Dân trí “Formosa chỉ là một dự án “lớn” về ô nhiễm, chứ hoàn toàn không phải là một dự án lớn về lợi ích mang lại cho Hà Tĩnh. Do vậy, Formosa không đáng được tồn tại lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam tới 70 năm”.
>> Cho Formosa thuê đất 70 năm: Ông Võ Kim Cự có trách nhiệm gì?
>> “Cần trả lời thoả đáng, dự án Formosa có xứng đáng tồn tại không?”
Đó là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), về dự án Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Chia sẻ với phòng viên Dân trí, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn cho biết, từ khi thành lập đến nay, tập đoàn Formosa - công ty “mẹ” của Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh không phải là doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm về gang thép. Vậy tại sao Formosa lại bỗng nhiên lao vào lĩnh vực gang thép vốn không phải thế mạnh của mình và lại lao vào ngay khi thị trường thép thế giới bắt đầu xuống dốc, đó là những câu hỏi mà Tiến sĩ Sơn băn khoăn.
Ông Nguyễn Thành Sơn cho rằng, Formosa không đáng được cấp phép đầu tư 70 năm tại Việt Nam
“Nếu nghiêm túc, có trách nhiệm, không có doanh nghiệp nào đầu tư như Formosa Hà Tĩnh. Nhưng Formosa đã dám đầu tư, vì tập đoàn này đã lựa chọn ngành nghề đầu tư không bình thường và theo “thế mạnh cạnh tranh cốt lõi” của mình - đó là kinh doanh môi trường bẩn”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn nói.
Nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng cho rằng, khi ngành thép thế giới (trong đó có Đài Loan) đang bị thu hẹp, những doanh nghiệp thiếu nghiêm túc sẽ nghĩ ngay đến việc tiết giảm chi phí về bảo vệ môi trường. Và theo hướng đó, Formosa đã chọn những công đoạn độc hại nhất trong chuỗi sản phẩm của thép để đưa vào Hà Tĩnh, đó là luyện than thành cốc (coke) và luyện quặng sắt thành gang.
Với cách làm đó ở Hà Tĩnh, Tiến sĩ Sơn nhận định Formosa hướng đến mục tiêu giảm thua lỗ, đưa ô nhiễm ra khỏi Đài Loan và duy trì được thị phần thép trong bối cảnh khủng hoảng thừa của công nghiệp thép hiện nay.
Theo Tiến sĩ Sơn, bản chất của dự án Formosa là dựa vào sự buông lỏng quản lý, để nhập khẩu loại than rẻ tiền để luyện cốc và nhập khẩu quặng sắt để luyện gang ở Hà Tĩnh. Tiến sĩ Sơn cho rằng, đây chỉ là một dự án “lớn” về ô nhiễm, chứ hoàn toàn không phải là một dự án “lớn” về lợi ích mang lại cho Hà Tĩnh. Do vậy, nó không đáng được tồn tại lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam tới 70 năm.
Công nghệ luyện than thành cốc (thuộc lĩnh vực hóa - than) trên thế giới đã và đang để lại những khối lượng chất thải độc hại khổng lồ trên trái đất. “Công nghệ hóa than nói chung, và công nghệ luyện than thành cốc nói riêng, được coi là rất độc hại về mặt môi trường. Do vậy, chỉ có những người thiếu trách nhiệm mới không “lường hết” những nguy hại có thể mang đến cho môi trường sống từ những dự án như Formosa”, Tiến sĩ Sơn phân tích.
Nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng đánh giá dự án gang - thép Formosa Hà Tĩnh về bản chất công nghệ, thuộc loại những dự án rất bẩn về môi trường. Trên thế giới, các nước đang tìm mọi cách đẩy ra khỏi biên giới của mình các dự án về luyện kim vì vấn đề xử lý chất thải rất tốn kém, không hiệu quả về kinh tế.
Dù chiếm diện tích đất rất lớn nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, sự lan tỏa của dự án Formosa là rất thấp, lợi ích mang lại của dự án hầu như không có. Vì vậy, Tiến sĩ Sơn kiến nghị Chính phủ nên xem xét lại quy mô (không nên quá 7,5 triệu tấn/năm) và thời gian tồn tại của dự án Formosa không nên quá 25-30 năm - đây là vòng đời kinh tế của các dự án công nghiệp.
“Ở Hà Tĩnh, Formosa đã và đang “ký hợp đồng” với các “doanh nghiệp môi trường” Việt Nam đưa chất thải từ dự án ra “chôn cất” ở bên ngoài là một hành vi không nghiêm túc và vô trách nhiệm”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn chỉ rõ.
Quang Phong
Ông Võ Kim Cự từng nói gì về 'đứa con đẻ' Formosa?
TP - Những ngày gần đây, sau khi không thể trốn tránh truyền thông, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã trả lời báo chí về dự án Formosa - “đứa” con đẻ” của chính ông.
Ông Võ Kim Cự trong vòng vây của báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 25/7/2016. Ảnh: H.Long.
Tuy nhiên, dường như công luận chưa đồng tình với những giãi bày của ông về dự án này. Hãy cùng Tiền Phong ngược dòng thời gian về Hà Tĩnh 2 năm về trước để nghe ông Cự ca ngợi hết lời dự án Formosa ra sao.
Formosa cứu cánh cho Hà Tĩnh và cả nước
Ngay từ khi Formosa có ý định vào Việt Nam, báo Tiền Phong đã có hàng loạt bài viết kéo dài trong nhiều năm đề cập tới tác hại của nó tới môi trường tự nhiên và xã hội, về những ưu đãi chưa từng thấy… Ngay cả cuộc gặp bất đắc dĩ của các PV báo Tiền Phong hồi năm 2014 với ông Võ Kim Cự cũng xuất phát từ loạt bài từng đăng tải trênTiền Phong: “Được, mất ở siêu dự án Formosa”.
Cuộc gặp gỡ đó có đủ lãnh đạo ban bệ tỉnh Hà Tĩnh, có cả một nhân vật khá đặc biệt là nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng (sau này bị khởi tố vì làm “xiếc” với đất công liên quan dự án Formosa gây thiệt hại cả chục tỷ đồng). Tuy có đủ thành phần quan trọng của tỉnh Hà Tĩnh dự, nhưng chủ yếu mình ông Cự “thuyết trình” về Formosa.
Giọng ông Cự lúc khoan, lúc nhặt, nhưng rành rọt: “Thế mạnh của Formosa là lọc hóa dầu, và cầu cảng. Họ từng bỏ ra 15 tỷ đô la Mỹ để lấp 1 khu vực 2.300 ha trên biển làm nhà máy. Cho nên họ mới dám vào Vũng Áng (Kỳ Anh-Hà Tĩnh). Câu chuyện này không hề đơn giản. Cá nhân chúng ta cũng như các đồng chí thấy đấy, các cảng khác như cảng Đà Nẵng, Cái Lân... chỉ là cảng cạn. Còn đây là cảng nước sâu, tàu từ 10-20 vạn tấn vẫn vào được. Cảng này cũng là điều kiện tốt để giao lưu quốc tế, cải thiện thu nhập. Không chỉ có ý nghĩa riêng với Hà Tĩnh mà còn có ý nghĩa với nước bạn Lào để phát triển công nghiệp nặng, sắt thép. Trong lúc khó khăn như thế mà Formosa dám nhảy vào”.
Ông Cự tất nhiên nhắc tới Formosa như một sự hàm ơn: “Nếu không có công nghiệp nặng thì các dịch vụ không phát triển, không có công ăn việc làm cho nhiều lao động. Nhà nhà đua nhau mở quán cà phê, karaoke... Nhiều nhà còn mua được 2 ô tô. Như vậy, Formosa tác động cực lớn. Formosa rất có ý thức tự giác, kể cả khai báo thuế”. Thời điểm diễn ra cuộc gặp với đại diện báo Tiền Phong (năm 2014), ông Cự đang giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông nói về sự hỗ trợ của tỉnh với người dân liên quan tới Formosa: “Chúng tôi còn hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân độ tuổi trung niên (1 tháng 15kg gạo, hỗ trợ 5 triệu đồng/người để chuyển đổi nghề), hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, các trang trại lợn,... Ngay trong vùng quy hoạch, các nhà tranh rách nát, mái tôn tạm bợ đều được hỗ trợ bồi thường; di dân tái định cư vào các khu vực đẹp hơn thuộc thị trấn Kỳ Anh. Nhiều xã lên thành phường”.
Các phóng viên chất vấn ĐB Võ Kim Cự ngày 25/7 bên lề Quốc hội về dự án Formosa. Ảnh: Ngọc Thắng.
“Một anh trải thảm đỏ mời chào, một anh vác sào để đuổi”
Sự tâm huyết vào cuộc của bộ máy lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng được Chủ tịch Cự thông tin: “Thứ 2 hàng tuần, chúng tôi đều họp giao ban về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, an ninh trật tự; đặc biệt là các dự án trọng điểm.
Chưa có nơi nào như tỉnh như Hà Tĩnh ở dịp đại hội năm ngoái, các ban ngành và Đảng bộ Hà Tĩnh họp cả 2 ngày, chuyên bàn về 1 trang nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn giao thông các dự án trọng điểm. Chúng tôi nhận thức sâu sắc sự quan trọng của dự án, tăng cường mọi nguồn lực để đảm bảo an toàn cho nhà máy hoạt động”.
Sự tự tin của một người đàn ông nhỏ nhắn, đứng đầu một tỉnh, cho đến tận giờ, tôi vẫn nhớ như in. Ông Cự lúc đó khẳng định: “Một dự án cực kỳ lớn, nhưng chúng tôi vẫn kiểm soát được rất tốt. Chúng ta có cơm ăn, có việc làm, có đường sá, có điện, cảng nước sâu, có hạ tầng, thậm chí có cả dầu, không thua kém nơi nào… Đây là dự án cực lớn của đất nước, dự án trọng điểm của quốc gia, chỉ số cạnh tranh của nước ta đang thấp mà có dự án này, chúng ta mời vào”. Chủ tịch Cự lúc đó còn dùng một câu ý nói báo chí như người “vác sào” đuổi nhà đầu tư: “Một anh mặc áo dài để trải thảm đỏ mời chào, một anh thì vác sào để đuổi”.“Đất nước chúng ta đang lạm phát, suy thoái, một dự án tỷ đô nhảy vào, tác động làm cho Hà Tĩnh, đất nước này thay đổi cơ bản. Dự án Formosa sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh ngành thép cho quốc gia”.Ông Võ Kim Cự từng khẳng định với PV báo Tiền Phong
Ông Cự cũng nói đại ý nếu một dự án bình thường khác thì sao được nhiều nhân vật quan trọng vào đây thăm. Ông dùng từ “cực kỳ sôi động”. Theo đó, “một năm nữa (tức 2015) thôi mọi chuyện sẽ khác xa. Nó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Hà Tĩnh và khu vực”.
Đâu như gần cuối buổi gặp (vì ông Cự nói là chính, chúng tôi hầu như ngồi lắng nghe), ông Võ Kim Cự nói có một đoạn: “Tôi đây cũng vậy, nếu phát hiện các vụ việc tiêu cực, sai phạm như quan chức đánh bạc, xe chở quá tải, nhà thầu sai phạm... sẽ cho xử lý nghiêm khắc. Bản thân tôi nếu tham ô thì kể cả người Kỳ Anh ở bên Mỹ, bên Úc cũng sẽ lên án, sẽ bị đập tan luôn”.
Ông quan “ăn” đất
Trong suốt buổi làm việc giữa đại diện báo Tiền Phong với Hà Tĩnh về dự án Formosa, tôi để ý thấy một người đàn ông thấp đậm đến muộn, nhưng hay nói chuyện riêng với một người phụ nữ trẻ phía góc hội trường. Với vai trò trưởng đoàn công tác báo Tiền Phong, tôi có ý nhắc giữa cuộc họp rằng ông ấy là ai mà thiếu nghiêm túc. Lập tức ông Võ Kim Cự cho biết đó là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng địa bàn đặt Nhà máy Formosa).
Ổng Bổng lúc đó rất được để ý vì có công lớn trong việc giải phóng mặt bằng cho siêu dự án. Trước thời điểm cuộc làm việc này vài ngày, vị lãnh đạo huyện này bị một số người dân của một xã bao vây đánh vỡ đầu do bức xúc về giải phóng mặt bằng. Trong cuộc làm việc, ông Cự cũng nhắc tới chuyện này và cho biết đang điều tra những nghi can đánh Chủ tịch Bổng.
Một năm sau đó, tin tức về ông Bổng loan trên khắp mặt báo. Người đàn ông thấp đậm ấy đã bị khởi tố với tội danh cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Người ta gọi ông Bổng bằng một cái tên dễ nhớ: Ông quan “ăn đất”. Liên quan đến vụ án “ăn đất”, hàng loạt cán bộ tại huyện này cũng bị khởi tố, bắt giam. Trên mạng vẫn còn lưu clip quay cảnh khi công an áp giải ông quan huyện “ăn đất”, nhiều người dân có mặt đã reo hò.
Formosa giờ không chỉ là từ khóa liên quan đến xả thải bẩn gây hủy hoại môi trường biển, mà còn ám ảnh không nhỏ tới lương tâm nhiều quan chức liên quan.
Bộ KH&ĐT từ chối trả lời việc cấp phép 70 năm cho FormosaChiều 26/7, trao đổi với Tiền Phong về trách nhiệm xử lý việc cấp phép 70 năm cho dự án Formosa, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng từ chối trả lời với lý do bận họp. Các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ KH&ĐT cũng từ chối trả lời vì không thuộc thẩm quyền phát ngôn.Trước đó, tại họp báo Chính phủ cuối tháng 6, Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, thời điểm thẩm định dự án Fomosa (năm 2008) đã phân cấp cho UBND tỉnh. Các bộ, ngành liên quan của Trung ương có vai trò đóng góp ý kiến thẩm định.Khi nhận được ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh hỏi về dự án này, theo chức năng nhiệm vụ, Bộ KH&ĐT đã có văn bản số 3871 ngày 29/5/2008 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh góp ý và có cảnh báo về tác động môi trường.Ngọc Linh
Đâu chỉ có Formosa? Hãy nhìn thẳng vào những chuyện "đúng quy trình" đáng sợ ở Việt Nam
Bùi Hải |
Chỉ khi người làm ra và vận hành quy trình ấy biết được cái giá của sự liêm sỉ... thì "quy trình đúng" mới không trở thành cái khiên che chắn cho tội lỗi, hại dân, hại nước.
1. Khi im lặng không còn là vàng
Cách đây mấy ngày, ông Võ Kim Cự vẫn cực kỳ nhất quán trong việc thực hiện một "quy trình đúng" trong xử lý khủng hoảng truyền thông theo kiểu "makeno – mặc kệ nó": Im lặng là vàng.
Vàng rất quý nhưng chúng không hề biết… nói. Theo quan điểm này, càng ít nói, sự việc càng mau chìm xuống, nhất là trong thời buổi mà thác lũ thông tin mới mỗi ngày nhanh chóng nhấn chìm sự kiện cũ.
Nhưng ông Cự và những người tư vấn cho ông có vẻ chưa tính hết: Khi biển vẫn chết, ngư dân vẫn treo niêu và mối lo Formosa vẫn còn nguyên đó, thì mũi dùi dư luận không thể nào lãng quên một nhân vật rất quan trọng trong dự án như ông.
Ông Võ Kim Cự có thể tiếp tục chống cự bằng cách im lặng trước dân; tiếp tục dùng nhiều cách, cả tinh tế và thô sơ để tránh báo chí đến cùng, nhưng ông không thể im lặng khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân "nhắc nhở" rất nhẹ nhàng về trách nhiệm của một Võ Kim Cự - đại biểu quốc hội.
Người dân không bầu ra một đại biểu chỉ biết bịt tai và im lặng trước bức xúc và nhiều câu hỏi nóng bỏng của họ.
Sau nhiều ngày dùng mọi biện pháp nghiệp vụ để "săn đuổi" – như ý ông Cự đã phàn nàn, đột nhiên được ông Cự đồng ý gặp, cánh báo chí mừng hơn bắt được vàng.
Khác hẳn với quy trình im lặng suốt 4 tháng, ông Cự trả lời liên tục.
Tuy nhiên, khi đọc bài trả lời phỏng vấn rất đúng quy trình của ông Cự, độc giả nhanh chóng rơi vào một trạng thái "không trọng lượng" – nghĩa là nhất thời không biết luận giải ra sao.
Đầu tiên, ông Cự cho thấy mình còn có công khi phải "đấu tranh cân não" để đi tới quyết định chọn Formosa nhằm "giữ lại mỏ sắt Thạch Khê cho con cháu" (Theo ông, khi ấy Formosa được chấm điểm cao một phần vì họ không đòi khai thác mỏ sắt đó và chấp nhận làm cảng biển).
Sau đó, bằng những dẫn chứng tương đối cụ thể, ông Cự chứng minh tất cả tiến trình, nội dung dự án, kể cả đánh giá tác động môi trường, đều "đúng quy trình".
Ông bảo Hà Tĩnh đã xin ý kiến Trung Ương, đã được sự thẩm định của 12 Bộ chuyên ngành, đã được Thủ tướng đồng ý cho Formosa thuê 70 năm. Nghĩa là không có chuyện tiền trảm hậu tấu.
"Hà Tĩnh không đủ thẩm quyền và không đủ khả năng quyết những việc ấy" ông Cự nhắc lại thông điệp quan trọng này trong các bài báo.
Điều cuối cùng mà ông Cự đề cập trong các bài trả lời phỏng vấn cũng được khép lại bằng một "quy trình đúng" trong xử lý khủng hoảng truyền thông: Ông bày tỏ thái độ phẫn nộ khi Formosa làm sai dù đó là "sự cố ngoài ý muốn".
Ông chia sẻ sâu sắc với ngư dân bị thiệt hại, vì trong số hàng triệu người đó có nhiều đồng hương của ông.
Thậm chí, trong một thông điệp mới nhất, ông Cự tiến thêm một bước để chinh phục thêm những người còn đang phân vân: "tôi dám làm, dám chịu, không đổ lỗi cho bất kỳ ai".
Tất cả những dẫn giải đó, thực ra, cũng đã khiến cho nhiều người thay đổi thái độ, nếu như tờ Tuổi trẻ không phát hiện ra một văn bản do chính ông Cự ký ngày 9-4-2008 gửi Formosa nêu rõ thời hạn thuê đất là 70 năm, cùng hàng loạt ưu đãi trong mơ khác.
Và sau đó 1 tháng, ngày 8-5-2008, Hà Tĩnh mới gửi các văn bản xin ý kiến các bộ ngành.
Nhiều lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã phải đăng đàn khẳng định: Trong tất cả các văn bản xin ý kiến bộ ngành và Thủ tướng, không có văn bản nào Hà ĩnh đề cập chuyện cụ thể: Cho thuê đất 70 năm.
Tới đây thì có vẻ thái độ "tôi dám làm, dám chịu, không đổ lỗi cho bất kỳ ai" của ông Cự bắt đầu được giải mã.
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó tổng Thanh tra Chính phủ, một quan chức cả đời nêu cao sự thanh liêm, đã nhận xét về cái điều mà ông Cự tự nhận "dám làm, dám chịu" bằng một câu rất hay: "Ông Cự trả lời như lấy thúng úp voi".
Nói đi thì cũng phải nói lại cho công bằng, câu chuyện trách nhiệm với một siêu dự án như Formosa, không thể nào chỉ đổ lên vai ông Cự.
Cả một tiến trình phức tạp, rắc rối liên quan đến rất nhiều cơ quan, diễn ra trong một thời gian không ngắn, không bao giờ là kết quả của ý chí một vài người. Đó là câu chuyện dài về cơ chế, về kiểm soát, thẩm tra, thẩm định và sử dụng nhân sự.
Nói về trách nhiệm của mình ở Formosa, ông Võ Kim Cự bảo: "Tôi khẳng định, tôi làm mọi việc theo đúng quy định của pháp luật chứ không vì một động cơ hay mục đích cá nhân nào cả. Mọi việc hoàn toàn là vì dân, vì nước…". Ông Cự muốn có một dự án là đầu kéo, là cú hích để Hà Tĩnh phát triển mạnh.
Việc ông Cự có hoàn toàn vì dân vì nước, có làm đúng quy trình hay không, hãy để các cơ quan kiểm tra làm rõ.
Chỉ biết rằng, trước khi trở thành một đầu kéo kinh tế, Formosa đã kịp hủy hoại không thương tiếc kinh tế biển miền Trung.
Chỉ biết rằng, với những ưu đãi trong mơ, Formosa chỉ phải trả tổng cộng tiền thuê đất trong suốt 70 năm là 94 tỉ đồng cho hơn 33 triệu mét vuông đất – mặt nước (giá thuê chỉ có 80đ/1m2/ năm).
Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ lần thẩn rằng khi giành được dự án, Formosa có lẽ đã ăn mừng tưng bừng vì họ đã biết vận hành một quy trình đúng trong việc tiếp cận nhân vật quan trọng như ông Cự.
2. Vi phạm pháp luật, vẫn "đúng quy trình"
Trước khi bị phát giác đầu độc biển miền Trung, Formosa được biết đến như một "đế chế" riêng ở trong lòng Hà Tĩnh.
Formosa gây ra hàng loạt vụ bê bối lớn. Giàn giáo sập 13 người chết, 29 người bị thương. Đổ thải trộm khiến dân ai oán. Sử dụng chui hơn 3.000 lao động Trung Quốc. Tự ý xây miếu thờ bất chấp sự không cấp phép của chính quyền…
Có vẻ công ty này và cả cơ quan quản lý rất biết cách xử lý đúng quy trình những thảm kịch này, nên tiến độ dự án vẫn chạy băng băng.
Những vụ đổ trộm chất thải tai tiếng được xử lý đúng quy trình thế nào đó để sau đó Chu Xuân Phàm vẫn lên mặt răn dạy người Việt chọn thép thì thôi tôm cá.
Cư dân mạng, khi rảnh việc hay làm những thứ so sánh có vẻ khập khiễng nhưng lại đầy cảm xúc thực tế.
Trong khi hai thanh niên cướp ổ bánh mì vì đói bị bắt và xét xử phạt tù rất quyết đoán, đúng quy trình, thì ông Bí thư huyện ủy Hà Quảng lái xe điên đâm chết 3 người được hưởng án treo.
Trong khi lãnh đạo Formosa nhanh chóng cúi đầu theo công nghệ xin lỗi đã có bề dày và rất đúng quy trình của họ, thì gia đình người thợ lặn cho Formosa tử vong bất thường giữa những ngày cá chết trắng bờ, lại phải chờ hơn 2 tháng mới đòi được kết quả pháp y.
Trong khi hai người dân thường phạm tội đập 7 hộp sữa của siêu thị, được đưa đến trại giam mau lẹ theo một quy trình đúng, thì nguyên Chủ tịch Vinaconex (nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình) lại được miễn trách nhiệm hình sự.
Đường nước sạch sông Đà mà ông Bình và Vinaconex phải chịu trách nhiệm chính, mới vỡ có… 18 lần và tất nhiên có thể chưa phải lần cuối, gây thiệt hại tiền tấn, khiến hàng trăm ngàn người điêu đứng vì thiếu nước.
Quy định pháp luật chỉ cho phép mỗi sở không quá 3 Phó giám đốc, nhưng riêng Thanh Hóa lại bổ nhiệm đến 8 PGĐ sở NN&PTNT vì "một tỉnh mênh mông rộng lớn như Thanh Hóa mà có từng đó cấp phó là còn vất vả ấy chứ!" – như lời than vãn của ông Lê Như Tuấn, GĐ Sở.
Điều rất thú vị "chỉ có ở Việt Nam" là: Một việc sai rành rành đến mức ông Nguyễn Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) phải thốt lên "vi phạm quy định của pháp luật" - lại được tiến hành rất "đúng quy trình".
Theo một tờ báo, ông Trịnh Minh Chiến, bí thư Thanh Hóa khẳng định chắc nịch: "Quy trình bộ nhiệm hoàn toàn theo quy định của pháp luật. Thanh Hóa cũng không bao giờ dám làm sai quy trình.
Một tỉnh có truyền thống lịch sử văn hóa, và con người cá tính như vậy, nếu làm sai chúng tôi bị kiện ngay lập tức".
Cái sự "đều đúng quy trình" nhưng lại… vi phạm pháp luật này, có vẻ là một đặc sản của Thanh Hóa.
Đợt rà soát mới đây nhất của chính Sở Nội vụ tỉnh này đã phát hiện một điều khó tin nhưng có thật: Thanh Hóa bổ nhiệm thừa đến cả trăm phó phòng.
TP. Thanh Hóa bổ nhiệm sai 53 phó phòng, huyện Triệu Sơn thừa 32 phó phòng, Thiệu Hóa thừa 20, Tĩnh Gia thừa 17, Thạch Thành thừa 17, Yên Định thừa 12, Quảng Xương thừa 7...
Dù Chủ tịch UBND tỉnh đã phải tuýt còi dừng việc bổ nhiệm phó phòng song GĐ Sở Tài Chính Đinh Cẩm Vân vẫn nhanh tay hốt cú chót: Bổ nhiệm con gái Lê Cẩm Nhung, chuyên viên phòng Quản lý Ngân sách tin học và Thống kê tài chính, lên chức Phó trưởng phòng của chính cái sở mà mẹ cô làm GĐ.
Tôi chắc chắn rằng, khi Vinashine, Vinalines chưa xuất lộ hình hài gớm ghiếc của một con bệnh nặng, có rất nhiều đoàn đến kiểm tra, giám sát, thậm chí học hỏi kinh nghiệm làm lớn.
Vụ "cả họ làm quan" nổi sóng thần ở Mỹ Đức, Hà Nội trước đây cũng khép lại bằng việc đúng quy trình.
12 người là họ hàng làm quan ở xã Hạ Sơn, Quỳ Hợp, Nghệ An cũng được xác định là làm quy trình "dân chủ, công khai, dựa trên năng lực cá nhân".
Các thủy điện ở Tây Nguyên có lẽ cũng được xây dựng đúng quy trình, nhưng rừng thì đang bị tận diệt đúng quy trình của lâm tặc.
"Còn một mảnh rừng cuối cùng là Vườn quốc gia Yoóc Đôn thì người ta cũng lăm le làm nốt thủy điện; Hàng năm tỉnh phải đi xin nước của nhà máy thủy điện mới tổ chức được Lễ hội đua voi trên sông Sêrêpôk…
Nếu chúng ta không làm nhanh thì chúng ta sẽ không còn Tây Nguyên nữa" - đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Duy Hữu kêu lên đau đớn.
Nếu không có một bài báo phát hiện chi tiết nhỏ là ông Phó chủ tịch đi xe quá tiêu chuẩn (Lexus 570) thì sau này, hàng loạt "quy trình đen" đề bạt, cất nhắc Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, lại có thể trở thành "quy trình đúng".
Nếu vẫn còn chức thì trên cả cương vị Phó chủ tịch tỉnh lẫn đại biểu QH, ông Thanh hoàn hoàn có thể răn dạy người khác về liêm chính, về việc đào tạo đội ngũ kế cận đúng quy trình.
Nếu không có một người thầy giáo chân quê, đôi lúc dám đặt cược cả sinh mạng của mình (bệnh tim) để đội đơn cầu cứu khắp nơi, thì mọi quy trình khép tội người tù xuyên thế kỷ Huỳnh Văn Nén có thể trở thành "quy trình đúng" được phổ biến ở đâu đó giống như "một trận đánh đẹp" mà đứng đầu CA Hải Phòng đã phát biểu trong vụ Đoàn Văn Vươn.
Nếu không có bài báo khởi đầu và cú chốt quyết định là chỉ đạo của Thủ tướng, thì gần như chắc chắn giờ này chủ quán café Xin chào ở TP. HCM đang phải "chăn kiến" trong một trại giam nào đó bởi "quy trình đúng" của công an, viện kiểm sát bởi tội Kinh doanh trái phép.
Những con bệnh đa cấp lừa đảo khủng khiếp như Liên Kết Việt, khi chưa bị báo chí phanh phui, có không ít VIP đã đến phát biểu, trao hoa, biểu dương mô hình làm ăn mới vì cộng đồng.
Quy trình đúng mà bọn lừa đảo nhắm đến, lơi dụng, là phải có sự hiện diện của VIP để tăng uy tín. Tiền tài và sự cung phụng, luôn là quy trình đúng trong lựa chọn của những quan tham.
3. Để voi không duyệt binh hàng đoàn qua…lỗ kim
Một chuyên gia về công tác nội vụ đã nói rằng: Nếu chỉ xét khía cạnh các quy định thì quy trình làm nhân sự của Việt Nam hiện nay vào loại chặt chẽ nhất thế giới.
Một người muốn được bước vào hàng ngũ chức sắc, trước hết phải có tên trong danh sách quy hoạch nguồn lãnh đạo. Sau đó còn phải được giới thiệu, thẩm định của đủ loại cơ quan đoàn thể thành phần từ nơi công tác đến nơi cư trú; lấy phiếu tín nhiệm trước khi được đa số tập thể lãnh đạo biểu quyết đồng ý và thủ trưởng cơ quan ra quyết định bổ nhiệm.
Nếu quy trình ấy được làm đúng, minh bạch, công tâm, vì cái chung thì một con vi khuẩn cũng không lọt qua được lỗ kim.
Nhưng thực tiễn thì không giống như lý thuyết.
Vài năm qua, với một sự nỗ lực lớn, Việt Nam đã lôi ra ánh sáng và xét xử nhiều đại án tham nhũng. Nhưng phía sau sự nỗ lực ấy, lại là câu hỏi: Tại sao nhiều "binh đoàn voi" lại có thể diễu binh đàng hoàng qua lỗ kim như vậy?
"Chúng ta phải xem lại cơ chế quản lý kinh tế, kiểm soát doanh nghiệp, chứ sao lại để một cán bộ như Giang Kim Đạt.
Chức vụ không cao, chỉ là Trưởng phòng một đơn vị thuộc Vinashin thôi mà lại có thể dễ dàng tham nhũng đến gần 19 triệu USD (gần 400 tỉ). Đây là điều không thể chấp nhận được", ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã phải kêu lên như vậy.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận xét: "Trong nỗ lực né tránh, để "thoát hiểm", các ý kiến biện minh thường tập trung vào khía cạnh "bổ nhiệm đúng quy trình".
Tấm "chắn" quy trình đang được sử dụng triệt để nhằm che chắn những yếu kém thực chất của cơ chế quản trị điều hành, của năng lực cán bộ và của những động cơ lợi ích nhóm - cá nhân rất mạnh ở phía sau".
ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, khi nói về việc bổ nhiệm con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đã khái quát vấn đề rất chính xác.
"Có huyện, cả dòng họ làm lãnh đạo huyện, người thân trong gia đình thay nhau làm lãnh đạo huyện. Bây giờ ở các bộ, ngành cũng có tình trạng đưa con cháu mình vào.
Vấn đề này, ĐB QH cũng rất bức xúc và đã phát biểu nhiều: "Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ", mà bây giờ trí tuệ còn rớt xuống thứ 5, thứ 6 rồi" – ông Phong đánh giá.
Ông Phong cho rằng gài người của mình và yêu cầu "đàn em, đồ đệ" làm theo quy trình thì bản thân quy trình đó đã sai!
Quy trình dạy học đúng, nhưng rơi vào tay một cô giáo tồi, thiếu kiến thức và nhiệt huyết, thì những đứa trẻ sẽ biến thành con vẹt.
Quy trình học hành đúng, nhưng rơi vào tay những kẻ hãnh tiến, háo danh, tham lam, thì sẽ ra lò những luận văn tiến sĩ khiến "Thượng đế cũng phải cười".
Quy trình tố tụng đúng, nhưng rơi vào tay cảnh sát, kiểm sát viên, thẩm phán tồi hoặc thoái hóa biến chất, thì sẽ có rất nhiều con thỏ bị biến thành gấu - như ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén.
Quy trình nuôi dạy trẻ đúng, nhưng nếu những búp trên cành rơi vào tay các bảo mẫu ác thú như Quảng Thị Kim Hoa, thì tâm sinh lý của những đứa trẻ vô tội sẽ đi vào ngõ cụt.
Quy trình nào thì cũng do con người làm ra va vận hành.
Chỉ khi người làm ra và vận hành quy trình ấy biết được cái giá của sự liêm sỉ; biết được số phận thảo dân cũng đáng quý như số phận quan; biết được "trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ", biết được sẽ không có vùng cấm nào để hạ cánh an toàn cho những chuyên cơ vơ vét…, thì khi ấy, "quy trình đúng" mới không trở thành cái khiên che chắn cho tội lỗi, hại dân, hại nước.
"Văn bản của ông Võ Kim Cự vi phạm pháp luật và vượt thẩm quyền"
Trạch Vinh |
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, rõ ràng, văn bản của ông Võ Kim Cự như vậy đã vi phạm pháp luật và vượt thẩm quyền của ông ấy.
Liên quan đến "tranh luận đúng - sai" giữa ông Võ Kim Cự và Thanh tra Chính phủ trong việc cấp phép đầu tư cho Formosa, mới đây, báo chí đã đăng thông tin về việc ông Cự ký, gửi văn bản tới Formosa với nhiều ưu đãi trong đó có việc cho thuê đất 70 năm trước khi hỏi Chính phủ.
Cần phải kiểm tra để xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự
Nói về những ưu đãi cho Formosa trong văn bản mà ông Võ Kim Cự đã ký ngày 9/4/2008, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: "Rõ ràng, văn bản của ông Võ Kim Cự như vậy đã vi phạm pháp luật và vượt thẩm quyền của ông ấy.
Ông Cự đã gửi công văn đến cho Formosa trước khi được sự đồng ý của Chính phủ.
Tôi nghĩ việc này cần phải được đưa ra kiểm tra và xem xét. Nếu như các tỉnh đều tự ý quyết định như thế này thì luật pháp của chúng ta sẽ không được tôn trọng và câu hỏi đặt ra là: Ông Võ Kim Cự làm việc ấy với động cơ gì?".
Trước ý kiến của các ĐBQH về việc bổ sung một nội dung về môi trường để Quốc hội giám sát năm 2017 cũng như cần phải có một chuyên đề giám sát chuyên sâu về Formosa, ông Lê Đăng Doanh cho biết:
"Tôi hoàn toàn ủng hộ các ý kiến của các vị ĐBQH và vấn đề về Formosa không chỉ là vấn đề về môi trường, không chỉ là vấn đề về 70 năm mà là vấn đề liên quan đến cả an ninh - quốc phòng của đất nước.
Tại sao, ông Võ Kim Cự lại làm việc đó? Tôi nghĩ rằng, bây giờ đã phát hiện ra những thông tin mới (thông tin về văn bản ông Võ Kim Cự gửi Formosa ngày 9/4/2008 - PV) như vậy thì cần phải thực hiện việc kiểm tra để xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự. Chúng ta phải giữ nghiêm pháp luật".
"Không có vùng cấm gì hết"
Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nói: "Mọi việc liên quan đến lợi ích của dân tộc mà những người có trách nhiệm thì cần phải làm rõ. Đó là nguyên tắc và tinh thần đó là tinh thần của Đảng.
Thời tôi làm việc, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và ban Bí thư, những việc đã được đặt ra đều được chỉ đạo, các cơ quan đều phải nhập cuộc trong đó có Uỷ ban kiểm tra Trung ương. Tất nhiên yêu cầu những cá nhân có liên quan đều phải giải trình".
Với tình huống cụ thể của ông Võ Kim Cự liên quan đến Formosa, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng:
"Trước nhất, tôi cho rằng ông Võ Kim Cự, các cơ quan chức năng trong đó có HĐND và bản thân cấp uỷ ở Hà Tĩnh phải có giải trình toàn bộ quá trình hình thành công trình này, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, của các cấp, các ngành.
Những vấn đề cần giải trình gồm: Tại sao lại cấp phép 70 năm cho Formosa? Những quy trình đảm bảo môi trường?
Không có chuyện đổ vấy cho ai cả. Đất nước chúng ta đang phát triển vì thế còn phải xây dựng, đó sẽ là bài học rất tốt cho tương lai. Tôi ủng hộ quan điểm của dư luận để rút ra một bài học chứ không phải để hành tội ai cả...
Ông Cự có trả lời báo chí là Thủ tướng quyết nhưng Thủ tướng quyết trên cơ sở nào cũng phải làm rõ. Không có vùng cấm gì hết".
Cũng theo ông Hùng, sau khi có giải trình, các cơ quan chức năng Trung ương phải vào cuộc để thẩm tra các giải trình ấy. Cụ thể là Bộ KH-ĐT và Văn phòng Chính phủ sẽ xem xét giải trình ở phía dưới.
Trên các cơ sở dữ kiện giải trình, phải đi đến quy trách nhiệm: trách nhiệm cá nhân ông Võ Kim Cự và các cơ quan khác... Có như vậy mới minh bạch vấn đề. Và nếu ông Cự vẫn khẳng định mình đúng thì giải trình của ông Cự có thể được đăng lên báo để mọi người cùng biết.
Ông Võ Kim Cự luôn khẳng định mình làm đúng khi cấp phép cho Formosa (Ảnh: Tuấn Nam)
"Trách nhiệm của ông Võ Kim Cự và tổ chức Đảng, chính quyền Hà Tĩnh là không chạy đi đâu được", ông Vũ Quốc Hùng khẳng định.
Đồng thời, heo ông Hùng, Uỷ ban kiểm tra Trung ương cũng phải vào cuộc để kiểm tra vụ việc này. Và Uỷ ban KT Trung ương các khoá cũng phải xem lại xem đã từng được nghe phản ánh gì về việc liên quan đến Formosa không (tuy đây là việc liên quan đến vấn đề kinh tế nhưng cũng liên quan đến cả chính trị).
"Thời chúng tôi làm, những việc có dư luận thì Bộ Chính trị và Ban Bí thư đều chỉ đạo xem xét hết", ông Hùng cho biết thêm.
Đã từng có cảnh báo từ bài học nước Nhật
Nhắc đến sự cố ở Formosa, ông Vũ Quốc Hùng xót xa nhớ lại: "Tôi còn nhớ khi tôi dự Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh trước đây, tôi thấy các đồng chí đã nói đến việc sẽ có một công trình về sắt thép. Là một kỹ sư về luyện kim, trong lòng tôi khi đó rất mừng là chúng ta sẽ có một nhà máy phức hợp luyện cán thép.
Nói như vậy là để thấy việc này đã có từ lâu. Nhưng những người nhận công trình ấy thì phải đầy trách nhiệm: làm thế nào để xây dựng lên một nhà máy có ích cho đất nước, đồng thời những vấn đề về môi trường phải được tính toán.
Tôi vẫn nhớ, khi đồng chí Phan Văn Khải còn làm Thủ tướng, tôi dự thính ĐBQH. Thủ tướng Phan Văn Khải có nói rằng, khi sang làm việc với những người đứng đầu của nước Nhật, họ đã cảnh báo Việt Nam bài học của Nhật về môi trường khi phát triển các ngành kinh tế, công nghiệp".
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét