Phạm Viết Đào.
Tháng 4/2012, thực hiện chủ trương của
Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2012/NĐ-CP, một
Nghị định đã góp phần ghi công và đền đáp một phần sự hy sinh cống hiến của những
người lính quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân, các nhân viên cơ yếu
đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975.
Trước sự xuất hiện của văn bản Nghị định
quan trọng và có ý nghĩa này, một số CCB là sĩ quan cao cấp Quân đội nhân dân
VN gồm: Thiếu tướng Lê Duy Mật, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân
khu 2; Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán VN tại Trung
Quốc, Đại tá Tạ Cao Sơn, nguyên Tham mưu phó Quân khu 2; Đại tá Phạm Xuân
Phương, nguyên Chuyên viên Tổng Cục chính trị và tôi nhà văn Phạm Viết Đào… đã
bàn bạc và cuối cùng thống nhất soạn một Bản kiến nghị 5 điểm gửi Lãnh đạo Đảng,
Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Quốc phòng hoan nghênh và ủng hộ Nghị định
23, đồng thời đề nghị:
BỔ SUNG MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN CUỘC
CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC SAU 30/4/1975 ĐƯỢC ĐỀ CẬP TRONG NGHỊ ĐỊNH
23/NĐ-CP/2012…
Bản kiến nghị đã được gửi đi ngày
12/9/2012…
Sau khi Bản kiến nghị đã gửi, sau hơn
30 ngày chờ đợi hồi âm theo Luật khiếu nại tố cáo của công dân; nhóm soạn thảo
đã không nhận được hồi âm từ các cơ quan chức năng mà kiến nghị đã gửi nên đã
quyết định công bố “Bản kiến nghị 5 điểm” này lên blog của Nhà văn Phạm Viết
Đào…
Khi bản kiến nghị được đưa lên mạng,
hàng trăm cựu chiến binh từ nhiều địa phương đã hồi âm gửi chữ ký, tán thành và
hưởng ứng bản kiến nghị 5 điểm này…
Một số Đài nước ngoài và trang blog
trong nước đã đã đưa tin, giới thiệu Bản kiến nghị 5 điểm; Một số đài, báo nước
ngoài đã phỏng vấn Thiếu tướng Lê Duy Mật, Đại tá Phạm Xuân Phương, nhà văn Phạm
Viết Đào để tìm hiểu thêm nội dung thông tin của Bản kiến nghị 5 điểm gửi ngày
12/9/2012…
Bản tin A của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã
tổng thuật lại thông tin về bản kiến nghị 5 điểm…
Sau khi “Bản kiến nghị 5 điểm”… được
đưa lên mạng và được dư luận chú ý, phản ứng tích cực, ngày 10/1/2013, Tướng Lê
Duy Mật đã nhận được Công văn số 308/ VPCP của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Quốc
phòng, đồng thời gửi cho ông Lê Duy Mật của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính
phủ do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định ký thay thông báo:
“ Căn cứ quy định
tại Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành theo Nghị định số 08/2012/NĐ-CP
ngày 16/2/2012 của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ xin chuyển Bộ Quốc phòng đề
nghị ( Bản kiến nghị 5 điểm…) để
xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và trả lời ông Lê Duy Mật”…
Sau khi nhận được thông báo chuyển đơn
này từ Văn phòng Chính phủ, cơ quan duy nhất hồi âm; (Bản kiến nghi đã được gửi
tới 7 cơ quan chức năng)…, nhóm soạn thảo không nhận được bất cứ một hồi âm nào
từ phía Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác..
Sau Bản kiến nghị này, một loạt sự cố
đã xảy ra với một số người tham gia ký kiến nghị:
1/ Nhà văn Phạm Viết Đào bị khởi tố, bắt
giam vì tội viết blog xâm phạm Điều 258 của Bộ Luật Hình sự;
2/ Tháng 10/2013 Đại tá Quách Hải Lượng
đã qua đời vì bạo bệnh;
3/ Ngày 20/10/2015 Tướng Lê Duy Mật đã
qua đời vị bạo bệnh…
Như vậy, cho đến nay, “số phận” của “Bản
kiến nghị 5” điểm này, đã được thông tin trên mạng, chưa được cơ quan chức năng
theo Công văn số 308 của Văn phòng Chính phủ đó là Bộ Quốc phòng vẫn chưa có bất
cứ hồi đáp gì…
Trong khi đó thì 2 người ký kiến nghị
là Tướng Lê Duy Mật và Đại tá Quách Hải Lượng không còn nữa; Đại tá Phạm Xuân
Phương, Đại tá Tạ Cao Sơn tuổi đã cao, đều gần 90 tuổi, sức đã yếu…
Nhân dịp này blog Phạm Viết Đào xin
đưa lại “ Bản kiến nghị 5 điểm” và thông tin thêm một vài chuyện liên quan tới
“ số phận” những người tham gia ký…
BẢN KIẾN NGHỊ 5 ĐIỂM”… VỀ MỘT CUỘC CHIẾN
TRANH CÓ NGUY CƠ BỊ BỎ QUÊN
Chúng tôi gồm những người ký
tên dưới đây:
1. Thiếu tướng Lê Duy Mật: Nguyên
Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân khu 2; Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Giang;
2. Đại
tá Tạ Cao Sơn: Nguyên Tham mưu phó Quân khu 2;
3. Đại tá Quách Hải Lượng: Nguyên
Tùy viên quân sự ĐSQ Việt Namtại
Trung Quốc
4. Đại tá Phạm Xuân Phương: Nguyên
Chuyên viên Tổng Cục chính trị
5. Nhà
văn Phạm Viết Đào.
Sau khi nghiên cứu kỹ Nghị định
23//2012/NĐ-CP ban hành quy định về chế độ phụ cấp công vụ đối với cán bộ,
công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước; chúng
tôi hoan nghênh việc ban hành nghị định này vì: đã góp phần ghi công và đền đáp
một phần sự hy sinh cống hiến của những người lính quân đội nhân dân Việt Nam,
Công an nhân dân, các nhân viên cơ yếu đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu
trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụquốc tế sau ngày 30/4/1975…
Giai đoạn sau 30/4/ 1975 là giai đoạn
lịch sử vô cùng phức tạp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc: nó liên
quan tới nhiều cuộc chiến tranh có những nét đặc thù không giống với giai đoạn
trước đó; Vì lẽ đó chúng tôi có Bản kiến nghị 5 điểm… gửi tới các cơ quan hữu
trách đề nghị nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách một cách tổng
thế, toàn diện đối với giai đoạn lịch sử này…
Bản kiến nghị 5 điểm…đã được gửi đi từ
ngày 12/9/2012; Để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi, hôm nay chúng tôi quyết định
công bố Bản kiến nghị 5 điểm này trên Blog
Phamvietdao.net-Phamvietdao3.blogspot.com của nhà văn Phạm Viết Đào.
Chúng tôi những người khởi thảo Bản kiến
nghị 5 điểm…này rất hoan nghênh nếu được các quý vị, các cựu chiến binh cùng
tham gia ký tên vào văn bản kiến nghị…
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.
Hà Nội, ngày
12 tháng 09 năm 2012
BẢN ĐỀ NGHỊ
BỔ SUNG MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN
QUAN CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC SAU 30/4/1975 ĐƯỢC ĐỀ CẬP TRONG NGHỊ ĐỊNH
23/NĐ-CP/2012
(Nghị định 23/NĐ-CP/2012 quy
định về chế độ phụ cấp công vụ đối với cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc
phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước...)
Kính gửi: -BỘ CHÍNH TRỊ TW ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Kính gửi: -BỘ CHÍNH TRỊ TW ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
- BAN BÍ THƯ TW ĐCSVN
-CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
- CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NƯỚC
CHXHCN VIỆT NAM
- THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
- QUÂN ỦY TRUNG ƯƠNG
Kính thưa các đồng chí
Chúng tôi một số cựu chiến binh ký tên
dưới đây xin bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh việc tháng 4/ 2012 vừa qua, thực
hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số
23/NĐ-CP/2012, một Nghị định đã góp phần ghi công và đền đáp một phần sự hy
sinh cống hiến của những người lính quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân
dân, các nhân viên cơ yếu đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc
chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975.
I.Về việc xác định mốc thời gian của
Nghị định 23 về các cuộc chiến tranh xảy ra sau 30/4/1975
Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với việc
xác định về các mốc thời gian về diễn biến của các cuộc chiến tranh tại các chiến
trường khác nhau như Nghị định 23 đã xác định đứng về phương diện quản lý nhà
nước:
-Cuộc chiến tranh trên biên giới
Tây-Nam được xác định từ 5/1975 đến 7/1/1979;
-Cuộc chiến đấu tiêu diệt FULRO ở Tây
Nguyên được tính từ 5/1975 đến 12/1992;
-Làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào từ tháng
5/1975 đến 31/12/1988;
-Làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn
Cămpuchia từ 1/1979 đến 31/8/1989;
-Cuộc chiến tranh trên biên giới phía
bắc chống chiến tranh lấn chiếm do Trung Quốc tiến hành và cuộc chiến tranh
trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa tính từ 17/2/1979 tới 31/12/1988...
Việc xác định các mốc thời gian trên
đã phản ánh rõ ràng, đầy đủ tính chất, quy mô, thời gian, không gian của việc sử
dụng lực lượng vũ trang đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc đúng như thực tế lịch
sử đã xảy ra: từ tháng 5/1975 đến 1992 ( đối với chiến trường Tây Nguyên ); đến
ngày 31/8/1989 ( đối với cuộc chiến tranh giúp bạn Cămpuchia ); đến ngày
31/12/1988 ( đối với cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược trên biên giới
phía bắc và trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ).
Tuy nhiên Nghị định 23 mới đề ra các
chế độ, chính sách cụ thể bằng vật chất nhằm ghi nhận, động viên, đền đáp công
lao đối với những người từng tham gia tới các cuộc chiến tranh trong giai đoạn
kể trên; Nghị định 23 tuy được chính phủ ban hành nhưng chưa phản ánh và bao
quát đầy đủ ý nghĩa chính trị, lịch sử, an ninh quốc phòng rộng lớn liên quan tới
toàn bộ các cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc,
làm nhiệm vụ quốc tế; giúp bạn Cămpuchia diệt trừ nạn diệt chủng của giai đoạn
sau 30/4/1975.
Văn bản Nghị định 23 hết sức quan trọng
vì nó liên quan tới một giai đoạn lịch sử xảy ra liên tiếp nhiều cuộc chiến
tranh; mốc giới thời gian không chỉ làm căn cứ ban hành chế độ, chính sách mà
nó còn là cơ sở để biên soạn các văn kiện lịch sử quân sự, lịch sử đất nước khi
viết về giai đoạn này; Vì đây là một sự xác nhận và xác định chính thức về
phương diện quản lý nhà nước.
Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng: sau
ngày 30/4/1975, khi chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, dân tộc ta đã
phải trải qua một loại hình chiến tranh mới, Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống
bành trướng bá quyền Đại Hán và bè lũ diệt chủng Pol Pot.
Các cuộc chiến tranh này diễn ra trên
quy mô toàn quốc, trên đất liền, biên giới, hải đảo và cả trên đất nước bạn
Cămpuchia; Những cuộc chiến tranh này đã nổ ra với những đối tượng tác chiến có
những đặc điểm riêng; những cuộc chiến tranh này lại diễn trong một bối cảnh,
hoàn cảnh bị chi phối, đan xen nhiều quan hệ quốc tế phức tạp...
Những đối tượng tác chiến này trước
30/4/1975 là bạn, là đồng chí, đồng minh nhưng sau 30/4/1975 bất ngờ tấn công
chúng ta và hiện nay lại đang bình thường hóa quan hệ trở lại. Những điều này
gây cho chúng ta rất nhiều những yếu tố bất ngờ từ thế trận, tâm lý và xác định
tư tưởng cho bộ đội. Đây là những vấn đề về phương diện quản lý nhà nước vĩ mô,
vấn đề chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước cần phải khắc ghi để làm những
bài học lịch sử về ý thức cảnh giác bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ hòa
bình và công cuộc xây dựng kiến thiết đất nước.
Chúng tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước,
Chính phủ không dừng lại việc ban hành Nghị định 23, một nghĩa cử đền ơn, đáp
nghĩa cho những ai đã hy sinh xương máu mà còn cần thiết phải có các chủ trương
chính sách bổ sung, hoàn thiện thêm về giai đoạn lịch sử này nhằm ghi lại những
bài học lịch sử xương máu để không bị lãng quên, bỏ sót.
II. Một số kiến nghị liên quan tới các
cuộc chiến tranh xảy ra sau 30/4/1975
1/ Kiến nghị tổng kết lại toàn
diện các cuộc chiến tranh xảy ra sau 30/4/1975
Kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban
hành một Nghị quyết có nội dung chỉ đạo các cơ quan chức năng của Nhà nước,
Chính phủ tiến hành tổng kết toàn diện các cuộc chiến tranh xảy ra sau năm 1975
cả trên cấp độ chiến lược, chiến dịch nhằm mục đích:
-Đánh giá lại việc chỉ đạo chiến tranh
ở cả cấp chiến lược và chiến dịch; Đánh giá lại việc chỉ đạo xây dựng và phối hợp
tác chiến của 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du
kích; tổng kết sự hợp đồng tác chiến của các quân binh chủng; sự phối hợp tác
chiến giữa mặt trận quân sự, ngoại giao...
- Qua việc đánh giá này mà rút ra những
bài học cấp thiết cho việc tăng cường nhiệm vụ quốc phòng trong giai đoạn hiện
nay.
2/ Tìm kiếm, quy tập hài cốt, phần mộ
liệt sĩ ta hiện đang nằm bên phần đất Trung Quốc…
Do việc Việt Nam và Trung Quốc ký kết
hiệp định hoạch định lại đường biên giới 2 nước nên đã xảy ra một số tình trạng
sau đây: Một số vùng đất trước đây thuộc về ta nay thuộc về Trung Quốc; trong
thời gian chiến tranh do tính chất ác liệt của các trận đánh nên rất nhiều hài
cốt, phần mộ liệt sĩ trước đây nằm trên đất ta nay lại nằm bên phần đất của
Trung Quốc. Vì thế chúng tôi kiến nghị:
- Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng cần làm
việc với các cơ quan hữu trách Trung Quốc đề nghị tạo điều kiện, giúp chúng ta
tìm kiếm, quy tập và đưa những hài cốt, phần mộ của các liệt sĩ trở về Tổ Quốc,
trở về đất mẹ;
-Hiện nay tại một số cao điểm tại Hà
Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn... trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, nhiều bộ đội ta
đã hy sinh và hài cốt của họ hoặc do ta hoặc do lính Trung Quốc đã chôn lấp tạm
tại đây. Chúng tôi kiến nghị Bộ Quốc phòng xây dựng dự án cho rà phá bom mìn tại
những địa điểm này để tạo điều kiện cho các cựu chiến binh, đồng đội cũ, thân
nhân của các liệt sĩ quay lại các vị trí này tìm lại phần hài cốt liệt sĩ còn nằm
tại đây.
3/ Đưa các cuộc chiến tranh này vào
các văn kiện chính thức của nhà nước, Đảng;
Biên soạn, bổ sung vào lịch sử dân tộc,
lịch sử Đảng, lịch sử quân sự, các tài liệu giáo khoa lịch sử của hệ thống các
trường học phổ thông và đại học đối với các cuộc chiến tranh trong giai đoạn
sau 30/4/1975. Đầu tư, tạo điều kiện, bạch hóa thông tin, khuyến khích văn nghệ
sĩ, nhà báo sáng tác, viết về các cuộc chiến tranh trong giai đoạn lịch sử này.
4/ Ban hành chủ trương: Tổ chức kỷ niệm
những sự kiện quan trọng vào những năm chẵn, năm có ý nghĩa và tôn vinh các
danh hiệu cao quý liên quan tới các cuộc chiến tranh này
Ban hành chủ trương cho phép Tổ chức kỷ
niệm các năm chẵn, các ngày xảy ra các sự kiện chiến tranh đáng lưu ý đối với
các cuộc chiến tranh xảy ra sau 30/4/1975; cắm bia ghi công những đơn vị, cá
nhân đã lập thành tích xuất sắc; lập đề án lưu giữ hiện vật, các bảo tàng, các
di tích lịch sử chiến tranh quan trọng, mang ý nghĩa lớn để lưu giữ làm bài học
cho con cháu mai sau đối với các cuộc chiến tranh lớn xảy ra sau 30/4/1975.
5/ Chúng tôi kiến nghị được trực tiếp
đối thoại với các cơ quan hữu trách thụ lý đơn để làm sáng tỏ thêm kiến nghị./.
Trân
trọng cảm ơn !
Những người ký Bản kiến nghị:
1. Thiếu
tướng Lê Duy Mật
Nguyên
Phó Tư lệnh; Tham mưu trưởng
Quân
khu 2; Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Giang:
2. Đại
tá Tạ Cao Sơn
Nguyên
Tham mưu phó Quân khu 2:
3. Đại
tá Quách Hải Lượng
Nguyên
Tùy viên Quân sự
ĐSQ
Việt Nam tại Trung Quốc
4. Đại
tá Phạm Xuân Phương
Nguyên
Chuyên viên Tổng cục Chính trị
5. Nhà
văn Phạm Viết Đào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét