Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

Trần Hương Mai: Thế lực bí ẩn trong chính trường Hoa Kỳ

Posted on  by The Observer

Print Friendly, PDF & Email
Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Thời báo New York ngày 3/4/2018 đăng bài viết dưới tiêu đề “Anna Chennault, thế lực đứng sau sân khấu chính trị ở Washington, đã qua đời ở tuổi 94”. Bài báo hé lộ một vài góc khuất trong cuộc đời đầy ắp sự kiện của bà Anna Chennault, tên chữ Hán là Trần Hương Mai (Chen Xiangmei), vợ góa của Trung tướng Không quân Mỹ Claire Chennault, vị chỉ huy phi đội Hổ Bay từng lập công lớn trong cuộc chiến tranh chống phát xít Nhật của nhân dân Trung Quốc.

Trần Hương Mai là nhân vật chống cộng nổi tiếng, nhất là trong thế giới người Mỹ gốc Hoa, từng bỏ nhiều công sức ủng hộ Quốc dân đảng Trung Quốc, Đảng Cộng hòa Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Trong bộ ảnh lưu niệm của bà có những bức ảnh chụp chung với các Tổng thống Mỹ Kennedy, Nixon, Ford [và Reagan], với Cục trưởng Cục Điều tra Liên bang (FBI) J. Edgar Hoover, với Tư lệnh quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam Westmoreland, và với Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ…
Trần Hương Mai từng làm Phó Tổng giám đốc Công ty Hàng không Hổ Bay (Flying Tiger Line) do chồng bà lập ra sau Thế chiến II, là tác giả của một số tiểu thuyết, tập thơ; từng làm phát thanh viên Đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA). Bà cũng là nhân vật trung tâm của cộng đồng ngụ tại chung cư nằm trên tầng thượng (penthouse) tổ hợp tòa tháp Watergate complex sang trọng bên dòng sông Potomac ở Washington, nơi tập hợp nhiều thành viên Chính phủ Mỹ, nghị sĩ, nhà ngoại giao, chính khách nước ngoài và nhà báo.
Giới sử gia cho rằng cuộc đời của Trần Hương Mai có những góc khuất ít người biết. Chẳng hạn, bà từng đảm nhiệm vai trò kênh chuyển tiền của Quốc dân Đảng Trung Quốc cung cấp cho Đảng Cộng hòa Mỹ, là nhân vật trung gian bí ẩn trong mối liên hệ giữa các quan chức Mỹ với một số nhà lãnh đạo châu Á như lãnh tụ Quốc dân đảng Trung Quốc Tưởng Giới Thạch và Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu.
Theo biên bản nghe lén của FBI, Trần Hương Mai từng góp sức phá hoại một nỗ lực tìm kiếm hòa bình trong chiến tranh Việt Nam và hành động này đã giúp Nixon thắng Phó Tổng thống (Dân chủ) Hubert Humphrey trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 1968.
Cụ thể, không lâu sau khi Tổng thống Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom Bắc Việt Nam, đem lại bầu không khí dễ thở cho cuộc đàm phán Paris mùa thu năm ấy, Trần Hương Mai với tư cách người liên lạc giấu mặt giữa đội tranh cử của Nixon với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã thúc giục các quan chức Việt Nam Cộng hòa tẩy chay cuộc đàm phán ở Paris, bà nói với họ là nếu họ có thể đợi nước Mỹ bầu xong Tổng thống rồi hãy đàm phán thì Việt Nam Cộng hòa sẽ nhận được sự trợ giúp tốt hơn của Chính phủ Nixon.
Trần Hương Mai cắt băng khánh thành trụ sở tranh cử tổng thống của Nixon ở khu phố Tàu của New York năm 1968. Nguồn: NYT.
Cùng hôm đó (2/11/1968), Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố Chính phủ ông sẽ không tham gia cuộc đàm phán Paris. Ba ngày sau, Nixon đắc cử tổng thống Mỹ.
Sau khi biết tin về sự can thiệp nói trên của Trần Hương Mai, Tổng thống Johnson nổi cơn lôi đình, từng có ý định khởi tố bà ta với tội danh can thiệp bất hợp pháp vào công việc ngoại giao của nước Mỹ, nhưng sau đó ông lại thôi không khởi tố. Có điều Trần Hương Mai cũng bực mình vì chính Nixon đã không thực hiện lời hứa với bà là sau khi trúng cử Tổng thống Mỹ ông sẽ chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Tổng thống Nixon sau khi nhậm chức đã ra lệnh hủy bỏ việc nghe lén điện thoại Trần Hương Mai và dành cho Công ty Hàng không Hổ Bay của bà một tuyến vận tải hàng hóa vượt Thái Bình Dương có khả năng thu lãi lớn. Nhưng Trần Hương Mai vẫn chưa đạt nguyện vọng được giao một chức vụ quan trọng trong Chính phủ Nixon, mặc dù bà đã cung cấp cho đội tranh cử của Nixon những nguồn nhân sự quan trọng và 240.000 USD tiền quyên góp.
Sinh năm 1923 (nhưng khai là 1925) tại Bắc Kinh, Trần Hương Mai là một trong 6 con gái của ông Trần Ứng Vinh và bà Liêu Hương Từ. Cha bà dạy môn luật học tại Đại học Bắc Kinh và làm biên tập viên tờ báo tiếng Anh “Bưu điện Hoa Bắc”. Mẹ bà xuất thân trong một gia đình quan chức ngoại giao và học giả có tiếng, có chú ruột là Liêu Trọng Khải, một nhà cách mạng dân chủ nổi tiếng, lãnh tụ phái tả của Quốc Dân Đảng. Năm 1937, khi quân Nhật tiến gần Bắc Kinh, gia đình bà tản cư về Hong Kong. Sau khi mẹ mất, chị em Trần Hương Mai sống phân tán ở nhiều nơi. Năm 1944, bà tốt nghiệp Đại học Lĩnh Nam.
Thạo tiếng Anh và nhiều tiếng địa phương Trung Quốc, Trần Hương Mai được tuyển vào Thông tấn xã Trung ương Trung Quốc. Tại Côn Minh, nữ phóng viên chiến tranh họ Trần gặp tướng Chennault, người anh hùng của Phi đội Hổ Bay. Phi đội này đã bắn rơi mấy trăm máy bay Nhật [bay từ sân bay Gia Lâm ở Việt Nam sang ném bom tuyến vận tải huyết mạch Myanmar-Côn Minh chở hàng viện trợ Mỹ giúp chính quyền Tưởng Giới Thạch], mang lại hy vọng cho cuộc kháng chiến chống Nhật của người Trung Quốc. Hai người nảy sinh tình cảm với nhau, dù bà kém ông 30 tuổi.
Trần Hương Mai và Tướng Chennault trong hôn lễ năm 1947. Nguồn NYT.
Năm 1947, Chennault ly dị người vợ đã có 8 con với ông và cưới Trần Hương Mai tại Thượng Hải. Sau khi có với nhau hai con gái, họ lập công ty Flying Tiger Line và Civil Air Transport ở Đài Bắc, kinh doanh vận tải hàng không.
Là một người nghiện thuốc lá nặng, năm 1958 Chennault chết vì ung thư phổi ở tuổi 67, Trần Hương Mai mang hai con nhỏ chuyển đến Washington định cư tại Mỹ. Tại đây bà nhận được sự giúp đỡ của những người bạn của chồng, trong đó có Thomas G. Corconran, chiến lược gia của Chính sách Mới (New Deal), chuyên gia kỳ cựu về vận động hành lang. Trong hơn nửa thế kỷ sống ở Mỹ, bà có nhiều hoạt động chính trị sôi nổi, từng tham gia vận động tranh cử cho 8 chính khách Mỹ ứng cử chức Tổng thống Mỹ. Đầu tiên bà vào Đảng Cộng hòa và tham gia lực lượng phái hữu gồm những người Mỹ có thế lực chủ trương ủng hộ Đài Loan, chống Trung Quốc cộng sản. Bà viết báo, diễn thuyết, ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, thời gian 1963-1966 còn làm phát thanh viên tiếng Trung Quốc trên đài VOA. Năm 1962, được Tổng thống Kennedy đồng ý, bà lập Cơ quan Cứu tế dân tị nạn Trung Quốc (Chinese Refugees’ Relief), từng giúp hàng nghìn người trốn ra khỏi nước Trung Quốc cộng sản.
Năm 1963, Tổng thống Kennedy mời bà vào làm việc tại Nhà Trắng, trở thành người Hoa đầu tiên làm việc tại cơ quan này. Năm 1968 bà được Tổng thống Nixon mời làm Ủy viên Ủy ban Hành chính Đảng Cộng hòa Mỹ, làm Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Đảng. Năm 1972 Trần Hương Mai được chọn vào danh sách 70 người Mỹ có ảnh hưởng nhất. Năm 1980 Tổng thống Reagen cử bà làm Phó Chủ tịch Ủy ban Xuất khẩu của Nhà Trắng, sau đó bà từng hai lần được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc các dân tộc ít người của Đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban người Hoa của Đảng này. Năm 1989, Tổng thống Bush mời bà làm Ủy viên Ủy ban Học giả Nhà Trắng. Năm 1991 bà được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hợp tác quốc tế của nước Mỹ và Ủy viên Ủy ban Bảo vệ Môi trường thuộc Bộ Nội vụ Mỹ.
Trần Hương Mai cùng Tổng thống Nixon và Henry Kissinger. Nguồn: NYT.
Mỗi tuần Trần Hương Mai mời 80-100 khách đến nhà bà, một penthouse nhắc người ta nhớ đến bộ phim về James Bond, đãi họ những món ăn như “concubine’s delight” (thịt gà nấu đậu Hà Lan) và “súp của nhà đàm phán, negotiator’s soup” (vốn dành cho Ngoại trưởng Henry Kissinger). Diện bộ sườn xám bó sát người và giày cao gót, vị mệnh phụ cao khoảng 1,5 m này trở thành nhân vật nổi bật trong các vũ hội do bà tổ chức.
Trần Hương Mai năng đến thăm các quốc gia châu Á bị cuốn vào cuộc Chiến tranh Lạnh và thường tỏ ra mập mờ khi trả lời các câu hỏi về mối quan hệ giữa bà với CIA, những điều đó đã làm cho dư luận cảm thấy bà là một người lắm mưu ma chước quỷ.
Nhưng hình ảnh một nhân vật kiên quyết chống cộng sản trên con người Trần Hương Mai đã phai nhạt khi đầu năm 1981 với tư cách “Đại sứ thân thiện” của Tổng thống Reagan, bà đi thăm Bắc Kinh và Đài Bắc, gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Đài Loan Tưởng Kinh Quốc. Bà thừa nhận mình đã trở nên ôn hòa, khiêm tốn hơn. Đến thời điểm này, sự nghiệp chính trị của bà đã hoàn toàn thất bại. Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông đã qua đời, nước Mỹ đã cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thừa nhận CHND Trung Hoa.
Trần Hương Mai gặp Tổng thống Reagan tại Nhà Trắng năm 1984. Nguồn: NYT.
Từ đó trở đi Trần Hương Mai năng về thăm Trung Quốc và có nhiều phát biểu thân thiện với đất nước quê hương của mình, có nhiều đóng góp cho sự phát triển mối quan hệ Mỹ-Trung. Năm 1993, bà được tặng danh hiệu “Công dân danh dự thành phố Nam Kinh”. Năm 2000 được bầu làm Hiệu trưởng danh dự và Cố vấn Học viện Đại Vũ tỉnh Giang Tây. Năm 2003 và 2004 lần lượt làm Hiệu trưởng Danh dự Học viện Ngoại ngữ Công thương Thượng Hải và Đại học Hải Nam. Năm 2010 được tặng “Giải thưởng lớn người Hoa có ảnh hưởng lớn trong thế giới người Hoa”.
Ngày 30/3/2018, nhân vật nổi tiếng chống cộng, chống Việt Nam, “thế lực đứng sau sân khấu chính trị Washington” này trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, thọ 94 tuổi. Con gái bà cho biết Trần Hương Mai chết bởi một hội chứng gây ra từ lần bà bị đột quỵ hồi tháng 12/2017.

Không có nhận xét nào: