Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Đại học Kinh tế quốc dân bị ví như...quán phở

Vụ ĐHKTQD Hà Nội tăng học phí sốc: Trường học đâu phải quán phở!

VOV.VN - Một trường Đại học không thể cư xử với sinh viên của mình đơn thuần như một ông chủ quán phở, khách đã vào hàng ăn nên giá là do ông quyết định.
7 năm về trước, lần đầu tiên tôi đến làng gốm Bát Tràng, tôi đã được nếm thử vị mặn chát của một bát phở bò quán ven đường giá 60.000 đồng.
Tôi còn nhớ ở khoảng thời gian đó, gọi một bát phở bò ở quê tôi có giá dao động từ 15.000-20.000 đồng. Bát phở ở Bát Tràng có giá đó khiến cho một cậu học sinh THPT như tôi sẽ còn nhớ suốt 1 đời bởi vì sau khi ăn tôi mới hỏi giá tính tiền. 2 bát 120.000 đồng, thế là hết tiền đi chơi, lủi thủi ra xe bus đón xe về.
Kể từ đó tôi gặp ấn tượng xấu đối với những quán ăn, dù bất kể ở đâu. Những nơi nào không niêm yết giá, tôi đều phải hỏi trước khi ăn. Chỉ một hành động nhỏ của ông chủ quán phở năm ấy, đã khiến tôi mất niềm tin vào con người trong suốt một khoảng thời gian dài.

Tôi nghĩ tôi thành ra như vậy bởi vì năm đó ông chủ quán không cho tôi sự lựa chọn, khi mà chắc chắn với vị trí một người bán hàng, ông biết giá ông bán như thế là cao gấp hai - ba lần giá thị trường, với một sản phẩm không có gì quá khác biệt.
Những sinh viên chuẩn bị lên năm 2 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội hiện tại cũng đang ở vào trong tình cảnh của tôi tại Bát Tràng ngày ấy, trường Đại học của họ không cho họ sự lựa chọn khi tăng học phí.
Theo ông Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, sinh viên khoá 57 của trường là nhóm áp dụng mức học phí tăng 30% khi nhập học năm học 2015-2016, và sắp tới cũng tăng lên gần 30% khi vào năm học 2016-2017. Ông Chương cũng chia sẻ rằng “Việc tăng học phí của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là thực hiện cam kết trong Đề án 368 và có vận dụng cả Nghị định 86 của Chính phủ”.
Thế nhưng bao nhiêu người trong số các em sinh viên biết về đề án 368 mà trường nói đó. Tôi đoán rằng không nhiều. Nhà trường liệu có đưa ra được danh sách những sinh viên nào đã biết về việc tăng học phí lên tới 30% của trường ngay từ khi mới nhập học hay không? Bởi vì nếu có thì thông báo về việc tăng học phí vừa rồi của trường Kinh tế Quốc dân đã không khiến các em sinh viên phản ứng mạnh mẽ tới vậy.
Chẳng ai biết việc tăng học phí đã được công bố chính thức cho đến khi trường này nói, thì đó chắc chắn là lỗi trong việc thông suốt thông tin của nhà trường. Mà hậu quả của việc bị ảnh hưởng tâm lý không ai khác là các em sinh viên, những “người trả tiền” cho trường nhưng đang bị “ép giá”.
Bát phở đã ăn xong không thể không trả tiền. Sinh viên đã đi học không thể không đóng học phí. Nếu không có khả năng đóng chỉ còn nước nghỉ học. Nhưng nếu giờ nghỉ học thì các em đi đâu? Kỳ thi Đại học đã qua, chẳng lẽ dành năm học tới để ôn lại kiến thức để năm sau nữa lại trở thành sinh viên mới của trường Đại học mới hay sao? Kết cục như vậy có phải quá tàn nhẫn với các em không có điều kiện hay không?
Mục tiêu cuối cùng của giáo dục không phải để bán hàng, càng không phải là kiếm tiền, mà là để đào tạo ra những con người có kỹ năng và phẩm chất tốt, giúp ích cho xã hội và cộng đồng. Cũng chính vì lẽ đó một trường Đại học không thể cư xử với sinh viên của mình đơn thuần như một ông chủ quán phở, khách đã vào hàng ăn nên giá là do ông quyết định và khách không có quyền thắc mắc.
Sinh viên tới trường là để tiếp nhận tri thức, và các em có quyền đòi hỏi những yêu cầu chính đáng như là tiếp cận thông tin, minh bạch ngân sách. Số tiền đội lên mà sinh viên phải đóng sẽ đi về đâu, tại sao họ phải đóng học phí cao bất thường như vậy? Họ sẽ được hưởng những lợi ích gì cộng thêm khi phải đóng một số tiền nhiều hơn? Đó là những câu hỏi hơn lúc nào hết các em sinh viên cần ngay câu trả lời thuyết phục từ phía trường.
Hơn cả một cái “niêm yết giá” công khai, Đại học Kinh tế Quốc dân còn rất nhiều điều phải làm để cho sinh viên thực sự hiểu về chính sách tăng học phí của trường, để biết rằng nó hợp lý và đáng để tin tưởng. Đừng để sinh viên mất lòng tin vào chính nơi đang đào tạo mình, như tôi đã từng với một ông chủ quán phở không quen tại Bát Tràng năm xưa./.
Hạ Hồng Việt

Không có nhận xét nào: