Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

NGA-VIỆT NAM: NHỮNG VẤN ĐỀ CẢN TRỞ SỰ TIẾN BỘ

Nga-Việt Nam: Những vấn đề đang cản trở sự tiến bộ

© Sputnik/ Sergey Guneev
QUAN ĐIỂM-Ý KIẾN
URL rút ngắn
Alexei Syunnerberg
160740
Ngày 17 tháng 10, hãng thông tấn Nga "Regnum" đã tổ chức Hội thảo bàn tròn với chủ đề “APEC 2017: Hướng đến Việt Nam” trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2017).
Tham gia hoạt động này có các nhà ngoại giao, lãnh đạo các cơ quan hành chính, các doanh nhân và chuyên gia kinh tế của Nga cũng như các đại diện của cộng đồng người Việt, các doanh nhân và du học sinh Việt Nam ở Nga.
Các đại biểu đã phân tích chi tiết vai trò và vị trí của APEC trong thế giới hiện đại, mà tổ chức này chiếm 64% GDP của thế giới và gần một nửa giao dịch thương mại quốc tế. Những người tham gia Hội thảo bàn tròn đều cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới ở Việt Nam sẽ mở ra giai đoạn mới trong sự phát triển hội nhập quốc tế, sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố sự ổn định toàn cầu và an ninh kinh tế. Các đại biểu lưu ý rằng, đây là lần thứ hai Diễn đàn APEC được tổ chức tại Việt Nam, điều đó cho thấy rõ vai trò và vị trí ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế, bây giờ Việt Nam không chỉ là một cầu thủ khu vực, mà là một yếu tố địa chính trị quan trọng.
Những người tham gia Hội thảo bàn tròn dự đoán rằng, Diễn đàn sắp tới có thể làm rõ hơn chính sách của chính quyền mới của Mỹ và chính sách của Trung Quốc hậu Đại hội trong quan hệ với ASEAN. Có cả dự đoán rằng, tại Diễn đàn này Việt Nam có thể giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại trong quan hệ với hai cường quốc đó.
Trọng tâm chú ý của những người tham gia Hội thảo bàn tròn là mối quan hệ Nga-Việt. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Igor Bayazov nhấn mạnh rằng, việc tăng cường và mở rộng hợp tác với Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và các đối tác Việt Nam cũng sẵn sàng tăng cường hợp tác với Nga. Chứng tỏ về điều đó là kết quả chuyến công du tới LB Nga của Chủ tịch Việt Nam vào mùa hè năm nay và khóa họp 20 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-LB Nga về hợp tác kinh tế vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Những người tham gia Hội thảo bàn tròn không chỉ nhấn mạnh những thành công trong sự hợp tác Nga-Việt, ví dụ, trong lĩnh vực năng lượng và ngành dầu khí, mà tập trung sự chú ý đến những "nút thắt cổ chai" và những thiếu sót đang tồn tại trong tất cả các lĩnh vực quan hệ song phương ngoại trừ lĩnh vực chính trị. Ví dụ, các đại biểu ghi nhận rằng,  có nhiều dự án chung được phê duyệt trong các văn bản có liên quan nhưng vẫn còn trên giấy — chưa được thực hiện. Kim ngạch thương mại Nga-Việt, trừ lĩnh vực quân sự-kỹ thuật, chỉ đạt 4 tỷ USD, trong khi kim ngạch thương mại Việt Nam — Hoa Kỳ đạt hơn 50 tỷ USD, Việt Nam —Trung Quốc — 70 tỷ USD. Một năm đã trôi qua sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Nga cũng như các thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á Âu có hiệu lực, nhưng, nhiều quy định của Hiệp định chưa được thực hiện với quy mô đầy đủ. Trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Nga- Việt chỉ tăng 20%. Với tốc độ như vậy không thể thực hiện nhiệm vụ đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Các đại biểu tham gia Hội thảo bàn tròn ở Matxcơva lưu ý rằng, năm 2019 được tuyên bố là năm chéo Nga — Việt Nam. Hy vọng rằng, đến thời điểm đó sẽ tăng số lượng du học sinh Việt Nam tại các trường đại học Nga, sẽ tăng hạn ngạch cho lao động Việt sang làm việc tại Nga. Nhân tiện xin nói luôn, biện pháp này sẽ giúp cho hàng nghìn lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ Liên bang Nga "bước ra khỏi bóng tối". Những người tham gia Hội thảo bàn tròn đánh giá cao thực tế rằng, trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam lại có môn tiếng Nga. Theo ý kiến của sinh viên Nghiêm Bá Trí từ trường Đại học Tổng hợp Hữu Nghị các dân tộc Nga (RUDN), các cơ quan liên quan của hai nước nên quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của thể thao. Ví dụ, nên thành lập những câu lạc bộ và đội thể thao chung, nên thu hút các chuyên gia thể thao của Nga sang Việt Nam làm huấn luyện viên.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, thành viên tham dự và thảo luận tại Hội nghị bàn tròn, chuyên gia Nguyễn Quốc Hùng từ Trung tâm Chiến lược Nga tại châu Á thuộc Viện Kinh tế Nga cho biết:
Hội thảo bàn tròn lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trước thềm Diễn đàn APEC sắp tới. Nhiệm vụ cấp bách là phân tích sâu sắc các thành công và những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga, không chỉ ở cấp song phương, mà còn trong khuôn khổ APEC.
Một đại diện khác của cộng đồng người Việt tham gia Hội thảo bàn tròn là TS Nguyễn Đình Hoàng, thành viên ban lãnh đạo Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam  tại LB Nga. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik ông nói:
Tôi rất vui mừng được mời tham gia các cuộc thảo luận về những khía cạnh quan trọng nhất trong hoạt động của APEC và sự đối tác Việt —Nga. Các đại biểu đã đề xuất những sáng kiến và ý tưởng rất thú vị. Điều đó cho thấy rằng, người Nga có lòng quan tâm chân thành đến sự phát triển mối quan hệ đối tác với Việt Nam. Tôi cũng có một vài suy nghĩ về nội dung này. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều nước đang tìm cách mở rộng quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư với Việt Nam — một quốc gia đang phát triển nhanh chóng. Nga là đối tác lâu đời nhất và đáng tin cậy của Việt Nam, Nga có nhiều thành tựu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghiệp. Sẽ là hợp lý nếu các thành tựu này sớm được sử dụng để thực hiện mục tiêu vì một Việt Nam thịnh vượng. Ví dụ, Nga có thể tham gia xây dựng các tuyến đường sắt, đường tàu điện ngầm ở các thành phố lớn của Việt Nam.
Ban tổ chức Hội thảo bàn tròn cho biết rằng, họ sẽ thông báo với các cơ quan lập pháp và điều hành liên quan của Nga về kết quả và các đề xuất của những người tham dự cuộc gặp. 

Dân thảm thiết kêu cứu rừng đầu nguồn ở Hòa Bình: 'Thà bắn chết chúng tôi đi còn hơn'

Thứ ba , 15/08/2017 07:25 AM GMT+7

(VTC News) - Cả khu rừng đầu nguồn ở Hòa Bình đang bị cạo trọc, chính quyền địa phương bất lực còn người dân thì thảm thiết kêu cứu.
LTS: "Chiều nay, tôi cứ nhấp nhổm không yên. Vừa đặt chân vào nhà tắm, lại chạy ra ngay hỏi thằng cháu cho chắc chắn. Liệu Nhà báo có về thật không nhỉ? Nói thật, tôi vừa mừng vừa lo lắng trước thông tin sẽ có người về giúp người dân "cứu" rừng đầu nguồn Quy Hậu. Lo ở đây là nhà báo hứa rồi lại không về giúp dân chúng tôi đấu tranh giữ rừng". Đây là những tâm sự của ông Bùi Văn Thọ trong lần đầu gặp mặt tại xóm Khang 2, xã Quy Hậu (Tân Lạc - Hòa Bình).
Có lẽ, tâm trạng của ông Thọ cũng giống như nhiều người dân xã Quy Hậu khi cánh rừng đầu nguồn xanh bạt ngàn bốc chốc bị cạo trọc lốc. Hàng ngày, người dân ở đây như ngồi trên đống lửa, bất lực nhìn cánh rừng đầu nguồn bị một vài doanh nghiệp tư nhân tàn phá để trồng cây ăn quả.
Trước khi về địa phương, tôi đã nhận được hàng trăm bức ảnh và video do chính người dân quay lại về việc rừng đầu nguồn Quy Hậu đang bị tàn phá như thế nào. Thế nhưng, phải tận mắt chứng kiến rừng đang "chảy máu", những thân cây gỗ lớn bị đốn hạ, máy cưa ầm ầm, máy ủi ngày đêm múc đất tạo thành đường cho ô tô tải chạy lên đỉnh núi mới thấu hiểu những đau đớn, xót xa của những người dân trên hành trình kêu cứu rừng đầu nguồn.
Video: Dân thảm thiết kêu cứu rừng đầu nguồn ở Hòa Bình (Kim Thược)

Kỳ 1: Mất rừng đầu nguồn, thà bắn chết chúng tôi đi còn hơn
Mất rừng sau một đêm
Đêm hôm ấy ở Hòa Bình trời mưa rả rích. "Mưa thế này thì sáng mai leo lên rừng thế nào được nhỉ?", vừa nằm tôi vừa lo lắng cho công việc vào buổi sáng hôm sau. Không ngủ được, tôi tranh thủ ôn lại mấy câu tiếng Mường mẹ Thôn dạy trong bữa cơm tối (Thôn chưa tròn 30 tuổi. Người Mường có tục lệ, khi vợ chồng sinh con đầu lòng, cha mẹ sẽ được gọi bằng tên con).
IMG20170803141520 16
 Cha mẹ Thôn dẫn chúng tôi đi lên rừng đầu nguồn. (Ảnh: Kim Thược)
Sáng hôm sau, mẹ Thôn đứng từ ngoài sân nói vọng vào nhà góp ý khi tôi chuẩn bị đồ đi rừng: "Mặc như người Kinh thế kia không lên được đâu. Nếu biết cô là phóng viên chúng sẽ đuổi đánh và đập máy quay ra ngay".
7h sáng, tôi hoàn thành việc cải trang thành một cô gái Mường theo cha mẹ đi rừng lấy măng. Trước khi đi, bố Thôn còn dặn kỹ: "Rừng không phải của dân Quy Hậu nữa. Rừng bây giờ là của mấy công ty tư nhân. Từ ngày họ phá rừng, người dân phản đối nhiều nên họ đâm ra nghi ngờ. Người dân ở đây lên lấy măng, lấy củi quen mặt thì không sao. Người lạ mà bén bảng quanh đây là chết. Nếu có gặp người của công ty, cô cứ nói mấy câu tiếng Mường mẹ Thôn dạy cho để họ khỏi nghi ngờ".
IMG20170803092633 5
Anh Bùi Văn Hùng - Một người dân xóm Dom (Ảnh: Kim Thược)
Đoàn người đi cùng tôi lên rừng sáng hôm ấy còn có ông Trưởng xóm Dom và một thanh niên tên Bùi Văn Hùng. Anh Hùng trẻ khỏe nhất nên nhận nhiệm vụ đi đầu để dẫn đường.
Khi chúng tôi leo được chừng nửa giờ đồng hồ, anh Hùng quay lại phía sau kể chuyện: "Cánh rừng này tôi được UBND huyện Tân Lạc giao cho trồng và giữ rừng từ ngày 10/5/1997. Trong sổ ghi rõ thời hạn 50 năm. Thế nhưng, chẳng hiểu sao bây giờ người của mấy công ty tư nhân nhận đây là rừng của họ. Tôi có lên xã hỏi thì lãnh đạo xã bảo đây không phải rừng của Quy Hậu nữa, cánh rừng này là của xã Tây Phong (Cao Phong - Hòa Bình) và mấy công ty tư nhân mua lại để trồng cam".
3 20
Doanh nghiệp tư nhân phá rừng đầu nguồn trồng cam (Ảnh: Kim Thược) 
"Lãnh đạo xã giải thích theo bản đồ cũ thì rừng là của Quy Hậu. Nhưng mới đây, bản đồ mới được đo đạc và vẽ lại nên nó thành đất của xã Tây Phong. Bởi vậy, việc các công ty tư nhân phá rừng đầu nguồn trồng cam lãnh đạo xã quy Hậu không can thiệp được. Nếu tôi không quyết tâm đấu tranh, có lẽ nó đã bị cạo trọc như những cánh rừng bên kia", vừa nói anh Hùng vừa chỉ tay sang phía đồi cam trước mặt.
Tranh thủ lúc mọi người nghỉ giữa đường, anh Hùng tâm sự: "Có nhiều người dân Quy Hậu có sổ trồng và trông coi rừng 50 năm như tôi. Thế nhưng, chỉ sau một đêm là biến thành rừng của người khác. Khi hỏi, chính quyền xã trả lời không thỏa đáng. nên chúng tôi mới bức xúc. Cô phải lên tới nơi, phải tận mắt chứng kiến người của mấy công ty phá rừng đầu nguồn như thế nào mới hiểu được bức xúc của người dân".
IMG20170803100853 10
Đường lên rừng đầu nguồn Quy Hậu (Kim Thược)
Đi cả giờ đồng hồ trong rừng, tuyệt nhiên tôi không nghe thấy tiếng chim hay tiếng thú rừng. Thỉnh thoảng, chỉ thấy tiếng máy cưa rít lên từng hồi. Mẹ Thôn lúc này đi phía sau mới hổn hển lên tiếng: "Tiếng chúng nó cưa gỗ phá rừng đấy. Trước đây, rừng này có cả nai, hoẵng. Thậm chí, người dân còn nhìn thấy hổ vào nương ngô của dân. Nhưng mấy năm nay thì hết rồi, ô tô mà chạy lên được tận đỉnh rừng đầu nguồn để chở gỗ thì con thú nào còn sống nổi đất này".
Bên phía cánh rừng tôi đang leo, cây cối vẫn còn xanh tốt. Những cây gỗ hai người ôm vẫn còn khá nhiều. Tôi bước chậm hơn, tiếng máy cưa vọng lại ngày một rõ. Không chỉ có tiếng máy cưa, tôi còn nghe thấy cả tiếng khoan đá, ủi đất và tiếng ô tô chạy rầm rập giữa cánh rừng. Anh Hùng đi trước làu bàu: "Nhìn chúng ủi đất, cưa gỗ chở về xuôi mà xót hết cả ruột. Biết bao giờ chúng tôi mới trồng được những cây rừng to như thế này nữa?".
IMG20170804142608 13
Sổ trồng và chăm sóc rừng 50 năm của anh Bùi Văn Hùng. (Ảnh: Kim Thược)
Thấy tôi đi chậm lại so với đoàn, bố mẹ Thôn nhắc nhở: "Phải đi nhanh lên mới kịp lên tới đầu nguồn vào giờ trưa. Lên giờ đấy, bọn người công ty nghỉ ngơi chúng tôi mới có thể dẫn cháu đi sâu vào bên trong vườn cam được".
Thà bắn chết chúng tôi đi còn hơn
Hành trình từ xóm Khang lên rừng đầu nguồn phải leo bộ chừng 4 giờ đồng hồ. Trên đường đi, người dân chỉ cho tôi thấy những mốc giới mà người của hai công ty dựng lên để tranh chấp đất với người dân. Thậm chí, cột mốc tam giác của 3 xã Mỹ Hòa, Quy Hậu và Kỳ Sơn còn bị họ đào lên và ném vào một xó. Thay vào đó, những hàng rào thép gai dựng lên để người dân và trâu bò không đi qua được.
IMG20170803143430 18
Đường do một công ty tạo ra để lên phá rừng đầu nguồn. (Ảnh: Kim Thược)
"Đây là hàng thép gai mới bị người dân bẻ gẫy này. Khoảng rừng này cha ông chúng tôi giữ hàng trăm năm nay. Từ khi còn bé xíu tôi đã theo cha mẹ lên rừng. Không chỉ thân thuộc với từng gốc cây, ngọn cỏ mà chúng tôi còn thuộc từng cột mốc ranh giới giữa các xã. Nói rừng này là của Cao Phong sao được. Ở đây trẻ con chúng cũng biết, nước chảy về bên nào thì rừng là của người dân xã đó", bố Thôn ngồi bên hàng rào thép gai khẳng định.
Bố Thôn giải thích: "Người dân quanh năm sống dựa vào rừng như chúng tôi giờ mất rừng là mất tất cả. Hàng nghìn người dân xã Quy Hậu sống nhờ vào con nước chảy từ rừng đầu nguồn về. Mới đây, công ty Đ. vì muốn giữ lại nước để tưới cây, họ đã đắp đập đất ngăn dòng nước lại. Dù đang là mùa mưa bão, nhưng các bể chứa nước của người dân đều cạn kiện".
IMG20170803105212 17
 Hàng rào thép gai được người của công ty dựng lên nhưng người dân lại giật đổ xuống. (Ảnh: Kim Thược)
Ông Bùi Văn Lợi, Trưởng thôn Dom đi cùng chúng tôi nhưng có vẻ kiệm lời. Thế nhưng, nhìn cánh rừng trơ trọi trước mặt, nén không nổi những bức xúc, lúc này ông Lợi cũng phải lên tiếng: "Nước nó là mạch máu của người dân Quy Hậu. Họ chặn nguồn nước lại thì khác nào cắt đứt mạch máu của chúng tôi. Nước chảy từ rừng đầu nguồn về là nước sạch. Vừa là nước phục vụ cho nông nghiệp nhưng cũng là nước sinh hoạt của người dân. Theo Chính sách 135, Nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng để lắp ống dẫn nước sạch về cho bà con. Thế nhưng, từ khi hai công ty về phá rừng, họ phá luôn cả đường ống dẫn nước. Giờ dân mà không đấu tranh, chỉ vài tháng nữa, không còn lấy một giọt nước sạch chảy về bản".
IMG20170803084707
Đường ống nước dẫn về bản cũng bị máy xúc của công ty làm hỏng (Ảnh: Kim Thược)
Để minh chứng cho những điều mình nói, ông Lợi dẫn tôi đi xuống phía dưới chân núi. Ở chỗ này, có những bể nước bằng bê tông rộng khoảng 30 mét vuông nhưng bên trong cạn nước. Những thửa ruộng lúa non chỗ thì khô cạn, chỗ thì bị vùi lấp. Ông Lợi cho biết: "Vì họ nắm con nước đầu nguồn nên người dân phía cuối nguồn phải phụ thuộc vào họ. Nếu họ giữ nước lại thì bên dưới lúa, ngô của chúng tôi chết khô. Thế nhưng, những ngày mưa lũ, nước trên đầu nguồn nhiều, đập họ đắp bằng đất bị vỡ chảy ào ạt về đây thì tấp hết lúa của bà con. Bởi vậy, khi mất rừng đầu nguồn, dân chúng tôi khổ trăm bề".
IMG20170803084832 3
Ruộng lúa của người dân bị tấp sau trận mưa lũ (Ảnh: Kim Thược)
Cách đây vài tuần, khi người của công ty Đ. mang máy lên xúc đất, đắp đập phía trên đầu nguồn, người dân cả xã Quy Hậu đã leo lên phản đối. Ban đầu, họ vẫn khăng khăng là đất của Cao Phong nên tiếp tục đắp đập ngăn nước. Vì quá phẫn uất, người dân đã đốt lán trại và một chiếc máy xúc. Lúc ấy, người của công ty Đ. mới dừng lại.
Kể lại lần đốt máy xúc, bố Thôn cho biết: "Họ biết dân phản đối nên làm trong đêm. Trên đầu nguồn này, chúng tôi có dựng lán cho vài ba người già ngủ lại ở đây chăn trâu bò. Nửa đêm thấy họ lái máy xúc, các cụ già gọi điện về. Có vậy, dân chúng tôi mới biết chạy lên ngăn cản được".
IMG20170803094035 6
Người dân Quy Hậu tiếc nuối khi nhìn rừng bị chặt phá. (Ảnh: Kim Thược)
Đứng bên bìa rừng để nhìn sang những cánh rừng đã bị một công ty phá đi để trồng cây ăn quả, ánh mắt của những người dân Quy Hậu đầy tiếc nuối. Tiếng anh Hùng rít lên: "Ngày xưa, đứng từ đây nhìn sang bên đó là một màu xanh bạt ngàn của cây rừng. Bây giờ đất rừng trơ trọi, chỉ còn lác đác mấy gốc cam và những ngôi nhà kính họ dựng lên để ươm cây".
"Để trồng được cây cam họ dùng nhiều hóa chất lắm. Đầu tiên là phá rừng lấy gỗ, sau đó họ dùng thuốc diệt cỏ tẩy trắng rừng. Họ đào đường đưa xe ô tô lên tận đỉnh núi chở gỗ về. Bây giờ, họ xây những ngôi nhà kính để ươm cây. Ươm cây cũng dùng hóa chất, trồng cây thì phun thuốc sâu liên tục. Đến thời điểm họ phun thuốc sâu, mùi thuốc nồng nặc khiến người đi rừng ngửi phải muốn ngất xỉu. Rồi những hóa chất, thuốc trừ sâu, phân hóa học theo nước chảy về bản. Dân chúng tôi chẳng mấy chốc mà sinh bệnh chết hết. Vậy thà đem chúng tôi ra bắn chết hết đi còn hơn", anh Hùng nói mà giọng đầy phẫn uất.
Còn tiếp...
Bài 2: Tận mắt cảnh phá rừng đầu nguồn ở Hòa Bình
KIM THƯỢC HOÀNG

VIỆT NAM: MỘT "CÔ ĐỒNG NÁT" CŨNG CÓ THỂ LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN



Bắt khẩn cấp Trần Thị Xuân về hành vi nhằm lật đổ chính quyền

PV (TTXVN/VIETNAM+) Bản in

Đối tượng Trần Thị Xuân. (Nguồn: baohatinh)

Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết vừa thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Trần Thị Xuân, sinh năm 1976, trú tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” quy định tại Điều 79, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh, việc tổ chức và thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Trần Thị Xuân đảm bảo đúng trình tự, quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiện, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đang hoàn tất thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam Trần Thị Xuân để phục vụ công tác điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định của pháp luật./. 

Việt Nam bắt nhà hoạt động Trần Thị Xuân, triệu tập nhiều người khác




Chính quyền Việt Nam hôm 17/10 đã bắt giam nhà tranh đấu Trần Thị Xuân, 41 tuổi, thành viên của Hội Anh em Dân chủ tại Hà Tĩnh, theo tin từ gia đình.
Vào cuối ngày 18/10, ông Trần Quyết Tiến, anh của bà Xuân cho VOA biết gia đình vẫn chưa nhận được lệnh bắt, chỉ được chính quyền xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, thông báo qua điện thoại:
“Em tôi bị bắt ngày hôm qua, mà cho đến đầu giờ chiều ngày hôm nay 18/10 mới thông báo, mà chỉ thông báo qua điện thoại thôi. Chứ không có cái gì bằng văn bản cả.”
Truyền thông Việt Nam hôm 18/10 loan tin rằng Công an Hà Tĩnh vừa bắt khẩn cấp bà Trần Thị Xuân về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự.
Ông Tiến nói về lý do bắt bà Xuân:
“Lý do bắt rất vu vơ, không chứng cứ. Việc làm của em tôi trong cái làng không ảnh hưởng gì đến an ninh chính trị của đất nước cả. Em tôi chỉ có làm trưởng ban thanh niên của giáo xứ, hay đi gom ve chai, làm thiện nguyện, giúp người bị bão lụt, tặng quà cho người nghèo, neo đơn trong xã. Tôi chả thấy có tội gì mà để họ bắt cả. Việc này rất vô lý.”
Ông Tiến cho biết thêm bằng vào năm ngoái bà Xuân từng bị chính quyền tạm giam, thẩm vấn qua đêm, tịch thu điện thoại vì có tham gia Hội Anh em Dân chủ, và đăng bài ‘nói xấu’ chế độ trên Facebook. Nhưng kể từ đó, bà Xuân không còn bình luận trên mạng xã hội nữa, ông Tiến nói.
Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 18/10 trích lời Công an Hà Tĩnh nói việc tổ chức và thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Trần Thị Xuân “đảm bảo đúng trình tự, quy định” của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Hãng tin Reuters hôm 18/10 nói nếu tính luôn vụ bắt bà Trần Thị Xuân thì từ đầu năm cho đến nay, chính quyền Cộng sản Việt Nam đã bắt ít nhất 17 người bất đồng chính kiến.
Mặc dù có những cải cách kinh tế sâu rộng và thay đổi xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không chấp nhận việc bị chỉ trích.
Reuters nói cuộc đàn áp đối với giới bất đồng chính kiến đã làm thay đổi hệ thống phân quyền của Đảng cầm quyền kể từ đầu năm ngoái, khi ấy lực lượng công an được củng cố và gia tăng nhiều ảnh hưởng lớn hơn.
Kể từ cuối tháng 7, Việt Nam đã bắt giữ 7 nhà tranh đấu, được cho là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, gồm các ông Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Trực và ông Nguyễn Bắc Truyển với cáo buộc “lật đổ chính quyền.”
Ngoài ra, theo trang Người Bảo vệ Nhân quyền các lực lượng an ninh của Việt Nam gần đây cũng đã triệu tập các thành viên khác của hội như cô giáo Phạm Ngọc Lan, Sơn Thừa Khúc, Lê Trung Hiếu và Nguyễn Văn Trang đến thẩm vấn ở đồn công an "các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia".
Tương tự, nhà tranh đấu Nguyễn Xuân Nghĩa cũng bị chính quyền triệu tập hai lần ở thành phố Hải Phòng với lý do “liên quan đến vụ án Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”
Ngay cả blogger Huỳnh Thục Vy, người không tham gia Hội Anh em Dân chủ, nhưng cũng bị chính quyền tỉnh Đăk Lăk ra lệnh triệu tập, bà cho VOA biết hôm 17/10.
Hôm 17/10, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), Hội Văn bút Anh quốc, cùng nhiều tổ chức khác, ra thông báo về chiến dịch Stop The Crackdown in Việt Nam, còn gọi là Chấm dứt đàn áp tại Việt Nam và kêu gọi phóng thích các tù nhân chính trị.
Báo Quân đội Nhân dân hôm 16/10 có bài nhận định rằng dân chủ, nhân quyền luôn là hai vấn đề chiến lược được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tiếp Tổng thống Trump khiến ông Quang ‘khỏe lại’?

Vietnam – Cali Today news – Ngày 17/10/2017, lần đầu tiên kể từ khi trở thành chủ tịch nước, cựu đại tướng công an Trần Đại Quang đã hiện ra trong bộ quân phục rằn ri đặc trưng của lực lượng đặc công quân đội trong một cuộc “đến thăm, làm việc với Bộ Quốc phòng tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Miếu Môn, Hà Nội”.

Ảnh: Soha
Hình ảnh trên có thể khiến người ta liên tưởng Tập Cận Bình – trong vai trò Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư – đã mặc quân phục để duyệt binh ra sao.

Ảnh: Thanh Niên
Không biết vô tình hay hữu ý, ông Trần Đại Quang xuất hiện trong bộ quân phục chỉ một ngày sau khi Washington phát thông cáo báo chí: “Sau khi rời Đà Nẵng, ông Trump sẽ tới Hà Nội trong ngày 11/10, bắt đầu chuyến thăm chính thức. Tại Hà Nội, ông sẽ gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam”.

Chuyến đến Đà Nẵng của Tổng thống Trump là để tham dự Hội nghị kinh tế APEC. Trước đây, có tin cho biết chưa chắc Trump sẽ dự hội nghị quan trọng này, dù tại hội nghị này có mặt nhiều nguyên thủ quốc gia. Sau đó, lại có tin Trump sẽ chỉ dự APCE tại Đà Nẵng rồi tiến hành đi thăm các nước trong khu vực Đông Nam Á mà không thăm thủ đô của Việt Nam.

Rồi khi bắt đầu manh nha tin tức về Trump có thể thăm Hà Nội, giới quan sát và đương nhiên cả giới quan chức Việt Nam rất tò mò lẫn hồi hộp xem Trump sẽ quyết định gặp nhân vật cao cấp nào trong những cuộc gặp chính thức tại Hà Nội.

Nếu căn cứ vào “biện chứng lịch sử” cuộc đón tiếp Tổng thống Mỹ Obama tại Hà Nội vào tháng 5/2016, cả “tứ trụ” Việt Nam đều có mặt – bao gồm Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân. Và nếu “biện chứng lịch sử” một lần nữa về tháng Bảy năm 2015 thì đương nhiên Tổng bí thư Trọng, dù chỉ là người đứng đầu một đảng chính trị mà không được quốc tế xem là nguyên thủ quốc gia, nhưng đã được Obama đón tiếp như với nguyên thủ quốc gia ngay tại Phòng Bầu dục, thì có thể cho rằng vào lần này ông Trọng sẽ là “nguyên thủ quốc gia” để tiếp chính thức ông Trump.

Nhưng rốt cuộc, thông cáo của Nhà Trắng đã chỉ cho thấy cuộc gặp Trump – Trần Đại Quang. Còn Trump có gặp ai khác không thì việc này nằm ở mệnh đề “và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam”.

Một cách nào đó, có thể xem thông cáo báo chí của Nhà Trắng đã tiếp sức không ít cho cố gắng “khỏe lại” của ông Trần Đại Quang, sau một thời gian kéo dài đến hai tháng ông Quang “bị bệnh” và thậm chí còn có lúc “biến mất”.

Trong một sự kiện chính trị quan trọng và gần đây nhất – Hội nghị trung ương 6 của đảng CSVN vào đầu tháng 10/2017, hầu như toàn bộ các trang báo đảng đã tràn ngập chỉ hình Tổng bí thư Trọng, trong khi hầu như chẳng thấy hình ảnh nào về ông Trần Đại Quang, cho dù báo đảng đưa tin “Chủ tịch nước điều hành ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị TƯ 6”.

Một trong những điểm nhấn của Hội nghị trung ương 6 là Nguyễn Xuân Anh – người được đồn đoán là “thân” với Trần Đại Quang – đã bị kỷ luật nặng nề và bị loại khỏi Ban chấp hành trung ương cùng cái ghế bí thư thành ủy Đà Nẵng; trong khi Chủ tịch Đà Nẵng là Huỳnh Đức Thơ – người được đồn đoán là “thân” với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã chỉ nhận mức độ cảnh cáo đảng và vẫn ung dung tại vị cho đến nay.

Tuy nhiên, một tiêu điểm khác ngay trước Hội nghị trung ương 6 là ông Đinh La Thăng – người đã mất chức Bí thư thành ủy TP.HCM và bị loại khỏi Bộ Chính trị nhưng vẫn còn “được cho” giữ lại ghế ủy viên trung ương đảng, đã không bị hội nghị này kỷ luật, thậm chí còn không bị Tổng bí thư Trọng đả động đến. Một số dư luận nghi ngờ đã có một “thỏa thuận ngầm” nào đó giữa ông Trọng với một thế lực chính trị nào đó trước khi Hội nghị trung ương 6 diễn ra.

Trong khi đó, chiến dịch “kiểm tra tài sản 1.000 quan chức” của Tổng bí thư Trọng cho đến nay chỉ còn văng vẳng tiếng hô xung phong từ hồi tháng Năm năm 2017.

Sau vài chiến dịch công kích có vẻ khá quết liệt của Tổng bí thư Trọng vào những phe phái trong nội bộ đảng từ giữa năm 2017 đến nay, tình hình giờ đây có vẻ lại trở nên giằng co, dù ông Trọng vẫn nắm thế trên.

Sau cuộc gặp Trần Đại Quang – Trump vào ngày 11/11 tới, có thể tương quan lực lượng sẽ thay đổi nhiều hơn và sẽ không hẳn một chiều.

Thiền Lâm

(Cali Today news)