Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

VỤ PHÁ RỪNG: PHÚ YÊN NHẬN KHUYẾT ĐIỂM TRƯỚC THỦ TƯỚNG

“Tỉnh sẽ báo cáo, nhận khuyết điểm trước Thủ tướng; đồng thời trình bày cụ thể để Thủ tướng xem xét, quyết định. Thủ tướng cho làm hay không rồi tính tiếp”. Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên, nói như vậy về việc tỉnh cho san dọn 116 ha rừng phòng hộ ven biển tại TP Tuy Hòa để thực hiện dự án Khu du lịch cao cấp New City, trong đó có hạng mục sân golf.
Vụ phá rừng: Phú Yên nhận khuyết điểm trước Thủ tướng  - ảnh 1
Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy (đứng) và ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, trao đổi với báo chí về các dự án liên quan đến rừng gần đây. Ảnh: TẤN LỘC
Ông Việt phát biểu tại cuộc gặp mặt báo chí ngày 28-4, do UBND tỉnh Phú Yên tổ chức, để thông tin về một số dự án liên quan đến việc phá rừng mà báo chí phản ánh gần đây.
Theo ông Việt, do tỉnh muốn làm nhanh để tạo ra sự phát triển nên có một số thiếu sót. Các khuyết điểm, thiếu sót này thuộc hệ thống vận hành của các sở, ngành. Ông Việt thừa nhận báo chí đã phản ánh đúng các sai sót, vi phạm trong các dự án tỉnh triển khai gần đây như chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của Công ty CP Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên tại hai tiểu khu rừng 310, 311 ở huyện Sông Hinh; Khu du lịch cao cấp New City của Công ty TNHH New City Việt Nam tại bờ biển TP Tuy Hòa, hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam Tuy Hòa.
“Lãnh đạo tỉnh nhận khuyết điểm vì để xảy ra thiếu sót. Song cũng rất mong báo chí chia sẻ với tỉnh, nhìn nhận sự việc toàn diện hơn. Tinh thần của lãnh đạo tỉnh là muốn làm cho Phú Yên phát triển nên chọn giải pháp nhanh nhất, tốt nhất. Sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo tỉnh rất cầu thị, tiếp thu dư luận từ báo chí, cán bộ, nhân dân.
Ngày 27-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp kiểm điểm, thống nhất chỉ đạo là từ nay phải làm đúng quy định, trình tự, thủ tục. Ban Thường vụ yêu cầu UBND tỉnh rà soát lại tất cả, rút kinh nghiệm. Làm việc gì cũng phải tạo ra sự đồng thuận cao” - ông Việt nói.
Vụ phá rừng: Phú Yên nhận khuyết điểm trước Thủ tướng  - ảnh 2
116 ha rừng phi lao phòng hộ đã bị  Phú Yên san dọn để  nhường chỗ cho xây sân golf. Ảnh: Tấn Lộc 
Về việc tỉnh cho phá dọn 116 ha rừng phòng hộ ven biển TP Tuy Hòa để làm dự án khu du lịch cao cấp, trong đó có sân golf, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên nói rằng dự án này là giao thời giữa luật mới và luật cũ. Theo quy định hiện nay, việc sử dụng rừng phòng hộ cho dự án này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Theo ông Việt, hiện nay hầu hết rừng ven biển Phú Yên đều là rừng phòng hộ do lịch sử để lại. Do đó, nếu sử dụng cho dự án là vi phạm các quy định của pháp luật.
“Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao UBND tỉnh rà soát lại tất cả diện tích rừng ven biển để báo cáo Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan. Tỉnh đề xuất chỗ này cần phát triển kinh tế, chỗ nào cần giữ lại thì phải giữ lại. Cái nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì tỉnh làm, cái nào thuộc thẩm quyền trung ương thì báo cáo, khi nào trung ương đồng ý thì mới được làm, chứ kiểu như vừa rồi là phức tạp quá!” - ông Việt nói.
Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cũng nhìn nhận thời gian qua khi triển khai một số dự án có mặt làm chưa chặt chẽ, còn thiếu sót. Tuy nhiên, tỉnh chưa thông tin kịp thời, đầy đủ cho các cơ quan báo chí.
“Sau khi được báo chí phản ánh, lãnh đạo tỉnh đã cầu thị tiếp thu, kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan, chủ dự án rà soát lại quá trình thực hiện dự án, khắc phục, điều chỉnh những việc làm chưa tốt. Lãnh đạo tỉnh ghi nhận, cảm ơn đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí. Sắp tới đây, chúng tôi cũng có trách nhiệm giải trình, báo cáo cho các cơ quan chức năng, nhân dân. Sau khi rà soát toàn bộ các dự án, nhất là các dự án lớn, nếu phát hiện có khiếm khuyết, tồn tại thì UBND tỉnh sẽ xử lý, giải quyết nhanh. Chúng tôi cam kết trong quá trình thực hiện các dự án cũng như giải quyết thủ tục hành chính, dù giải quyết nhanh nhưng phải đúng quy định, không đốt cháy giai đoạn” - ông Hoàng Văn Trà nói.
TẤN LỘC

Bùi Quang Vơm - Đinh La Thăng, điều phải đến đã đến

Hội nghị Trung ương (TW 5) dự định diễn ra trong nửa đầu tháng 5/2017 có thể phải chuyển nội dung trọng tâm. Từ chuyên đề tăng trưởng và cân đối vĩ mô cho nền kinh tế đang có nguy cơ sụt giảm không thể cứu vớt, các chỉ tiêu lớn có khả năng bị phá sản, sang một vấn đề nóng bỏng và gay cấn hơn là vấn đề nhân sự, vốn là nội dung trọng tâm được sắp đặt cho Hội nghị Trung ương 6 dự kiến vào khoảng tháng 10/2017.


Ngày 27/04/2017 Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kiến nghị Bộ Chính trị kỷ luật đảng đối với ông Đinh La Thăng, nguyên bí thư, chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, đương kim bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ủy viên Bộ chính trị.

Những gì phải đến đã đến và đang đến. Dù công bố của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có hơi đột ngột, nhưng là công bố được chờ đợi từ lâu.

Đây có thể là phát súng đầu tiên của một chiến dịch có quy mô tổng hợp, được bắt đầu từ nghị quyết 4 khoá XI, năm 2012. Nhưng ngay lúc đó, ít ai hình dung được tính chất trầm trọng và quy mô chiến dịch tới mức độ như hiện đang bộc lộ.

Nghị quyết TW 4, ban hành ngày 16/01/2012, có viết : “Một bộ phận không nhỏ đảng viên hư hỏng, thoái hóa, biến chất. Trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”

Cuộc vận động được ông Trọng phát động trong hàng ngũ lãnh đạo trung ương để kỷ luật một cán bộ cao cấp, được hiểu về sau này, là nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, ông Dũng được trên 75%, khiến kế hoạch kỷ luật của ông Trọng và những người ủng hộ ông thất bại. Và trước micro, trước 200 ủy viên Trung ương, trước hơn 90 triệu người dân, tại hội nghị TW 6, ông Trọng uất ức đến phát khóc.

Cái uất ức ấy đã được ông Trương Tấn Sang chuyển thành thông điệp, như nói hộ cho ông "Dứt khoát phải tiến hành thành công. Ðó là mệnh lệnh của nhân dân. Không thể để Nghị quyết Trung ương 4 không thành công, là phụ lòng tin của dân, của Ðảng, là không vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Chúng ta không có con đường nào khác, chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải thành công. Cho dù phải chấp nhận những biện pháp đau đớn cũng phải làm, vì đó là sự sống còn của Ðảng, của chế độ và tương lai tươi sáng của đất nước này".

Đây chính là quyết tâm của Bộ Chính trị trên danh nghĩa chống tham nhũng, nhưng được thúc đẩy bằng sự thèm khát rửa hận của ông Trọng và ông Sang cùng những người mà vì lòng tham mê muội, gần cuối, ông Dũng đã biến họ thành kẻ thù.

Cái quyết tâm và nỗi khao khát đó là nền tảng của những kế hoạch được thành hình từ ngày đó, và mục tiêu của nó hướng tới điểm cuối cùng là ông Dũng.

Chính vì vậy mà tất cả những sợi dây liên kết với ông Dũng sẽ lần lượt được bóc tách.

Có thể thấy thế này:

Mũi số 1- Trịnh Xuân Thanh - Vũ Huy Hoàng - Đinh La Thăng - Nguyễn Tấn Dũng.

Mũi số 2 - Vũ Kim Cự - Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng.

Mũi số 3- Trầm Bê - Nguyễn Văn Bình - Nguyễn Tấn Dũng.

Cả 3 mũi “giáp công” hiện đang được đồng thời tiến hành, đều dẫn đến ông Dũng và để đòi món nợ “Trung ương 6”.

Còn những mũi khác, chẳng hạn như vụ kỷ luật bí thư và phó bí thư Hậu Giang đích thân xin Trịnh Xuân Thanh về làm phó chủ tịch tỉnh ; vụ kỷ luật bí thư và phó bí thư Bình Định cố tình cơ cấu Nguyễn Minh Triết, con trai út ông Dũng, 24 tuổi, vào Ban chấp hành tỉnh ủy, chỉ là dẹp bỏ vây cánh của ông Dũng tại địa phương. Còn Tỉnh ủy Kiên Giang nữa, Nguyễn Thanh Nghị có lẽ sắp phải nhận công tác khác.

Trong các kết luận của Ủy ban Kiểm tra, ông Đinh La Thăng còn được ghi thêm tội tham mưu, đề xuất Thủ tướng cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật. Điều này muốn nói rằng, nếu đề xuất một việc phạm pháp mà chịu kỷ luật, thì người ký duyệt quyết định phi pháp đó không thể không bị kỷ luật. Đây là phần sẽ dành cho ông Dũng, là cánh cửa hé mở tới chỗ ngài nguyên thủ tướng.

Tin rò rỉ mới nhất tiết lộ, Ban Bí thư đã quyết định hình thức cảnh cáo đối với ông Thăng. Cảnh cáo là mức kỷ luật nặng thứ hai sau mức khai trừ. Nó mở màn cho các quyết định cách chức hàng loạt chức danh khác. Cùng với Trịnh Xuân Thanh, ông Đinh La Thăng khó thoát được án ngồi tù.

Và nếu ông Vũ Huy Hoàng đã bị kỷ luật cách chức nguyên bí thư đảng đoàn Bộ Công thương, ông Vũ Kim Cự bị cách các chức nguyên bí thư và nguyên chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, thì ông Hoàng Trung Hải, ông Nguyễn Tấn Dũng làm sao thoát kỷ luật nguyên phó thủ tướng và nguyên thủ tướng.

Người ta đã thắc mắc và không hiểu cái trò kỷ luật quá khứ, kỷ luật chức vụ không còn giữ nữa là trò chơi gì, ai là tác giả của cái trò quái dị này. Bây giờ mới ngộ ra rằng, đích ngắm của nó là ông Dũng. Ông Dũng sẽ bị cách chức nguyên thủ tướng.

Đây thực chất là cái kỷ luật mà ông Dũng phải chịu từ ngày 15/01/2012, vì thực ra các quyết định kỷ luật ông đã được dự thảo ngay tại Hội nghị Trung ương 6, nghĩa là kỷ luật thì thuộc quá khứ, nhưng bây giờ mới công bố. Nghĩa là ông Trọng không hề thất bại. Và sự ngạo mạn xuẩn ngốc của ông Dũng phải trả giá. Ông sẽ bị tước hết mọi thứ kể từ ngày đó. Ông đã vênh vênh đi ra khỏi phòng họp, nhưng không phải ông là người thắng cuộc. Ông Dũng phải hiểu như vậy.

Sau khi bị kỷ luật đảng, hồ sơ sẽ được truy cứu tiếp. Tiếp theo là các căn cứ hình sự sẽ được “phát hiện”, và không ai dám chắc, ông Dũng liệu có thoát được một cái án tù 10 năm không. Vì một là, những dấu hiệu chứng minh ông Dũng trực tiếp tham nhũng không thiếu, hai là, khi đã truy xét trách nhiệm, thì thiệt hại hàng triệu tỉ đồng của ngân quỹ quốc gia, do nguyên nhân tham nhũng của bộ máy chính phủ, không có vụ tham nhũng nào nằm ngoài trách nhiệm của ông Dũng. Vả lại, đã đến nước cùng, ông Vũ Huy Hoàng và ông Đinh La Thăng cũng sẽ tự tìm cách gỡ tội. Không lẽ chỉ có hai ông này tẩu tán hết 7 tỉ đô la tiền lãi do trượt giá dầu khí những năm 2009-2011.

Nhưng cho đến thời điểm này, người ta có lẽ vẫn chưa xác quyết được kẻ phát hiện ra số tiền 7 tỉ đô nằm nghỉ trong két Tập đoàn Dầu khí những năm 2007-2008 là ông Dũng hay ông Vũ Huy Hoàng. Đây là số tiền lãi trời cho chỉ do giá dầu thế giới tăng vọt từ 50 lên xấp xỉ 140 đô la một thùng. Tiền vào két mà không phải chi phí nào phát sinh, thì chỉ cần một động tác kế toán là xong, có thể rút ra một cách an toàn. Ông Dũng vốn chỉ có sẵn lòng tham, chứ nghiệp vụ kế toán, chưa chắc ông biết được gì. Cho nên, nhiều suy đoán cho là kẻ phát hiện được số tiền này và nghĩ ra được cách tẩu tán nó, là ông Vũ Huy Hoàng và ông kế toán trưởng của Bộ Công thương, vì chính hai vị này là chủ quản vốn nhà nước tại PVN.

Nhưng phát hiện ra Đinh La Thăng lại là thiên tài của ông Dũng.

Ông Thăng vừa có kinh nghiệm 7 năm kế toán trưởng siêu Tổng công ty Sông Đà, vừa có kinh nghiệm 5 năm Tổng giám đốc. Vừa biết cách rút tiền, vừ biết lấp liếm bằng sổ sách kế toán.

Theo kế hoạch của ông Thăng, một sự phối hợp nhịp nhàng bắt đầu. Ông Dũng phát hành quyết định quy chế Tập đoàn Đa ngành, cho phép các tập đoàn đầu tư ngoài nghiệp vụ chính. Ông Thăng trình thủ tướng phê duyệt hàng loạt dự án, từ đó cho ra đời hàng loạt Ban Quản lý dự án và một đầu mối quan trọng nhất là Tổng Công ty Xây lắp PVC của Trịnh Xuân Thanh. Tiền trong két PVN được rót xuống cho các Ban Quản lý, rồi từ các Ban Quản lý chuyển cho Tổng công ty Xây lắp. 

Tổng công ty Xây lắp thành lập hàng loạt công ty thi công xây lắp và các thầu phụ. Tiền từ Tổng công ty Xây lắp PVC giải ngân thanh toán cho các công ty thi công và thầu phụ xây lắp. Từ đây, tiền thanh toán cho các công ty ma và các khối lượng xây lắp khống sẽ quay trở lại PVC cho Trịnh Xuân Thanh. Trịnh Xuân Thanh là người trực tiếp phân phối lại cho toàn bộ hệ thống. Như vậy, Trịnh Xuân Thanh là người biết tất cả, ít nhất cũng tới chỗ ông Đinh La Thăng. Từ ông Đinh La Thăng tới ông Vũ Huy Hoàng và ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Thanh chắc chắn biết, nhưng biết một cách cụ thể, thì chỉ có ông Thăng và tay hòm chìa khoá của ông Thăng là Vũ Đức Thuận.

Những chuyện tày đình này, ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Tài chính lúc đó có biết không? Có thể khẳng định được rằng là có, vì sau khi ông Thăng được thuyên chuyển về Bộ Giao thông, ông Ninh tiếp tục lên phó thủ tướng phụ trách tài chính.

Ngoài những nguồn khác, có thể một trong những người phát hiện ra vụ việc là ông Vương Đình Huệ, lúc đó là Tổng kiểm toán Nhà nước.

Điều đáng được nhắc lại là tại Đại hội 12, theo tin từ dư luận, để loại ông Dũng ra khỏi Trung ương, ông Trọng và Bộ Chính trị đã phải nhượng bộ ông Dũng bằng cách chấp nhận cơ cấu ông Nguyễn Văn Bình, ông Đinh La Thăng và ông Hoàng Trung Hải vào Bộ Chính trị. Vì vậy mới có chuyện lội ngược dòng của ba ông này mà theo phỏng đoán của dư luận thì phải ra khỏi đảng.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã đẩy hai ông Hải và Thăng xuống hai thành phố, với ý định cách ly Ban bí thư, nơi hình thành và sản sinh các quyết định của Bộ Chính trị. Còn ông Bình, sau một thời gian rất lâu không được phân công, cuối cùng, nhận Ban Kinh tế, và sau đó thì được giao đặc trách khu Tây Bắc.

Như vậy, sau kỷ luật của ông Đinh La Thăng, không biết ông Trọng có đi tới tận cùng không, nghĩa là cả ông Hải lẫn ông Bình sẽ ra khỏi Bộ Chính trị?

Vì chính ông Trọng từng nói, “chống tham nhũng là ta đánh ta”, nghĩa là ông đang làm yếu chính ông, hay đang làm yếu cái đảng Cộng sản mà ông đang là người đứng đầu. Hội nghị Trung ương 6 đứng trước một khó khăn khó có lời giải thỏa đáng.

Vụ án PVN sắp tới cùng với 12 vụ đại án phải xét xử trong năm nay sẽ còn đưa hàng nghìn đảng viên, kể cả đảng viên cốt cán vào tù, gây ra một tâm lý hoảng loạn, nghi kỵ nội bộ. Chỉ còn lo việc che chắn, lợi dụng cơ hội hại nhau và chiếm chỗ của nhau, cả hệ thống sẽ tê liệt, không còn ai quan tâm tới sản xuất.

Những đảng viên nếu biết làm, thì không thể không biết biển thủ công quỹ và trở thành xấu. Những đảng viên còn tốt, chỉ là những đảng viên không biết làm, tức là những đảng viên vô dụng.

Trước mắt, phải thay bí thư Sài Gòn. Ông Nguyễn Thành Phong nếu lên bí thư, thì ông Tất Thành Cang sẽ lên phó bí thư, chủ tịch thành phố. Phương án này ít tốn kém và ít tổn hại nhất, nhưng cần có sự thỏa hiệp giữa ông Phong và ông Cang. Mặc dù cùng có xuất thân “Thanh niên”, nghĩa là cùng thuyền với Lê Thanh Hải trước đây, nhưng ông Phong về Sài Gòn trên danh nghĩa đặc phái viên của ông Trọng, nhằm cùng với ông Võ Văn Thưởng giải giáp ông Lê Thanh Hải. Trong khi ông Cang và ông Võ Tiến Sĩ, bí thư quận 5, là hai nhân vật được coi là con tin của ông Hải nằm lại trong hệ thống mới. 

Giải pháp cách mạng triệt để sẽ là ông Võ Văn Thưởng bí thư, ông Nguyễn Thành Phong tiếp tục phó bí thư, chủ tịch. Đây là phương án hoàn hảo, Bộ Chính trị sẽ nắm hoàn toàn thành phố, loại được mầm cát cứ. Nhưng Ban Tuyên giáo, nếu không quay lại cho ông Đinh Thế Huynh thì nguy cơ rơi vào tay ông Trương Minh Tuấn, đúng ý của phái cơ hội bảo thủ, sẽ là một thảm họa cho chế độ, tuyệt đường cải cách.

Nếu phải bầu bổ sung Bộ Chính trị lấp vào chỗ cả ba ông Thăng, Hải, Bình, thay bí thư, phó bí thư cho các tỉnh Hậu Giang, Bình Định, và Kiên Giang, có thể cả Lai Châu, cùng với việc đi hay ở của ông Trọng, thì Hội nghị Trung ương 6 sẽ gần như một hội nghị trù bị cho một Đại hội giữa nhiệm kỳ vào đầu hay giữa năm 2018.

Nếu bỏ qua mục đích trả thù cá nhân ông Dũng, khiến ông Trọng phải lao tâm khổ tứ (thực chất là “một công đôi việc”), những diễn biến từ sau Đại hội XII cho thấy, ông Trọng và Bộ Chính trị có quyết tâm chống tham nhũng rất lớn với tham vọng làm trong sạch đảng, bằng cách đó củng cố vị thế của đảng và bảo vệ sự tồn tại của chế độ.

Cái tâm huyết mà ông dồn vào đấy, một mặt cho thấy ông trong sạch, ông thậm chí kỷ luật ông Cự với máu lạnh, chỉ vì có một tấm ảnh ghi hình ông Cự ghé tai ông như chuyện thầm thì giữa hai kẻ đồng lõa. Nhưng mặt khác chứng tỏ ông là một người giáo điều mụ mẫm. Ông vẫn giữ một đức tin không lay chuyển rằng, tham nhũng có nguồn gốc đạo đức, và chỉ cần cải tạo đạo đức là thủ tiêu được tham nhũng.

Đạo đức là sản phẩm của giáo dục, trong khi tham nhũng là thuộc tính bản năng. Bằng giáo dục đạo đức, tham nhũng có thể giảm ; nhưng chỉ buông lỏng giáo dục, tham nhũng bùng phát trở lại. Tham nhũng thực chất là ăn cắp. Luật phòng chống tham nhũng định nghĩa: tham nhũng là lợi dụng quyền chức để chiếm đoạt của công. Như vậy chống tham nhũng trước hết là kiểm soát quyền lực.

Muốn kiểm soát quyền lực thì pháp luật phải độc lập. Tư pháp, cảnh sát và tòa án phải được phi chính trị hóa, không có tính đảng, độc lập với quyền lực chính trị, không chịu sự lãnh đạo của bất cứ đảng phái, hay giáo phái nào. Thứ hai là không để bất cứ tài sản nào là tài sản công. Vì tài sản công với đối tượng nào đó, trong phạm vi nào đó là một thứ tài sản vô chủ, có thể biến được thành của riêng. Đất đai và tài sản trong các doanh nghiệp nhà nước chính là các tài sản công. Như vậy, chống tham nhũng chỉ có hai việc, một là Tam quyền phân lập, tối thiểu là độc lập tư pháp, hai là tư hữu hóa đất đai và tài sản công.

Muốn chống những kẻ tham nhũng như ông Dũng, thì thứ nhất là cơ quan điều tra phải độc lập với chính phủ và pháp luật có thể bỏ tù được ông Dũng. Thứ hai là không có cái khoản tiền như khoản 7 tỉ đô la tiền xuất khẩu dầu khí, gọi là tiền quốc gia, nhưng thực chất là vô chủ, để ông Dũng và tay chân của ông ta nổi máu tham.

Ông Thăng, ông Dũng và những gì trái lòng người không thể không bị phán xử. Cái phải đến đã đến và sẽ còn đến.

Nhưng một cái tất đến khác, cái tất đến lớn hơn, là một nền Dân chủ đích thực cho dân tộc Việt Nam cũng sẽ đến và thực sự đang đến. Bởi đơn giản là độc đảng chuyên chế và sở hữu toàn dân là những cái không hợp quy luật tự nhiên và trái lòng người, sẽ tự nó biến mất.

Bùi Quang Vơm 

28/04/2017 

(Blog Thụy My)

CÁC "CỰU THẦN" NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG, VŨ QUỐC HÙNG, NGUYỄN QUỐC THƯỚC... XÚM VÀO "OÁNH BỒI" ĐINH LA THĂNG

Ông Đinh La Thăng bị đề nghị kỷ luật: Nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ lên tiếng

- Chia sẻ với VietNamNet về thông tin đề nghị kỷ luật ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương nói “rất hoan nghênh kết luận của UB Kiểm tra TƯ”.

“Trước đó, tôi đã gặp Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Trần Quốc Vượng, ông cho biết Ban Bí thư giao cho UB Kiểm tra TƯ 7 tháng liền mới làm được vụ này chứ không phải dễ”, ông Hương kể.
Nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ cho biết ông biết đã cảnh báo ông Đinh La Thăngcách đây hơn 5 năm và tỏ ý không đồng tình với cách điều hành quản lý doanh nghiệp của ông Thăng.
Đinh La Thăng, Bí thư Đinh La Thăng, kỷ luật ông Đinh La Thăng, Dinh La Thang, Nguyễn Đình Hương
Nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương. Ảnh: Đoàn Bổng
“Mình làm dầu khí thì chỉ làm dầu khí thôi. Khi tôi cảnh báo, cậu ấy (ông Thăng -PV) thanh minh 'sẽ trình bày phương án đa năng của cháu'. Tôi là tôi không đồng tình”, ông Hương nói.
Theo ông Nguyễn Đình Hương, lỗi của ông Đinh La Thăng đã thể hiện rõ trong kết luận của UB Kiểm tra TƯ và có thể tóm gọn 3 lỗi lớn.
Đinh La Thăng, Bí thư Đinh La Thăng, kỷ luật ông Đinh La Thăng, Dinh La Thang, Nguyễn Đình Hương
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. Ảnh: Phạm Hải
Đã có nhiều lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật
Lâu nay dư luận vẫn có suy nghĩ rằng luôn có 1 vùng cấm trong xử lý kỷ luật đối với các lãnh đạo cấp cao. Việc UB Kiểm tra TƯ đề nghị xử lý kỷ luật ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng có phải là vô tiền khoáng hậu?
Trong hơn 60 năm làm công tác tổ chức, tôi đã chứng kiến nhiều vụ. Từng có 3 ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, trong đó 1 người bị khiển trách, 1 người bị cách chức ủy viên Trung ương, 1 người bị khai trừ khỏi Đảng.
Ủy viên TƯ Vũ Ngọc Hải, là Bộ trưởng khi làm đường dây 500 KV, ông có lỗi về việc ‘chấm mút’ mấy tấn gang thép và bị tù 3 năm.
Khi ông Mười Vân, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai lấy vàng của người dân vượt biên bị xử tử hình, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã bị 3 năm án treo và khai trừ khỏi Đảng.
Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc do liên quan đến dự án Thủy cung Thăng Long, Bộ Chính trị quyết định cho mất chức Phó Thủ tướng dù chưa gây ra mất mát gì. 
Ông Lê Huy Ngọ trong vụ án Lã Thị Kim Oanh cũng mất chức Bộ trưởng.
Gần đây là Vũ Huy Hoàng, lỗi lớn nhất là đưa Trịnh Xuân Thanh từ Dầu khí lên làm Chánh văn phòng Bộ Công thương rồi ký quyết định cho vào Hậu Giang. Ông Hoàng đã bị kỷ luật.
Nhưng không ít ý kiến cho rằng, ông Đinh La Thăng từ khi làm Bí thư Thành ủy TP.HCM đến nay đã có nhiều phát ngôn và hành động khá ấn tượng, được lòng dân. Khi làm Bộ trưởng GTVT ông cũng có nhiều hành động mà xưa nay ít ai dám làm như việc “trảm tướng” ở một số cơ quan do ông quản lý. Vậy theo ông việc luận công - tội đối với ông Thăng như thế nào là hợp tình hợp lý?
Tôi cho rằng chỉ trừ anh phản bội Tổ quốc, còn con người ta bao giờ cũng có ưu có khuyết, đã là cán bộ bao giờ cũng có ưu có khuyết.
Nói đến Đinh La Thăng không phải không có ưu điểm. Con người táo bạo, mạnh dạn, quyết đoán nhưng mà cũng là con người làm nhiều việc sai lầm lớn.
Vì sao ông Đinh La Thăng bị đề nghị kỷ luật?

Vì sao ông Đinh La Thăng bị đề nghị kỷ luật?

UB Kiểm tra TƯ kết luận những vi phạm, khuyết điểm của ông Đinh La Thăng là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.
“Tôi không lạ gì anh Đinh La Thăng"

“Tôi không lạ gì anh Đinh La Thăng"

“Theo tôi điều quan trọng nhất đối với những người giữ trọng trách như Đinh La Thăng là cần có động cơ trong sáng…”.
Món nợ của ông Đinh La Thăng

Món nợ của ông Đinh La Thăng

Ngay trước Tết Bính Thân, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã được Bộ Chính trị phân công giữ trọng trách Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Bí thư Thăng nói về vụ Trịnh Xuân Thanh

Bí thư Thăng nói về vụ Trịnh Xuân Thanh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiên quyết xử lý đúng người, đúng tội, nghiêm minh, đúng pháp luật - Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định.
Thu Hằng

Ông Vũ Quốc Hùng: "Một loạt cán bộ của PVN bị xử lý, có sung sướng gì đâu!"

Dân trí "Như các vụ việc xảy ra tại Vinashin, Vinalines hay một loạt ngân hàng đã mang ra xử lý và đưa một số người vào vòng lao lý, thế tức là chúng ta mất người, mất cán bộ trước rồi mới đến mất niềm tin của đảng viên, của nhân dân. Còn trong vụ việc lần này, một loạt cán bộ của PVN bị xử lý, có sung sướng gì đâu", nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nói.
 >> Điểm mặt các dự án bê bết thời dàn lãnh đạo PVN cũ quản lý
 >> Cựu sếp dầu khí "mất tích" từng có thu nhập hơn nửa tỷ đồng/năm

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư (UBKTTƯ).
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư (UBKTTƯ).
Kết quả xử lý ở PVN: "Tôi cho là thỏa đáng"
Như Dân trí đã đưa tin, chiều 27/4, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo nội dung kỳ họp thứ 14 diễn ra từ ngày 24 đến 26/4 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Theo đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xử lý trách nhiệm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số lãnh đạo cũ của PVN như: ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN từ 2009-2011; ông Phùng Đình Thực - nguyên ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVN từ 2008-2010; ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch HĐTV 2010-2015; ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV 2010- 2015…
Các sai phạm được chỉ ra liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); đầu tư loạt nhà máy nhiên liệu sinh học; dự án Nhiệt điện Thái Bình 2; nhà máy xơ sợi Đình Vũ hay góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư (UBKTTƯ) đánh giá: "Tôi thấy đây là một kết luận đúng đắn, khách quan, rõ ràng. Hay là nói theo phương châm hành động của UBKTTƯ là các đồng chí đã có một kết luận công minh, chính xác. Tôi cũng cho rằng, kết luận và những hình thức xử lý của UBKTTƯ là thỏa đáng".
"UBKTTƯ đã vào cuộc và làm việc với trách nhiệm cao nên đi tới một kết luận bằng văn bản cụ thể, rõ ràng, xác đáng và cũng đề nghị hình thức xử lý. Cái gì trong thẩm quyền UBKTTƯ thì Uỷ ban đã thực hiện, cái gì không trong thẩm quyền thì Uỷ ban đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý tiếp. Đặc biệt ở đây, bước tiến lớn là đã công khai chứ không có hạn chế về thông tin", ông cho biết.
"Để xảy ra sai phạm, có sung sướng gì!"
Bình luận về hướng xử lý đối với sai phạm khi để xảy ra tình trạng đầu tư thua lỗ nói chung, ông Vũ Quốc Hùng nói: "Quản lý tài sản của nhân dân như thế là một điều đáng lên án, đáng buồn phiền. Đây mới chỉ là công khai riêng lĩnh vực dầu khí thôi chứ còn một số dự án khác đã được chỉ tên đang cần làm rõ, thậm chí dưới ánh sáng của pháp luật chứ không chỉ dừng lại ở thanh kiểm tra nữa".
Trả lời câu hỏi đối với những vi phạm, hình thức xử lý như thế nào và xử lý đến mức nào thì phù hợp, ông Hùng cho rằng, hiện các vụ việc được công khai và mọi người có ý kiến trái chiều, thậm chí cho rằng "chưa thỏa đáng" là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, ông cho rằng, cần phải đặt niềm tin ở cơ quan chức năng.
"Khi xét xử thì án tại hồ sơ. Trong Đảng thì phải theo kết quả thẩm tra, xác minh, không để oan sai, không để nhẹ và không để quá nặng. Chúng ta phải đặt niềm tin và phải hiểu có những cái cần thực hiện từng bước một vì cần có quá trình thẩm tra, xác minh và quá trình nhận thức. Trước mắt về nội bộ Đảng thì xử lý cho hết những quy định trong điều lệ Đảng; sau đó thì các cơ quan nhà nước cùng xem xét, trong quá trình xem xét sâu thì ngoài thẩm tra, xác minh, kiểm tra thanh tra rồi đạt kết quả thì phải điều tra nữa, tức là cơ quan tư pháp phải vào cuộc. Nếu điều tra thấy vi phạm đến mức vi phạm pháp luật thì sẽ xử lý", ông nói.
Ông Hùng cũng cho rằng, việc quản lý tài sản nhà nước yếu kém không chỉ gây tổn thất lớn về kinh tế mà còn tổn thất về cán bộ.
"Như các vụ việc xảy ra tại Vinashin, Vinalines hay một loạt ngân hàng đã mang ra xử lý và đưa một số người vào vòng lao lý, thế tức là chúng ta mất người, mất cán bộ trước rồi mới đến mất niềm tin của Đảng viên, của nhân dân. Còn trong vụ việc lần này, một loạt cán bộ của PVN bị xử lý, có sung sướng gì đâu", ông Hùng nói.
Giám sát quyền lực để cán bộ "không rơi xuống vực thẳm"
Ông Hùng cũng đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của quản lý, giám sát của công tác thanh tra và kiểm tra cũng như trách nhiệm khi để xảy ra những sai phạm.
"Đáng buồn là người giao trọng trách để sai lầm nhưng đáng buồn hơn là cơ chế giám sát, mà ở đây là giám sát quyền lực. Không thể để ai tự tung tự tác được. Có những người sử dụng quyền lực do ngộ nhận, kém cỏi nhận thức nhưng cũng có người do lộng quyền, lạm quyền. Thế thì phải có những nơi đánh kẻng, công tác giám sát và kiểm tra thanh tra giám sát phải kịp thời", ông nhấn mạnh.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư, trong tài liệu của Đảng đã nêu rõ, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát là một bộ phận của quản lý chứ không chỉ là công cụ của Thanh tra Chính phủ hay Uỷ ban Kiểm tra các cấp. Do đó, chính người đứng đầu chính quyền phải kiểm tra, giám sát bởi không có kiểm tra, giám sát thì không có chính quyền lãnh đạo.
"Tôi rất đau buồn vì công tác kiểm tra giám sát còn yếu. Vì sao lại yếu? Chúng ta phải suy nghĩ về cơ chế, cơ cấu, về chuyện có tâm lý nể nang không, có chỗ nào bị mua chuộc không, có đùn đẩy cho nhau không? Đồng thời, phải xem xét lại toàn bộ bộ máy vận hành, bộ máy lãnh đạo của chúng ta để không ai lộng quyền, lạm quyền cả. Việc làm đó để không mất cán bộ, để cứu cán bộ, không phải để bao che mà là để cán bộ không bị rơi xuống vực thẳm", ông nói thêm.
Phương Dung

Xem kết luận về ông Đinh La Thăng, Tướng Thước nói gì?

DIỆU LINH

(GDVN) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Kết luận thể hiện tính nghiêm túc của Đảng, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII"..
Ngày 26/4/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát đi thông tin về một số vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 – 2015, trong đó đề cập cụ thể tới trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng. ảnh: N.Q
Theo đó, ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011.
Chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/3/2009 của Đảng uỷ Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật;
Vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18/09/2008 giữa đồng chí Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi Hội đồng Quản trị Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.

Kiến nghị Bộ Công an điều tra 2 dự án thua lỗ lớn do Tập đoàn Dầu khí góp vốn

Chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng Thành viên ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng Thành viên ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ;
Tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật Đấu thầu năm 2005.
Có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải;
Thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ Đồng chí làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp;
Một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học).
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về thông tin này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X đưa ra nhận định: “Kết luận thể hiện tính nghiêm túc của Đảng, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Người có công thì biểu dương, người có tội thì không bỏ qua.
Tôi ghi nhận tinh thần nghiêm túc ấy. Còn xem xét kết luận ấy như thế nào, xử lý ra sao thì do Trung ương quyết định”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đánh giá cao sự nghiêm túc của Đảng đối với vấn đề xử lý công tác cán bộ. ảnh: DL.
Chia sẻ về công tác cán bộ, Tướng Thước nhận định, Tại các Đại hội VIII, IX, X và XI, Đảng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Đại hội XII của Đảng tiếp tục cảnh báo và đặt ra yêu cầu đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," coi đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này.

Vấn đề này vốn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, nhất là trong thời gian những năm gần đây đã có nhiều cán bộ nhà nước lạm quyền, vi phạm nghiêm trọng đạo đức cán bộ, dẫn tới bổ nhiệm cả những người không xứng đáng vào các vị trí lãnh đạo. 

Xóa bỏ cơ chế "xin - cho", chặn đứng nhóm lợi ích đang tàn phá nền kinh tế

Tướng Thước cũng nhắc lại câu chuyện mà ông đã từng bày tỏ với đồng chí Tổng Bí thư, với Thủ tướng rằng: “Rất mong muốn xây dựng được một nhà nước kiến tạo, đổi mới, thông minh thì phải có những người cán bộ giỏi, có tâm với nhân dân, với đất nước”.
Ông cũng bày tỏ sự băn khoăn là: Vì sao Nghị quyết của Đảng lần nào đưa ra cũng đúng cả, nhưng kết quả thực hiện trong thực tế lại không đạt được định hướng đề ra?
“Tôi đánh giá rất cao quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từng bước siết chặt công tác quản lý cán bộ, và mong rằng các đồng chí tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, kiểm soát tài sản của cán bộ, của người thân và xử lý trách nhiệm nghiêm khắc với cá nhân, tập thể.
Bác Hồ đã dạy chúng ta rằng các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình.
Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công.
Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”, Tướng Thước bày tỏ.
Một vấn đề nữa mà Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đặt ra cũng còn nguyên tính thời sự, đó là chuyện “lạm dụng quyền lực” và “cán bộ giàu lên bất thường”, với trăn trở: “Tôi từng nói rằng nguy hiểm nhất không đơn thuần là họ tham ô tài sản của nhà nước, của nhân dân, mà là khi kết bè kết phái làm những việc xấu thì lý tưởng cách mạng cũng phai nhạt, không còn vì nước, vì dân nữa.
Khi cán bộ đã rơi vào vòng xoáy sống ích kỷ, vụ lợi, hám danh, quan liêu thì sẽ vô cảm với đời sống khó khăn của dân, đẩy đất nước tới những khó khăn khôn thể lường hết được”.

Diệu Linh