Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm bị khai trừ; Khai trừ Đảng bí thư, kỷ luật 4 lãnh đạo xã Đồng Tâm

RFA

Công an bị bắt làm con tin bước ra khỏi nhà văn hóa xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức hôm 22/4/2017
Công an bị bắt làm con tin bước ra khỏi nhà văn hóa xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức hôm 22/4/2017
 AFP
Vào ngày 19 tháng 10, Huyện Ủy Mỹ Đức công bố quyết định kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân xã Đồng Tâm và thông báo kết luận kiểm tra đối với Ban Chấp Hành Đảng bộ xã Đồng Tâm nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo thông báo thì lý do khai trừ Đảng đối với bà bí thư xã Đồng Tâm, Nguyễn Thị Lan, là do bà này không chỉ đạo cán bộ, đảng viên cũng như người dân trên địa bàn xã được giao phụ trách thực hiện đúng tinh thần các văn bản của cấp trên khẳng định đất đai khu vực Sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng.
Vào dịp người dân bắt giữ 38 cán bộ, chiến sĩ công an, lãnh đạo chính quyền hồi trung tuần tháng tư năm 2017, bà bí thư đảng ủy xã Đồng Tâm bỏ vị trí công tác trong 3 ngày; dù rằng bà biết rõ sự việc và điện báo cho cấp trên.
Cùng bị kỷ luật với bà Nguyễn thị Lan, bí thư đảng ủy – chủ tịch Hội đồng Nhân Dân Xã Đồng Tâm; ba lãnh đạo xã khác cũng bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo và 1 người bị khiển trách. Ba người bị cảnh cáo gồm phó bí thư thường trực đảng ủy, ông Nguyễn Mạnh Tiến; phó bí thư- chủ tịch xã Đồng Tâm ông Hoàng Thanh Hương,; phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Đồng Tâm ông Lê Trường Huy. Người bị khiển trách là ông Phạm Hồng Sỹ, phó chủ tịch Ủy ban Nhân Dân xã Đồng Tâm.
Trong vụ khủng hoảng tranh chấp đất đai giữa người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm với Tập đoàn Viễn Thông Quân Đội Viettel, vào ngày 13 tháng 10 vừa qua, Cơ quan An Ninh Điều Tra thuộc Công an Hà Nội ra thư kêu gọi người dân Đồng Tâm đầu thú qua vụ bắt giữ cán bộ, chiến sĩ công an và lãnh đạo huyện Mỹ Đức.
Những người dân xã Đồng Tâm mà Đài RFA liên lạc đều phản đối biện pháp kêu gọi đầu thú như thế. Họ cho rằng vụ việc bắt giữ con tin là do phía cơ quan chức năng và doanh nghiệp quân đội sai khi mời người dân đi giải quyết việc tranh chấp lại tiến hành bắt giữ người; thậm chí còn gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình, vị cao niên đi đầu trong công cuộc tranh đấu giữ đất đồng Sênh tại thôn Hoành.
Dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm yêu cầu chủ tịch thành phố Hà Nội cần giữ đúng cam kết với người dân vào ngày 22 tháng tư khi đề nghị dân thả hết con tin ra. Một trong những cam kết là không truy cứu hình sự người dân trong vụ việc; cũng như thanh tra đất đai tranh chấp một cách công tâm.

Khai trừ Đảng bí thư, kỷ luật 4 lãnh đạo xã Đồng Tâm

20/10/2017 22:20 GMT+7

TTO - Bí thư xã Đồng Tâm bị khai trừ Đảng, 3 lãnh đạo khác bị cảnh cáo và một bị khiển trách do liên quan đến vụ dân thôn Hoành phản ứng việc thu hồi đất ở sân bay Miếu Môn.

Khai trừ Đảng bí thư, kỷ luật 4 lãnh đạo xã Đồng Tâm - Ảnh 1.
Bà Nguyễn Thị Lan, bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, tại buổi chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đối thoại với người dân - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ngày 20-10, xác nhận với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Huyện ủy Mỹ Đức cho biết cơ quan này vừa có thông báo kết luận kiểm tra đối với Ban chấp hành Đảng bộ xã Đồng Tâm nhiệm kỳ 2015-2020 vì để xảy ra "điểm nóng" tại đây từ ngày 15-4 đến ngày 22-4.
Đồng thời, Huyện ủy Mỹ Đức cũng ra quyết định thi hành kỷ luật bà Nguyễn Thị Lan, bí thư Đảng ủy - chủ tịch HĐND xã, với hình thức khai trừ Đảng.
Những người khác bị thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo gồm ông Nguyễn Mạnh Tiến - phó bí thư thường trực Đảng ủy, ông Hoàng Thanh Hương - phó bí thư, chủ tịch UBND xã và ông Lê Trường Huy - phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm.
Riêng ông Phạm Hồng Sỹ - phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm - bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
Cán bộ xã không biết đất quốc phòng hay đất xã
Theo kết luận của Huyện ủy huyện Mỹ Đức, ngày 31-10-2016, UBND TP Hà Nội đã có kết luận nội dung tố cáo của một số công dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm về việc UBND huyện đã vi phạm trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, di dời một số hộ dân đang sử dụng đất tại khu vực sân bay Miếu Môn.
Huyện Mỹ Đức đã tổ chức hàng chục hội nghị để triển khai kết luận này cũng như thành lập các tổ công tác tuyên truyền đến người dân về nội dung kết luận.
Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền có một số cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ xã Đồng Tâm đã không đồng tình với kết luận và một số người là thành viên trong tổ tuyên truyền nhưng không đi tham gia tuyên truyền.
Khai trừ Đảng bí thư, kỷ luật 4 lãnh đạo xã Đồng Tâm - Ảnh 2.
Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội, bắt tay người dân sau khi kết thúc buổi đối thoại với người dân tại thôn Hoành - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Cũng theo kết luận, mặc dù các văn bản của thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức đã khẳng định đất khu vực sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng nhưng bà Lan đã không chỉ đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện đúng.
Tại hội nghị chi bộ thôn Hoành ngày 10-4, bà Lan phát biểu: "Bản thân tôi cũng chưa xác định đây là đất quốc phòng hay là đất địa phương Đồng Tâm", theo kết luận trên.
Khi xảy ra vụ việc bắt giữ các cán bộ, chiến sĩ công an ngày 15-4, bà Lan biết và gọi điện báo cáo lãnh đạo huyện nhưng lại không thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết và bỏ vị trí công tác trong 3 ngày.
Để xảy ra vi phạm lấn chiếm đất đai
Về công tác quản lý, sử dụng đất đai, theo kết luận, từ tháng 5-2016 đến tháng 8-2017 có 44 trường hợp vi phạm với tổng diện tích hơn 7.000m2, UBND xã đã phát hiện và lập biên bản vi phạm nhưng thực tế các hộ vẫn còn vi phạm.
Khai trừ Đảng bí thư, kỷ luật 4 lãnh đạo xã Đồng Tâm - Ảnh 3.
Hàng trăm người dân tập trung tại Nhà văn hóa thôn Hoành khi chủ tịch TP về đối thoại - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Theo Huyện ủy Mỹ Đức, để xảy ra sai phạm trên trách nhiệm thuộc về Ban chấp hành Đảng bộ xã Đồng Tâm, trách nhiệm chính thuộc về bà Lan, ông Hoàng Thanh Hương và ông Lê Trường Huy.
Đảng ủy xã Đồng Tâm chưa tiến hành kiểm tra, giám sát về công tác quản lý đất đai, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý đất đai.
Cũng theo kết luận, để xảy ra sự việc 38 chiến sĩ công an bị người dân bắt giữ ngày 15-4 cũng như nhiều cuộc làm việc khác của huyện với xã bị cản trở là do Đảng ủy xã đã buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lực lượng và áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã…
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Lan cho biết chiều 20-10 đã nhận được quyết định khai trừ Đảng.
Các quyết định kỷ luật những lãnh đạo xã còn lại đã được Huyện ủy Mỹ Đức công bố ngày 19-10.
Về những sai phạm được chỉ ra trong kết luận, bà Lan nói rằng bà chỉ nhận được kết luận số 47 của thành phố, và thấy còn nhiều số liệu chưa trùng khớp.
"Tôi không có các văn bản khác nên chưa thể khẳng định khu đất mà người dân đang giữ là đất quốc phòng hay đất địa phương. Thực lòng tôi nghĩ như nào nên phát biểu như thế, tôi chưa rõ nên mới nói chưa xác định đây là đất quốc phòng hay là đất địa phương Đồng Tâm", bà Lan giãi bày.
Theo bà Lan, đối với kết luận về "bỏ vị trí công tác trong 3 ngày", vào thời điểm xảy ra vụ việc người dân giữ 38 chiến sĩ công an thì bộ máy chính quyền xã tê liệt.
Hầu hết các lãnh đạo, cán bộ đều không có ở trụ sở, do điều kiện bất khả kháng nên bà không thể đến ủy ban xã để làm việc cũng như không thể ra các nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Bạch Liên Hương, bí thư Huyện ủy Mỹ Đức, cho biết căn cứ để đưa ra hình thức kỷ luật lãnh đạo xã Đồng Tâm đã được nêu trong kết luận của Huyện ủy nên "không lý giải gì thêm".
Bà Hương cho biết sau khi công bố các quyết định kỷ luật về Đảng đối với lãnh đạo xã Đồng Tâm, Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức sẽ báo cáo thành phố để có các bước xử lý tiếp theo.
Chủ tịch Hà Nội kết thúc 2 giờ đối thoại với người dân Đồng Tâm
TTO - 12h35 trưa 22-4. cuộc đối thoại được mong chờ giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với đại diện người dân xã Đồng Tâm kết thúc trong tràng pháo tay của bà con.
Đồng Tâm sau ngày đối thoại với chủ tịch Nguyễn Đức Chung
TTO - 14h25 ngày 22-4, toàn bộ 19 chiến sĩ công an đã ra khỏi Nhà văn hóa thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, sau cuộc đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm.
THÂN HOÀNG

Khai trừ Đảng đối với Bí thư Đảng ủy, kỷ luật 4 cán bộ chủ chốt của xã Đồng Tâm

Hoàng Đan | 
Khai trừ Đảng đối với Bí thư Đảng ủy, kỷ luật 4 cán bộ chủ chốt của xã Đồng Tâm
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về đối thoại với nhân dân Đồng Tâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Huyện ủy Mỹ Đức (Hà Nội) đã ra quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm và cảnh cáo, khiển trách một số cán bộ khác.

Tối 20/10, một lãnh đạo huyện Mỹ Đức (Hà Nội) xác nhận, Huyện ủy đã có thông báo kết luận kiểm tra đối với Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đồng Tâm nhiệm kỳ 2015-2020 vì để xảy ra vụ việc điểm nóng hồi tháng 4/2017.
Cùng với đó, Huyện ủy Mỹ Đức cũng ra quyết định thi hành kỷ luật đối với các cán bộ, lãnh đạo của xã Đồng Tâm.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã bị thi hành hình thức kỷ luật khai trừ Đảng.
Các ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, ông Hoàng Thanh Hương, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã và ông Lê Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm bị thi hành hình thức kỷ luật cảnh cáo.
Ông Phạm Hồng Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
Lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho hay, sau khi công bố các quyết định kỷ luật về Đảng đối với lãnh đạo xã Đồng Tâm thì Huyện ủy, UBND huyện sẽ báo cáo thành phố để có các bước xử lý tiếp theo.
Cũng trong tối 20/10, bà Nguyễn Thị Lan cũng xác nhận, đã nhận được quyết định thi hành kỷ luật của Huyện ủy Mỹ Đức vào chiều 20/10.
Trước đó, kết luận của Huyện ủy huyện Mỹ Đức nêu rõ, ngày 31/10/2016, UBND TP Hà Nội đã có kết luận nội dung tố cáo của một số công dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm về việc UBND huyện đã vi phạm trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, di dời một số hộ dân đang sử dụng đất tại khu vực sân bay Miếu Môn.
Huyện Mỹ Đức đã tổ chức hàng chục hội nghị để triển khai kết luận này cũng như thành lập các tổ công tác tuyên truyền đến người dân về nội dung kết luận.
Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền có một số cán bộ, Đảng viên thuộc Đảng bộ xã Đồng Tâm đã không đồng tình với kết luận và một số người là thành viên trong tổ tuyên truyền nhưng không đi tham gia tuyên truyền.
Khai trừ Đảng đối với Bí thư Đảng ủy, kỷ luật 4 cán bộ chủ chốt của xã Đồng Tâm - Ảnh 1.
Bà Nguyễn Thị Lan. Ảnh: báo Nông nghiệp VN.
Cũng theo kết luận, mặc dù các văn bản của thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức đã khẳng định đất khu vực sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng nhưng bà Nguyễn Thị Lan đã không chỉ đạo cán bộ, Đảng viên, nhân dân thực hiện đúng.
Tại hội nghị chi bộ thôn Hoành ngày 10/4, bà Lan phát biểu: "Bản thân tôi cũng chưa xác định đây là đất quốc phòng hay là đất địa phương Đồng Tâm", theo kết luận trên.
Khi xảy ra vụ việc bắt giữ các cán bộ, chiến sĩ công an ngày 15/4, bà Lan biết và gọi điện báo cáo lãnh đạo huyện nhưng lại không thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết và bỏ vị trí công tác trong 3 ngày.
Về công tác quản lý, sử dụng đất đai, theo kết luận, từ tháng 5/2016 đến tháng 8/2017 có 44 trường hợp vi phạm với tổng diện tích hơn 7.000m2, UBND xã đã phát hiện và lập biên bản vi phạm nhưng thực tế các hộ vẫn còn vi phạm.
Theo huyện ủy Mỹ Đức, để xảy ra sai phạm trên trách nhiệm thuộc về Ban chấp hành Đảng bộ xã Đồng Tâm, trách nhiệm chính thuộc về bà Nguyễn Thị Lan, ông Hoàng Thanh Hương và ông Lê Trường Huy.
Đảng ủy xã Đồng Tâm chưa tiến hành kiểm tra, giám sát về công tác quản lý đất đai, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý đất đai.
Kết luận cũng chỉ rõ, để xảy ra sự việc 38 chiến sĩ công an bị người dân bắt giữ ngày 15/4 cũng như nhiều cuộc làm việc khác của huyện với xã bị cản trở là do Đảng ủy xã đã buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lực lượng và áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã.
theo Trí Thức Trẻ

Trung Quốc: Chiếm Đài Loan vào giữa thập niên 2020 ? Không dễ !


Mai Vân


mediaĐài Bắc, ngày Quốc khánh 10/10/2017.REUTERS/Tyrone Siu
Trong diễn văn khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản ngày 18/10/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đe dọa rằng mọi ý hướng ly khai để đòi độc lập cho Đài Loan đều sẽ bị đánh bại. Tuyên bố này nêu bật lập trường trước sau như một của Bắc Kinh là sát nhập Đài Loan, kể cả bằng võ lực nếu cần. Thậm chí, theo nhà nghiên cứu Mỹ Ian Easton, thuộc cơ quan nghiên cứu mang tên Viện Dự Án 2049 – Project 2049 Institute - thì Bắc Kinh đã có kế hoạch xâm lược Đài Loan ngay vào giữa thập niên 2020. Kế hoạch là như thế, nhưng theo chuyên gia này, thực hiện không phải dễ.










Trên báo mạng Digital Journal ngày 15/10/2017, biên tập viên Paul Wallis, đã phân tích nội dung quyển biên khảo của Ian Easton, mang tựa đề « Mối đe dọa bị Trung Quốc xâm lược - The Chinese Invasion Threat », theo đó Bắc Kinh đã vạch kế hoạch xâm chiếm Đài Loan vào khoảng giữa những năm 2020. Washington, có vẻ tin vào tính xác thực của các kế hoạch đó.
Ian Easton đã dựa trên những thông tin được rò rỉ, cũng như tiết lộ của những người trong cuộc về quan hệ Đài Loan - Trung Quốc để kết luận rằng thông tin về kế hoạch xâm lược Đài Loan đáng tin vì ba lý do :
1. Trung Quốc luôn muốn thống nhất với Đài Loan từ khi cuộc nội chiến Trung Hoa kết thúc năm 1949
2. Trong lúc đó thì về phía Đài Loan, với hướng chuyển qua một thể chế dân chủ đang tồn tại, việc tự nguyện thống nhất với Trung Quốc khó thể thực hiện
3. Tài liệu của quân đội Trung Quốc được sử dụng cho thấy là Trung Quốc bắt đầu sử dụng công nghệ học thế hệ thứ tư, nâng khả năng đánh nhanh lên một trình độ cao hơn so với những thế hệ trước.
Đánh chiếm : Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt
Tuy nhiên có kế hoạch không có nghĩa là Trung Quốc chắc chắn sẽ tấn công, mà chỉ có nghĩa là Trung Quốc đã lên kế hoạch sẵn sàng cho quân đội của họ để hành động khi cần.
Hệ quả của việc Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan thì ai cũng đã thấy rõ : Hoa kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan và nhờ đến sự trợ giúp các đồng minh khu vực. Úc và cả Nhật Bản, có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến.
Theo tác giả bài báo, sẽ không sai lầm chút nào khi cho rằng không bên nào thích thú với việc này. Một cuộc chiến với Trung Quốc – chỉ cách Hoa Lục vài phút đồng hồ - quả là không thú vị chút nào. Đối với Đài Loan, điều đó có nghĩa là với trận mưa lửa từ Trung Quốc trút xuống, Đài Bắc sẽ bị thiệt hại to lớn, và cả đảo bị vạ lây.
Nhưng bản thân Trung Quốc cũng có thể có một số đắn đo. Một chiến dịch với mục tiêu đơn thuần là chinh phục Đài Loan, không phải một cái gì lớn lao, giành được một hòn đảo khô cằn trên Biển Đông có lẽ không đáng với công sức bỏ ra.
Cho dù Trung Quốc có thắng, chi phí cho việc chiếm đóng và tái thiết rất to lớn. Kẻ xâm lược còn phải đối mặt với dân cư thù ghét họ, với các hệ quả thương mại và ngoại giao thật sự tồi tệ. Nhìn dưới khía cạnh đó, việc mở cuộc tấn công không phải là một ý hay.
Ian Easton từng nêu lên một mối lợi là Trung Quốc có thể dùng Đài Loan làm một căn cứ tốt để từ đó triển khai lực lượng ra khu vực nhưng thật ra thì Trung Quốc cần phóng ra bao nhiêu lực lượng ?
Vấn đề đặt ra cho Trung Quốc là lực lượng võ trang Đài Loan không chịu ngồi yên, và Mỹ có khả năng lao vào cuộc chiến để bảo về đồng minh.
Chỉ riêng trên bình diện tác chiến, Đài Loan là một mục tiêu khó nuốt, có thể đáp trả bằng những đòn đau điếng, gây nhiều thiệt hại cho Trung Quốc. Quân đội Đài Loan dĩ nhiên không hùng mạnh như Mỹ nhưng rất đông, kể cả với quân trù bị, vũ khí cũng rất nhiều, tóm lại, có khả năng chiến đấu mãnh liệt.
Nếu Đài Loan có sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ, thì Trung Quốc có lẽ sẽ phải điều hành một chiến dịch quân sự khó khăn nhất của họ từ trước đến nay, với lực lượng đổ bộ vấp phải rào cản của Hải Quân Mỹ. Điều đó có nghĩa là kế hoạch tác chiến phải dự trù trường hợp đối mặt với một nhóm tàu sân bay Mỹ.
Không Quân và Hải Quân Trung Quốc như vậy sẽ có một nhiệm vụ gay go : Đối phó với một hải đội tàu sân bay tác chiến có nghĩa là tăng cường đáng kể năng lực quân sự và cũng có thể là dùng đến tàu sân bay của Trung Quốc. Một môi trường tác chiến như thế quả là không dễ dàng chút nào cho mục tiêu xâm chiếm bất kỳ nơi nào.
Chiến thuật ‘phi thường’
Để đánh bại một hải đội tàu sân bay Mỹ, cái mà Trung Quốc thường gọi là chiến thuật ‘phi thường’ sẽ được sử dụng để tạo cơ may thắng lợi mà không bị thiệt hại lớn lao. Biên khảo của Ian Easton đã nêu bật vấn đề thực thụ quan trọng đó đối với giới đề ra kế hoạch tại Trung Quốc.
Theo bài viết thì quả là Trung Quốc đã có một chiến thuật ‘phi thường’, tức là tấn công bất ngờ và/hay là triển khai vũ khí lạ chống lại bất kỳ hành động nào của Mỹ trước khi chiến dịch được thực hiện. Gián điệp Trung Quốc cài ở Đài Loan sẽ phải làm việc căng thẳng, những cuộc tấn công tin học sẽ rất ồ ạt.
Đánh Đài Loan một cách bất ngờ, hay như trong trường hợp này, đánh vào hệ thống tình báo Mỹ, không phải là một chuyện dễ. Khu vực Đài Loan luôn luôn được đặt trong tình trạng báo động cao. Bất kỳ động tĩnh nào trong vùng đều bị theo dõi chặt chẽ. Như vậy, muốn tấn công bất ngờ, Trung Quốc phải tính đến các thông số như vệ tinh gián điệp của Mỹ, máy bay giám sát và hệ thống tình báo.
Nhưng còn một khía cạnh khác của chiến dịch, không rõ ràng cụ thể như những điều nói ở trên, nhưng then chốt đối với một kế hoạch tấn công thực sự. Thất bại sẽ rất nguy hiểm đối với Trung Quốc và là thảm họa đối với bất kỳ người chỉ huy nào. Thất bại nặng nề trong chiến dịch sẽ có hậu quả kinh khủng ở trong nước, trong đó có việc làm chế độ mất ổn định. Bất kỳ kế hoạch nào cũng phải quan tâm đến những rủi ro này.
Lập trường của Mỹ
Từ năm 1949, bảo vệ Đài Loan luôn là một nguyên tắc vững như bàn thạch của chiến lược Mỹ. Trong thời Chiến Tranh Lạnh, có nhiều nguyên do cho việc này :
1/ Để Đài Loan bị chiếm đóng sẽ là mở cửa vùng Thái Bình Dương cho Trung Quốc, và qua đó cho Liên Xô.
2/ Đài Loan là một tiền đồn tốt vào thời ấy,
3/ Cho dù vậy, trên bình diện cá nhân, tổng thống Mỹ Truman rất ghét Tưởng Giới Thạch, và muốn có một người chống cộng cứng rắn đặc trách Đài Loan.
4/ Nguy cơ chiến tranh kiểu Đông Dương hay Triều Tiên sau đó lan ra trong khu vực đã khiến Mỹ hiện diện quân sự mạnh mẽ trong vùng Châu Á.
5/ Mỹ không có nhiều nơi trong vùng để có thể triển khai một lực lượng phòng thủ tiền phương nhắm vào Trung Quốc, và Đài Loan là một chọn lựa hiển nhiên.
Mỹ chưa bao giờ thay đổi quan điểm về tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan mặc dù có bao thay đổi trên thế giới và sự tiến bộ nhẩy vọt của công nghệ quân sự. Một trong những lý do mà việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên các đảo ở Biển Đông được xem là quan trọng đó là vì Đài Loan.
Triết lý gọi là ‘Nước Mỹ trên hết’ của chính quyền Donald Trump cũng không có tác động gì nhiều trên vấn đề này. Đối với giới phân tích quân sự chuyên nghiệp, bỏ đi chiến lược dấn thân dài hạn bên cạnh Đài Loan sẽ bị đánh giá là thể hiện một sự yếu đuối ghê gớm (nếu không muốn nói là ngu xuẩn). Việc xét lại chính sách Đài Loan hoàn toàn không có cơ sở quân sự nào, nhất là khi mà nhiều đồng minh quan trọng Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản lại sát cửa Đài Loan.
Vị trí tiền đồn phòng thủ của Đài Loan cho phép Mỹ uyển chuyển hơn trong việc tiến hành các chiến dịch của mình. Guam, Đài Loan và Nhật tạo thành một thế chân vạc rất tốt nếu có tranh chấp với Trung Quốc... Các kế hoạch gia của Trung Quốc cũng thấy điều này...
Cần phải nhớ rằng Mỹ không thể dùng đến vũ khí hạt nhân trong bất kỳ cuộc chiến nào với Trung Quốc. Leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân có nghĩa là tình hình đã đến lúc tàn cuộc và thậm chí đến Thế Chiến 3 không chừng. Mỹ chỉ có thể dùng vũ khí quy ước trong một cuộc chiến với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là chính sách bảo vệ Đài Loan vẫn còn hiệu lực.
Kết luận : Đề cao cảnh giác
Đối với tác giả bài viết khả năng Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan không thể xem thường. Điều được ghi nhận trong chính sách của Trung Quốc từ 70 năm nay là Trung Quốc và Đài Loan sẽ thống nhất. Chính sách ‘Một nước Trung Hoa’ nhìn chung đều được thế giới chấp nhận, kể cả Hoa Kỳ. Nhưng chiến tranh không phải là không thể nổ ra. Ai cũng thấy thế giới đã suy sụp như thế nào trong 20 năm qua, và có thể suy sụp hơn nữa và rất nhanh.
Sự sát nhập kinh tế giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng là một kịch bản khác có thể diễn ra, nếu Trung Quốc và Đài Loan mềm dẻo hơn với nhau. Chỉ hy vọng là hai bên không đi đến chiến tranh, vì sẽ không có ai thắng mà chỉ là số người chết khổng lồ sẽ bôi đen lịch sử nhân loại.

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Tập Cận Bình đặt chỉ tiêu xưng bá cho Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Ngày 18/10/2017, trong bài phát biểu khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc dài ba tiếng rưỡi đồng hồ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu bật tham vọng của ông là biến Trung Quốc thành « cường quốc hàng đầu thế giới » từ nay cho đến năm 2050. Để đạt mục tiêu có thể gọi là xưng hùng, xưng bá đó, lãnh đạo Trung Quốc đã phác họa nhiều hướng đi, trong đó đặc biệt có kế hoạch cho quân đội Trung Quốc là hoàn tất tiến trình hiện đại hóa vào năm 2035, để chuyển mình thành đạo quân hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2050.
Đối với giới phân tích, nguyện vọng thúc đẩy đất nước đi lên là một điều rất chính đáng, ước muốn nâng cao sức mạnh quốc phòng để bảo vệ các thành quả phát triển của nước mình cũng vậy, có điều là tuyên bố nâng cao sức mạnh quân sự của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh, từ lúc ông Tập Cận Bình lên cầm quyền cách nay 5 năm, đã không ngừng có những hành động bành trướng, đòi hỏi chủ quyền trên các vùng lãnh thổ và biển đảo của hầu hết các láng giềng, mà rõ rệt nhất là tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Hành động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông như bồi đắp các rạn san hô hay bãi ngầm trong tay họ thành đảo nhân tạo và quân sự hóa các thực thể này đã được ông Tập Cận Bình ca ngợi là một « thành tựu », khi ông nhắc tới việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trong diễn văn ngày hôm qua, ông đã tiếp tục cảnh cáo rằng Trung Quốc « sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai, bất kỳ tổ chức nào, hoặc bất cứ đảng phái chính trị nào, vào bất cứ lúc nào hoặc dưới bất kỳ hình thức nào, chia tách bất kỳ lãnh thổ nào của Trung Quốc khỏi Trung Quốc », một thông điệp được cho là nhắm vào tất cả các nước đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền.
Nhận định chung về tham vọng quốc tế của Trung Quốc, ông Jean-Philippe Béja, chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp CNRS và Trung Tâm Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế CERI, đã nhận xét rằng người đứng đầu chế độ Bắc Kinh hiện nay đã khéo tranh thủ thời cơ thuận lợi để thúc đẩy các tham vọng của mình, và qua đó mặc nhiên khai tử chủ trương có thể gọi là « ẩn nhẫn chờ thời » của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.
Trả lời ban tiếng Pháp RFI, giáo sư Béja phân tích :
Jean-Philippe Béja: Phải nói rằng ông Tập Cận Bình đã thừa hưởng được một bối cảnh quốc tế hết sức thuận lợi. Việc ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, với hệ quả là Hoa Kỳ lùi bước trên sân khấu quốc tế, việc nước Anh rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, tất cả những sự kiện này làm suy yếu phía phương Tây.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình đã dẹp bỏ chủ trương của Đặng Tiểu Bình, theo đó Trung Quốc phải nép mình chờ đến lúc đủ mạnh rồi mới can thiệp vào chính trường thế giới. Đối với ông Tập Cận Bình, hiện nay Trung Quốc đã đủ mạnh, và điều đó được thể hiện qua việc Trung Quốc hiện diện mạnh mẽ trong khu vực bao quanh nước họ, nhất là tại Biển Đông.
Ngoài ra còn có kế hoạch đình đám là xây dựng những con đường tơ lụa mới, dù chưa rõ ràng lắm, nhưng cũng là phương cách để Trung Quốc cho thấy sự hiện diện của họ trên trường quốc tế. Người ta cũng thấy là Trung Quốc đầu tư khắp nơi, kể cả vào châu Âu, nhất là tại Hy Lạp, nơi họ đã mua cảng Pirée.
Tóm lại, ngày nay Trung Quốc ngày càng có cung cách hành xử như là một siêu cường khác, và vào lúc siêu cường kia là Mỹ rút ra khỏi các định chế quốc tế, Bắc Kinh đã thể hiện một số lập trường rất được các lãnh đạo phương Tây ưa thích, ví dụ như là họ đã tái khẳng định quan điểm thiết tha với Hiệp Định Khí Hậu Paris, trong lúc ông Tập Cận Bình thì cho thấy rằng ông là một người nhiệt tình ủng hộ toàn cầu hóa.
Theo tôi, ông Tập Cận Bình đã biết lợi dụng thế yếu của các đối thủ của ông để lấn tới, và đó là một điều đáng quan ngại trong tương lai, vì lẽ Trung Quốc là một chế độ hết sức độc tài mà chúng ta cần phải dè chừng.
Tham vọng quốc tế và ý đồ xưng bá trên thế giới mà ông Tập Cận Bình không che giấu nhân Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang diễn ra cũng đã được giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Trung Quốc và Biển Đông tại trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) ghi nhận.
Trả lời phỏng vấn của ban tiếng Việt RFI, giáo sư Long cho rằng từ khi bắt đầu thâu tóm được quyền hành cách nay 5 năm, nhân vật số một của Trung Quốc đã cai trị đúng theo phương châm « Nội loạn, ngoại hoạn », nghĩa là tiêu diệt mầm mống có thể gây ra nội loạn để tránh ngoại hoạn, tức là tránh bị các nước bên ngoài đe doạ hay xâm chiếm.
Ngô Vĩnh LongTrong bài diễn văn dài hơn 3 tiếng đồng hồ, Tập Cận Bình nhấn mạnh là đã đến lúc Trung Quốc chuyển mình thành một thế lực mạnh để dẫn đầu toàn cầu trên các lãnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và môi trường. Họ Tập nói rằng nước Trung Quốc đã trỗi dậy, đã trở thành giàu có và hùng cường. Giờ đây Trung Quốc phải xông vào giữa sân khấu để đóng góp to lớn hơn cho nhân loại.
Lẽ dĩ nhiên là 4 lãnh vực Tập Cận Bình nêu ra có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng tôi cho rằng hai vấn về chính cần lưu ý là vấn đề chính trị và quân sự.
Về mặt chính trị trong nước thì trong 5 năm qua Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực bằng cách đàn áp và thanh trừng nội bộ dưới chiêu bài bài trừ tham nhũng và củng cố an ninh. Vấn đề an ninh, tức là giữ vững chính quyền trung ương, là vấn đề cốt lõi của các triều đại trong lịch sử Trung Quốc chứ không phải mới đây.
Trung Quốc có câu “nội loạn, ngoại hoạn.” Cho nên cần phải triệt tiêu các mầm móng có thể gây ra nội loạn để tránh ngoại hoạn, tức là tránh bị các nước bên ngoài đe doạ hay xâm chiếm. Đối với Tập Cận Bình và đa số người Trung Quốc hiện nay thì nội loạn dưới triều đình nhà Thanh đã khiến cho Trung Quốc bị xâm chiếm, từ thời gọi là Chiến Tranh Nha Phiến năm 1840.
Đối với Tập Cận Bình, để xoá tan nỗi quốc nhục này thì song song với dẹp loạn trong nước Trung Quốc giờ đây phải có đủ sức mạnh quân sự để, theo chữ ông dùng, “thắng mọi cuộc chiến.” Do đó, ngay sau khi lên nắm quyền Tập Cận Bình đã lập tức hiện đại hoá quân đội bằng cách tổ chức lại các vùng quân sự cũng như tăng ngân sách cho quân đội hàng năm. Gần đây, trước thềm đại hội đảng, họ Tập đã cách chức nhiều tướng lãnh và đưa người của mình vào các vị trí chủ chốt để kiểm soát quân đội chặt chẽ hơn.
Về Biển Đông, giáo sư Ngô Vĩnh Long đặc biệt ghi nhận sự kiện ông Tập Cận Bình ca ngợi thành tựu của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, và tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.
Ngô Vĩnh LongTrong những thành tựu to lớn mà Tập Cận Bình kể ra trong bài diễn văn, ông ta có đề cập đến Biển Đông. Liên quan đến vấn đề này là việc ông ta nhấn mạnh vấn đề chủ quyền.
Các nhà bình luận cho rằng ông ta đề cập đến vấn đề chủ quyền là đối với Đài Loan và Hồng Kông. Nhưng tôi nghĩ ông ta gồm Biển Đông vào đó vì ông ta đã nhấn mạnh nhiều lần, kể cả trước mặt nguyên tổng thống Mỹ Obama, rằng Biển Đông là của Trung Quốc từ thời cổ đại, và vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông là “không thể tranh cãi”.
Về tình hình Biển Đông trong thời gian sắp tới đây với việc ông Tập Cận Bình tại vị dài lâu, giáo sư Ngô Vĩnh Long không mấy lạc quan.
Ngô Vĩnh LongTrung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực trên Biển Đông qua đường lối quân sự cũng như qua những đòn bẩy chính trị và kinh tế, ví dụ như mua chuộc một số nước trong khu vực để các nước này ủng hộ những đòi hỏi của Trung Quốc. Người ta đã thấy rõ điều này đối với Kampuchia, Philippines, Lào, và gần đây là Malaysia.
Đối với Việt Nam thì Trung Quốc đã làm áp lực trên nhiều lãnh vực. Do đó, trung tuần tháng Giêng vừa qua tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải sang Trung Quốc gặp Tập Cận Bình để cầu an.
Nhưng đối với Trung Quốc thì “mềm nắn, rắn buông.” Việc này rất rõ vì trong những tháng vừa qua Trung Quốc đã đe doạ Việt Nam nhiều lần, nhưng phía Việt Nam không những đã phải nhường nhịn mà còn chẳng dám ho he. Có lẽ vì Việt Nam hiện nay cảm thấy mình đơn thương độc mã trước Trung Quốc, đặc biệt trong lúc Hoa Kỳ đang bị chi phối bởi chính quyền Donald Trump.
Tóm lại, Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến lược “tằm ăn dâu” đối với Biển Đông nếu Việt Nam không có chính sách rõ ràng và hiệu quả để vận động nhân dân trong nước và sự ủng hộ của thế giới.

Theo hầu hết các nhà quan sát, tình hình Biển Đông tương đối yên ắng vì Trung Quốc không muốn tạo ra xáo trộn, ảnh hưởng không hay đến Đại Hội Đảng Cộng Sản. Tuy nhiên, rất có thể là sau khi Đại Hội kết thúc, với việc quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố thêm, Bắc Kinh sẽ trở lại chính sách hung hăng tại Biển Đông.

'Chúa đảo' Đào Hồng Tuyển muốn làm siêu dự án 3 tỷ USD ở Sài Gòn

20/10/2017  15:00 GMT+7

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý về việc chúa đảo Đào Hồng Tuyển muốn làm siêu dự án với tổng vốn lên tới 63.500 tỷ, chiếm 5% diện tích đất TP.HCM theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.
Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu lạc Quảng Ninh đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng (tương đương gần 3 tỷ USD) bao gồm cả chi phí lãi vay của nhà đầu tư) theo loại hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng). Dự án dự kiến sử dụng khoảng gần 12.400 ha đất, bao gồm cả quỹ đất để thực hiện dự án và thanh toán cho nhà đầu tư.
Tại hồ sơ đề xuất dự án, nhà đầu tư đề xuất được phân bổ chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí xây lắp, tư vấn, dự phòng với tổng giá trị lên đến 57.568 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí lãi vay của nhà đầu tư.
dự án ven sông Sài Gòn,đổi đất lấy hạ tầng,Tuần Châu,sài gòn,hợp đồng bt,dự án bt,bộ Kế hoạch và Đầu tư
Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn còn nhiều băn khoăn do nguồn vốn quá lớn.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đề xuất này không phù hợp. Bởi vốn đầu tư nhà nước tham gia thực hiện dự án dưới dạng vốn hỗ trợ xây dựng công trình, chỉ được sử dụng cho các dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng nhưng khoản thu này không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận,... Bên cạnh đó, dự án dự kiến sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 đồng trở lên thì phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, nhà đầu tư đề xuất UBND TP.HCM bố trí quỹ đất có diện tích rất lớn, lên tới gần 12.400 ha để thực hiện dự án. Diện tích đất này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “tương đương khoảng 5% tổng diện tích TP.HCM".
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét tính khả thi của việc bố trí các quỹ đất nêu trên trong bối cảnh “nguồn lực đất đai hiện nay rất hạn chế”.
Bên cạnh đó, dự án có quy mô lớn và phức tạp, cần đánh giá kỹ tác động về kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường của dự án đối với người dân tại khu vực dự án nói riêng và TP.HCM nói chung.
Vì thế, Bộ này đề nghị UBND TP.HCM lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng đối với các vấn đề nêu trên của dự án.
Trường hợp cần thiết, để tránh ý kiến trái chiều, việc thực hiện dự án cần được lấy ý kiến rộng rãi cư dân thuộc khu vực dự án và hội đồng nhân dân để đảm bảo sự đồng thuận trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Do dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, nhà đầu tư cần chứng minh khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn dự kiến huy động vào dự án, tiến độ huy động vốn cũng như sự sẵn sàng của các bên cho vay đối với dự án nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực hiện dự án, đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, nhà đầu tư đề xuất được chỉ định thực hiện dự án theo Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng dự án không thuộc trường hợp được áp dụng chỉ định thầu. Cho nên, cần tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Lương Bằng