Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

ĐỔ GẦN 1 TRIỆU M3 BÙN, CÁT: NHÌN TỪ NHIỀU PHÍA

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc: ‘Chúng tôi làm là có trách nhiệm’
Sáng 4-7, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc đã có cuộc trao đổi với báo chí xoay quanh việc cấp phép cho Công ty Điện lực  Vĩnh Tân 1 đổ gần 1 triệu m3 bùn, cát… xuống vùng biển gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
“Mọi người yên tâm, chúng tôi làm là có trách nhiệm…”
Phóng viên: Vị trí 300 ha quy hoạch làm khu vực nhận chìm là lựa chọn của tỉnh Bình Thuận hay Bộ TN&MT?
Đổ gần 1 triệu m3 bùn, cát: Nhìn từ nhiều phía - ảnh 1
+ Ông Nguyễn Linh Ngọc: Bình Thuận quy hoạch địa điểm ấy. Khi nhận được quy hoạch này thì Bộ TN&MT cũng có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khu vực ấy. Đánh giá xong ĐTM, đến khi họ chuẩn bị phần việc làm cảng, nạo vét luồng tàu, nhận chìm vật liệu nạo vét ấy thì họ đưa tiếp hồ sơ lên Bộ để chúng tôi thẩm định lại. Việc thẩm định này là sau khi báo chí, người dân băn khoăn.
. Vậy tại sao lại đồng ý cấp phép khu vực 30 ha trong 300 ha đó cho hoạt động nhận chìm của dự án cảng, luồng quay tàu Vĩnh Tân 1?
+ Các bạn hình dung thế này, Khu bảo tồn Hòn Cau độ sâu 5-10 m, kéo ra xa là một khu vực gò, rồi tiếp đó là tụt xuống độ sâu 36,1 m (khu vực 30 ha sẽ tiến hành việc nhận chìm - PV) trải dài ra ngoài khơi. Như vậy nhận chìm cát, bùn, đá ở đây thì sẽ lan ra ngoài chứ không vào trong.
Mặt khác, thời điểm cho phép nạo vét là từ tháng 4 đến tháng 10. Đó là mùa gió Tây Nam, kết hợp với sóng thì thuận lợi cho việc nhận chìm cũng như không để xâm hại đến khu vực bảo vệ.
Chúng tôi cũng khảo sát sinh vật, môi trường biển; vật liệu dự kiến nạo vét cũng được lấy mẫu, xét nghiệm đầy đủ. Xin nhắc lại, đây là vật liệu nạo vét đáy biển khu vực làm cảng, luồng quay tàu chứ không phải chất thải nhà máy.
. Nhưng dư luận cho rằng khu vực đó quá gần Khu bảo tồn sinh thái biển Hòn Cau?
+ Xin khẳng định là không gần. Điểm nhận chìm đó cách Hòn Cau 8 km, cách vành đai bảo vệ Hòn Cau, điểm xa nhất cũng là 2 km.
Tất nhiên không thể khẳng định là hoàn toàn an toàn. Vậy nên trong quá trình nạo vét, vận chuyển vật liệu nạo vét, nhận chìm vật liệu nạo vét thì phải tổ chức giám sát. Giám sát trọng lượng, đường đi của từng chuyến tàu, từ khởi đầu đến lúc nhận chìm, không để rơi rớt dọc đường. Rồi phải giám sát, quan trắc các khu vực cần bảo vệ: Khu bảo tồn Hòn Cau, rạn Breda, khu vực nuôi tôm. Nếu có vấn đề gì vượt ngưỡng cho phép thì dừng ngay, không cho nạo vét nữa.
Điều này chủ đầu tư chấp nhận và nếu có thiệt hại môi trường thì chủ đầu tư phải bồi thường. Cũng xin lưu ý là quá trình nạo vét, nhận chìm là làm từng bước một và đều được giám sát chặt chẽ. Vậy nên nếu xảy ra sự cố gì đó thì sẽ khoanh vùng, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Vậy nên mọi người yên tâm. Chúng tôi làm là có trách nhiệm, giám sát chặt chẽ, bảo đảm vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường một cách bền vững nhất.
Đổ gần 1 triệu m3 bùn, cát: Nhìn từ nhiều phía - ảnh 2
TS Nguyễn Tác An cho rằng việc đổ khối lượng bùn, cát cả gần triệu mét khối xuống vùng biển gần Khu bảo tồn Hòn Cau  “chắc chắn sẽ gây ra tác động sinh thái rất dữ dội”. Ảnh: PHƯƠNG NAM
“Không nên đặt những câu hỏi kiểu như vậy” (?!)
. Như ông nói là Bộ đã khảo sát chi tiết khu vực 30 ha cấp phép cho hoạt động nhận chìm này. Vậy hệ sinh thái biển dưới đó thế nào?
+ Cát thôi.
. Có các hệ sinh thái, sinh vật như cỏ biển, san hô hay khu vực mà sinh vật biển sinh sản?
+ Không có. Nếu có thì không bao giờ chúng tôi cấp phép! Khẳng định với các bạn như vậy! Chúng tôi có trách nhiệm với môi trường, các bạn không nên đặt những câu hỏi kiểu như vậy.
. Với người dân thì vẫn còn băn khoăn là tại sao từ năm 2014 tỉnh Bình Thuận không quy hoạch khu vực nhận chìm xa hơn nữa và giờ khi Bộ cấp phép nhận chìm thì không chọn địa điểm nào xa hơn hẳn, ra ngoài khơi?
+ Cần hiểu thế này, vị trí 300 ha mà Bình Thuận chọn năm 2014 thì lúc đấy đã được đánh giá ĐTM rồi. Giờ lại lập số liệu chi tiết, kiểm tra lại và Bộ đã khảo sát thêm một số vị trí ra xa nữa. Nhưng mà ngoài đó có những yếu tố khác không thể đáp ứng cho hoạt động nhận chìm. Chẳng hạn sóng, gió, địa chất địa hình…
. Người dân chỉ nghĩ rằng biển bao la như thế, chả lẽ ngoài khơi xa kia không có chỗ nào làm tốt hơn cho môi trường ư?
+ Đúng là rất bao la nhưng đâu phải chúng ta đã nắm hết đâu. Chẳng hạn, nằm ở luồng tuyến hàng hải thì làm sao nhận chìm được…
. Từ câu chuyện quy hoạch vùng nhận chìm của Bình Thuận, một câu hỏi là ở cấp độ quốc gia, đã có quy hoạch về các vùng đủ an toàn môi trường cho hoạt động nhận chìm chưa, hay cứ đến nhu cầu cụ thể kiểu Vĩnh Tân 1 thì mới loay hoay quy hoạch, tìm địa điểm?
+ Thực sự là công tác điều tra cơ bản về biển chúng ta mới làm được rất ít, rất ít. Đầu tư cho hoạt động ấy là rất thiếu. Chúng tôi đang làm một điều tra cơ bản về biển, hải đảo, đang làm quy hoạch quốc gia về việc đó để quản lý, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm và bảo vệ môi trường biển. Bộ sẽ làm để trình Chính phủ, rồi Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Sau khi có quy hoạch tổng thể ấy, chúng tôi sẽ quy hoạch chi tiết từng vùng một. Lúc đấy tôi mới trả lời được câu hỏi mà bạn đặt ra và chắc là sẽ trả lời cụ thể, thấu đáo hơn.
. Trong quy hoạch mà Bộ đang xây dựng ấy, có chỉ rõ được các vùng đủ an toàn để nhận chìm không?
+ Chưa. Mới chỉ là quy hoạch tổng quan. Bạn hình dung thế này: Trên một diện tích biển có rất nhiều ngành kinh tế hoạt động: đánh bắt cá, khai thác tài nguyên dưới đáy biển, kinh doanh phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, bảo tồn… Vậy thì cần đặt ra các tiêu chí cơ bản sao cho không để các hoạt động ấy xung đột lợi ích với nhau. Giải quyết hài hòa như vậy thì mới chỉ ra được là vùng nào ưu tiên cho việc gì trước, việc gì sau.
. Xin cám ơn ông.
___________________________________________
TS Nguyễn Tác An: ‘Sẽ gây ra tác động sinh thái dữ dội’!
“Mặt đáy biển tự nhiên nâng cao lên, gây ra tác động sinh thái, đấy mới là thảm họa”. TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, tiếp tục bày tỏ lo ngại như vậy trước việc Bộ TN&MT cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ gần 1 triệu m3 cát, bùn xuống biển Vĩnh Tân, gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Bình Thuận).
“Giải thích kiểu đó là không khoa học!”
Phóng viên: Thưa tiến sĩ, lãnh đạo Bộ TN&MT giải thích rằng đáy của Khu bảo tồn Hòn Cau lồi lõm nên việc nhận chìm cát, bùn, đá sẽ lan ra ngoài chứ không vào trong. Mặt khác, thời điểm cho phép nạo vét từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa gió Tây Nam, kết hợp với sóng thì sẽ không xâm hại đến khu vực bảo vệ?
Đổ gần 1 triệu m3 bùn, cát: Nhìn từ nhiều phía - ảnh 3
+ TS Nguyễn Tác An: Giải thích kiểu đó là không khoa học. Biển Bình Thuận là khu vực động lực nước trồi, có nghĩa là nó luôn luôn xáo trộn. Động lực mạnh nhất là từ tháng 6 đến tháng 9. Bây giờ, họ lại chọn đúng vào thời điểm có động lực mạnh nhất để đổ thải xuống thì hoàn toàn không đúng.
Hãy tưởng tượng một cái bình, người ta đổ sữa vào đáy, trên mặt có cà phê. Khi dùng thìa đánh lên, tức là có động lực, quá trình khuếch tán làm nó cứ chạy. Đáy biển cũng như vậy, làm sao mà không bị xáo trộn, không phát tán! Vùng động lực học ở biển không bao giờ chìm xuống. Ở đây họ đổ bùn xuống, gặp động lực khuấy nó lên nữa, vùng biển đó sẽ đục ngầu. Các ông đó hãy đến quan sát độ đục sẽ biết ngay. Làm sao mà không tác động được!
Tôi cũng đã nói với Bộ TN&MT rồi, ở đây các nhà khoa học chúng tôi không ngại về độc tố hóa học, độc tố phóng xạ vì nó có bản chất cùng nhau. Việc đổ thải xuống 30 ha sẽ làm cho nền đáy biển cao lên, tối thiểu cũng phải 3 cm. Cứ tưởng tượng vừa rồi ở Yên Bái, mưa lũ quét xuống một lượng bùn như vậy, nó đã đẩy bao nhiêu thứ rồi. Ở đây, mặt đáy biển tự nhiên nâng cao lên, tối thiểu 3 cm bùn, chắc chắn sẽ gây ra tác động sinh thái rất dữ dội, đấy mới là thảm họa. Họ có nghĩ đến chuyện đó không? Khoa học, dư luận xã hội lo lắng là ở chuyện đó.
. Tiến sĩ nghĩ sao khi lãnh đạo Bộ TN&MT nói rằng khu vực cho nhận chìm chất thải cách Hòn Cau 8 km, cách điểm xa nhất vành đai bảo vệ Hòn Cau 2 km nên sẽ không tác động?
+ Khoảng cách ở đây không có ý nghĩa gì hết vì đây là vùng biển có động lực mạnh. Khi làm bẩn biển, nó sẽ tác động trong phạm vi 170 hải lý. Ở đây vài hải lý có ý nghĩa gì! Họ đưa ra những con số đó là để che mắt những người ít hiểu biết về hải dương học thôi! Môi trường biển là môi trường động lực, mà nơi có động lực mạnh nhất Việt Nam chính là vùng biển Bình Thuận. Tôi đã đọc giấy phép rồi, về mặt khoa học còn quá nhiều vấn đề bất ổn.
Đổ gần 1 triệu m3 bùn, cát: Nhìn từ nhiều phía - ảnh 4
Bộ TN&MT phải chịu trách nhiệm nếu có hậu quả
. Bộ TN&MT nói rằng đã khảo sát chi tiết hệ sinh thái biển khu vực 30 ha cấp phép cho nhận chìm chất thải chỉ có cát thôi…
+ Làm gì có một vùng biển chỉ toàn cát, nó phải có sinh vật chứ. Ngay cả cát cũng là hệ sinh thái quan trọng. Đây đâu phải vùng đất hoang đâu, đâu phải vùng biển chết mà họ nói như vậy!
. Bộ TN&MT cũng nói rằng khu vực này không có các hệ sinh thái, sinh vật như cỏ biển, san hô, hay khu vực mà sinh vật biển sinh sản…
+ Đó cũng là ý kiến không hiểu gì về sự sống ở đại dương. Nền đáy cực kỳ quan trọng vì luôn có những sự sống này tiếp nối cho sự sống khác. Đó là nơi sinh sống của những loài động vật đáy, thực vật đáy mà mắt thường không nhìn thấy nhưng nó cực kỳ quan trọng vì nó có vai trò kết nối trung gian trong xích thức ăn giữa vi sinh vật và động vật đáy cỡ lớn mà con người thường khai thác, sử dụng. Chính vì thế mà luật pháp cấm cào cào công suất lớn chạy vì xáo trộn nền đáy là hết sức nguy hại. Có những vùng biển không có san hô, không có cỏ biển nhưng nếu cày xới lên là diệt luôn cả vùng biển.
. Tiến sĩ thấy giải pháp dùng màn chắn đối với lượng chất thải đổ xuống liệu có khả thi, hiệu quả không?
+ Với gần 1 triệu m3 chất thải, tôi chưa tưởng tượng được là họ chắn như thế nào. Nếu đã “gói” lượng chất thải khổng lồ đó lại được, không cho lan truyền thì vì sao không thả gần bờ mà phải ra ngoài biển thả xuống với độ sâu 36 m. Có rất nhiều vấn đề bất thường ở đây.
Có điều khó hiểu là vì sao người ta phải xin bằng được để thải ra biển. Họ lấy lý do trên đất liền không còn đất nữa. Nhưng thực ra về mặt kinh tế, đất dưới biển thậm chí còn giá trị hơn trên đất liền. Vậy vì sao phải hy sinh chỗ giá trị hơn để đổ thải lên đó?
Tôi cũng nhắc lại là Bộ TN&MT phải chịu trách nhiệm về việc cấp phép này. Nếu xảy ra hậu quả, Bộ TN&MT phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Nhà nước chứ không phải Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1. Công ty đó được cho phép thì họ làm. Trong giấy phép, Bộ TN&MT nói nếu xảy ra hậu quả thì công ty đó chịu trách nhiệm là không đúng về mặt luật pháp. Bộ cũng nói đã họp hội đồng khoa học rồi! Có điều tôi chưa biết chất lượng hội đồng khoa học đó như thế nào thôi!
. Xin cám ơn tiến sĩ.
Viện Hải dương học Nha Trang không tham gia hội đồng thẩm định
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 4-7, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết Viện Hải dương học không tham gia hội đồng thẩm định do Bộ TN&MT lập để đánh giá, cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ bùn, cát sau nạo vét xuống biển mà chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát, quan trắc.
Ông Tuấn cho biết hiện nay Viện Hải dương học đang chuẩn bị triển khai công việc của mình và khi dự án nhận chìm này hoạt động. “Qua quan trắc, giám sát phát hiện bất thường, chúng tôi sẽ báo ngay cho Bộ TN&MT” - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, hiện ông chưa có tư liệu hay thông tin về việc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 sử dụng phương pháp màn chắn bùn để ngăn tác động, ảnh hưởng của việc nhận chìm cũng như việc dự án này chỉ đánh giá trên mô hình thông qua phần mềm, không qua kiểm nghiệm thực tế nên ông xin phép không bình luận.
PHƯƠNG NAM NGHĨA NHÂN - TẤN LỘC thực hiện 

Doanh nghiệp nghìn tỉ của Trung Quốc ở Việt Nam biến đi đâu?

Trong ảnh là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Đại Biểu Quốc Hội) và bà Trần Thị Tuyết
Doanh nghiệp nghìn tỉ biến đi đâu?
Gần đây có một bài báo theo dạng điều tra đăng trên báo điện tử Tầm Nhìn về sự biến mất của toàn bộ lãnh đạo công ty cổ phần tập đoàn Tây Giang. Tất nhiên, rất nhanh chỉ sau đó chưa đầy 72 tiếng đồng hồ bài báo đã biến mất, đi cùng với nó là một loạt các bài báo có liên quan tới công ty cổ phần tập đoàn Tây Giang trên trang báo điện tử này.

Thắc mắc trước một sự biến mất chúng tôi liền tò mò đi tìm hiểu xem công ty cổ phần tập đoàn Tây Giang này là sở hữu của ai mà kỳ lạ đến vậy? Để bắt đầu tìm hiểu, chúng tôi sử dụng công cụ rẻ tiền và hữu hiệu nhất là google, rất ngạc nhiên là khi gõ từ khoá công ty cổ phần tập đoàn Tây Giang thì địa chỉ trang web chính thức của công ty là: http://www.tggroup.vn hiện lên dòng chữ THIS ACCOUNT HAS BEEN SUSPENDED (tài khoản đã tạm ngưng). Ngoài đường dẫn tới website chính thức của Tây Giang đã tạm ngưng chúng tôi vẫn tìm thấy các đường dẫn tới các bài báo viết về Tây Giang.
Cách đây 4 năm, trong buổi làm việc với ông Phạm Duy Cường, lúc đó là chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái về dự án xây dựng nhà máy chế biến kim loại tại huyện Văn Chấn. Bà Trần Thị Tuyết dẫn đầu đoàn đã giới thiệu với tỉnh Yên Bái công ty cổ phần tập đoàn Tây Giang có 20 công ty trực thuộc, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong ngành khai thác công nghiệp, chế biến sâu khoáng sản với các sản phẩm quặng kim loại đen và kim loại màu.  

Tập đoàn nay có sự dính líu của một số quan chức trong chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng làm việc với Công ty cổ phần Mangan Việt Bắc, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang; thăm Nhà máy khai thác và chế biến Fero Silicon Mangan do Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc thực hiện tại Hà Giang.
Cùng tham gia trong buổi làm việc này còn có bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và ông Trần Anh Tuấn. Bà Hường và ông Tuấn là vợ chồng, ông Tuấn là chủ tịch ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) và bà Hường là chủ tịch tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam (VID group).
Ngân hàng Hàng Hải hiện tại đang nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà Nước và các cơ quan quản lý cũng như bảo vệ pháp luật.
Bà Hường gần đây đã bị buộc thôi tham gia Quốc Hội vì một số vấn đề ví dụ như cả bà Hường và ông Tuấn đã có hộ chiếu Malta (http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/khong-cong-nhan-tu-cach-dai-bieu-quoc-hoi-voi-ba-nguyen-thi-nguyet-huong-3437787.html).
Quan hệ của bà Tuyết, ông Tuấn và bà Hường với cố bí thư Phạm Duy Cường thế nào?
Để xác định quan hệ kinh tế, tài chính giữa các nhà máy, mỏ khoáng sản của công ty cổ phần tập đoàn Tây Giang với các cơ quan chính quyền, quản lý nhà nước và ngân hàng Maritime dường như không khó. Cái khó là các tư liệu và quan hệ này có được xem xét một cách thấu đáo bởi những lãnh đạo, cơ quan quản lý có thẩm quyền xử lý hay không? Vừa qua, công luận đã chứng kiến tư liệu hình ảnh về tài sản của ông giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái, ông giám đốc sở KHĐT Yên Bái và ông giám đốc CA tỉnh Yên Bái.
Dư luận cũng đặt câu hỏi là tiền từ đâu ra? Thực tế có lẽ câu chuyện nên bắt đầu từ những quan hệ kinh tế, chính trị rối rắm từ nhiều năm nay. Sự lớn mạnh rầm rộ của những doanh nghiệp như Tây Giang? Đặt dấu hỏi về những dự án nhà máy chế biến kim loại màu được tô vẽ rồi hoạt động cầm chừng làm bình phong cho các hoạt động khai thác và xuất lậu quặng thô đã bị nhà nước cấm. Trở lại với công ty cổ phần tập đoàn Tây Giang, doanh nghiệp này có đăng ký tại tổ 22, đường 3/10, phường Sông Bằng, thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Đây là một tổ hợp khách sạn, nhà hàng, karaoke và cả Spa làm đẹp. Văn phòng của công ty cổ phần tập đoàn nằm trong toà nhà này. Theo như bài báo trên báo điện tử Tầm Nhìn, khi phóng viên tới địa chỉ này hỏi về lãnh đạo tập đoàn thì được trả lời rằng họ đi vắng.
Thực chất, theo như tìm hiểu của chúng tôi thì lãnh đạo của công ty tập đoàn này không đi vắng, họ có thể không ở Cao Bằng vào lúc phóng viên tìm tới nhưng họ vẫn ở Hà Nội hoặc Cao Bằng hoặc Nha Trang, Đà Nẵng hoặc Yên Bái.
Tây Giang có quan hệ làm ăn với hầu hết các tỉnh biên giới phía Bắc, nơi có trữ lượng khoáng sản. Bà Trần thị Tuyết hiện nay đã trao quyền lại cho ông Phạm Thành Lâm tuy nhiên người điều hành thực tế vẫn là bà Tuyết.
Ngoài ra, bà Tuyết và ông Lâm đều là thành viên hội đồng quản trị công ty cổ phần khai thác chế biến khoáng sản Việt VMPCO, chủ tịch là ông Trần Anh Tuấn và phó chủ tịch là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Trong phần giới thiệu về VMPCO trên website chính thức có giới thiệu:
Công ty Cổ phần Khai thác Chế biến khoáng sản Việt (VMPCO) chính thức được thành lập theo giấy phép số 010.5868.530 với cổ đông chính là những tập đoàn lớn của Việt Nam trong lĩnh vực khoáng sản, tài chính ngân hàng và bất động sản như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang.

Trong ban lãnh đạo công ty VMPCO có Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – Thành viên HĐQT (từng là đại biểu quốc hội)   (http://www.vmpco.com.vn/vi/gioi-thieu/ban-lanh-dao-vmpco.html)
Tuy mới thành lập được một thời gian nhưng với tiềm lực và nền tảng kinh nghiệm được kế thừa từ các cổ đông, hiện nay, VMPCO đã vươn lên trở thành tập đoàn khai thác, chế biến khoáng sản lớn hàng đầu Việt Nam với 24 ngành nghề kinh doanh và 25 công ty thành viên phân bố ở hầu khắp các tỉnh phía Bắc như Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang Cao Bằng; Công ty Cổ phần Khoáng sản Thạch An; Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Bảo Lâm; Công ty Cổ phần Khoáng sản Xây dựng 30/4; Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Bắc; Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc; Công ty Cổ phần Điện lực Hà Giang; Công ty Cổ phần Cốc hóa Tây Giang…
 Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang Cao Bằng

  

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Công ty cổ phần Mangan Việt Bắc, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang
 
Hiện tại, VMPCO đang sở hữu khoảng 40 mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn, tiêu biểu là mỏ chì kẽm (Bảo Lâm, Tuyên Quang, Yên Bái và Điện Biên), mỏ Mangan (Đồng Tâm, Trung Thành, Cốc Hec, Bản Sám, Bản Khuông, Nà Viền), mỏ sắt (Khuổi Rào, Phiêng Lếch, và Nà Cắng Cao Bằng), đồng (Lào Cai), ăngtimon…Theo như thông tin từ trang web của VMPCO thì Tây Giang là một doanh nghiệp lớn có tiềm lực mạnh. Tuy nhiên, khi liên hệ với cách hành xử lạ lùng của lãnh đạo doanh nghiệp và với những thông tin công bố gần đây về các quan chức ở Yên Bái thì khó có thể không nhận thấy có gì đó khuất tất ẩn dấu trong các sự kiện.

(Còn tiếp – Kỳ sau Trần Thị Tuyết là ai?)

Phân tích: Liệu Tập Cận Bình có chuyển sang chế độ tổng thống hay không?

Từ đầu năm nay có nhiều phân tích về việc ông Tập Cận Bình có giải tán chế độ Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chuyển sang chế độ tổng thống hay không. Các nhà chuyên môn về thể chế trong đảng cũng nói về chế độ tổng thống.

tap-can-binh

Tuy nhiên, nếu thực hiện chế độ tổng thống thì sẽ đụng chạm đến nền tảng cơ sở của chế độ độc đảng của ĐCSTQ. Trong khi phe cánh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân vốn ăn bám rất nhiều vào quyền lực của đảng, đã liên tục thể hiện lập trường phản đối việc này.

Tháng 5 năm nay, khi phát biểu tại Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ, nhân vật thứ 3 trong đảng thuộc phe ông Giang Trạch Dân là Thường ủy viên Bộ Chính trị Trương Đức Giang đã có bài phát biểu, trực tiếp phản đối việc tiến hành chế độ tổng thống. Đồng thời, nhân vật cùng phe, đứng thứ 5 trong đảng là Thường ủy viên Lưu Vân Sơn, cũng thắt chặt kiểm soát truyền thông và ngôn luận bàn về chế độ tổng thống, thể hiện thái độ chống lại ông Tập Cận Bình.

Chuyên gia thể chế trong đảng bàn về chế độ tổng thống

Tháng 3 năm nay, trong một buổi hội kiến với phóng viên, giáo sư Học viện Hành chính Quốc gia Uông Ngọc Khải lần đầu tiên bàn về việc Trung Quốc nên thay đổi từ “chế độ chủ tịch quốc gia” sang “chế độ tổng thống”. Vì hiện nay Trung Quốc đang thực thi chế độ độc đảng, hoàn toàn không gần gũi với chế độ tổng thống nên cần phải thay đổi toàn diện chế độ chính trị.

Sau đó vào tháng 7, ông Uông Ngọc Khải lại một lần nữa bàn về chế độ tổng thống. Lần này, thậm chí còn nói rằng: “Trước khi chuyển sang chế độ tổng thống, cần thiết phải kết thúc chế độ ủy ban thường vụ”.

Phát ngôn của ông Uông Ngọc Khải ngay lập tức được báo chí Trung Quốc, Hồng Kông và hải ngoại đăng tải. Xét theo thông lệ ở Trung Quốc, nếu không có sự cho phép của ông Tập Cận Bình thì những phát ngôn của ông Uông Ngọc Khải không thể được truyền thông một cách công khai như vậy. Do đó, có khả năng rất cao ông Tập Cận Bình đã cho phép ông Uông Ngọc khải nói về “chế độ tổng thống”.

Hội nghị Bắc Đới Hà thảo luận về việc phế bỏ chế độ ủy ban thường vụ?

Hội nghị Bắc Đới Hà của các nhân vật lãnh đạo của ĐCSTQ họp mỗi năm một lần vào tháng 7 hoặc 8. Tháng 5 năm nay, trước khi hội nghị diễn ra, tạp chí Asian Week có trụ sở tại Hồng Kông đưa tin, Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay sẽ thảo luận 3 vấn đề: (1) Phế bỏ chế độ ủy ban thường vụ, (2) Luật ‘7 lên 8 xuống’ (trong kỳ đại hội đảng, thường ủy viên 67 trở xuống được giữ lại, 68 trở lên sẽ phải thôi nhiệm), (3) nhân sự cho thế hệ kế cận của ĐCSTQ.

Có phân tích cho rằng, nếu ông Tập Cận Bình có thể bố trí đủ nhân sự thân cận sau Hội nghị Bắc Đới Hà, thì vào phiên thứ 6 Đại hội Đảng Toàn quốc mùa thu năm nay, hay Đại hội 19 sẽ diễn ra vào năm sau, ông Tập sẽ đưa ra “một quyết định có tính bất ngờ”.

Đe dọa sử dụng Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc để ‘bẻ nanh’ Tập Cận Bình

Ngày 23/5, Thường ủy viên Trương Đức Giang, tại Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ, khi bàn về Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã nói “Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc có khả năng giám sát Chủ tịch quốc gia”, thể hiện thái độ kiềm tỏa ông Tập Cận Bình.

Mặc dù để thực hiện “chế độ dân chủ” là không thể thiếu Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, nhưng ông Trương Đức Giang đã thể hiện rõ ý đồ lợi dụng việc vẫn còn một lượng lớn nhân sự trong đảng thuộc phe cánh của ông Giang Trạch Dân, để mượn Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc mà soán quyền lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Tờ Động Hướng của Hồng Kông đã phân tích việc này trong số báo tháng 6/2016.

Việc phe cánh của ông Giang Trạch Dân trực tiếp khiêu chiến với ông Tập Cận Bình về vấn đề chế độ tổng thống bắt đầu từ tháng 9/2014 đến nay. Khi đó, cấp dưới của ông Trương Đức Giang là Lý Chân Minh đã nói: “Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc có thể bãi miễn chức chủ tịch quốc gia”. Đây là phát ngôn khiêu chiến trực tiếp đối với ông Tập Cận Bình.

Tập Cận Bình dùng truyền thông để trả đòn

Truyền thông nhà nước Trung Quốc, tờ “Nhân Dân Nhật Báo” số ngày 16/6 năm nay đăng bài viết “Lịch sử hình thành chủ yếu của trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Theo bài viết, từ năm 1934 đến năm 1956, trong 22 năm, không có Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị mà Bí thư Trung ương Đảng giữ quyền chỉ đạo. Bài viết này muốn nói rằng chế độ ủy ban thường vụ là không cần thiết. Đây là đòn phản kích của phe ông Tập Cận Bình với các phát ngôn của ông Trương Đức Giang.

Tự Minh

(Trí Thức)

LẠI CHUYỆN BIỆT PHỦ CỦA "QUAN GIÀU NƯỚC YẾU"...; Biệt phủ và quan chức


Tướng Công an Yên Bái nói gì về khối tài sản khủng của bản thân?



Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho rằng đất và tài sản là của bố mẹ và các em trai của mình, bản thân ông có hộ khẩu ở nơi khác.
Thời gian vừa qua, nhiều nguồn tin của người dân phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về một công trình biệt thự lớn của gia đình Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đang đi vào giai đoạn hoàn thiện.
Tuy nhiên, ông Chiêu đã phủ nhận sở hữu công trình này mà cho biết, công trình trên là của bố mẹ (đã gần 90 tuổi) và các em ruột mình (doanh nghiệp vận tải), ông chỉ thường xuyên ghé thăm người nhà chứ không ở lại.
Người dân cho rằng, công trình “tư gia” này được xếp vào hàng lớn nhất tỉnh Yên Bái hiện nay. Kể cả nhiều trụ sở của Nhà nước ở tỉnh cũng không thể sánh với công trình này.
Khu biệt thự trên có địa chỉ nằm gọn trên một quả đồi, bên cạnh đường đôi Nguyễn Tất Thành, tổ 44, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái. Hiện côn trình đang đi vào hoàn thiện, mức đầu tư có thể lên đến nhiều tỷ đồng.
Tuong Cong an Yen Bai phu nhan so huu biet thu 'khung' tren khu dat hon 10.000m2 - Anh 1
Công trình tiền tỷ đồ sộ rộng hàng nghìn m2 đang được xây dựng và dần đi vào hoàn thiện (ảnh Minh Thệ)
Để làm rõ thông tin phản ánh, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến trực tiếp hiện trường để ghi nhận thực tế.
Qua quan sát từ phía bên ngoài, tòa nhà đang được sơn màu trắng toát trên quả đồi có diện tích khá rộng, vây xung quanh là những hàng cây xanh lâu năm.
Xung quanh công trình có tường bao bọc và rất nhiều công trình phụ khác cũng đang được xây dựng dần đi vào hoàn thiện. Bên trong khu đất được gia chủ bố trí cây cảnh, đá quý, đèn điện cao áp rất đẹp mắt và sang trọng.
Người dân sống quanh tòa nhà trên cho biết, ngay cả họ cũng khó có thể tiếp cận được khu biệt phủ trên vì lực lượng canh phòng rất nghiêm ngặt và nhiều lớp.
Tuong Cong an Yen Bai phu nhan so huu biet thu 'khung' tren khu dat hon 10.000m2 - Anh 2
Con đường thảm nhựa dẫn lên khu dinh thự được canh gác nghiêm ngặt (ảnh Minh Thệ)
Tuong Cong an Yen Bai phu nhan so huu biet thu 'khung' tren khu dat hon 10.000m2 - Anh 3
Hệ thống tường bao quanh kiên cố (ảnh Minh Thệ)
Để xác thực hơn, phóng viên đã lần theo con đường nhựa dẫn vào khu biệt thự. Tuy nhiên, bất ngờ xuất hiện một đối tượng với nét mặt bặm trợn ra chặn đường, xua đuổi quát: “Đây là nhà của tao, mày lên đây làm gì?”.
Sau khi bị đe dọa, phóng viên phải “rút” ngay khỏi công trình. Tuy nhiên, một số đối tượng khác lại tiếp tục sử dụng các phương tiện để bám theo phóng viên.
Ông Tuân, Tổ trưởng tổ dân phố 44, phường Yên Thịnh cho biết: “Khu đất trên là đất của nhà người ta, do ủy ban nhân dân tỉnh cấp.
Chúng tôi chỉ biết khu đất là của gia đình ông, bà Chu (mẹ đẻ ông Chiêu), của ông Chung (anh em nhà ông Chiêu) đang được xây dựng trong thời gian qua.
Tôi cũng chẳng dám lên xem, việc của người ta xây dựng thế nào thì tôi cũng không biết. Người ta có tiền thì người ta mua người ta xây dựng.
Về nguồn gốc đất thì phải có cơ quan có thẩm quyền. Còn chúng tôi về đây từ năm 1995, khi đó đất ở khu đất đấy đang còn là đất nương, rừng. Người dân được đền bù, thì họ lại đi chỗ khác rồi”.
Tuong Cong an Yen Bai phu nhan so huu biet thu 'khung' tren khu dat hon 10.000m2 - Anh 4
Tuong Cong an Yen Bai phu nhan so huu biet thu 'khung' tren khu dat hon 10.000m2 - Anh 5
Ngôi nhà rất to, nằm bệ vệ trên đỉnh đồi, giữa núi rừng bạt ngàn, bao la khiến người dân nghèo miền núi cũng phải trầm trồ khen ngợi (ảnh Minh Thệ)
Tuong Cong an Yen Bai phu nhan so huu biet thu 'khung' tren khu dat hon 10.000m2 - Anh 6
Dinh thự nhìn từ vệ tinh.
Nói về khu biệt phủ trên, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái cho biết:
“Khu biệt phủ trên là của gia đình ông Chiêu, chủ yếu nằm trên diện tích đất của phường Yên Thịnh, nếu anh muốn tìm hiểu rõ hơn thì sang bên phường Yên Thịnh hỏi cho rõ.
Số diện tích đất nằm trong khu của gia đình ông Chiêu ở xã tôi chỉ có một hộ, họ mua của gia đình bà Tính.
Tôi cũng không bao giờ lên khu đấy, chỉ đi qua và thấy đang được xây dựng, khu đất này cũng tương đối rộng, các công trình đang xây dựng nhìn đẹp lắm. Trước đấy, khu đất này là đất đồi rừng”.
Để tìm hiểu rõ về khu đất trên, ngày 15/6 phóng viên đã có buổi làm việc với ông Hoàng Trung Phi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Yên Thịnh. Tuy nhiên, ông Phi dường như có thái độ e ngại khi nói về khu đất của người thân Giám đốc Công an tỉnh.
Ông Phi cho rằng:“Đất đấy thì có sổ đỏ rồi, chắc là có từ lâu rồi người ta mới có phép xây dựng công trình.
Diện tích đất đấy thì phải kiểm tra sổ đỏ mới nắm được. Tôi về đây mới có 2 năm thì cũng không rõ.
Còn về hồ sơ, sổ sách cán bộ địa chính nắm rõ, nhưng đồng chí ấy đang bị trưng tập mất 6 tháng ở Ủy ban nhân dân thành phố rồi.
Để rõ hơn thì anh ra Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái tìm hiểu”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Yên Hiền, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái cũng tiếp tục “né” trả lời phóng viên với lý do: “Bây giờ tôi bận đi tiếp dân rồi, có gì anh để lại giấy giới thiệu và nội dung làm việc tại văn phòng ủy ban, chúng tôi sẽ trả lời sau”, ông Hiền nói.
Để thông tin được khách quan, đa chiều, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi riêng với Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái.
Tướng Chiêu cho biết, công trình trên là tài sản của bố mẹ ông và 02 người em trai làm doanh nghiệp vận tải. Bản thân ông và vợ, con đều đang sinh sống tại ngôi nhà ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.
Tướng Chiêu cho biết thêm, vào năm 2010, bố ông từ Lý Nhân (Hà Nam) lên Yên Bái ở với gia đình ông (phường Đồng Tâm), nhưng do nhà chật chội nên muốn con cái xây riêng một khu đất. Khu đất ở phường Yên Thịnh có diện tích khoảng hơn 10.000m2.
“Gia đình tôi mua lại khu đất của người dân, lúc ấy chỉ có 300 triệu đồng. Trước đây đất đó chỉ là đất rừng sản xuất thôi, Nhà nước đã giao cho các hộ dân và có cấp sổ xanh.
Gia đình tôi chuyển đổi sang đất ở khoảng năm 2011, nhưng chỉ chuyển đổi phần xây dựng thôi, số còn lại thì vẫn để nguyên mục đích là đất cũ.
Tôi thường xuyên lui tới đây (khu biệt thự) thăm bố mẹ nên người dân cứ nghĩ nhà của tôi, nhưng không phải vậy”, Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu giải thích.
Hiện nay, công trình thuộc loại lớn nhất tỉnh Yên Bái của bố mẹ, anh em Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu đang trở thành câu chuyện “bàn ra, tán vào” của người dân trong tỉnh. Nhiều người cho rằng, đấy là công trình thuộc sở hữu ông Chiêu, vì ông và vợ, con thường xuyên ở đây và bản thân bố mẹ ông đã già (gần 90 tuổi), chỉ là cán bộ về hưu, không thể đủ tiền sở hữu khối tài sản lớn như vậy.
Người dân cũng nghi ngờ khu đất trên được chuyển đổi từ đất rừng sang đất ở, đất vường không đúng theo các quy định của pháp luật vì gia thế chủ sở hữu thuộc hàng “khủng”.
Tuy nhiên, ông Chiêu thì phủ nhận mình đứng tên sở hữu khối tài sản này. Thiết nghĩ để chấm dứt những tin đồn ác ý, đồng thời trả lại sự thanh liêm, minh bạch cho Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, các cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương cần vào cuộc xác minh và kết luận sớm sự việc.
Nguồn  Baomoi.com


HỘI NGHỊ " HÒA HỢP, HÒA GIẢI DÂN TỘC" VỚI CÁC NHÀ VĂN VIỆT KIỀU SẼ TỔ CHỨC THÁNG 10/2017; ĐOÀN NHÀ VĂN TRUNG QUỐC SẮP SANG THĂM VIỆT NAM



Theo 1 nguồn tin từ Hội nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị hòa hợp dân tộc với các nhà văn Việt kiều vào quãng tháng 10/2017.
Hội nghị này dự kiến tổ chức vào dịp giỗ tổ Vua Hùng vào dịp 10/3 âm lịch vừa qua; Vì lý do thời gain tổ chức nên đã không diễn ra đúng kế hoạch...
Ngoài việc tổ chức hòa hợp dân tộc với các nhà văn hải ngoại; Hội Nhà văn Việt Nam sắp tới cũng sẽ mời một đoàn nhà văn Trung Quốc sang thăm Việt Nam.
Đoàn nhà văn Trung Quốc sang Việt Nam lần này do một Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc dẫn đầu...
Đây cũng là một hội nghị " hòa hợp" quốc tế do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong năm 2017...
Chuyến thăm này của Đoàn nhà văn Trung Quốc chắc nhằm thực hiện cương lĩnh do TBT Tập Cận Bình nêu ra trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016 về quan hệ 2 nước: 


Sơn thủy tương liên,
Lý tưởng tương thông,
Văn hóa tương đồng,

Vận mệnh tương quan...


P.V.Đ.