Tào Tháo là một trong những nhà chính trị, nhà quân sự xuất sắc bậc nhất của lịch sử Trung Quốc. Ông có tài mưu lược như thần và thuật dùng người cao thâm. Tào Tháo nổi tiếng lịch sử về những câu chuyện ông chiêu dụng nhân tài chí sĩ. Không chỉ thế ông còn là một nhà thơ tài ba. Đoản ca hành là một trong những tác phẩm tiêu biểu khi ông dùng nghệ thuật thi nhạc để chiêu nạp nhân tài cũng như thúc đẩy tinh thần tướng lĩnh trước khi lâm trận.
Trong gần 2000 năm qua, hình tượng Tào Tháo là một chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử Trung Quốc, hầu hết đều bị ảnh hưởng tiêu cực do tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa”. Hành động “Phụng thiên tử để lệnh chư hầu” của ông đã khai sáng ra một tiền lệ mới cho những đế vương khai quốc đời sau học theo.
Tuy nhiên kể từ thế kỷ 20, nhiều học giả đã có nhìn nhận khác khách quan hơn về Tào Tháo. Những nhà văn, nhà thơ của Trung Quốc như Lỗ Tấn hay Quách Mạt Nhược đều đánh giá Tào Tháo là anh hùng. Mao Trạch Đông từng đánh giá Tào Tháo là vị đế vương mà ông khâm phục nhất, gọi ông là “vua của các vua”.
Ngoài những tài năng trí tuệ lỗi lạc, Tào Tháo còn là một thi nhân nổi tiếng. Ông dùng thi nhạc để bộc bạch nỗi lòng mà cầu hiền tài. Một trong những tác phẩm mà ông để lại là Đoản ca hành. Đây là một khúc nhạc phủ, thuộc Tương hoạ ca. Tào Tháo có hai bài, đây là bài thứ hai, thể hiện tráng chí và ý nguyện cầu hiền tài. Lời bài thơ trôi chảy, khí vận trầm hùng, tiêu biểu cho phong cách thơ của Tào Tháo. Bài thơ này được cho là sáng tác vào năm Kiến An thứ 13 (208), trong đêm trước trận chiến Xích Bích.
(Ảnh: Cluber)