22/01/2019 15:39 GMT+7
TTO - Trung Quốc đã phải trả một cái giá nhất định cho thành công kinh tế của thập niên trước, tuy nhiên giờ đã đến lúc các yếu điểm bắt đầu bộc lộ. Phân tích của Đài ABC của Úc.
Trong khi nhiều nước vật lộn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc có vẻ như thoát được mà không hề hấn gì.
Nhưng giới quan sát ngày càng lo Bắc Kinh sẽ không thể trả nổi núi nợ mỗi ngày một cao, và một khi điều đó xảy ra, không chỉ Trung Quốc mà cả thị trường toàn cầu sẽ đối mặt những hậu quả khó lường.
Trước tiên phải nói rõ: "Nợ" là yếu tố chính giúp kinh tế Trung Quốc trụ vững qua cơn bão khủng hoảng tài chính, nhưng lượng tiền Bắc Kinh bơm vào nền kinh tế dẫn đến nợ doanh nghiệp của nước này phình ra khổng lồ…
Quả bom nổ chậm?
Năm vừa qua thị trường Trung Quốc có nhiều biến động: Không chỉ bị suy thoái kinh tế, lần đầu tiên trong 2 năm, xuất khẩu của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Đúng lúc này, Mỹ lại phát động cuộc chiến thương mại và áp thuế lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Chỉ trong 1 năm Bắc Kinh đã phải 5 lần "xén" quỹ dự trữ của Ngân hàng trung ương (lần cuối là đầu tháng 1-2019) - giải phóng khoảng 116 tỉ USD, để kích cầu tăng trưởng.
Bất chấp nỗ lực đó, dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế không mấy khả quan. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định nền kinh tế số 2 thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong vài năm tới.
Bên cạnh mối lo về nợ là sự thiếu minh bạch trong thông tin ở Trung Quốc. Yếu tố sau khiến thị trường không thể hiểu và đánh giá được tác động của cuộc khủng hoảng đang tiềm tàng.
Một quan niệm sai phổ biến là "kinh tế Trung Quốc được dẫn dắt chủ yếu bởi xuất khẩu". Điều đó có thể đúng trước năm 2008, nhưng mọi thứ đã thay đổi trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính, khi nhu cầu hàng hóa Trung Quốc giảm đều, từ châu Âu sang đến Mỹ.
Để thoát khỏi "cơn bão", chính phủ Trung Quốc bơm 4.000 tỉ USD kích cầu để tạo việc làm thông qua các dự án hạ tầng khủng, bất động sản và đầu tư nước ngoài - bất chấp nhu cầu thị trường trong nước có giới hạn.
Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tổng nợ của Trung Quốc hiện đang ở mức 255,7% tổng GDP, trong đó nợ doanh nghiệp là 160,3%, cao hơn Nhật Bản và Mỹ.
Mối lo chính là nằm ở tỉ trọng nợ doanh nghiệp và tốc độ tăng của nhóm nợ này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Các nhà kinh tế không lo lắm về khả năng vỡ nợ vì Trung Quốc có quỹ dự trữ ngoại tệ khá lớn, bao gồm 1,15 ngàn tỉ USD trái phiếu Mỹ; rủi ro ở đây dao động giữa "một đợt kinh tế xuống dốc" và "một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tiếp theo".
Tảng băng nợ với rủi ro khổng lồ
Bà Jane Golley - nhà kinh tế học thuộc Đại học quốc gia Úc, nhận xét vấn đề đã trở nên phức tạp hơn vì không ai biết núi nợ của Trung Quốc thực tế là bao nhiêu và cách đồng tiền được sử dụng ra sao.
"Sự bất định khiến thị trường vốn toàn cầu, giới đầu tư và cả người tiêu dùng Trung Quốc lo lắng về hiệu ứng domino" - tiến sĩ Golley mô tả.
Bà cũng nhận định Trung Quốc không thể bán hết trái phiếu Mỹ (để trả nợ) vì động thái đó sẽ mang lại "hệ lụy toàn cầu".
Một báo cáo của hãng đánh giá tín dụng S&P Global Ratings cuối năm 2018 phát hiện chính quyền các địa phương Trung Quốc vay nợ ngoài sổ sách lên đến 40.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 5,89 ngàn tỉ USD).
S&P mô tả đây là "tảng băng nợ với rủi ro khổng lồ".
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), khối doanh nghiệp nhà nước nắm hơn một nửa tổng nợ doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2016, trong khi chỉ tạo ra khoảng 50% GDP.
Nhà kinh tế He Ling Shi thuộc Đại học Monash (Úc) chỉ ra nhiều dự án hạ tầng của Trung Quốc lãng phí tiền bạc và không thể sinh lời. Đó là những thành phố ma không người ở, các dự án bị bỏ phế như sân bay, các công trình lớn ít sử dụng…
"Vài thành phố chưa tới 100.000 dân nhưng cũng xin xây tàu điện ngầm, trong khi các con đường bên trên vắng tanh không người qua lại. Một vài sân bay xây bằng tiền vay mượn ngân hàng thì mỗi năm chỉ phục vụ cho số ít hành khách…" - ông liệt kê.
Nhìn chung, khả năng Trung Quốc châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác vẫn còn phải bàn thêm, nhưng đa phần giới quan sát đồng tình rằng nếu Bắc Kinh không thể xử lý các vấn đề cốt lõi của họ, Trung Quốc có thể bước vào một giai đoạn kinh tế trì trệ tương tự như "thập kỷ bị mất" của Nhật Bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét