Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Tin khó tin: Trịnh Xuân Thanh không “chạy”, cách chức Vụ trưởng và cán bộ “bắt tay” xã hội đen “bóp cổ” doanh nghiệp

LĐO HOÀNG VĂN MINH (TỔNG HỢP)


Đọc Tin khó tin hôm nay, quý vị sẽ biết hóa ra ông Trịnh Xuân Thanh là do tỉnh Hậu Giang nghe tiếng nên chủ động xin về làm Phó chủ tịch chứ chẳng phải "chạy" để "xóa" dấu vết vụ 3000 tỷ thua lỗ như người ta đồn thổi. Nhưng khó tin nhất hôm nay lại là chuyện bác sĩ bây giờ phải thay cho giáo viên "ra trận" nên tai biến ngớ ngẩn liên tục từ bệnh viện huyện đến trung ương, ông Vụ trưởng biến chất "phù phép" văn bản "bảo kê" cho doanh nghiệp thu tiền và mấy vị quan tham "bắt tay" với xã hội đen để "bóp cổ" doanh nghiệp thu tiền tỉ.
    1. Ông Trịnh Xuân Thanh không hề "chạy"
     Ông Trịnh Xuân Thanh và công văn 1159 ngày 1.4.2015 của tỉnh ủy Hậu Giang. Ảnh: HTD
    Lâu nay dự luận cứ bảo ông Trịnh Xuân Thanh, sau khi gây thua lỗ hơn 3000 tỷ đồng ở Tổng Cty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã “chạy” ở trên và được ai đó điều đi mấy chỗ rồi điều về làm Phó chủ tịch Hậu Giang để “xóa” dấu vết. Nhưng hóa ra không phải.
    Ông Thanh được tỉnh Hậu Giang chủ động xin về với quy trình như sau: Đầu năm 2013, UBND các tỉnh Hải Phòng, Lạng Sơn, Phú Yên, Hậu Giang, Bạc Liêu, Phú Thọ và Bộ Nội vụ có các tờ trình về việc xin bổ sung mỗi tỉnh một phó chủ tịch nhưng không được Chính phủ đồng ý.
    Tuy nhiên, tháng 1.2014, phía Trung ương có thông báo rằng Tỉnh ủy Hậu Giang được tăng thêm một phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 từ nguồn nhân sự theo nhu cầu của tỉnh. Và đầu tháng 4.2015 Tỉnh ủy Hậu Giang có công văn gửi Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương để xin đích danh ông… Trịnh Xuân Thanh về công tác tại UBND tỉnh.
    Bộ Công Thương tất nhiên đồng ý và mọi thủ tục sau đó chỉ hoàn tất trong vòng 1 tháng, bao gồm cả việc chuyển chiếc xe Luxes sau khi Bộ Nội vụ nói làm vậy là “đúng quy trình”!
    Chỉ có điều không hiểu là tỉnh Hậu Giang chủ động xin ông Thanh, nhưng mới đây khi trao đổi với báo giới, một lãnh đạo tỉnh Hậu Giang lại thừa nhận tỉnh đã… sai khi làm văn bản xin một cá nhân về làm lãnh đạo khi chưa nắm rõ về lý lịch!
    Khó vậy mà cũng nghĩ ra được để nói! Xem tại đây
    2. Cán bộ “bắt tay” xã hội đen “bóp cổ” doanh nghiệp
     Đối tượng Võ Hoàng Anh, Thanh tra giao thông vừa bị công an Cần Thơ bắt vì tội "bảo kê". Ảnh: Lao Động
    Tính đến thời điểm này, đã có 3 cán bộ Thanh tra giao thông ở Cần Thơ và một đối tượng “xã hội đen” có liên quan bị công an tra còng “bắt sống” vì tội “bảo kê” lấy tiền.
    Tất nhiên đối tượng bị bắt sẽ chưa dừng lại ở con số 3 vì vụ án đang được mở rộng điều tra và “chưa thể xác định ai là chủ mưu”.
    Điều này chẳng có gì lạ bởi ngoài kia còn nhiều lắm các chú thanh tra giao thông chưa bị lộ. Chỉ lạ và giật mình bởi cách “bóp cổ” doanh nghiệp của những cán bộ thanh tra này khi “bắt tay” với xã hội đen để đe dọa doanh nghiệp.
    Bằng nhiều hình thức, “cán bộ xã hội đen” đã đe dọa chủ phương tiện phải nộp tiền “bảo kê”, chỉ cần đưa tiền chậm vài ngày là bị “bắt xe”. Mức nộp “bảo kê” thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 3 triệu đồng, doanh nghiệp hoặc cửa hàng nào có xe nhiều thì phải nộp nhiều, ít thì nộp ít.
    Số tiền “bảo kê” sẽ được chung chi cho đối tượng xã hội đen, sau đó “xã hội đen” sẽ chuyển qua tài khoản cho các cán bộ. Chỉ tính riêng tài khoản ngân hàng mà công an thu thập được, số tiền nộp “bảo kê” đã lên đến hơn 3 tỉ đồng…
    Chỉ riêng mỗi loại cán bộ biến chất biết lợi dụng quyền hạn và chức vụ để hành dân, hành doanh nghiệp thôi thì khổ đã kêu không thấu trời. Đằng này biến chất còn được phụ họa thêm bởi luật rừng của xã hội đen thì làm sao dân sống nổi?
    Mà ông nào chụp cái ảnh ông “thanh tra xã hội đen” đăng trên Lao Động cũng ác, góc chụp và kỹ thuật thế nào mà nhìn mặt cán bộ lai gian không chịu được! Xem tại đây
    3. Cách chức Vụ trưởng làm giả hơn 800 giấy lưu hành
     Ông Bùi Đức Quý. Ảnh: T.Q
    Còn đây là ví dụ về cán bộ biến chất nhưng chưa “xã hội đen” kiểu sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi.
    Hôm qua thì Tổng cục Thủy sản của Bộ Nông cho biết đã khai trừ Đảng, cách chức đối với ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản. Ông Quý cũng là nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Trung tâm).
    Cơ quan này cũng khai trừ Đảng, buộc thôi việc đối với ông Lê Tuấn Anh - Phó phòng Hành chính quản trị, Tổng cục Thủy sản. Buộc thôi việc 5 viên chức của Trung tâm và cảnh cáo 1 viên chức.
    Lý do, các đối tượng trên đã "phù phép" 3 văn bản của Tổng Cục Thủy sản, trong đó cấp phép cho lưu hành 140 sản phẩm là thức ăn chăn nuôi và 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường thủy sản vào lưu hành trái quy định của pháp luật để vụ lợi.
    Lợi, tất nhiên được quy ra tiền. Cơ quan chức năng đã chứng mình trong quá trình thực hiện những hành vi trên, ông Quý đã nhận 2 lần tiền với tổng số 912 triệu đồng và trung bình 5 triệu đồng/sản phẩm nhận làm cho doanh nghiệp.
    Lâu nay Bộ Nông cứ ra rả gào doanh nghiệp, người dân Việt tự đầu độc người Việt. Hóa ra nhờ cán bộ của chính Bộ Nông tiếp tay và “bảo kê” bằng “cơ chế”. Hèn chi những thứ cho vào mồm, 10 cái thì hết 9 chứa đầy độc tố! Xem tại đây
    4. Bác sĩ “ra trận”
     Bệnh nhân mới nhất bị bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy cắt cụt chân "do kinh nghiệm của bác sĩ còn hạn chế trong chẩn đoán và xử trí trường hợp khó". Ảnh: Tiền Phong
    Vừa qua “quận” “giáo dục là một trận đánh lớn”, giờ đến lượt bác sĩ than đến bệnh viện làm việc áp lực cứ như “ra trận” sau một năm thực hiện phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
    Và liệu việc bác sĩ “ra trận” có liên quan gì đến những tai biến liên tục kiểu ngớ ngẩn của ngành y thời gian gần đây không nhỉ?
    Nhiều khả năng đây là cách giải thích hợp lý nhất bởi chỉ có trong tâm trạng “đánh trận”, bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức mới không thèm xem bệnh án để rồi bệnh nhân đau chân trái mổ chân phải.
    Và tin mới nhất, một người dân ở Long An đang làm thủ tục khởi kiện bác sĩ vì lý do: Anh ấy bị tai nạn giao thông sưng chân, nhưng sau một thời gian chuyển viện lòng vòng từ huyện lên tỉnh, từ tỉnh lên Sài Gòn, anh ấy “được” bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy cưa luôn cái chân do “do kinh nghiệm của bác sĩ còn hạn chế trong chẩn đoán và xử trí trường hợp khó” như kết luận của Sở Y tế sau đó.
    Vậy nhưng trong hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện phong trào “đổi mới phong cách…” mới đây, Bộ Y đã công bố những con số rất khó tin khi khảo sát ở 10 bệnh viện trên cả nước: Có đến 87,67% người bệnh hài lòng về dịch vụ khám chữa bệnh và chỉ có 1% không hài lòng!
    Tóm lại là các bệnh viện khảo sát đã sớm đạt được chỉ số hài lòng theo yêu cầu về cải cách hành chính của Chính phủ hay còn gọi là “vượt chỉ tiêu”.
    Nghe không những thấy quá lạc quan mà còn lạc quan ngút trời! Xem tại đâytại đây và tại đây

    Không có nhận xét nào: