Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ có chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 4 vào hôm sinh nhật của mình, trước khi diễn ra cuộc Hội đàm cấp cao Mỹ – Triều lần thứ 2 và đúng thời điểm Trung – Mỹ đang diễn ra đàm phán thương mại. Truyền thông Hồng Kông cho biết, ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc trong thời điểm quan trọng, đưa ra 3 tín hiệu lớn “cùng Trung Quốc cùng vượt qua khó khăn”; bên cạnh đó, dư luận cũng nghi ngờ, Trung Quốc liệu có một lần nữa phá rối cuộc gặp Trump- Kim hay không.
Kim Jong-un thăm Trung Quốc đúng thời điểm quan trọng
Ngày 7/1, chuyến tàu hỏa đặc biệt chở ông Kim Jong-un đã bí mật tiến vào lãnh thổ Trung Quốc, sau khi được giới truyền thông công bố, hai nước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên mới chính thức lên tiếng vào ngày hôm sau: Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc từ ngày 7 – 10/1. Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 4 của ông Kim Jong-un kể từ hồi tháng 3 năm ngoái.
Ngày 8/1 cũng là ngày sinh nhật lần thứ 35 của ông Kim Jong-un. Ông Kim Jong-un sinh ngày 8/1/2984. Điều này có nghĩa là ông Kim sẽ mừng sinh nhật mình tại Trung Quốc.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kim Jong-un cũng đúng lúc lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đang có kế hoạch cho cuộc gặp cấp cao lần thứ 2, đúng lúc hai nước Trung – Mỹ đang tiến hành đàm phán thương mại.
Trong bài phát biểu đầu năm mới, ông Kim Jong-un nói, ông đã chuẩn bị xong cho cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump bất cứ lúc nào. Một ngày sau, ông Trump cho biết, ông nhận được một là thư rất tốt từ ông Kim Jong-un, và có thể sẽ nhanh chóng có cuộc gặp mặt với ông Kimg Jong-un.
Theo Hãng tin AP (Mỹ), có thông tin cho biết quan chức Mỹ và Bắc Triều Tiên đã gặp nhau tại Việt Nam.
Trong cùng ngày ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc, đại diện Trung – Mỹ cũng đang tiến hành vòng đàm phán thương mại mới tại Bắc Kinh. Đây là thỏa thuận tạm thời giữa 2 nước để thực hiện cam kết dừng leo thang chiến tranh thương mại trong 90 ngày đã đạt được giữa ông Trump và ông Tập tại Hội nghị G20 hồi năm ngoái. Phía Mỹ cho biết, nếu hai nước không đạt được thỏa thuận trong thời hạn đàm phán, Mỹ sẽ bắt đầu thu thuế mức 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ đô la Mỹ bắt đầu từ ngày 2/3.
Truyền thông Hồng Kông: 3 tín hiệu lớn
Nhật báo Kinh tế Hồng Kông đưa tin, ông Kim Jong-un thăm Bắc Kinh trong thời gian sinh nhật mình đã truyền đi 3 tín hiệu lớn “liên minh sống chết có nhau”, “Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đều đạt được điều mình muốn”, “Trung – Triều che chở lẫn nhau, để đối phó với áp lực từ chính phủ của ông Trump”.
Nhà bình luận thời sự Đường Hạo có bài viết nói, chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kim Jong-un đúng vào thời điểm hai nước Trung – Mỹ đang tiến hành đàm phán thương mại cấp thứ trưởng, và trước thời điểm diễn ra cuộc gặp Trump – Kim lần thứ 2, điều này có thể khiến cho đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên có biến số.
Ông Đường Hạo nói, Trung – Triều có thể lại một lần nữa “hát bè”; Trung Quốc có thể lợi dụng sức ảnh hưởng của mình đối với “người em nhỏ” Bắc Triều Tiên để có được nhiều hơn nữa không gian cân bằng trong đàm phán thương mại với Mỹ; còn Bắc Triều Tiên có thể lợi dụng “anh cả” Trung Quốc để làm khiên bảo hộ, với ý đồ giữ được “vũ khí hạt nhân” của mình.
Tuy nhiên, ông Đường Hạo nói, hai nước Trung – Triều chớ có đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ lợi ích nước Mỹ của ông Trump, cũng như thái độ cứng rắn của ông đối với chính quyền độc tài như Trung Quốc.
Trung Quốc một lần nữa phá rối “Hội đàm Trump – Kim”?
Các kênh truyền thông quốc tế như tờ New York Times, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Đài BBC cũng có nhìn nhận tương tự, nghi ngờ rằng chuyến thăm Bắc Kinh lần này của ông Kim Jong-un có thể tạo thành ảnh hưởng không tốt cho “Hội đàm Trump – Kim” lần 2.
Bởi trước cuộc gặp lần đầu giữa ông Trump và Kim Jong-un ngày 12/6/2018 tại Singapore, ông Kim Jong-un từng 2 lần bí mật đến thăm Bắc Kinh vào tháng 3 và tháng 5, suýt chút nữa thì dẫn đến “Hội đàm Trump – Kim” bị hủy bỏ.
Nhất là sau chuyến thăm Trung Quốc lần 2 từ ngày 7 – 8/5/2018 của ông Kim Jong-un, thái độ của Bắc Triều Tiên bỗng trở nên cứng rắn đối với Mỹ và Hàn Quốc. Phía Bắc Triều Tiên không chỉ công khai công kích Phó Tổng thống Mỹ Pence, mà còn nói Bắc Triều Tiên cân nhắc “liệu có nên tham dự Hội đàm thượng đỉnh Mỹ – Triều hay không”.
Đồng thời, Trung Quốc cũng liên tục có những giọng điệu đối nghịch với Mỹ, nhiều lần nhắc đến việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên cần “chia làm giai đoạn để hành động”, điều này hoàn toàn trái ngược với đề xuất của Mỹ là “phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”; Trung Quốc còn phản đối phương án “từ bỏ vũ khí hạt nhân trước, sau đó mới bồi thường” mà Mỹ đưa ra.
Trong quá khứ Trung Quốc chủ đạo hội đàm 3 bên hoặc 6 bên về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, bị dư luận chỉ trích là Trung – Triều “hát bè” với nhau. Trong thời gian diễn ra đàm phán, các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều từng hỗ trợ Bắc Triều Tiên rất nhiều để Bắc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, nhưng Bắc Triều Tiên lại lợi dụng sự hỗ trợ này để phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời vào thời gian đàm phán tháng 10/2006 đã tiến hành thủ nghiệm hạt nhân lần đầu, khiến cho đàm phán thất bại.
Năm ngoái, ông Trump từng nhiều lần nói, việc Bắc Triều Tiên đột nhiên lật mặt có thể có liên quan đến 2 lần thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un. Ông nói, sau khi ông Kim Jong-un có 2 chuyến thăm tới Bắc Kinh, sự việc liền thay đổi, “tôi có chút thất vọng và không vui”.
Ngày 24/5/2018, tại Nhà Trắng ông Trump từng tuyên bố hủy bỏ “Hội đàm Trump – Kim”, và nói Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép đối với Bắc Triều tiên; ông Trump cảnh báo Bắc Triều Tiên rằng quân đội Mỹ “đã có những chuẩn bị cần thiết”.
Sau đó, thái độ của Bắc Triều Tiên lập tức mềm mỏng lại, ông Kim Jong-un vội vàng gặp mặt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in. Dưới sự hòa giải trung gian của Hàn Quốc, hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên cuối cùng đã được tiến hành tại Singapore vào ngày 12/6. Đây là lần đầu tiên trong 70 năm qua, Tổng thống Mỹ gặp mặt lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Tại cuộc gặp cấp cao này, hai bên đồng ý “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.
Ngày 19 – 20/6, ông Kim Jong-un tiếp tục thăm Trung Quốc lần thứ 3. Sau đó, Bắc Triều Tiên và Mỹ lại có sự chia rẽ lớn trong việc thực hiện “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.
Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên bắt đầu có những bước đi quan trọng trong việc phi hạt nhân hóa, ví dụ như khai báo chi tiết Bắc Triều Tiên có bao nhiêu vũ khí hạt nhân và bao nhiêu chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân, v.v. Còn Bắc Triều Tiên yêu cầu Mỹ trước tiên cần hủy bỏ trừng phạt đối với mình.
Trí Đạt
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét