Thanh Hà
Chủ tịch Tập Cận Bình, hình ảnh của Trung Quốc đầu thế kỷ 21.Reuters
2.287 đại biểu Trung Quốc từ ngày 18/10/2017 tề tựu về thủ đô Bắc Kinh dự Đại Hội Đảng Cộng Sản, bầu ra 205 ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương. Ban này đề cử bầu 25 ủy viên Bộ Chính Trị, cùng nhiều thành viên trong các tổ chức then chốt khác tại Bắc Kinh. Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc có gì mới ?
Thông tín viên RFI Heike Schmidt từ Bắc Kinh tường trình:
"Các nhà Bắc Kinh Học" phải bói mới biết được gần 2.300 đại biểu Trung Quốc bàn thảo những gì nhân Đại Hội Đảng. Đối với ông Tập Cận Bình, Đại Hội lần này là dịp đầu tiên để thay đổi nhân sự : 5 trong số 7 ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính trị đến tuổi nghỉ hưu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chủ tịch Trung Quốc gài những người thân tín vào bộ phận then chốt này trong guồng máy Đảng.
Theo phân tích của nhà chính trị học Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), mục tiêu của ông Tập Cận Bình là nhằm xóa đi ảnh hưởng của phe phái, những người thân thuộc với Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập :
"Tập Cận Bình sẽ củng cố thêm nữa quyền lực khi đưa những nhân vật thân tín vào Ban Thường Vụ. Ông học tập được từ chính sách của Mao và tập trung quyền lực trong tay mình không thua gì Mao Trạch Đông. Trong khi đó, ông Hồ Cẩm Đào đã mặc nhiên bị ban lãnh đạo dưới thời ông ấy cầm quyền đẩy vào hàng thứ yếu. Tập Cận Bình muốn tránh lập lại sai lầm của người tiền nhiệm"
Ai được "kết nạp" vào Bộ Chính Trị ?
Trong số những ngôi sao đang lên phải kể đến ông Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner). Mùa hè vừa qua, nhân vật này được cất nhắc vào chức vụ bí thư thành ủy Trùng Khánh, thay thế ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) bị thất sủng.
Một câu hỏi then chốt khác, liệu rằng Tập Cận Bình có giữ được nhân vật rất trung thành với ông là Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) đến tuổi phải về hưu hay không ? Chính nhờ họ Vương, người đứng đầu Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương mà Tập Cận Bình đã loại được những đối thủ chính trị nặng ký như Bạc Hi Lai (Bo Xilai), Chu Vĩnh Khang (Zhou Yong Kang) và nhiều người khác nữa trong khuôn khổ chính sách bài tham nhũng, "đả hổ diệt ruồi". Mặt trái của chiếc mề đay là ông Tập Cận Bình cũng có lắm kẻ thủ.
Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) cho rằng, đây không phải là lúc để ông Tập hạ mức độ đề cao cảnh giác :
"Tập Cận Bình không thể thoái lui. Ông đã dằn mặt tất cả mọi thành phần, từ cánh trí thức có đường lối tự do cho tới bên các doanh nhân. Đâm lao phải theo lao. Giải pháp duy nhất là phải tiếp tục tập trung tối đa quyền lực. Nếu như uy thế của ông bị suy yếu, Trung Quốc có nguy cơ bị chao đảo. Do vậy Tập Cận Bình phải kiểm soát tất cả và đảng Cộng Sản phải vững chắc".
Liệu Tập Cận Bình có kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đảng Cộng Sản Trung Quốc?
Hiện tại ông đã là tổng bí thư, là chủ tịch nước, là tổng tư lệnh tối cao. Từ năm ngoái ông lại còn được tặng thêm danh hiệu là "hạt nhân-trung tâm" của đảng Cộng Sản Trung Quốc, một vinh dự mà tới nay chỉ dành cho cố chủ tịch Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên theo phân tích của nhà chính trị học David Kelly, Viện China Policy tại Bắc Kinh, trên con đường chinh phục quyền lực, ông Tập Cận Bình sẽ không dừng lại ở đây :
"Tập Cận Bình sẽ không chỉ hài lòng với danh hiệu "hạt nhân-trung tâm" của Đảng. Chúng ta sẽ còn nghe nói nhiều đến tư tưởng Tập Cận Bình, đến tư tưởng của ông về việc lãnh đạo một cường quốc. Ở đây mọi người chú ý tới chính sách ngoại giao hung hăng của Tập Cận Bình. Đấy là chưa kể, ông đã tranh thủ lấp chỗ trống mà nước Anh và Mỹ để ngỏ sau Brexit, sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã tự đặt mình vào tư thế của một vị cứu tinh cho cả thế giới".
Tập Cận Bình phải chăng là vị lãnh đạo mới của thế giới đang trên đà chinh phục phương Tây để thực hiện "Giấc mơ Trung Hoa" ? Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) phân tích :
" Xưa kia Mao Trạch Đông muốn xuất khẩu mô hình cách mạng, giờ đây ông Tập Cận Bình xuất khẩu tư bản Trung Quốc và đang xây mộng ngự trị trên một vương quốc đỏ : Trung Quốc đóng vai trò đầu tàu trong thế giới toàn cầu hóa, và kinh tế Trung Quốc sẽ áp đảo thế giới, nhờ chiến lược Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21".
Putin hóa quyền lực
Người được mệnh danh là vị Hoàng Đế Đỏ dường như đã tìm được một giải pháp, để tiếp tục trụ lại nắm quyền khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm thứ nhì vào năm 2022. Chuyên gia Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou) giải thích :
"Cương lĩnh của Đảng buộc Tập Cận Bình phải chỉ định người kế nhiệm, nhưng lãnh đạo Trung Quốc này lại đầy tham tham vọng và có nhiều khả năng là ông sẽ tìm cách áp đặt một thể chế tổng thống chế, toàn quyền định đoạt mọi việc. Tập Cận Bình sẽ theo gương Vladimir Putin và sẽ có nhiều mánh khóe để thay đổi luật chơi, kéo dài thời hạn cầm quyền".
Tập Cận Bình, Hoàng Đế Đỏ Trung Hoa
Là nhà lãnh đạo thế lực nhất tại Bắc Kinh trong 25 năm qua, ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, đang thâu tóm quyền lực củng cố vai trò của Đảng tránh để Trung Quốc tan rã như Liên Bang Xô Viết dưới thời Gorbatchev.
Với khuôn mặt đầy đặn, vóc dáng chững chạc, ông Tập Cận Bình đang tập trung rất nhiều quyền lực trong tay. Nhà Trung Quốc học Jean Pierre Cabestan, đại học Hồng Kông cho rằng, ông Tập là hình ảnh của một đất nước Trung Quốc vững mạnh được trọng nể.
Giấc mơ tái sinh của cả một dân tộc, sau một thế kỷ bị thua kém phương Tây chính là chìa khóa giúp Tập Cận Bình củng cố vị thế trên chính trường.
Ông xuất hiện hầu như mỗi ngày trên đài truyền hình Nhà nước, khi thì trong tư cách chủ nhà tiếp đón các lãnh đạo trên thế giới, lúc thì thăm hỏi thần dân, hay là những khi phát biểu tại các cung hội nghị trong tiếng hoan hô vang dậy.
Đấy là một sự dàn cảnh theo kiểu thời Liên Xô cũ với bộ máy tuyên truyền tinh vi. Bên cạnh hình ảnh đó là cả một mảng tối : từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2013, chính sách đàn áp của Bắc Kinh trở nên lợi hại hơn. Nạn nhân của ông là những tiếng nói chống đối, là các diễn đàn trên mạng internet.
Nhà báo François Bougon, tác giả cuốn " Dans la tête de Xi Jinping, -Trong tâm tư Tập Cận Bình" -nhà xuất bản Actes Sud, đưa ra nhận định : tuy áp dụng chính sách tuyên truyền theo kiểu của Liên Xô, nhưng lãnh đạo Trung Quốc là một người trái ngược hẳn với lãnh đạo Liên bang Xô Viết cuối cùng, Mikhail Gorbatchev.
Ông Tập vẫn còn bị hình ảnh Liên Xô sụp đổ ám ảnh. Đó là động cơ khiến ông nắm chặt lấy quyền lực, và như ghi nhận của François Bougon đành rằng thân phụ của ông Tập Cận Bình có là nạn nhân của Đảng, nhưng đương kim chủ tịch Trung Quốc "muốn khẳng định ông là người đem lại một làn gió mới cho đảng Cộng Sản Trung Quốc chứ không theo đuổi mục đích trả thù Đảng".
Đảng Cộng Sản Trung Quốc mở Đại Hội, Bắc Kinh đóng cửa giới nghiêm
Các tình nguyện viên canh gác một góc đường, tại thủ đô Bắc Kinh, nhân Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19.REUTERS/Thomas Peter
Đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc Đại hội thứ 19 vào ngày thứ Tư 18/10/2017. Để bảo đảm an ninh tuyệt đối cho điểm hẹn chính trị quan trọng được tổ chức 5 năm một lần, thủ đô Bắc Kinh được dọn dẹp sạch sẽ, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Smith tường thuật :
"Một đội quân 650.000 tình nguyện viên, tay đeo băng đỏ và cờ hồng Trung Quốc, canh gác từng góc đường. Trên mỗi cây cầu, cảnh sát trang bị dùi cui theo dõi mọi hoạt động 24giờ trên 24. Ở nhà ga, các biện pháp an ninh được tăng cường, khiến hành khách phải kiên nhẫn chờ hành lý được kiểm soát.
Các biện pháp an ninh được gia tăng đến mức tối đa làm cuộc sống của người dân Bắc Kinh bị đảo lộn. Chợ bán rau quả, sân tập thể dục - thể thao bị đóng cửa. Các nhà hàng ở cạnh quảng trường Thiên An Môn được lệnh không đốt lò nướng thịt và nhiều quán giải khát phải hủy bỏ chương trình ca nhạc. Trẻ con cũng bị ảnh hưởng. Các buổi dã ngoại của các lớp mầm non bị hoãn lại. Tất cả siêu thị bị cấm bán dao.
Đối với các nhà bất đồng chính kiến, Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc đồng nghĩa với nghỉ hè bắt buộc, không được ở thủ đô. Ngay du khách cũng bị ảnh hưởng, không thể tạm trú tại thủ đô, thủ tục thuê nhà qua mạng Airbnb bị đình hoãn.
Ám ảnh an ninh không dừng lại ở ranh giới thủ đô. Chẳng hạn, tại Thẩm Quyến, tỉnh Quảng Đông, một khách sạn bị phạt khoảng 2000 euro vì cho người Duy Ngô Nhĩ, một sắc dân ở Tân Cương theo đạo Hồi, thuê phòng."
Đại đảng Cộng Sản lần này là cơ hội để chủ tịch Tập Cận Bình, người được mệnh danh là ông hoàng đỏ, củng cố quyền lực, dọn đường lãnh đạo thêm nhiệm kỳ hai.
Trong bài xã luận, Hoàn Cầu Thời Báo, một trong các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc, khẳng định mô hình độc đảng của Trung Quốc, tham khảo ý kiến đảng viên thay vì hỏi ý dân, hiệu quả hơn và dân chủ hơn các nền dân chủ Tây phương.
http://tuoitre.vn/video-tom-luoc-bai-phat-bieu-khai-mac-dai-hoi-dang-cua-ong-tap-20171018122600294.htm
Tác giả: Nguyễn Thanh Tuấn
10 năm trước, khi thu mới chớm, ĐH Đảng lần thứ 17 ĐCS Trung Quốc cũng khai mạc ở Bắc Kinh. Hai cái tên Lý Khắc Cường, bí thư tỉnh Liêu Ninh và Lý Nguyên Triều, bí thư tỉnh Giang Tô, là ứng viên hàng đầu cho vị trí ứng viên kế nhiệm tiếp theo cho thế hệ lãnh đạo thứ 5.
Tân bí thư Thượng Hải khi đó Tập Cận Bình, không được coi là ứng viên chính. Ông chỉ mới lên vị trí này đầu năm 2007 sau khi Trần Lương Vũ bị lật đổ. Cũng chưa từng có tiền lệ lãnh đạo địa phương đồng thời được bầu vào Thường vụ Bộ chính trị, cơ quan quyền lực tối cao của Trung Nam Hải.
Nhưng mùa thu đó, mọi thứ thay đổi. Đại hội năm đó lần đầu “bỏ phiếu mở” 25 Uỷ viên Bộ chính trị: lần đầu các Uỷ viên được bầu từ nhóm ứng viên rộng hơn từ cả cấp tỉnh và cấp bộ. Tập Cận Bình trong cuộc bỏ phiếu mở nhận được sự ủng hộ lớn.
Năm đó, Tập là người được lựa chọn chỉ vì đơn giản các bô lão đều nghĩ Bí thư Thượng Hải khi đó sẽ là người “dễ bảo” – Tập là người thay bí thư Trần Lương Vũ bị lật đổ cách đấy chưa đầy một năm vì tội tham nhũng. (10 năm sau, có lẽ các bô lão giờ đã thấy mình sai thế nào!!!)
Ngay sau ĐH Đảng, tại Trung ương 1 của Khoá 17, Tập được lựa chọn trở thành thành viên thứ 6 của Thường vụ Bộ chính trị và Bí thư ban Bí thư. Tới cuối tháng 12, Tập được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Đảng Trung ương – giống con đường Hồ Cẩm Đào đi trong giai đoạn là “lãnh đạo kế vị” chờ đợi trong cuối những năm 1990.
Tới 2012, Tập chính thức là ứng viên nhượng bộ cho các bên. LA Times đánh giá con đường của Tập từ lãnh đạo cấp trung không hề đặc sắc vươn lên trở thành lãnh đạo tuyệt đối vừa có phần may mắn, có chút đánh giá thấp của đối thủ và yếu tố chiến lược.
Tập Cận Bình không phải luôn được chú ý. Ông là quan chức mức khá cấp địa phương nhưng không gây dấu ấn ở các tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang trước khi tới Thượng Hải. Khi ông cưới bà Bành Lệ Viên – nữ văn công nổi tiếng của quân đội– thì mọi người thường đùa “Ai là Tập Cận Bình? Ông ta là chồng của Bành Lệ Viên”.
Trở lại 2012, giai đoạn của Hồ Cẩm Đào trước đó là thời kỳ hỗn loạn ở Bắc Kinh giữa nhiều phe phái, tham nhũng tràn lan, nội bộ đảng rơi dần vào vòng xoáy khủng hoảng. Trước đại hội, Bắc Kinh cũng cố để có một kỳ đại hội yên ả, nhưng điều đó không diễn ra.
Vợ của chính trị gia đang nổi khi đó là Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị cáo buộc đầu độc giết một thương nhân người Anh, người tình của bà. Thông tin chấn động này lật đổ Bạc, ngôi sao đang lên và là đối thủ của Tập. Ngay sau đó thì Lệnh Kế Hoạch, cánh tay phải của Hồ Cẩm Đào, bị giáng chức vì tìm cách che dấu cái chết của con trai, người gây tai nạn với chiếc xe Ferrari sau một bữa tiệc cùng với hai thiếu nữ trẻ. Hồ Cẩm Đào vì vụ này cũng không thể tác động nhân sự ở ĐH 18.
Các lãnh đạo đảng khi đó thấy cần một người có khả năng lãnh đạo ổn định. Việc Tập không phải là ứng viên thân của cả Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào tạo lợi thế phần nào cho ông lúc này.
Ngoài ra, thân thế của Tập cũng tạo khác biệt lớn cho ông. Tập Trọng Huân, cha Tập là một trong những nhân vật thân cận quan trọng của Mao và người từng lãnh đạo cơ quan tuyên huấn của đảng trước khi bị lật đổ trong Cách mạng Văn hoá. Tập cũng từng phải đi cải tạo trong cách mạng văn hoá ở vùng Thiểm Tây.
Trong quá trình vươn lên Tập luôn cẩn trọng không gây thù chuốc oán với ai. Một bức điện sứ quán Mỹ năm 2009 được WikiLeaks tiết lộ đánh giá Tập là “cực kỳ tham vọng” và là người vượt qua giai đoạn hỗn loạn bằng cách “đỏ hơn cả đỏ”.
Tập, người vượt trội hơn so với nhiều người cùng thời, với nụ cười bí hiểm đã kịp cài quanh mình một loạt đồng minh quan trọng. Nhân vật quan trọng nhất trong số đó là người bạn lâu năm Vương Kỳ Sơn, người được Tập giao cho nhiệm vụ đứng đầu uỷ ban kiểm tra kỷ luật, dẫn dầu chiến dịch thanh trừng tham nhũng.
“Việc ông có một người vừa cùng chia sẻ chí hướng hành động và cực kỳ có năng lực là rất quan trọng”. Soái ca Vương đã “đả hổ, diệt ruồi” giỏi thế nào thì báo chí đã viết đủ nhiều.
Trở lại với các bô lão từng đưa Tập lên, họ đặc biệt im ắng trong mùa đại hội đảng này. Có thể thấy rõ các bô lão không còn ảnh hưởng nhiều với Trung ương Đảng như cách Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân hay Lý Bằng vẫn từng tác động.
Cựu Thường vụ Bộ chính trị Tống Bình (nguyên trưởng ban tổ chức TƯ khoá 13) mới tháng trước được báo chí Trung Quốc đưa tin là tới gặp lãnh đạo ĐH Nhân Dân Trung Quốc. Vị lãnh đạo 100 tuổi chụp hình trông vẫn nhanh nhẹn và khoẻ mạnh.
Ông Tống là người từng nâng đỡ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo khi những người này còn trẻ. Ông cũng dìu dắt Tập Cận Bình khi Tập vươn lên đỉnh cao. Mọi người nói ông thường ngồi cạnh Tập trong các cuộc gặp hàng năm ở Bắc Đới Hà khi các bô lão Đảng gặp các lãnh đạo hiện tại vào cuối hè.
Nhưng Tống là lãnh đạo duy nhất xuất hiện trong tháng vừa rồi. Cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, một đại ca khác, lần cuối cùng xuất hiện là từ hồi tháng 5 ở ĐH Thượng Hải. Nhưng ngay cả khi đấy, rất ít báo đài đưa tin về cuộc này (chi tiết này có thể chú ý thêm chuyện mối quan hệ giữa ông Tập với những người thân cận ông Giang). Chuyến đi chỉ được biết nhờ một số hình ảnh trên mạng mà có lẽ chủ yếu là để dập các tin đồn về sức khoẻ yếu của ông Giang.
Hồ Cẩm Đào cũng ít xuất hiện kể từ tháng 1, khi ông tới Quảng Châu, cơ sở cũ và để thăm Bí thư Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, một người thân cận.
5 năm trước, các bô lão đảng xuất hiện tích cực hơn nhiều ngay trước đại hội. Hai tháng trước đại hội, ông Giang ít nhất hai lần xuất hiện, trong đó có một lần ở Bắc Kinh. Đối thủ của ông, cựu chủ tịch Chính hiệp Lý Thuỵ Hoàn, cũng đi coi tennis ở thủ đô. Các cựu thủ tướng Chu Dung Cơ và Lý Bằng đều có động thái để tác động cài người mình vào những vị trí quan trọng của đảng.
Hồ Cẩm Đào vốn phản đối việc các bô lão tiếp tục can thiệp vào tình hình chính trường nên phần lớn né chính trị kể từ khi về hưu 5 năm trước. Cùng với việc các bô lão giảm dần ảnh hưởng khi tuổi tác ngày càng lớn, Tập đã nhanh chóng củng cố quyền lực tuyệt đối của mình thông qua chiến dịch chống tham nhũng.
Thậm chí một số người đặt dấu hỏi là liệu các bô lão có dự đại hội đảng năm nay. Năm 2012, Giang Trạch Dân là người thứ 2 bước vào đại lễ đường, chỉ sau Hồ Cẩm Đào, phản ánh ảnh hưởng kinh khủng của ông thế nào dù đã nghỉ.
Việc các bô lão xuất hiện cũng ảnh hưởng tới cơ cấu bộ phận sẽ lựa chọn trung ương đảng. Các bô lão chiếm tới 12 trong 41 thành viên đoàn chủ tịch Đại hội 18. Với 15 bô lão vẫn đang sống, các bô lão có thể chiếm tới 1/3 bộ phận quan trọng này của đại hội. Nhưng ngay trước Đại hội, đã có những thông tin ông Tập chỉ muốn cho các Uỷ viên hiện tại và dự khuyết được bỏ phiếu.
ĐH 19 khai mạc ngày mai có thể sẽ là màn kết chót với nhiều bô lão từng hét ra lửa một thời. Thông điệp của Tập với các bô lão giờ đã rõ: mời các cụ tránh đường.
Nguồn: Facebook Nguyễn Thanh Tuấn
ĐCS Trung Quốc ra đời năm 1921, còn 4 năm nữa là tròn một thế kỷ. TBT đầu tiên là Trần Độc Tú, và tới kỷ niệm 100 năm sẽ là “độc tú – vẻ đẹp độc tôn” của TBT/Chủ tịch Tập Cận Bình.
TBT Tập Cận Bình. Ảnh;:AFP |
Lịch sử 5000 năm Trung Hoa cho rằng, họ luôn có một người thông minh và cả nước ngu (vua là bố thiên hạ). Hoa Kỳ thì ngược lại, cả nước thông minh, chỉ có một người ngu. Nước Nga nghĩ, họ có một người thông minh và cả nước thông minh.
Cho dù thế nào cả ba đều đứng nhất nhì ba thế giới bằng cách này hay cách khác. Đó là một sự thật lịch sử chưa bao giờ thay đổi.
Hôm nay (18-10), đến hẹn 5 năm một lần, với 90 triệu đảng viên bằng dân số Việt Nam, đại hội đảng CS Trung Quốc, bắt đầu khai mạc. Thông thường sau 10 năm mới đổi chức TBT và Chủ tịch (nhất thể hóa), duy nhất Triệu Tử Dương bị phế truất sau 2 năm do có cảm tình với sinh viên biểu tình trên Thiên An Môn.
Hiện Tập Cận Binh giữ ghế được 5 năm (2012-2017), chả có lý do gì mà ông mất chức, không có chuyện bất ngờ như bầu cử bên Mỹ. Người ta đang suy đoán, liệu thủ tướng có bị thay hay không.
Nhà Trắng vừa công bố lịch trình của TT Trump thăm một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Nếu Tập Cận Bình không chắc chắn ở chiếc ghế TBT thì Trump sẽ không thăm Bắc Kinh, một sắp xếp theo qui trình CS.
Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” đối nội, phát triển quân đội hiện đại, và đối ngoại như “một vành đai, một con đường”, xử lý vấn đề biển Hoa Đông, lưỡi bò biển Đông, đưa tầu chiến áp sát cuộc tập trận NATO, ngang nhiên thách thức Mỹ trên mọi phương diện từ ngoại giao, quân sự, kinh tế, GDP quốc gia 11 ngàn tỷ đô (2016) chỉ đứng sau Hoa Kỳ với 18 ngàn tỷ, chỉ tính riêng tỉnh Quảng Đông thì GPD của họ đã gấp 5 lần GPD của Việt Nam, chắc chắn trong đại hội 19 chỉ nghe những lời khen bốc Tập lên tận cung mây.
Đối với quốc gia 1,4 tỷ dân, hiện Tập Cận Bình là số 1, nếu không nói là nhất thế giới. Các đời TT Mỹ cũng tỏ sự ngưỡng mộ đối với những người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Nixon coi Mao là người thay đổi thế giới. Đặng Tiểu Bình được Carter coi là người thông minh, mạnh mẽ, khôn khéo. Bill Clinton gặp Giang Trạch Dân vài lần với sự ngưỡng mộ người lãnh đạo có tầm nhìn và hết sức hiểu biết. Trump coi Tập là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc cả thế kỷ qua.
Từ khi nhậm chức vào Nhà Trắng, nhiều chính sách quan trọng như xây tường Mexico, Obamacare, di dân…của Trump đưa ra đều bị phủ quyết hoặc treo do bị Quốc hội kiềm chế hay luật liên bang của Mỹ giúp cân bằng và hạn chế quyền lực của TT. Ra nước ngoài ông bị chê cười, nước Mỹ yếu đi trông thấy.
Trong khi đó tại Trung Quốc, sự lãnh đạo là tuyệt đối. Sự vi phạm nhân quyền trắng trợn nhưng thế giới phải làm ngơ do mối làm ăn với Trung Quốc.
Hồi tháng 5-2017, Tập Cận Bình đã đón tiếp 28 vị lãnh đạo nhà nước và chính phủ tới Bắc Kinh cho một bữa tiệc mang tính “giới thiệu” nhằm chào mừng sáng kiến ”Vành đai và Con đường”, chính sách đối ngoại tham vọng nhất của Tập.
Đại lễ đường Bắc Kinh. Ảnh: Economist |
Manh nha từ năm 2013, “Một vành đai, một con đường” dự định đầu tư hàng trăm tỷ đô la cho cơ sở hạ tầng ở các quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa cổ nối liền quốc gia này với châu Âu.
Đây là ý định rõ ràng “không cần ẩn mình chờ thời” muốn làm chủ kinh tế thương mại ở Á Âu nhằm đối trọng với TPP do Obama theo đuổi.
Mới đây, bỏ TPP vào sọt rác, Trump đã giúp Tập múa gậy vườn hoang, thòng lọng “con đường, vành đai” cả trên biển và đất liền là nguy cơ có thật.
Những năm cuối 1990 và đầu thế kỷ 21, toàn cầu hóa và chiến tranh vùng Vịnh rồi chống khủng bố đã ngốn bao tiền của và việc làm của Hoa Kỳ trong khi Trung Quốc lặng lẽ tiến lên và thắng.
Giá lao động thấp, hàng hóa rẻ được nhà nước bảo hộ, không quốc gia nào có thể địch nổi lực lượng lao động 500 triệu người Trung Quốc. Từ Mỹ sang châu Âu, từ Nhật sang Úc đều thấy hàng Trung Quốc giá rẻ và người Trung Quốc chi hàng đống tiền mua hàng sang trọng với giá trên trời.
“America First” của Trump đang rút nước Mỹ về Mỹ, để mặc thế giới cho Trung Quốc, thì đương nhiên Tập sẽ lãnh đạo thế giới. Lá phiếu tự nguyện của Mỹ là vô giá.
Nga được coi là kẻ gây rối toàn cầu, Mỹ là sen đầm quốc tế, Trung Quốc đi giữa cao bồi và mafia, chơi canh bạc địa chính trị nào Trung Quốc cũng lợi, kể từ thời Mao – Nixon – Brezhnev.
Như một định mệnh, vị lãnh đạo đầu tiên của đảng này là ông Trần Độc Tú được bầu vào năm 1921, gần một thế kỷ trước.
Dường như vẻ đẹp độc (Độc Tú) luôn đi theo số phận nước này. Đó là độc đảng, độc tôn, độc quyền chân lý, độc tài phát triển thành công, Trung Quốc là quốc gia phát triển đáng nể
Việt Nam sẽ còn đương đầu với Tập thêm 5 năm nữa. Trước đó có Obama khá mạnh mẽ với biển Đông, nay thì Trump “I love China – yêu Trung Quốc” vì dân giầu xứ này mua bất động sản của ông ta ở New York.
Donald Trump cố thủ ở Washington DC trong khi EU rối loạn để lại khoảng trống quyền lực trên thế giới.
Điều này sẽ giúp Tập Cận Bình thành một “Độc Tú” cho đến kỷ niệm 100 năm tồn tại của đảng CS Trung Quốc, một người đứng trên tỷ người như lịch sử 5000 năm Trung Hoa.
Hiệu Minh. 18-10-2017
(Blog Hiệu Minh)
TQ mong thành cường quốc hàng đầu thế giới
18/10/2017 09:31 GMT+7
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng nay (18/10) đã khai mạc Đại hội toàn quốc của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ 19.
Đại hội bắt đầu lúc 9h sáng tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, với sự tham dự của 2.280 đại biểu trên toàn Trung Quốc.
Đây được xem là kỳ đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc đang đứng trước giai đoạn then chốt để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đẩy mạnh phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Người đứng đầu Trung Quốc đã có bài phát biểu với nhan đề: "Bảo đảm thắng lợi chắc chắn trong công cuộc xây dựng một xã hội thịnh vượng trong mọi lĩnh vực và phấn đấu vì thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa xã hội trong thời đại mới".
Ông Tập Cận Bình cho biết, kể từ Đại hội 18 đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hình thành tư tưởng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới. Tư tưởng này sẽ là chính sách dẫn đường cho đất nước trong những năm tới, ông nói thêm. Theo đó, sau khi đạt được mục tiêu trở thành xã hội tương đối thịnh vượng vào năm 2020, Trung Quốc sẽ tiến lên trở thành đất nước hiện đại hoá về cơ bản đến năm 2035 với số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp. Trung Quốc sẽ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu có và hùng mạnh hàng đầu thế giới cho đến giữa thế kỷ này, hay năm 2050, người đứng đầu nhà nước Trung Quốc cho hay.
Những bất ngờ ở đại hội Đảng Cộng sản TQ thứ 19
Các đại biểu tới dự đại hội Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc lần thứ 19 trong tuần này sẽ không được phục vụ các món hải sản hay chăm sóc sắc đẹp miễn phí.
Tư tưởng trên yêu cầu đảng cầm quyền cần phải kiên trì tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm, không ngừng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người. Tư tưởng này cũng đề ra các yêu cầu cụ thể về bố cục tổng thể, bố cục chiến lược, định hướng phát triển và sự bảo đảm chính trị cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Báo cáo nêu rõ: "Chúng ta sẽ đoàn kết nhân dân Trung Quốc ở thuộc mọi dân tộc và đưa họ đến chiến thắng quyết định trong công cuộc xây dựng một xã hội thịnh vượng và hiện đại về mọi mặt, từ đó đảm bảo sự thành công của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong một kỷ nguyên mới". Theo báo cáo, trong 5 năm qua, sự nghiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạo ra những "thay đổi lịch sử". Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng mạnh từ 54.000 tỷ lên 80.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 12.100 tỷ USD). Hơn 60 triệu người đã thoát khỏi nghèo đói.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẽ đang trong thời kỳ quan trọng với cơ hội phát triển mang tính chiến lược. Triển vọng tươi sáng nhưng thách thức cũng lớn.
Cũng trong báo cáo, ông nêu ra một số hướng đi cho nền kinh tế của Trung Quốc, như giảm năng suất sản xuất, hàng tồn kho, giảm áp lực nợ, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, tăng cường năng lực các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ có sự điều phối về chính sách tài chính, tiền tệ và kinh doanh, tăng cường cải cách về lãi suất và tỷ giá, ngăn ngừa rủi ro hệ thống...
Điều gì chờ Trung Quốc sau Đại hội Đảng lần thứ 19?
Sự kiện Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 bắt đầu vào ngày 18/10 thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên đề xuất thực thi chiến lược chấn hưng thôn làng, bao gồm xây dựng và kiện toàn thể chế, cơ chế và hệ thống chính sách phát triển hội nhập giữa thành thị và nông thôn, đẩy nhanh hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, củng cố và hoàn thiện chế độ kinh doanh cơ bản ở nông thôn, gia hạn thêm 30 năm chế độ nhận khoán đất đai sau khi đến hạn, cải cách sâu sắc chế độ sở hữu tập thể ở nông thôn, bảo đảm quyền và lợi ích về tài sản của nông dân, làm lớn mạnh kinh tế tập thể, xây dựng hệ thống công nghiệp nông nghiệp, hệ thống sản xuất và hệ thống kinh doanh hiện đại, hoàn thiện chế độ hỗ trợ và bảo hộ nông nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích tạo việc làm và khởi nghiệp cho nông dân, mở rộng kênh tăng thu nhập, kiện toàn hệ thống quản lý nông thôn.
Đại hội đảng toàn quốc của Trung Quốc được tổ chức 5 năm một lần, vạch ra chương trình nghị sự cho sự phát triển của đất nước trong 5 năm tiếp theo và xa hơn nữa, Nhật báo Nhân dân của Trung Quốc đưa tin.
Tại đại hội, các lãnh đạo trung ương mới sẽ được bầu.
Theo China Daily, dự đại hội, thành phần đảng viên là công nhân và nông dân chiếm tỉ lệ cao nhất (36,95%), tiếp đó là các nhà chuyên môn và cán bộ quản lý (25,21%). Những thành phần còn lại là giới chức, sinh viên và người về hưu.
Đại hội lần thứ 19 này sẽ diễn ra trong 7 ngày và bế mạc vào ngày 24/10.
- Hoài Linh
Thế giới 24h: Trung Quốc phát triển vũ khí "thần lực"
Trung Quốc khoe súng la-de siêu mạnh, Marawi được giải phóng, Raqqa hoàn toàn thoát khỏi tay IS... là các tin nóng vừa xảy ra bạn không nên bỏ lỡ.
Phản ứng của những phụ nữ vừa thoát khỏi tay IS
Các lực lượng người Kurd tại Syria cho hay, đoạn video dưới đây ghi lại cảnh một phụ nữ ăn mừng sau khi thoát khỏi vòng kiểm soát của IS tại Raqqa.
Ý định của Trung Quốc khi mở đường 6 làn tới Triều Tiên
Việc Trung Quốc xây dựng một tuyến cao tốc với 6 làn đường ở khu vực dân cư thưa thớt tại tỉnh Cát Lâm giáp biên giới Triều Tiên khiến một số chuyên gia nghi ngại.
Vũ khí hạng nặng của Mỹ 'bủa vây' Triều Tiên
Mỹ đã triển khai nhiều tàu chiến, tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân cùng đủ loại máy bay chiến đấu, ném bom, tàng hình, trực thăng vào các vị trí xung quanh Triều Tiên.
Xem Mỹ thử tên lửa đối không lẫn đối đất siêu hiếm
Mỹ vừa thử nghiệm một trong những tên lửa đánh chặn tiên tiến nhất của nước này, Standard Missile-6 (SM-6) ở ngoài khơi bờ biển Scotland.
Hai người chấp bút báo cáo Đại hội 19 sẽ được ông Tập Cận Bình trọng dụng
Báo cáo Đại hội 19 được ông Tập Cận Bình đọc vào lúc 9h sáng ngày 18/10 là do 2 người đảm nhận công việc văn thư mới của ông Tập Cận Bình chấp bút, trong đó một người có thể tiếp nhận chức vụ của ông Vương Hộ Ninh.
Trang Dong Wang (Hong Kong) ngày 16/10 đưa tin cho biết, mỗi lần đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều thành lập một tổ khởi thảo báo cáo, do thành viên Ban Thường ủy Bộ Chính trị phụ trách, và thành viên được điều động từ Văn phòng Trung ương, Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương, Trường Đảng Trung ương, Phòng nghiên cưu Quốc vụ viện v.v.
Đại hội 18 của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình phụ trách tổ này, ông Vương Hộ Ninh Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương chấp bút. Lần này tuy ông Vương Hộ Ninh có tham gia hỗ trợ, nhưng người chấp bút chủ yếu lại là ông Hà Nghị Đỉnh, Phó hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, và ông Lý Thư Lỗi, Phó bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
Bài viết chỉ ra, ông Vương Hộ Ninh là do nhân vật số hai của phe Giang là ông Tăng Khánh Hồng đề cử vào Bắc Kinh, đã trải qua ba đời bí thư là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình và vẫn đứng vững cho đến hiện nay. Đây được xem như một kỳ tích trong chính đàn, đặc biệt là sau khi âm mưu đoạt quyền của Lệnh Kế Hoạch bị bại lộ, các quan chức cấp cục và cao hơn nữa của Văn phòng Trung ương phần lớn bị thanh trừ, nhưng ông Vương Hộ Ninh vẫn không bị ảnh hưởng.
Bài viết cho rằng, các ông Hà Nghị Đỉnh, Lý Thư Lỗi mới được trọng dụng sau Đại hội 18, có thể sau Đại hội 19 sẽ tiếp tục được trọng dụng, trong đó khả năng ông Hà Nghị Đỉnh sẽ được thăng chức lên làm Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương sau “Đại hội 19″ là rất cao; ông Lý Thư Lỗi năm nay 53 tuổi cũng được đánh giá là có tiền đồ rộng mở.
Ông Hà Nghị Đỉnh là đồng hương của ông Tập Cận Bình, đều là người Thiểm Tây. Ông Hà trước đây từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương, trong thời gian này ông đã trình lên ông Tập Cận Bình rất nhiều báo cáo điều tra nghiên cứu.
Sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức tại Đại hội 18, tháng 9/2013, ông Hà Nghị Đỉnh tiếp nhận chức vụ Phó hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, ông được cho là người sẽ thay Thường uy phe Giang Lưu Vân Sơn nắm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.
Ông Lý Thư Lỗi cũng là cấp dưới cũ của ông Tập Cận Bình trong thời gian ông Tập kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương. Năm 2007 ông Tập Cận Bình đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, thì năm 2008 ông Lý Thư Lỗi được đề bạt làm Phó hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, trở thành phụ tá của ông Tập.
Sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức tại Đại hội 18, ông Lý Thư Lỗi cũng liên tục được thăng tiến trên con đường quan trường, trong ba năm đã đảm nhiệm ba chức vụ mới. Tháng 01/2014 ông Lý Thư Lỗi đang giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương được điều về làm Thường ủy Tỉnh ủy Phúc Kiến kiêm Trưởng ban Tuyên truyền Phúc Kiến.
Cuối năm 2015 được điều nhiệm làm Thường ủy Thành ủy kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Bắc Kinh; đến tháng 01/2017 ông Lý Thư Lỗi lại được điều nhiệm làm chức Phó bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương; tháng 03/2017 ông tiếp tục kiêm nhiệm chức Chủ nhiệm Phòng Truy bắt Trung ương.
Lê Hiếu biên dịch
Toàn cảnh lễ khai mạc Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc
TPO - Đúng 9h sáng nay 18/10 giờ địa phương (tức 8h giờ Việt Nam), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 19) đã chính thức khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.
Đây được xem là kỳ đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc đang đứng trước giai đoạn then chốt để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đẩy mạnh phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
TTXVN cho biết, tham dự Đại hội có các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc, khoảng 2.300 đại biểu được bầu chọn từ 89 triệu đảng viên trong cả nước cùng các đại biểu khách mời.
Tại đại hội, các đại biểu sẽ thảo luận Báo cáo chính trị do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII đệ trình, xem xét báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, thảo luận và thông qua dự thảo sửa đổi Điều lệ đảng, bầu Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa mới.
Trong những năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nỗ lực đảm bảo kinh tế phát triển ổn định, dân chủ được cải thiện, văn hóa thịnh vượng, xã hội ổn định, vị thế trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang dựa trên những thành quả hiện hữu của Đại hội 18 để định hướng cho Đại hội 19 và xa hơn nữa.
Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc thu hút sự quan tâm của đông đảo phóng viên, báo chí trong và ngoài nước.
Ghi nhận những khó khăn, tồn tại và thách thức, thế hệ lãnh đạo tương lai của Trung Quốc sẽ đề ra các mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững, tạo ra nhiều việc làm, đồng thời thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, tiến tới xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020.
Với tinh thần đó, người dân Trung Quốc đang rất kỳ vọng vào thành công của Đại hội 19 sẽ giúp đẩy nhanh hơn tiến trình cải cách chính trị sâu rộng và từng bước cải thiện cuộc sống dân sinh vì một xã hội ổn định, công bằng và thịnh vượng hơn.
Theo TTXVN, Xinhua