
Dùng xăng cũng là yêu nước
Mục con số hôm nay xin dành để “tôi phục tôi quá”
Ở thời điểm hiện tại, khi mua một lít xăng giá 16.070 đồng, người tiêu dùng chúng ta đang đóng 6.737 đồng tiền thuế các loại, chiếm tới 42% trong cơ cấu giá xăng bán lẻ; chưa tính định mức chi phí kinh doanh mà doanh nghiệp được hưởng.
Trong đó, 1.269 đồng là tiền thuế nhập khẩu, 1.483 đồng tiền thuế giá trị gia tăng (10%) và 985 đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) và 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.
Có nghĩa là sáng sáng, cứ dắt xe ra đường là chúng ta đã yêu nước, đã bảo vệ môi trường.
Phát ngôn hôm nay: Không sợ mất uy tín mà không xử lý
“Quốc hội rất rõ ràng, ngày hôm nay không phát hiện được thì ngày mai phát hiện vẫn kiên quyết xử lý, không sợ mất uy tín mà không xử lý” - Tổng Thư ký, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc hôm qua đã khẳng định với báo chí trước thông tin nguyên ĐBQH Châu Thị Thu Nga khai tại CQĐT là đã bỏ 1,5 triệu USD để “chạy vào QH”.
“Phải làm rõ đưa ai tiền, đưa bao nhiêu, đưa làm gì? Nếu có thì đó là chuyện tày trời - ông Phúc nói đồng thời khẳng định “Nhiều người nói để đeo mác ĐBQH, nhưng mác đó để làm gì khi pháp luật không loại trừ ai, ai vi phạm cũng đều bị xử lý”.
Hoan nghênh phản ứng kịp thời và không né tránh từ QH. Đó mới chính là cách bảo vệ uy tín của QH một cách hiệu quả nhất, tránh những đồn đoán, suy diễn.
theo Lao động