Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

ĐẢNG CS TRUNG QUỐC CÓ DẤU HIỆU SỤP ĐỔ

Xã hội Trung Quốc ngày càng lộ rõ những mâu thuẫn sâu sắc. Một sự khủng khoảng sâu rộng trên khắp các lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị, môi trường, văn hóa, đời sống… Mặc dù đã rất nỗ lực trong việc che mắt người dân trong nước và quốc tế, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không ngăn được sự thật phơi bày về một cuộc suy thoái toàn diện đang diễn ra, cho thấy dấu hiệu sụp đổ toàn diện.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nền kinh tế đã đạt được nhiều chỉ số phát triển ấn tượng. Tuy nhiên, đằng sau “kỳ tích kinh tế” ấy là những nguyên nhân không mấy vẻ vang, là sự đánh đổi không tương xứng với nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt và nguồn nhân lực bị bóc lột kiệt quệ.
Mô hình kinh tế mà Đảng dẫn dắt không tôn trọng những quy phạm đạo đức chính thường: ăn cắp sở hữu trí tuệ để đi tắt đón đầu về kỹ thuật, cưỡng ép chuyển giao công nghệ, khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh, bóp méo thương mại quốc tế, tạo ra các bẫy nợ để khai thác tài nguyên nước khác v.v… Từ đó, Trung Quốc thu được lượng ngoại hối rất lớn, đồng thời tận dụng tối đa tài nguyên quốc gia và nhân công rẻ mạt trong nước để phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp sản xuất, trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, mô hình kinh tế vô đạo đức đã tạo ra sự hỗn loạn, không bền vững ở cả trong và ngoài nước. Biểu hiện phồn vinh được tạo ra do tăng trưởng nhanh chóng giống như xây lâu đài trên cát, lúc nào cũng có thể bị hủy chỉ trong một sớm. Kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu tiến vào thời kỳ khủng hoảng mạnh, trả giá cho mô hình phát triển bất chấp.
Biểu hiện dễ thấy nhất là việc Trung Quốc đang ngày càng thất thế trước cuộc chiến tranh thương mại với nước Mỹ. Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố khai mào cuộc chiến để đòi lại công bằng giao thương cho nước Mỹ, cũng như thiết lập lại trật tự thương mại thế giới vốn đang bị Trung Quốc bóp méo, kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái mạnh.
Tất cả các số liệu gần đây cho thấy triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc không được mấy khả quan.
GDP giảm: Tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm 2018 được dự báo giảm xuống dưới 6% so với kỳ vọng 6,5%. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng như chỉ số niềm tin của doanh nghiệp trong sản xuất và dịch vụ đều suy giảm.
Sản xuất đình trệ, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm: Ngành sản xuất hàng loạt của Trung Quốc trong những tháng cuối năm 2018 đạt tốc độ tăng trưởng yếu nhất trong vòng 2 năm, chủ yếu do nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu sử dụng trong nước giảm.
Xuất hiện làn sóng sụp đổ doanh nghiệp tư nhân: Ngày 22/10, trang NetEase công bố con số 5,04 triệu doanh nghiệp Trung Quốc đóng cửa trong nửa đầu năm 2018. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp như luyện kim, gia công cán ép, khai thác than, sản xuất hóa chất, dệt may, công nghiệp chế biến nông-thực phẩm, giày dép. Chiến tranh thương mại được coi là nguyên nhân cuối cùng khiến cho nhiều doanh nghiệp đóng cửa.
Làn sóng thất nghiệp không ngừng gia tăng: Làn sóng đóng cửa doanh nghiệp tư nhân đã khiến một số lượng lớn lao động nhập cư phải về quê. Hiện tại, thâm hụt quỹ lương hưu và bảo hiểm y tế tại Trung Quốc đã rất lớn, cộng thêm việc doanh nghiệp đóng cửa làm nạn thất nghiệp bùng phát có thể là cú sốc gây bất ổn xã hội trên diện rộng.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy: Các khoản áp thuế của Mỹ đã khiến chuỗi cung ứng thay đổi, nhiều doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Trung Quốc, trong số đó có các tên tuổi quốc tế như Seagate Technology, Samsung Electronics, Toshiba, Sony, Asahi Kasei, v.v…
Trung Quốc đang phải gánh chịu những khoản nợ khổng lồ: Báo cáo đánh giá của IMF cho thấy do chính sách kinh tế Trung Quốc quá phụ thuộc vào tín dụng dẫn đến khoản nợ khổng lồ, đã đạt đến một mức độ nguy hiểm, đang tiềm ẩn cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.
Thị trường chứng khoán chao đảo: Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nổ ra, chỉ trong bốn tháng thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đã sụt giảm 27%. Làn sóng tháo chạy trên các thị trường tài chính Trung Quốc làm dấy lên các lo ngại về việc viễn cảnh thị trường chứng khoán của Trung Quốc đang hướng đến sự sụp đổ. Khoảng 100 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Trung Quốc đang rất bi quan về thị trường chứng khoán.
Tín hiệu thị trường suy thoái toàn diện cho thấy mùa đông khắc nghiệt của nền kinh tế Trung Quốc chỉ mới bắt đầu, tình hình khó bình ổn. Đặc biệt, tình hình dự liệu còn xấu hơn, dẫn đến suy thoái toàn diện khi Chính phủ Mỹ lên kế hoạch tăng thuế quan từ ​​10% lên 25% đối với 200 tỷ đô la Mỹ hàng Trung Quốc từ tháng 01/2019, và không ngại đẩy cuộc chiến lên đến mức đánh thuế toàn bộ hơn 500 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc nếu nước này không đồng ý thay đổi hành vi ăn cắp bản quyền và tài sản sở hữu trí tuệ, dừng các chương trình trợ cấp công nghiệp, gỡ bỏ hàng rào thuế quan và mua thêm hàng Mỹ để giảm thâm hụt mậu dịch.
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc khó có thể có đủ thời gian để chuyển đổi nền kinh tế từ phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư sang một nền kinh tế dựa trên trí thức sáng tạo, một nền kinh tế minh bạch và điều tiết theo quy luật thị trường – những yếu tố làm nên giá trị thật và sự bền vững của một nền kinh tế.
Nhiều bình luận đã chỉ ra, tự do hóa thị trường là lựa chọn duy nhất để đảo ngược tình hình suy thoái kinh tế Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, cách thức nền kinh tế được vận hành hiện tại gắn liền với đường lối chính trị được ĐCSTQ xác lập, nếu chịu chấp nhận thay đổi tận gốc rễ thì đồng nghĩa giới lãnh đạo tối cao ĐCSTQ phải đối mặt với rủi ro chính trị nguy hiểm.
Khó khăn kinh tế cộng thêm áp lực từ chiến tranh thương mại khiến chính quyền ĐCSTQ như cây trước gió. Khủng hoảng chấp chính đồng thời cũng dẫn đến bùng nổ mâu thuẫn nội bộ, khiến cho cuộc đấu đá quyền lực thêm mãnh liệt hơn. Mới đây, học giả tại Đại học Harvard Mỹ khi luận bàn về cải cách mở cửa của chính quyền Trung Quốc, cũng nói đến tiết lộ của quan chức cấp cao của ĐCSTQ về bầu không khí đấu đá dữ dội trong nội bộ Trung Nam Hải.
Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, qua việc chống tham nhũng đã tấn công vào phe phái cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân từng khống chế chính trị Trung Quốc đến 20 năm, đồng thời cũng đè bẹp các bè phái chính trị khác. Vì để giải quyết khủng hoảng kinh tế, chính quyền của ông Tập bắt đầu đẩy mạnh cải cách kinh tế, dùng kế sách bàn tay sắt để quét sạch các lĩnh vực lợi ích và địa bàn mà nhóm quyền quý trong ĐCSTQ đang nắm giữ.
Tuy nhiên, từng bước cải cách kinh tế đều khó khăn, đấu đá quyền lực và tranh giành lợi ích lại khiến cho ĐCSTQ tiếp tục phân hóa, không chỉ có tham quan thuộc phe phái Giang Trạch Dân phản kích lại ông Tập mà còn có cả nội bộ thế hệ đỏ thứ 2 (con cháu của các cựu lãnh đạo cấp cao trong ĐCSTQ) cũng bắt đầu rạn nứt. Nội bộ Bắc Kinh đã rơi vào cuộc tranh đoạt quyền lợi và đấu đá quyền lực một mất một còn.

Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình nhằm quét sạch tham quan nhưng thực chất là để thanh trừng nội bộ phe phái của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, trên thực tế sự tham nhũng hủ bại của quan trường Trung Quốc là vấn đề của thể chế, không thể giải quyết được.

Sự hủ bại của quan chức Trung Quốc cũng đã đạt đến cực độ khi đua nhau vơ vét, truy cầu thanh sắc vật dục, dâm loạn, không việc ác nào không dám làm. Trong tầng lớp cấp cao của Đảng, tình trạng tham nhũng đã trở nên công khai và phổ biến với những khoản tiền bị bòn rút lên tới hàng trăm triệu tệ, bất động sản lên tới hàng trăm căn, vàng bạc lên tới hàng trăm ký. Về căn bản, đã không còn ai tin tưởng vào đường lối của Đảng, mà chỉ lấy Đảng làm bình phong để mưu cầu lợi ích và quyền lực.
Mặc dù cuộc chiến chống tham nhũng đã lôi ra được những “con hổ và ruồi” làm tiêu điểm, nhưng đó là một cuộc chiến không hồi kết bởi tham nhũng của ĐCSTQ là toàn Đảng tham nhũng, cả chế độ tham nhũng. Tham nhũng đã trở thành quy tắc sinh tồn của Đảng. Sự hủ bại của ĐCSTQ là nhân tố một trong những chính khiến cho quá trình giải thể sẽ càng lúc càng nhanh.
Dưới sự thống trị của ĐCSTQ, Trung Quốc ngày nay đã trở thành một xã hội mà phần lớn con người coi tiền bạc là tối thượng, mọi người đều chạy theo lợi, chỉ vì tiền mà bất chấp cả nhân cách và nhân tính: bất chân, bất tín, bất thiện, vô đức, vô mỹ, vô lại.
Các cuộc vận động của ĐCSTQ như “Cải cách Ruộng đất”, “Đại nhảy vọt”, “Cách mạng Văn hóa”… đã khiến cho tâm lý bạo động của người dân Trung Quốc ngày một phát triển. Tính cách đó biểu hiện ra ở chỗ “chiếm hữu”, nếu không thể chiếm hữu nhiều hơn một chút thì sẽ cố sức phá hoại.
Rất nhiều người Trung Quốc hiện nay không biết gì về văn hóa truyền thống, không có văn hóa, không hiểu lịch sử, không màng đạo đức, không có quan niệm đúng sai, không tin có Thần, trong đầu họ chỉ có tiền bạc, quyền lực, dục vọng. Dẫu rằng ở đâu đó vẫn có thể gặp những người Trung Quốc tốt, nhưng so với xu thế chung của xã hội thì đó là những trường hợp vô cùng hiếm hoi, dù chưa mất đi lương tâm nhưng cũng không dám vượt quá vòng tròn giới hạn mà ĐCSTQ vạch sẵn.
Để thỏa mãn tham vọng kinh tế, chính quyền ĐCSTQ chủ trương tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá và xã hội mất đi các tiêu chuẩn đạo đức ước chế. Chính sách quản lý kinh tế lỏng lẻo và che giấu thông tin khiến cho các sản phẩm kém chất lượng, độc hại đầy rẫy trong xã hội Trung Quốc. Bất bình đẳng xã hội trở nên gay gắt, tham nhũng tràn lan ở cả trong nhà nước và ngoài xã hội, mọi lĩnh vực xã hội đều bất mãn. Người có năng lực và suy xét lần lượt bỏ nước mà đi; những người không có lối thoát chỉ đành qua ngày đoạn tháng, trong sợ sệt bất an mà đợi đến ngày mai.
Hiện nay tại Trung Quốc, số người giàu có chạy trốn khỏi đất nước ngày càng tăng. Theo điều tra của Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều trước Đại hội 18, có hơn 85% số Thường ủy viên, Ủy viên Dự khuyết và Ủy viên Ban Kỷ luật Trung ương của Đại hội 17, có con cái định cư và mua nhà ở nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền kiêm Thường ủy viên tỉnh Giang Tô phải công khai thừa nhận rằng trong quan trường có rất nhiều quan chức “thân tại Tào mà lòng tại Hán”, đã đưa gia đình, tiền bạc và tài sản chuyển hết ra nước ngoài.

Môi trường bị phá hoại, ô nhiễm trầm trọng; các cuộc biểu tình diễn ra thường xuyên nhưng bị báo chí trong nước ém nhẹm; ngành công nghiệp nhựa hóa thi thể người chết thương mại triển lãm vô đạo đức…

Một yếu tố khác khiến Trung Quốc ngày càng trở thành nơi “khó sống” là việc huỷ hoại môi trường để đánh đổi lấy đất đai, đầu tư và phát triển công nghiệp. Sự hủy hoại môi trường và ô nhiễm tại Trung Quốc đứng vào hạng xấu nhất trên thế giới. Người dân đang chết dần vì ô nhiễm và suy thoái sinh thái trầm trọng. Một số chuyên gia xã hội dân sự ước tính có 450 làng ung thư ở Trung Quốc và tin rằng hiện tượng này đang lan rộng.
Không khó để có thể nhìn thấy một cách toàn diện bức tranh xã hội Trung Quốc ngày nay: nhân tâm mục ruỗng, xã hội suy bại, đất nước đã không còn ra đất nước. Người dân Trung Quốc ngày càng hiểu rằng xã hội ấy đã không còn lối thoát.
Khi những sự thật về ĐCSTQ được phơi bày ngày một rộng rãi, người dân Trung Quốc bắt đầu nhìn thấu những lời hứa suông, sự dối trá, và bản chất thực sự của ĐCSTQ.
ĐCSTQ thống trị Trung Hoa Đại lục trong một trăm năm qua, đã khiến cho đạo đức xã hội, môi trường sinh thái, môi trường kinh tế và các phương diện khác của Trung Quốc bị phá hoại đến mức không còn hình dạng.
Kể từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền, qua các cuộc vận động như “Tam phản”, “Ngũ phản”, “Đại nhảy vọt”, “Cách mạng văn hóa”, “Đàn áp sinh viên Thiên An Môn 1989”, “Bức hại Pháp Luân Công” đã gây ra cái chết của hơn 100 triệu người.
ĐCSTQ đã lợi dụng sự sợ hãi chết chóc của con người mà xóa sạch lòng tự tin của họ, hoàn toàn bắt người dân quy phục. Đảng còn thường xuyên dùng lời giả dối để lừa phỉnh người dân, dùng sách giáo khoa xuyên tạc lịch sử để lừa gạt từng lớp người Trung Quốc, bôi nhọ sự phát triển và tiến bộ chân chính của các nước phương Tây, khiến cho người Trung Quốc mất đi những tri thức căn bản về truyền thống văn hóa của chính dân tộc mình hay những tinh thần văn minh tiến bộ nước ngoài.
Người dân Trung Quốc giờ đây đã tự có sự phản tỉnh lịch sử. Họ đã biết được rằng, cái lịch sử mà ĐCSTQ biên diễn ra chỉ toàn là dối trá. Cuộc cách mạng của ĐCSTQ bắt đầu từ ngày đầu tiên cho đến khi đoạt chính quyền là một quá trình bán rẻ lợi ích dân tộc để cướp chính quyền.

Pháp Luân Công trước và sau khi bị đàn áp tại Trung Quốc

Sự hủ bại của ĐCSTQ đã khiến cho bộ phận những người có lương tri, có trách nhiệm đối với quốc gia, nhân dân và xã hội hoặc ít nhất là có trách nhiệm với bản thân đã lựa chọn con đường thoái xuất khỏi Đảng.
Phong trào thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó bắt đầu từ năm 2004 và đã lan rộng không chỉ ở Đại lục mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Đây là một phong trào ôn hoà, nhằm thức tỉnh người dân Trung Quốc về việc ĐCS đang khống chế và ngăn cản họ có một tương lai tốt đẹp.
Theo số liệu từ Trung tâm phục vụ thoái Đảng toàn cầu ở New York, tính đến tháng 12/2018 đã ghi nhận hơn 320 triệu người thoái xuất khỏi Đảng, Đoàn, Đội. Đây là tin tức đã gây sức ảnh hưởng to lớn lên xã hội Trung Quốc và thế giới, thể hiện sự thức tỉnh cao độ của quần chúng nhân dân.
Các du khách Trung Quốc tại các điểm đến nổi tiếng ở Châu Âu đã chia sẻ rằng thoái ĐCSTQ là “điều phải làm.” Nhiều người từng muốn vào ĐCSTQ vì những cơ hội tham nhũng, nhưng giờ họ thấy rằng nó đang bị tan rã ở khắp nơi, bị cả thế giới lên án và trở nên ngày càng hủ bại. Họ cũng nhận thấy ĐCSTQ sẽ sớm phải nhận quả báo cho các tội ác của chính nó vì chống lại người Trung Quốc, đặc biệt là sự tàn bạo trong việc mổ cướp nội tạng sống các học viên Pháp Luân Công, Duy Ngô Nhĩ và các tù nhân lương tâm khác, vì thế không còn muốn ở “chung thuyền” với ĐCSTQ.
Một số người dân Trung Quốc khi thoái Đảng cũng chia sẻ rằng tham nhũng sẽ không kết thúc nếu ĐCSTQ vẫn còn tồn tại, gốc rễ của tham nhũng chính là ĐCSTQ, và ĐCSTQ đã huỷ hoại tiêu chuẩn đạo đức của xã hội Trung Quốc.
Ngay cả các quan chức trong nội bộ Đảng cũng đã không còn tin vào ĐCSTQ và tìm cách trốn khỏi Đảng. Rất nhiều người đã tìm cách đưa gia quyến, tài sản ra nước ngoài, họ không còn ôm hy vọng gì với Đảng, không tin rằng quyền lực của Đảng sẽ chống đỡ được lâu dài, cũng không tin rằng chính quyền ấy vẫn còn duy trì được.
Sự thức tỉnh lịch sử của người dân Trung Quốc là một nhân tố quyết định cho sự giải thể của ĐCSTQ. Tư tưởng của ĐCSTQ đã vô giá trị, chỉ để giữ chế độ mà không còn mấy ai tin theo.
Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay không đơn thuần chỉ là cuộc chiến tranh thương mại, mà thực tế đó là cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống giá trị và văn minh khác nhau, giữa thế giới tự do và xã hội chủ nghĩa.
Kể từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hơn một lần trước thế giới thẳng thắn chỉ trích chủ nghĩa xã hội. Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9/2018, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh:
“Hầu như ở khắp nơi mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản được thử nghiệm, nó đã đem tới sự đau khổ, tham nhũng và đổ nát. Sự thèm khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội đã dẫn tới sự bành trướng, xâm lược và áp bức. Tất cả các quốc gia trên thế giới nên chống lại chủ nghĩa xã hội và sự đau khổ mà nó mang đến cho mọi người”.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong bài phát biểu tại Viện Hudson hôm 4/10/2018 cũng đã chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng một kho chính sách không phù hợp với thương mại tự do và công bằng, trong đó thuế quan, hạn ngạch, thao túng tiền tệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, trộm cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp công nghiệp được ban phát vô tội vạ chỉ là một vài trong số đó.”
Về mặt ngoại giao, các chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới ASEAN và APEC đã thẳng thừng tố cáo Trung Quốc sử dụng ngoại giao bẫy nợ, bá quyền và chèn ép để gây ảnh hưởng. Tại Papua New Guinea khi dự APEC, trước mặt ông Tập Cận Bình, Phó tổng thống Mỹ đả kích Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc là “một vành đai siết cổ và một con đường một chiều” chỉ có lợi cho Bắc Kinh. Ông Pence cũng tiết lộ Mỹ đã lập một chương trình hỗ trợ các nước trong khu vực APEC có ngân sách 400 triệu USD nhằm giúp tăng cường quyền công dân của các quốc gia trong khu vực, chống tham nhũng và bảo vệ chủ quyền.
Có thể thấy, lập trường của Mỹ về vấn đề Trung Quốc đã ngày càng rõ ràng chuyển từ dung hoà sang đối kháng và coi Trung Quốc là một mối đe doạ đối với không chỉ Mỹ mà là cả thế giới. Lập trường này cũng đã buộc các nước khác phải tỏ rõ thái độ theo Mỹ hay theo Trung.
Xét về mặt đồng minh, Trung Quốc không có đồng minh thật sự. Khối các nước XHCN đang ngày càng thu hẹp trên thế giới, hoặc rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Bắc Triều Tiên đã ngày càng quy phục Mỹ, Cuba bỏ CNCS ra khỏi Hiến pháp, Venezuela rơi vào khủng hoảng tồi tệ và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Tuyệt đại đa số các nước láng giềng luôn dè chừng với Trung Quốc, còn các nước được Trung Quốc cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng đã dần nhận ra đó chỉ là những chiếc bẫy nợ.
Có thể thấy, Trung Quốc khó có thể tìm thấy đồng minh thực sự để đối trọng với khối liên minh mà ông Trump đang dựng lên. Trong khi đó, Mỹ đang dần kéo được các đồng minh dân chủ tự do mạnh nhất vào liên minh chống Trung Quốc.
Đầu tháng 10/2018, Mỹ đã chốt xong với Mexico và Canada Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (gọi tắt là USMCA) thay thế cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã tồn tại 24 năm. Điều 32.10 của USMCA còn gọi là “Điều khoản thuốc độc”, cho phép Washington phủ quyết bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào khác mà Mexico hay Canada ký với các nền kinh tế “phi thị thường”, được cho là nhắm đến Trung Quốc.
Phía Mỹ cũng công khai khẳng định sẽ nhân rộng điều khoản “thuốc độc” này trong các thỏa thuận thương mại với các đồng minh khác, trước mắt là EU và Nhật Bản.
Mỹ cũng tiến hành đàm phán lại nhiều thỏa ước thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc, siết chặt quan hệ chính trị lẫn quân sự với chính phủ Đài Loan – một cái gai trong mắt Trung Quốc. Vấn đề Bắc Hàn dường như đã đi vào lộ trình êm đẹp mà Mỹ có thể gạt Trung Quốc ra bên lề.
Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Kevin Hassett, đã hàm ý có thể trục xuất Trung Quốc khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giải quyết vấn đề nội tại của tổ chức này. Trong cuộc họp các Bộ trưởng thương mại Mỹ, Nhật và EU tại New York vào cuối tháng 9/2018, lãnh đạo thương mại các nước này đã đồng ý thúc đẩy các quy định mới và các công cụ thực thi để xử trí các quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời bày tỏ sự cần thiết phải cải cách các quy tắc không hiệu quả của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó có việc Bắc Kinh thực hiện thương mại không công bằng, làm méo mó cách tổ chức của thương mại quốc tế.
Như vậy, địa vị Trung Quốc trong WTO có thể sẽ lung lay, Trung Quốc sẽ ngày càng bị cô lập hơn, không chỉ trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, mà kể cả trong phần còn lại của thế giới.
Trung Quốc trong thời điểm hiện tại đang phải đối mặt với nguy cơ tứ bề: kinh tế khủng hoảng, nội bộ đấu đá, quan chức hủ bại, lòng dân bất an, thế giới cô lập. Cách giải quyết duy nhất của Trung Quốc trong tình hình này là thực hiện cải cách toàn diện, trở thành một xã hội dân chủ, kinh tế vận hành theo quy luật thị trường. Thế nhưng, đó lại là những điều căn bản làm sụp đổ kết cấu kinh tế Trung Quốc hiện tại và thể chế XHCN của Trung Quốc hiện tại, có thể dẫn đến sự diệt vong của ĐCSTQ.
Sở dĩ thể chế ấy có thể kéo dài đến tận bây giờ chẳng qua ĐCSTQ đã không ngừng dùng mọi thủ đoạn để phát triển bằng mọi giá, trong nước thắt chặt tự do ngôn luận, đàn áp ý kiến bất đồng, ngoài nước dùng tiền và quyền lực mua chuộc dụ dỗ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung không đơn giản chỉ là nước Mỹ đòi lại công bằng trên thương trường với Trung Quốc, mà là phát súng bắn vào chiếc mặt nạ “vĩ đại, quang vinh, chính xác” mà ĐCSTQ đang đeo, để lộ ra sau đó tất cả sự dối trá, hủ bại, tàn ác mà chế độ này đã thực thi trong suốt 100 năm qua. Đó là một chế độ phi nhân tính của những kẻ lưu manh, chuyên dựa vào lừa dối và bạo lực để cướp đoạt và thống trị.
Khi sự thật dần được hé mở, sự thức tỉnh chính có thể là lời cáo chung cho chế độ ấy. Thế giới đã ngày càng nhận ra dã tâm thật sự của Trung Quốc, người dân Trung Quốc cũng đã ngày càng nhận rõ bộ mặt thật của Đảng. Làn sóng thoái Đảng mạnh mẽ của người Hoa khắp toàn cầu đã khởi tác dụng rất lớn đánh thức lương tri, mở ra lựa chọn về một Trung Hoa không còn ĐCS cho người dân Trung Quốc
Lịch sử 5000 năm của dân tộc Trung Hoa đã trải qua hằng bao nhiêu triều đại, dẫu là triều đại nào, dù hùng mạnh tới đâu cũng không thể thiên thu trường cửu. Đó là điều tất yếu của lịch sử. Những gì diễn ra tại Trung Quốc hiện đại đã tới bước cuối cùng để khép lại một triều đại đỏ tàn bạo và mở ra một trang sử mới. Đó cũng là điều tất yếu của lịch sử.
Bảo Minh
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: