Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

VIỆT NAM ĐANG SÀ VÀO VÒNG TAY TRUNG QUỐC

Rút từ trong tập bản thảo: VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIÊT-TRUNG
Bìa bản thảo: "VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIÊT-TRUNG"
Đang gửi tặng bạn đọc xa gần:
- Bản thảo dày 400 trang A 4 gồm 80 chuyên luận về "THẾ SỰ VIỆT-TRUNG":
-Những bài điều tra-ký sự về những góc khuất của các trận đánh ác liệt chống quân Trung Quốc xâm lược tại chiến trường Vị Xuyên...

Liên hệ qua email: Hoanghtham9@gmail.com hoặc ĐT: 0382598746
Đại tá Phạm Phú Bằng, đứng 

Tham gia trao đổi:
       -Đại tá Phạm Xuân Phương, nguyên cán bộ Tổng Cục chính tri; Ông từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; chiến trường Quảng Trị 1972 và tham gia hỏi cung tù binh Trung Quốc trong chiến tranh chống Trung Quốc lấn chiếm biên giới phía bắc. Đại tá Phạm Xuân Phương là người giới thiệu Tướng Lê Duy Mật, (nguyên Tham Mưu trưởng Quân khu 2, Quân khu 9, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Tuyên) vào đảng...
-Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên Trưởng phòng tác chiến Quân chủng Phòng không; Ông từng công tác tại Cục 2, cơ quan tình báo quân đội; Ông nguyên là Tuỳ viên quân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh năm 1981-1984.Ông qua đời tháng 10/2013…
 -Đại tá Phạm Phú Bằng, 70 tuổi quân, là con một đại thần triều Nguyễn. Ông từng tham gia làm báo tại chiến dịch Điện Biên Phủ, có mặt tại Sài Gòn tháng 4/1975, có mặt chứng kiến những ngày đầu khi Pol Pot đánh biên giới Tây Nam; Tham gia hỏi cung tù binh Trung Quốc…

          Nhà văn Phạm Viết Đào: (NVPVĐ) 

          -Việc xác định đối tác tác chiến chiến lược là việc như Tôn Tử nói: biết địch biết ta trăm trận, trăm thắng...Nếu chúng ta không xác định được địch là ai để có chiến lược phòng thủ thì chúng ta sẽ bị bất ngờ.
          Trong giai đoạn hiện nay, các ông là những cựu chiến binh, bằng kinh nghiệm trận mạc của mình, trước tình hình kinh tế xã hội và quan hệ quốc tế hiện tại, theo các ông: Quân đội Việt Nam nên xây dựng chiến lược phòng thủ đất nước như thế nào?  
Báo Pháp: Tướng Pháp 2 sao Bigeard gặp lại đối thủ Điện Biên năm xưa, Đại tá Phạm Xuân Phương trên đất Pháp...

          Đại tá Phạm Xuân Phương: (ĐTPXP)
         
          -Để hình thành nên một chiến lược phòng thủ quốc gia thì trước tiên chúng ta phải xác định: Đối tác tác chiến chiến lược của quân đội Việt Nam trong tương lai là ai? Về cái điểm này đáng tiếc là tôi rất không đủ thông tin nên khó nêu chủ kiến của mình…

          Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc nói chung các văn kiện công khai đề cập nhiều rồi…Có một điều tôi chưa rõ là trong tình hình thực tế này, quân đội ta phải xác định sắp tới đối tác tác chiến lược của chúng ta là ai đây để bố trí thế trận phòng thủ chiến lược?
          Hiện nay chúng tôi đã về hưu, điều này anh phải hỏi các vị đương nhiệm cấp quân khu, quân đoàn xem họ được phổ biến như thế nào? Nếu họ được phổ biến là A chứ không phải là B thì tôi chịu không thể đưa ra phương án của mình, sơ đồ tác chiến phòng thủ chiến lược, chiến thuật của mình…
          Tất nhiên, đây là vấn đề bí mật quốc phòng lớn, nhưng ít ra những người lãnh đạo quân đội cao cấp cũng phải có khái niệm như thế nào đây về vấn đề này? Điều này tôi chưa thể trả lời câu hỏi của anh được…
          Theo tôi, muốn xây dựng được chiến lược phòng thủ tốt, trước tiên, chúng ta phải tổng kết thật tốt, đánh giá thật tốt những cuộc chiến tranh vừa qua. Có như thế chúng ta mới chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc chiến trong tương lai…

          NVPVĐ: 
          -Đối với một nền quốc phòng thì: vấn đề xác định chiến lược phòng thủ là vấn đề lớn; Đây không đơn giản để giải quyết vấn đề trang bị vũ khí, khí tài mà cả về vấn đề tư tưởng, tâm lý và về tinh thần cảnh giác...
         
          Đại tá P.X.P: 

 -Trước hết tôi muốn nói một điều đáng tiếc: thái độ đối với những người đã đổ xương máu trong cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược. Chúng tôi phải nói một cách thành thật, vì một lý do nào đó cuộc chiến tranh này đang là cuộc chiến tranh một thời gian dài bị lãng quên; lãng quên làm sao?
          Kỷ niệm ngày mở chiến tranh và những thắng lợi kết thúc chiến tranh một thời gian gian dài, chúng ta không nhắc tới, chúng ta có dám kỷ niệm và tưởng niệm đâu? Trong khi đó, cuộc chiến tranh Việt-Mỹ kết thúc, ngày 30-4 được đánh dấu bằng một quốc lễ…Cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía bắc về quy mô chiến tranh, thắng lợi cũng như thiệt hại cũng rất lớn…
          Vì một lý do nào đó, chúng ta chưa dám mạnh dạn tôn vinh một cách xứng đáng những chiến công và tổn thất của cuộc chiến tranh này. Kỷ niệm không kỷ niệm, tổng kết cũng không tổng kết. Trung Quốc là một đối tượng tác chiến mới của chúng ta qua cuộc chiến tranh này…Sách giáo khoa, sách lịch sử có cuốn nào đề cập tới cuộc chiến tranh này đâu? Con em chúng ta bây giờ nhiều em không biết…
          Vấn đề cuối cùng đó là: vấn đề giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh này như thế nào? Khi mà âm mưu bành trướng bá quyền Đại Hán vẫn tiếp tục diễn ra dưới các hình thái mới; Trung Quốc đang tiến hành tổng lực các hành động: đe đoạ chúng ta ở Biển Đông, gây hấn chúng ta cả về kinh tế, vừa xâm nhập vừa phá hoại, khống chế về kinh tế về tâm lý; lôi kéo, mua chuộc, cả trên lĩnh vực văn hoá…
          Khi Trung Quốc xây dựng lại các mối quan hệ với ta, tôn chúng ta thế nọ, tôn chúng ta thế kia .v.v. nhưng về bản chất âm mưu bá quyền nước lớn của Trung Quốc họ chưa từ bỏ…
          Tôi mạnh dạn gọi đây là cuộc chiến tranh kiểu mới mà Trung Quốc đang áp dụng với Việt Nam? Nếu không nhận thức được điều này thì đây thật là sự mất cảnh giác ghê gớm.
          Trung ương chủ trương tranh thủ hoà bình xây đựng đất nước hoàn toàn đúng; tranh thủ Trung Quốc hoàn toàn đúng; bán anh em xa mua láng giềng gần, trong chừng mực nào đó ta phải tin; Phải có mối quan hệ, phải giao thương, phải buôn bán, phải để Trung Quốc đầu tư vào…
          Bất cứ nước nào cũng đều phải làm thế!
 Đại tá Phạm Xuân Phương và Đại tá Quách Hải Lượng
          
         

Đại tá Quách Hải Lượng:

          -Khi nói đến đối tác tác chiến lược của chúng ta thì phải nói rằng: Ai xâm lược mình? Ai là kẻ xâm lược mình thì bây giờ người ta chưa thể nói ra cụ thể…Trong thuật ngữ quân sự thì người ta hay sử dụng khái niệm: đối tác tác chiến tiềm ẩn, không nói tên...
          Như thế cũng khoa học thôi, không phải né tránh; Chỉ có thể gọi họ là kẻ thù khi họ nổ súng đánh ta, còn trước đó chỉ là tiềm ẩn. Vậy tiềm ẩn là ai, điều này ta phải có sự chuẩn bị.
          Vấn đề này, trong chiến lược phòng thủ của mỗi nước đều phải có; Đối với ta tôi tin cũng có, chỉ có điều không cho biết phổ biến. Thế thôi !

          Đại tá Phạm Phú Bằng (PPB): Trung Quốc đang không đánh mà thắng ?!

Một kỷ niệm nhớ đời của ông: Ông tận mắt chứng kiến trận một Trung đoàn anh hùng của Pol Pot, vào năm 1978, dưới sự chỉ huy của cố vấn Trung Quốc đã bao vây, dồn 1 sư đoàn quân ta, cũng là một sư anh hùng vào một chiếc cầu độc mộc để tiêu diệt...Trận đánh kéo dài từ 10 giờ trưa hôm nay đến 10 giờ trưa hôm sau; trong trận đánh này: 800 bộ đội của ta đã ngã xuống tại chỗ, mặc dù quân ta có xe tăng, có pháo binh, có trực thăng hỏa lực hơn hẳn quân Pol Pot...
          Trận đó quân ta bị lính Pol Pot dùng kế hỏa công, giống như trận Gia Cát Lượng thời Tam Quốc lừa quân Tào ở tại Gò Bác Vọng để đốt, bắn, giết; Quân Pol Pot rải hoá chất để đốt rừng, ta không dự kiến được tình huống đó...
          Sau trận này cả quân khu và 2 quân đoàn của ta bị kỷ luật vì thua trận...

          Đại tá P.P.B: 

          -Đối tác tác chiến lược là một loại bài toán mà ngành quân sự thường làm, việc này giống như một thứ bài tập của học sinh phổ thông...Xác định đối tác tác chiến lược, tiềm ẩn ư?
          Còn gì nữa mà phải xác định đối tượng tác chiến. Xác định kẻ thù của chúng ta là ai, ở đâu, để làm gì khi mà họ đã vào ở chúng với chúng ta từ lâu rồi?
          Còn gì là tiềm ẩn nữa, họ đã vào sâu trong đất ta, họ có mặt khắp nơi từ Tây Nguyên đến Cát Bà, Vũng Rô, Cam Ranh; từ Móng Cái đến Bình Phước, Tây Nam Bộ, Hà Tĩnh...Điều này lãnh đạo biết, dân biết vì các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin công khai, họ có ẩn đâu, ra ngõ là gặp Trung Quốc ngay...
          Vào quãng năm 1967-1968 gì đó, tôi được mời dự một Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua được tổ chức tại vùng giải phóng ở miền nam. Tại đây, tôi được tướng Trần Độ, Trần Văn Trà giao cho ông tiếp xúc với một chiến sĩ thi đua đặc biệt, anh ta là người Trung Quốc...
          Anh ta là người không cha, không mẹ, được ông Mao cho gom từ lúc lên 7 tuổi và nuôi, dạy với một chế độ đặc biệt; thành ra anh ta coi Mao Trạch Đông còn hơn cả cha mình...
          Anh ta được đưa sang Cămpuchia, sau đó thâm nhập vào miền Nam để tham gia kháng chiến như một chí nguyện quân...Tôi có hỏi: Khi Việt Nam thắng lợi rồi, đồng chí sẽ đi đâu? Anh ta đã trả lời: Sẽ đi làm cách mạng thế giới?
          Sau này,tôi đã báo cáo chuyện này lên trên nhưng nhiều người không tin. Trên các nẻo đường Trường Sơn, ngay từ khi đang kháng chiến chống Mỹ, tôi đã gặp rất nhiều thanh niên Trung Quốc tình nguyện tham gia cuộc chiến; họ rất chu đáo, giao việc gì làm việc đến nơi đến chốn và rất đáng tin cậy...
          Người Trung Quốc đã có kế hoạch, đã lập trình để thâm nhập vào đất nước ta rất lâu rồi, không phải bây giờ theo các hợp đồng kinh tế, các dự án liên doanh, qua các phi vụ buôn bán qua con đường tiểu ngạch...
          Chúng ta là nước có lượng cafe xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, thế mà cafe robusta của ta các xí nghiệp thu mua, chế biến trong nước đang gặp phải một đối tác cạnh tranh rất lợi hại đó là thương lái Trung Quốc...
          Thương lái Trung Quốc bỏ tiền mua ào ạt, vì họ trả giá cao hơn ta...Cũng chính những người nông dân của ta đứng ra thu gom, đóng bao cho họ. Họ mua cafe khi còn đang chín trên cây, sau đấy chở về Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch...
          Cá họ mua, tôm cua họ mua, dừa họ mua, chè, gạo, cao su, ca kao...cái gì cũng mua, họ xuất hiện ở khắp nơi...Khi thì họ đứng tên công khai, khi thì họ núp bóng pháp nhân của người Việt, lấy vợ Việt để hợp pháp hóa...
          Thương lái Trung Quốc không chỉ mua chè, họ còn mua cả những gỗ cây chè, nhiều cây chè hàng trăm tuổi đã bị đốn hạ bán cho thương lái Trung Quốc...
          Trên thế giới có 3 nước được coi là quê hương của chè: Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam...Thế nhưng thương lái Trung Quốc còn tìm mua những gỗ cây chè với giá cao như mua gỗ lim. Người Trung Quốc rất thích nằm những cái giường làm bằng gỗ cây chè...Loại cây chè to bằng 2 người ôm, hình như chỉ ở Việt Nam mới có. Than ôi, những rừng chè kiểu đó hình như đang bị đốn hạ gần hết để bán cho thương lái Trung Quốc...Rồi cả gỗ sưa nữa, họ đang lùng mua để làm gì chỉ có họ biết...
          Cách mua bán của Trung Quốc đã để lại biết bao thảm họa: hàng triệu quả dừa ở Bến Tre thả trôi sông vì không tiêu thụ được; Mua rất đắt sau dừng lại...Mua hàng rồi tìm cách diệt tận gốc mặt hàng đó...
          Về chính trị thì chúng ta đã rước về “16 chữ vàng” là cả một điều nhục nhã, không ra cái gì...Anh biết đấy: Khi Việt Namsắp có cuộc họp gì quan trọng, lập tức cán bộ cao cấp của họ sang hết thăm dò, gợi ý, gây áp lực...
          Năm 1950 tôi đã đứng chân ở dưới Hữu nghị quan, đứng dưới bức tường vì bên này bức tường là đất mình...Còn bây giờ???
          Tôi đã đi suốt chiều dài đất nước trong 3 cuộc chiến tranh, rừng của ta đẹp lắm, nhưng bây giờ đâu còn rừng? Ta bất lực đến thế ư ?
          Tình thế đất nước đã như thế này rồi thì việc gì người ta phải đưa quân sang cho nó lích kích? Họ cứ giữ tình thế như thế này: Của cải, hàng hóa, tài nguyên, khoáng sản của ta thì họ ngang nhiên mua tranh, bán cướp. Còn hàng của họ tống sang ta thì thịt gà thối, chân gà thối, thịt lợn thối, đồ may mặc, đồ chơi trẻ em, sữa, bánh kẹo, hoa quả rau đậu đều nhiễm độc; Thuốc của nó là không hiệu nghiệm thế mà các thầy thuốc cứ tràn sang...
          Hàng hóa Trung Quốc tràn sang ta phần lớn đều qua con đường tiểu ngạch, thực chất là buôn lậu, trốn thuế, chất lượng không được kiểm định; chỗ nào cũng có hàng Trung Quốc, ta không làm cách nào bịt nổi ư...
          Đây có lẽ là một chiến lược buôn bán có chủ đích của họ. Bởi đây là cách để họ có thể lo lót các cơ quan chức năng ít tiền mãi lộ, tiền “làm luật” và nếu không qua cách này, quan chức, bộ máy công quyền Việt Nam nhận tiền của thương lái Trung Quốc cũng cảm thấy áy náy...Không biết loại đồng tiền kinh hãi kiểu này đã len lỏi tới chỗ nào trong bộ máy công quyền của ta...
          Tại Sài Gòn người ta đã thấy hàng trăm người Trung Quốc mỗi sáng dậy, cũng lại làm thủ tục chào cờ Việt Nam nghiêm chỉnh như dân ta...Tôi hiểu người dân lao động Trung Quốc, vì tôi đã sang du học bên đó; thời tôi đi học do nghèo nên cùng tham gia lao động khốn khổ để kiếm thêm tiền...Tôi thấy người lao động Trung Quốc hết sức khổ và hết sức đáng yêu, nhưng tôi không thể chấp nhận cái trò bẩn thỉu của họ...
          Bây giờ văn hóa dân tộc chúng ta còn gì? Phim Trung Quốc suốt ngày, tất nhiên phim họ hay hơn phim ta; phim Hàn Quốc, sách Trung Quốc dịch vô thiên lủng, từ chuyện dâm, chuyện tục tĩu, vô chính trị nhất...
          Nếu chúng ta không có một cái nhìn chiến lược đúng, nếu chúng ta không quan tâm thật sự tới điều kiện sống của người dân. Chúng ta không có các chính sách an dân nhất là bà con các dân tộc; nếu chúng ta không mở mang dân trí, không có cách gì để vận động nhân dân đoàn kết, không dùng mặt hàng này, tẩy chay mặt hàng kia của Trung Quốc, cứ hồn nhiên nghiền đồ rẻ, đồ phế thải, đồ độc hại thì rồi tương lai dân tộc ta sẽ tới đâu...
          Nếu dân ta đoàn kết liền một khối thì việc tìm đối tác tác chiến lược tiềm ẩn ở đâu xa; Trung Quốc cần gì phải mang quân đội sang. Không mang quân sang mà chiếm được đất, được thành ( thành phố ), khống chế được tài sản, lung lạc được đời sống tinh thần, khống chế được bộ máy quan chức thì là thượng sách rồi còn gì...
          Nếu như tìm theo lối giáo điều, sách vở: Kẻ thù của chúng ta là nước A,B,C nào đó như trong các văn kiện hay nhắc, thế lực thù địch về tư tưởng hay chính trị thậm chí nói toẹt ra Mỹ và Trung Quốc là kẻ thù chiến lược của ta, điều đó không sai nhưng không đủ, chưa chuẩn xác...
          Nếu vấn đề dân tộc ta không giải quyết tốt, vấn đề ruộng đất của nông dân chúng ta không giải quyết tốt; để sự suy sụp về đạo đức, văn hóa xã hội lan tràn, đó vừa là lực cản của chúng ta, đó là kẻ thù của chúng ta chứ còn đâu nữa! Việc gì Trung Quốc đem quân đánh ta, Trung Quốc bây giờ chắc không ngu vậy đâu…
          Còn các bài tập do Bộ Tổng tham mưu soạn: Trung Quốc hay dùng sơn cước đột nhập, gài mìn kiểu này kiểu kia cho nên ta phải đề phòng để khỏi bị đánh bất ngờ; Đó chỉ là những bài học mang tính chất kỹ thuật...
          Hiện nay đất nước, lãnh đạo, nhân dân đang bị chia rẽ, đang bị phân tâm một cách sâu sắc và nguy hiểm; đó chính là nguyên nhân đẩy chúng ta vào vòng nô lệ của kẻ khác: nô lệ về kinh tế, nô lệ về chính trị, nô lệ về văn hóa và cuối cùng thì...
          Tôi cho rằng: Kẻ thù của chúng ta, đối tác tác chiến chiến lược của chúng ta phải tìm ngay trong chúng ta; có quá nhiều nguyên nhân dẫn tới tình cảnh này…
          Điều này tôi nói thế là anh hiểu...

Phạm Viết Đào thực hiện. 


Không có nhận xét nào: