“Bọn trẻ có thể vùi một vài củ khoai, củ sắn vào bếp củi để lúc đêm khuya trông nồi bánh chưng sẽ có một thứ đồ ăn vặt thơm nức, bỏng rẫy cho vui câu chuyện bên nồi bánh và cảm nhận một không khí náo nức khi Xuân về…”
Phỏng đoán về nguồn gốc của ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Trước hết, Tết Nguyên Đán là một kỳ lễ đón chào năm mới. Với ý nghĩa ấy thì nó không phải là phong tục của riêng người Việt. Các dân tộc, các nước đều có phong tục chào đón năm mới tương tự, nhưng được thực hiện vào những thời điểm khác nhau, theo những lịch khác nhau.
Trong ba chữ Tết Nguyên Đán thì:
  • Chữ Tết là từ chữ Tiết (節) mà ra.
  • Nguyên (元) có nghĩa là đầu tiên.
  • Đán (旦) là buổi sớm.
Vậy Tết Nguyên Đán là ‘buổi sớm đầu tiên trong năm’. Gọi tắt là Tết.
Theo phỏng đoán của một số học giả, Tết có lẽ bắt nguồn từ truyền thống làm nông nghiệp của các dân tộc phía Nam sông Trường Giang thuộc Trung Hoa trở xuống đến Bắc và Trung Việt (tộc Bách Việt). Do hoạt động làm nông nghiệp của cư dân vùng này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu nên có chữ ‘Tiết’, hay ‘Tết’ là vì vậy. Khí hậu vùng này nói chung có 4 mùa 8 tiết. Một năm chia thành 24 tiết khí theo nông lịch. 4 mùa là Xuân, Hạ, Thu, Đông. 8 tiết là Xuân Phân, Thu Phân, Hạ Chí, Đông Chí, Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông.