Cảm nhận chung là DTBCCT và DTBCXDĐ được soạn thảo tương đối ngắn gọn hơn, bao quát tương đối đầy đủ các vấn đề kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, nội dung và phong cách viết, giữ nguyên bài bản cũ: viết kín cạnh, không rõ nghĩa và không được lượng hóa đầy đủ. Điều quan trọng là không thấy có những yếu tố đổi mới tư duy và thiếu những tiêu chí cụ thể để thật sự đột phá để có thể phát huy sức mạnh toàn dân tộc.
1. Về tính không rõ nghĩa:
• Cả 2 văn bản dùng khá nhiều từ không rõ nghĩa như: “một số”, “nhiều”, “cơ bản”, “chưa thực sự”, … Cụm từ “một số” và “nhiều” đều là chỉ con số từ 2 trở lên, mà không rõ nghĩa là nhiều hay là ít, từ “nhiều” chỉ có ý nghĩa khi nói rõ “nhiều so với cái gì”, còn nếu không “so với cái gì cả” thì từ nhiều là không rõ nghĩa, ngoài việc khảng định không phải là “một, mà là từ 2 trở lên”. Các cụm từ “cơ bản”, “chưa thực sự” cũng như vậy, nếu không kèm theo số liệu để hiểu thế nào là cơ bản, thế nào “chưa thực sự” thì đó chỉ là những cụm từ không rõ nghĩa, hiểu thế nào cũng được.
Cụ thể: trong Dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, cụm từ “một số” được sử dụng 107 lần, từ “nhiều” được sử dụng 68 lần, “cơ bản” được sử dụng 27 lần, cụm từ “chưa thực sự” được sử dụng 6 lần. Trong Dự thảo báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụm từ “một số” được sử dụng 54 lần, “nhiều” được sử dụng 77 lần, “cơ bản” được sử dụng 19 lần, “chưa thực sự” được sử dụng 6 lần
Cách dùng từ và số lần được sử dụng trong các văn kiện quan trọng nhất của Đảng như thế này thì thật sự không mang lại cho người đọc tính thuyết phục về tính hành động của văn kiện.
2. Cần làm rõ "tự diễn biến", "tự chuyển hoá":
Cụm từ "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" dùng không rõ nghĩa, cụ thể "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" là quá trình tự vận động của tự nhiên, của xã hội và của tư duy. "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" luôn luôn xảy ra với 1 trong 2 chiều hướng: tích cực và tiêu cực. Vậy nên, nếu không làm rõ nghĩa, thì việc dùng các cụm từ "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" sẽ đa nghĩa, và muốn suy diễn thế nào cũng được. Thêm vào đó, các cụm từ này lại còn được sử dụng trong ngoặc kép thì lại càng tăng tính tù mù.
Trong Dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, cụm từ "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" được sử dụng 14 lần. Trong Dự thảo báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụm từ "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" được sử dụng 6 lần. Đó cũng là điều bất cập của Văn kiện.
3. Bàn về vai trò của “động lực”:
Có 4 yếu tố quan trọng tác động đến phát triển kinh tế và xã hội nói chung, đúng cho mọi quốc gia. Mỗi yếu tố đều đóng một vai trò không thể thay thế, cụ thể:
• Vai trò then chốt (hoặc vai trò quyết định) phát triển kinh tế - xã hội chính là Lãnh đạo Quốc gia. Quốc gia phát triển nhanh hay trì trệ phụ thuộc vào năng lực của Lãnh đạo Quốc gia, (không thể đổ tại cho tài nguyên nghèo, đổ tại cho chiến tranh, đổ tại cho khoa học và công nghệ kém, nhân lực kém…);
• Vai trò nền tảng của phát triển kinh tế - xã hội là nền văn hóa của dân tộc;
• Vai trò động lực của phát triển kinh tế - xã hội là cạnh tranh lành mạnh. Cần nhấn mạnh thêm: cạnh tranh lành mạnh là động lực cho mọi hình thức phát triển: phát triển thiên nhiên, phát triển kinh tế, phát triển xã hội;
• Vai trò công cụ đắc lực nhất của phát triển kinh tế - xã hội là khoa học và công nghệ. Khoa học và công nghệ của Liên Xô trước đây là đứng đầu thế giới, nhưng kinh tế - xã hội Liên Xô không đứng đầu thế giới, chứng tỏ khoa học và công nghệ không và chưa bao giờ đóng vai trò then chốt và cũng không đóng vai trò động lực. Khoa học và công nghệ chỉ phát huy tác dụng khi mục đích của quá trình phát triển là hiệu quả đích thực (chứ không phải mục đích là hiệu quả hình thức, không phải mục đích là đoàn kết nội bộ và không đơn khiếu kiện. Khoa học và công nghệ đặc biệt phát huy tác dụng trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, trong nền kinh tế thị trường.
Như vậy, không thể tùy tiện dùng nhầm vai trò, dùng không đúng vai trò của các yếu tố phát triển, đặc biệt là trong Văn kiện Đại hội. Chỉ lấy ví dụ cụm từ “động lực” được sử dụng 24 lần trong Dự thảo Báo cáo Chính trị ĐH XIII, tức là có nhiều yếu tố đã được sử dụng không đúng chỗ. Cụ thể: kinh tế tư nhân là động lực (trang 2, trang 31), khoa học và công nghệ là động lực (trang 3, trang 36), đổi mới giáo dục – đào tạo và khoa học và công nghệ là động lực (trang 11, trang 34, trang 63), chính sách vay vốn là động lực (trang 12), Văn hóa là động lực (trang 12, trang 19), ứng dụng khoa học và công nghệ là động lực (trang 23), đổi mới tư duy là động lực (trang 25), ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là động lực (trang 26, trang 61), văn hóa là động lực (trang 26), vùng kinh tế là động lực (trang 29), chiến lược và thể chế phát triển đô thị là động lực (trang 30), Chính sách tiền lương là động lực (trang 40), Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay là động lực (trang 20)…
Quả thật, viết Văn kiện theo kiểu cái gì cũng có thể là động lực thế này thì không ổn, thiếu tri thức về Lý thuyết phát triển.
4. Số liệu ở phần chú thích cuối trang:
Trong Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng có tới 95 mục chú thích ở cuối các trang: quá nhiều và không nên. Thêm vào đó, ví dụ ghi chú số 12 tại trang 6, có nêu: “Năm 2016, Bộ Chính trị đã gợi ý kiểm điểm 18 tập thể và 3 cá nhân; năm 2017, Ban Bí thư gợi ý kiểm điểm 33 tổ chức đảng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Năm 2017, 2018, 2019, … Năm 2017, các cấp uỷ đã gợi ý kiểm điểm đối với 11.005 tập thể và 27.868 cá nhân; năm 2018, các cấp uỷ đã gợi ý kiểm điểm 5.591 tập thể và 9.037 cá nhân; năm 2019, các cấp uỷ đã gợi ý kiểm điểm 5.790 tập thể và 7.376 cá nhân” … Xin hỏi tại sao không nêu con số đã xử lý kỷ luật, con số thu hồi kinh phí tham nhũng, mà lại chỉ nêu con số gợi ý kiểm điểm?
5. Về quan điểm phát triển trong dự thảo Báo cáo Chính trị ĐH XIII:
Quan điểm là ràng buộc để định hướng cho hành động. Một khi đã nêu quan điểm, thì những gì trái với quan điểm, không đúng quan điểm thì cần loại bỏ qua. Như vậy càng nhiều quan điểm thì càng khó thực hiện, quá nhiều quan điểm thì không thực hiện được, hoặc thực hiện thế nào cũng được.
Tại mục Quan điểm chỉ đạo trang 23 trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình ĐH XIII có 5 gạch đầu dòng, thoạt đầu thì nghĩ chỉ là 5 quan điểm chỉ đạo, nhưng xem kỹ ra thì mỗi gạch đầu dòng không phải là 1 quan điểm mà là vô số quan điểm chỉ đạo, cụ thể: từ 5 gạch đầu dòng trong Dự thảo thực chất là 20 quan điểm chỉ đạo, như sau:
(Quan điểm chỉ đạo từ 5 gạch đầu dòng thành 20 gạch đầu dòng)
- Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin,
- Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh,
- Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội;
- Kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các
- Bảo đảm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
- Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và
- Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm;
- Xây dựng Đảng là then chốt;
- Phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội;
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
- Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc;
- Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam,
- Bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo,
- Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;
- Nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.
- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện,
- Xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả;
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
Xin hỏi, với 20 quan điểm chỉ đạo như vậy thì có khả thi không? Cách nêu Quan điểm theo kiểu không khoa học, nêu cho đủ, …sẽ dẫn tới là muốn vận dụng thế nào cũng được và cấm thực hiện cái gì cũng được.
6. Thiếu tiêu chí để đánh giá và thực hiện đột phá chiến lược:
Ba đột phá chiến lược được nêu tại mục 2, phần XV, trang 62, 63. Cụ thể là trong Văn kiện đã khẳng định ba đột phá được xác định từ Đại hội XI, XII. Ba đột phá được nhắc lại, mà không kiểm điểm xem đã 10 năm qua, Đảng đã làm được đến đâu với ba đột phá này? Tiêu chí đánh giá hiệu quả hay tiến độ thực hiện đến đâu?, Công việc của Đại hội XIII làm làm gì? Viết như trong Dự thảo kiểu này là hoàn toàn không ổn, người viết Dự thảo này thực sự không coi đây là ba đột phá. Chỉ là nêu cho đầy đủ.
7. Vấn đề quan trọng nhất trong dự thảo Báo cáo Chính trị ĐH XIII cần có:
Cũng như hàng triệu người dân Việt Nam, điều tôi hy vọng nhất ở Dự thảo Báo cáo Chính trị là yếu tố quan trọng nhất đó phải xác định cho được và khẳng định lao động tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội là lao động sáng tạo của những người có tri thức, trong đó lao động sáng tạo trong quản lý là quan trọng nhất. Hãy làm rõ, trong những điều kiện cần và đủ nào thì lao động sáng tạo được phát huy, được nâng niu (mà không cần phải hô hào, không cần ưu đãi). Vậy hãy tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho lao động sáng tạo được phát huy, được trân trọng.
8. Bàn thêm về cách so sánh:
Tại khổ cuối của trang 20, có ý đánh giá nhìn lại 35 thực hiện công cuộc đổi mới, sở sánh với 35 năm trước, thì quả thật “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Sự so sánh này là cần thiết. Song, cần hơn nữa là so sánh 35 năm trước với một quốc gia nào đó điều kiện tương đồng với Việt Nam thì mới thật sự biết được là sự tự hào nên đứng ở chỗ nào. (chỉ khi đó mới nhận ra được những bài học quý giá để phát triển).
9. Lời kết:
Tôi cũng mong Đại hội XIII thành công với tinh thần tiến công, học tập và thực hiện triệt để lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Đoàn kết để Thành công, chứ không dừng lại ở nửa vế Đoàn kết. Theo lời dạy của Bác, mục tiêu là Thành công (tức là Phát triển có hiệu quả: nhanh và bền vững, vì sự phồn vinh của dân tộc), còn Đoàn kết chỉ là một trong những phương tiện để đạt mục tiêu Thành công. (Nếu lấy Đoàn kết làm mục tiêu, “đoàn kết chung chung”, thì chắc chắn sẽ giẫm chân tại chỗ và đất nước sẽ tụt hậu mà thôi).
Trân trọng, PGS.TS. Mai Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét