Tới nhà dân đập phá tan hoang một nửa căn nhà, dân khiếu nại suốt 7 năm cán bộ ở Ninh Thuận không nhận lỗi nên tòa án phải đưa các cán bộ ra công đường xin lỗi dân. Đồng thời, ngân sách phải xuất tiền đến dân sửa nhà, đền tài sản bị “thất lạc”, ngân sách phải gánh luôn chi phí trưng cầu giám định và án phí với số tiền rất lớn…
Chính quyền thành phố Phan Rang Tháp Chàm (Ninh Thuận) vừa phải chính thức xin lỗi người dân và thỏa thuận đền bù số tiền lớn trong vụ án cưỡng chế sai nhà dân nhưng đã cố tình tránh né xử lý suốt 7 năm qua.
Vụ việc được Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận tuyên sơ thẩm, công nhận thỏa thuận giữa hai bên nguyên và bị đơn đã thành, song vẫn phải buộc chính quyền chịu số tiền 68,6 triệu đồng chi phí trưng cầu giám định tài sản, và mức án phí 9,1 triệu đồng. Theo thỏa thuận giữa hai bên, chính quyền thành phố này còn phải trích ngân sách đền cho người dân 158 triệu đồng tiền sửa nhà và 23,8 triệu đồng tiền mất mát tài sản.
Mạnh tay cưỡng chế không cần xét
Theo hồ sơ án, gia đình bà Nguyễn Thị Phi, hành nghề mua bán hải sản tươi sống tại xã Thành Hải (Phan Rang Tháp Chàm), được quyền sở hữu ba thửa đất số 32, 51, 97 tờ bản đồ địa chính số 19-a tại xã này.
Ngày 05/9/2006, Chủ tịch UBND thị xã (nay là thành phố) Phan Rang Tháp Chàm ban hành Quyết định số 4359 thu hồi 538 m2 đất toàn bộ mặt tiền kinh doanh của gia đình này phục vụ dự án địa phương. Liên tiếp 4 năm sau đó, địa phương ban hành hai Quyết định khác, bồi thường cho gia đình này 878 triệu đồng đền bù giải tỏa.
Gia đình bà Phi chấp thuận chính sách đền bù, xin tự nguyện tháo dỡ và bàn giao 2 thửa đất số 32, 51 cho chính quyền. Tuy nhiên, gia đình này cũng xin được bố trí lại 4 lô đất tại khu tái định cư để có mặt bằng tiếp tục kinh doanh.
Nguyện vọng này chưa được giải đáp, thì ngày 26/9/2011, UBND thành phố Phan Rang Tháp Chàm ra Quyết định số 4318 cưỡng chế thu hồi đất. Ngày 04/11/2011, Đội quản lý trật tự đô thị thành phố Phan Rang Tháp Chàm thực hiện cưỡng chế, bất chấp gia đình bà Phi xin hoãn lại bởi đang thuê người tháo dỡ tài sản, vật dụng kiến trúc gắn liền với thửa đất 97. Gia đình cho biết phải thuê đơn vị chuyên nghiệp tháo dỡ bởi tài sản và vật kiến trúc nhà cửa có giá trị, có thể tái sử dụng. Song lực lượng cưỡng chế đã không chấp nhận đề nghị đó, cương quyết đập phá tháo dỡ nhà cửa. Không những thế, lực lượng còn gây náo loạn khu vực và làm mất nhiều tài sản trong ngôi nhà, tổng giá trị thiệt hại gần 600 triệu đồng.
Năm 2013, bà Nguyễn Thị Phỉ là người đã đại diện cho ngư dân Cần Giuộc (TPHCM) khiếu nại vụ “kiểm dịch cho bạch tuộc” và lực lượng công an tỉnh Hải Dương đã phải bồi thường vụ việc trị giá 650 triệu đồng. Vụ này, do không hiểu biết về pháp luật, nên Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương đã chặn xe chở 2 tấn bạch tuộc của ngư dân đang trên đường tiêu thụ chỉ để đòi có giấy kiểm dịch. Hậu quả, khi ngư dân chứng minh rõ nguồn gốc và kiểm dịch, số bạch tuộc trên xe đã chết sạch, và ngân sách địa phương phải xuất ra để đền tiền.
Ngâm án 6 năm mới chịu nghe
Quá bức xúc với sự vụ, ngày 26/9/2012, gia đình bà Nguyễn Thị Phỉ đã có đơn kiện UBND thành phố Phan Rang Tháp Chàm ra tòa. Gia đình cho biết nhà cửa của họ đã bị đập phá tan tành, không thể ở được, phải về miền Nam sinh sống. Toàn bộ cơ sở kinh doanh bị bỏ hoang, tổn thất nặng nề. Bởi thế, bà Phi cùng gia đình quyết theo vụ kiện đến cùng, đòi chính quyền phải thừa nhận lỗi sai và sửa chữa.
Tuy nhiên, do phía UBND thành phố Phan Rang Tháp Chàm không chịu nhận sai, việc thưa kiện đã phải kéo dài đến 6 năm qua. Mãi đến tháng 4/2018, khi tòa án xác định lỗi thuộc về chính quyền, đội ngũ thừa hành cưỡng chế đã hành động sai, làm hư hỏng tài sản người dân, thu hồi đất nhưng không giao đất tái định cư…, chính quyền tại đây mới “xuống nước” đề nghị hòa giải.
Theo đó, chính quyền thành phố Phan Rang Tháp Chàm đề nghị tạm dừng nghị án để đàm phán với hộ dân; trực tiếp gặp gia đình bà Nguyễn Thị Phi điều đình xử lý. Chính quyền chịu huỷ Quyết định 4318 cưỡng chế thu hồi đất đã ký từ 7 năm trước, chính thức xin lỗi người dân, và chịu các chi phí sửa nhà, đền bù tài sản mất mát, đồng thời đã kiểm điểm, chấn chỉnh những người tổ chức việc cưỡng chế. Cộng với những phán quyết từ tòa án, UBND thành phố Phan Rang Tháp Chàm phải chịu những tổn thất không hề nhẹ từ vụ việc này.
Tuy nhiên, gia đình bà Phỉ dù thắng kiện vẫn không thể bồi hoàn được mọi việc, bởi toàn bộ cơ ngơi đã tan tành. Hơn nữa, dư luận cũng đang đặt vấn đề, sau thừa nhận sai lỗi, chính quyền thành phố Phan Rang Tháp Chàm có thật sự nhìn thấu vấn đề để nghiêm khắc xử lý, phạt nghiêm những người vượt quá giới hạn trách nhiệm, cũng như ngăn ngừa những vụ việc khác tương tự. Câu hỏi này, thật sự không dễ đáp!
Quốc Tấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét