Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

'Chính phủ Việt Nam và tình thế trong nước' 1945-46

Nội các Đế Quốc Việt NamBản quyền hình ảnhNGHIENCUULICHSU
Image captionNội các Đế quốc Việt Nam của Tổng trưởng Trần Trọng Kim chỉ tồn tại hơn bốn tháng và không thực sự có chủ quyền
Các bạn đọc lại một chương trong cuốn 'Một Cơn Gió Bụi", hồi ký của học giả Trần Trọng Kim (1883-1953).
Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1949 và gần đây nhất, tháng 6/2017, bị thu hồi tại Việt Nam.
Về bản thân nhân vật lịch sử Trần Trọng Kim vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau về ông với tư cách là một học giả và chính khách 'bất đắc dĩ', gây ra không ít tranh cãi.
Đây là Chương 6: 'Chính phủ Việt Nam và tình thế trong nước' viết về tân chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời từ tháng 9/1945.
"Lúc bấy giờ tình thế trong nước bối rối lắm, quân Anh và quân Pháp lên chiếm giữ nam bộ và các thành thị phía Nam Trung Bộ từ vĩ tuyến 16, tức là Quảng Nam trở vào. Còn từ vĩ tuyến 16 trở ra quân Tàu đóng giữ các thành thị. Việt Minh lên cầm quyền trước hết lập ủy ban giải phóng, rồi cho người lên Bắc Giang đón ông Hồ Chí Minh về lập lâm thời chính phủ gồm có những người này:
Hồ Chí Minh, chủ tịch kiêm bộ ngoại giao; Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ nội vụ, kiêm chức phó bộ trưởng bộ quốc phòng; Chu Văn Tấn, bộ trưởng bộ quốc phòng; Trần Huy Liệu, bộ trưởng bộ thông tin tuyên truyền; Dương Ðức Hiền, bộ trưởng bộ thanh niên quốc dân; Nguyễn Mạnh Hà, bộ trưởng bộ quốc dân kinh tế; Vũ Ðình Hòa, bộ trưởng bộ giáo dục; Vũ Ngọc Khánh, bộ trưởng bộ tư pháp; Phạm Ngọc Thạch, bộ trưởng bộ y tế; Ðào Trọng Kim, bộ trưởng bộ giao thông; Lê Văn Hiến, bộ trưởng bộ lao động Phạm; Văn Ðồng, bộ trưởng bộ tài chánh; Nguyễn Văn Tố, bộ trưởng bộ cứu tế xã hội; Cù Huy Cận, ủy viên không giữ bộ nào; Nguyễn Văn Xuân, ủy viên không giữ bộ nào.
Võ Nguyên Giáp người Quảng Bình, rất lanh lợi và táo tợn, một tay trọng yếu trong đảng Việt Nam Cộng Sản. Trước đã sang ở bên Côn Minh, thường viết báo ký tên là Lâm Bá Kiệt, bấy giờ giữ chức bộ trưởng bộ nội vụ và kiêm chức phó bộ trưởng bộ quốc phòng. Nói là kiêm chức phó bộ trưởng bộ quốc phòng, nhưng kỳ thực là kiêm cả bộ quốc phòng, vì Chu Văn Tấn là người Thổ ở mạn thượng du, trước đã làm châu đoàn coi lính dõng, sau theo cộng sản, nên đảng Việt Minh đưa vào giữ địa vị ở bộ quốc phòng để khuyến khích những người Thổ đã theo mình.
Việt Minh đem một số người ở ngoài đảng của họ vào trong chính phủ như Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Ðào Trọng Kim v…v… để tỏ ra là một chính phủ liên hiệp có cả các hạng người. Song những cơ quan trọng yếu như quốc phòng, nội vụ, tài chính, tuyên truyền đều ở tay những người chính thức Việt Minh, tức là cộng sản như Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Lê Văn Hiến, Phạm Văn Ðồng v..v…
Duyệt binhBản quyền hình ảnhBETTMANN/GETTY IMAGES
Image captionQuan chức Nhật Bản và Pháp duyệt binh tại Việt Nam trong thời kỳ Nhật chiếm đóng nhưng gián tiếp quản trị Đông Dương qua bàn tay của Pháp 1940-1945
Ngày 11 tháng một năm 1945 chính phủ lâm thời lại xuống lệnh giải tán đảng cộng sản Ðông Dương, đó là một việc lý thú, cộng sản giải tán cộng sản. Sở dĩ chủ ý họ làm như vậy là vì lúc đó có các ủy viên của các nước Ðồng Minh đi lại trong nước, Việt Minh muốn tỏ cho những người ngoại quốc biết Việt Minh không phải là cộng sản.
Chính phủ lâm thời tổ chức cuộc tổng tuyển cử để triệu tập quốc hội. Cuộc tuyển cử được ấn định vào ngày 23 thán chạp, sau hoãn đến ngày mồng 6 tháng giêng năm 1946. Khi ấy tôi đã về ở Hà Nội rồi, thấy cuộc tuyển cử rất kỳ cục. Mỗi chỗ để bỏ phiếu, có một người của Việt Minh trông coi, họ gọi hết cả đàn ông đàn bà đến bỏ phiếu, ai không biết chữ thì họ viết thay cho. Việt Minh đưa ra những bản kê tên những người họ đã định trước, rồi đọc những tên ấy lên và hỏi anh hay chị bầu cho ai.
Người nào vô ý nói bầu cho một người nào khác thì họ quát lên: "Sao không bầu cho những người nàỷ Có phải phản đối không?". Người kia sợ mất vía nói: "Anh bảo tôi bầu cho ai, tôi xin bầu người ấy". Cách cưỡng bách ra mặt như thế, lẽ dĩ nhiên những người Việt Minh đưa ra được đến tám chín mươi phần trăm số người đi bầu. Ðó là một phương pháp rất mới và rất rõ để cho mọi người được dùng quyền tự do của mình lựa chọn lấy người xứng đáng ra thay mình làm việc nước.
Trước Việt Minh đã định lấy có 300 ghế đại biểu, sau họ muốn làm cho êm dư luận nên lấy thêm 70 ghế nữa, cho Việt Nam Quốc Dân Ðảng được 50 ghế và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội được 20 ghế để hai đảng ấy tự cử người mình ra.
Mấy ngày trước kỳ họp quốc hội, Việt Minh và Quốc Dân Ðảng công kích nhau kịch liệt. Những tướng Tàu như Lư Hán và Tiêu Văn muốn làm tiền, tỏ ra có ý bênh vực Việt Nam Quốc Dân Ðảng, sau hình như bọn tướng Tàu ấy được số vàng lớn mới đứng ra dàn xếp, họp các lãnh tụ hai đảng ở nhà Lư Hán, có Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh v…v… đến bàn định cách chia các ghế bộ trưởng trong chính phủ mới.
Sau tôi sang Tàu gặp Nguyễn Dân Thanh là một người cách mệnh Việt Nam đã làm sĩ quan trong quân đội Tàu và đã đi lính Nhật ở mặt trận Diến Ðiện. Lúc ấy có theo quân Tàu về nước, biết rõ đầu đuôi việc ấy, kể lại cho tôi nghe thái độ mấy lãnh tụ Việt Minh và Quốc Dân Ðảng hôm họp ở nhà Lư Hán để dàn xếp hai bên đoàn kết với nhau.
Ðộ ấy ở Hà Nội, tôi cũng biết có một hôm ông Bảo Ðại cho đi tìm người trước làm việc ở Huế, đến nói rằng: "Ông Hồ Chí Minh nhường cho ông ra lập chính phủ". Sau chuyện ấy thấy im bẳng không ai nói đến nữa.
Khi ở Hương Cảng tôi có hỏi lại việc ấy. Ông Bảo Ðại nói: "Việc ấy có thật. Một hôm cụ Hồ có vẻ mặt lo nghĩ đến bảo tôi rằng cụ muốn để tôi đứng ra lập chính phủ, tôi từ chối. Hôm sau cụ Hồ lại đến năn nỉ về việc ấy. Tôi nói: nếu cụ muốn lập chính phủ, thì cụ kê cho tôi biết danh sách những người trong đảng cụ có những ai ra giúp việc. Cụ Hồ nói để ngày mai cụ sẽ đưa. Nhưng đến ngày hôm sau cụ Hồ có vẻ mặt vui vẻ, đến nói rằng: việc ấy hãy hoãn lại, để cụ ở lại làm việc ít lâu nữa. Cho nên việc ấy mới im".
Theo ý tôi hiểu, thì mưu mô do bọn tướng Tàu muốn làm tiền, một mặt làm ra bộ có ý ép ông Hồ Chí Minh phải lui đi để ông Bảo Ðại ra lập chính phủ, một mặt xui bọn Quốc Dân Ðảng không chịu nhượng bộ, để Việt Minh muốn im chuyện thì phải bỏ tiền ra. Ðến khi bọn tướng Tàu được tiền đút lót mới đứng ra dàn xếp cho xuôi chuyện. Ðó là một việc rất bí ẩn, khó lòng biết đích xác được, chẳng qua chỉ là sự xét đoán theo tình trạng hiện ra bên ngoài mà thôi. Vả tôi thấy những người biết qua việc ấy đều đồng ý kiến như thế cả.
Quân PhápBản quyền hình ảnhKEYSTONE-FRANCE/GETTY IMAGES
Image captionMột lính Pháp canh giữ thanh niên Việt Nam đấu tranh bị bắt tại Sài Gòn năm 1945: Quân Pháp quay lại Sài Gòn theo quân Anh - Ấn nhân danh Đồng Minh giải pháp Nhật và đã nhanh chóng lộ rõ ý muốn tái chiếm miền Nam
Khi việc dàn xếp của các tướng Tàu xong rồi, đến ngày mùng 2 tháng ba thì mở cuộc họp quốc hội. Quốc hội này có cái đặc sắc hơn cả quốc hội của các nước trên thế giới là chỉ họp có một ngày xét qua bản lập hiến của Việt Minh đã định, và thừa nhận một chính phủ liên hiệp do ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Quốc hội lại giao toàn quyền cho một ủy ban thường trực có 15 người do chính phủ đề cử, và để ông Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban. Ðoạn quốc hội giải tán. Nếu quốc hội các nước mà biết làm việc lanh lẹ như thế thì đỡ được bao nhiêu thì giờ và tiền chi phí!
Chính phủ liên hiệp quốc gia thành lập như sau:
Hồ Chí Minh, cộng sản, làm chủ tịch; Nguyễn Hải Thần, Việt Nam Cách mệnh Ðồng minh hội, phó chủ tịch; Huỳnh Thúc Kháng, không đảng phái, bộ trưởng bộ nội vụ; Nguyễn Tường Tam, Ðại Việt dân chính, bộ trưởng bộ ngoại giao; Phan Anh, không đảng phái, bộ trưởng bộ quốc phòng; Vũ Ðình Hòe, Xã hội dân chủ đảng, bộ trưởng bộ tư pháp; Ðặng Thai Mai, cộng sản, bộ trưởng bộ giáo dục; Lê Văn Hiến, cộng sản, bộ trưởng bộ tài chính; Trần Ðăng Khoa, Dân chủ đảng, bộ trưởng bộ công chánh; Chu Bá Phượng, Dân chủ đảng, bộ trưởng bộ kinh tế; Trương Ðình Chi, Việt Nam Cách mệnh Ðồng minh hội, bộ trưởng bộ xã hội y tế; Bồ Xuân Luật, Việt Nam Cách mệnh Ðồng minh hội, bộ trưởng bộ canh nông
Xét thành phần chính phủ liên hiệp lúc ấy, kể cả những người không đảng phái, có thể gọi là năm đảng nhưng chỉ có đảng Việt Minh cộng sản là có chương trình chính trị rõ ràng và có thế lực hơn cả. Còn các đảng khác thì chỉ có tên nêu ra mà thôi, chứ không có chương trình phân minh. Xã hội đảng và Dân chủ đảng là những đảng phụ thuộc của Việt Minh và không có thế lực gì. Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội tuy có thế lực là nhờ có quân đội Tàu bênh vực, nhưng không có tính cách thống nhất và không có kỷ luật chặt chẽ. Bởi vậy đảng Cộng sản chỉ có ba người trong chính phủ nhưng quyền bính vẫn ở cả Cộng sản.
Về phương diện cai trị Việt Minh vẫn để ba khu như trước, là bắc bộ, trung bộ và nam bộ. Mỗi bộ có một nhân dân ủy ban dưới quyền một chủ tịch do chính phủ trung ương cử ra.
Ở các tỉnh, huyện, xã hay phố ở các thành thị, mỗi nơi đều có một nhân dân ủy ban và một chủ tịch do nhân dân ủy ban chọn lấy.
Về phương diện quân sự thì quân của Việt Minh có Giải phóng quân là quân đã được huấn luyện chính trị cộng sản, Vệ quốc quân và Tự vệ quân tức là công dân do các ủy ban xã, phố cắt để canh gác và giữ trật tự.
Quân của Quốc dân đảng thì có từng khu riêng. Tuy bề ngoài nói các quân đội thuộc về bộ quốc phòng, nhưng thực ra bộ ấy không có quyền hành gì cả. Việc gì cũng quyết định ở quân sự ủy viên hội có Võ Nguyên Giáp, cộng sản, làm chủ tịch và Vũ Hồng Khanh, Việt Nam quốc dân đảng, làm phó chủ tịch.
Lúc ấy khẩu hiệu của chính phủ là "thống nhất quân đội" mà ba tháng sau khi chính phủ liên hiệp đã thành lập, quân đội vẫn không thống nhất được. Bộ quốc phòng không biết rõ thực trạng quân đội của hai bên có bao nhiêu.
Quân Việt Minh và quân Quốc dân đảng tuy nói là đoàn kết, nhưng không có lòng thành thật. Quân Việt Minh chỉ có rình cơ hội là đánh quân Quốc dân đảng, hay bao vây để tiêu diệt lực lượng của đối phương, thành ra hai bên cứ kình địch nhau mãi. Người không biết phương sách của đảng cộng sản thì lấy thế làm lạ, nhưng ai đã hiểu bí quyết của họ là phải đi đến chỗ độc tài, chỉ có những người phục tùng theo mệnh lệnh của mình, chứ không thể có những người đứng ngang với mình mà hợp tác với mình được.
Ở các địa phương và những nơi đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, người bên nọ bắt người bên kia. Có người giữa ban ngày đang đi giữa đường bị mấy người ở đâu đến lấy mền trùm đầu rồi bắt đi mất tích. sở công an, Việt Minh bắt những người Việt Nam quốc dân đảng hay những người bị tình nghi vào tra tấn cực hình, có khi họ dùng những cách tàn nhẫn ghê gớm hơn thời Pháp và Nhật cai trị.
Ai trông thấy những cảnh tượng ấy cũng bùi ngùi tủi giận vì gà một nhà mà lại đá nhau dữ bằng mấy gà lạ. Người một nước với nhau mà đối xử vô nhân đạo như thế, thật là thê thảm.
Hồ Chí MinhBản quyền hình ảnhAFP
Image captionChủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp điều đình năm 1946 nhưng không thành
Theo chính sách của Việt Minh, lập ra một chính phủ, đem những người các đảng phái hay không đảng phái vào làm bộ trưởng là cốt làm cái bình phong che mắt người ngoài, chứ không có thực quyền làm được việc gì cả.
Khi tôi còn ở Hà Nội, cụ Huỳnh Thúc Kháng ra nhận chức bộ trưởng bộ nội vụ, có đến thăm tôi. Ngồi nói chuyện, tôi hỏi: "Cụ nay đứng đầu một bộ rất quan trọng trong chính phủ, chắc là bận việc lắm". Cụ Huỳnh nói: "Bây giờ việc gì cũng do địa phương tự trị cả, thành ra không có việc gì mấy, và khi có việc gì, thì họ làm sẵn xong cả rồi, tôi chỉ có vài chữ ký mà thôi".
"Những khi có hội đồng chính phủ thì bàn định những gì?"
"Cũng chưa thấy có việc gì, thường thì họ đem những việc họ đã làm rồi nói cho chúng tôi biết.'
Xem như thế thì các ông bộ trưởng chỉ đứng để làm vị mà thôi, chứ không có quyền quyết định gì cả.
Có người hỏi ông Nguyễn Tường Tam rằng: "Khi ông nhận chức bộ trưởng bộ ngoại giao của cụ Hồ giữ trước, ông thấy có việc gì quan trọng lắm không?" Ông trả lời: "Tất cả giấy má trong bộ ngoại giao của cụ Hồ giao lại cho tôi, tôi chỉ thấy có ba lá đơn của mấy người sĩ quan Tàu nhờ tìm cho mấy cái nhà, và tìm cái ví đựng tiền bị kẻ cắp lấy mất".
Câu chuyện có thể là ông Tam nói khôi hài, nhưng đủ rõ việc các ông bộ trưởng không có gì. Tôi đem những câu chuyện đó nói ra đây để chứng thực là các bộ trưởng chỉ giữ hư vị chứ không có thực quyền. Cái thực quyên trong chính phủ lúc ấy là ở mấy người như ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và ở tổng bộ cộng sản điều khiển hết cả.
Tổng bộ cộng sản theo người ta nói, có những người sau đây:
  • Hà Bá Cang, nhất danh là Quận Thọt, người Hưng Yên
  • Nguyễn Lương Bằng, nhất danh là Sao Ðỏ, người Hải Dương
  • Bùi Lâm, người Trung Bộ Ðặng Xuân Khu, người làng Hành Thiện, Nam Ðịnh
  • Bùi Công Trừng, người Quảng Bình
  • Trung Bộ Pô, người Trung Hoa
  • Tiêu Sung, người Nhật
Những người ấy ở đâu không ai biết, hội họp chỗ nào chẳng ai hay, rất bí mật, song phàm việc gì trong chính phủ cũng phải qua tổng bộ. Tổng bộ có ưng thuận mới được thi hành. Ðó mới thực là chính phủ, một chính phủ bí mật mà có quyền thế vô hạn."
Phần kết toàn bộ cuốn hồi ký, ông Trần Trọng Kim nhắn lại một lời, bốn năm trước khi qua đời vào tháng 12/1953 ở Đà Lạt:
"Không phải là tôi thiên vị chủ nghĩa nào, hay đảng phái nào, tôi đã nhứt quyết không mưu cầu danh lợi gì hết, chỉ mong người trong nước bỏ bớt cái lòng tư tâm tư lợi mà ra sức giúp cho nước nhà chóng được yên ổn và thịnh vượng, để cùng với thế giới đi lên con đường tiến bộ.
"Cũng bởi tấm lòng vì dân vì nước ấy và thấy khi quốc gia gian nan, không lẽ ngồi nhìn, nên tôi tự biết mình đã già yếu kém cỏi không làm gì được, nhưng ít ra cũng theo cái lương tâm mà đem những sự tôi đã biết và đã thấy mà phô bầy ra, để mọi người suy xét cho đúng sự thực. Dù ai có bảo đó là lời nói của một anh hủ nho, tôi cũng cam tâm mà tự cho mình đối với cái tâm của mình đã làm hết bổn phận làm người vậy."
Hết.
Lệ ThầnTrần Trọng Kim

Tăng thuế VAT: Móc túi người nghèo chia cho người giàu!; Quẫn bách, Việt Nam kiên trì mục tiêu vắt kiệt sức dân

Thiền Lâm

Linh cảm quá xấu của người dân về một “chế độ móc túi” chẳng còn là trừu tượng. Tháng Tám năm nay, cơ quan tham mưu đắc lực cho Chính phủ về các chính sách “thu cùng diệt tận” là Bộ Tài chính đã “phát minh” tiếp cơ chế tăng thuế sử dụng đất và VAT (giá trị gia tăng), cùng hàng loạt sắc thuế khác…
Vietnam – Cali Today News – Một chuyên gia ngành tài chính đánh giá việc Bộ Tài chính tăng thuế VAT dù từ 5% lên 6%, 10% lên 12% nhưng thực chất là tăng tới khoảng 20% số tiền phải đóng thuế so với trước. Tức người dân sẽ phải bỏ ra 1,2 triệu đồng để mua một món hàng thay vì chỉ 1 triệu đồng như hiện nay.
Linh cảm quá xấu của người dân về một “chế độ móc túi” chẳng còn là trừu tượng. Tháng Tám năm nay, cơ quan tham mưu đắc lực cho Chính phủ về các chính sách “thu cùng diệt tận” là Bộ Tài chính đã “phát minh” tiếp cơ chế tăng thuế sử dụng đất và VAT (giá trị gia tăng), cùng hàng loạt sắc thuế khác được “nâng lên một tầm cao mới” hay “thế nước đang lên”- nói theo từ ngữ của giới tuyên giáo Đảng.
Theo cụm từ “cái chết đúng quy trình” mà tác giả là Bộ Tài chính với viện dẫn “thuế VAT ở nước ta còn thấp” và “tăng thuế VAT là nhằm bảo đảm an toàn tài chính”, từ ngày 1 tháng Giêng năm 2019, hàng chục triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực túi tiền còm cõi khi thuế VAT tăng lên 12%.
VAT là một loại thuế gián thu, tiền thuế được cấu thành trong giá cả hàng hóa và dịch vụ, người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế, người nộp thuế chỉ là người thay thế người tiêu dùng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Thuế giá trị gia tăng có phạm vi tác động rộng, đánh vào hầu như tất cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường.
Thuế gián thu (trong đó có thuế VAT) lại chiếm tới 50% tổng thu ngân sách. Ngay sau kế hoạch tăng thuế VAT của Bộ tài chính, Công ty chứng khoán TP.HCM ước tính thuế giá trị gia tăng tăng 2% sẽ giúp ngân sách có thêm 59.000 tỷ đồng, từ đó tỷ trọng thuế giá trị gia tăng trong thu ngân sách sẽ tăng lên khoảng 33%.
Khi đó, người tiêu dùng cứ mua một sản phẩm nào đó là phải trả thêm một khoản “chênh lệch” lớn. Số tiền này không thuộc về người bán hàng mà chui vào ngân khố quốc gia dùng để chi xài cho chế độ.
Việc tăng thu thuế VAT sẽ làm dịu cơn đói khát của ngân sách trong thời buổi “loạn lạc”. 59.000 tỷ đồng tăng thêm chiếm khoảng 5% dự toán thu ngân sách năm 2017, là một số tiền rất đáng kể.
Mới đây, chính quyền còn tăng thuế sử dụng đất lên gấp 3 – 4 lần và đang “thí điểm” tại Sài Gòn. Con số thu thuế sử dụng đất vào những năm trước vào khoảng 100.000 tỷ đồng, và con số dự kiến thu được trong tương lai nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành sẽ gấp ít ra vài ba lần như thế.
clip_image002
Ảnh: Youtube.
Hiện tượng Bộ Tài chính buộc phải tăng nhiều sắc thuế đánh vào đầu dân là có thể dự đoán trước, và hiện tượng này càng cho thấy rõ ràng hơn bao giờ hết tình trạng cực kỳ khốn quẫn của ngân sách.
Nếu không tăng thuế sẽ chắc chắn dẫn đến tình trạng không biết đài đâu ra tiền để “chi thường xuyên” cho đội ngũ công chức lên đến gần 3 triệu nhân mạng, trong đó có lực lượng nửa triệu quân nhân kiên định “bám bờ” và ba chục vạn công an ăn tiền đóng thuế của dân để bóp nghẹt tất cả các quyền căn bản của dân.
Với ông Bùi Trinh – một chuyên gia kinh tế độc lập, tăng VAT tức là toàn dân sẽ phải gánh chịu khi tiêu dùng bất kể sản phẩm gì dù là sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Tăng VAT mà giảm thuế thu nhập là một hình thức đứng về phía người giàu, chia nghĩa vụ thuế lên vai toàn dân. Việc tăng thuế này sẽ khiến người nghèo càng nghèo hơn, khoảng cách giàu nghèo cũng vì thế mà cách xa hơn.
Mới đây, báo Tuổi Trẻ minh họa trường hợp một người dân thường là chị Hương. Người dân này tính: tiền điện mỗi tháng gia đình trả khoảng 550.000 đồng, trong đó gồm cả khoản thuế VAT là 50.000 đồng.
Còn tiền nước là hơn 200.000 đồng (nước có thuế suất VAT 5%). Nếu tới đây thuế VAT với điện và nước tăng theo đề xuất của Bộ Tài chính, riêng hai khoản này chị sẽ phải trả thêm khoảng 12.000 đồng.
Nhưng vấn đề là gần như sản phẩm nào cũng phải nộp thuế VAT, từ cáp truyền hình, Internet, tiền sữa, dịch vụ giáo dục, khám chữa bệnh…
Thuế VAT tăng nghĩa là từng bó rau, con cá cũng tăng, thậm chí cả những đồ dùng thiết yếu trong nhà như gạo, đường, nước mắm, muối, giấy vệ sinh, điện thoại, xăng xe…
Nhẩm riêng tiền sữa một tháng khoảng 2,2 triệu đồng, chị Hương nhận định từng khoản nộp thêm do tăng thuế VAT nhỏ nhưng cộng lại sẽ là một khoản to…
Tâm trạng chung của chị khi nghe tăng thuế là lo giá cả sẽ “té nước theo mưa”. Giả sử hàng hóa chỉ tăng bằng mức tăng thuế, mỗi tháng gia đình chị có thể tốn thêm cả triệu đồng.
“Mọi thứ đều tăng thì lấy gì bù vào? Chắc chỉ có nước thắt lưng buộc bụng” – người dân chua xót.
Tuy nhiên khi mưu toan tăng thuế đánh vào đầu dân, “Đảng và Nhà nước ta” mới chỉ nhìn thấy “tiền vào” mà chưa thấy “tiền ra”. Những hệ lụy đương nhiên của việc tăng thuế VAT là người mua sẽ phải tiết kiệm hơn, mua hàng rẻ hơn, do đó khâu tiêu thụ và kéo theo sản xuất sẽ yếu hơn, đặc biệt đối với những loại hàng cao cấp. Nền kinh tế vốn đang suy thoái sẽ càng suy thoái hơn, kéo theo khả năng thu thuế không những “đạt kế hoạch” mà còn trở nên tệ hại hơn.
T.L.
VNTB gửi BVN.

Quẫn bách, Việt Nam kiên trì mục tiêu vắt kiệt sức dân


Người Việt
clip_image002
Việt Nam đã nhiều lần tăng thuế đánh vào xăng dầu. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Bộ Tài chính Việt Nam vừa giới thiệu kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, từ đầu năm 2019, VAT của tất cả các loại sản phẩm, dịch vụ sẽ tăng thêm từ 1% lên 2%.
VAT là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của sản phẩm, dịch vụ suốt quá trình từ sản xuất, phân phối đến sử dụng và người cuối cùng trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ là đối tượng gánh khoản thuế này. Cũng vì vậy, tăng tỉ lệ VAT đồng nghĩa với việc buộc tất cả mọi người phải trả nhiều tiền hơn cho ăn uống, học hành, chữa bệnh, sinh hoạt thường nhật (điện, nước, đi lại…).
Theo truyền thông Việt Nam, Bộ Tài chính Việt Nam dự trù sẽ tăng VAT theo hai hướng: Một, nâng tỉ lệ đối với các mặt hàng đang chịu thuế VAT từ 5% lên 6%, thu 12% đối với các mặt hàng đang chịu thuế VAT 10% từ 1 Tháng Giêng năm 2019. Hai, giống y như Một, chỉ khác là tới năm 2021 VAT sẽ tiếp tục được nâng lên thành… 14%!
Ông Phạm Ðình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính Việt Nam biện bạch, lý do bộ này đề nghị tăng tỉ lệ VAT vì mức thuế suất mà Việt Nam đang áp dụng “tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia”.
Tuy nhiên dự tính nâng tỉ lệ VAT của Bộ Tài chính Việt Nam làm cả dân chúng lẫn các chuyên gia lo âu.
Trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ về dự tính của Bộ Tài chính Việt Nam, nhiều phụ nữ ngụ tại Sài Gòn nhìn ra ngay viễn cảnh mọi người, mọi gia đình sẽ phải “thắt lưng, buộc bụng” chặt hơn vì cái gì cũng tăng, từ bó rau, con cá đến tiền điện, tiền nước phải thanh toán hàng tháng. Chi tiêu chung của mỗi gia đình sẽ thêm cả triệu đồng/tháng mà không biết tìm đâu ra để bù.
clip_image004
Ðồ họa của tờ Tuổi Trẻ mô tả dự tính tăng tỉ lệ thuế VAT của Bộ Tài chính Việt Nam.
Ông Ðỗ Dzoan Hảo, một giảng viên của Ðại học Tài chính-Marketing, cảnh báo, việc tăng VAT sẽ gây khó khăn nhiều hơn cho người nghèo. Tăng thuế sẽ gây ra những tác động rất lớn đến xã hội, kéo lùi tiêu dùng.
Cả dân chúng lẫn các chuyên gia cùng có chung một nhận xét là dự tính tăng thuế quá vội vã và dường như Bộ Tài chính Việt Nam chưa nhìn vào mức sống của số đông dân chúng. Một luật sư tên là Trần Xoa nói thêm rằng, tăng thuế phải gắn với sự minh bạch về chi tiêu để dân chúng có thể giám sát.
Ông Ðỗ Thiên Anh Tuấn, một giảng viên của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, lưu ý, nguồn thu từ VAT của Việt Nam hiện nay đã chiếm 30% tổng thu từ thuế. So với nhiều quốc gia khác là quá cao (gấp ba mức phổ biến). Tăng tỉ lệ thu VAT chưa chắc đã giúp công khố có thêm tiền mà có thể còn làm phúc lợi xã hội tổn thất nhiều hơn.
Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài Chính của Ðại học Kinh tế Sài Gòn, khẳng định với tờ Người Lao Ðộng rằng, dự tính tăng thuế VAT là “tín hiệu không tốt cho nền kinh tế” bởi điều đó cho cho thấy thâm hụt ngân sách đang tăng. Tăng thuế tất nhiên nhằm gia tăng nguồn tiền cho ngân sách nhưng đó cũng chính là nguyên nhân khiến lãi suất tăng, chi phí của doanh nghiệp tăng, chi tiêu của dân chúng tăng theo và tác động bất lợi cho tăng trưởng kinh tế. Chưa kể tăng thuế có thể tác động bất lợi cho chính sách tiền tệ của Ngân hàng Quốc gia, nếu cơ quan này phải kiềm đà tăng lãi suất bằng cách bơm thêm tiền vào thị trường thì lạm phát tăng… Ông Bảo nhấn mạnh, tăng thuế sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.
Ngay cả viên chức ngành thuế cũng cảm thấy dự tính tăng thuế VAT của Bộ Tài chính Việt Nam không ổn. Trò chuyện với phóng viên tờ Người Lao Ðộng, một viên thanh tra của Cục Thuế Sài Gòn phân tích, nhiều quốc gia Ðông Nam Á đang duy trì VAT ở mức từ 5% đến 7% nhằm kích thích tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Nếu Việt Nam tăng VAT thêm 2%, tiêu dùng sẽ chậm lại ảnh hưởng tới tăng trưởng. Chưa kể giới đầu tư ngoại quốc thường chỉ đổ vốn vào các quốc gia có chỉ số tiêu dùng cao. Thành ra việc tăng tỉ lệ VAT có thể trở thành hàng rào, ngăn cản cả tăng trưởng kinh tế lẫn thu hút vốn đầu tư ngoại quốc.
Ở vị trí đại diện Bộ Tài chính Việt Nam, ông Thi thừa nhận, việc tăng tỉ lệ VAT có thể vi phạm cam kết ưu đãi về thuế đối với giới đầu tư nhưng vẫn phải điều chỉnh để “phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay”. Việt Nam đang chuyển sang khuynh hướng “thu hút đầu tư có chọn lọc”.
Trong vài năm gần đây, Việt Nam liên tục bội chi phải vay mượn nhiều hơn để chi tiêu và để trả các khoản nợ đã đến hạn thanh toán. Ðó cũng là lý do chính quyền Việt Nam tìm đủ lý do để tăng thuế.
Tháng trước, Bộ Tài chính Việt Nam từng làm cả dân chúng, báo giới lẫn các chuyên gia nổi xung vì vẫn khăng khăng đề nghị thu thêm 8,000 đồng/lít xăng cho cái gọi là “thuế bảo vệ môi trường” dù điều đó sẽ làm vật giá đồng loạt gia tăng, cả hoạt động kinh tế lẫn sinh hoạt xã hội vốn đã hết sức khó khăn sẽ còn khó khăn nhiều hơn. Tháng này, cũng Bộ Tài chính Việt Nam giới thiệu “sáng kiến” tăng tỉ lệ VAT. Người ta tin rằng, Bộ Tài chính Việt Nam, chính xác hơn là Chính phủ Việt Nam hiểu rất rõ các hậu quả tai hại của chuyện liên tục tăng mức thu của đủ loại thuế nhưng họ vẫn làm vì đang trong tình trạng hết sức quẫn bách. (G.Ð)

Biển Đông : Trung Quốc chuẩn bị chiến dịch lấn chiếm tại khu vực đảo Thị Tứ ?

Trọng Thành

mediaMáy bay vận tải quân đội Philippines trên đảo Thị Tứ, quần đảo Trường Sa.Ảnh chụp màn hình : doisongphapluat
Ngày 14/08/2017 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cho biết Trung Quốc cam kết sẽ không tiếp tục bành trướng tại Biển Đông, trong lúc ngoại trưởng Philippines tái khẳng định việc Manila đang đàm phán với Bắc Kinh về kế hoạch khai thác chung dầu khí tại các vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, một số nhà quan sát lo ngại khả năng Trung Quốc có thể đang chuẩn bị một chiến dịch lấn chiếm mới tại khu vực quanh một đảo lớn do Philippines kiểm soát.
Không khí giữa Philippines và Trung Quốc dường như có vẻ tiếp tục đi theo xu hướng hòa dịu và gia tăng hợp tác, như chủ trương của tổng thống Philippines Duterte. Thế nhưng nhiều tiếng nói từ đối lập Philippines, và nhiều nhà quan sát bên ngoài lại ghi nhận Trung Quốc đang có xu hướng gây căng thẳng trở lại ở Biển Đông, cụ thể là tại vùng biển xung quanh đảo Thị Tứ (Pag-asa), quần đảo Trường Sa, do Philippines quản lý (1). RFI xin giới thiệu bài « Biển Đông : Trung Quốc lại làm nóng », của Euan Graham, một chuyên gia về các vấn đề an ninh tại Đông Á, được đăng tải hôm nay, 18/08/2017, trên mạng của Viện Lowy (2).
Nhà nghiên cứu Euan Graham ghi nhận có sự tương phản giữa việc Trung Quốc tuyên bố Biển Đông đang bước vào giai đoạn « tương đối bình yên », tiếp theo việc các nước ASEAN và Bắc Kinh thông qua bộ khung Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) đầu tháng 8 này, với thực tế là Bắc Kinh đã đưa nhiều tàu chiến và tàu bán vũ trang hỗ trợ các ngư dân tại khu vực biển sát đảo Thị Tứ, vào tuần trước, ngay sau hội nghị Manila.
Nhà nghiên cứu Úc dẫn báo Philippines GMA News cho biết tàu Trung Quốc đã bắt đầu có mặt tại khu vực này từ ngày 11/08. Và kể từ ngày 15/08, nhiều cuộc tuần thám bằng trực thăng, xuất phát từ ít nhất một tàu chiến của Hải Quân Trung Quốc, đã được tiến hành tại một số dải cát ở phía tây đảo Thị Tứ.
Nhà nghiên cứu Viện Lowy cũng dẫn lại phân tích của Tổ Chức Minh Bạch Hàng Hải Quốc Tế (AMTI), theo đó Bắc Kinh đang phô trương sức mạnh Hải Quân tại khu vực xung quanh đảo Thị Tứ nhằm gửi tín hiệu răn đe chính quyền Philippines, để ngăn cản Manila trong kế hoạch sửa chữa đường băng sân bay và hoàn thiện một số cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ.
Tuy nhiên, theo tác giả, có khả năng mục tiêu thực sự của Trung Quốc là chuẩn bị cho chiến dịch « phong tỏa » đảo Thị Tứ, thậm chí tổ chức « xâm lấn » một trong các dải cát không có người ở tại khu vực phía tây đảo này.
« Một kế hoạch nham hiểm »
Một « kế hoạch nham hiểm » của Trung Quốc là cảnh báo của nghị sĩ đối lập Philippines Gary Alejano. Nghị sĩ đối lập cho hãng tin GMA News hay là tàu kiểm ngư của Philippines đã bị tàu Trung Quốc ngăn chặn tại khu vực cách đảo Thị Tứ khoảng từ 2 đến 7 hải lý.
Nhà nghiên cứu Úc bình luận : Nếu như thực sự có việc tàu kiểm ngư của BFAR (Cơ Quan Ngư Nghiệp và Thủy Sản) Philippines buộc phải quay đầu vì bị tàu Trung Quốc ngăn chặn như vừa nêu, thì rất có thể trong thời gian tới sẽ tái diễn một kịch bản tương tự như vụ Trung Quốc phong tỏa bãi cạn Scarborough hồi năm 2012, từng buộc Manila phải nhường bước, sự kiện cho thấy những hạn chế của Hoa Kỳ trong chính sách can dự tại Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Úc lưu ý nhiều hơn đến việc dải cát Sandy Cay, một trong các dải cát xung quanh đảo Thị Tứ, có khả năng sẽ bị Trung Quốc xâm chiếm trong thời gian tới. Dải cát này đã trở nên nổi tiếng sau cuộc tuần tra « bảo vệ tự do hàng hải » FONOP đầu tiên mà Hoa Kỳ tiến hành tại Biển Đông, do chiến hạm USS Lassen thực hiện, xung quanh rạn san hô Xu Bi (Suby reefs) – nơi Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo và nhiều công trình quân sự kiên cố - và một số thực thể địa lý bên cạnh, hồi tháng 10/2015.
Bãi cát Sandy Cay, gần đảo Thị Tứ (Pag-asa), trong bản đồ các hoạt động bảo vệ tuần tra hàng hải Mỹ (FONOP), theo trung tâm Center for Science and International Affairs, trường Harvard Kennedy School, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.Ảnh chụp màn hình : belfercenter.org
Ông Euan Graham nhắc lại : ông đã từng lưu ý về « một hệ quả có khả năng bị coi thường » xuất phát từ hoạt động tuần tra FONOP đầu tiên của Hoa Kỳ. Vào thời điểm này, Washington đã làm nổi bật quan điểm là dải cát Sandy Cay, một thực thể nổi không có người ở, nhưng là « thực thể có thể có thẩm quyền pháp lý 12 hải lý đối với khu vực biển xung quanh », trong đó bao gồm cả đá Xu Bi (nơi Trung Quốc kiểm soát). « Bắc Kinh chắc chắn đã quan tâm đến điều này », ông nhận xét.
Trong phần kết luận bài phân tích, nhà nghiên cứu Úc nhấn mạnh là các hoạt động của Trung Quốc đang diễn ra xung quanh đảo Thị Tứ là đáng lo ngại, vì mang tính « cưỡng bức », và nếu như mục tiêu của các hoạt động này là lấn chiếm dải cát Sandy Cay, thì điều đồng nghĩa với việc căng thẳng tại Biển Đông sẽ bị thổi bùng trở lại.
Ít nhất hai tàu cá Trung Quốc đánh bắt sát Thị Tứ
Báo Rappler của Philippines hôm nay cho biết là Tổ Chức Minh Bạch Hàng Hải Quốc Tế vừa công bố hôm qua một loạt các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy « ít nhất hai tàu cá Trung Quốc » đang hoạt động đánh bắt gần đảo Thị Tứ. Theo thông tin mới nhất của AMTI ngày 13/08, hoạt động của hai tàu cá nói trên được ghi nhận rất rõ. Tổng cộng, ít nhất 9 tàu cá của Trung Quốc hiện diện tại khu vực này, các tàu này được hai tàu « chấp pháp » bảo vệ. Như vậy, thông báo của AMTI xác nhận các thông tin trước đó của nghị sĩ đối lập Philippines (xem thêm : bài Trung Quốc phá hủy môi trường Biển Đông, giới khoa học kêu cứu).
Thông tin của AMTI được đưa ra đúng vào lúc ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano tiếp tục khẳng định hôm thứ Tư, 16/08, vừa qua, là có thể có tàu nước ngoài vào khu vực này, nhưng « tình hình ở đây vẫn rất ổn định ». Trả lời họp báo tại Hạ Viện, ngoại trưởng Philippines trấn an công chúng, và yêu cầu người Philippines nên xây dựng « lòng tin cậy lẫn nhau » với Trung Quốc, giống như với đồng minh lâu đời Hoa Kỳ trước đây. Ngoại trưởng Philippines than phiền về việc có rất nhiều người coi Trung Quốc là kẻ thù, và mỗi động thái của Trung Quốc đều bị phản ứng rất mạnh.
Ông đặt câu hỏi : Tại sao chúng ta không lo ngại về việc Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines ? và ông tự trả lời : Bởi Mỹ là đồng minh của chúng ta.
Manila vừa chìa tay, vừa phòng thủ
Kể từ khi tổng thống Duterte lên nắm quyền, Manila chủ trương xây dựng quan hệ gần gũi với Trung Quốc, với hàng loạt nhân nhượng, bị đối lập chỉ trích là có hại cho chủ quyền quốc gia của Philippines. Trên thực tế, Philippines đang trong tình thế vừa chìa tay ra với hy vọng hợp tác được với Bắc Kinh, nhưng vừa trong tư thế sẵn sàng phòng thủ.
Theo báo chí Philippines, ngoại trưởng Philippines Cayetano – đại diện quốc gia chủ nhà Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hồi đầu tháng này – cũng chính là người chủ trương không đưa các lời lẽ trực tiếp gợi đến hành vi bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc vào bản Tuyên bố chung ngày 06/08, theo đề nghị của Việt Nam, với lý do Trung Quốc đã ngừng các hoạt động này trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, hôm thứ Sáu tuần trước 11/08, người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella, khẳng định (3) Manila sẵn sàng thúc đẩy ASEAN nêu vấn đề này trong cuộc họp lần tới, nếu các thông tin về các hành động bành trướng mới đây của Trung Quốc, như AMTI đã đưa ra, là « chính xác » (4).
----
(1) Đảo Thị Tứ cũng là đối tượng đòi chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc, và Đài Loan.
(2) Ông Euan Graham là thành viên Lowy Institut, một viện tư vấn về chính trị quốc tế có trụ sở tại Sydney, Úc.
(4) Theo AMTI, hai ví dụ mới nhất về các xây cất mới của Trung Quốc là tại đảo Cây (Tree Island) và đảo Bắc (North Island), thuộc nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group), khu vực phía đông của quần đảo Hoàng Sa.

Gửi ông Phạm Sỹ Quý: Nếu không khuất tất thì hãy thành thật

Việc kê khai tài sản của ông Phạm Sỹ Quý (Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái) sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu có sự giúp đỡ tận tình của vợ.

Gửi ông Phạm Sỹ Quý!

Là một người luôn đau đáu “khát vọng đại gia”, ngay từ khi biết được vợ chồng ông sở hữu một khối tài sản khổng lồ, tôi đã luôn dõi theo sự việc. Vừa phần tò mò giống như bao người, vừa phần muốn học mót kinh nghiệm làm giàu của ông.

Sở dĩ vậy vì tôi được biết, khối tài sản khổng lồ của ông là kết quả của một quá trình dài nỗ lực vươn lên từ hồi ông còn là sinh viên đại học. Ông đã tạo động lực cho tôi tin rằng chỉ một vài năm nữa thôi, mình hoàn toàn có cơ hội để có thể mua một căn hộ chung cư cao cấp tại Hà Nội cùng bạt ngàn đất ở quê để cho mẹ già làm trang trại nuôi cá, lợn và trồng cây cảnh giống như công trình trang trại của ông mà người ta vẫn gọi là “biệt phủ”.

Đa chiều - Gửi ông Phạm Sỹ Quý: Nếu không khuất tất thì hãy thành thật
"Biệt phủ" trên mảnh đất hàng nghìn mét vuông của gia đình ông Phạm Sỹ Quý. 
Bởi tôi cũng như ông, cũng sớm lăn lộn với đời. Nếu như ông buôn lá chít, chổi đót, nấu men rượu, làm giá đỗ, làm xưởng giày… thì tôi cũng làm gia sư, làm bồi bàn, cài Win dạo, bán đồ ăn đêm… Và với sự cố gắng chăm chỉ, tiết kiệm của mình, sau bao năm tôi cũng có chút thành tựu là một nhà hàng nhỏ nhỏ với thu nhập đủ để nuôi một gia đình.

Mấy đứa con hay trêu tôi rằng “bố sống ảo”. Sở dĩ chúng nói vậy vì tôi hay khoe tài sản của mình lên mạng xã hội. Nào như mua được cái xe máy mới cũng phải đăng ảnh khoe, cơi nới được căn nhà cũng khoe… Tôi khoe vì tôi tự hào với những gì mà tôi tự tay làm ra, tự hào với những thành tựu có được nhờ sức lao động của mình.

Vậy thì ông Quý ạ, nếu như tài sản của ông được tạo dựng bởi sự chân chính thì sao ông phải vòng vo, ngại ngần che giấu? Đã gọi là thành tựu thì phải công khai, phải tự hào, phải cho thiên hạ thấy rằng những thứ mình đang có hoàn toàn xứng đáng với sự phấn đấu của mình.

Nhưng đúng là mỗi người mỗi số, cũng tầm tuổi xêm xêm nhau, cũng vất vả, lặn lộn từ ngày trẻ. Vậy mà so với ông, tôi còn kém cỏi nhiều quá. Tôi cũng cố tìm ra nguyên nhân tại sao mình lại thua kém như vậy. Và khi đọc tiểu sử về ông, tôi bất chợt “À” một tiếng thật to.

Hóa ra, do bố mẹ tôi không để lại trang trại để giúp tôi tăng thu nhập 1 tỷ đồng/năm, chị gái tôi chỉ làm giáo viên quèn, và vợ tôi chẳng có mảnh đất hàng nghìn mét vuông nào “vắt vai”.

Được cái, “tay hòm chìa khóa” của gia đình tôi luôn biết tính toán, khuyên nhủ chồng con và đặc biệt luôn căn dặn tôi rằng “nhà mình có những tài sản gì, còn thiếu cái gì…” để chúng tôi cùng hoạch định tương lai, cùng phấn đấu.

Vậy nên, dù nền tảng về kinh tế của tôi có kém ông nhưng tôi vẫn thấy may mắn hơn ông rất nhiều vì tôi có một người vợ luôn quan tâm đến vấn đề tài sản của gia đình, luôn chung tay cùng với chồng để cùng xây dựng kinh tế. Điều đó chắc hẳn ông không thể cảm nhận được. Vì cái nghĩa vợ chồng của gia đình ông… tôi thấy… lạ quá!

Ông vừa cáng đáng công việc ở sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái với cương vị lãnh đạo, lại vừa phải điều hành cái trang trại khổng lồ, có doanh thu 1 tỷ/năm. Trăm công nghìn việc như vậy, chắc chắn ông chẳng thể nhớ được gia đình mình có bao nhiêu tài sản. Thế nên tôi vô cùng thông cảm với ông khi thực hiện kê khai tài sản ông kê sót, kê giảm giá trị tài sản.

Tôi chỉ trách… trách sao “tay hòm chìa khóa” nhà ông lại vô tâm đến thế. Không giúp ông liệt kê tài sản một cách đầy đủ, chi tiết; đến lúc thấy ông kê sai, kê giảm giá trị tài sản mà vợ ông cũng không nhắc chồng còn thiếu cái nhà, miếng đất (chẳng hạn) để ông bổ sung cho thật đầy đủ. Ông bận trăm công nghìn việc thế, làm sao biết hết tài sản trong nhà có những gì. Thật chẳng bù cho vợ tôi chút nào, đến tiền trong ví tôi có bao nhiêu, cô ấy còn biết!

Cái chuyện rùm beng tài sản của ông, nói thực tâm nhé: Tôi trách ông ít mà trách “tay hòm chìa khóa” nhà ông nhiều hơn đấy!

Hay do gia đình ông chia tài sản theo kiểu “của ông – của tôi” nên vợ ông mới không quan tâm đến những tài sản đấy. Nhưng tôi nghĩ, dù tài sản của gia đình ông có “phân chia” thế nào thì ông cũng cứ mạnh dạn kê khai; “của chồng, công vợ” chứ có phải người dưng nước lã đâu mà rành mạch quá như thế!

Và không biết ông có trùng quan điểm với tôi hay không. Nhưng tôi để ý, chỉ những người kiếm tiền từ những việc khuất tất thì họ mới ngại ngần công khai tài sản – những thành tựu của mình.

Người tham vọng

(Người Đưa Tin)

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

TRUNG QUỐC: ĐÓNG CỬA ĐIỂM DU LỊCH TÀNG TƯ THẠCH VÌ SỢ ĐIẾM GỞ CHO ĐCS

Những ngày gần đây, cư dân mạng Trung Quốc đã tiết lộ, điểm du lịch tảng đá nứt đôi 270 triệu năm tuổi, trên vách có dòng chữ “Trung Quốc Cộng sản đảng vong” đã bị đóng cửa.

vong đảng, Trung Quốc, tàng tự thạch,
Tàng Tự Thạch tại Quý Châu với dòng chữ: “Trung Quốc Cộng sản Đảng vong”. (Ảnh: NTDTV)
Theo cư dân mạng, điểm du lịch “Tàng Tự Thạch” đã bị rào lại bằng lưới sắt, ở giữa có một cái cửa kính bị khóa, du khách chỉ có thể quan sát qua cửa kính. Ở gần cánh cửa kính có một biển báo cho biết đây là khu vực có gắn camera giám sát.
Một cư dân mạng cho biết, giá vé vào cửa khu du lịch Chưởng Bố cũng tăng từ 50 tệ lên 90 tệ. Ngoài ra, dòng chữ “Trung Quốc cộng sản đảng vong” trên “Tàng Tự Thạch” cũng đã bị chỉnh sửa, chữ “Vong” của cuối dòng đã bị cắt đi một nửa.
Vào năm 2002, tại xã Chưởng Bố huyện Bình Đường tỉnh Quý Châu người ta phát hiện ra một tảng đá nứt đôi, trên mặt của vách nứt có hiện lên 6 chữ “Trung Quốc Cộng sản đảng vong”, (nghĩa là “Đảng Cộng sản Trung Quốc diệt vong”) với chữ “Vong” có phần mờ hơn so với các chứ còn lại, vì thế người dân ở đây đã đặt cho tảng đá này cái tên “Tàng Tự Thạch” (tức tảng ẩn giấu thông điệp).
Tháng 8/2003, huyện Bình Đường đã mời một chuyên gia địa chất tỉnh Quý Châu để điều tra về Chưởng Bố, người sau đó đã viết một báo cáo chi tiết về cuộc khảo sát. Báo cáo khẳng định rằng “Tàng Tự Thạch” đã rơi xuống từ một vách núi cao về phía thung lũng sông của Chưởng Bố.
Trên dốc đứng của vách núi, có thể thấy một vết lõm tương ứng ở nơi mà tảng đá rơi. Sau khi khối cự thạch này rơi, nó tách làm đôi, và những chữ giống như viết bằng bút lông “Trung Quốc Cộng sản đảng vong” có thể được thấy rõ ràng ở phần bên phải mặt trong khe nứt.
vong đảng, Trung Quốc, tàng tự thạch,
Tân Hoa Xã đưa tin về tảng đá kỳ bí 270 triệu năm tuổi “Trung Quốc Cộng sản Đảng vong”. (Ảnh: Minghui.org)
Ba tháng sau, đoàn khảo sát văn hóa khoa học Trung Quốc gồm các nhà khoa học nổi tiếng để điều tra về các hiện tượng địa chất dị thường ở huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu đã được thành lập để nghiên cứu “Tàng Tự Thạch” trong khoảng từ ngày 5 đến ngày 8/12/2003.
Các chuyên gia tin rằng “Tàng Tự Thạch” ở thung lũng sông Chưởng Bố có niên đại khoảng 270 triệu năm trước, thuộc kỷ Permi. Sự sắp xếp ngay ngắn của các chữ trên “Tàng Tự Thạch” có thể được giải thích từ khía cạnh địa chất rằng không có dấu hiệu là chúng đã được con người làm ra, tuy thế xác suất xảy ra là rất nhỏ. Tảng “Tàng Tự Thạch” này không chỉ là một kỳ quan tầm cỡ thế giới, mà còn có một giá trị nghiên cứu địa chất lớn.
Các phương tiện truyền thông chính thức tại Trung Quốc đều tường thuật tin này, nhưng họ đã giấu nhẹm chữ “Vong” đi và chỉ đề cập rằng trên đó viết “Trung Quốc Cộng sản đảng”. Tuy nhiên chữ “Vong” có thể thấy rõ ràng trên ảnh của tờ Nhân dân Nhật báo và mạng Tân Hoa Xã.
Chính quyền địa phương cũng đã quy hoạch nơi này trở thành một điểm du lịch. Nhưng cũng chỉ tuyên truyền dòng chữ trên “Tàng Tự Thạch” là “Trung Quốc Cộng sản đảng”.
Cho dù vậy nhưng rất nhiều người vẫn gọi tảng đá này là “Tàng Tự Thạch” hoặc “Vong Cộng Thạch”, họ cho rằng 6 chữ trên tảng đá cổ này đã báo trước thiên ý một cách rất rõ ràng rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị diệt vong.
Lê Hiếu biên dịch

CỰU PTT NGUYỄN MẠNH CẦM NÓI VỀ VỤ KIỆN CỦA TRỊNH VĨNH BÌNH

Nguyên PTT Nguyễn Mạnh Cầm: ‘Vụ án kéo quá dài và tiêu cực’
Khánh An

VOA – Ông Nguyễn Mạnh Cầm, Ủy viên Bộ Chính trị (1994 – 2001), giữ chức Phó Thủ tướng (1997 – 2002) kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1991 – 2000) trong thời gian diễn ra vụ án Trịnh Vĩnh Bình. Ở cương vị đứng đầu cơ quan đối ngoại Việt Nam, ông đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu những thiệt hại trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hà Lan vì vụ việc này.
Trong bài phỏng vấn đặc biệt với VOA, ông cho biết vì sao những nỗ lực dàn xếp giữa ông Trịnh Vĩnh Bình và chính phủ Việt Nam bất thành, đồng thời đưa ra nhận định của một người trong cuộc. Mời quý vị theo dõi sau đây.

VOA: Vào thời điểm diễn ra vụ án Trịnh Vĩnh Bình, với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, ông cùng một số giới chức cấp cao Việt Nam nỗ lực dàn xếp êm thắm vụ việc. Vậy, lý do tại sao và điều gì cản trở khiến vụ việc không được giải quyết dứt điểm như mong muốn?

Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Vâng, nhớ lại thì hồi bấy giờ không chỉ cá nhân tôi mà còn có nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao khác, đã có nhiều nỗ lực và nhiều lần cố gắng dàn xếp êm thắm vụ việc này.
Ở đây phải kể đến ý kiến chỉ đạo quan trọng là từ thủ tướng lúc bấy giờ là Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bản thân tôi là một Bộ trưởng, một thành viên Chính phủ cũng đã kết nối và chỉ đạo Bộ Ngoại giao, chỉ đạo Đại sứ ở Hà Lan, và các ngành liên quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Tinh thần chung hồi bấy giờ là Thủ tướng muốn dàn xếp sao cho vụ việc không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước Việt Nam — Hà Lan, cũng như giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu. Muốn thế thì phải tổ chức Giám đốc thẩm.

Nhưng rồi vì nhiều lý do. Sau nhiều năm nay nhớ lại, tôi cho rằng đã có hàng loạt nguyên nhân, liên quan đến các vấn đề pháp lý, liên quan đến con người cụ thể, tức là các cán bộ cấp địa phương hồi bấy giờ tham gia vào giải quyết vụ việc, nên sự việc ngày càng phức tạp, vượt khỏi phạm vi một cơ quan xử lý.
Ngoài ra, cũng phải thấy vụ việc không chỉ liên quan đến các cơ quan chức năng ở Vũng Tàu, mà còn liên quan đến một số cơ quan trung ương khác. Đặc biệt hồi đó, theo anh em báo cáo lại, liên quan đến cả một số bộ phận bên an ninh.

VOA: Tại sao chính phủ Việt Nam và ông Trịnh Vĩnh Bình đã đạt được thỏa thuận ngoài tòa vào năm 2006, mà sự việc vẫn không được giải quyết rốt ráo, khiến dẫn đến những hệ lụy tiếp diễn đến hôm nay?

Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Theo tôi biết, thỏa thuận ngoài tòa là một nỗ lực tiếp theo từ chính phủ Việt Nam nhằm chấm dứt vụ án. Để kéo dài cũng không tốt.
Lúc bấy giờ, vì vụ án kéo quá dài và rõ ràng nó tác động tiêu cực tới quan hệ Việt Nam — Hà Lan nói riêng, với EU và thế giới nói chung, nên vào năm 2005, Việt Nam đã có một thỏa thuận ngoài tòa.
Tuy nhiên việc trả lại các tài sản cho nguyên đơn đã không thực hiện được, theo tôi, vì một phần các tài sản của nguyên đơn bị tẩu tán, thay đổi chủ sở hữu nên cũng khó khăn. Chứ còn về phía chính phủ, chúng tôi cũng muốn giải quyết vụ đó cho gọn đi để bồi thường cho phía nguyên đơn bị thiệt hại và để quan hệ hai nước không bị ảnh hưởng.

VOA: Ông có tiên liệu gì về kết quả của vụ kiện lần này không?

Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Tôi không muốn đưa ra bất cứ dự đoán nào về phiên tòa chưa diễn ra. Đôi bên đã có sự chuẩn bị khá công phu. Mọi chuyện bây giờ tùy thuộc theo cán cân công lý. Không có cách nào khác hơn.
Bất luận phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài như thế nào thì đây sẽ là một vụ kiện để lại nhiều bài học kinh nghiệm cần phải rút ra. Đất nước đang trên đường hội nhập vào đời sống mọi mặt của quốc tế. Chúng ta phải tuân thủ những hiệp định, những thỏa thuận đã ký với quốc tế. Chỉ có cách đó mới bảo vệ được hình ảnh một Việt Nam đổi mới và cải cách, không chỉ vì lợi ích của chính mình, của Việt Nam, mà còn vì lợi ích của các đối tác quốc tế khác, bất luận đó là cá nhân hay quốc gia.
https://projects.voanews.com/…/nguyen-manh-cam-vu-an-keo-qu…