Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Biển Đông : Thắng lợi của Bắc Kinh tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp cố vấn Hoa Kỳ Susan Rice



Thanh Hà


mediaNgoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và một thành viên đoàn Cam Bốt tại hội nghị ASEAN ở Vientiane, Lào ngày 25/07/2016REUTERS/Jorge Silva
Ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN tại hội nghị Vientiane đã không đưa ra lập trường cứng rắn về các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Khối Đông Nam Á trong bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị tỏ ra hài lòng trước một số tiến bộ trong quan hệ giữa ASEAN với đối tác thương mại quan trọng nhất của khối là Trung Quốc. ASEAN tránh nêu phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về Biển Đông, bất lợi cho Bắc Kinh.








Bình luận về tuyên bố chung của ASEAN về Biển Đông sau cuộc họp cấp ngoại trưởng vừa kết thúc tại Vientiane, Lào hôm 24/07/2016 các nhà quan sát coi đây là một thất bại của ASEAN trước ông khổng lồ Trung Quốc trên hồ sơ nhậy cảm này.
Đành rằng Biển Đông đã được nhắc đến trong bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị, và các bên kêu gọi « kềm chế », tránh « quân sự hóa » khu vực làm phương hại đến quyền « tự do lưu thông hàng hải » nhưng, Cam Bốt đã tránh được búa rìu cho Bắc Kinh, khi đã ráo riết vận động để ASEAN không nhắc đến phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa án Trọng tài La Haye.
Về phần Manila, theo như đánh giá của một nhà ngoại giao được hãng tin Mỹ Bloomberg ghi nhận, Philippines đã chấp nhận lập trường chung được đưa ra tại Vientiane, tránh để rạn nứt trong nội bộ ASEAN. Trả lời hãng tin Bloomberg ngày 25/07/2016 một chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á Ian Storey, Viện nghiên cứu ISEAS của Singapore không ngạc nhiên về thái độ rụt rè của ASEAN.
Sau khi Tòa trọng tài bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với gần hết Biển Đông, và bản đồ đường lưỡi bò vi phạm chủ quyền lãnh hải của Philippines, Manila mong đợi Hiệp hội các nước Đông Nam Á tại Vientiane- Lào, bày tỏ lập trường ủng hộ những nỗ lực ngoại giao và pháp lý để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Một số thành viên khác, như là Việt Nam cũng đã coi cuộc họp vừa qua là « một bài toán trắc nghiệm » về sự đoàn kết của của ASEAN. Về phần mình, bộ Ngoại Giao Indonesia trong thông cáo trên mạng, quan niệm thể hiện đoàn kết chặt chẽ trong nội bộ ASEAN là điều hết sức cần thiết để thực hiện những mục tiêu chung của cả khối, và đây sẽ là đòn bẩy cho khu vực.
Cũng Bloomberg nhắc lại, mới chỉ tháng 6/2016 tuyên bố chung có nội dung cứng rắn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông được Malaysia đưa ra trong khuôn khổ hội nghị ngoại trưởng ASEAN- Trung Quốc tổ chức tại Vân Nam đã bị thu hồi vì có sức ép của Bắc Kinh. Ngoại trưởng Malaysia, Anifah Aman đã vắng mặt tại cuộc họp ở Vientiane lần nay vì lý do cá nhân.
Cam Bốt và kể cả nước chủ nhà là Lào, trong quá khứ từng bị chỉ trích đã gây trở ngại cho việc đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung kết thúc hội nghị ASEAN. Đặc biệt là Phnôm Pênh luôn mạnh mẽ ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh muốn giải quyết tranh chấp bằng đối thoại song phương. Không phải tình cờ mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đích thân cảm ơn Cam Bốt « có thái độ đúng đắn, trung thực » để bảo đảm ổn định trong khu vực.
Mọi chỉ trích lập tức nhắm và chính quyền Phnôm Pênh. Tờ báo Nhật The Diplomat trích dẫn lời hai nhà ngoại giao đang có mặt tại thủ đô Lào cho rằng, Cam Bốt đã bắt bí ASEAN, để cả khối phải nhượng bộ Trung Quốc.
Về phần mình, một chuyên gia uy tín Tang Siew Mun thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore ISEAS mạnh mẽ chỉ trích thái độ của Cam Bốt khi cho rằng chẳng việc vận động đề ngăn cản đưa tranh chấp Biển Đông vào bản tuyên bố chung làm rạn nứt đoàn kết của ASEAN. Điều nguy hiểm nằm ở chỗ Phnôm Pênh không nhìn thấy tầm mức nghiêm trọng của vấn đề và cũng không có ý thức về mặt chiến lược của quyết định này.
Thái độ thuần phục Trung Quốc của Cam Bốt đe dọa đến tương lai của Hiệp hội ASEAN và qua đó là cả một mảng quan hệ giữa các quốc gia Đông Nam Á với nước láng giềng to lớn sát cạnh là Trung Quốc, từ các vế kinh tế đến thương mại, chiến lược.
Theo chuyên gia họ Tang, Cam Bốt cần hiểu rằng, Phnôm Pênh là một thành viên của ASEAN và phải xác định vị trí của mình là đứng ở bên trong hay bên ngoài Hiệp hội này. Nếu đã là thành viên thì Cam Bốt phải tỏ thái độ liên đới với các nước còn lại của ASEAN, tránh gây thêm đổ vỡ trong cùng một gia đình. Điều nguy hiểm thứ hai, là Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á và ảnh hưởng đó không chỉ dừng lại ở Cam Bốt.
Cuối cùng, theo các nhà phân tích bài học từ sau thất bại lần này tại Vientiane, có lẽ là đã đến lúc ASEAN cần nhanh chóng thay đổi luật chơi trong nội bộ, tránh để một quốc gia có thể dùng quyền phủ quyết, bắt chẹt cả khối Đông Nam Á phải nghe theo. Vấn đề đặt ra là liệu quốc gia nào trong số 10 thành viên ASEAN có đủ nghị lực để áp đặt những quy tắc mới ?
( RFI)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp cố vấn Hoa Kỳ Susan Rice

000_DJ9LR.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice hội đàm tại Bắc Kinh hôm 25/7/2016.
 AFP photo
Trong lúc ông Kerry đang ở Vientiane thì bà Susan Rice cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ đến Bắc Kinh để hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về mối quan hệ song phương và tình hình thế giới.
Sáng nay khi tiếp bà Rice, Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc mong muốn mạnh mẽ xây dựng quan hệ tốt với Hoa Kỳ, cùng tôn trọng nhau, không đối đầu và xung đột nhau.
Tuy nhiên trước đó ông Phan Trường Long, Phó chủ tịch ủy ban quân ủy trung ương, cơ quan cao nhất của quân đội Trung Quốc lại cảnh báo với bà Rice rằng nếu hai bên không khéo xử lý những vấn đề nhạy cảm thì e rằng quan hệ quân sự giữa hai bên sẽ xấu đi.
Tuy không nêu ra cụ thể vấn đề gì là nhạy cảm nhưng các nhà quan sát cho rằng ông Phan muốn ám chỉ những hoạt động quân sự của Hoa Kỳ mang tên là tự do hàng hải với những cuộc tuần tra trên biển Đông đi sát các đảo nhân tạo, hay các bãi đá ở Trường sa mà hiện Trung Quốc đang kiểm soát.
Phó chủ tịch ủy ban quân ủy trung ương Trung Quốc cũng nói thêm là việc Hoa Kỳ và Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng phủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc đang làm xấu đi tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Trong thời gian có mặt tại Bắc Kinh, bà Rice sẽ gặp nhân vật cao cấp nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc là ông ủy viên quốc vụ viện Dương Khiết Trì.
Trước khi hội đàm với ông Dương, bà Rice nói với báo chí rằng quan hệ Mỹ-Trung trên nhiều lĩnh vực hợp tác là tích cực, tuy nhiên bà nhấn mạnh cả hai quốc gia đang đối diện với những thách thức toàn cầu và cần phải đối diện với những thách thức đó một cách chân thực và cởi mở.
Bà Rice không đề cập đến phán quyết ngày 12 tháng bảy của tòa trọng tài thường trực quốc tế về biển Đông, nhưng các nhà quan sát tin rằng trong cuộc thảo luận với ông Dương Khiết Trì, vấn đề này sẽ được nêu lên và là một vấn đề khó khăn trong cuộc đối thoại giữa hai bên.
Về việc Hoa Kỳ và Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng phủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc, trong cuộc gặp tại Vientiane, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với ngoại trưởng Hàn quốc Yun Byung Se rằng việc triển khai THAAD chỉ làm xấu thêm quan hệ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ông Yun thì nói lại rằng Hàn Quốc triển khai hệ thống THAAD chỉ là để phòng thủ những đe dọa của Bắc Hàn là sẽ bắn hỏa tiễn để tàn phá Hàn Quốc.
Ngoại Trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se đến Vientaine để dự hội nghị ngoại trưởng ASEAN mở rộng.
Theo một số nhà quan sát thì khi hội nghị ngoại trưởng ASEAN diễn ra, Hoa Kỳ đã không làm áp lực với Trung Quốc và Campuchia về chuyện tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, và điều này là để nhằm tìm kiếm sự hợp tác của Bắc Kinh trong việc kềm chế sự hung hăn của nhà nước Bắc Hàn.

Không có nhận xét nào: