Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

VNTB- Ông Đinh La Thăng sẽ bị ‘điều tra làm rõ’ ngay trước Hội nghị trung ương 6?

Thiền Lâm
Cali Today
Vietnam – Cali Today News – “Dây thòng lọng” đã thêm một nút thắt quanh cổ ông Đinh La Thăng – người đã bị bật khỏi ghế ủy viên bộ chính trị và giờ đây chỉ còn mang thân phận mong manh một ủy viên trung ương đảng tại “lồng nhốt quyền lực” Ban Kinh tế trung ương.
Ngày 29/9/2017, Tòa án nhân dân Hà Nội đã chính thức tuyên án chung thân đối với Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank, và tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN).
Hai bản án được xem là nghiêm khắc trên cũng chính thức đóng lại luồng dư luận cho rằng đề nghị trước đó của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về hai mức án chung thân cho Hà Văn Thắm và tử hình cho Nguyễn Xuân Sơn chỉ là “giơ cao đánh khẽ”.
Chi tiết móc xích trực tiếp đối với ông Đinh La Thăng là trong phiên tòa trên, Hội đồng xét xử đã kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của những người những người đề xuất vốn góp, những người liên quan đến việc chỉ đạo gửi tiền của PVN và các tổng công ty, công ty con vào Oceanbank dẫn đến làm cho PVN bị mất trắng 800 tỉ đồng.
Nửa tháng trước, vào ngày 14/9/2017, một tín hiệu “bắt” hướng đến Đinh La Thăng đã phát ra khá rõ trong phiên tòa xét xử đại án OceanBank. Tại phiên tòa này, luật sư Nguyễn Minh Tâm – người bào chữa cho nhân vật Nguyễn Xuân Sơn – đã bất ngờ tung ra văn bản do ông Đinh La Thăng ký khi đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, với nội dung yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải mở tài khoản và thực hiện các giao dịch tại OceanBank.
Báo chí nhà nước đã nhanh nhảu công bố văn bản “yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải mở tài khoản và thực hiện các giao dịch tại OceanBank” với chữ ký của Đinh La Thăng. Vài tờ báo nhà nước như Infonet, Giáo Dục Việt Nam còn đi xa hơn khi nêu đích danh Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm. Một đợt “đấu tố tham nhũng” bắt đầu nổ ra, y hệt chiến dịch công kích Vũ Huy Hoàng – cựu bộ trưởng công thương – vào năm 2016.
Sau khi có nhiều đồn đoán về việc Đinh La Thăng đã bị quản thúc từ cuối tháng Bảy năm 2017 khi bắt đầu có tin Trịnh Xuân Thanh “đã về”, gần đây ông Thăng bất ngờ xuất hiện cùng với Trưởng ban kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình trong một tấm hình trên báo nhà nước khi đang “ủng hộ đồng bào chịu bão ở miền Trung”. Tuy vậy, hình ảnh này có vẻ chỉ có ý nghĩa qua quýt.
Ảnh: Dân trí
Có lẽ ý Nguyễn Phú Trọng đã quyết: Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn phải chịu án nặng thì Đinh La Thăng không thể nào “tại ngoại”.
Nếu theo “đúng quy trình”, sau khi Hội đồng xét xử đã có kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ vụ chỉ đạo gửi tiền của PVN vào OceanBank và vụ mất 800 tỷ đồng, cơ quan điều tra sẽ tiến hành những động tác tố tụng hình sự đối với ông Đinh La Thăng.
Những động tác tố tụng hình sự có thể diễn ra vào khi nào?
Sau thời điểm kết thúc phiên tòa xử Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn vào ngày 29/9, một sự kiện chính trị gần nhất sẽ diễn ra vào đầu tháng 10/2017 là Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền, tức chỉ cách nhau chưa đầy một tuần lễ. Trong thời gian ngắn ngủi đó, có thể số phận của ông Đinh La Thăng sẽ được quyết định.
Kịch bản ngắn hạn có thể diễn ra là ngay trước Hội nghị trung ương 6, cơ quan điều tra của Bộ Công an có thể tiến hành việc khởi tố điều tra đối với ông Đinh La Thăng, dựa trên những bằng chứng mà phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm đã có được. Việc khởi tố này, dù có thể chỉ là “khởi tố chay”, tức khởi tố mà chưa bắt ông Thăng, lại là cơ sở quan trọng nhất để dẫn đến một “phiên tòa” khác: Hội nghị Ban chấp hành trung ương. Nhưng thay vì chỉ bỏ phiếu kỷ luật ông Đinh La Thăng như vào tháng 5/2017, tại Hội nghị trung ương 6 các ủy viên trung ương sẽ phải quyết định để ông Thăng không còn là “đồng đảng” của mình theo ý chỉ của Bộ Chính trị.
Một khi mất cả chức ủy viên trung ương, Đinh La Thăng còn có thể bị tước cả đảng tịch, sau đó đương nhiên bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội.
Theo đó, một quan chức đã bị khai trừ đảng và mất ghế đại biểu quốc hội thì đương nhiên không còn “quyền bất khả xâm phạm”. Để khi đó, cơ quan điều tra pháp luật có thể “tùy nghi xâm phạm”.

Cũng theo đó, kịch bản trung hạn là sau Hội nghị trung ương 6 một thời gian, một phiên tòa thực sự đối với ông Đinh La Thăng sẽ diễn ra. Chỉ chưa biết là ông Thăng sẽ phải nhận mức án nào…

Nợ công Việt Nam chạm đỉnh 65% GDP: Chính phủ phải làm gì?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2017-09-29
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Nợ công của Việt Nam chiếm 61% GDP, tính đến cuối năm 2015
Nợ công của Việt Nam chiếm 61% GDP, tính đến cuối năm 2015
Photo: RFA
Bộ Tài Chính hồi hạ tuần tháng 9 thông báo nợ công của Việt Nam chiếm 61% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tính đến cuối năm 2015 và dự báo đỉnh nợ công sẽ xấp xỉ ở mức 65% GDP vào thời điểm 2017-2018.

Gánh nặng nợ công

Theo số liệu về quyết toán ngân sách nhà nước tính đến cuối năm 2015, Ủy ban thường vụ quốc hội hồi trung tuần tháng 5 công bố nợ công của Việt Nam vào khoảng 363 tỷ đô la Mỹ (USD), chiếm đến 61% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ đã chạm trần 50% GDP.
Căn cứ theo số liệu vừa nêu, Bộ Tài Chính trong tháng 9 thông báo Chính phủ Việt Nam mắc nợ trị giá gần 94,3 tỷ USD; bao gồm 39,6 tỷ vay của nước ngoài và phần còn lại là vay trong nước. Bộ Tài Chính còn cho biết nợ Chính phủ bảo lãnh gần 21 tỷ USD, trong đó vay của nước ngoài hơn 11,3 tỷ. Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là một trong những áp lực đối với nợ công và trách nhiệm trả nợ của Chính phủ đè nặng lên ngân sách eo hẹp của Việt Nam, trong xu hướng nợ công được dự báo sẽ đạt đỉnh xấp xỉ ở mức 65% GDP vào thời điểm 2017-2018.
Vấn đề được Chính phủ cũng như giới chuyên môn quan tâm là nợ công của Việt Nam được tái cơ cấu như thế nào để luôn ở ngưỡng an toàn cũng như Việt Nam cần làm gì để có khả năng trả nợ trong bối cảnh thiếu nguồn vốn cho phát triển kinh tế giai đoạn đến năm 2035?
Truyền thông trong nước dẫn lời của Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh rằng theo nhận định của ông thì áp lực nợ công và trả nợ của Việt Nam hiện tại không nằm ở các khỏan vay nước ngoài dài hạn với lãi suất thấp, mà nằm ở các khỏan vay ngắn hạn ở trong nước. Theo tính toán của giới chuyên gia, Chính phủ hàng năm phải chi trả khoảng 14% tổng số nợ Chính phủ vay và nợ Chính phủ bảo lãnh.
Số liệu trong nước thì họ cố giấu nên không thể biết rõ ràng được. Nhưng theo cách tính của tôi thì Việt Nam chi tiêu cho vấn đề an ninh quốc gia chiếm đến 21% ngân sách. Mức chi tiêu như thế là cực kỳ lớn và chi nhiều nhất 12% cho công an, hơn cả quân đội nữa. Với mức chi như vậy và còn tiếp tục tăng cao thì có cách gì mà giải quyết được
-TS. Vũ Quang Việt
Một số các chuyên gia mà Đài RFA tiếp xúc cho rằng Việt Nam đang loay hoay trong mối tương quan giữa vay vốn để phát triển và vì sử dụng các nguồn vốn vay không đạt hiệu quả nên dẫn đến trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ nợ công tăng nhanh nhất, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới-World Bank; mà nếu không tiếp tục vay thì làm sao phục vụ cho phát triển và trả nợ.
Trong vòng suốt 20 năm, tính từ 2005 đến 2015, Việt Nam nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA dưới ba hình thức chủ yếu gồm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, chiếm khoản 10-12%; nguồn vốn vay ưu đãi, chiếm đến 80% và vốn hỗn hợp chiếm 8-10%. Theo thống kê, từ năm 1993 đến năm 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam lên đến con số gần 90 tỷ USD. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam thừa nhận vẫn còn nhiều dự án sử dụng các nguồn vốn ODA chưa hiệu quả, điển hình như 4 dự án đường sắt đô thị tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chậm trễ nghiêm trọng hay dự án Đại lộ Đông-Tây là một trong những đại án tham nhũng gây rúng động trong dư luận.
Thời gian sắp tới, Bộ Kế hoạch-Đầu tư dự trù Việt Nam cần phải huy động khoảng 39,5 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển đến năm 2020. Trong khi đó, thời điểm cuối năm 2017, Việt Nam không còn được vay vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới-World Bank nữa. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có thể cũng sẽ ngừng cung cấp các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam. Các quốc gia Châu Âu, bao gồm Anh, Phần Lan và Na Uy cũng thông báo sẽ dừng cấp vốn hay cắt giảm dần vốn ODA cho Việt Nam đến năm 2020.

Trả nợ bằng cách nào?

thu-tuong_IATY.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, chiều ngày 20/09/2017 tại Hà Nội. Courtesy: Chinhphu.vn
Trước tình hình bế tắc về nguồn vốn để đầu tư và phát triển cũng như nợ công của Việt Nam ngày càng tăng, các chuyên gia cho rằng việc đi vay với lãi suất thị trường để chi tiêu thì không phải là giải pháp tốt cho Việt Nam. Các chuyên gia đề nghị một trong những biện pháp cần thiết quan trọng là Chính phủ Việt Nam phải ưu tiên giảm chi ngân sách, để có thêm tiền chi cho đầu tư thì khi đó áp lực đi vay và trả nợ sẽ vơi bớt phần nào. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt, một cựu chuyên viên thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc nhận định đây là một thách thức lớn đối Hà Nội:
“Số liệu trong nước thì họ cố giấu nên không thể biết rõ ràng được. Nhưng theo cách tính của tôi thì Việt Nam chi tiêu cho vấn đề an ninh quốc gia chiếm đến 21% ngân sách. Mức chi tiêu như thế là cực kỳ lớn và chi nhiều nhất 12% cho công an, hơn cả quân đội nữa. Với mức chi như vậy và còn tiếp tục tăng cao thì có cách gì mà giải quyết được?”
Liên quan thông tin đại diện của Ngân hàng Thế giới-World Bank, tại một hội thảo quốc tế được tổ chức ở Hà Nội vào hôm 26 tháng 9 vừa qua, cam kết giúp Việt Nam đẩy mạnh tiến độ giải quyết nợ xấu, các khỏan vay không hoạt động trong hệ thống ngân hàng để đảm bảo việc phân phối vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế; trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng liệu World Bank hay các tổ chức tài chính quốc tế sẽ can thiệp trực tiếp để giải quyết hay không, Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho biết những tổ chức này chỉ đưa ra các giải pháp cho Việt Nam nên làm, nhưng Việt Nam nghe theo hay không là lựa chọn của họ. Cựu chuyên viên của Liên Hiệp Quốc trưng dẫn trường hợp Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) một khi can thiệp trực tếp thì sẽ kèm theo rất nhiều điều kiện đối với quốc gia mà tổ chức này giúp đỡ:
Thứ nhất là phải minh bạch. Làm gì thì làm nhưng phải minh bạch, đặc biệt là vấn đề tài chính ngân sách. Thứ hai là không được làm nhái những sản phẩm của nước ngoài, có nghĩa là phải tôn trọng quyền sở hữu của người ta. Thứ ba nữa là phải tạo ra cạnh tranh bình đẳng giữa khối doanh nghiệp tư nhân với khối doanh nghiệp nhà nước, không ưu tiên doanh nghiệp nhà nước mà đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp nhà nước quá kém hiệu quả. Thứ tư là phải chống tham nhũng. Cho đến giờ việc chống tham nhũng quá chậm lụt
-TS. Phạm Chí Dũng
“IMF từ xưa giờ có chương trình giải quyết giúp đỡ là khi có một quốc gia nào mất khả năng trả nợ nước ngoài. Việt Nam chưa phải nằm trong tình trạng đó. Nếu như mất khả năng trả nợ nước ngoài thì IMF có thể cho vay tiền để trả nợ kèm theo các điều kiện như đòi hỏi phải cắt ngân sách nhà nước, đòi hỏi phải cắt chi tiêu, đòi hỏi phải tăng thuế…Nghĩa là đòi hỏi rất nhiều thứ và còn đưa ra chương trình hàng năm phải xém xét sổ sách v.v. Từ sau năm 1975 đến giờ, Việt Nam chưa bao giờ bị rơi vào tình trạng này.”
Từ trong nước, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng lên tiếng Việt Nam cần phải nhanh chóng cải cách thể chế như Chính phủ Hà Nội từng tuyên bố, mà ông gọi là “cải cách chính thể”. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu lên Chính phủ Việt Nam cần tiến hành bốn bước quan trọng:
“Thứ nhất là phải minh bạch. Làm gì thì làm nhưng phải minh bạch, đặc biệt là vấn đề tài chính ngân sách. Thứ hai là không được làm nhái những sản phẩm của nước ngoài, có nghĩa là phải tôn trọng quyền sở hữu của người ta. Thứ ba nữa là phải tạo ra cạnh tranh bình đẳng giữa khối doanh nghiệp tư nhân với khối doanh nghiệp nhà nước, không ưu tiên doanh nghiệp nhà nước mà đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp nhà nước quá kém hiệu quả. Thứ tư là phải chống tham nhũng. Cho đến giờ việc chống tham nhũng quá chậm lụt.”
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn đề nghị Chính phủ Việt Nam bắt buộc phải cải cách chính trị như bỏ cơ chế sở hữu toàn dân về đất đai, ban hành các luật định về tự do lập hội, tự do truyền thông cũng như tích cực hơn trong việc cải thiện tình hình nhân quyền ở trong nước. Ông Phạm Chí Dũng nhấn mạnh chỉ khi nào Việt Nam đạt được sự thay đổi như thế thì mới đáp ứng đủ tiêu chí của kinh tế thị trường được quốc tế công nhận.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập, cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong hạ tuần tháng 9 đề nghị World Bank tìm các nguồn tại trợ với những khỏan vay không hoàn lại giúp cho giai đoạn phát triển quốc gia đến năm 2035 trong bối cảnh nợ công chạm đỉnh ở ngưỡng 65% GDP là điều hợp lý. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam và tình hình khó khăn chung của các quốc gia trên thế giới thì Chính phủ Hà Nội sẽ khó có thể tiếp cận nguồn vốn vay không hoàn lại, như quan điểm của Tiến sĩ Vũ Quang Việt rằng“Không ai cho không Việt Nam bây giờ nữa. Trừ trường hợp Trung Quốc may ra cho không”. Và không chỉ giới chuyên gia mà cả dân chúng tại Việt Nam đều tin rằng người bạn láng giềng “4 tốt-16 chữ vàng” cũng sẽ kèm theo những yêu sách một khi Trung Quốc thực hiện nghĩa cử cao đẹp tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN CHIÊU ĐÃI TRẦN ĐỨC THẢO 1 MÀN HÁT CÔ ĐẦU CHUI Ở ATK


Thời gian sống ở ATK, tôi (Trần Đức Thảo) bị sai khiến làm mấy việc vơ vẩn như ngồi dịch những tài liệu cũ kỹ, mà rồi sau chẳng dùng được vào việc gì! Hoặc là theo chân mấy phái đoàn Trung ương đi thanh tra này nọ với vai trò của một cây cảnh: đi tới đâu cũng được giới thiệu là trí thức ở bên Tây mới về tham gia cách mạng! Rồi được vỗ tay, hoan hô. Chứ chẳng làm được một việc gì hữu ích cả!

Ảnh minh họa
– Sống như thế thì tẻ nhạt quá, làm sao bác chịu nổi? 

– Ấy trong quãng thời gian sống ở bên lề chính trị như thế không hẳn là tẻ nhạt đâu. Thinh thoảng cũng có những giây phút rất thú vị, rất vui. Bởi sống ở hậu phương thời kháng chiến, luôn luôn được chứng kiến những ngang trái xảy ra thật là bất ngờ, làm bật cười, cười đến chảy nước mắt. Trong cách mạng mà cũng có lúc ăn chơi lén lút, đáng ghi nhớ về cái “thời bao cấp” ấy. Những thú vui chui lén như vậy cũng làm cho mình phải suy nghĩ, tìm hiểu hiện tượng cách mạng và những khát vọng của con người…

– Thú vui lén lút đáng nhớ ấy là gì?

Bác Thảo kể có một lần, “không thể nào quên được”. Đó là lần được nhà văn Nguyễn Tuân mời đi ăn một bữa cơm Tây, tại một xóm dân Hà Nội tản cư về sống gần ATK. Khi vào tới xóm ấy, là phải chui qua mấy hàng giây thép, trên phơi đầy quần áo màu mẻ sặc sỡ khác hẳn với quần áo nâu sồng của nông thôn, được giặt để cất đi, ở sân sâu bên trong một căn nhà cổ, để tới cái quán ăn chui lậu hiếm hoi ở hậu phương. Chủ nhân tự khoe mình từng là đầu bếp của cựu thống sứ Bắc kỳ Graffeuil! Bữa ăn hôm ấy có cả món thịt bò. Chateaubriand, có cả rượu vang Bordeaux. Thịt tươi là do cánh công an vừa săn được mật con nai! Còn rượu cũng là do cánh công an mang từ Hà Nội ra! Ăn xong, Tuân chửi vui: “Sư bố chúng nó! Tàn dư phong kiến, thực dân mà sướng thế đấy!”. Thảo ngơ ngác không biết Tuân chửi ai? Ăn uống ngon lành thế sao lại chửi?

Ông Trần Đức Thảo thời trẻ
Sau bữa ăn, Tuân còn cao hứng dẫn Thảo đi hát “cô đầu”! Dĩ nhiên cũng là hát chui, hát lậu. Địa điểm là một căn nhà chòi có cót che kín mít, dùng để chứa nông cụ thúng, mẹt, cày bừa… ở ngay giữa một cánh đồng lớn mới gặt xong. Thảo được đưa tới chờ ở đó, nên rất lấy làm lạ. Ngồi một mình ngắm trăng mười sáu sáng ngời, chung quanh là một cánh ruộng bàng bạc màu vàng khô khốc của những gốc rạ mới gặt xong, xa xa là những luỹ tre xanh vi vu gió thổi. Cảnh thật đẹp và buồn.

Mãi sau, Tuân trở lại lố nhố với năm, sáu người lạ mặt, trong đó có một phụ nữ khoảng ngoài ba mươi tuổi, mỗi người ôm một cái túi khá lớn. Họ vào trong căn chòi rồi cài cài mấy tấm cót cho kín đáo. Một ngọn đèn dầu hoả được thắp lên cho vừa đủ sáng để thấy tỏ mặt nhau. Họ mở túi lấy ra, người thì một cái trống cơm nhỏ, người thì một cây đàn đáy. Chị phụ nữ cung lấy ra hai que gỗ và một cái phách. Tuân nói thật trịnh trọng:

– Hôm nay tôi lén tổ chức chầu hát này là để đãi ông bạn trí thức ở tận bên tây mới về. Yêu cấu em Đức hát cho thật đạt chỉ tiêu đấy nhé!

Cô ca nương nhìn Thảo rồi đáp:

– Anh Tuân ơi! Anh ép, thì vì nể anh em cũng cố mà ra đây hát thôi. Bởi em đã giải nghệ từ mấy năm nay rồi. Nêu cồng an mà biết thì em sẽ bị đi tù mất. Hát ả đào bây giờ bị coi là thứ nhạc sa đoạ của thời phong kiến, nó đã bị khai tử từ lâu rồi!

– Không sao đâu, anh đã lo lót hết rồi. Tuân này bảo đảm mà!

– Cứ hát đi, đã có ông chủ tịch xã kiêm trưởng công an ngồi nghe đây thì còn sợ gì!

– Thôi đừng khách sáo nữa! Ta bắt đầu đi, kẻo đã quá canh khuya rồi. Đàn lên! Xin mời quan viên giữ trống ra tay! Bắt đầu “Hồng, Hống, Tuyết Tuyết” đi em!

Vài tiếng đàn chậm rãi vẳng lên, trầm bổng, thánh thót day dứt trong đêm khuya thanh vắng. Rồi một giọng ca trong vắt, ngân nga, luyến láy vang lên giữa cánh đồng vằng vặc ánh trăng.

Rồi tiếng trống vào nhịp:

– Tom! Chát! Chát! Tom!

– Hồng, hồng, tuyết, tuyết ứ ư ừ mới ư ừ ngày nào chửa… ư biết cái chi chi…

– Tom, tom, chát…

Tiếng hát, tiếng đàn nhịp trống bỗng đưa mọi người nhập vào một thứ nghi lễ tôn giáo linh thiêng… gợi cảm, trữ tình của nghệ thuật!

Bác Thảo vui vẻ, thích thú kể lại thật chi tiết về một chầu hát ca trù lén lút vô cùng cảm xúc, trong đêm khuya ấy, giữa một cánh đồng khô, trong lúc tình hình chiến tranh sôi động, mọi người lo âu, bồn chồn không biết ngày mai sẽ ra sao!

Bởi đấy là lần đầu tiên trong đời bác Thảo được nghe tiếng hát “trong như pha-lê, luyến láy ngân nga, thấm nhập tâm can, làm rung động toàn thân xác.,.”. Bác say sưa khen:

– Ôi! Lúc ấy, tiếng đàn, tiếng hát, sao có thể thuần khiết, âm vang sâu thẳm đến thế! Tiếng trống bắt nhịp thật lịch duyệt, như thúc dục, như khuyến khích ca nương!

Bài ca vừa chấm đứt, Thảo không nhịn được phản ứng ngạc nhiên, nên hỏi:

– Sao thứ ca dân gian này có thể nghệ thuật đến thế! Hay như vậy sao lại cấm? Trong đời tôi, tuy đã từng biết thưởng thức những tiếng đào, lời ca cổ điển vô cùng nghệ thuật của lối hát đại nhạc (opéra) phương Tây, nhưng đây là lần đầu tiên tôi khám phá ra một lối ca nghệ thuật tuyệt kỹ, vừa trữ tình, vừa huyền bí, thiêng liêng như của một tôn giáo, nghe mà rợn cả người, cứ y như bỗng mình được lạc vào cõi thiên thai. Một thứ nghệ thuật truyền thống quý như vậy, sao lại bắt nó phải chết?

– Tại vì xưa kia nó phục vụ giới quan lại, phú hộ thời phong kiến! – Tuân giải thích – Thôi bây giờ thì ca tiếp đi chứ!

Người nghệ sĩ chơi đàn, người “quan viên” giữ nhịp trống điều khiển, rồi ca nương, tất cả đều đắm say diễn tả, như hoà tâm hồn vào mấy bài hát nói danh tiếng của mấy nhà thơ trứ danh thời trước. Tay đàn, tay trống và ca nương, tất cả đều biểu diễn, với tất cả sở trường, y như đang làm sống dậy giây phút thanh bình của đất Hà thành thanh lịch xa xưa!

Thảo giải thích thêm với chúng tôi:

– Tiếng hát ả đào đúng là hợp với tâm tư, hoàn cảnh của từng người lúc ấy. Ai ai cũng đang mang nặng một tâm tư u buồn, nên mới hát được như thế, mời nghe thấu được nỗi niềm của giọng hát, lời ca. Tôi đã từng biết lối hát đại nhạc (opéra) của phương Tây. Lối hát ấy là dùng sức buồng phổi đẩy làn hơi qua thanh quản để đưa nốt nhạc vọt lên chói vót như thi tài với tiếng đàn. Nhưng lối hát ả đào thì tế nhị hơn, vì ca nương phải kiềm chế làn hơi, rồi từ từ vừa đẩy, vừa níu lại làn hơi qua họng, để uốn nắn âm thanh qua thanh quản, làm nó uyển chuyển, luyến láy, nghẹn ngào; như than van, nức nở, để bầy tỏ nỗi niềm… Nghệ thuật hát ả đào, do đó tinh vi, truyền cảm tình tiết cao siêu, sâu sắc, huyền bí hơn hẳn đại nhạc phương Tây, Tôi không hiểu sao một nghệ thuật tuyệt vời như thế mà lại nỡ lòng mang vứt bỏ nó đi! Một dân tộc có một nền văn minh cao độ mới có thể có một lối hát nghệ thuật đậm tính văn hoá dân tộc đến thế, sao lại chê bai, kết tội nó!

– Ôi dào! Bây giờ thì cái gì của thời cũ đều bị phá đi, vứt bỏ hết! Bây giờ người ta tính áp dụng lối tiêu thổ kháng chiến ở Liên Xô, phá sập, dẹp hết, đốt hết, san thành bình địa ráo, để địch không thể xâm chiếm được. Nơi nào có tinh thần kháng chiến cao như vùng Vinh, Thanh Hoá, Nghệ An thì đã bắt đầu có lệnh thi hành chính sách “tiêu thổ”. Với hô hào “tất cả cho kháng chiến”. Tiếc gì cái lối đa truyền cảm, trữ tình, nay bị coi là truỵ lạc, là sa đoạ này!

Chầu hát ả đào dần tới hồi kết thúc. Quan viên cầm trống bỗng đứng dậy, bước tới trước mặt nhà văn Nguyên Tuân, nghiêm chỉnh cúi đầu nói:

– Xin kính mời quan bác! Quan bác là người đã nổi tiếng là tài danh cầm chầu là tài tử lịch duyệt của ca trù, đệ xin trả lại ngôi quan viên cho quan bác, để quan bác giữ nhịp cho bài ca cuối cùng của chầu hát chui này. Đệ chọn bài “Tỳ bà hành” để kết thúc, y như trong các buổi ca trù của các nhà hát trứ danh của Hà thành thanh lịch thủa xa xưa.

Ông Trần Đức Thảo
Nguyễn Tuân nghiêm nghị đón nhận chiếc trống nhỏ, sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn, đặt trống xuống đúng tầm tay, đưa roi trống lên cao, rồi nhìn tay đàn và ca nương, đúng cách quan viên sành điệu, như vị nhạc trưởng của ban đại hợp tấu, chuẩn bị phát lệnh trên một chiếu hát. Mọi người chờ tiếng trống phát ra. Nhưng Nguyễn Tuân lại đặt nhẹ rồi trống xuống và nói với giọng trầm buồn:

– Này em Đức ơi! Anh biết em từng là ngôi sao ca nương sáng chói của lò hát bà Đốc Sao ở Hà Nội. Xưa kia thì phải là cỡ tuần phủ tri huyện trở lên tới tống đốc mới được nghe tiếng em ca. Thế rồi cách mạng về thì nhà bà Đốc Sao biến đâu mất tích. Nay được tin em trôi dạt về đây, anh đã phải bịa chuyện xin đi công tác phương này, cốt là để tìm em, để được nghe em hát thêm một lần, cho dù mai sau có chết vì bom đạn thì anh cũng mãn nguyện là đã tận hưởng cuộc đời. Bởi hôm nay đây, cái cánh đồng khô giữa vùng đất núi rừng Tuyên Quang nảy bỗng trở thành một bến Tầm Dương! Và em Đức sẽ là người đưa tiễn anh với anh Thảo đây, đều là những tư mã của thời đại, đang bị thời thế lưu đày về cái đất Giang Châu của Tuyên Quang này… Em hãy ca thật hay lên, để tiễn đưa chúng anh ngày mai lại lên ứ… ư đường! Chỉ tiếc ở đây không có rượu ngon để anh ngâm mấy câu thơ cổ:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi

Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!

(Thơ Vương Hàn, Lương Châu Từ, Trung Quốc)

Rồi Nguyễn Tuân cao hứng, đằng hắng, lấy giọng ngâm thật thống thiết tiếp:

Rượu ngon thơm ngát chén ngà

Chén chưa kịp cạn, tỳ bà thúc đi

Sa trường say, cười mà chi

Xưa nay chinh chiến, mấy ai trở về!

(Người dịch khuyết danh)

Cây roi giơ lên phát lệnh bắt đầu bài hát:

– Tom! Tom! Chát!

Nhưng tất cả ngạc nhiên vì ca nương không cất tiếng hát mà lại ôm mặt khóc nức nở! Thảo ngồi đấy cũng long lanh nước mắt. Vì trong lòng cũng cảm thấy một nỗi u buồn thấm thìa khó tả, chẳng rõ vì sao. Nức nở, sụt sùi mọt hồi, ca nương lấy lại bình tĩnh nói:

– Em xin lỗi! Em xin lỗi! Vì nhìn mấy anh ăn mặc nâu sồng vất vả, mặt mày hốc hác, em thấy thương mấy anh quá! Mà em cũng khóc cả cho thân phận em! Thôi để em hát, để tiễn đưa các anh, và cũng là đưa em nữa, vì mai đây gia đình em sẽ tìm đường về xuôi, vì cái bến Tầm Dương của em là bên quê ngoại ở mãi vùng Thái Bình cơ!

– Thôi nín đi em! Hát đi em!

Nguyên Tuân lại nổi trống giục:

– Tom! Tom! Tom! Chát!

Ca nương bắt đầu lên giọng ngân nga, luyến láy não lòng:

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách

Quạnh hơi thu lau lạch đìu hiu

Dời thuyền ghé lại thăm tình

Chong đèn, thêm rượu, còn dành tiệc vui

Nghe não nuột mấy dây buồn bực

Dường than niềm tẩm tức bấy lâu

Mày chau tay gẩy khúc sầu

Dãi bầy hết nỗi trước sau muôn vàn

Thuyền không, đậu bến mặc ai

Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi, lạnh lùng

Nghe não ruột khác tay đàn trước

Khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi

Lệ ai chan chứa hơn người

Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh…

(Trích thơ Bạch Cư Dị, Phan Huy Vịnh dịch)

– Tom! Chát! Chát! Tom!

Tiếng trống vang lên như để khen “Thật tuyệt vời!”, tiếng đàn cùng tiếng hát ngưng bặt. Cả cái chòi cót giữa cánh đồng không ấy bỗng im lặng hoàn toàn. Chỉ cỏn tiếng gió, xào xạc, qua một bụi tre, vọng lại từ xa.

Trong chòi, mọi người, như chết lặng vì quá cảm xúc. Tất cả êm thấm đứng dậy, chậm rãi thu xếp trống, đàn, từ từ rút lui. Tất cả họ bùi ngùi, câm nín, ra về trong sợ sệt, nhìn trước, ngó sau, lắng tai, phóng mắt ra khắp phía xa chung quanh, không ai nói với ai nửa lời. Mỗi người mỗi nặng một tâm tư luyến tiếc, lo âu, sợ hãi…

Nguyên Tuân ghé tai Thảo:

– Này ông bạn trí thức của tôi ơi, nhớ cho kỹ là đừng cho ai biết là tôi đãi ông chầu hát ca trù này đấy nhé! Phải “bem” (giữ bí mật) kẻo lại bị ngồi viết kiểm điểm thì mệt lắm đấy!

– Thú thật là ngồi nghe, tuy không hiểu hết ca từ, nhưng tôi cảm thấy lòng mình chùng xuống y như mình cũng đang khóc cho nỗi niềm u uất của chính mình. Không thể ngờ là lối ca này nó thấm thía vào tim gan đến thế!

– Anh có biết tại sao ca trù nó thấm thía vào tâm hồn mọi người không? Tại vì đây là một lối ca trữ tình. Bởi lời ca toàn là những bài thơ, bài hát nói của một nền vãn chương quý phái đã lâu đời. Cách diễn tả lại càng trữ tình hơn. Vì làn hơi bị ức chế trong lồng ngực để rồi được đẩy ra thành tiếng luyến láy nghẹn ngào, nức nở, để bầy tỏ những tình cảm uất ức khó diễn tả, nên ca mà cứ như nấc nghẹn, muốn than van, nuối tiếc, khóc thương một thời hạnh phúc đã mất… Ai mà có nỗi niềm trong lòng thì mới thưởng thức hết được cảm xúc sâu thẳm của ca trù. Tôi biết anh cũng đang có nhiều nỗi niềm bị ức chế ở trong lòng nên tôi mới mời anh đi hát hôm nay. Có đúng như vậy không nào?

Thảo nhìn Tuân chằm chăm, rồi ngần ngừ nói:

– Anh hỏi tôi câu ấy làm tôi chột dạ. Cố phải anh là môn đệ của Freud đã nhìn thấy tâm can tôi không? Hay anh là cán bộ của “cụ Hồ” đang gài bẫy để bắt quả tang lập trường chao đảo của tôi đây?

– Tôi chưa hề đọc Freud. Và anh cũng đã mắc cái bệnh cảnh giác nặng rồi đấy. Nhưng cứ yên tâm, vì thằng Nguyễn Tuân này dù thế nào thì cũng không thể hèn mạt đến nỗi bán rẻ tình bạn cho cách mạng đâu. Anh cứ bình tĩnh mà chịu đựng và chờ đợi, chờ thời… Tôi hỏi thật, anh có hiểu tại sao ca trù nó lại thấm thấu tâm can chúng ta như vậy không?

– Tại sao vậy anh?

– Tại vì ca trù toàn chuyên chở âm điệu những nuối tiếc, những tình hận, những chí cả sinh bất phùng thời của những kẻ bất mãn, bất đắc chí như anh đấy!

– Sao anh thấy được tận đáy lòng tôi như thế? Xin cảm ơn anh! Nhưng cũng xin anh đừng làm tôi sợ vì đúng là anh đã bắt quả tang tôi đang chao đảo lập trường đối với cách mạng!

– Anh đừng lo. Tôi hiểu anh vì tôi hiểu tôi. Bởi chúng ta chỉ là bọn Giang Châu tư mã đang bị giông bão thời cuộc đánh trôi dạt về cái bên Tầm Dương rừng rú này. Buồn lắm! Thảm lắm anh ơi! Với anh tôi mới dám thổ lộ tâm sự u buồn của tôi. Bởi tôi biết sợ cũng như anh biết sợ…

Rồi bác Thảo còn cho biết sau khi về tiếp thu Hà Nội, Nguyễn Tuân còn mời bác đi nghe hát ca trù chui lậu thêm hai lần nữa, nhưng những lần sau này thì không còn xúc động mạnh như lần đầu, trong cái chòi tranh thô kệch nghèo nản ở giữa cái cánh ruộng khô, đêm trăng ấy nữa.

Trích “Trần Đức Thảo – Những lời trăn trối”,  Phan Ngọc Khuê ghi.

————-  

(Blog Hữu Nguyên/Kỳ Duyên)

MỘT SỐ CHI TIẾT LIÊN QUAN TỚI KHOẢN TIỀN 400 TRIỆU BỊ MẤT CỦA CỤC PHÓ QUANG: ĐÃ PHÁT HIỆN DOANH NGHIỆP CÓ SAI ?

2 người ở cùng cục phó bị mất tiền không phải người của Tổng cục Môi trường

29/09/2017 11:28 GMT+7

TTO - Ngày 29-9, thông tin cho Tuổi Trẻ thành phần đoàn thanh tra môi trường tại Long An, ông Nguyễn Tân Thuấn - phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Long An - cho biết thành phần chính của đoàn thanh tra là 7 người.

2 người ở cùng cục phó bị mất tiền không phải người của Tổng cục Môi trường - Ảnh 1.
Đi xe thuê biển số thường
Ngoài ông Quang và ông Đỗ Quốc Việt (chuyên viên Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường), đoàn còn có năm cán bộ của tỉnh Long An.
Ngoài ra, đi cùng đoàn còn có ông Nguyễn Văn Nam và Đậu Bá Tùng được ghi là cán bộ thuộc Viện công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, là hai người đảm trách nhiệm vụ lấy mẫu trong quá trình kiểm tra tại cơ sở.
Ông Nam và ông Tùng cũng là 2 người ở cùng khách sạn với ông Quang lúc xảy ra vụ mất trộm.
Ngoài ra, theo thông tin của phóng viên, còn có hai ông Nguyễn Thanh Toàn và Đỗ Tấn Đạt làm tài xế cũng được đặt phòng tại khách sạn T.V. nơi xảy ra vụ trộm.
"Vì đoàn đi lần này là xe thuê, nên đi xe biển số trắng bình thường chứ không đi xe công vụ của cơ quan nào", ông Phạm Quốc Trung (trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Long An) nói thêm.
Nói thêm về thành phần đoàn thanh tra lần này, ông Phan Nhân Duy - giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Long An - cho biết theo quy định, thanh tra về vấn đề môi trường sẽ được thực hiện tối đa 1 lần mỗi năm đối với một doanh nghiệp.
Thành phần đoàn thanh tra từ Cục thì dựa vào Quyết định từ Tổng cục, còn từ địa phương thì do các sở cử người đi. Về các doanh nghiệp được thanh tra, cũng do phía Cục chọn lựa và gửi thông báo từ trước chứ không thông qua phía địa phương.
2 người ở cùng cục phó bị mất tiền không phải người của Tổng cục Môi trường - Ảnh 2.
Khách sạn nơi xảy ra vụ việc.- Ảnh: SL.
Một số doanh nghiệp có vi phạm
Trao đổi thêm về quá trình làm việc vừa qua của Đoàn thanh tra, ông Nguyễn Tân Thuấn - phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Long An - khẳng định lại danh sách 8 doanh nghiệp đã được làm việc như thông tin mà Tuổi Trẻ đã đưa.
"Vì khi công bố thanh tra, một số doanh nghiệp có xin thay đổi thời gian nên việc kiểm tra không hoàn toàn đúng theo lịch. 
Cụ thể đến hết ngày 25, trước hôm xảy ra vụ mất trộm thì đoàn đã làm việc được 4 doanh nghiệp. Sau đó tiếp tục làm việc với 4 doanh nghiệp nữa trước khi dừng làm việc theo quyết định của trưởng đoàn", ông Thuấn nói.
Về 4 doanh nghiệp đã làm việc với đoàn thanh tra, ông Thuấn cho biết đoàn đã làm những việc kiểm tra theo chuyên môn như rà soát hệ thống sổ sách, chứng từ các loại rác thải, vật liệu liên quan đến môi trường, kiểm tra cụ thể các hệ thống xử lý xả thải, quan trắc... và lấy mẫu.
Theo biên bản làm việc với các doanh nghiệp này, thì một số doanh nghiệp dính phải một số vi phạm liên quan đến chứng từ, quy trình xử lý thải, ...
"Những hành vi này đều có thể sẽ xử phạt hành chính, nhưng những lỗi khắc phục quan trọng nhất vẫn là ở kết quả kiểm tra mẫu xả thải. Hiện tại đây là biên bản làm việc sơ bộ, và chưa có kết luận về thanh tra nên chúng tôi chưa thể cung cấp chi tiết".
"Tuy nhiên có thể nói thêm thường thì việc xử phạt liên quan đến việc xả thải, nghĩa là nếu mẫu kiểm định không đạt thì sẽ tùy mức độ xử lý và đây là hành vi bị xử phạt nặng nhất", ông Thuấn giải thích.
SƠN LÂM

4 CẢNH GIỚI KHÓ ĐẮC CỦA ĐỜI NGƯỜI: 'Đau mà không than;Cười mà không nói;Mê mà không mờ; Hoảng mà không loạn"...

Đời người có 4 cảnh giới khó đắc nhất…
Đời người có vui cũng có buồn, có niềm hạnh phúc cũng có lắm nỗi bi ai. Vậy nên, có thể giữ vững kiên cường trong nội tâm, giữ được sự tiêu diêu tự tại trong tâm hồn không phải điều quá dễ dàng…
Vậy nên, mới nói rằng đời người có 4 cảnh giới khó đắc nhất:
Một là, đau mà không than: Thể hiện sự kiên cường trong nội tâm
Đại bàng đau thì cất tiếng kêu thảm thiết, nó sẽ không thể cất cánh giữa bầu trời cao xanh. Thỏ đau thì sẽ dừng lại kêu gào, có khi nó sẽ trở thành một bữa tối ngon lành. Có thể thấy rằng, nếu đau mà than vãn thì sẽ mất đi cơ hội được tôi luyện, quỹ đạo của đời người cũng theo đó mà đổi thay. Khi bị đau tức là cuộc đời đang cung cấp nền tảng thành công cho chúng ta.
“Đau mà không than”. Không than không phải là không đau, mà là dám đối mặt với nỗi đau buồn, niềm đau thương và sự đau đớn. Muốn làm được “Đau mà không than”, chúng ta cần có sự kiên cường để san bằng những khó khăn trở ngại. Chúng ta cần có trí huệ kiếp người để chống đỡ lại sóng gió trên đường đời. Kỳ thực, đau mà không than chỉ có thể bắt nguồn từ một nội tâm lạc quan, mạnh mẽ: “Sau khi mưa gió qua đi, ánh cầu vồng sẽ lung linh màu sắc”.

Với nội tâm lạc quan bạn có thể thản nhiên đối mặt với sóng gió cuộc đời đó chính là “đau mà không than”. Ảnh yogajournal.com

Hai là, cười mà không nói: Thể hiện sự khoáng đạt, tiêu diêu tự tại trong tâm hồn
Có những khi bạn phải đối mặt với những lời giễu cợt của bạn bè, cũng có khi bạn sẽ thấy bất lực vì bị người khác hiểu lầm. Nếu bạn cứ nhất quyết phải nhiều lời đôi co, giải thích, thanh minh với họ thì chỉ càng đẩy họ sang bên thái cực đối lập với bạn. Cái tâm của bạn cũng sẽ bị khuấy động, do đó loạn càng thêm loạn. Lúc này chi bằng chỉ cần giữ một nụ cười trên môi và để mặc cho người đời bàn luận đúng sai, tốt xấu.
Mỉm cười có sức mạnh dời một ngọn núi. Một nụ cười nhẹ nhàng đôi khi còn thắng cả thiên binh vạn mã hùng mạnh.
Người xưa có câu quân tử lúc nào cũng đường hoàng, chỉ có kẻ tiểu nhân mới thường sợ sệt. Đôi khi một nụ cười có thể làm tan chảy ân oán giữa đôi bên, có thể khiến những người xa xứ, tha hương nơi đất khách quê người cảm thấy ấm áp cả cõi lòng. Nở một nụ cười thật đơn giản nhưng lại thể hiện sự bình thản, an nhiên tự tại trong tâm hồn bạn và đạo lý làm người nơi thế gian.
Đời người khó tránh sẽ có lúc gặp phải những chuyện không vừa ý. Nếu chỉ oán trách không ngừng cũng chẳng ích chi, chỉ khiến lòng người càng thêm nặng nề, rối ren mà thôi. Lúc này chi bằng bạn hãy tĩnh tâm xuống mà suy ngẫm.

Nở một nụ cười thật đơn giản nhưng lại thể hiện sự bình thản, an nhiên tự tại trong tâm hồn bạn và đạo lý làm người nơi thế gian. Ảnh shutterstock.com


Sự trầm tĩnh như dòng nước chảy mãi không ngừng. Nó sẽ làm dịu nỗi đau đang bùng cháy trong tim bạn. Sức mạnh nội tâm này cũng sẽ lắng đọng thành một trải nghiệm, hun đúc thành một trí huệ ẩn sâu trong tim và thắp sáng tâm hồn. Khi gặp chuyện không vừa ý, chỉ cười mà không nói thể hiện tấm lòng bao dung của một người. Đó không chỉ là tố chất tốt đẹp có thể trấn tĩnh những dòng cảm xúc nông nổi, mà còn khiến bản thân mình không buột miệng nói ra những lời khiến người khác phải tổn thương.
Ba là, mê mà không mờ: Thể hiện của người trí huệ
Muốn không bị mê hoặc bởi những chuyện trên thế gian thì điều bạn cần chính là sự mạnh mẽ trong nội tâm. Cổ nhân có một câu rất hay rằng: “Buồn mà không thương cảm” (Ai nhi bất thương). Khi nhiều chuyện đau khổ ập tới, chúng ta có thể buồn bã. Đây cũng là những cảm xúc rất tự nhiên và cần thiết của con người. Nhưng khi buồn phiền bạn cũng đừng quên rằng luôn có một con mắt thứ 3 đang trông chừng tất cả. Chỉ cần giữ vững thiện lương trời xanh sẽ tự có an bài.
Nếu có thể coi nhẹ được mất trên thế gian, thì khi đột nhiên phải đối mặt với sự mất mát, bạn mới có thể không bị mê mờ. Có thể sức ảnh hưởng của thế giới bên ngoài quá mạnh mẽ, khiến bạn chìm đắm trong mớ cảm xúc hỗn độn mà không thể kiềm chế bản thân. Nhưng khi bạn có đủ trí huệ, một thời gian sau bạn sẽ dần dần học được cách cân bằng.
Tâm hồn con người có khả năng tự chữa lành vô cùng kỳ diệu. Mê mà không mờ là định lực tu luyện của kiếp người, còn mê muội và không thể kiểm soát bản thân sẽ làm tổn thương chính mình.

Nếu có thể coi nhẹ được mất trên thế gian, thì khi đột nhiên phải đối mặt với sự mất mát, bạn mới có thể không bị mê mờ. Ảnh youtube.com

Bốn là, hoảng mà không loạn: Là sự tĩnh tại nhờ tu dưỡng
Khi đối mặt với vinh nhục, con người rất khó tránh khỏi sự bàng hoàng, thảng thốt. Tâm hoảng thì ắt sẽ động, mà trong động lại có tĩnh. Hoảng mà không loạn mới là vẻ đẹp khác biệt.
Cổ nhân có câu rằng: “Nếu gặp chuyện oan ức mà không kinh sợ, gặp chuyện uất hận mà không hoảng loạn, thì người này có thể đảm nhận trọng trách”. Đời người không thể tránh khỏi có những lúc bị oan khuất.
Nhưng “Gặp đại sự mà không loạn, gặp sóng lớn mà không mất đi thói quen thường hằng”. Đây là một tâm thái xử thế ung dung tự tại, giỏi ứng biến linh hoạt. Làm được vậy thì khi đại sự đến mới không hoảng không loạn, mới có thể trầm tĩnh và điềm đạm. Khi gặp chuyện quan trọng họ sẽ không lo lắng, mà vẫn giữ được tâm thái bình hòa.

Khi gặp chuyện sóng gió trong đời họ sẽ không lo lắng, mà vẫn giữ được tâm thái bình hòa, nhẹ nhàng, trầm tĩnh và điềm đạm . Ảnh theepochtimes.com

Cảnh giới nhân sinh được đúc rút ra từ trong cuộc sống, được ngưng kết lại theo dòng chảy thời gian. Chỉ cần có mong muốn ngày càng hoàn thiện bản thân, luôn tiến về phía trước không mệt mỏi, thì bạn sẽ ngày càng trưởng thành.
Sẽ có một ngày, vào một buổi ban mai rực rỡ hay dưới bóng hoàng hôn êm đềm nào đó, ký ức thuở xưa của bạn sẽ mở ra. Bạn sẽ phát hiện ra rằng tất cả những hiểu lầm, những nỗi đau sớm đã tiêu tan theo cơn gió của ngày hôm qua tự bao giờ, chỉ còn lại nụ cười thật tươi trên trên khuôn mặt rạng ngời của bạn.
Hiểu Mai
Xem thêm: