Lời dẫn: Cao điểm 1509 là
ngọn núi nằm ở khu vực ngã ba Thanh Thủy, thuộc địa bàn giáp ranh giữa 2 xã
Thanh Thủy và Thanh Đức huyện Vị Xuyên-Hà Giang…
Đây là ngọn núi thời chiến tranh gọi là
điểm cao khống chế; Bởi theo các chiến sĩ từng chốt gác ở đây cho biết: ngày
trời trong, từ trên mỏm núi này có thể nhìn vào tới thành phố Hà Giang…
Blog Phạm Viết Đào là người đầu tiên đưa
lên mạng về những trận đánh ác liệt ở địa bàn chiến lược quan trọng này; Nguồn
tài liệu do anh Hà Minh Thành một Việt kiều tại Nhật Bản dịch từ các tài liệu
do Trung Quốc công bố trên mạng…Phía Trung Quốc gọi những trận đánh lấn chiếm
các ngọn núi ở khu vực Thanh Thủy trong đó có 1509 là trận chiến Lão Sơn…Báo
chí, thậm chí cả tướng lĩnh Trung Quốc đã vào cuộc viết về các cuộc chiến quyết
tử giữa đôi bên: Phía Trung Quốc quyết tử lấn chiếm còn phía Việt Nam quyết tử
giữ và đẩy lùi quân Trung Quốc…
Theo Hà Minh Thành thì anh đã trực tiếp
cùng với đoàn làm phim Nhật Bản bay lên tận đỉnh cao này bằng máy bay trực
thăng Trung Quốc để thăm quan và quay phim, chụp ảnh…
Hôm nay, báo điện tử VTC là tờ báo cử
phóng viên mở nhiều cuộc điều tra về cuộc chiến tại chiến trường này; Xin đưa
bài viết của tác giả Hải Minh…
Tiếp theo phóng sự điều tra của Hải
Minh-VTC, blog Phạm Viết Đào cũng sẽ đưa lại một số thông tin từ Trung Quốc,
Mỹ… để tranh luận lại các ý kiến của Hải Minh- VTC về chuyện mất hay còn của
điểm cao 1509 ?
Trong lần đặt chân lên 1509 mới nhất, chiều 20/6/2016, chủ blog đã sử dụng xe máy men tới được chân Cao điểm 772; đã gặp một số gia đình người Dao sinh sống tại đây. Theo bà con cho biết: đã có 50 hộ gia đình người Dao vào làm nhà khai phá làm nương rẫy trên sườn 772; Chưa ai vào tới 1509 vì một số người Dao lên đã bị lính biên phòng Trung Quốc xua đuổi…
Đầu năm 2013, tôi và người bạn Hà Giang vào tận UBND xã Thanh Đức trình giấy tờ để vào thăm 1509 nhưng đã bị từ chối, mặc dù vậy chúng tôi vẫn phi xe máy vào tới chân 685. Theo Bí thư Đảng ủy xã Thanh Đức, ngày trời trong từ sân ủy ban có thể nhìn rò đồn biên phòng của Trung Quốc trên đỉnh 1509...
Blog Phạm Viết Đào sẽ lần lượt cung cấp thông tin xung quanh sự thật: điểm cao 1509 hiện thuộc về Việt Nam hay Trung Quốc ?
Chiến tranh biên giới Vị Xuyên: Cuộc tử chiến bi hùng trên Núi Đất
(VTC News) - Cuộc tử chiến trên đỉnh 1509 đã chặn đứng bước tiến công của sư đoàn 40, quân đoàn 14, đại quân khu Côn Minh, Trung Quốc.
Thất bại ở cuộc chiến tranh biên giới 1979, quân Trung Quốc sau một thời gian củng cố lực lượng đã lại tràn sang địa phận tỉnh Hà Giang. Ở chiến trường biên giới Vị Xuyên, cuộc chiến diễn ra cực kỳ khốc liệt. Các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam mà đa số là lính trẻ, đã anh dũng chiến đấu với tinh thần quyết tử, khiến quân xâm lược phải chùn bước.
Chiến tranh biên giới Vị Xuyên bắt đầu từ cuộc chiến ở cao điểm 1509, mà Trung Quốc thường gọi là cuộc chiến Lão Sơn, hay là trận chiến Núi Đất. Trung Quốc đã sử dụng một lực lượng khổng lồ tràn qua biên giới. Như một cựu binh Sư đoàn 313 từng nói: “Đó là kiểu lấy thịt đè người, lấy 10 đánh 1”. Đỉnh 1509 cùng một số điểm cao thấp hơn đã bị lấn chiếm. Đến tháng 9-1989, sau khi chiến sự 2 bên chấm dứt, quân Trung Quốc đã rút khỏi các cao điểm bị chiếm đóng này.
Trên mạng, có thể gặp nhiều tài liệu về “bí mật trận chiến Núi Đất”, hay một số được ngụy tạo dưới danh nghĩa “tài liệu giảng dạy của cục phòng vệ Nhật Bản”, đưa ra những thông tin bịa đặt. Để làm xác minh tính chân thực của câu chuyện, nhân dịp 27/7, ngày Thương binh - liệt sĩ, PV đã gặp gỡ những nhân chứng lịch sử của cuộc chiến, ghi lại những ký ức cả đời không quên của họ.
Kỳ 1: Điểm cao 1509
Điểm cao 1509 là một đỉnh nằm trong dãy núi chạy sát biên giới Trung Quốc, thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đường biên giới Việt – Trung chạy qua đỉnh núi này. Đây là vị trí có khả năng khống chế khu vực bờ bắc suối Thanh Thủy cho đến cửa khẩu Thanh Thủy phía đông sông Lô.
Điểm cao này có 3 mỏm chính, mỏm 1 ở đỉnh cao nhất của ngọn núi, mỏm 2 còn gọi là đồi cây khô (các cựu binh kể lại, lúc chưa xảy ra chiến sự, từ cao điểm 468 mọi người đã có thể nhìn thấy một thân cây khổng lồ cỡ chục người ôm, sau đó đã bị đạn pháo gọt trụi), và mỏm 3 ở bình độ 1450. Phía nam của điểm cao này là các bình độ 1400, 1200, 1100, 1000, 900, 800. Phía đông nam là bản Nậm Ngặt, tây nam là điểm cao 1545, phía chính đông là cao điểm 772, nơi một thời từng được mệnh danh là “cối xay thịt”, hay “đồi thịt băm” trong cuộc chiến 1984-1989..
Sau chiến tranh biên giới 17/2/1979, ta đã đưa bộ đội lên chốt giữ trên 1509. Thời điểm quân Trung Quốc tràn sang lấn chiếm sáng ngày 28/4/1984, đơn vị phòng ngự là Đại đội bộ binh 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 122, Sư đoàn 313. Đối mặt với một lực lượng xâm lấn đông gấp 10 lần, các chiến sĩ trẻ đã tổ chức phòng ngự kiên cường, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Tuy nhiên, vì quân Trung Quốc quá đông, hỏa lực bắn không tiếc đạn, chúng ta phải rút về phía sau phòng ngự.
Đây là một cuộc chiến thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của các chiến sĩ trẻ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc tử chiến trên đỉnh 1509 đã chặn đứng bước tiến công của sư đoàn 40, quân đoàn 14, đại quân khu Côn Minh, Trung Quốc, buộc quân xâm lược phải chững lại và thay đổi chiến lược, chiến thuật.
Bản thân cái tên “Núi Đất” hay Lão Sơn vốn cũng không có thật, chỉ là cách gọi của Trung Quốc, vì khu vực 1509 không có tên riêng, chỉ có số hiệu của các điểm cao trong một dãy núi dài chạy sát biên giới Trung Quốc của tỉnh Hà Giang.
Tuy nhiên, với những chiến sĩ trở về sau cuộc tử chiến, điểm cao 1509 còn được gọi với cái tên riêng trìu mến: “Đất Mẹ”. Với họ, đó là lãnh thổ Việt Nam, và một tấc đất cũng không thể để mất vào tay quân xâm lược. Và họ tự hào rằng, được tham gia cuộc chiến bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đó là niềm vinh dự của những người lính, dù phần lớn những người lính này tuổi đời còn rất trẻ, và tham gia quân ngũ chưa lâu.
Trên mạng, tài liệu ngụy tạo "của cục phòng vệ Nhật Bản" và một số bài viết khác nói rằng từ 1509 Trung Quốc có thể khống chế miền Bắc Việt Nam, gây suy nghĩ hoang mang cho nhiều người. Điều đó hoàn toàn giả dối. Thực tế thì phía nam suối Thanh Thủy, đối diện và cách 1509 chỉ 2-3km là dãy núi Tây Côn Lĩnh với độ cao trên dưới 2000m (cao nhất gần 2500m), không khác gì tấm lá chắn của Hà Giang. Với vị trí như vậy, trong cuộc chiến 32 năm trước, dù Trung Quốc có mang gì lên 1509 cũng không có cửa với Hà Giang chứ đừng nói tới cả miền Bắc. Và cho đến hiện tại, điểm cao 1509 đã được khôi phục đúng như trạng thái vốn có trước năm 1979.
Tại sao quân xâm lược Trung Quốc lại chọn mảnh đất biên cương Hà Giang, nơi chỉ toàn đá và đá, cheo leo hiểm trở, để làm mục tiêu xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam trong cuộc chiến 1984-1989, chứ không phải ở biên giới Lạng Sơn hay Cao Bằng như cuộc chiến tranh biên giới 1979? PV đã cố gắng đi tìm câu trả lời, nhưng vẫn nằm trong vòng bí mật.
Tuy nhiên, một số cựu binh từng trải qua cả 2 cuộc chiến chống lại quân xâm lược Trung Quốc thì cho rằng, bè lũ Đặng Tiểu Bình vẫn chưa nguôi nỗi đau thất bại trong cuộc chiến 1979. Và sau quá trình 5 năm thực hiện chính sách hiện đại hóa quân đội, chúng lại quyết tâm xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam một lần nữa.
Đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình cùng phái đoàn Trung Quốc sang thăm Mỹ nhằm bình thường hóa quan hệ hai nước. Ngay sau đó, chúng chỉ đạo “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã đưa quân đánh đuổi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ ở Campuchia, một đồng minh thân cận của Trung Quốc.
Ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc ổ ạt tràn qua 6 tỉnh biên giới phía Bắc, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, đến ngày 4/3/1979, chúng đã phải nhanh chóng rút quân trở về nước sau những thất bại nhục nhã và trước sự chống trả quyết liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cho đến đầu năm 1984, nhằm hỗ trợ cho các nhóm phiến quân Khmer Đỏ đang loay hoay tìm cách nổi lên tại biên giới Thái Lan Campuchia, và nhằm trả mối hận thất bại 5 năm trước, quân Trung Quốc lại tràn sang biên giới nước ta một lần nữa.
Nhiều cựu binh khẳng định, có khả năng là chúng chọn biên giới Vị Xuyên, Hà Giang, vì những địa điểm này xa các trục đường trục chính, việc vận chuyển đi lại của ta gặp nhiều khó khăn. Một mặt khác, về phương diện thông tin thì đây là một vùng biên cương xa xôi hẻo lánh, thời đó cũng ít người biết đến. Nếu không, chúng sẽ bị cả thế giới lên án.
Ngày 2/4/1984, quân Trung Quốc bắt đầu tiến hành bắn phá, trút xuống hàng chục ngàn quả đạn pháo xuống toàn bộ khu vực biên giới Vị Xuyên, đặc biệt là các điểm 1545, 1509, 685, 772, 1030, 400… và một số cao điểm phía đông sông Lô. Suốt hơn 3 tuần lễ, ngày nào địch cũng bắn phá ác liệt, nặng nhất vẫn là trên điểm cao 1509.
Còn tiếp…
Hải Minh
Ngày 28/4/1984, Cao điểm 1509-Vị Xuyên-Hà Giang bị Trung Quốc đánh chiếm qua lời kể của Đường Minh Tuấn ( CCB 313 )...
Blog Phạm Viết Đào:
Thưa quý vị và các bạn
Loạt clip được thực hiện về các trận đánh ác liệt tại Hà Giang do các CCB từng tham chiến tại mặt trận này kể lại được thực hiện vào giai đoạn tháng 7-8/2012, sau khi blogger Phạm Viết Đào nghỉ hưu ( 1/6/2012...
Những clip này được đưa lên mạng trước gần 1 năm sau đó thì blogger Phạm Viết Đào bị " xộ khám" 15 tháng tù ( ngôn ngữ của các dư luận viên khi viết về việc bắt giam P.V.Đ)...
Nhân dịp tưởng nhớ về ngày 17/2/1979 năm nay, ngày Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới các tỉnh phía bắc nước ta, theo yêu cầu của nhiều bạn đọc, blogger Phạm Viết Đào lần lượt khôi phục lại một số clip được thực hiện thời điểm trước khi đi "tu nghiệp" 15 tháng trong tù...
Mời quý vị và các bạn chú ý đón xem !
( Học theo cách mời của VTV...he...he...)
P.V.Đ và 1 CCB của E 876-F356 đứng trên sườn của đỉnh 1100, sau lưng là đỉnh
685, góc trái xa là đỉnh 772; Ảnh chụp tháng 10/2014 tại chân 685 sau khi Phạm Viết Đào mãn khóa lớp " tu nghiệp" 15 tháng ngày 13/9/2014...
Blog Phạm Viết Đào: Cao điểm 1509 là một điểm cao khống chế nằm trên địa bàn xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên, Hà Giang cao hơn mặt biển gần 1500m; Đây là điểm cao về mặt quân sự được mệnh danh là " điểm cao khống chế" vì từ trên đỉnh 1509 có thể nhìn thấy thành phố Hà Giang...Tài liệu Trung Quốc có khi gọi là Núi Đất; Còn Lão Sơn theo chúng tôi là tên chung mà Trung Quốc đặt cho những trận đánh ác liệt giữa quân Trung Quốc và bộ đội Việt Nam tại khu vực ngã ba cửa khẩu Thanh Thủy-Thanh Đức,huyện Vị Xuyên, Hà Giang...
Từ trước ngày 28/4/1984, Cao điểm này được giao cho 1 đại đội của Sư đoàn 313 chốt giữ.
Từ đầu tháng 4/1984 phía Trung Quốc liên tiếp bắn phá lên cao điểm này.
5 giờ sáng ngày 28/4/1984 Trung Quốc chính thức mở đợt tấn công và đến 15 giờ thì đã đẩy lùi quân ta và làm chủ đỉnh cao này...
Diễn biến của trận đánh ác liệt này như thế nào và nguyên nhân 1509 bị thất thủ rơi vào tay Trung Quốc để rồi sau đó phía ta tổ chức nhiều trận phản kích nhưng không lấy lại được.
Blog Phạm Viết Đào ghi lại lời kể của Đường Minh Tuấn thuộc C 22, E 122, F 313 là một trong những người lính cuối cùng của Sư 313, mở đường máu rút khỏi 1509 vào chiều 28/4/1986...
Sau lời kể của Đường Minh Tuấn, Blog Phạm Viết Đào sẽ đưa thông tin của lính Trung Quốc kể về trận đánh này; ý kiến của cựu lãnh đạo Sư đoàn 313 lý giải nguyên nhân để mất 1509...
Đường Minh Tuấn kể về việc chiến đấu bảo vệ Cao điểm 1509
Phần 1: Gặp Đường Minh Tuấn người mở đường máu thoát khỏi Cao điểm 1509 Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang chiều 28/4/1984?
Các Cựu chiến binh E 457, F 313, quê Vĩnh Phúc từng chiến đấu tại Thanh Thủy Hà Giang... |
Cuối tháng 7/2012 vừa qua, Đường Minh Tuấn, quê ở Hương Canh Vĩnh Phúc, CCB của Sư 313, từng có mặt trên Cao điểm 1509 Thanh Thủy, Vị Xuyên Hà Giang từ tháng 7/1981 cho đến 15 giờ 30 chiều 28/4/1984, ngày Cao điểm này vĩnh viễn rơi vào tay Trung Quốc đã gọi điện cho tôi: Chiều 24/7/2012 này, bọn em tổ chức gặp mặt những CCB từng chiến đấu tại Hà Giang, có thời gian mời anh lên nghe chuyện chiến đấu bảo vệ 1509…Sở dĩ Tuấn chọn ngày 24/7 vì ngày 24/7 là ngày Tuấn nhập ngũ vào năm 1980; Cùng nhập ngũ với Tuấn dịp này tại Hương Canh có khoảng 30 đồng đội; hàng năm Tuấn và đồng đội thường lấy ngày này để tụ họp nhau ôn lại một quãng đời lính…
Theo hẹn, chiều 24/7 tôi phi xe từ Hà Nội lên, vào nhà Đường Minh Tuấn đã thấy chật cứng các CCB của Sư 313, khoảng 30 CCB phần lớn đang sinh sống tại Hương Canh và xã Thanh Lãng; Họ là những CCB từng có mặt tại Vị Xuyên những năm tháng ác liệt giai đoạn 1981-1984… Thấy tôi đến, Đường Minh Tuấn dẫn tôi vào giới thiệu với CCB Nguyễn Đình Hát, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 457 thuộc Sư 313, đơn vị đã từng bắn tới những viên đạn cuối cùng nhằm bảo vệ 1509 và 772…gặp Đỗ Văn Năng, Trần Ngọc Viên, Kiều Văn Phong…những pháo thủ từng tham gia 2 trận đánh bảo vệ 1509 và 772…Đường Minh Tuấn cho biết: riêng thị trấn Hương Canh vã xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, trong đoạn ác liệt nhất 1981-1985, đã đóng góp có khoảng 70 lính cho mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang…
Đường Minh Tuấn, ngoài cùng bên phải đang trực chiến tại chân cao điểm 1509 |
Cao điểm 1509 theo Đường Minh Tuấn là một điểm cao khống chế vùng Thanh Thủy, có độ cao trên 1500 m; Tuấn là kế toán pháo binh của Trung đoàn 457 được đưa lên 1509 làm nhiệm vụ phối thuộc cùng đại đội giữ chốt là C 22, E 122, F 313;Tuấn có nhiệm vụ quan trắc tính toán tọa độ bắn cho cho pháo binh ta bắn yểm trợ bảo vệ cao điểm nếu bị Trung Quốc tấn công…
Đường Minh Tuấn cho biết Cao điểm 1509 có 3 mỏm: Đồi Cây khô, Mỏm 1 và Mỏm 2; Đồi cây khô do trung đội 1 chốt giữ do anh Sơn là Trung đội trưởng; Mỏm 1 do anh Sáng là Trung đội trưởng; Còn mỏm 2 lâu ngày Tuấn quên…Mỗi mỏm ở đây chiều dài khoảng 40-50 m, chiều rộng khoảng 25 m.Lực lượng chốt giữ cao điểm 1509 giai đoạn 1981-1984 về phía ta có khoảng 100 tay súng, vũ khí có: AK, B41, ĐKZ, Cối cá nhân 60, lựu đạn, mìn định hướng ĐH 10 ( Kleymo )… Về trang bị cá nhân cho bộ đội có súng AK cơ số đạn mỗi khẩu có khoảng 300 viên/ khẩu…
Ngoài ra từ bình độ 1200, Trung đoàn có đặt một số khẩu cối 120 để bắn yểm trợ trực tiếp; Để yểm trợ bảo vệ 1509 Sư 313 còn bố trí Trung đoàn pháo binh 457 đặt pháo 105 ở Nậm Ngặt bắn yểm trợ…Công sự phòng ngự trên Cao điểm 1509 là hệ thống hầm bêtông, mỗi tiểu đội một nhầm hình chữ U…
Đường Minh Tuấn cho biết: Vào khoảng 5g sáng ngày 28/4/1984, bọn em bắt đầu nghe pháo Trung Quốc bắn dồn dập lên; nghe pháo bắn rát cả đơn vị thức giấc đoán là sắp bị tấn công nên đã sẵn sàng chiến đấu.Pháo Trung Quốc bắn dồn dập đến khoảng 7 giờ thì thưa dần và bộ binh Trung Quốc bắt đầu tràn lên tấn công từ phía sườn 1450…Phía ta bắt đầu phát hỏa đánh trả: Cối từ bình độ 1200 và của Trung đoàn 457 đặt ở Nậm Ngặt bắn vào đội hình địch và khá chính xác; đợt tấn công thứ nhất ta đã đẩy lùi được lính Trung Quốc. Phía Trung Quốc cho lui quân và cho pháo bắn lên ác liệt hơn, phía ta bắt đầu có thương vong; khoảng 9 giờ phía Trung Quốc tấn công đợt 2 và chúng đã chiếm được mỏm Đồi Cây khô…Đợt thứ 3, vào khoảng trưa, phía Trung Quốc cho xe ôtô bổ sung quân và tổ chức tấn công đợt 3; Đợt 3 này phía Trung Quốc đã tràn lên được mỏm 2; hai bên xảy ra thế trận giằng co ở mỏm 2 này…Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thông đã phải gọi điện cho pháo Trung đoàn bắn thẳng vào trận địa của ta vì địch đã tràn lên xen kẽ với ta…Đáng tiếc tầm trưa thì pháo ta thưa dần, không còn mãnh liệt như lúc sáng vì hết đạn. Đại đội trưởng Thông chiến đấu ở Mỏm 1 cùng với Đường Minh Tuấn, thấy bắn nhau ác liệt ở mỏm 2, Đại đội trưởng Thông lao xuống để chỉ huy anh em chiến đấu, không may anh lại lao đúng vào căn hầm đã bị lính Trung Quốc chiếm, nên anh đã bị chúng bắn chết…Như vậy đến tầm trưa thì ta gần như mất nốt mỏm 2; bộ đội ta thương vong rất nhiều…”
Từ trên Mỏm 1, mỏm cuối cùng Tuấn và đồng đội còn giữ được tới tầm 3 giờ chiều; Tuấn cho biết: bọn em còn nghe rõ đồng đội kêu la từ mỏm 2, đồng hương ơi cứu nhau với…Sau đó thì nghe súng nổ. Bộ đội ta thương vong và hy sinh đều được đưa vào trong hầm, khi lính Trung Quốc tràn được lên thì chúng xả súng bắn chết cả thương binh. Trong trận đánh bảo vệ 1509 những thương binh liệt sĩ ta không mang được ai về; chắc lính Trung Quốc đã chôn cất anh em mình tại chỗ…
Tôi hỏi Tuấn: Thế Tuấn và số đồng đội còn lại đã rút lui như thế nào ? Tuấn cho biết: Khoảng 10 giờ, từ Bình độ 1200, Trung đoàn đã cho 1 đại đội lên tiếp viện nhưng chủ yếu là mang đạn dược bổ sung; Trong khi đó thì phía Trung Quốc từ sáng đến chiều đã tập trung khoảng 2 đến 3 tiểu đoàn bộ binh với sự yểm trợ tối đa của pháo binh…Ta có 2 khẩu cối 120 bố trí ở Bình độ 1200 bắn lên yểm trợ rất tốt, nhưng đến trưa thì không bắn được vì bàn đế bắn nhiều nên lún sâu xuống 1 m, nòng bị nóng; Còn pháo 105 của Trung đoàn 457 đặt ở Nậm Ngặt thì tầm trưa cũng hết đạn…Tuấn chỉ cho tôi gặp Đỗ Tiến Năng và Kiều Văn Phong, những pháo thủ pháo 105 tham gia trận này? Tôi hỏi đùa Đỗ Tiến Năng: Nghe nói khi tham gia trận này, các ông bị xích chân vào pháo có đúng không ? Năng cười: Bọn em được phát mỗi người 1 khẩu AK, được giao nhiệm vụ giữ lại 3 viên đạn pháo cuối cùng để đề phòng trường hợp bị lính Trung Quốc tràn đến trận địa thì cho nổ tung pháo và dùng AK đánh nhau với chúng để bảo vệ trận địa…
Đường Minh Tuấn tại nhà riêng thị trấn Hương Canh... |
Đường Minh Tuấn kể tiếp: Vào khoảng 3 giờ chiều, sau khi ta đã mất Mỏm Đồi cây khô, Mỏm 2 chỉ còn Mỏm 1; Trong khi đó thì pháo của ta gần như đã im hẳn, bọn em mỗi người chỉ còn vài chục viên đạn; khẩu AK của em bị hỏng, may cón vớ được 1 khẩu của đồng đội…Đến đợt tấn công thứ tư của lính Trung Quốc thì bọn em đành phải rút lui…Con đường rút lui của bọn em từ Mỏm 1 về phải qua mỏm 2; bọn em gần như phải mở đường máu mà rút vì phải qua một dốc đá trống, không có giao thông hào trong khi đó thì phía Trung Quốc bắn chéo sang từ Đồi Cây Khô và mỏm 1…Khoảng trên một chục đồng đội của em đã hy sinh khi chạy qua đoạn đường máu này, may mà em thoát chết…
Tôi hỏi Tuấn: Ta phòng ngự, phía Trung Quốc tấn công lên, thế mình có tiêu diệt được nhiều lính Trung Quốc không? Tuấn cho biết: Phía Trung Quốc chắc cũng thương vong nhiều, em chỉ kể về trường hợp một 1 quả ĐH 10 do anh Thủ phát hỏa đã tiêu diệt gần như cả 1 trung đội của lính Trung Quốc…Tuấn đã chứng kiến cảnh này; Quá ĐH 10 ( mình kleymo ) bị pháo Trung Quốc bắn văng ra khỏi hào, Thủ đã bò ra lấy lại và cài sẵn trên miệng hào, chờ cho lính Trung Quốc bò lên đông, gần anh mới phát hỏa…Khi mìn nổ xong bọn em ra xem thì thấy cả một sườn đồi sạch bong…Tôi hỏi thế bây giờ Thủ ở đâu? Tuấn cho biết: Đáng tiếc, Thủ đã bị tai nạn bị rơi và chết năm ngoái khi đang thi công xây dựng khu nhà Keangnam ở Hà Nội…
Tôi hỏi Tuấn: Thế anh em chiến đấu, hy sinh như vậy có ai được khen thưởng gì không ? Tuấn cho biết: Đơn vị sau này cũng đã có ý định đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho Đại đội trưởng Thông nhưng vì cao điểm mất nên không ai còn nghĩa đến nữa…
CCB Đỗ Tiến năng E 457, F 313, CCB Nguyễn Nghĩa Cầu.. đang mếu máo cười khi chứng kiến đất của mình bị chiếm xây nhà nghỉ ? |
Nhìn gương mặt khắc khổ già trước tuổi của CCB Đường Minh Tuấn, Kiều Văn Phong, Đỗ Tiến Năng, Trần Ngọc Viên, Nguyễn Văn Thơm…tôi hỏi Tuấn: Thế anh em mình bây giờ sống như thế nào ? Tuấn cho biết: Anh trông anh em thì sẽ thấy; Chỉ có tôi và một số anh em xoay xở được là còn tạm ổn, phần lớn anh em bây giờ vẫn nghèo, chưa kể còn bị di chứng chiến tranh…
Nhân gặp tôi: Đường Minh Tuấn gọi Đỗ Tiến Năng, Kiều Văn Phong: Anh xem, những anh em từ bỏ xương máu ra bảo vệ biên cương tổ quốc nhưng hiện họ về quê làm ăn lại đang bị gặp rắc rối về chuyện đất đai với chính quyền địa phương?
Nhân gặp tôi: Đường Minh Tuấn gọi Đỗ Tiến Năng, Kiều Văn Phong: Anh xem, những anh em từ bỏ xương máu ra bảo vệ biên cương tổ quốc nhưng hiện họ về quê làm ăn lại đang bị gặp rắc rối về chuyện đất đai với chính quyền địa phương?
Nhân có tôi lên, Kiều Văn Phong, Đỗ Tiến Năng và một số CCB xã Thanh Lãng mời tôi sắp xếp thời gian về xã Thanh Lãng của các anh để chứng kiến về những uất ức mà các anh và một số CCB, gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng đang bị chính quyền dùng quyền lực nhà nước chiếm giữ đất hương hỏa, đất phần trăm được phân theo Điều 72 của Luật Đất đai 2003 của gia đình họ…
Phạm Viết Đào
Chiến tranh biên giới Vị Xuyên: Lính Trung Quốc đông như kiến, chết như ngả rạ
(VTC News) - Mọi vị trí chốt giữ thi nhau nhả đạn, phía dưới là những cột khói đen trùm lên, bốc cao nghi ngút, kèm theo đó là những bóng đen bị hất tung lên, rơi xuống nằm bất động.
Kỳ 2: Lính Trung Quốc chết như ngả rạ
Theo ký ức của những cựu binh Đỗ Minh Sáng, Đường Minh Tuấn (Sư đoàn 313), thì những ngày đầu tháng 4, pháo Trung Quốc bắn lên điểm cao 1509 rát lắm. Các chiến sĩ chốt giữ phải ăn gạo sấy thay cơm. Không ai được tắm. Phải đi bộ gần tiếng đồng hồ mới xuống được phía dưới để lấy nước, mà trên đường đi mất mạng như chơi.
Pháo Trung Quốc từ biên giới bên kia bắn sang không theo một quy luật nào cả. Có ngày từ sáng đến trưa chúng bắn cầm canh từng quả một, nhưng đến chiều lại dội xuống một lúc cả ngàn quả, khói bụi mịt mù, các chiến sĩ chốt giữ ai nấy tai ù điếc đặc.
Cựu binh Đường Minh Tuấn (Hương Canh, Vĩnh Phúc) là một trong những người chốt giữ trên điểm cao 1509 từ năm 1981, có nhiệm vụ quan trắc tính toán tọa độ bắn cho cho pháo binh ta bắn yểm trợ bảo vệ cao điểm nếu bị Trung Quốc tấn công. Kể về câu chuyện pháo Tàu bắn ròng rã suốt hơn 3 tuần lễ lên các điểm chốt giữ của bộ đội ta, ông nhận định: “Bên cạnh mục tiêu phá hoại các trận địa, thì việc chúng bắn pháo liên miên, lúc nhiều lúc ít chính là để nhằm gây ức chế, căng thẳng tột độ cho tất cả mọi người ”.
Cấp trên nhận định địch có thể tiến công bộ binh bất cứ lúc nào. Cả tháng trời, mỗi đêm ai nấy chỉ ngủ được tầm 2 tiếng. Trên đỉnh 1509, mọi người thay nhau canh gác, chia thành các tổ, chỉ cần nghe thấy có tiếng loạt soạt ở bất cứ đâu là được lệnh bắn liền, bởi bọn thám báo Trung Quốc trong những ngày này hoạt động liên tục, tìm mọi cách mò lên đỉnh núi nắm tình hình phòng thủ của Đại đội 22.
Đúng 5h sáng ngày 28/4/1984, pháo Trung Quốc bắn dồn dập lên cao điểm. Lần này, chúng bắn rát hơn hẳn, ai nấy chỉ còn nghe thấy tiếng "ục, ục", một mớ âm thanh hỗn tạp cùng đất đá, mảnh đạn ném rào rào vào trong hầm, khói bụi mù mịt. Dự đoán bộ binh Trung Quốc sắp tấn công, mọi người giữ vững vị trí sẵn sàng chiến đấu.
Khoảng hơn tiếng đồng hồ, tiếng pháo thưa dần, Trung Quốc lại chuyển sang bắn pháo giấy (loại pháo chỉ có tiếng nố trên không, không gây sát thương, mục đích hù dọa để mở đường cho bộ binh tiến công). Cựu binh Đường Minh Tuấn chạy ra khỏi hầm quan sát, chỉ thấy pháo địch cày nát cả trận địa phía trước, khu rừng trúc trên đỉnh 1509 trước xanh mướt, giờ thì chẳng còn gì.
Bên phía mỏm 1 do trung đội 3 chốt giữ, nghe rõ tiếng của Trung đội trưởng Đỗ Minh Sáng quát rất rõ nhắc anh em vào vị trí chiến đấu. Bên mỏm Cây Khô có tiếng súng AK và tiếng đại liên, lựu đạn nổ liên tục, địch đã tiến đánh lên vị trí ấy.
Qua ống nhòm, phía trước mặt cựu binh Đường Minh Tuấn liên tiếp xuất hiện những tốp người lố nhố, đi theo đội hình kéo dài, thi nhau tràn lên đỉnh 1509.
“Chúng quá đông, chắc phải cỡ trung đoàn. Địa hình nhỏ bé thế mà cứ chen chúc, xô đẩy nhau kiểu như chạy loạn ấy. Chúng tôi thấy đi đầu là tốp áo đen của dân công, mãi phía sau mới thấy xuất hiện các tốp lính chuyên nghiệp với quân phục xanh lét, nhìn rất rõ. Kiểu như chúng đẩy các tốp dân công lên trước làm bia đỡ đạn hay sao ấy.
Trước khi xảy ra chiến sự, trên đỉnh 1509 nhìn qua đất Trung Quốc, chúng tôi thấy vẫn cực kỳ lặng lẽ, không có những trại lính, không thấy có nhiều phương tiện chiến tranh, dân cư bên ấy vẫn sinh hoạt bình thường, không xảy ra các cuộc tranh chấp lẻ tẻ về đường biên trên đỉnh núi. Có vẻ như quân Trung Quốc đã lặng lẽ đào hầm hào, công sự lên tới gần đỉnh núi để mở đường cho bộ binh lên xâm lấn ”, ông Tuấn hồi tưởng.
Lính Trung Quốc đông như kiến cỏ, đến mức mà cứ mỗi quả ĐKZ tôi phóng xuống, phải dọn sạch cỡ một trung đội.
Cựu binh Nguyễn Văn Hùng
Nói về cuộc tấn công lên đỉnh 1509 của quân Trung Quốc, cựu binh Nguyễn Văn Hùng (Sơn Dương, Tuyên Quang) nhớ lại: “Miêu tả thế nào nhỉ, không phải nói quá nhưng lính Trung Quốc đông như kiến cỏ, đến mức mà cứ mỗi quả ĐKZ tôi phóng xuống, phải dọn sạch cỡ một trung đội. Nhưng vừa bắn xong, xác lính Trung Quốc bị hất tung lên, còn chưa kịp rơi xuống thì ngay vị trí vừa bắn ấy, quân địch đã lại đông đặc bâu kín, lớp này lớp khác, như là sóng nước ấy”.
Cho đến hiện tại, các đồng đội vẫn gọi ông Hùng với cái tên thân mật "Hùng ĐK", vì thành tích bắn ĐKZ trên đỉnh 1509 vào những ngày 32 năm trước. Ông Hùng bắn cỡ vài chục quả, diệt địch nhiều quá, không đếm được.
Ở trên đỉnh núi, không thể kê súng lên kệ như cách thông thường, ông Hùng cứ thế bê ĐKZ lên vai bắn xuống, bắn đến nỗi 2 lỗ tai điếc đặc ngẩn ngơ. 32 năm sau, giữa thời bình, ảnh hưởng của cuộc chiến vẫn khiến các đồng đội nhiều lúc phải nói thật to bên tai, cựu binh Nguyễn Văn Hùng mới có thể nghe thấy.
Với ông Hùng, những ký ức trên 1509 vẫn còn ám ảnh, đến cả trong giấc mơ. Trở về sau cuộc chiến, nhiều đêm ông trằn trọc không ngủ được vì thương nhớ đồng đội, vì những ký ức bi hùng trong trận tử chiến. Có những khi, người nhà bỗng thấy ông Hùng bật dậy giữa đêm khuya, hô lớn: “Bắn, bắn đi, quân Trung Quốc đến rồi, bắn cho bằng hết bọn xâm lược hung bạo này…”.
Vừa bắn xong, xác lính Trung Quốc bị hất tung lên, còn chưa kịp rơi xuống thì ngay vị trí vừa bắn ấy, quân địch đã lại đông đặc bâu kín, lớp này lớp khác, như là sóng nước ấy
Cựu binh Nguyễn Văn Hùng
Quay trở lại câu chuyện về cuộc tấn công đầu tiên lên đỉnh 1509, cựu binh Đường Minh Tuấn kể tiếp: Ngay khi thấy lính Tàu tràn sang, mọi vị trí chốt giữ thi nhau nhả đạn, phía dưới là những cột khói đen trùm lên, bốc cao nghi ngút, kèm theo đó là những bóng đen bị hất tung lên, rơi xuống nằm bất động. Lúc này, ở các trận địa phối hợp, ta cũng phát hỏa đánh trả, pháo 105 ly, cối 82 ly, H12 đồng loạt bắn tới tấp. Trận địa cối từ bình độ 1200 và của Trung đoàn 457 đặt ở Nậm Ngặt bắn vào đội hình địch rất chính xác.
Quân Trung Quốc thương vong vô số, kêu la náo loạn ở phía dưới. Những tốp đi đầu tập trung lại và tiến vào đường hào hình râu tôm có sẵn trên đỉnh 1509, nhưng ngay tức khắc tan xác do mấy quả mìn của một chiến sĩ tên Thủ cài sẵn, cộng thêm hỏa lực của các chiến sĩ khác, vài trung đội địch ra đi sạch sẽ.
Lính Tàu không dám xông lên nữa trước sự chống trả quyết liệt của bộ đội ta. Cuộc tiến công đầu tiên lên đỉnh 1509 thất bại thảm hại, chúng kêu la ầm ỹ, gọi pháo và các loại hỏa lực khác bắn trùm lên các trận địa chốt giữ, phía các chiến sĩ đã bắt đầu có thương vong.
Còn tiếp…
Hải Minh
Chiến tranh biên giới Vị Xuyên: Những người hùng ngã xuống
(VTC News) - Chỉ 1 đại đội quyết đấu với một lực lượng gấp hàng chục lần tràn lên đỉnh núi, quá đông và hung hãn.
Kỳ 3: Ký ức bi hùng
Nhắc lại đợt tấn công thứ 2 của quân Trung Quốc trên cao điểm 1509 (Vị Xuyên, Hà Giang) ngày 28/4/1984, cựu binh Đường Minh Tuấn (Trung đoàn 122, Sư đoàn 313) cho biết: “Hơn 9h sáng, chúng dội pháo như mưa, tưởng như sẽ san phẳng đỉnh núi, rồi kéo hết quân số lên từ mọi ngả định tấn công tổng lực”.
Chỉ 1 đại đội (quân số chưa đến 100 người) quyết đấu với một lực lượng gấp hàng chục lần tràn lên đỉnh núi, quá đông và hung hãn, nhưng các chiến sĩ chốt giữ không ai chịu lùi bước, quyết bắn đến viên đạn cuối cùng.
Cựu binh Đỗ Minh Sáng khẳng định: “Cuộc tấn công của quân Trung Quốc trong ngày 28/4/1984 trên đỉnh 1509 dù lấn chiếm được một số vị trí nhưng tổn thất về quân số thì không thể kể hết. Quân Trung Quốc đã phải kinh hoàng trước khả năng phối hợp chiến đấu và tinh thần kiên cường gan dạ của bộ đội Việt Nam”.
Ở đợt tấn công thứ 2, bên phía các chiến sĩ Đại đội 22 đã bắt đầu có thương vong. Khẩu đại liên do bộ binh tên Hải (Tuyên Quang) và trung đội trưởng Đỗ Minh Sáng đang bắn kịch liệt xuống phía dưới thì bị trúng đạn pháo của địch. Ông Hải hy sinh, ông Sáng bị mảnh đạn găm vào đầu. Ông Sáng băng bó và nén đau tiếp tục chỉ huy chiến đấu.
Mỏm 1 gần đỉnh 1509 vẫn còn nguyên vẹn, nhưng phía đơn vị chốt giữ trên mỏm Cây Khô quân Trung Quốc đã tràn sang lấn chiếm. Ông Sơn, Trung đội trưởng Trung đội 1 chốt giữ ở đó với hơn chục chiến sỹ đã hy sinh. Ngay sau đó, Đại đội 23 đã tiến lên hỗ trợ trên đỉnh. Địch co cụm lại, không còn tấn công ào ạt như lúc đầu nữa mà chia thành nhiều mũi đánh lên.
Cựu binh Đường Minh Tuấn đang xách khẩu AK tỳ vào vách chiến hào lia cả băng về phía trước, bỗng phát hiện ra một tốp 5 tên lính đang lom khom chui qua gốc cây đổ phía dưới, tức khắc chĩa AK bắn tới tấp. Tốp lính đang loay hoay ẩn nấp không ngóc đầu lên được, thì ở gần đó, một chiến sĩ tên Thạch phóng thẳng xuống quả đạn B41, để lại một luồng lửa, cả 5 tên tan xác.
Một quả ĐH 10 (mìn kleymo) bị pháo Trung Quốc bắn văng ra khỏi chiến hào. Chiến sĩ chốt giữ tên Thủ lặng lẽ bò ra lấy lại và cài sẵn trên miệng hào, nằm im chờ cho lính Trung Quốc bò lên đông, lại gần anh mới phát hỏa. Khi mìn nổ xong, mấy anh em chiến sĩ mò ra xem thì thấy sườn đồi không bóng giặc, chỉ còn nghi ngút khói đen.
Ông Tuấn nấp trên đỉnh 1509 bắn xuống hết cả mấy băng đạn, rồi lấy khẩu AK của đồng đội đã hy sinh gần đó bắn tiếp. Ngay lúc đó, chiến sỹ tên Khoát (Vĩnh Phúc) của Đại đội 23 vác khẩu đại liên vừa lên đến nơi, liền dõng dạc tuyên bố: “Vị trí này đẹp, đồng hương để cho tôi chỗ này”, rồi bóp cò liên hồi tưởng như chưa bao giờ được bắn.
Đợt tấn công thứ 2 của quân Trung Quốc bị chặn đứng, lính Tàu dù xua quân tổng lực nhưng vẫn không thể tiến lên nổi, chúng hô hào tản ra xung quanh và tiếp tục gọi pháo kích.
Một trận pháo ác liệt trùm lên đầu các chiến sỹ chốt giữ, những tiếng “xoẹt…oành…” nổ đinh tai nhức óc. Tiếng đạn ĐKZ và B41 của địch bắn trượt rít qua mặt mọi người, pháo nổ liên hồi, nhưng toàn bộ anh em vẫn không ai chịu vào hầm tránh đạn, giữ nguyên vị trí chờ quân Trung Quốc tiến lên để tiêu diệt.
Một quả cối 100 ly nổ ngay trên nóc chiến hào nơi cựu binh Đường Minh Tuấn đang ẩn nấp. Viên đạn nổ khiến ông Tuấn choáng váng, máu trong mồm và mũi chảy ra. Vị trí mà chiến sĩ Khoát đặt khẩu đại liên cách đấy tầm chục mét cũng bị đạn cày xới. Ông Khoát hy sinh khi bị một quả ĐKZ của quân Trung Quốc bên phía đồi Cây Khô bắn sang.
Trung đội trưởng Đỗ Minh Sáng tiếp tục bị thương lần thứ 2 khi đang chiến đấu cùng đồng đội trên mỏm 1. Ông bị một viên đạn xuyên qua bả vai. Chỉ còn một cánh tay lành lặn nhưng vẫn kiên quyết không lùi ra phía sau, tiếp tục chỉ huy anh em chống trả quyết liệt.
Quân Trung Quốc tiếp tục tổ chức đợt tấn công thứ 3 lên đỉnh 1509. Lần này, chúng đưa cả xe ô tô chở quân áp sát vào trận địa, quyết đánh bằng được. Chúng chia làm 2 mũi tấn công lên cao điểm 1509.
Bên phía Việt Nam, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 ra lệnh cho Đại đội 5 đưa lực lượng lên phối hợp phản kích. Hai bên quần thảo, giằng co nhau hàng tiếng đồng hồ trên đỉnh một ngọn núi nhỏ.
Lần này, quân Trung Quốc đã tràn lên được mỏm 2, các chiến sỹ chốt giữ trên mỏm lao vào đánh giáp lá cà với giặc. Đại đội trưởng Đại đội 6 Trần Ngọc Thông (Ý Yên, Nam Định) đang chiến đấu cùng với ông Đường Minh Tuấn và đồng đội ở mỏm 1, thấy mỏm 2 bắn nhau ác liệt quá, tức khắc lao xuống chỉ huy anh em chiến đấu.
Thấy quân Trung Quốc tràn lên đông quá, bên phía mình thương vong cũng khá nhiều, ông Thông ra lệnh cho các đồng đội rút xuống bảo toàn lực lượng, còn bản thân mình thì ở lại. Ông gọi lớn qua đường dây thông tin liên lạc: “Trận địa 105 cứ bắn vào đầu chúng tôi đi, địch ở xung quanh chúng tôi rồi”.
Lúc đó, ta có 2 khẩu cối 120 bố trí ở Bình độ 1200 bắn lên yểm trợ rất tốt, nhưng đến trưa thì không bắn được vì bàn đế bắn nhiều nên lún sâu xuống 1m, nòng bị nóng. Pháo 105 của Trung đoàn 457 đặt ở Nậm Ngặt, không còn mãnh liệt như lúc sáng vì việc vận chuyển đạn dược cực kỳ khó khăn.
Đúng lúc ấy, quân Trung Quốc lại tập trung bắn cối 60 và ném lựu đạn như mưa. Đại đội trưởng Trần Ngọc Thông ngã xuống khi mới 27 tuổi. Ở gần đó, xạ thủ B41 Cao Xuân Chiêu bắn tới 17 quả đạn và cũng đã hy sinh tại trận địa.
“Cho đến quá trưa, quân Trung Quốc đã tràn hết lên mỏm 2 và mỏm Cây Khô trên đỉnh 1509, riêng mỏm 1 vẫn được giữ vững. Lúc đó, anh em chúng tôi chỉ còn một ít đạn AK, lựu đạn có mấy thùng đã quăng hết. Trong khi đó, hỏa lực chi viện của chiến trường không lên được đến đỉnh vì địch bắn chặn mọi ngả đường tiếp tế. Địch lại chuẩn bị mở một đợt tấn công mới. Trung đội trưởng trung đội 3 báo cáo xin lệnh của cấp trên và được đồng ý cho rút lui khỏi trận địa, chờ dịp phản kích”, cựu binh Đường Minh Tuấn nhớ lai.
Còn tiếp…
Hải Minh (Theo ký ức Đất mẹ, lời kể của cựu binh Đỗ Minh Sáng,Đường Minh Tuấn, cùng các đồng đội Sư đoàn 313, Mặt trận Vị Xuyên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét